Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bất Tất định Nhập định, Nhập ấn

PHẬT THUYẾT KINH BẤT

TẤT ĐỊNH NHẬP ĐỊNH, NHẬP ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thuở Đức Thế Tôn trụ ở trong núi Kỳ Xà Quật, tại thành Vương Xá cùng với Chúng Tỳ Kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi người, sáu mươi ức trăm ngàn na do tha vị Bồ Tát mà tên các vị ấy là Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử, Quán Thế Tự Tại Đại Bồ Tát, Đắc Đại Thế Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Thường Lôi Âm Vương Bồ Tát… những vị như vậy đứng đầy sáu mươi ức trăm ngàn na do tha Bồ Tát.

Tất cả các Bồ Tát đều được Tịch Tịnh Luận Nghĩa Thần Thông Tam Muội, dạo trong Thủ Lăng Nghiêm Dũng Phục Tam Muội, được Thâm Hải Thủy Triều Bất Quá Hạn Tam Muội, được thọ vị Đà La Ni, được Tập Vô Biên Chư Phật Thân Sắc Cứu Cánh Đà La Ni.

Lúc bấy giờ, Ngài Văn Thù Sư Lợi đồng tử bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Nguyện xin Đức Thế Tôn vì các Bồ Tát diễn nói tất định bất tất định nhập trí pháp môn. Nhờ trí ấn đó nên khiến cho chúng con được biết Bồ Tát này tất định, Bồ Tát này chẳng tất định, vị này chẳng định Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thoái lui trí đạo vô thượng.

Đức Phật dạy rằng: Này Văn Thù Sư Lợi! Trong số này có năm loại Bồ Tát.

Những gì là năm?

Một là Bồ Tát đi xe dê.

Hai là Bồ Tát đi xe voi.

Ba là Bồ Tát đi xe thần thông mặt trời, mặt trăng.

Bốn là Bồ Tát đi xe thần thông Thanh Văn.

Năm là Bồ Tát đi xe thần thông Như Lai.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như vậy gọi là năm hạng Bồ Tát.

Này Văn Thù Sư Lợi! Hai hạng Bồ Tát đầu là chẳng tất định Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thoái lui trí đạo Vô Thượng. Ba hạng Bồ Tát sau là Tất định Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chẳng thoái lui trí đạo Vô Thượng.

Ngài Văn Thù Sư Lợi thưa rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Hai hạng Bồ Tát nào là chẳng tất định Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thoái lui trí đạo Vô Thượng?

Thưa Đức Thế Tôn! Ba hạng Bồ Tát nào là Tất định Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chẳng thoái lui đạo trí Vô Thượng?

Đức Phật dạy rằng: Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát đi xe dê, Bồ Tát đi xe voi, hai hạng Bồ Tát này chẳng tất định Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thoái lui đạo trí Vô Thượng!

Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát đi xe thần thông mặt trăng, mặt trời, Bồ Tát đi xe thần thông Thanh Văn, Bồ Tát đi xe thần thông Như Lai, ba hạng Bồ Tát này là tất định Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chẳng thoái lui đạo trí Vô Thượng.

Này Văn Thù Sư Lợi! Làm sao biết được Bồ Tát đi xe dê?

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có người mà ở một nơi thuộc phương khác cách ngoài những Thế Giới nhiều bằng số vi trần của năm trăm Thế Giới Phật. Nơi đó có nhân duyên, có nhân duyên lớn. Nơi đó có việc làm, có việc làm lớn, nơi đó có việc quan trọng, có việc quan trọng lớn.

Vì những sự kiện đó, muốn đi qua số Thế Giới nhiều như vi trần như vậy để đến chỗ đó, người này suy nghĩ như vậy: Ta cưỡi xe gì mà có thể qua được số Thế Giới như vậy để đến được chỗ đó?

Người như vậy liền suy nghĩ tiếp: Nếu hôm nay ta cưỡi xe dê thì qua được những Thế Giới như vậy đến với chỗ đó.

