Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT
KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM TÁM MƯƠI CHÍN
PHẨM ĐÀM VÔ KIỆT
Lúc ấy Đàm Vô Kiệt Bồ Tát bảo Tát Đà Ba Luân Bồ Tát: Này thiện nam tử! Chư Phật không từ đâu đến, đi cũng không đến đâu.
Tại sao vậy?
Chư pháp như, tướng chẳng động. Chư pháp như túc là Chư Phật.
Pháp vô sanh không đến, không đi. Pháp vô diệt tức là Chư Phật.
Pháp vô diệt không đến, không đi. Pháp vô diệt tức là Chư Phật.
Pháp thiệt tế không đến, không đi. Pháp thiệt tế là Chư Phật.
Pháp không không đến, không đi. Pháp không là Chư Phật.
Pháp vô nhiễm không đến, không đi. Pháp vô nhiễm là Chư Phật.
Pháp tịch diệt không đến, không đi. Pháp tịch diệt là Chư Phật.
Tánh hư không không đến, không đi. Tánh hư không là Chư Phật.
Này thiện nam tử! Rời các pháp ấy không còn có Phật. Chư Phật như, các pháp như, một như không sai khác.
Này thiện nam tử! Như ấy thường một, không có hai, không có ba, ra ngoài các pháp số, vì là vô sở hữu. Ví như tháng cuối xuân, giữa ngày lúc nắng nóng, có người thấy ánh nắng dợn động bèn đuổi theo mong tìm được nước.
Ý ông nghỉ sao?
Nước ấy từ ao nào, núi nào, suối nào chảy đến, nay đi về đâu, hoặc là chảy về biển Đông, biển Tây, biển Nam, biển Bắc ư?
Tát Đà Ba Luân thưa: Thưa Đại Sư! Trong ánh nắng còn không có nước, làm sao có được chỗ nước đến, nước đi.
Này thiện nam tử! Kẻ ngu vô trí bị sự khát bức ngặt, thấy nắng dợn bèn tường là nước.
Này thiện nam tử! Nếu có người phân biệt Chư Phật có đi, phải biết các người ấy đều là ngu phu.
Tại sao vậy?
Này thiện nam tử! Chư Phật, chẳng thể lấy sắc thân thấy được. Chư Phật, pháp thân không đến, không đi, cũng không chỗ đến, chỗ đi.
Này thiện nam tử! Thí như nhà ảo thuật, thuật ra các thứ như voi, ngựa, bò, dê, nam, nữ.
Ý ông nghĩ sao?
Ảo sự ấy từ chỗ nào đến, đi đến đâu?
Thưa Đại Sư! Ảo sự không thiệt làm sao có chỗ đến, chỗ đi.
Này thiện nam tử! Người mà phân biệt Đức Phật có đến, có đi cũng như vậy.
Này thiện nam tử! Ví như chiêm bao thấy voi, ngựa, bò, dê, nam, nữ.
Ý ông nghĩ sao?
Cảnh vật được thấy trong chiêm bao có chỗ đến chỗ đi chăng?
Thưa Đại Sư! Cảnh vật được thấy trong chiêm bao đều là hư vọng, làm sao lại có đến, có đi.
Này thiện nam tử! Nếu người mà phân biệt Đức Phật có đến, có đi cũng như vậy.
Này thiện nam tử! Đức Phật nói các pháp như chiêm bao. Nếu có chúng sanh nào chẳng biết pháp nghĩa ấy, cho danh tự sắc thân là Phật, người ấy phân biệt Chư Phật có đến, có đi.
Vì chẳng biết tướng thiệt tế của các pháp, nên đều là hạng ngu phu vô trí. Các người ấy mãi mãi qua lại năm được, xa rời bát nhã Ba la mật, xa rời các Phật Pháp.
Này thiện nam tử! Đức Phật nói các pháp như ảo, như mộng. Nếu có chúng sanh nào biết đúng thiệt, thì người ấy chẳng phân biệt các pháp, hoặc đến, hoặc đi, hoặc sanh, hoặc diệt.
