Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bản Duyên

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT BẢN DUYÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô
 

PHẨM MỘT

PHẨM TỲ LA MA
 

Người tâm niệm hẹp hòi

Tuy thường làm bố thí

Người nhận không thanh tịnh

Khiến đạt quả báo nhỏ.

Nếu khi hành bố thí

Phước điền tuy bất tịnh

Nhưng sinh tâm rộng lớn

Quả báo không thể lường.

Tôi đã từng nghe, thời quá khứ có vị Vua tên Địa Tự Tại, bản tánh bạo ác, hiếu chiến. Bấy giờ, có tám vạn vị Vua nước nhỏ, đầu đội mão báu quan, thường đến triều kiến, phục vụ.

Nhà Vua thường nói những lời hung dữ, làm việc bất thiện, xâm lăng nước khác một cách phi pháp. Vua có một vị Bà La Môn làm phụ tướng, tu hạnh thanh tịnh, trí tuệ vang xa, nói lời nhu hòa, không thô ác, làm việc gì cũng mau hoàn tất, diện mạo nghiêm trang, ai cũng kính trọng, tìm hiểu am tường hết bốn bộ Vi Đà, thông tỏ tất cả các Kinh Luận của Bà La Môn.

Khi ấy, phụ tướng tuổi đã già, bị bệnh chưa lâu, đột ngột qua đời. Vua và dân chúng nghe tin này đều buồn bã, thương tiếc không nguôi.

Nhà Vua lúc nào cũng nhớ nghĩ, nói kệ với thần dân:

Làm sao cõi lớn này

Một ngày không người trị

Như thuyền không người lái

Theo gió trôi đó đây

Bậc mà ta tôn kính

Xuất gia đã thành tựu

Miệng nói lời ôn hòa

Thường làm lợi ích đời

Vì sao lại qua đời

Làm tâm ta sầu muộn

Cũng như không đèn sáng

Mà đi vào phòng tối.

Lúc ấy, các quan thưa với Vua: Xin Đại Vương chớ quá sầu não, đừng cho rằng trong nước không còn người làm được phụ tướng. Vị Bà La Môn đó tuy đã qua đời, con ông ta tuy nhỏ nhưng là hạng thông minh sáng suốt, diện mạo tươi đẹp vô song, lời nói nhu hòa vừa lòng mọi người, tu hạnh nhẫn nhục.

Tâm thường tịch tĩnh, không hề kiêu mạn tự đại, nghe nhiều học rộng, sách nào cũng thông suốt, luôn đem lại lợi ích cho mọi người cũng như Phạm Thiên, tên là Tỳ La Ma. Mong Đại Vương ra lệnh cho người ấy giữ chức phụ tướng.

Vua đáp: Nếu ông ta có con theo như các ngươi nói, vậy sao lâu nay ta chưa nghe bao giờ?

Các Quan tâu: Đại Vương, người con trai của vị Bà La Môn ấy thường cầu chánh pháp, xa lìa tà pháp, mến giữ pháp của mình, chưa thi thố cho ai biết cả.

Vua nói: Nếu người ấy có tài, làm sao dám nghịch lại gia pháp của tiền nhân. Ai không nói theo nghiệp cũ thì không được gọi là người cầu chánh pháp. Tiên phụ người này trước đây thường đem chánh pháp giúp ta trị nước, làm cho chúng ta xa lìa các việc ác.

Tuy xử lý việc trị nước như vậy, nhưng không vi phạm pháp Bà La Môn. Nếu người ấy đúng như các ngươi nói hãy mau triệu đến đây. Quần thần tuân lệnh sai sứ giả triệu Tỳ La Ma đến gặp Nhà Vua.

Đến nơi, Tỳ La Ma khép nép quỳ tâu: Đại Vương, hôm nay vì sao thần được bệ kiến?

Vua đáp: Ngươi không biết sao?

Ta bạc phước, quan phụ tướng là cha ngươi chẳng may qua đời, cả nước nghiêng ngửa, muôn dân xao động. Ta vì việc này nên ưu tư sầu muộn.

Tỳ La Ma tâu Vua: Yêu thương thì phải xa lìa, không phải chỉ riêng Vua mới bị như vậy, đều là tướng trạng của pháp hữu vi.

Đại Vương chưa từng nghe hay sao?

