Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bản Duyên

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT BẢN DUYÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô
 

PHẨM BA

PHẨM VƯƠNG TỬ NHẤT THIẾT TRÌ
 

Bồ Tát Ma Ha Tát

Vì các chúng sinh nên

Đem tất cả vật quý

Bố thí cho tất cả.

Trước đây, tôi từng nghe: Thời quá khứ có một vị Vua, con của nhà Vua là Thái Tử Nhất Thiết Trì, tuổi còn nhỏ, dung mạo tuấn tú, cũng như Mặt Trăng tròn sáng giữa muôn sao, mọi người ngắm nhìn không hề chán, uy nghi đĩnh đạc như núi Tu Di.

Trí tuệ sâu xa như biển lớn, thành tựu nhẫn nhục cũng như mặt đất, tâm không thay đổi như vàng ròng, thường được tất cả Trời người yêu mến, như nước trong sạch gồm đủ tám vị.

Tâm luôn bình đẳng đối với thế gian, như mặt trăng, mặt trời chiếu khắp vạn vật luôn làm mãn nguyện chúng sinh, như người cầu xin gặp ngọc như ý, tâm sinh hoan hỷ, cũng như mẹ hiền trông thấy con yêu.

Vào lúc ấy, Vương Tử nói Kệ:

Ta tự do sử dụng

Với vô lượng tài sản

Cho chúng sinh cùng hưởng

Như mặt trời chiếu khắp

Thấy người đến cầu xin

Không lúc nào nói không

Với người không mong cầu

Cũng bố thí cho họ.

Bồ Tát Vương Tử các căn luôn tịch tĩnh cũng như Phạm Thiên. Tài sản đầy đủ như Tỳ Sa Môn. Vua cung cấp các phương tiện để phục vụ cho mọi người, như đệ tử phục vụ Hòa Thượng. Tâm thường yêu mến tất cả chúng sinh như cha mẹ nhớ đến con ruột, giáo hóa chúng sinh theo phép tắc lễ nghi như bậc Đại Hiền.

Bồ Tát Vương Tử thành tựu được các công đức lớn lao như vậy. Tâm luôn vui vẻ bố thí cho tất cả chúng sinh. Vật như thế này bố thí cho người này. Vật như thế nọ, bố thí cho người kia. Người này sợ hãi, ta sẽ an ủi họ giúp tu tập chánh pháp, không có bỏ phế.

Vật bố thí là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, trân châu, xa cừ, mã não, san hô, bích ngọc, cùng các loại dụng cụ, y phục, giường nằm, chăn nệm, xe cộ, nhà cửa, đất đai ruộng lúa, lương thực, nô tỳ, người phục vụ, voi ngựa, bò dê. Bố thí đầy đủ tùy theo nhu cầu, cũng như trời mưa làm cho trăm loại cây lương thực phát triển.

Bồ Tát bố thí tài vật cho người với năm ngón tay của mình, như năm con Rồng phun trận mưa lớn, Bồ Tát Vương Tử cũng luôn bố thí không ngừng như thế. Nếu hôm nào không có người đến xin, thì dung nhan Bồ Tát tiều tụy, trong lòng buồn rầu, cũng như mặt trăng vừa mới xuất hiện đã bị mây mù che phủ, không còn phát ra ánh sáng. Bấy giờ quần thần đều sinh ý hiềm hận đối với Vương Tử.

Than ôi Vua ta ngu si vô trí

Có tiền không ăn, vị lai ra sao

Hiện tại không dùng, cũng không trách con

Phân tán kho tàng cho kẻ ở không

Kho tàng cạn rồi dân chúng ly tán

Dân chúng ly tán, giặc đến ai chống?

Giả như không giữ mạng sẽ chẳng toàn

Mạng đã chẳng còn, nước còn ai sống?

Các đại thần và dân chúng đều suy nghĩ về việc này. Khi ấy Vua cha có một con voi trắng có thể đi lại trên hoa sen, sức lực có thể hàng phục các nước thù địch. Vì có voi quý ấy nên các nước khác không dám xâm lăng.

Vua oán địch ở nước bên cạnh thường nghĩ: Ta phải bày mưu chước gì để có được voi trắng quý giá kia. Vua liền sai người giả dạng một vị Bà La Môn khổ hạnh, đi đến chỗ Vương Tử cầu xin voi trắng nọ. Vì Vương Tử thấy các đại thần sinh tâm phẫn nộ, nên cỡi voi trắng ra ngoài thành du ngoạn, muốn đến một khu rừng, thì ngay trên đường đi đã thấy người Bà La Môn.

Sau khi gặp Vương Tử, Bà La Môn rất vui mừng, chú nguyện: Nguyện cho Vương Tử kế tục ngôi vị cao cả của Đại Vương, sống lâu vô cùng, các nước khác đều quy phục, thiên hạ được thái bình.