Nếu chẳng phân biệt các pháp hoặc đến, hoặc đi, hoặc sanh, hoặc diệt thì có thể biết được thiệt tướng của các pháp mà Đức Phật đã nói.
Người ấy hành bát nhã Ba la mật gần vô thượng bồ đề, gọi là chân Phật đệ tử, chẳng hư vọng ăn của tín thí. Người ấy đáng nhận cúng dường. Là phước điền thế gian.
Này thiện nam tử! Ví như ở đại hải, những châu báu trong nước chẳng từ phương Đông lại, chẳng từ phương Nam lại, chẳng từ phương Tây lại, chẳng từ phương Bắc lại, cũng chẳng từ bốn phương cạnh và trên dưới lại.
Vì do nơi căn lành của chúng sanh mà biển sanh châu báu ấy. Châu báu ấy cũng chẳng phải không nhân duyên mà sanh. Châu báu ấy đều từ nhân duyên hòa hiệp mà sanh. Châu báu ấy nếu diệt mất, nó cũng chẳng đi đến mười phương. Các duyên hòa hiệp thì có. Các duyên rời thì diệt.
Này thiện nam tử! Thân Chư Phật cũng vậy, từ bổn nghiệp nhân duyên quả báo mà sanh. Lúc sanh chẳng từ mười phương đến, lúc diệt cũng chẳng đi đến mười phương. Chỉ các duyên hiệp thì có, các duyên rời thì diệt.
Này thiện nam tử! Ví như đờn không hầu, lúc tiếng phát ra không chỗ đến, lúc tiếng diệt không chỗ đi. Vì các duyên hòa hiệp nên có tiếng.
Có thùng, có cổ, có da, có dây, có trụ, có cần, có người lấy tay khảy, các duyên ấy hòa hiệp mà có âm thanh ấy. Âm thanh ấy cũng chẳng từ thùng đờn nhẫn đến chẳng từ tay người phát ra. Các duyên hòa hiệp bèn có âm thanh. Lúc các duyên ấy rời tan, âm thanh cũng không có chỗ đi.
Này thiện nam tử! Thân Chư Phật cũng như vậy, từ vô lượng công đức nhân duyên sanh, chẳng từ một nhân, một duyên, một công đức sanh, cũng chẳng không nhân duyên mà có.
Vì các duyên hòa hiệp nên có. Thân Chư Phật chẳng riêng từ một sự mà thành. Đến không từ đâu, đi không đến đâu.
Này thiện nam tử! Phải biết Chư Phật, tướng đến, tướng đi như vậy.
Này thiện nam tử! Cũng phải biết tất cả pháp không có tướng đến, đi. Nếu ông biết Chư Phật và các pháp không có tướng đến, đi, sanh, diệt thì tất là được vô thượng bồ đề, cũng hay lành bát nhã Ba la mật và phương tiện lực.
Lúc ấy Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhân đem hoa trời Mạn Đà La trao cho Tát Đà Ba Luân Bồ Tát mà nói rằng: Người lấy hoa này cúng dường Đàm Vô Kiệt Bồ Tát. Tôi phải thủ hộ cúng dường Ngài.
Tại sao vậy?
Vì do nơi ngài mà hôm nay đem sự lợi ích đến cho trăm ngàn muôn ức chúng sanh, khiến họ được vô thượng bồ đề.
Này Ngài! Đàm Vô Kiệt Bồ Tát ấy rất khó gặp được. Vì lợi ích cho tất cả chúng sanh mà Đại Bồ Tát chị những sự nhọc nhằn khổ sở trong vô lượng vô số kiếp.
Tát Đà Ba Luân Bồ Tát nhận lấy hoa Mạn Đà La rải trên Đàm Vô Kiệt Bồ Tát mà bạch rằng: Thưa Đại Sư! Từ ngày hôm nay, thân tôi thuộc về Đại Sư dùng cung cấp cúng dường.
Lúc ấy trưởng giả nữa và năm trăm thị nữ thưa với Tát Đà Ba Luân Bồ Tát rằng: Từ hôm nay chúng tôi cũng đem thân thuộc về Ngài. Do căn lành nhân duyên này, chúng tôi sẽ được pháp như vậy, cũng như Ngài đã được. Chúng tôi cùng Ngài đời đời cúng dường Chư Phật, đời đời thường cúng dường Ngài.