Này Văn Thù Sư Lợi! Người đã suy nghĩ như vậy rồi liền cưỡi xe dê ra đi theo con đường đến đó. Trải qua thời gian lâu dài, đi tới được một trăm do tuần, một cơn gió lớn khởi lên thổi khiến người đó quay trở lại tám mươi do tuần.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông thế nào?

Người cưỡi xe dê đó như vậy có thể qua những Thế Giới đó, đến nơi chăng?

Như trải qua một kiếp hoặc một trăm kiếp, hoặc một ngàn kiếp, ức trăm ngàn kiếp, hoặc chẳng thể nói chẳng thể nói kiếp, người đó có thể qua khỏi một Thế Giới chăng?

Ngài Văn Thù Sư Lợi đáp rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Người đó, nào có thể qua được một Thế Giới thì không có điều đó. Người cưỡi xe dê đó như vậy, nếu trải qua một kiếp hoặc một trăm kiếp, hoặc một ngàn kiếp, ức trăm ngàn kiếp, hoặc chẳng thể nói chẳng thể nói kiếp, nếu có thể qua được một Thế Giới thì không có điều đó.

Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác rồi mà cùng với người Thanh Văn thừa theo nhau dừng ở, gần gũi người Thanh Văn, tập theo người Thanh Văn, cung kính cúng dường người Thanh Văn.

Chung làm bạn bè, giao thông tài vật, cùng chung đồng trụ, hoặc tại trong rừng, hoặc tại nhà Chùa, hoặc chỗ kinh hành đồng đi một chỗ, đọc Thanh Văn thừa, tụng Thanh Văn thừa, nghĩ Thanh Văn thừa, tin Thanh Văn thừa. Lại dạy người khác đọc tụng nghĩ tin Thanh Văn thừa.

Người như vậy trụ ở Thanh Văn thừa, nhiếp lấy Thanh Văn thừa gieo trồng hạnh căn lành, bị Thanh Văn dẫn dắt nên bị độn trí, thoái lui đạo trí vô thượng.

Như vậy Bồ Tát tu tâm bồ đề, tuệ căn, Tuệ Nhãn mà sau lại trụ ở trí Thanh Văn gieo trồng hạnh căn lành thì trở lại ngu độn, phá hoại, chẳng thành.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có người, hoặc bệnh hoạn về mắt, hoặc mắt bị mờ. Người như vậy vì muốn mở mắt nên trải một tháng trị liệu siêng năng chẳng ngưng nghỉ, qua khỏi một tháng rồi thì mắt mở được chút ít.

Người bệnh đó có kẻ oán ghét luôn rình dịp thuận tiện lấy tiêu bột, bột cây lá lốt bỏ vào mắt khiến cho mắt người đó trở nên tối tăm, khép lại, chẳng được mở sáng.

Đúng vậy! Đúng vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát đó tu tâm Bồ Tát, tuệ căn, Tuệ Nhãn mà về sau lại trụ ở trí Thanh Văn gieo trồng hạnh căn lành thì trở lại ngu độn, phá hoại, chẳng thành.

Này Văn Thù Sư Lợi! Đây là điều mà Bồ Tát đi xe dê nên biết.

Này Văn Thù Sư Lợi! Làm sao biết được Bồ Tát đi xe voi?

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có người mù ở một nơi cách bên ngoài Thế Giới nhiều như vi trần… như vậy. Nơi đó có nhân duyên, có nhân duyên lớn. Nơi đó có có việc làm, có việc làm lớn. Nơi đó có việc quan trọng, có việc quan trọng lớn.

Vì những việc đó nên muốn đi qua số vi trần Thế Giới như vậy để đến chỗ đó, người ấy suy nghĩ như vậy: Ta cưỡi xe gì mà có thể được qua số Thế Giới như vậy để đến chỗ đó?

Người như vậy liền suy nghĩ tiếp: Nếu ta nay cưỡi xe voi tám phần tương ứng thì được qua những Thế Giới như vậy để đến chỗ đó.

