Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật Sao
PHẬT THUYẾT
KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT SAO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Ma Tì, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM BỐN
THIỆN QUYỀN
Bấy giờ Bồ Tát Di Lặc bảo Tu Bồ Ðề: Ðại Bồ Tát nào khuyến trợ người làm phước, ra vào bố thí trì giới, coi việc làm đó là trên hết, phước đó càng tăng thêm rất nhiều, không có phước nào hơn phước đức của Ðại Bồ Tát khuyến trợ.
Tu Bồ Ðề thưa Bồ Tát Di Lặc: Có Ðại Bồ Tát đã tạo công đức ở vô lượng vô số Quốc Độ Chư Phật. Trong mỗi Quốc Độ có rất nhiều Phật, các Ngài đã Bát Niết Bàn. Từ khi phát tâm cho đến lúc đạt được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thành tựu Bất thối, cho đến cảnh giới Vô dư Niết Bàn để Bát Niết Bàn.
Sau đó, lúc pháp diệt tận, công đức đã tạo được trong thời gian đó, công đức đó hơn tất cả các công đức. Ðến như các hàng Thanh Văn làm việc bố thí, trì giới, coi đó là việc làm phước đức, từ nơi công đức hữu dư đạt được công đức vô dư.
Chư Phật Bát Niết Bàn, công đức đã tạo được trong thời gian đó đến như đạt được thân tịnh giới, thân tam muội, thân trí tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát tri kiến. Phật pháp rất từ bi, không thể so lường được tâm Phật. Pháp mà Thiên trung thiên thuyết ra, học những công đức trong pháp đó, đến khi Chư Phật Bát Niết Bàn, pháp đó tạo được công đức nên muốn làm điều gì đều thực hiện được hết.
Khuyến trợ là tôn quý, là cùng tột trong các đức. Khuyến trợ để đạt được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, do đây thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Ðể việc của Bồ Tát này qua một bên, giữ tâm luôn làm việc này để cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Do tâm cầu giác ngộ mới phát tâm làm việc này và cầu đạt cho được.
Bồ Tát Di Lặc bảo Tu Bồ Ðề: Người không cầu như vậy mới đắc. Người phát sanh ý nghĩ này là vì không thông huệ. Vì phát sanh ý nghĩ đó nên tư tưởng bị thối thất, đức tin bị thối thất. Do vì không thông huệ nên rơi trở lại trong bốn điên đảo.
Đó là: không thường cho là thường, khổ cho là vui, không cho là thật, không có thân cho là có thân. Do đó nên tư tưởng bị thối thất, đức tin bị thối thất. Bồ Tát không nên phát tâm như vậy, nếu có tìm cầu thì nên tìm cầu chỗ không có chỗ.
Thế nào là cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?
Bồ Tát Di Lặc bảo Tu Bồ Ðề: Không nên nói những điều này trước Bồ Tát tân học.
Vì sao?
Hoặc làm cho họ quên mất đức tin, quên mất sở thích, quên vui vẻ, quên thực hành, liền từ đó bị sa đọa.
Người nào sẽ vì Ðại Bồ Tát này thuyết cho họ nghe?
Người ở bên thầy tốt sẽ vì những Bồ Tát này thuyết cho họ nghe. Người không sợ hãi, Ðại Bồ Tát này sẽ luôn khuyến trợ họ làm phước để thành tựu nhất thiết trí.
Với tâm làm việc khuyến trợ, tâm đó cũng diệt luôn, không còn sở hữu sở kiến.
Những tâm như thế nào sẽ trở thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?
Nên vận dụng tâm như thế nào để tâm không còn đối đãi?
Tự thể của tâm mới làm được.
Thích Ðề Hoàn Nhân thưa Tu Bồ Ðề: Ðại Bồ Tát tân học nghe việc này hoặc khiếp sợ, nếu Ðại Bồ Tát muốn tạo công đức thì nên làm thế nào để khuyến trợ họ làm phước này?
Ðể họ được thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?
Tu Bồ Ðề thưa Bồ Tát Di Lặc: Nên làm việc ủng hộ Chư Phật, phá dẹp những xấu ác để đoạn trừ ái dục, mọi việc làm đều như nhau. Dẹp trừ việc ma, vứt bỏ gánh nặng tức là từ nơi sự tinh tấn của mình thì biết rõ hết tất cả, để tâm được giải thoát, không còn so lường.