Tát Đà Ba Luân Bồ Tát bảo chúng nữ nhân: Các người lấy tâm chí thành thuộc về tôi, tôi sẽ nhận các người.
Chúng nữ thưa: Chúng tôi tâm chí thành thuộc về Ngài, tùy theo chỗ Ngài dạy bảo.
Tát Đà Ba Luân Bồ Tát và chúng nữ đem những đồ bửu vật trang nghiêm cùng năm trăm cỗ xe bảy báu dâng lên Đàm Vô Kiệt Bồ Tát mà bạch rằng: Tôi đem năm trăm nữ nhân này phụng cấp Đại Sư. Năm trăm cỗ xe này tùy Đại Sư dùng.
Thiên Đế Thích liền khen rằng: Lành thay, lành thay! Này Ngài Đại Bồ Tát thí xả tất cả sở hữu phải như vậy. Bố thí như vậy sẽ chóng được vô thượng bồ đề. Cúng dường người thuyết pháp như vậy ắt có thể được nghe bát nhã Ba la mật và phương tiện lực.
Chư Phật quá khứ, thuở trước lúc hành Bồ Tát Đạo cũng an trụ trong sự bố thí như vậy mà được nghe bát nhã Ba la mật và phương tiện lực rồi được vô thượng bồ đề.
Lúc ấy Đàm Vô Kiệt Bồ Tát muốn cho Tát Đà Ba Luân Bồ Tát được căn lành đầy đủ nên thọ lấy năm trăm cỗ xe, năm trăm thị nữ và trưởng giả nữ, thọ lấy xong bèn đem cho lại Tát Đà Ba Luân Bồ Tát. Đàm Vô Kiệt Bồ Tát thuyết pháp đến mặt trời lặn, Ngài rời khỏi pháp tọa vào cung.
Tát Đà Ba Luân Bồ Tát nghĩ rằng: Tôi vì pháp mà đến đây, vậy tôi chẳng nên ngồi và nằm.
Tôi phải dùng hai oai nghi: Hoặc đi, hoặc đứng để chờ Pháp Sư từ nội cung ra thuyết pháp.
Lúc ấy Đàm Vô Kiệt Bồ Tát trọn bảy năm nhất tâm nhập trong vô lượng A tăng kỳ Bồ Tát tam muội và hành bát nhã Ba la mật cùng phương tiện lực.
Tát Đà Ba Luân Bồ Tát cũng trọn bảy năm đi tu kinh hành hoặc đứng, chẳng ngồi, chẳng nằm, không có ngủ nghỉ, không tham dục giận phiền, lòng chẳng chấp luyến, chỉ niệm Đàm Vô Kiệt Bồ Tát bao giờ xuất định ra thuyết pháp.
Qua bảy năm, Tát Đà Ba Luân Bồ Tát nghĩ rằng tôi phải vì Đàm Vô Kiệt Bồ Tát mà trần thiết Pháp Tọa để Ngài sẽ ngồi trên đó thuyết pháp. Tôi phải rưới quét sạch sẽ, rải các thứ hoa, trang nghiêm chỗ thuyết pháp, vì Đàm Vô Kiệt Bồ Tát sẽ thuyết bát nhã Ba la mật và phương tiện lực.
Lúc ấy Tát Đà Ba Luân Bồ Tát cùng trưởng giả nữ và năm trăm thị nữ đặt giường bảy báu. Năm trăm nữ nhân đều cởi thượng nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý của mình trải trên Pháp Tọa, tâm niệm Đàm Vô Kiệt Bồ Tát sẽ ngồi trên Pháp Tọa này thuyết bát nhã Ba la mật và phương tiện lực. Sắp đặt Pháp Tọa xong, tìm nước rưới đất mà tìm không được.
Tại sao?
Vì ác ma che ngăn làm cho nước chẳng hiệp. Ma nghĩ rằng Tát Đà Ba Luân Bồ Tát tìm nước chẳng được, ở nơi Vô Thượng Bồ Đề nếu móng khởi chừng một niệm kém khác thì trí huệ chẳng chiếu, căn lành chẳng thêm, sẽ chậm trễ nơi nhất thiết trí.