Này Văn Thù Sư Lợi! Người như vậy đã suy nghĩ rồi liền cưỡi xe voi tám phần tương ứng ra đi theo con đường đó, đi luôn một trăm năm được hai ngàn do tuần, một trận gió lớn nổi lên thổi mạnh khiến cho quay về trở lại một ngàn do tuần.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông thế nào?

Người như vậy cưỡi xe voi đó, có thể qua được một Thế Giới chăng?

Nếu trải qua một kiếp, hoặc một trăm kiếp, hoặc một ngàn kiếp, ức trăm ngàn kiếp, hoặc chẳng thể nói chẳng thể nói kiếp… người đó có thể qua được một Thế Giới chăng?

Ngài Văn Thù Sư Lợi đáp rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Người đó nếu có thể qua được một Thế Giới thì điều đó không có. Người như vậy cưỡi xe voi đó, nếu trải qua một kiếp hoặc một trăm kiếp, hoặc một ngàn kiếp, ức trăm ngàn kiếp, hoặc chẳng thể nói chẳng thể nói kiếp mà có thể được qua một Thế Giới thì không có điều này.

Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thiện nam tử hay thiện nữ nhân phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác rồi mà theo người Thanh Văn thừa dừng ở gần gũi người Thanh Văn, học tập người Thanh Văn, cùng làm bạn bè, cùng chung đồng ở.

Hoặc tại trong rừng, hoặc tại nhà Chùa, hoặc tại chỗ kinh hành đồng đi một nơi, đọc Thanh Văn thừa, tụng Thanh Văn thừa, nghĩ Thanh Văn thừa, tin Thanh Văn thừa, lại dạy người khác đọc tụng, nghĩ tin Thanh Văn thừa.

Người như vậy trụ ở trí Thanh Văn, nhiếp lấy Thanh Văn thừa gieo trồng hạnh căn lành, bị Thanh Văn dẫn dắt nên bị độn trí, thoái lui đạo trí Vô Thượng.

Như vậy Bồ Tát tu tâm bồ đề, gieo trồng hạnh căn lành, an trụ ở đại thừa mà sau lại trụ ở trí Thanh Văn gieo trồng hạnh căn lành thì trở lại ngu độn, phá hoại chẳng thành.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như cây lớn rộng một ngàn do tuần trôi trong biển cả. Ở trong biển cả, nó cứu tế chúng sinh. Có quỷ Dạ Xoa đi trên không vớt ra đặt trên đất liền, ràng buộc lên trên khối sắt lớn năm trăm do tuần.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông thế nào?

Như vậy, cây lớn thả xuống nước biển cả đó lại có thể trôi được chăng?

Lại có thể ở trong biển tế độ chúng sanh chăng?

Ngài Văn Thù Sư Lợi đáp rằng: Chẳng thể được!

Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát đó tu tâm bồ đề gieo trồng hạnh căn lành, tu hành đạo biển trí của nhất thiết trí mà bị dẫn dắt trở lại khiến cho thoái lui thì chẳng thể hướng tới đạo biển lớn trí của nhất thiết trí, chẳng thể cứu vớt tất cả chúng sinh của biển lớn sinh tử.

Này Văn Thù Sư Lợi! Đây là điều mà Bồ Tát đi xe voi nên biết!

Này Văn Thù Sư Lợi! Làm sao biết được Bồ Tát đi xe thần thông mặt trăng, mặt trời?

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có người mà ở một nơi cách bên ngoài số Thế Giới nhiều như vi trần… như vậy. Nơi đó có nhân duyên, có nhân duyên lớn, nơi đó có việc làm, có việc làm lớn. Nơi đó có việc quan trọng, có việc quan trọng lớn.

Vì những việc đó nên muốn đi qua số vi trần Thế Giới như vậy để đến chỗ đó, người ấy suy nghĩ như vậy: Ta cưỡi xe gì mà có thể qua được số Thế Giới như vậy để đến chỗ đó?

