Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Bất Tất định Nhập định Nhập ấn
PHẬT THUYẾT
KINH BẤT TẤT ĐỊNH
NHẬP ĐỊNH NHẬP ẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Thế Tôn ở tại núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người hội đủ, với sáu mươi ức na do tha Bồ Tát, gồm những vị như: Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi, Đại Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Bồ Tát Đại Thế Chí, Đại Bồ Tát Dược Vương, Đại Bồ Tát Dược Thượng, Đại Bồ Tát Thường Lôi Âm Vương… là các bậc thượng thủ.
Tất cả các Bồ Tát đều đạt được tam muội, thần thông, luận bàn nghĩa lý tịch tĩnh, ở nơi tam muội Thủ Lăng Nghiêm hàng phục dõng mãnh, đạt được tam muội không giới hạn như thủy triều nơi biển sâu, được quả vị Đà La Ni, chứng được vô lượng sắc thân Đà La Ni rốt ráo của Chư Phật.
Bấy giờ, Đồng tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nguyện xin Thế Tôn vì các Bồ Tát giảng nói pháp môn Tất định bất tất định nhập trí ấn. Nhờ dấu ấn ấy, khiến chúng con biết được chỗ tất định và bất tất định của các Bồ Tát.
Bất định này đối với đạo quả Chánh Đẳng, Chánh Giác Vô Thượng là thoái chuyển, không thoái chuyển nơi trí đạo tột bậc?
Đức Phật bảo: Này Văn Thù Sư Lợi! Ở đây có năm hạng Bồ Tát.
Những gì là năm?
1. Thực hành theo xe dê.
2. Thực hành theo xe voi.
3. Thực hành theo xe thần thông của mặt trời, mặt trăng.
4. Thực hành theo xe thần thông của Thanh Văn.
5. Thực theo xe thần thông của Như Lai.
Này Văn Thù Sư Lợi! Đó gọi là năm hạng Bồ Tát.
Này Văn Thù Sư Lợi! Hai hạng Bồ Tát đầu là Bất tất định đối với đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thoái chuyển nơi trí đạo tột bậc. Ba hạng Bồ Tát sau là Tất định đối với đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, không thoái chuyển nơi trí đạo tột bậc.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là hai hạng Bồ Tát Bất tất định đối với đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thoái chuyển nơi trí đạo tột bậc?
Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là ba hạng Bồ Tát Tất định đối với đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác không thoái chuyển nơi trí đạo tột bậc?
Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thực hành theo xe dê, xe voi, hai hạng Bồ Tát này là Bất tất định đối với đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thoái chuyển nơi trí đạo tột bậc.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thực hành theo xe thần thông của mặt trời, mặt trăng, Bồ Tát thực hành theo thần thông của Thanh Văn, Bồ Tát thực hành theo xe thần thông của Như Lai, ba hạng Bồ Tát này là tất định đối với đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, không thoái chuyển nơi trí đạo tột bậc.
Này Văn Thù Sư Lợi! Làm thế nào để biết Bồ Tát hành theo xe dê?
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có người ở ngoài Thế Giới nhiều như số vi trần nơi Thế Giới của năm trăm Đức Phật thuộc phương khác, người đó có nhân duyên, nhân duyên lớn, người đó có chỗ tạo tác, có chỗ tạo tác lớn, người đó có gánh nặng, có gánh nặng lớn, vì việc người đó, nên muốn vượt qua các Thế Giới nhiều như số vi trần này, để đến chỗ kia.
Bèn tư duy: Ta nương theo xe nào để có thể vượt qua các Thế Giới này, đạt đến nơi kia?
Người này liền suy nghĩ: Nếu hôm nay ta nương theo xe dê, tức ứng hợp có thể vượt qua Thế Giới này, đạt đến chốn kia.
Này Văn Thù Sư Lợi! Người ấy suy nghĩ rồi, liền nương theo xe dê, phát nguyện hành theo con đường ấy, trải qua thời gian rất lâu đi đến được một trăm do tuần. Khi phong luân thổi lên, làm cho quay trở lại đến tám mươi do tuần.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông thế nào?
Người này nương vào xe dê, ở Thế Giới ấy có thể vượt đến không?