Lúc ấy Tát Đà Ba Luân Bồ Tát nghĩ rằng tôi phải tự đâm thân mình lấy máu rưới đất để bụi không bay lấm dơ Đại Sư. Tôi còn cần thân thể này, nó sẽ hư hại.
Từ vô thỉ đến nay, tôi luôn luôn mất thân mạng chưa từng được có pháp. Tát Đà Ba Luân Bồ Tát liền cầm dao bén tự đâm vào thân, lấy máu rưới đất.
Tát Đà Ba Luân Bồ Tát với trưởng giả nữ và năm trăm thị nữ đều không có tâm thiện khác, ma cũng không có dịp hại được.
Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhân nghĩ rằng: Thiệt chưa từng có, Tát Đà Ba Luân Bồ Tát mến yêu chánh pháp đến đỗi như vậy. Tự đâm thân mình lấy máu rưới đất. Bồ Tát ấy cùng chúng nữ nhân tâm chẳng động chuyển. Ác Ma Ba Tuần chẳng phá hư được căn lành của họ.
Tâm họ kiên cố, phát đại trang nghiêm, chẳng tiếc thân mạng. Dùng thân tâm cầu vô thượng bồ đề. Sẽ độ tất cả chúng sanh khỏi vô lượng sanh tử.
Thiên Đế Thích khen ngợi Tát Đà Ba Luân Bồ Tát: Thiện nam tử! Ngài có sức tinh tiến kiến cố khó lay động, chẳng nghĩ bàn được. Ngài yêu mến chánh pháp, cầu được chánh pháp rất là vô thượng.
Thiện nam tử! Chư Phật thuở quá khứ cũng như vậy. Dùng thân tâm yêu pháp, tiếc pháp, trọng pháp, tập họp các công đức, được vô thượng bồ đề.
Tát Đà Ba Luân Bồ Tát nghĩ rằng tôi đã vì Đàm Vô Kiệt Bồ Tát trần thiết Pháp Tọa, quét rưới đất sạch sẽ rồi, tôi phải tìm ở đâu để được hoa đẹp thơm để trang nghiêm đất chỗ thuyết pháp này. Và lúc Bồ Tát ngồi trên Pháp Tọa thuyết pháp còn phải rải hoa cúng dường.
Biết tâm niệm Tát Đà Ba Luân Bồ Tát, Thiên Đế Thích liền đem ba ngàn thạch hoa Trời mạn Đà La trao cho Tát Đà Ba Luân Bồ Tát.
Được hoa rồi, Tát Đà Ba Luân Bồ Tát dùng phân nửa số hoa rải đất, còn phân nửa số hoa chờ Đàm Vô Kiệt Bồ Tát ra ngồi thuyết pháp sẽ cúng dường.
Lúc ấy Đàm Vô Kiệt Bồ Tát nhập tam muội quá bảy năm rồi, từ tam muội dậy, vì thuyết bát nhã Ba la mật nên cùng vô lượng trăm ngàn vạn chúng cung kính vây quanh đến ngồi trên Pháp Tọa.
Lúc thấy Đàm Vô Kiệt Bồ Tát, Tát Đà Ba Luân Bồ Tát lòng rất vui mừng như Tỳ Kheo nhập đệ Tam Thiền, bèn cùng trưởng giả nữ và năm trăm thị nữ đến chỗ Đàm Vô Kiệt Bồ Tát rải hoa cúng dường, đầu mặt đảnh lễ rồi ngồi qua một phía.
Đàm Vô Kiệt Bồ Tát thấy đại chúng ngồi xong, bèn bảo Tát Đà Ba Luân Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử! Lắng nghe và lãnh thọ kỹ. Nay tôi sẽ vì ông mà thuyết tướng bát nhã Ba la mật.
Này thiện nam tử!
Vì các pháp bình đẳng nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng bình đẳng.
Vì các pháp rời lìa nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng rời lìa.
Vì các pháp bất cộng nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng bất động.
