Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bản Duyên

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT BẢN DUYÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô
 

PHẨM BỐN

PHẨM VUA THIỆN KIẾT
 

Khi Bồ Tát bố thí

Tâm định, làm tận cùng

Cho đến Ma Ba Tuần

Cũng không ngăn cản được.

Trước đây, tôi từng nghe: Thời quá khứ, có vị Vua tên Thiện Kiết, vì muốn thành tựu đạo Bồ Đề nên thường làm việc lợi ích, tu tập chánh pháp, không có ý tưởng đánh đập làm hại chúng sinh, mặt mắt xinh đẹp ít người sánh bằng, thường giữ nụ cười không nói lời thô bạo, cúng dường cha mẹ, tôn trọng thầy dạy, cung kính hàng Sa Môn tu sĩ xuất gia, tự hành. Thập Thiện, khuyến khích mọi người làm theo, thường bố thí không ngừng.

Nếu có người nghèo cùng khốn khổ, thân thể gầy ốm, không đủ áo quần, Bồ Tát trông thấy họ liền sinh tâm thương xót, toàn thân rung động như bị tên độc, suy nghĩ: Những chúng sinh này do keo, kiệt, kẻ ngu không biết rõ, tuy được làm người thân hình đầy đủ, nhưng vì vô phước nên thường phải xin người khác, đều do đời trước không bố thí.

Vì keo kiệt ganh ghét nên tự cất giấu, đưa đến quả báo đời này phải chịu khổ như vậy. Giống như kẻ nông phu ngu si vô trí, từ xa đi đến nhà bên vợ, trên đường đi bị đói khát, sau khi vào nhà, gặp lúc vắng người, bèn lén trộm gạo, ăn đầy miệng bị nghẹn, lúc chưa kịp nuốt, thì người nhà về đến, người ấy xấu hổ nhưng không nuốt được, lại tiếc nên không nhả ra.

Người nhà thấy vậy hỏi: Anh bị bệnh gì mà như thế?

Người này nghe hỏi, im lặng không nói. Khi ấy thân quyến lớn nhỏ của nhà vợ liền đưa anh ta đến thầy thuốc để chữa trị. Thầy thuốc thấy má anh ta cứng như gỗ đá, không còn cách gì nên dùng dao mổ hai má anh ta. Sau khi mổ ra, không có mủ, chỉ thấy gạo sống đầy trong miệng.

Người này vì che giấu tội trộm của mình nên bị quả báo hiện tại như vậy. Như người phụ nữ che giấu cái thai của mình, nhưng tới ngày sinh, quá đau đớn nên phải kêu la, làm cho tất cả mọi người đều biết.

Con người cũng như vậy, che giấu tội lỗi, khi quả báo thuần thục, bị khổ não bức bách nên biểu hiện ra đời sống, hoặc bị trói vào tâm keo kiệt ganh ghét mà chịu khổ ấy.

Ta phải ngăn chận tất cả các nẻo đường, không cho keo kiệt, ganh ghét xâm nhập vào tâm. Nay ta phải tập họp các vật dùng bố thí lại, để bố thí cho tất cả chúng sinh.

Vua Thiện Kiết suy nghĩ như vậy xong, thường bố thí không ngừng nghỉ. Những khi thực hành bố thí, tâm Vua hoan hỷ vô cùng.

Bấy giờ, Ma Vương Ba Tuần ưu sầu không vui, nói: Lạ thay, Thiện Kiết! Tại sao bỗng nhiên tạo oán đối với ta, muốn làm cho cảnh giới của ta trống rỗng?

Ta có sức mạnh lớn có thể hàng phục các vị Tiên chuyên uống nước ăn trái, tu hành khổ hạnh, đã thành tựu hoàn toàn các chú thuật. Ta chỉ cần bắn một mũi tên hoa là phá tan sự trì giới của họ, như gió bão thổi ngã cây to. Nay, ta là Ba Tuần tuy bắn đến ba phát, sợ không làm lay động được thân tâm của Bồ Tát Thiện Kiết.

Vì sao?