Người như vậy liền suy nghĩ tiếp: Nếu ta nay cưỡi xe thần thông mặt trăng, mặt trời là phù hợp đi qua số Thế Giới như vậy để đến chỗ đó.

Này Văn Thù Sư Lợi! Người như vậy đã suy nghĩ rồi liền cưỡi xe thần thông mặt trời, mặt trăng xuất phát đi trên con đường đó.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông thế nào?

Người như vậy cưỡi xe thần thông mặt trăng, mặt trời có thể đi qua những Thế Giới đó đến được chăng?

Ngài Văn Thù Sư Lợi đáp rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Đi một thời gian lâu thì có thể đến!

Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy!

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thiện nam tử hay thiện nữ nhân phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác rồi mà chẳng cùng với tất cả người Thanh Văn thừa theo nhau dừng ở, chẳng gần gũi tất cả người Thanh Văn thừa, chẳng học tập người Thanh Văn thừa.

Chẳng làm bạn, chẳng trao đổi tài vật, chẳng đồng ở chung, hoặc tại trong rừng, hoặc tại nhà Chùa, hoặc chỗ kinh hành chẳng đồng đi một nơi, cũng chẳng đọc tụng pháp Thanh Văn thừa, chẳng nghĩ chẳng tin pháp Thanh Văn thừa, chẳng dạy người khác đọc tụng, tin, học thậm chí một bài kệ cũng chẳng học tập, chẳng đọc, chẳng tụng.

Người đó, nếu đọc thì đọc đại thừa. Người đó, nếu tụng thì tụng đại thừa, nếu có điều nói thì nói đại thừa thậm chí chỉ một bài kệ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Đây là điều mà Bồ Tát đi xe thần thông mặt trăng, mặt trời nên biết.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có vị Vua Đại Ca Lâu La với sức mạnh lớn trai trẻ có thể theo ý niệm mình rời đỉnh núi Tu Di đến chỗ khác.

Đúng vậy! Đúng vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát đi xe thần thông mặt trăng, mặt trời đem hết thâm tâm, sức lực trai trẻ mạnh mẽ để nghe giới có thể theo tâm niệm của mình, qua lớp lớp Thế Giới Phật để đến nơi, ở trong vòng chúng hội của các Đức Như Lai, thị hiện thân.

Này Văn Thù Sư Lợi! Làm sao biết được Bồ Tát đi xe thần thông Thanh Văn?

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có người mà ở một nơi cách bên ngoài một số Thế Giới nhiều như vi trần… như vậy. Nơi đó có nhân duyên, có nhân duyên lớn, nơi đó có việc làm, có việc làm lớn, nơi đó có việc quan trọng, có việc quan trọng lớn. Vì những việc đó nên muốn đi qua số Thế Giới nhiều như vi trần như vậy để đến chỗ đó.

Người đó suy nghĩ như vậy: Cưỡi thần thông gì mà có thể qua được số Thế Giới như vậy để đến chỗ đó?

Người như vậy liền suy nghĩ tiếp: Ta nay nếu cưỡi thần thông Thanh Văn thì phù hợp để được qua số Thế Giới như vậy, đến chỗ đó.

Này Văn Thù Sư Lợi! Người như vậy đã suy nghĩ rồi, liền cưỡi thần thông Thanh Văn xuất phát đi theo con đường đó.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông thế nào?

Người như vậy cưỡi thần thông Thanh Văn có thể đi qua những Thế Giới đó để đến nơi không?

Ngài Văn Thù Sư Lợi đáp rằng: Có thể qua!

Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy!

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thiện nam tử hay thiện nữ nhân phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác rồi, chẳng cùng với tất cả người Thanh Văn thừa theo nhau dừng ở, chẳng gần gũi tất cả người Thanh Văn thừa, chẳng học tập tất cả người Thanh Văn thừa, chẳng làm bạn bè, chẳng trao tài vật.