Rồi nói: Thưa Vương Tử, chúng tôi đều là Bà La Môn  sống ở phương xa, thường nghe Vương Tử thích làm việc bố thí, nên từ nơi ấy đến đây, trên đường bị đói khát, chịu nhiều thống khổ.

Thưa Vương Tử, nên biết chúng tôi thọ trì giới cấm thanh tịnh, đọc tụng rất nhiều, thông suốt tất cả. Công đức của Vương Tử trải khắp mười phương, nghe xứ nọ tán về đức độ của Ngài, ai cũng yêu mến.

Ngài luôn cho chứng sinh thỏa mãn ý nguyện, chẳng một ai đến xin mà trở về tay không. Xin Ngài bố thí cho chúng tôi con voi trắng đang cỡi.

Nghe vậy, Vương Tử suy nghĩ: Nay nếu không cho thì trái với lời nguyện, còn nếu như đem cho thì voi chẳng phải là của ta, mà là vật Vua cha rất yêu quý.

Suy nghĩ như thế nên bảo người Bà La Môn: Các vị nếu cần vàng, bạc, lưu ly, châu báu, các loại xe cộ, nô tỳ của ta, thì ta sẽ cho hết. Còn voi trắng này vốn không phải là của ta nên ta không có quyền cho. Vả lại, đây là voi của Vua cha ta cỡi, làm sao ta tự tiện đem cho được. Tính ra xem voi trắng này giá trị bao nhiêu, ta sẽ cho bằng với giá ấy, không khiến cho các vị nghèo cùng, cần gì chỉ muốn có được voi ấy.

Bà La Môn quý vị luôn thương xót chúng sinh nên xuất gia thọ giới, đã xa lìa tất cả vật chất thì dùng voi này làm gì?

Nếu các vị được nó, có khi lại thêm khổ sở là khác.

Các Bà La Môn nói: Chúng tôi không dùng tiền tài châu báu, chỉ cần voi này để cỡi vào núi tìm kiếm hoa đẹp cúng dường Chư Thiên, sẽ làm cho chúng sinh được sinh lên Cõi Trời hoặc nhập Niết Bàn. Bản nguyện của Vương Tử là muốn đem lại lợi ích cho người khác, tôi cũng vậy, chỉ vì muốn đem lại lợi ích cho mọi người.

Vương Tử nghe nói vậy, bèn phát sinh tâm Bi, liền từ lưng voi nhảy xuống, lại nghĩ: Voi này là sở hữu của Vua cha, nay ta đem bố thí, tất quần thần và dân chung thấy sẽ tức giận, nghi ngờ. Ta muốn đem lại lợi ích cho mọi người tại sao lại phải tính toán như vậy, vì sự bố thí của ta là không cầu danh tiếng hay cầu sinh lên Cõi Trời, chỉ nhờ vào việc này giúp cho chúng sinh đoạn trừ các khổ não.

Sau khi phát nguyện, Bồ Tát liền bố thí voi trắng quý cho Bà La Môn, rồi tự mình cỡi một con ngựa trở về thành. Được voi quý xong, các Bà La Môn cùng nhau cỡi voi trở về, trong thời gian rất ngắn, họ đã trở về nước cũ.

Các Đại Thần cùng nhau tập họp, vội vàng đến gặp nhà Vua tâu lên: Đại Vương, hôm nay xin quyết đoán cho khéo vì Vương Tử đã đem voi trắng quý cho các Bà La Môn và họ đã cỡi đi, lúc này chắc đã về tới nước thù địch. Vì trước đây Đại Vương thấy Vương Tử bố thí vàng bạc châu báu lại không khiển trách, đến nỗi ngày nay đem cả voi trắng quý giá cho kẻ oán thù.

Đại Vương, người con xấu trong thế gian có nhiều tội lỗi vì uống rượu, cờ bạc, tham sắc, hoang phí. Chúng thần mạo muội tâu bày, xin Đại Vương đừng bắt tội, từ đây về sau nếu Vương Tử không còn đem tài vật bố thí cho người thì cho phép ở lại Triều Đình, còn nếu không ngưng bố thí nên thì đuổi vào rừng sâu.

Nhà Vua ra lệnh triệu Vương Tử đến và suy nghĩ: Lạ thay! Tại sao tự dưng ta lại vì các Đại Thần mà không cho phép con ta bố thí tùy ý. Ta thật xấu hổ, khác nào nàng dâu sợ cha mẹ chồng.

Nhài Vua bèn nói với con mình: Từ nay, con không được tham lam thực hành tất cả các công đức nữa, hãy từ bỏ tâm xả đi. Người hành theo chánh pháp nên mặc y phục bằng cỏ, uống nước lạnh, ăn trái cây, ở xa trong núi sâu. Con không thể móc mắt trái để trị mắt phải.