Là vì Chư Tiên ngoại đạo không có tâm từ bi trí tuệ, không muốn lợi tha, chỉ vì tự lợi nên khi bị tên liền thua tan. Bồ Tát Thiện Kiết thì có đại trí tuệ, tâm từ bi rộng lớn, không cầu tự lợi chỉ vì tất cả. Tuy ta bắn đến ba phát mà vẫn sợ không làm cho ông ta thua tan.

Vì sao?

Người này quyết định vì các chúng sinh cầu đạo quả Vô Thượng, không bao lâu sẽ chứng đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Trong khi người này chưa thành đạo, ta có thể gây nạn khiến cho đạo quả bị phá hoại. Ví như có người vừa bị bệnh khổ, gặp được lương y cho uống ít thuốc khiến liền hết bệnh. Như mầm cây mới mọc, có thể dùng móng tay ngắt đứt, nhưng khi chúng đã to lớn, tuy dùng trăm búa cũng khó chặt nhỏ.

Bồ Tát này chưa Thành Đạo Vô Thượng Chánh Chân, hãy mau diệt đi. Khi ấy, Vua Thiện Kiết làm việc bố thí nhiều nên mệt mỏi ngồi nghỉ nơi yên tịnh.

Ma Ba Tuần ở trên không trung, thân chiếu ra ánh sáng che át cả nhật nguyệt, nói lớn: Lành thay! Lành thay! Đại Vương Thiện Kiết, Ngài thật sự mong cầu chánh pháp, yêu mến chúng sinh, như mẹ hiền thương yêu con mình. 

Này thiện nam tử, người muốn tăng trưởng tất cả các pháp thiện, mà trái lại nhằm làm cho tất cả các pháp ác thêm rạng rỡ, khác nào có người muốn thưởng thức Cam Lộ mà lại uống độc dược, muốn cầu an lạc mà vào trong giặc, muốn thân an ổn mà uống sai thuốc, muốn hết khát lại uống nước muối, muốn đoạn trừ dâm dục lại thích nữ nhân.

Này thiện nam tử, người nên biết, có những đàn việt do bố thí nên đều bị đọa địa ngục. Thế nên, nay ta vì thương xót người mà giảng giải rõ, người nên ghi nhận, thực hiện. Từ nay về sau, ngươi nên từ bỏ ý tưởng bố thí, phải sinh tâm tham tiếc.

Ba Tuần liền hóa ra cảnh địa ngục đầy cả tội nhân, chỉ cho Thiện Kiết thấy và nói: Những người như thế đều do đời trước thích bố thí, tham cầu chánh pháp. Vậy nên ngày nay bị đọa vào trong đó chịu nhiều khổ não.

Đại Vương nên biết, tội nhân trong này, chỉ dùng dao búa chém chặt nhau, từng phần thân thể rơi vãi trên đất, nhưng vẫn còn sống không hề chết. Dùng lá đồng nóng quấn khắp người, toàn thân bốc khói mà tánh mạng vẫn còn. Tuy dùng ngàn cây đinh đóng quanh trên thân như căng da trâu nhưng vẫn không chết. Họ chạy khắp nơi thường gặp lửa đốt, gió lạnh nóng hành hạ thân thể.

Hoặc có gió độc thổi tan thân. Hoặc bị đánh đập nát như bụi trần. Đói ăn sắt cục, khát uống đồng sôi. Hoặc vào rừng đao leo lên cây kiếm. Hoặc bị bỏ trong chảo lớn sôi lên chìm xuống nhừ nát như đậu chín.

Những chúng sinh này tuy thọ các loại khổ não như vậy, nhưng mạng sông của họ vẫn còn. Đại Vương nên biết, tôi không cầu mong gì ở Đại Vương, cũng không cần vật cúng dường. Chỉ vì Vua tu hành theo đạo tà ngụy, nên tôi giảng thuyết về đạo chánh.

Vua Thiện Kiết thấy những chúng sinh như thế trong địa ngục, liền sinh tâm từ, suy nghĩ: Chúng sinh như vậy lưu chuyển trong sinh tử không có lúc thoát khỏi, đã chịu vô số khổ não, nay lại còn chịu khổ trong địa ngục này thật là đáng thương xót.