Từ vô số các cõi nước Chư Phật đã Bát Niết Bàn, các công đức tạo phước trong đó và công đức đã tạo phước trong hàng Thanh Văn nên muốn làm việc gì cũng đều thực hiện được hết.
Khuyến trợ là tôn quý nhất. Trong tất cả các công đức không gì hơn khuyến trợ. Người khuyến trợ luôn làm việc khuyến trợ. Khuyến trợ để trở thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Chỗ nào là chỗ Ðại Bồ Tát thối thất tư tưởng, thối thất đức tin?
Giả sử Ðại Bồ Tát giữ tâm trở thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nhưng không nghĩ nhớ tâm đó, đó là tâm của đại Bồ Tát đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Giả sử tâm có nhớ nghĩ và biết rõ thì đó là tâm thối thất, tư tưởng thối thất, đức tin thối thất. Giả sử tâm nghĩ nhớ lại biết rõ tâm này,do hành động như vậy nên có tư tưởng thối thất, đức tin thối thất.
Giả sử Ðại Bồ Tát đem tâm rõ biết cho đó là hiểu biết tất cả, nên biết tâm nào có tạo tác nên biết rõ tâm đó.
Tâm pháp ở chỗ nào?
Ở ngay nơi chỗ pháp có tạo tác. Như pháp là sau khi học theo pháp rồi chân thật thực hành, đó là làm đúng, là chỗ Ðại Bồ Tát đã làm.
Ðại Bồ Tát nào ở chỗ Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đã tạo công đức, hoặc là ở trong các hàng Thanh Văn cho đến phàm phu đã tạo công đức, hoặc súc sanh nghe pháp và Chư Thiên, Duyệt Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu Lặc, loài người hoặc phi nhơn và người mới học đạo Bồ Tát nghe pháp, phát tâm tạo công đức, biết hết tất cả, không còn tích chứa, phân biệt là trên hết.
Người khuyến trợ luôn làm việc khuyến trợ, vì đó là tôn quý nhất. Trong tất cả các công đức, không gì hơn khuyến trợ. Do vậy, người khuyến trợ sẽ khuyến trợ và luôn làm việc khuyến trợ. Nhờ phước đó trở thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Giả sử có pháp như vậy bị diệt tận, ngay nơi pháp đó không sanh cũng không diệt và không có nơi chốn.
pháp không sanh ra pháp được trở thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác là pháp không rõ pháp, là trái ngược lại với việc trở thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nên đó là tư tưởng không thối thất, tâm không thối thất, đức tin không thối thất. Với hành động không mong cầu như vậy thì đạt hết tất cả. Ðó là chỗ làm của Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Ðại Bồ Tát nào không hiểu biết rõ ràng đúng đắn mà làm phước đức, là vì lẽ gì?
Vì Bồ Tát ngay nơi thân thấy thân không chính xác, đối với việc khuyến trợ làm phước cũng thấy không chính xác. Bồ Tát biết rõ thấy không chính xác, không sở hữu, cho nên Bồ Tát tu Trí Độ mà làm công đức đối với Niết Bàn của Chư Phật. Ðem công đức này muốn cầu việc gì, vị ấy biết rằng mình có thể làm được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Chỗ Chư Phật Thiên Trung Thiên dính mắc là không dính mắc tưởng. Quá khứ đã diệt cũng không còn có tưởng, nhưng không tạo tưởng. Người tạo tưởng là trái với đạo đức của Ðại Bồ Tát. Không nên học phương tiện Ba la mật.
Người chưa đắc Trí Độ không vào được. Người đắc Trí Độ mới vào được. Không nên cho rằng hành động của thân và sự hiểu biết của thức đưa đến diệt độ, bởi vì không có thân. Thân người có đức, có vọng tưởng như vậy liền bị trở ngại, trở lại muốn khổ vì trụ vào Như Lai Ðẳng Chánh Giác nên không học theo cái đức này để khuyến trợ người.
Vì sao?
Vì do bất chánh vậy. Vì chấp vào Niết Bàn cho nên có vọng tưởng, do đó nên có trở ngại. Công đức tạo được không thể sánh kịp, trở lại muốn trụ khổ. Người không tạo ra tưởng này là đức của Như Lai Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Người tạo tưởng này giống như các thứ chất độc, vì sao?