Hôm nay vì sao bỗng dưng con làm phiền muộn tâm ta cùng đám quần thần. Người sống theo pháp phải làm cho hàng thân thuộc được an vui trước, sau đó mới đem lại an vui cho người khác.

Nay, vì sao con lại đem voi trắng quý giá cho kẻ oan gia?

Bấy giờ, Vương Tử chắp tay quỳ xuống tâu: Thưa Phụ Vương, sự bố thí của con không vì tham dục sân hận ngu si, không mong danh tiếng, không cầu sinh thiên, hay sinh vào các nhà giàu sang, không hành động do tâm điên cuồng thác loạn, chỉ vì dốc cầu chánh pháp nên bố thí như vậy.

Đại Vương! Xin biết cho con nay luôn ủng hộ cha mẹ, anh em, vợ con nhưng đến khi chết, thân tộc ai có thể đi theo, chỉ có chánh pháp là luôn theo con không rời.

Nếu con không có tâm hành pháp thiện, còn mong Đại Vương la rầy dạy bảo. Vì sao bỗng nhiên Đại Vương tin dùng lời tà, ngăn con làm việc thiện. Ngài vừa ra lệnh cho con phải lìa bỏ tâm xả. Tâm xả là bản tánh của con làm sao bỏ được. 

Cũng như đất không thể lìa bỏ tánh cứng của nó. Như lửa không thể xả bỏ tánh nóng. Như cá vứt lên bờ thì không thể nào sống được. Như tôi tớ của Vua, nếu đủ cả sáu tình, thân thể toàn vẹn, không khác gì Chư Thiên, thì người ấy làm sao để Vua sai khiến. Tài sản của nhà Vua như xe cộ, thể nữ, vàng bạc châu báu, từ đâu mà được.

Nên biết đều do hành động bố thí ở quá khứ, nay mới được phước báo ấy. Đại Vương, nên biết rằng tất cả loài ngạ quỷ bị lửa đói thiêu đốt, thân tâm khô héo như vậy đều là do tham lam keo kiệt. Nơi Cõi Trời với cung điện làm bằng bảy báu, mạng sống lâu dài, nên biết đều do nhân bố thí mà có.

Đại Vương, sự bố thí của con hiện nay, lửa không thể đốt, nước không làm trôi, nhà Vua, trộm cướp, oan gia, chủ nợ không thể xâm phạm. Vật bố thí, trong các cảnh giới thường làm bạn thân, Cõi Thiên là xe cỡi. Vật bố thí, trong sinh tử, nó thường theo thân con như bò nghé theo mẹ.

Như Vua ra lệnh con ngăn bỏ tâm bố thí, nếu không bỏ được phải đi vào núi sâu. Tuy đến núi sâu mà chẳng bỏ tâm bố thí, thì người bần cùng cũng sẽ tìm tới. Bản nguyện của con thật thích hợp chốn núi rừng, sở dĩ chưa xin phép vì lo Vua không cho đi.

Vua đã cho phép thì thật đúng với sở nguyện của con. Chính là đúng lúc nên vâng lệnh chia tay lên đường đi tới.

Vì sao?

Trong núi rừng là nơi yên tịnh, Tiên Thánh vui thích, xa lìa tham dục, sân hận, ngu si. Nếu con đến chốn đó thì tất tự lợi. Vương Tử cung kính lạy sát chân phụ Vương, đi nhiễu theo phía bên phải ba vòng, rồi từ giã ra đi. Sau đó Vương Tử đến gặp mẹ, quỳ lạy như trước, nhiễu bên phải ba vòng rồi lạy từ giã.

Rồi đến gặp vợ, nói: Nàng nên ở đây phụng dưỡng cha mẹ, nuôi nấng con cái, vậy là nàng đã tu tập chánh pháp. Nay ta muốn đi sâu vào rừng núi.

Vì sao?

Trước đây ta thường nguyện, muốn vào núi sâu tu hành theo chí mình. Nay Phụ Vương đã cho phép, vậy nên ta phải mau đi vào nơi kia để giúp tâm ta tìm sự ứng hợp, cùng các loài cầm thú làm bạn, uống nước lạnh, ăn trái cây cũng đủ nuôi sống.

Nàng là Vương Nữ, thân thể mềm yếu, xinh đẹp, nhã nhặn, làm sao chịu đựng được những việc khổ như thế. Vậy phải ở đây, không nên theo ta.

Người vợ nghe nói, tâm buồn bã, áo não, thân thể run rẩy như tàu lá chuối, kêu gào khóc lóc, nói: Làm sao được. Vương Tử có tội gì khiến cho phụ vương phải đuổi vào rừng sâu.