Bao giờ họ được thoát hết tất cả khổ não! Chúng sinh như vậy là do trước đây làm theo pháp ác nay chịu quả báo khổ. Tự làm phải chịu, không phải lỗi của ta. Ta biết chắc rằng các chúng sinh đang chịu vô lượng khổ, đều do đời trước thân miệng ý làm nhiều việc bất thiện, nên ngày nay phải bị đọa trong tội này, nhất định không phải do bố thí mà bị khổ.

Với tâm Từ bi, Vua Thiện Kiết nói với Ba Tuần: Lành thay, Đại Sĩ! Ông thật từ bi, có tâm thương xót, nói rõ về tướng trạng của chánh đạo và tà đạo.

Nếu người bố thí phải chịu khổ như vậy, còn những người được thí thì lại ở nơi nào?

Ba Tuần đáp: Lành thay, Bồ Tát! Ngài có trí sâu nên mới có thể hỏi về ý nghĩa này. Hãy lắng nghe, lắng nghe, ta sẽ nói cho Ngài rõ.

Bấy giờ, Ba Tuần dùng quái lực của mình, tức thì hóa ra các vị Thiên trang sức chuỗi ngọc, vòng báu, hoa hương trên thân, vui chơi với vô số kỹ nhạc, có các Thiên nữ xinh đẹp hầu hạ hai bên. Nhiều loại cây cối luôn có trái ngọt, cây trỗ hoa, chuỗi báu, y phục, thức ăn bày la liệt ở trước.

Vô số chim hợp nhau ca hót, âm thanh hòa nhã rất đáng ưa thích. Khắp nơi có nhiều dòng suối, ao hồ, hoa sen màu vàng ròng nở đầy trên mặt nước. Không có các âm thanh về già, bệnh, chết, đau khổ. Thân ở trong cung điện bảy báu vi diệu.

Sau khi biến hóa như vậy, Ma Vương nói với Bồ Tát: Này thiện nam tử, những người thọ bố thí đều được như vậy, được hưởng vô số vui thích tối thượng. Thế nên, Ngài hãy từ bỏ tâm bố thí đi, nhờ vậy sau này được thọ hưởng các quả báo vi diệu như thế.

Bồ Tát tự nghĩ: Lời nói như vậy thật là điên đảo hư vọng không có nghĩa lý.

Vì sao?

Là vì ta chưa từng thấy cây Ha Lê Lặc Sinh ra mía ngọt, trong hầm phân lại có mọc hoa sen sạch, vàng thuần chất mà biến thành đồng sắt. Đàn việt có tín tâm lại chịu khổ ở địa ngục. Lời nói như thế có nhiều tai hại.

Những lời điên đảo này chắc chắn là lời của ma…

Bồ Tát liền nói: Lành thay! Lành thay! Ông đã khéo phân biệt công đức như vậy.

Như thế là ông đã cho rằng mình thư phục được tôi…

Ông nên biết, như ruồi quạt cánh thì sức gió không thể lay động núi chúa Tu Di. Với sức gió của ông mà muốn lay động tôi thì cũng như vậy. Như trước, ông nói những thí chủ vì bố thí nên bị đọa địa ngục, còn những người thọ thí thì được sinh lên Trời, thật hợp với ý nguyện của tôi.

Nguyện cho tôi từ đây một mình làm thí chủ thường bị đọa vào địa ngục, khiến cho tất cả chúng sinh đều làm người thọ thí để được sinh Thiên.

Một thân chịu khổ để nhiều người hưởng vui, há chẳng phải là bản nguyện của Bồ Tát hay sao?

Tôi biết chắc ông là Ma Ba Tuần. Ông cũng không thể chiến đấu với tôi. Tôi từ xưa đến nay thường tu tập tâm bố thí. Nay ông làm sao khiến tôi xả bỏ được. Đại Bồ Tát tu hành bố thí Ba la mật như vậy, cho đến Ma Vương Ba Tuần cũng không thể cản trở nổi.

***