Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI MƯƠI BA

PHẨM NHẬN SỰ KHUYẾN HÀNH

CỦA TÔN GIẢ CA DIẾP
 

Bấy giờ, Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, các vị Đại Bồ Tát cùng với các vị đông đảo đang có mặt nơi chúng hội này, là ai có thể nhận lấy công việc đứng trước Đức Như Lai nêu giảng về hữu hành vô hành, tức những cánh cửa dẫn tới các trí tuệ chẳng thể nghĩ bàn?

Lúc này hết thảy đại chúng được nghe Đức Thế Tôn nói như vậy thảy đều im lặng không đáp. Đức Thế Tôn liền phóng hào quang từ tướng lưỡi tỏa chiếu đến vô số, vô lượng các Quốc Độ, khiến cho mọi chúng sinh nơi các cõi ấy thảy đều trông thấy ánh hào quang kia, những người trông thấy ánh hào quang đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ về phương Đông cách cõi này mười ức hằng hà sa số, vượt quá số lượng ấy thì có một Cõi Phật tên là Liên Hoa Tịnh, Đức Phật ở đấy hiệu là Tịnh Giác Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, trông thấy Đức Phật Thích Ca Văn phóng hào quang lớn tỏa chiếu khắp các Cõi Phật trong tam thiên đại thiên.

Tức thì bảo các vị Bồ Tát ở cõi ấy gồm một vạn hai ngàn người cùng đi đến Thế Giới Ta Bà, tới chỗ Đức Thế Tôn cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Về phương Nam, cách xa cõi này mười ức hằng hà sa số Quốc Độ Chư Phật, có Đức Phật hiệu là Nhất Đạo, trông thấy hào quang của Đức Phật Thích Ca Văn tỏa chiếu, liền gọi các vị Bồ Tát ở cõi ấy gồm tám ngàn vị Đại Sĩ đi đến Thế Giới Ta Bà tới chỗ Đức Như Lai cung kính đi nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi cùng an tọa qua một bên.

Về phương Tây cách cõi này bảy hằng hà sa Thế Giới Chư Phật, có Đức Phật hiệu là Vô Ngại Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, trông thấy ánh hào quang của Chư Phật Thích Ca Văn tỏa chiếu khắp chốn.

Liền bảo một ngàn hai trăm vị Đại Sĩ, thảy đều là bậc đạt đủ các pháp thần thông, hành vượt các cõi ma, cùng đi đến cõi Ta Bà, tới chỗ Đức Như Lai rồi cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi an tọa qua một bên.

Về phương Bắc, cách cõi này mười ba ức hằng hà sa số có cõi Phật tên là Như Tượng, Đức Phật hiệu là Chánh Ý Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Trông thấy ánh hào quang của Đức Phật Thích Ca chiếu khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, liền bảo năm vạn vị Bồ Tát ở cõi ấy, đều là bậc đạt đủ sáu thứ thần thông diệu dụng, cùng đi đến cõi Ta Bà, tới chỗ Đức Thế Tôn cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra ngồi một bên.

Về phương Đông bắc, cách cõi này tám hằng hà sa số có Cõi Phật tên là Trừ Cấu, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Đẳng Hành Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, trông thấy ánh hào quang tỏa chiếu, liền bảo các vị Bồ Tát ở cõi đó gồm bảy ngàn vị Đại Sĩ cùng đi đến Thế Giới Ta Bà, tới chỗ Đức Như Lai cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra ngồi một bên.

Về phương Đông Nam, cách cõi này đến ba ức Cõi Phật, có một cõi tên là Tích Bảo, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Thiện Tích Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Trông thấy ánh hào quang của Đức Phật Thích Ca tỏa chiếu, liền sai bảy trăm vị Chánh Sĩ, đều là bậc đã đạt được trí tuệ vô ngại và các pháp thần thông, cùng đi đến Thế Giới Ta Bà, tới chỗ Đức Thế Tôn cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra an tọa một bên.

Về phương Tây nam cách cõi này mười hằng hà sa số Quốc Độ Chư Phật, có Cõi Phật tên là Nhất tướng, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Đẳng Tuệ Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, trông thấy ánh hào quang của Đức Phật Thích Ca tỏa chiếu, liền bảo một ngàn năm trăm vị Đại Sĩ cùng đi đến Thế Giới Ta Bà, tới chỗ Đức Thế Tôn cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra ngồi một bên.

Về phương Tây bắc, cách cõi này mười bốn ức hằng hà sa số Quốc Độ Chư Phật, có một Thế Giới tên là Thanh Tịnh, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Chúng Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, trông thấy ánh hào quang của Đức Phật Thích Ca tỏa chiếu, liền bảo năm ngàn vị Bồ Tát cùng đi đến Thế Giới Ta Bà, tới chỗ đức Thế Giới, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra an tọa một bên.

Về phương trên, cách cõi này vượt qua Thế Giới chúng sinh, lại qua hai hằng sa Thế Giới, có Cõi Phật tên là Phổ Từ, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Hoằng Đẳng Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, trông thấy ánh hào quang của Đức Phật Thích Ca tỏa chiếu, liền sai năm ngàn vị Bồ Tát cùng đi đến Thế Giới Ta Bà, tới chỗ Đức Thế Tôn cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra ngồi một bên.