Giả sử có thức ăn tốt, đem thuốc độc bỏ vào trong đó, màu sắc của thức ăn rất đẹp nhưng hương vị không tốt. Người không biết trong thức ăn có chất độc, người ngu ăn thức ăn đó no nê vui vẻ. Ăn vào xong, khi muốn tiêu hóa bị trở ngại cho thân thể rất nhiều. Người không biết đức hạnh rất là khó. Không biết hộ trì, không biết đúng sự việc và cũng không hiểu rõ. Người thực hành công đức như vậy là giống như nói thức ăn có các chất độc bỏ vào.
Thiện Nam Tử! Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai giữ gìn thân trì giới, thân thiền định, thân trí tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát tri kiến và đối với công đức đã tạo được trong hàng Thanh Văn như Phật Thế Tôn đã dạy: Nếu đã tạo công đức nơi Phật Bích Chi đều nên khuyến trợ họ.
Khuyến trợ để đem phước đức này trở thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Người bám chặt lấy hành động của mình do vọng tưởng, vì vậy nên nói giống các chất độc.
Ðại Bồ Tát nên học như vậy.
Chỗ nào là công đức của Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai?
Nên làm thế nào để khuyến trợ làm phước?
Ðể được thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?
Bồ Tát vâng theo lời dạy của Như Lai, đó là tu học trí tuệ, sanh ra công đức tự nhiên của Phật. Và đối với những người nghĩ đến pháp, đem pháp của mình khuyến trợ cho họ làm phước đức, nhơn nơi việc khuyến trợ này mà đạt đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Ðại Bồ Tát làm việc bố thí như vậy, không có bố thí nào hơn, quyết định không lìa Như Lai Ðẳng Chánh Giác. Những lời Phật dạy đều chí thành.
Lại nữa, Ðại Bồ Tát nên làm việc bố thí như vậy, như giữ gìn tịnh giới, thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Không có Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc. Cũng không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Cũng không có sở hữu, không có người thí, không có vật thí.
Người bố thí như vậy là bố thí đúng như pháp. Pháp cũng không có sở hữu. Người làm bố thí như vậy là vì muốn thành tựu bố thí không có chất độc. Người bố thí khác đây là bố thí ngược lại. Ðại Bồ Tát này đã bố thí đúng như pháp.
Kính bạch Thế Tôn! Người biết như vậy tức là bố thí được trở thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Phật dạy: Lành thay! Lành thay! Tu Bồ Ðề! Người làm đúng như Phật dạy, đó chính là Ðại Bồ Tát bố thí. Tâm từ bi hỷ xả nghĩ đến tất cả người trong ba ngàn đại thiên Quốc Độ, không bỏ qua một ai. Là Ðại Bồ Tát bố thí đứng hàng đầu, là rất tôn quý.
Lại nữa, Tu Bồ Ðề! Người trong ba ngàn đại thiên Quốc Độ đều trở thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Dạy cho người trong cõi Phật nhiều như cát Sông Hằng đều cúng dường Bồ Tát này, cúng dường y phục, ẩm thực, mùng mền, sàn tòa, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh. Cúng dường như vậy trải qua kiếp số như cát Sông Hằng, tùy theo chỗ người đó ưa thích mà cúng dường đầy đủ tất cả.
Thế nào, Tu Bồ Ðề! Phước đó có nhiều không?
Tu Bồ Ðề thưa: Rất nhiều! Rất nhiều!
Kính bạch Thiên Trung Thiên!
Phật dạy: Công đức khuyến trợ được phước hơn đây rất nhiều.
Tu Bồ Ðề bạch Phật: Tùy hỷ và khuyến trợ người làm phước đức, Cõi Phật như cát Sông Hằng cũng không thể nhận hết.
Phật dạy: Lành thay! Lành thay!
Tu Bồ Ðề! Bồ Tát nào thọ trì Trí Độ, chỗ ra làm bố thí của người này hơn của người đã bố thí ở trên gấp trăm lần, ngàn lần, vạn lần, ức lần, cự ức lần. Do không ai có thể vượt hơn việc làm khuyến trợ bố thí như trên.