Trời, Rồng, Quỷ, Thần, A Tu La, Càn Thát Bà, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Sa Môn, Bà La Môn, từ già đến trẻ, không ai thoát chết cả.

Đại Vương, tất cả chúng sinh chắc chắn bị như vậy. Thưa Đại Vương, như tánh của lửa là thiêu đốt tất cả vật chất. Pháp vô thường cũng như thế, luôn tiêu diệt tất cả chúng sinh.

Ngài biết không, già bệnh chết giết hại chúng sinh, như cây hoa trái ở ngả tư đường, thường bị mọi người hái phá. Đại Vương như sông mạnh thường chảy không ngừng, mạng sống của chúng sinh cũng như vậy.

Đại Vương, như Kim Sí Điểu bay xuống Long Cung bắt Rồng ăn thịt, như Sư Tử tung hoành giữa bầy nai, tất cả chúng sinh lưu chuyển trong ba cõi, đối với sự chết cũng như vậy.

Đại Vương, như thế thì đối với sự chết không thể dùng sự thân cận, tài vật, cầu xin, biếu tặng, lời dịu dàng dụ dỗ mà thoát khỏi, cũng không thể dùng thế lực của bốn loại binh để áp bức, chế ngự làm cho thoái lui tan rã. Như vậy sự chết luôn hiện hữu, là pháp thường của chúng sinh. Vì thế mà, Đại Vương đối với việc này không nên buồn rầu.

Khi nghe như vậy, Vua vui vẻ, nói với quần thần: Thật hiếm có! Đồng tử này tuy tuổi còn nhỏ, mà nói những lời của các bậc tiền bối kỳ cựu.

Vua nói với Tỳ La Ma: Người biết không, cha người luôn yêu mến, ủng hộ ta, xem như con đỏ. Thế nên, ta nhớ tới ân sâu ấy mà ưu sầu không nguôi. Nay ta nhu nhược, vô trì, theo như người nói, ta thật không biết gì. Nếu ngươi thấy như vậy, xin thương xót xem xét, mong ngươi thừa kế sự nghiệp của cha, ta xin thành tâm trọn đời quy y.

Tỳ La Ma suy nghĩ: Hôm nay tại sao ta gặp phải việc khó khăn quá, nghe thế này không biết phải làm những gì. Cũng như người yếu phải đi bộ qua núi cao…

Nay nếu ta kế tục sự nghiệp của cha làm việc nước, tuy có nhiều lợi ích cho muôn dân, nhưng những pháp thuần thiện của ta tu tập tất bị tổn giảm.

Vua trị nước phải hợp với tâm ý của dân chúng, lại có vô số những việc lỗi lầm, đó là hình phạt, cướp đoạt tài sản của người, xâm lăng thiên hạ, hoặc đuổi hoặc rượt ta, sẽ tuân lệnh Vua làm những việc như vậy. Nếu làm theo pháp đúng, thì ta bị tổn hại.

Nay, nếu ta muốn tu tập pháp thiện, thì không đáp ứng được lòng hoài vọng của Vua. Nếu theo đúng pháp của Vua, thì pháp thiện ngày càng suy giảm.

Trong khi Tỳ La Ma suy nghĩ như thế thì Nhà Vua hỏi: Đại Sư đang suy nghĩ về điều gì?

Tỳ La Ma tâu: Thần đang nghĩ nên dùng phương pháp gì để làm cho Đại Vương và đất nước đều được lợi ích, không bị suy tàn và cũng suy nghĩ về phước đức cùng lỗi lầm của Vua và dân chúng trong nước.

Ai trước làm thiện sau lại làm ác, không gọi là người. Đại Vương, thà nói thật mà bị oán ghét, không nên dua nịnh để làm thân thiết.

Thà nói chánh pháp mà bị đọa địa ngục, không nói dua nịnh để sinh lên Trời. Đại Vương, thần đang tư duy trù tính việc này, người nào nghĩ được ý nghĩa này, phải biết người ấy có thể đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Vua nghe nói, vui mừng lên tiếng: Đại Sư, nếu chúng ta có thể thi hành pháp ấy, thì sự tu tập theo pháp thiện tu tập không bị suy giảm. 