Chẳng đồng tu hành, chẳng chung lời nói, chẳng cùng đồng ở, hoặc tại trong rừng, hoặc tại nhà Chùa, hoặc chỗ kinh hành chẳng đồng đi một nơi, chẳng đọc chẳng tụng pháp Thanh Văn thừa, chẳng nghĩ chẳng tin pháp Thanh Văn thừa.

Chẳng dạy người khác đọc, chẳng dạy người khác tụng thậm chí một bài kệ, đối với Thanh Văn thừa chẳng hưởng ứng nhau đọc tụng, cũng chẳng dạy người khác hưởng ứng.

Người đó, nếu đọc thì đọc đại thừa. Người đó, nếu tụng thì tụng đại thừa, cũng dạy người khác đọc tụng đại thừa, nếu có điều gì nói thì cũng nói đại thừa.

Đối với Đại Bồ Tát tín giải đại thừa, người đọc đại thừa, người tụng đại thừa, người nhiếp lấy đại thừa… thì người đó kính trọng, chánh tín, thuận theo tu học, cùng chung hưởng ứng nhau, theo đuổi chẳng bỏ.

Nương cậy gần gũi đúng như pháp cúng dường, cùng chung làm bạn bè, cùng đồng ở chung, hoặc tại trong rừng, hoặc tại nhà Chùa, hoặc chỗ kinh hành cùng chung đồng hành.

Đối với người đại thừa, người nhiếp lấy đại thừa, người thọ đại thừa, người trì đại thừa… người đó kính trọng số một, cúng dường tối thắng.

Những đồ cúng dường là ánh sáng đèn, đủ thứ hoa hương, bột thơm, hương xoa, vòng hoa cài tóc đẹp tô điểm thân thể…

Người như vậy đọc tụng đại thừa, lòng vui mừng số một, vì người khác diễn nói, lòng không khinh miệt Bồ Tát chưa học mà còn chính diện nói năng, ý trước hỏi thăm, chẳng nói lời độc ác, chẳng nói lời thô bạo thường nói lời êm ái, nói lời tốt đẹp. Người như vậy cho dù gặp nhân duyên mất mạng, thân chết cũng chẳng rời bỏ đại thừa.

Họ thường nhiếp lấy tất cả người hành đại thừa, người học đại thừa, người đọc đại thừa, người tụng đại thừa, người nhiếp lấy đại thừa.

Họ đúng như sức nhiếp lấy, đúng như pháp nhiếp lấy, đúng như sự chịu đựng của lòng… người đó như vậy không bị người ghét bỏ, không ai cùng tranh cãi, thường cầu tìm tất cả Kinh Điển chưa từng nghe, lòng luôn kính trọng người mà mình theo nghe, lòng chẳng khinh miệt Bồ Tát chưa học.

Đối với lỗi lầm của người khác hoặc thật hay chẳng thật thì chẳng nói, chẳng chê bai, chẳng tìm chỗ sơ hở của người khác, người đó thường siêng năng tu học từ bi hỷ xả.

Này Văn Thù Sư Lợi! Đây là những điều mà Bồ Tát đi xe thần thông Thanh Văn nên biết.

Này Văn Thù Sư Lợi! Làm sao biết được Bồ Tát đi xe thần thông Như Lai?

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có người mà ở một nơi cách bên ngoài một số Thế Giới nhiều như vi trần… như vậy. Nơi đó có nhân duyên, có nhân duyên lớn. Nơi đó có việc làm, có việc làm lớn. Nơi đó có việc quan trọng, có việc quan trọng lớn.

Vì những việc đó nên muốn đi qua số vi trần Thế Giới như vậy để đến chỗ đó, người ấy nghĩ như vậy: Cưỡi thần thông gì mà có thể được qua số Thế Giới như vậy để đến chỗ đó?

Người như vậy liền nghĩ rằng: Ta nay nếu cưỡi thần thông Như Lai thì ứng hợp để được qua số Thế Giới như vậy đến với chỗ đó.

Này Văn Thù Sư Lợi! Người như vậy đã suy nghĩ rồi liền cưỡi thần thông Như Lai xuất phát đi theo con đường đó.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông thế nào?