Hoặc trải qua một kiếp, hoặc một trăm kiếp, một ngàn kiếp, ức ngàn kiếp, hoặc vô số kiếp không thể nói, không thể nêu, người ấy có thể vượt qua toàn bộ các Thế Giới không?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Nếu người ấy có thể vượt qua toàn bộ các Thế Giới, là điều không thể có. Người này nương theo xe dê kia, hoặc trải qua một kiếp, hoặc một trăm kiếp, hoặc một ngàn kiếp, ức trăm ngàn kiếp, hoặc vô số kiếp, nếu có thể vượt qua được toàn bộ các Thế Giới là điều không thể có.
Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào phát tâm cầu đạo quả bồ đề vô thượng rồi, cùng với người theo thừa Thanh Văn dừng nghỉ, gần gũi hàng Thanh Văn, tu tập theo hàng Thanh Văn, cung kính cúng dường người theo thừa Thanh Văn.
Cùng hiểu biết, trao đổi tài vật, cùng ở chung, hoặc ở trong rừng, hoặc chốn Chùa Chiền, hoặc tại Tinh Xá, hoặc tại chốn kinh hành, đồng đi một chỗ, hoặc đọc tụng theo thừa Thanh Văn, tư duy theo thừa Thanh Văn, tin hiểu theo thừa Thanh Văn.
Lại giáo hóa cho người khác, đọc tụng, tư duy, tin hiểu… những người như thế, an trú vào thừa Thanh Văn, lãnh hội thừa Thanh Văn, gieo trồng căn lành, nhờ hàng Thanh Văn dẫn dắt nên trí tuệ còn thấp kém, mới thoái chuyển nơi trí đạo vô thượng.
Bồ Tát này tu tập tâm bồ đề nên được tuệ căn tuệ nhãn, nhưng sau đó trụ vào trí Thanh Văn, gieo trồng căn lành, hành theo đấy nên trở lại tối tăm, chậm chạp bị hư hoại, không thành tựu.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có người hoặc mắt bị bệnh, hoặc mắt bị tối. Người này vì muốn mắt sáng nên cần phải điều trị một tháng không ngừng nghỉ, nhưng hơn một tháng mà mắt chỉ mở ra chút ít.
Người ấy có kẻ oán xấu ác luôn tìm cơ hội thuận tiện để hãm hại, bèn dùng lá lốt giã nát dúi vào mắt, khiến cho mắt người ấy trở nên tối lại, phải nhắm bít, không mở ra được.
Cũng như vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát tu tập tâm bồ đề được tuệ căn tuệ nhãn, nhưng sau đó an trụ vào trí tuệ của hàng Thanh Văn, gieo trồng căn lành để hành trì, thì trở thành tối tăm chậm chạp, sự việc tu tập bị hủy hoại không thành tựu.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nên biết đó là Bồ Tát thực hành theo xe dê.
Này Văn Thù Sư Lợi! Làm thế nào để biết Bồ Tát thực hành theo xe voi?
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có người, ở ngoài Thế Giới nhiều như số vi trần như thế, người ấy có nhân duyên, nhân duyên lớn, người ấy có tạo tác, tạo tác lớn, người ấy có trọng trách, trọng trách lớn. Vì việc của người ấy, nên muốn vượt qua Thế Giới nhiều như số vi trần như thế mà đến chốn kia.
Lại tư duy: Ta nên nương vào xe nào để vượt qua các Thế Giới như vậy để đến chốn kia?
Người này liền suy nghĩ: Hôm nay ta nương vào tám phần tương ưng với xe voi thì có thể vượt qua các Thế Giới như vậy để đến chốn kia.
Này Văn Thù Sư Lợi! Người ấy đã suy nghĩ rồi, liền nương theo tám phần tương ưng với xe voi, phát tâm hành theo đường ấy, hàng trăm năm luôn thực hành đi được hai ngàn do tuần, nhưng phong luân lớn thổi lên khiến phải lùi trở lại một ngàn do tuần.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông thế nào?
Người này nương theo xe voi ấy, đối với toàn bộ các Thế Giới có thể vượt qua không?
Hoặc trải qua một kiếp, hoặc một trăm kiếp, hoặc một ngàn kiếp, hoặc ức trăm ngàn kiếp, hoặc vô số kiếp, người ấy có thể vượt qua được toàn bộ các Thế Giới chăng?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Nếu người ấy có thể vượt qua được toàn bộ các Thế Giới, là điều không thể có. Người như vậy nương theo xe voi kia, hoặc trải qua một kiếp, hoặc một trăm kiếp, hoặc một ngàn kiếp, hoặc ức trăm ngàn kiếp, hoặc vô số kiếp, có thể vượt qua được toàn bộ các Thế Giới, là điều không thể có.