Về phương dưới, cách cõi này ba mươi hai ức hằng hà sa số, có Cõi Phật tên là Kiên Cố, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Bất Xả Hoằng Thệ Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, trông thấy ánh hào quang của Đức Phật Thích Ca tỏa chiếu, liền bảo mười ngàn vị Đại Sĩ ở cõi này cùng đi đến chỗ Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra an tọa một bên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn trông thấy đại chúng đã an tọa ổn định, liền nói với các vị có mặt nơi chúng hội rằng:

Hôm nay ta sẽ thuyết giảng về pháp hữu hành, vô hành, các vị phải hết sức lắng nghe khéo suy nghĩ, ghi nhớ: Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, từ đạo quả Tu Đà Hoàn cho tới quả A La Hán, nếu chưa đạt được kho tàng đạo tuệ của Như Lai, thì những vị đó xem như chưa đứng vào hàng các Bậc Giác Ngộ.

Lúc này nơi tòa ngồi có chín vạn hai ngàn vị A La Hán đã dứt mọi vướng chấp vốn từ các phương của nhiều Thế Giới khác đi tới Thế Giới Ta Bà này là nhằm để được nghe Đức Như Lai thuyết giảng về Diệu pháp Anh Lạc hữu hành, vô hành.

Nay nghe Thế Tôn nêu bày những lời dạy vừa rồi, cho rằng các hàng thiện nam, thiện nữ, từ đạo quả Tu Đà Hoàn đến A La Hán, nếu chưa đạt đến kho tàng đạo tuệ của Như Lai, thì các vị Thiện Nữ đó chưa được xem là ở vào hàng các Bậc Giác Ngộ.

Vì thế mà chín vạn hai ngàn vị đắc đạo quả A La Hán, các lậu đã diệt sạch, mọi trói buộc của phiền não đều được cỡi bỏ, không còn thọ sinh trở lại, chưa lãnh hội được ý nghĩa lời dạy của Đức Thế Tôn.

Bấy giờ, các vị Tôn Giả Đại Ca Diếp, A Nhã Câu Lân, Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Tân Đầu Lô, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ly Việt, Tu Bồ Đề, Mãn Nguyện Tử, cùng với chín vạn hai ngàn người, liền rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, cung kính đảnh lễ ngang chân Đức Phật, đi nhiễu quanh Đức Phật ba vòng.

Rồi thảy đều quỳ mọp cung kính thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con tuy đã đạt được bốn quả, thấu đạt sáu pháp thần thông, nhưng hãy còn chẳng bằng hàng phàm phu mới bắt đầu tu học.

Sở dĩ như thế là vì hôm nay chúng con được nghe Đức Như Lai nói về kho tàng đạo tuệ thâm diệu chẳng phải là cảnh giới chúng con có thể đạt đến. Kính mong Thế Tôn hãy nêu giảng rõ về pháp ấy để cho những chúng sinh còn bị mê muội sâu dày có thể vĩnh viễn thoát khỏi mọi nỗi do dự.

Lúc này Đức Thế Tôn im lặng không đáp, Tôn Giả Đại Ca Diếp liền một lần nữa thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con, những hàng A La Hán tuy được gọi là đệ tử của Phật, nhưng nếu không được xem là ở vào hàng các Bậc Giác Ngộ thì đấy đều là do Như Lai chứ chẳng phải là ở chúng con.

Vì sao?

Vì nếu như Đức Như Lai nêu giảng giáo pháp không có ba thừa thì chúng con lẽ nào chẳng thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Giác sao?

Làm sao Đức Như Lai không nhận là đã đứng vào hàng các Bậc Giác Ngộ?

Bấy giờ Tôn Giả Đại Ca Diếp cùng với chín vạn hai ngàn vị A La Hán khác thảy đều cởi những chiếc Ca Sa nơi mình, buồn thảm gieo mình xuống đất khóc than. Ngay lúc ấy khắp các Quốc Độ trong cõi tam thiên đại thiên Thế Giới hiện đủ sáu cách chấn động.

Chư Thiên, Long, Quỷ Thần, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Càn Đạp Hòa, Nhân Phi Nhân thảy đều cho là điều lạ lùng chưa từng có.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn cởi bỏ mối hồ nghi nơi tâm ý của mọi người, liền đưa cánh tay phải đỡ lấy Tôn Giả Đại Ca Diếp ngồi dậy cùng khiến các vị khác an tọa lại như trước.

Đức Thế Tôn liền đọc bài kệ:

Nẻo Như Lai gốc không

Kho đạo tuệ bậc nhất

Các độ, trí vô lượng

Dần nhập cõi Như Lai

Đạo lớn không ba thừa

Huống có bốn đạo quả

Quán tịnh như hư không

Là Trưởng Lão Ca Diếp

Ta nay quán tâm ấy

Chẳng có cũng chẳng không

Biến hiện nhiều vô lượng

Không rời thệ lớn Phật.

Từ xa xưa đến nay

Tu Anh Lạc thần túc

Sáu độ pháp rộng lớn

Nào có hiệu Thanh Văn?

Cõi Phật không bến bờ

Nẻo hành hóa không đồng

Nếu khiến chúng sinh ngờ

Cho đạo chỉ từng ấy.

Lúc này nơi tòa ngồi có vô số chúng sinh nghe Đức Như Lai nói xong bài kệ ấy thì thảy đều phát tâm tin tưởng vui thích muốn được nghe pháp thâm diệu của kho tàng đạo tuệ sâu xa, nên đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Lại có vô số chúng sinh tâm được cởi mở đạt được đầy đủ tín hành.

***