Đại Vương rộng rãi, nhân từ, trị nước bằng chánh pháp, yêu dân như con, vì sao bỗng nhiên lại đuổi chàng như vậy?

Thân hình đáng yêu của chàng với dung quang uyển chuyển như hoa Chiêm Ba, tại sao bỗng nhiên phải nằm trên gai gốc, đất đá. Hiện nay, chàng đang sống an vui với năm âm nhạc trong cung, nếu vào núi chỉ còn nghe âm thanh độc dữ của loài hổ, lang, sư tử ác thú.

Lạ thay! Nay tâm từ ái của Đại Vương ở đâu!

Vì sao cha thân yêu lại biến thành bạc bẽo, vì chuyện nhỏ, bỗng dưng thành oán sâu?

Vương Tử đáp lời vợ: Lành thay Vương Nữ!

Nàng có sự hiểu biết sâu xa, tinh tấn dũng mãnh, luôn là người bạn tốt của ta. Nếu như ta không đúng, cần phải khiển trách đi nữa, nàng cũng không nên nói ra các lời thô bạo như vậy.

Những ông Vua vì nước quá lo chuyên trị nên gây chiến tranh với nhau, đều bị khổ não vì tham lam, sân hận, si mê. Chính ta có phước duyên nên mới khiến Phụ Vương cho phép vào núi tu tập chánh pháp. Nàng không nên sinh ý buồn phiền.

Theo pháp thường trong thế gian, nếu Vua già cả thì lập Thái Tử để biết việc nước. Quốc sự đa đoan, nhiều việc lầm lỗi. Gây lỗi thì chôn thân ở đây không có chỗ tránh. Nay Phụ Vương chưa suy yếu, lại có thể rộng lượng, cho phép ta vào núi tu tập theo ý mình.

Lầm lỗi trong thế gian không sao thấy hết, vậy vì sao nàng lại không hoan hỷ?

Nàng hãy vui ở lại, ta sắp lên đường.

Vương nữ nói: Cha mẹ thiếp khi gả thiếp cho chàng, có cả nhật nguyệt, trái đất và Tứ Thiên Vương đều làm chứng. Ngày tân hôn, chàng tự nói ra lời thề không hề chia lìa, vì sao hôm nay chàng lại muốn ra đi một mình. Như mặt trời, mặt trăng, hay lửa rực cháy, ánh sáng và vật phát sinh không thể rời nhau.

Vậy sao chàng lại muốn thấy sự chia lìa như thế?

Bấy giờ, Vương Tử đem gia tài bố thí hết cho người nghèo, rồi vác hai con trên vai, tay dắt vợ đi vào Tuyết Sơn. Đến nơi, Vương Tử ăn trái cây, uống nước lạnh để sống, ngày đêm tu tập tâm từ bi.

Vương Tử lại nghĩ: Khi ta còn ở nhà, hưởng thụ năm đục sung sướng không bằng ngày nay sống trong núi. Sự an lạc này còn hơn cả dục lạc mà Thích Đề Hoàn Nhân thọ hưởng.

Chúng sinh thật không biết vị ngọt vi diệu của chánh pháp, như con quạ không biết mùi vị thượng diệu của hoa sen. Vương Tử thường vì chúng sinh tư duy về ý nghĩa này. Người vợ thường hay vào rừng hái trái khô để nuôi sống cho cả nhà.

Bấy giờ, có một người Bà La Môn già cả, thân hình xấu xí chẳng ai ưa nhìn, từ phương xa đến.

Vương Tử trông thấy, liền mời ông ta ngồi, đưa nước và trái cây, sau đó thì thăm hỏi: Vì sao ông đến đây?

Phải chăng vì nhàm chán sự khổ não của gia đình?

Tráng niên thì nên ở nhà thọ hưởng năm dục, nay già lão sắp chết, hãy bỏ tất cả để tu đạo, thật là việc an lạc. Trong chốn này yên tĩnh, không có lỗi lầm của gia đình. Nếu ông ưa thích nơi đây, thì nước mát trái ngọt của tôi sẽ cung cấp cho ông, không để thiếu thốn.

Bà La Môn nói: Người không dục tưởng thì nên sống ở chốn nơi này. Hiện nay, tôi chưa diệt được dục tưởng, thế nên không thể sống ở nơi đây.

Đại Tiên, ông hãy xem này, thân tôi tuy già đầu bạc răng rụng, bước đi run rẩy, mát nhìn không tỏ, miệng lưỡi khô khan không thể nói năng, đầu nặng khó chịu cũng như đội lấy núi Thái, tai nghe không rõ, thân thể suy tàn, nhưng vẫn còn dục tưởng như thời tráng niên.

