Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI MỘT

PHẨM NÓI VỀ TÂM
 

Bấy giờ nơi tòa ngồi, có các vị Chư Thiên và người ở Cõi Dục, Chư Thiên và người ở Cõi Sắc, cùng với các bộ chúng Thiên, Long, Quỷ Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc, được nghe Như Lai Vô Thượng, Chánh Giác thuyết giảng về pháp hết mực thâm diệu ấy, thảy đều có lòng khao khát, mong muốn được thấy Đức Như Lai thể hiện pháp định ý chánh tâm.

Lúc này, Đức Thế Tôn nhận biết nơi tâm của chúng sinh đang có những suy nghĩ như thế, lại muốn khiến cho chúng hội thấy pháp tam muội Tâm định, nên tức thì ở nơi bảo hòa nhập pháp định ý Diện Hiện, khiến cho chư Đại Bồ Tát hiện có thảy đều trông thấy.

Cách xa cõi này mười lăm hằng hà sa số cõi, có Cõi Phật tên là Như huyễn, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Đẳng Tâm Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ.

Quốc Độ ấy luôn thanh tịnh, không hề có sự tưởng chấp, tham vướng, không có ba đường ác là ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục. Mọi nẻo hành động đều thuần thục, không hề có sự chấp trước về ngã, tâm không hướng về nẻo nhỏ hẹp, cũng không có âm thanh của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật. Hết thảy các vị trong chúng hội đều trông thấy cảnh giới ấy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ra khỏi pháp định kia, lại nhập pháp định ý nguyệt thịnh, khiến cho tất cả chúng sinh đều trông thấy thân sắc màu vàng ánh và thảy cùng nghe Chư Phật nơi mười phương thuyết giảng về hành vô tướng.

Thế nào gọi là vô tướng?

Các pháp vốn tịch nhiên, trong lặng vô hình. Các pháp không dấy khởi, luôn nhẫn đối với mọi giận dữ. Các pháp luôn thâu phục tâm, không dấy tưởng về ngoại giới. Các pháp định ý hiện rõ Quốc Độ trí tuệ.

Các pháp luôn khéo quán tưởng không lấy số lượng kiếp làm giới hạn. Các pháp tạo an vui cho mọi hành, vĩnh viễn lìa bỏ ân ái. Các pháp luôn hiện rõ ánh sáng, không sinh si mê, vọng tưởng. Các pháp trừ dứt tham lam, tu tập đầy đủ pháp thí Ba la mật. Các pháp không hề có sự sai phạm, gồm đủ pháp tu trì giới Ba la mật. Các pháp không dấy tưởng chấp giận dữ, gồm đủ pháp tu nhẫn nhục Ba la mật.

Các pháp luôn tinh tấn không có biếng trễ, gồm đủ pháp tu tinh tấn Ba la mật. Các pháp không làm dấy ý loạn, tâm được thâu phục, an định, luôn vui nơi thiền, gồm đủ pháp tu thiền định Ba la mật. Các pháp dứt trừ hết sạch ngu muội, mê lầm, không còn một niệm khác lạ nào, gồm đủ pháp tu trí tuệ Ba la mật.

Lại có bốn pháp gọi là bốn ý chỉ, là pháp tu hành của hàng Đại Bồ Tát.

Những gì là bốn ý chỉ?

Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ, nhận rõ nẻo dừng của ý trong thân tướng của mình, từ đầu đến chân mỗi mỗi đều nhận rõ, làm sinh sự quan sát về tính chất bất tịnh của thân. Tự quan sát về thân mình cùng quan sát thân của người khác.

Tự quán tưởng về tâm mình cùng quán tưởng về tâm của kẻ khác. Các pháp trong ngoài thảy đều như thế. Đại Bồ Tát lại tự quan sát các pháp với các pháp tu tập như bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Hiền Thánh đạo. Đó gọi là Đại Bồ Tát thực hiện pháp vô tướng.

Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Đại Bồ Tát tự quan sát về thân mình, rồi quan sát thân người khác, mỗi mỗi đều phân biệt từ đầu đến chân, làm khởi tưởng bất tịnh. Đó gọi là Đại Bồ Tát quan sát về trong, ngoài thân tướng để nhận ra thảy là không thực có.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ khen ngợi:

Chẳng dựa tâm ý thức

Nhận rõ gốc các hành

Đạo còn, dứt tưởng niệm

Mới hợp nẻo giác ngộ.

Tuệ Phật chẳng bến bờ

Chẳng thấy có lìa hợp

Thành Phật từ vô tướng

Mới hợp nẻo đạo quả

Phật Đạo gốc không hai

Lại cũng không nhất tướng

Thiện, từ khắp người chân

Thị hiện ngần ấy pháp.

Ngã gốc chẳng tạo ngã

Do nhiễm thành năm ấm

Bậc Tuệ Giác vô lượng

Tiến tới ý tự diệt.

Chẳng có cũng chẳng không

Sinh tử dấy nhiễm đắm

Tướng diệt, tự thành Phật

Nên hiệu Thiên Trung Thiên

Sinh làm người đã khó

Sáu căn đầy đủ, khó

Mười hai duyên dứt, khó

Sinh Thiên nhận phước, khó

Gặp gỡ Hiền Thánh, khó

Nhập định dứt tưởng, khó.

Quán trong, ngoài thân, khó

Lãnh hội Thánh giáo, khó.

Đức Thế Tôn nói xong bài kệ ấy thì nơi tòa ngồi, Chư Thiên, chúng nhân cùng tám bộ chúng Thiên, Long, Quỷ Thần thảy cùng phát tâm cầu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Lại có vô số chúng sinh đạt được pháp nhẫn bất khởi.

***