Bấy giờ, Tỳ La Ma phụng mệnh Vua kế thừa sự nghiệp của tiên phụ làm phụ tướng, sau đó dần dần khuyến hóa Nhà Vua cùng tám vạn bốn ngàn Tiểu Vương đều tu trì theo chánh pháp và làm cho dân chúng trong nước tránh xa việc ác, không tham chuộng năm dục. Khi ấy, Nhà Vua tu tập vô lượng pháp thiện cũng như Tỳ La Ma không khác.

Tỳ La Ma thấy Nhà Vua tiến bộ như vậy, rất vui mừng, nghĩ: Ta đã tham gia việc trị nước, nhưng pháp thiện của ta không bị suy giảm… ta cần phải dùng những cách gì để khuyến khích chúng sinh, làm cho họ sinh chánh tín đối với Đạo Phật.

 Nhưng chúng sinh căn tánh không đồng, hoặc thích nghe pháp, hoặc tham tài sản, hoặc đắm năm đục, hoặc ưa lời trìu mến, hoặc hiếu động thân cận nhiều người, hoặc muốn làm theo hạnh người thiện, hoặc ham hưởng thụ ý không biết chán.

Ta may mắn có trí tuệ, với những phương tiện nhiếp phục tất cả chúng sinh, đưa họ đến an trú nơi đạo Vô Thượng Chánh Giác. Ta cũng phải có các phương tiện khác.

Ví như mặt trời mọc chiếu sáng khắp nơi, nhưng không thể làm cho người mà mắt thấy được. Ta cũng vậy, có thể thuyết về đạo vô thượng cho tất cả chúng sinh, nhưng không thể đem lại lợi ích cho người không có mắt trí tuệ.

Ta cần phải cung cấp đầy đủ y phục thức ăn theo nhu cầu của họ. Sau khi tâm họ hoan hỷ, ta sẽ thuyết pháp làm cho họ tin nhận.

Sau khi suy nghĩ việc này, Tỳ La Ma đến gặp Vua, tâu: Thần đã làm vô số pháp thiện cho chúng sinh rồi.

Gồm có ba pháp: Tu tập chánh pháp, thu nhập tiền tài theo ý nguyện, làm cho cả nước an lạc không có oán thù, chánh pháp phát triển như ánh trăng hiện ra tỏa sáng, tiếng tốt vang khắp mười phương, cầu xin Đại Vương cho phép hạ thần tu hành theo chánh pháp Vô Thượng.

Khi Nhà Vua nghe nói, sợ mừng lẫn lộn, dựng tóc gáy, thưa: Đại Sư, Ngài muốn làm gì, xin dạy bảo.

Tỳ La Ma nói: Nay, thần muốn tổ chức các lễ bố thí lớn, xin Ngài cung cấp vật cần dùng trong cuộc lễ và chọn một nơi rộng ngoài thành dựng hội trường bố thí.

Cầu xin Đại Vương khéo nói lời khuyên dụ khiến những người phục vụ không được sân hận với thần. Nhà Vua và những người phục vụ đều hoan hỷ cung kính chuẩn bị đầy đủ những thức ăn uổng cần dùng, đánh trông tuyên lệnh khắp bốn phương, người nào cần y phục, thức ăn, vật để nằm, dược phẩm, voi ngựa, xe cộ, hương hoa, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, nhà cửa, đèn sáng, thì tập hợp đến đây, sẽ được cung cấp.

Có bài kệ:

Ta vì lợi ích

Thế gian cho nên

Tùy theo chúng sinh

Cần dùng vật gì

Cho đến thân thể

Tay chân thịt máu

Khi xả bỏ ra

Xem như cỏ rác

Các ngươi nếu nhận

Trong lúc cúng dường

Thì phải tất cả

Tư duy pháp thiện

Nhận cúng dường xong

Không nên tham lam

Nên dùng pháp thiện

Làm lợi tất cả

Nếu theo sức ta

Mau đến Niết Bàn

Nhưng vì chúng sinh

Lưu chuyển sinh tử

Thế nên ở mãi

Không nhập Niết Bàn

Vô lượng chúng sinh

Trong ngục già chết

Ta muốn cứu họ

Vĩnh viễn thoát ly.

Khi ấy, Đại Bồ Tát Tỳ La Ma tổ chức lễ cung cấp bố thí làm cho vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sinh tùy ý thụ hưởng đầy đủ theo nhu cầu, nhân đó nói pháp: Các Đại Đức, nay tôi quên thân mình để phục vụ quý vị. Các vị nay đã thọ nhận mọi sự cúng dường, muốn tự đạt được lợi ích, nên quán sát chánh pháp. Nếu khi sắp qua đời, tuy có cha mẹ vợ con thân tộc, vô số tài sản, nhưng không thể làm cho sống thêm được một giây phút nào.