Đại Tiên nên biết, tuổi tác của tôi già cả, thân thể suy yếu, nhà nghèo thiếu thốn, không có người sai khiến, nếu Ngài muốn làm thỏa mãn ý nguyện của tôi, làm ân cho tôi xin hai người phục vụ.

Bồ Tát nghe nói, liền suy nghĩ: Khó thật!

Hôm nay nếu ta nói không có thì trái với lời thệ trước đây. Còn nếu ta nói có thì lúc này quả thật là khổng có gì.

Bà La Môn nói: Nay Ngài dùng dằng ngờ vực, có suy nghĩ gì, hay là nghĩ tôi chẳng phải là hàng Bà La Môn thọ trì giới cấm, học rộng phải không?

Ngài đừng nghĩ như vậy, tôi đúng thật là hạng người ấy.

Bồ Tát đáp: Khi ta còn ở nhà, có nhiều tôi tớ, vàng bạc châu báu kho tàng đầy đủ. Ngày ấy, thấy người đến xin, không bao giờ ta nói là không có. Nay ở núi này, không đem theo gì cả, thế thì tìm đâu để giúp đỡ cho xứng, vì vậy nên ta mới dùng dằng suy nghĩ.

Bà La Môn nói: Nay tôi già yếu không còn sức lực, từ phương xa đến để cầu xin theo ý muôn. Từ xưa đến nay, Ngài thấy người xin, chưa từng nói là ta không có gì.

Hôm nay vì sao lại nói như vậy?

Đại Tiên! Nếu Ngài thương xót cấp cho hai người ở, tôi sẽ về nước. Nếu không được thế chắc tôi sẽ chắc chết ở đây.

Vương Tử suy nghĩ: Ta phải làm cách gì để giúp đỡ người này?

Bấy giờ, hai đứa con của Vương Tử đang chơi đùa trong núi cách đó không xa.

Bồ Tát lại suy nghĩ: Nay ta sẽ vì tất cả chúng sinh tạo mọi nhân duyên đầy đủ.

Bèn gọi hai con, sau khi chúng đến, Bồ Tát liền ôm chúng, suy nghĩ: Hai con của ta sinh trưởng trong Vương Cung, thân thể mềm yếu, chưa trải qua khổ lạnh.

Làm sao bỗng dưng phải xa lìa cha mẹ, làm tôi tớ cho người!

Lại nghĩ: Vì sao ta lại tính toán việc này?

Nếu không tu hành khổ hạnh khó làm, thì nhờ vào đâu để thành tựu quả vị Chánh Giác. Với nhân duyên này, ta nên thi hành, nguyện với hạnh này sẽ mau thành Chánh Giác. Ta chẳng phải bố thí hai con yêu mến của ta để cầu sinh thiên hay phước báo trong loài người, hoặc mong làm bậc Chuyển Luân Thánh Vương, Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương.

Nguyện đem công đức này hồi hướng khắp chúng sinh đều thành tựu đạo quả Vô Thượng.

Nghĩ xong, Bồ Tát liền tay dắt hai con, giao cho người Bà La Môn, nói: Này Bà La Môn, hai con tôi cũng như mạng sống của tôi, chúng còn non dại chưa đủ trí, chưa hiểu lời nói của người. Tuy như người, nhưng chưa có hiểu biết, nay giao cho ông để làm kẻ phục vụ, sợ mẹ chúng trở về ngăn cản, hãy mau dẫn đi đi.

Lúc đó, hai đứa con bèn quay lại nắm lấy áo cha, thưa: Cha ơi! Vì sao lại đem anh em con cho kẻ Bà La Môn ác này. Từ nay, chúng con vĩnh viễn xa lìa cha mẹ. Con còn thơ ấu chưa có hiểu biết, chẳng ai che chở, đùm bọc, làm sao sống được. Vì sao chúng con phải chịu khổ não này, rồi nay còn bị rơi vào tay người khác, tánh mạng chắc không bảo toàn.

Như phạm pháp của Vua, tất phải chịu hình phạt, chúng con thơ ngây nhỏ dại, chưa vi phạm gì, vì sao hôm nay gặp phải khổ này. Giả như thật có vi phạm còn vẫn được tha thứ, huống chi không vi phạm mà bị oan uổng. Giả sử cha đối với con không còn tâm yêu thương, nhưng đạo lý làm người không nên như thế, già bé đáng thương, ngu trí cũng vậy.

Nay cha vì sao riêng chịu khổ độc?

Giả sử cha vì pháp mà chịu chia lìa, bỏ mất tâm từ ái thương yêu như thế, có đúng là pháp không?

Con tuy nhỏ bé, nhưng từng nghe pháp Bà La Môn dạy rằng, nếu dốc lòng ủng hộ vợ con người thì được sinh lên Cõi Phạm Thiên.