Đức Phật nói: Đúng vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác rồi, nhưng người này lại tùy thuận, ngừng nghỉ nơi thừa Thanh Văn, gần gũi hàng Thanh Văn, tu tập theo hàng Thanh Văn, cùng hiểu biết, đồng ở chung với nhau.
Hoặc ở trong rừng, hoặc ở chốn Chùa Chiền, hoặc nơi kinh hành, đồng đi một chỗ, đọc theo thừa Thanh Văn, tụng theo thừa Thanh Văn, suy nghĩ theo thừa Thanh Văn, tin theo thừa Thanh Văn, còn dạy người khác đọc tụng, tin hiểu, tư duy theo thừa Thanh Văn.
Người ấy an trụ vào trí tuệ của hàng Thanh Văn, lãnh hội theo thừa Thanh Văn, gieo trồng căn lành để hành trì, được hàng Thanh Văn dẫn dắt nên đạt trí thấp kém, mới thoái chuyển nơi trí đạo vô thượng.
Bồ Tát như vậy tu tập tâm bồ đề, gieo trồng căn lành, an trụ vào đại thừa, nhưng sau đó trụ vào trí tuệ của hàng Thanh Văn, gieo trồng căn lành để hành trì, thì trở lại tối tăm, chậm chạp, sự tu tập bị hủy hoại, không thành tựu.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như khối gỗ lớn hàng ngàn do tuần, trôi nổi nơi biển cả, ở đấy để có thể cứu vớt chúng sinh. Dạ xoa đi nơi hư không bèn lấy khối gỗ kia ra khỏi biển, đặt nơi đất liền, buộc chặt lên trên khối sắt lớn rộng năm trăm do tuần.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông thế nào?
Khối gỗ lớn như vậy, có thể nổi trở lại trong biển cả, ở đó để cứu vớt chúng sinh không?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Không thể.
Đức Phật bảo: Đúng vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát kia tu tập tâm bồ đề, gieo trồng căn lành, tu hành Nhất thiết trí, đạo trí trong biển trí, bị dẫn dắt xoay chuyển làm cho thoái lui, tức không thể hướng đến Nhất thiết trí đạo trong biển trí, không thể cứu giúp tất cả chúng sinh trong biển lớn sinh tử.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nên biết đây là Bồ Tát thực hành theo xe voi.
Này Văn Thù Sư Lợi! Làm thế nào để biết Bồ Tát thực hành theo xe thần thông mặt trời, mặt trăng?
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có người, ở ngoài Thế Giới nhiều như số vi trần như thế, người ấy có nhân duyên, nhân duyên lớn, người ấy có tạo tác, tạo tác lớn, người ấy có trọng trách, trọng trách lớn, vì việc của người ấy, nên muốn vượt qua các Thế Giới nhiều như số vi trần như vậy, để đạt đến chốn kia, lại tư duy như vậy: Ta nương vào xe gì đó để có thể vượt qua được các Thế Giới như vậy, nhằm đi đến chốn kia.
Người này liền suy nghĩ: Hôm nay, nếu ta nương vào xe thần thông mặt trời, mặt trăng thì có thể vượt qua được các Thế Giới như vậy, đạt đến nơi chốn.
Này Văn Thù Sư Lợi! Người ấy đã suy nghĩ rồi, liền nương vào xe thần thông mặt trời, mặt trăng, phát tâm hành theo đường ấy.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông thế nào?
Người này nương vào xe thần thông mặt trời, mặt trăng, đối với Thế Giới ấy có thể vượt qua và đạt đến không?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Trải qua thời gian rất lâu thì mới có thể tới được.
Đức Phật nói: Đúng vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác rồi, không cùng với tất cả người theo hàng Thanh Văn tùy thuận dừng nghỉ, không gần gũi tất cả người theo thừa Thanh Văn.
Không tu tập theo tất cả người thuộc hàng Thanh Văn, không tạo sự hiểu biết, không trao đổi tiền của vật chất, không cùng ở chung, hoặc ở trong rừng, hoặc nơi Chùa Chiền, hoặc nơi chốn kinh hành, không đi cùng một chỗ, cũng không đọc tụng giáo pháp của thừa Thanh Văn, không suy nghĩ.
