Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bản Duyên

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT BẢN DUYÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô
 

PHẨM NĂM

PHẨM VUA NGUYỆT QUANG
 

Bồ Tát Ma Ha Tát

Khi hành đạo cao cả

Vì tất cả chúng sinh

Bố thí cả đầu mắt.

Tôi từng nghe: Tại nước Ca Thi, ngày xưa có vị Vua tên là Nguyệt Quang, tu đạo bồ đề, vì cầu lợi ích theo pháp, thường chê trách các dục. Nhà Vua có thân hình nghiêm trang xinh đẹp đặc biệt, tài trí hơn người, thế gian không ai bì kịp, tánh chất thật ngay thẳng không dối trá, lời nói dịu dàng, chí thành không hề dấy sân hận, tâm ý vui vẻ, cung kính các hàng Sa Môn, Bà La Môn, nhân từ hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ.

Vua các nước chung quanh phục tùng đức độ nên kính trọng xin kết bạn, danh đức vang khắp mười phương, thường làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh, giúp đỡ muôn dân trong nước như mẹ hiền yêu thương con nhỏ.

Một hôm, sau khi suy nghĩ: Ta phải làm sao để các chúng sinh được hoan hỷ, nhà Vua liền gọi Đại Thần, ra lệnh: Các Khanh hãy trang hoàng thành này, treo các lọng hoa, dựng những cờ báu, quét dọn đốt hương, rải hoa trên đất, không được làm cho muôn dân buồn khổ, đều dùng các thứ chuỗi báu trang nghiêm thân thể, mặc y phục, trang sức sang trọng.

Quần Thần vâng lệnh Vua, bố cáo với dân chúng trong thành: Các vị hãy trang hoàng thành phố, kể cả đường sá trong xóm cũng làm cho sạch sẽ như cung điện Cõi Trời Ba Mươi Ba.

Bấy giờ, Vua Nguyệt Quang cỡi voi lớn ra khỏi cung điện và sai một vị quan đem lệnh Vua ra báo cho mọi người biết: Ta trang hoàng thành phố như vậy chẳng phải vì tham dục tự cao, kiêu mạn hay sợ hãi kẻ oán, phòng ngự kẻ địch, cũng không cầu làm Bậc Chuyển Luân Thánh Vương. Sở dĩ ta trang hoàng thành này chỉ vì muốn cho tất cả chúng sinh được thọ hưởng vô lượng an lạc, không bị đọa vào các nẻo ác như địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ.

Hôm nay, các Khanh đối với ta xem như cha mẹ, anh em, thiện tri thức, đi vào cung ta như vào nhà mình, tùy ý lấy vật cần dùng theo ý muốn. Hôm nay, ta mở hội bố thí lớn, không nên nghi ngờ gì. Sau khi lấy vật, nên thực hành pháp thiện, sử dụng còn dư thì chuyên bố thí cho người khác.

Ai cần đến thân mạng ta cũng không tiếc, cầu nguyện tất cả đều thọ hưởng an lạc. Nêu rõ như thế rồi, Vua Nguyệt Quang liền sai người mang các bảo vật quý giá trong cung ra, tùy ý bố thí, xem dân chúng như cha mẹ, anh em ruột thịt, sắc mặt vui vẻ như trăng thu.

Tất cả nhân dân chiêm ngưỡng Vua như cha mẹ, anh em, dùng tâm thiện nhìn Vua mắt như sen xanh. Bấy giờ, dân chúng trong cả nước không ai cầm dao gậy đánh nhau cả, đều tùy thuận theo Vua thực hành mười điều thiện, cũng như bầy trâu tùy tùng theo Trâu Chúa, cũng như muôn sao vây quanh Mặt Trăng, như những khách buôn theo sau trưởng đoàn, như binh lính tuân theo chủ tướng.

Như hạt bồ đào ngọt nên sinh trái cũng ngọt, như cây Chiên Đàn cả rễ hoa đều thơm, Vua Nguyệt Quang ra lệnh cho nhân dân thực hành mười điều thiện cũng như vậy.

Lúc ấy, trong nước không có một người nào sân hận, ganh ghét, kiêu mạn, cao ngạo, ngang ngược, trộm cắp vật người khác, tư thông với vợ người, nói hai lưỡi, ác khẩu, tham lam, sân hận, tà kiến, Vua Nguyệt Quang không phải lá Bậc Thánh Đế mà dân chúng của Vua đều hành theo mười điều thiện.

Muôn dân bấy giờ tuy không mặc áo cỏ, ăn trái khô, nhưng thân thể, hình dáng không khác người Tiên, đều thích núi sâu chỗ vắng, nhưng vì yêu mến Vua nên không thể bỏ đi.

Khi Vua hành pháp thiện như vậy rồi, có các Sa Môn, Bà La Môn truyền tụng đức độ vang khắp các phương. Có một Bà La Môn già bỏ nhà ái dục, tu ở núi Tuyết, để râu tóc dài với hình tướng Phạm Chí, mặc áo cỏ, uống nước suối, ăn trái cây, nghe người nói có Vua Nguyệt Quang thích bố thí không tiếc.