Bồ Tát nghe nói vậy, thân tâm run rẩy, liền tự chê trách mình vì sao đến nỗi như vậy: Này tâm! Ngươi không biết sao?

Từ xưa đến nay, chúng sinh lưu chuyển trong sinh tử, ai chẳng phải là oán, ai chẳng phải là thân thuộc, ngươi mù tối không thấy chăng?

Tại sao không chánh niệm, tư duy phân biệt?

Nay ngươi chính vì họ mà đưa hai con đi, nên rung động như vậy phải không, nếu cái chết đến nơi thì phải làm sao?

Sau khi Bồ Tát khiển trách tâm mình xong thì bình tĩnh lại, bảo người Bà La Môn: Ông hãy đi mau lên!

Hai trẻ liền thưa với cha: Xin cho con ở lại chút nữa, chờ mẹ con về để quỳ lạy, thăm hỏi, từ giã rồi đi cũng không muộn.

Bồ Tát đáp: Các con hãy đi đi, ta cùng mẹ con sẽ theo sau con. Bà La Môn vội vàng dẫn hai đứa trẻ lên đường. Hai trẻ vừa đi, vừa nhìn lại, trông thấy mặt cha, chúng buồn khổ kêu khóc.

Bồ Tát lại trách tâm mình: Ngươi không nên rung động nữa, hãy quán sát thân này luôn bị già chết đốt cháy.

Khi con đi chưa xa, Bồ Tát lập thệ nguyện: Nay tôi xả thí cả hai con thật là hạnh khó làm, nguyện nhờ nhân duyên này sẽ thành tựu đạo quả Chánh Giác, dứt trừ hết thảy mọi trói buộc cho tất cả chúng sinh.

Người Bà La Môn lên đường chưa xa, tự nghĩ: Vương Tử thật đặc biệt, hiếm có trong thế gian, luôn làm đúng lời nói, bố thí cả hai con cho ta, sự tu tập pháp thiện tất được thành tựu đầy đủ. Nay, hai trẻ này nên đem bán ở đâu, chỉ có trở lại nơi nước của Vua Tổ phụ chúng. Bà La Môn bèn đưa hai đứa trẻ đi đến Vương Cung.

Nhà Vua nhìn thấy hai cháu mình, buồn vui lẫn lộn, hỏi Bà La Môn: Nhà ngươi được hai trẻ này ở đâu?

Bà La Môn tâu: Xin hãy nghe, trong núi Tuyết kia có con của Đại Vương tên Nhất Thiết Trì đã đem cho thần hai đứa trẻ này để làm người sai khiến.

Vua nghe nói thế, liền nắm chặt tay lại, nói: Lạ thay! Con ta mến pháp quá đáng, đến nỗi không còn thương tiếc cả con cái yêu dấu nữa. Ngươi hãy trở về, ta sẽ cho ngươi của cải. Sau khi nói lời kính tuân lệnh Vua, Bà La Môn bèn nhận lấy châu báu rồi trở vể nhà mình. Bấy giờ, vợ của Vương Tử ở trong rừng vắng, mắt trái lay động, tâm hồi hộp không vui.

Hoa đã hái liền bị khô héo. Hai trái cây trong giỏ cùng lăn ra đất. Hai vú kinh động khiến sữa chảy ra ngoài. Có con chim ở trước, kêu vang liên tục.

Bà liền suy nghĩ: Nay ứng các điềm này, thật không lành!

Chẳng lẽ chồng ta bị chết?

Hay là hổ lang, sư tử thú dữ đã ăn thịt con ta?

Hoặc là chúng chạy chơi, rơi xuống núi bị chết?

Nghĩ như vậy rồi, bà ta liền trở về chỗ ở, thấy Bồ Tát đang ngồi nghiêng trên tòa cỏ bên cạnh bờ đá, liền nghĩ: Chồng ta đang ở đây chắc không có gì đáng lo cả!

Nên đến trước hỏi: Hai con có an ổn chăng?

Bồ Tát đáp: Hai con an ổn.

Vợ nói: Tai thiếp có nghe nói là an ổn, nhưng chưa thấy chúng nên lòng cứ lo lắng!

Bồ Tát đáp: Nàng hãy ngồi chóc lát tất sẽ thấy chúng.

Khi vợ đã ngồi yên, Bồ Tát lại bảo: Nàng không biết rõ về bản nguyện của ta hay sao, tất cả mọi sở hữu đều đem bố thí cho người. Sáng này, sau khi nàng đi khỏi, có một vị Bà La Môn theo ta xin hai con và ta đã đem chúng cho ông ấy. Người vợ nghe xong, tâm ý mê muội, toàn thân ngất xỉu, ngã lăn ra đất. Bồ Tát lấy nước rưới lên, làm cho người vợ tỉnh lại.