Vì các pháp vô niệm nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô niệm.
Vì các pháp vô úy nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô úy.
Vì các pháp nhất vị nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng nhất vị.
Vì các pháp vô biên nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì các pháp vô sanh nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô sanh.
Vì các pháp vô diệt nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô diệt.
Vì hư không vô biên nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì nước đại hải vô niên nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì núi Tu Di trang nghiêm nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng trang nghiêm.
Vì hư không vô phân biệt nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô phân biệt.
Vì sắc vô biên nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì thọ, tưởng, hành, thức vô biên nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì địa chủng vô biên nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì thủy chủng, hỏa chủng, phong chủng vô biên nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì không chủng vô biên nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì như Kim Cang bình đẳng nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng bình đẳng.
Vì các pháp vô phân biệt nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô phân biệt.
Vì các tánh bất khả đắc nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng bất khả đắc.
Vì các pháp vô sở hữu bình đẳng nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng sở hữu bình đẳng.
Vì các pháp vô tác nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng vô tác.
Vì các pháp bất khả tư nghì nên phải biết bát nhã Ba la mật cũng bất khả tư nghì.
Liền lúc ấy, Tát Đà Ba Luân Bồ Tát tại chỗ ngồi được các tam muội.
Những là Chư pháp đẳng tam muội, Chư pháp ly tam muội, Chư pháp vô úy tam muội, Chư pháp nhất vị tam muội, Chư pháp vô sanh tam muội, Pháp vô diệt tam muội, Hư không vô biên tam muội, Đại hải thủy vô biên tam muội, Tu Di Sơn trang nghiêm tam muội.
Hư không vô phân biệt tam muội, Sắc vô biên tam muội, thọ, tưởng, hành, thức vô biên tam muội, Địa chủng vô biên tam muội, thủy, hỏa, phong, Không chủng vô biên tam muội, Như Kim Cang đẳng tam muội, Chư pháp vô phân biệt tam muội, Chư pháp bất khả tư nghì tam muội. Được sáu trăm vạn môn tam muội như vậy.
Đức Phật bào Ngài Tu Bồ Đề: Như Ta hôm nay ở trong tam thiên đại thiên Thế Giới cùng Chư Tăng Tỳ Kheo vây quanh, lấy tướng ấy, lấy tướng mạo ấy, lấy danh tự ấy thuyết bát nhã Ba la mật.
Tát Đà Ba Luân Bồ Tát được sáu trăm muôn tam muội ấy, thấy mười phương hằng sa Chư Phật ở trong đại thiên Thế Giới cùng Chư Tăng Tỳ Kheo cung kính vây quanh, lấy tướng như vậy, lấy tướng mạo như vậy, lấy danh tự ấy thuyết đại bát nhã Ba la mật ấy cũng như vậy.
Từ thuở ấy về sau, Tát Đà Ba Luân Bồ Tát đa văn trí huệ chẳng nghĩ bàn được, như nước đại hải thường chẳng rời Chư Phật, sanh nơi nước có Phật, nhẫn đến trong giấc mơ cũng chẳng có lúc nào chưa từng thấy Phật, tất cả các nạn thảy đều đã dứt, tại cõi nước Phật tùy theo nguyện sanh về.
Này Tu Bồ Đề! Phải biết nhân duyên bát nhã Ba la mật ấy có thể thành tựu tất cả công đức Đại Bồ Tát, được nhất thiết chủng trí.
Này Tu Bồ Đề! Vì thế nên Chư Đại Bồ Tát nếu muốn học Sáu Ba la mật, muốn thâm nhập Chư Phật trí huệ, muốn được nhất thiết chủng trí thì phải thọ trì bát nhã Ba la mật ấy, đọc tụng, chánh ức niệm, rộng vì người mà giảng thuyết, cũng biên chép quyển Kinh, tôn trọng tán thán, cúng dường hương hoa nhẫn đến kỹ nhạc.
Tại sao vậy?
Vì bát nhã Ba la mật là mẹ của mười phương Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Mười phương Chư Phật đều tôn trọng bát nhã Ba la mật vậy.
***