Khi mạng chung, một mình đơn độc qua Thế Giới khác. Cha mẹ vợ con thân quyến tài sản không thể đi theo mình. Chỉ có hạnh nghiệp là không hề rời mình.

Tỳ La Ma nói kệ cho đại chúng:

Vì cha mẹ thân tộc

Làm những việc xấu ác

Khi chết đọa ba đường

Không có ai theo cả

Trong đời sống hiện tại

Nếu khi bị khổ não

Tuy có cha mẹ anh

Không giúp được chút nào

Huống chỉ đời vị lai

Làm sao thay thế được

Thế nên phải nhất tâm

Không vì người, làm ác.

Các Đại Đức, hiện nay các vị an ổn không bệnh. Đó là chưa bị các bệnh già suy, bệnh phổi, hen suyễn, đau đầu, phải nên tinh tấn tu tập các pháp thiện.

Đấy là Đại Bồ Tát Tỳ La Ma dùng hai nhiếp pháp để hướng dẫn chúng sinh, là tài và pháp. Đủ chín mươi ngày, qua hết mùa hạ bố thí theo ý nguyện là tám vạn mâm vàng đựng lúa bạc, tám vạn bò nhỏ, tám vạn bò sữa kèm con bê, mỗi con bò này mỗi ngày cho một đấu sữa, dùng toàn vải trắng che trên thân, trang sức với sừng bọc vàng, móng bọc bạc.

Tám vạn đồng nữ xinh đẹp, trang sức với vàng, vật báu, chuỗi ngọc. Mỗi cô kèm theo một cô hầu để sai khiến làm cho thêm phần trang trọng.

Mỗi cô gái có một cái giường hoặc bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, ngà voi, gỗ thơm.  Ở trên trải các loại nệm mềm mại. Tám vạn chiếc xe bò, tám vạn voi ngựa và các kho lúa thóc, tiền tài châu báu, không thể kể xiết.

Sau khi bố trí với tất cả những vật như vậy rồi, Tỳ La Ma suy nghĩ: Những vật bố thí này còn thiếu gì không?

Bồ Tát nói với các Bà La Môn: Quý vị biết cho, tôi tập trung các loại vàng bạc, nữ nhân, xe cộ, voi ngựa, kho lúa thóc, châu báu, chính vì quý vị. Mong quý vị im lặng, không nói chuyện trong vài phút để nghe ý nguyện của tôi, sau đó tùy ý cùng nhận phần rồi về.

Khi tất cả các Bà La Môn đều im lặng, Bồ Tát vì các chúng sinh tự răn tâm mình: Này tâm! Hành động của ngươi thường mong cầu quả báo, như khỉ vào rừng rậm.

Bồ Tát nói kệ.

Nay, bố thí của tôi

Khắp vì các chúng sinh

Tôi bố thí thế này

Thật không mong quả báo

Thí, chỉ mong chúng sinh

Đều thọ nhận an lạc.

Vì ngươi ham điều thiện

Thì ở mãi trên Trời

Ngươi tham làm việc ác

Bị đọa mãi địa ngục,

Lại cũng vì tham đắm

Làm đại thí chủ này

Hoặc làm người bần cùng

Mà bố thí rộng lớn.

Có khi nhiều tiền của

Nhưng tham lam keo kiệt

Chánh vì giàu có ấy

Tự đọa vào bần khổ.

Lại kẻ sống phóng túng

Ở mãi trong sinh tử

Bị luân hồi vô cùng

Như xe lăn trên đất.

Ta từ lâu đến nay

Kính thuận phục vụ ngươi

Tuy làm việc như vậy

Không phải để ngươi vui.

Nay, ngươi phải an trú

Trong bất động tịch tĩnh

Việc bố thí của ta

Vì tất cả chúng sinh.

Bồ Tát Tỳ La Ma với tay phải cầm bồn nước rửa, với tâm đại Từ Bi thương tưởng đến tất cả các loài chúng sinh, sụt sùi rơi lệ tự nghĩ: Ta bố thí không vì cầu làm Phạm Vương, Ma Hê Thủ La, Thích Đề Hoàn Nhân. Giả sử có bậc nào hơn ba vị ấy, ta cũng không mong cầu. Chỉ cầu thành Phật, vì đem lại lợi ích cho chúng sinh, đoạn trừ các phiền não.