Người mẹ bị kinh động toàn thân, ngồi nói kệ:

Lạ thay vì chánh pháp

Mà thực hành khổ hạnh

Khi đem con bố thí

Tại sao tâm không loạn?

Tâm chàng nào phải sắt

Mà không còn tình cảm

Tại sao có thể đem

Con bố thí cho người?

Con tôi còn thơ ấu

Xinh đẹp chẳng ai bằng

Mặt như hoa sen nở

Mắt như cánh sen hồng

Tự ăn trái, nước lạnh

Cũng chẳng buồn phiền gì

Sao không còn tình người

Bỗng dưng đem con cho?

Đường này nhiều đá cút

Gai gốc và gai độc

Họ không có từ, tuệ

Đem con đến nơi nào

Chàng ơi, có thấy không

Những con chương lộc kia

Còn chạy đi tìm kiểm

Huống chi chàng là cha

Chẳng thấy trong núi này

Tất cả các cây rừng

Vì mất con thiếp nên

Cùng xào xạc kêu khóc

Tất cả những cây rừng

Đều không có tâm thức

Còn có tình như vậy

Huống chi người có tâm?

Lúc ấy, tại chỗ có cây chuối đang lay động toàn thân.

Người vợ nói: Chồng ngươi cũng không có tâm từ mẫn, đem con cho người khác phải không?

Có phải vì vậy mà toàn thân ngươi rung động chăng?

Người vợ nhớ đến con, nên buồn khóc, chạy qua lại khấp nơi, không ở yên một chỗ.

Bồ Tát nói: Rất hay! Rất hay!

Đã được vào núi tu tập pháp thiện, tại sao còn làm cho tâm chịu khổ như vậy?

Uổng công ở chỗ vắng tu tập diệu lý.

Lạ thay Vương Nữ! Tuy có trí sâu, tinh tấn dũng mãnh, mà lại không hiểu rõ về bao lỗi lầm nguy hiểm của sinh tử. Ai biết rõ được nguồn gốc của cha mẹ, anh em, vợ con, kẻ oán. Con trong hiện tại, thời quá khứ có thể là kẻ oán của nàng. Nếu nó gặp khổ nạn thì nàng vui mừng.

Bị chia lìa con, nên nàng sinh áo não, giả như nó bị chết hay giặc bắt đi, nàng có phẫn nộ ta không?

Nàng chẳng từng nghe các bậc Tiên Thánh nói:

Trẻ, già, tráng niên đều về cái chết

Cũng như trái chín, tự rơi xuống đất

Người há chẳng biết tất cả sinh tử

Như là giấc mộng, thấy các việc sai

Vô thường sinh tử dẫn các chúng sinh

Tuy có cha mẹ, ai cứu được mình

Ví như sư tử bắt lấy bầy nai

Tuy có nai mẹ làm sao cứu được

Sinh già bệnh chết thường hại chúng sinh

Cũng như trái cây, bị nhiều người hái

Như đồ gốm chưa nung gặp trời mưa

Tất bị tan rã không còn cái nào

Chúng sinh trong ba cõi cũng như vậy

Gặp mưa vô thường không ai thoát khỏi

Nay tạo nghiệp này, mai gây chuyện khác

Đam mê không biết quán cái chết đến.

Như vậy, hai con ta chắc chắn sẽ lìa xa.

Nay ta vì pháp đem bố thí cho người khác, nàng phải hoan hỷ không nên sầu khổ. Ta tuy xa con, nhưng con an lạc. Thế thì không nên quá khổ não. Nghe Bồ Tát Vương Tử nói như vậy, người vợ chỉ còn im lặng.

Lạ thay! Bồ Tát không hề luyến tiếc gì cả, sau khi nghĩ như vậy, Thích Đề Hoàn Nhân bèn hóa thành một người Bà La Môn đi đến chỗ Bồ Tát nói kê:

Này Đại Tiên nên biết

Tiếng khen tận Phạm Thiên

Ngài thường bố thí lớn

Yêu thích với chánh pháp

Nay yêu cầu của tôi

Khó nói cho hết được

Cầu mong đại chánh pháp

Thỏa mãn nguyện của tôi.

Bồ Tát đáp: Thân mạng của tôi đều vì tất cả chúng sinh, không tiếc gì cả, huống chi tiền tài châu báu hay các ngoại vật khác, giả sử có tôi cũng không hề yêu tiếc.

Khi tôi còn ở nhà, có nhiều kho tàng, voi ngựa, xe cộ nô tỳ, người phục vụ, thảy đều đem bố thí cho các Bà La Môn, không chút luyến tiếc, nhưng vì hiện tại không còn gì, chỉ còn có thân cùng vợ. Nếu ai cần dùng tôi thật cũng không tiếc.