Người như vậy cưỡi thần thông Như Lai có thể mau chóng đi qua được số Thế Giới đó không?

Ngài Văn Thù Sư Lợi đáp rằng: Có thể qua được!

Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy!

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác rồi mà chẳng cùng với tất cả người Thanh Văn thừa theo nhau dừng ở, chẳng gần gũi với tất cả người Thanh Văn thừa, chẳng học tập theo tất cả người Thanh Văn thừa.

Chẳng làm bạn bè, chẳng trao đổi của cải, chẳng đồng tu hành, chẳng chung nói năng, chẳng chung đồng ở, hoặc tại trong rừng, hoặc tại nhà Chùa, hoặc chỗ kinh hành chẳng đi đồng chỗ, chẳng đọc, chẳng tụng pháp Thanh Văn thừa, chẳng nghĩ.

Chẳng tin pháp Thanh Văn thừa, chẳng dạy người khác đọc, chẳng dạy người khác tụng thậm chí chỉ một bài kệ, đối với Thanh Văn thừa chẳng hưởng ứng nhau đọc, chẳng hưởng ứng nhau tụng, cũng chẳng dạy người khác.

Người đó nếu đọc thì đọc đại thừa. Người đó nếu tụng thì tụng đại thừa, cũng dạy người khác đọc tụng đại thừa, nếu nói thì nói đại thừa.

Người như vậy thì thân, miệng, ý thanh tịnh, giỏi giữ gìn giới pháp, cũng khiến cho người khác tịnh thân miệng ý, khiến người khác trụ ở pháp thiện.

Người đó đối với Đại Bồ Tát tu hành đại thừa, người đọc đại thừa, người tụng đại thừa, người nhiếp đại thừa v.v… luôn kính trọng, chánh ý thuận theo tu học, cùng chung hưởng ứng nhau, theo đuổi nhau chẳng rời bỏ, nương nhờ gần gũi đúng như pháp cúng dường, chung làm bằng hữu cùng đồng ở chung.

Người đó, hoặc tại trong rừng, hoặc tại nhà Chùa, hoặc chỗ kinh hành cùng chung đồng hành, đối với người đại thừa, người nhiếp đại thừa, người thọ đại thừa, người trì đại thừa thì kính trọng số một, cúng dường tối thắng.

Những đồ cúng dường đó là: Ánh sáng đèn, đủ thứ hoa hương, bột thơm, hương xoa, vòng hoa cài đầu đẹp đẽ tô điểm thân thể v.v… người như vậy đọc tụng đại thừa dấy lên lòng vui mừng số một, dạy người khác đọc, dạy người khác tụng, lòng chẳng khinh miệt Bồ Tát chưa học, đối với Bồ Tát khác an trụ khiến học tập, thường nói lời êm ái, nói lời tốt đẹp.

Người như vậy cho dù gặp nhân duyên chết thân mất mạng cũng chẳng bỏ đại thừa, thường nhiếp lấy tất cả người hành đại thừa, người học đại thừa, người đọc đại thừa, người tụng đại thừa, người nhiếp đại thừa… người ấy thường đối với những người đó, kính trọng số một, lòng sinh vui mừng, thiết lễ đại cúng dường và cũng khiến cho người khác tu học như vậy có thâm tâm lớn.

Người đó như vậy thì không có người oán ghét, chẳng cùng tranh cãi với ai, thường cầu tất cả Kinh Điển chưa từng nghe, lòng sâu sắc, lòng ân cần cẩn trọng, lòng tìm cầu số một.

Người ấy thường kính trọng người mà mình theo nghe và đối với người đó phát sinh tư tưởng kính là thầy. 

Người ấy cũng khiến cho người khác tu học như vậy, lòng chẳng khinh miệt Bồ Tát chưa học. Đối với lỗi lầm người khác hoặc thật hay chẳng thật, người ấy chẳng nói, chẳng chê bai, chẳng tìm sự sơ hở của người khác, cũng dạy người khác tu học như vậy.

***