Không tin hiểu giáo pháp của thừa Thanh Văn, không dạy người khác đọc tụng, tin hiểu… cho đến một bài kệ cũng không học hỏi, không đọc không tụng. Người ấy nếu đọc thì đọc đại thừa, người ấy nếu tụng thì tụng đại thừa, người ấy nếu nói thì nói đại thừa, kể cả một bài kệ.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nên biết đấy là Bồ Tát thực hành theo xe thần thông của mặt trời, mặt trăng.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có Đại Ca Lâu Na Vương tuổi trẻ có năng lực mạnh mẽ, tùy theo ý nghĩ về đỉnh núi Tu Di, có thể đi tới chỗ khác.
Cũng giống như vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thực hành theo xe thần thông của mặt trời, mặt trăng, như người tuổi trẻ có năng lực lớn, tâm sâu xa lãnh hội pháp, dõng mãnh nên mới có thể đạt được tâm nguyện.
Thế Giới của nhiều Đức Phật đều dốc sức vượt qua và đạt đến. Đối với các Đức Như Lai đang chuyển bánh xe pháp nơi các chúng hội đều có thể thị hiện thân.
Này Văn Thù Sư Lợi! Làm thế nào để biết Bồ Tát thực hành thần thông của thừa Thanh Văn?
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có người, ở ngoài Thế Giới nhiều như số vi trần đã nêu, người ấy có nhân duyên, nhân duyên lớn, người ấy có tạo tác, tạo tác lớn, người ấy có trọng trách, trọng trách lớn, vì việc của người ấy nên nhằm vượt qua các Thế Giới nhiều như số vi trần như thế để đạt đến chốn kia.
Bèn tư duy như vậy: Nương vào thần thông nào để có thể vượt qua các Thế Giới như vậy, nhằm đến chốn kia.
Người ấy liền suy nghĩ: Hôm nay, ta nếu nương vào thần thông của Thanh Văn thì sẽ vượt qua được Thế Giới như vậy để đến chốn kia.
Này Văn Thù Sư Lợi! Người ấy đã suy nghĩ rồi, ngay lúc đó nương theo thần thông của thừa Thanh Văn, phát tâm theo con đường ấy.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông thế nào?
Người này nương theo thần thông của thừa Thanh Văn có thể vượt qua được các Thế Giới ấy không?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Có thể vượt qua được.
Đức Phật nói: Đúng vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, không cùng với những người dừng nghỉ theo thừa Thanh Văn, không gần gũi tất cả người theo thừa Thanh Văn, không tu tập với tất cả người theo thừa Thanh Văn.
Không tạo mọi sự hiểu biết, không trao đổi tiền của, không đồng tu hành, không nói cùng lời, không cùng ở chung, hoặc ở trong rừng, hoặc ở chốn Chùa Chiền, hoặc ở chốn kinh hành, không đi cùng một chỗ, không đọc, không tụng giáo pháp của thừa Thanh Văn, không suy nghĩ, tin hiểu theo giáo pháp của thừa Thanh Văn, không dạy người khác đọc, không dạy người khác tụng, cho đến chỉ một câu kệ.
Đối với thừa Thanh Văn, không cùng nhau tụng, cũng không dạy người khác. Người ấy nếu đọc thì đọc đại thừa, người ấy nếu tụng thì tụng đại thừa, cũng chỉ dạy người khác đọc tụng đại thừa, nếu đã giảng nói thì giảng nói về đại thừa.
Người ấy đối với sự tin hiểu đại thừa, là các Đại Bồ Tát… người đọc đại thừa, người tụng đại thừa, người lãnh hội đại thừa, luôn cung kính, tôn trọng, tin hiểu đúng đắn, thuận theo để tu tập, cùng tương ưng với nhau, không rời bỏ, nương tựa, gần gũi, cúng dường đúng như pháp, cùng hiểu biết, sống chung với nhau, hoặc ở trong rừng, hoặc ở chốn Chùa Chiền, hoặc ở nơi kinh hành, hoặc cùng đi chung.
Đối với đại thừa là người lãnh hội đại thừa, người thọ nhận đại thừa, người giữ gìn đại thừa, cung kính, tôn trọng, cúng dường theo cách tối thắng đệ nhất. Đó là dùng đèn sáng, vô số hoa, hương, hương bột, hương xoa, dầu thơm xoa thân để cúng dường như vậy, người này đọc tụng đại thừa, tâm hết sức vui vẻ, giảng cho người khác, không hề chê bai Bồ Tát chưa học.
***