Bà La Môn nói: Nếu tâm Ngài đã như vậy, xin cho tôi người vợ của Ngài.

Bồ Tát đáp: Từ lâu tôi đã xa lìa tâm ganh ghét tham tiếc. Ông hãy cho phép tôi bày tỏ với nàng trong chốc lát.

Bồ Tát nói với vợ: Bà La Môn này theo ta xin nàng.

Ý nàng thế nào?

Người vợ đáp: Tùy ý chàng, thiếp đã thuộc về chàng, nào được theo ý mình. Bồ Tát cầm tay vợ giao cho Bà La Môn.

Bà La Môn nói với Bồ Tát: Người phụ nữ này xinh đẹp, dung nhan đặc biệt, hình dáng hơn hết. Đường đi hiểm nạn, có nhiều giặc cướp, tôi đơn độc, đi chắc không tới nhà, xin tạm gửi lại cho Ngài, xin đừng cho người khác.

Bồ Tát lại nói: Nay tôi nhờ bạn mà phá trừ lao ngục, không còn mọi sự trói buộc.

Nay bạn còn muốn trả lại tôi lao ngục để trói buộc tôi phải không?

Bà La Môn đáp: Nếu được Ngài thương xót, chắc đồng ý, xin trở lại nhận nàng trong thời gian ngắn.

Bồ Tát lấy tâm Từ suy nghĩ: Nhân lại chỉ trong thời gian ngắn, có gì là khổ.

Bà La Môn nói: Nếu tôi trễ hẹn không trở lại kịp, xin Ngài chớ đem bố thí cho người khác, vì như vậy là tôi không vừa ý. Nói xong, Bà La Môn liền bỏ đi.

Đi chưa xa, ông ta bèn hóa ra một Bà La Môn khác, trở lại gặp Bồ Tát, nói: Ngài thường làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, như cây ăn quả thường cho trái ngọt. Tôi ở phương xa, từ lâu đã nghe tiếng thơm của Ngài, nên lặn lội tìm đến đây cầu xin, hy vọng được thỏa mãn ý nguyện.

Bồ Tát đáp: Tôi chỉ có một vợ, trước đây đã cho người khác rồi. Hiện nay chỉ có thân tôi là còn tự do cho người khác nếu họ cần.

Bà La Môn nói: Tôi không cần cả thân Ngài, chỉ cần hai mắt, nếu được cho sẽ ghi nhớ ân mãi.

Bồ Tát tự nghĩ: Bà La Môn này theo ta xin hai mắt để làm gì?

Nhưng ta cũng chẳng tính toán, vì thân này cũng như thây chết giữa mộ địa, đem sự không vững chắc để đổi lấy sự vững chắc, thì nên vui mừng có chứ gì phải suy nghĩ.

Bấy giờ, Bồ Tát cầm cây Khư Đà La phát thệ nguyện: Nay, tôi vì tất cả chúng sinh mà bỏ hai mắt, không tham tiếc.

Trước đây tôi đã xả bỏ hai con, rồi bố thí cả vợ cho người, nguyện: Đem công đức này hồi hướng cho tất cả chúng sinh vĩnh viễn đoạn trừ tham dục. Với nhân duyên bố thí hai con và vợ, khiến cho chúng sinh xa lìa mọi nguồn gốc của tham ái. Nay tôi xin thí cả hai mắt, mong cho chúng sinh đều đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Đại Bồ Tát phát nguyện như vậy xong, liền dùng cây nhọn muốn móc mắt ra. Bà La Môn vội bước tới trước giữ tay Bồ Tát lại không cho móc mắt, nói. Nay mắt đã thuộc về tôi, Ngài không được cho ai nữa.

Bồ Tát nói: Tôi có một thân, vì sao trong một ngày liên tiếp nhận gửi hai việc. Bà La Môn trước đã gửi vợ tôi, nay ông thì gửi mắt. Tôi làm sao giữ gìn được.

Bà La Môn liền hiện trở lại thân Đế Thích, nói với Bồ Tát: Vợ và mắt đều thuộc của ta, nay đều giao cho Ngài chớ nên cho nữa. Đế Thích liền bay đi, trên không trung tuôn mưa với bốn loại hoa.

Hư không phát ra tiếng lớn nói rõ với Chư Thiên: Các vị nên biết, người này đã làm lớn mạnh cây đạo giác ngộ, không bao lâu sẽ chứng đắc bậc Chánh Đẳng Giác. Khi Bồ Tát thực hành bố thí Ba La Mật, sự việc đã diễn ra như vậy, Bồ Tát luôn bố thí tất cả. Tất cả chúng sinh nếu nghe việc này, nên đối với Bồ Tát đều sinh tâm hoan hỷ.

***