Nay ta nên xả bỏ thân mình, vợ con, nô tỳ, người hầu, châu báu, nhà cửa, chỉ cầu giải thoát, không cầu sinh tử. Ta bố thí nữ nhân dịu dàng vì nguyện cho chúng sinh trong đời vị lai đoạn trừ hết tham dục.

Ta bố thí năm loại thức ăn làm từ sữa bò, nguyện cho chúng sinh trong đời vị lai thường ban cho người khác các pháp vị. Ta bố thí vật dụng để nằm như vậy, nguyện cho tất cả chúng sinh trong đời vị lai chắc chấn được ngồi nơi tòa Kim Cang của Như Lai.

Ta bố thí các loại châu báu, nguyện cho tất cả chúng sinh trong đời vị lai chắc chắn được bảy phần Bồ Đề quý báu của Như Lai. Sau khi nghĩ như vậy, từ chỗ ngồi cao nhất Bồ Tát tuần tự rót nước rửa nhưng nước không chảy, cũng như người tiếc của không chịu bố thí.

Bồ Tát suy nghĩ: Vì sao nước rửa này không chảy xuống?

Phải chăng nguyện của ta trong đời vị lai sẽ không thành tựu?

Cái gì đã ngăn lại làm cho nước không chảy, chẳng lẽ trong hội này không có bậc Đại Đức?

Chẳng có ai xứng thọ cúng dường của ta chăng?

Hay là sự bố thí của ta không khắp hết?

Hay là người phục vụ của ta không hoan hỷ?

Chả lẽ trong hội này có sự sát sinh?

Ta biết chắc là không có gì hại tới chúng sinh.

Sự bố thí của ta hiện nay là đúng lúc, cũng không xét chọn người đáng nhận hay không đáng nhận, vậy tại sao rót nước không chảy xuổng?

Khi ấy, Bồ Tát thấy các Bà La Môn vì những người nữ nên sinh tâm tham lam, ganh ghét, phát sinh giận dữ, tranh nhau nói: Cô gái xinh đẹp kia hãy để cho ta, ngươi không được lấy. Con bò kia mập mạnh hãy để cho ta, ngươi không được lấy. Vàng bạc, mâm lúa, cho đến các thứ châu báu cũng đều như vậy cả.

Thấy các Bà La Môn tham lam tranh giành các vật, sân hận với nhau, Bồ Tát thầm nghĩ: Những người thọ nhận này do tham lam, sân hận, ngu si nên tâm cuồng loạn, thật không nên nhận. Cúng dường như thế này khác nào xe bị gãy trục, căm vành bị hư không thể chuyên chở được. Ta cũng như vậy, hạt giống thật tốt mà ruộng thì cằn xấu.

Vì những người thọ nhận này tâm bất thiện, nên khiến cho nước rót xuống không chịu chảy. Nay, tuy ta tổ chức bố thí thế này, cũng không có người dạy ta phát tâm cầu Chánh Giác, mà ta tự phát tâm vì tất cả chúng sinh.

Nay, nên thí nghiệm, nếu ta thật lòng thương đối với tất cả chứng sinh thì nước chảy xuống. Nghĩ xong, Bồ Tát dùng tay trái cầm bồn rưới xuống thì nước liền chảy xuống tay phải Bồ Tát.

Các Bà La Môn thấy vậy, đều sinh hổ thẹn, bỏ vật được bố thí, tu hành phạm hạnh. Họ cùng nhau đảnh lễ, cầu thỉnh Bồ Tát làm Hòa Thượng. Bồ Tát thương xót họ nên nhận lời, dạy họ tu học bốn tâm vô lượng, nhờ nhân duyên ấy nên sau khi qua đời đều được sinh Cõi Trời Phạm Thiên, khiến cho vô lượng chúng sinh phát tâm cầu đạo quả Chánh Giác Vô Thượng.

Khi Đại Bồ Tát hành bố thí Ba la mật, không thấy đây là phước điền, đây là phi phước điền, cũng không phân biệt thân sơ. Thế nên Bồ Tát khi bố thí, dù nhiều ít tốt xấu, nên với một tâm thanh tịnh dâng lên, không được có tâm xem thường người nhận.

***