Bấy giờ Tứ thiên vương và hai vạn Chư Thiên trên thiên thượng đầu mặt đảnh lễ chân Phật, đồng bạch Phật: Kính bạch Thiên Trung Thiên! Bố thí rất lớn! Ðại Bồ Tát với phương tiện quyền xảo mới làm được việc bố thí này. Công đức đó rất là tôn quý.
Vì sao?
Vì Ðại Bồ Tát này học Trí Độ và ngay nơi đó khuyến trợ vậy.
Chư Thiên trên Ðao Lợi đem hoa trời tốt đẹp, hương bột, hương đốt, hương xông, lụa là, lọng hoa, cờ phướn cùng các thứ kỹ nhạc Cõi Trời dâng lên cúng dường Phật.
Cúng dường xong, cùng bạch Phật: Kính bạch Thiên Trung Thiên! Bố thí rất lớn. Ðại Bồ Tát với phương tiện quyền xảo mới có thể làm việc bố thí này. Công đức của bố thí rất lớn.
Vì sao?
Vì Bồ Tát này học Trí Độ và ngay nơi đó khuyến trợ vậy.
Chư Thiên trên Giám Thiên đem danh hoa trên trời, hương bột, hương ướp, hương xông, lụa là, lọng hoa, cờ phướn, kỹ nhạc vui chơi Cõi Trời dâng cúng dường Phật.
Cúng dường xong, đồng bạch Phật: Kính bạch Thiên Trung Thiên! Bố thí rất lớn. Ðại Bồ Tát với phương tiện quyền xảo mới có thể làm được việc bố thí này.
Công đức của bố thí này rất lớn.
Vì sao?
Vì Ðại Bồ Tát này học Trí Độ, và ngay nơi đó khuyến trợ. Chư Thiên trên Ðâu Suất đem hoa trời, hương bột, hương ướp, hương xông, lụa là, lọng hoa, cờ phướn, kỹ nhạc vui chơi trên trời dâng cúng dường Phật.
Cúng dường xong, cùng bạch Phật: Kính bạch Thiên Trung Thiên! Bố thí rất lớn. Ðại Bồ Tát với phương tiện quyền xảo mới làm được việc bố thí này. Công đức của bố thí này rất lớn.
Vì sao?
Vì Ðại Bồ Tát này học Trí Độ và ngay nơi đó khuyến trợ. Chư Thiên trên Ni Ma La Ðề Thiên đem hoa trời, hương bột, hương ướp, hương xông, lụa là, lọng hoa, cờ phướn và kỹ nhạc vui chơi trên Cõi Trời dâng cúng dường Phật.
Cúng dường xong cùng bạch Phật: Kính bạch Thiên Trung Thiên! Bố thí rất lớn. Ðại Bồ Tát với phương tiện quyền xảo mới làm được việc bố thí này. Công đức rất là tôn quý.
Vì sao?
Vì Bồ Tát này học Trí Độ và ngay nơi đó khuyến trợ. Chư Thiên trên Ba La Ni Mật Hòa Ða Bạt Trí Thiên đem danh hoa, hương bột, hương ướp, hương xông, lụa là, lọng hoa, cờ phướn và kỹ nhạc vui chơi Cõi Trời dâng cúng dường Phật.
Cúng dường xong, cùng bạch Phật: Kính bạch Thiên Trung Thiên! Bố thí rất lớn. Ðại Bồ Tát với phương tiện quyền xảo mới có thể làm được việc bố thí này. Công đức rất lớn.
Vì sao?
Vì Ðại Bồ Tát học Trí Độ và ngay nơi đó khuyến trợ.
Phạm Thiên, Phạm Ca Di Thiên, Phạm Phước Lâu Thiên, Phạm Ba Lợi Sản Thiên. Lệ Thiên, Ba Lợi Ðà Thiên, Lệ Ba Ma Na Thiên, A Phả Hội Thiên, Thủ Ha Thiên, Ba Lợi Thủ Ha Thiên, A Ba Ma Thủ Thiên, Thủ Ha Di Thiên, Tỷ Y Phiên La Thiên, A Tỷ Da Thiên, Tu Ðà Thí Thiên, Ni Thiên.
Cho đến Chư Thiên trên A Ca Nị Tra v.v... đều đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, thưa: Kính bạch Thiên Trung Thiên! Thật lành thay! Ðại Bồ Tát học Trí Độ làm công đức bố thí rất lớn.
Vì sao?
Vì Ðại Bồ Tát này học tập Trí Độ và ngay nơi đó khuyến trợ.
Phật dạy Thủ Ðà: Hãy hộ vệ Chư Thiên! Ðể việc trong ba ngàn đại thiên Quốc Độ qua một bên. Ðại Bồ Tát và người trong cõi Phật nhiều như cát Sông Hằng đều thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Lại có người trong cõi Phật nhiều như cát Sông Hằng cùng nhau cúng dường hàng Ðại Bồ Tát này. Bố thí y phục, ẩm thực, những việc đến đi, cúng dường ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, kiếp số nhiều như cát Sông Hằng.
Tùy theo chỗ người đó ưa thích đều bố thí đầy đủ. Nếu có người làm những việc hơn đây cũng không sánh kịp Ðại Bồ Tát khuyến trợ bố thí, vì Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai thân giữ giới thanh tịnh, thân thiền định, thân trí tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát tri kiến và thân các Thanh Văn.
Công đức đã tạo được trong các thân đó biết hết tất cả cũng không sánh kịp công đức khuyến trợ. Người khuyến trợ, đó là người làm việc rất tôn quý, không ai có thể vượt qua. Làm việc khuyến trợ để trở thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Tu Bồ Ðề bạch Phật: Chúc Thiên Trung Thiên đã dạy biết hết tất cả điều tôn quý cao nhất không gì hơn khuyến trợ. Tùy hỷ hết thảy để khuyến trợ. Khuyến trợ xong, Ðại Bồ Tát từ nơi đó đắc được những pháp gì?
Phật dạy Tu Bồ Ðề: Ðó là đạo đức của con người. Nên biết pháp quá khứ, đương lai, hiện tại không thủ cũng không xả, cũng không sở tri, cũng không sở đắc. Pháp đó là pháp vô sở sanh, cũng vô sở diệt. Pháp đó không từ đâu sanh ra, cũng chẳng diệt về đâu. Ngay nơi pháp đó quyết định không sanh, pháp đó cũng chẳng diệt về đâu. Ðối với những pháp như vậy, tôi đều tùy hỷ khuyến trợ. Ðó là khuyến trợ.
Người làm việc bố thí như vậy mau đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, vậy nên, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát khuyến trợ là tôn quý.
Lại nữa, Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát ở chỗ Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đã tùy hỷ làm việc bố thí, tùy hỷ khuyến trợ trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ để khuyến trợ họ. Hoan hỷ với sự giải thoát của họ mà khuyến trợ họ. Hoan hỷ với sự giải thoát tri kiến của họ mà khuyến trợ họ.
Làm việc hoan hỷ khuyến trợ như vậy, làm cho họ được giải thoát, đó là bố thí, đó là nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Làm cho họ được giải thoát như vậy là đã giải thoát. Làm cho họ được giải thoát như vậy là hoan hỷ khuyến trợ. Làm cho họ được giải thoát đó là pháp. Thế nên đương lai chưa có người được giải thoát như vậy.
Kính bạch Thiên Trung Thiên! Làm cho rất nhiều cõi nước Chư Phật ngay hiện tại được giải thoát, đó chính là đệ tử của Chư Phật. Người làm cho được giải thoát rồi là đệ tử Chư Phật quá khứ. Người làm cho hiện nay được giải thoát, đó là đệ tử của Chư Phật hiện tại.
Ngay nơi pháp không trói, không dính, không mở. Pháp như vậy sẽ trở thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, vì bố thí từ trong đó nên không ai có thể vượt qua, không ai có thể phá hoại.
Thế nên, này Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát khuyến trợ là tôn quý hơn hết.
Như trong cõi Phật nhiều như cát Sông Hằng, Bồ Tát sống lâu kiếp số nhiều như cát Sông Hằng, người trong cõi Phật nhiều như cát Sông Hằng, cùng nhau cúng dường tất cả Ðại Bồ Tát y phục, ẩm thực, sàn tòa, ngọa cụ, thuốc men trải qua kiếp số nhiều như cát Sông Hằng, Tu Bồ Ðề!
Tất cả đều trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, không giải đãi, ngay nơi thiền định đắc được tam muội gấp trăm, gấp ngàn, gấp vạn, gấp vô số vạn ức cự lần, không bằng công đức làm phước khuyến trợ. Công đức này rất cao quý, vượt lên trên tất cả.
***