Sau khi nghe như vậy, do tập khí từ trước nên Bà La Môn này bèn khởi ý nghĩ ác, như lửa dữ được tưới thêm dầu mỡ, càng cháy mãnh liệt, như thuốc độc tiêm vào mạch máu, sức công phá càng mạnh, như người đang khát lại uống nước muối, như mùa thu lại tăng thêm nóng bức, mùa xuân lại gây ra nhiều bệnh ho.

Bà La Môn này sống trong núi sâu, nghe công đức của Vua nên phẫn nộ dữ dội, cũng giống như vậy. Như sư tử tức giận vì nghe tiếng nai, Bà La Môn này giận dữ cũng thế.

Lại suy nghĩ: Tất cả mọi người trong thế gian đều ngu si, không có trí tuệ, nên đều bị nhà Vua gạt cho si mê.

Ta nên đến đó cầu xin một vật, để xem xét rõ nhà Vua thật có tâm rời bỏ hay không?

Vì không có người đến xin thân mạng, nếu có người xin, tất nhà Vua sẽ rất lui sự bố thí. Sau khi nghĩ như vậy, Bà La Môn bèn ra khỏi núi sâu, vứt bỏ pháp thanh tịnh, phẫn nộ càng tăng thêm, miệng như đồng đỏ, bặm môi, nghiến răng, mặt nhăn nhó thành góc.

Như Rồng ác phun ra mưa đá làm hại ngũ cốc, như chùy Kim Cương đập phá núi lớn, như Vua A Tu La che giữ nhật nguyệt, như mưa lớn khiến nước tràn ngập làng xóm, như lửa cháy mạnh đốt rụi cả cỏ khô.

Bà La Môn này cũng như vậy, mang tâm ác ấy đến thành Ca Thi gặp Vua Nguyệt Quang, biểu hiện tướng xấu theo tập quán như thân thể rung động, lời nói khó khăn, đi nghiêng ngã, tay nắm khiêu khích, tóc rũ xuống lông mày.

Đầu tóc dựng ngược, năm ngón tay bấu lại như năm đầu rồng, trong tâm ác dữ như rắn độc, hơi thở sân hận phun ra mịt mù như khói lửa, nói lời dối trá: Đại Vương, tôi ở núi Tuyết, nghe danh Đại Vương nên vui mừng vô cùng. Tôi thấy các Vua khác không như Ngài, công đức của đất nước này khó lường nên mới được gặp vị Pháp Vương như vậy.

Đại Vương, nay vì lợi tha nên xả bỏ thân mạng mình. Người tu tập chánh pháp thức ngủ thường an. Tôi muốn xin Đại Vương một việc.

Nhà Vua đáp: Đại Bà La Môn, không cần nói nhiều, chỉ xin ra lệnh tôi làm gì, tùy theo yêu cầu của ông, tôi sẽ dâng hiến, như là voi ngựa, xe trâu, vàng bạc, lưu ly, y phục, châu báu, nô tỳ, người sai khiến, thảy đều cung cấp hết.

Này Bà La Môn, ông nên biết, chúng sinh luôn bị ba độc quấy nhiễu nên mãi lưu chuyển trong sinh tử, không có lúc nào thoát ra. Già bệnh chết thường hại chúng sinh, riêng một mình tôi có thể thoát ly, nhưng vì chúng sinh nên còn ở lại trong thế gian. Tùy theo sự ưa thích của ông, tôi đều cung cấp hết.

Bà La Môn nói: Nếu Vua làm được như vậy, trước phải định tâm, không nên xao động.

Vua đáp: Tôi xưa nay thường lập thệ nguyện, tâm khó lay động. Tôi vì chúng sinh mà phát tâm Bồ Đề, thân mạng còn bỏ huống chi là các ngoại vật. Ông nên biết, người có tiền tài mà không bố thí, nên biết chính người ấy là nô tỳ giữ của. Như cây độc tuy có sinh hoa trái nhưng không ai dùng cả.

Giếng sâu dây ngắn không sao lấy nước được. Có tiền tài mà không bố thí cũng như vậy. Thấy người đến xin mà mặt mày nhăn nhó, nên biết là kẻ ấy đang mở cửa vào nẻo ngạ quỷ.

Bà La Môn nói: Lành thay Đại Vương! Nêu bày lời trống rỗng thì có ích lợi gì, nếu có thể làm được, xin bố thí đầu Ngài cho tôi.

Các Đại Thần nghe nói vậy, bèn bảo Bà La Môn: Lạ thay gian tặc! Từ đâu đến đây, dùng miệng người nói lời vô nghĩa.

Họ cùng nhau dùng đất, đá ném, đồng thanh nói: Người thê này không phải là Bà La Môn! Ở đâu mà có áo cỏ, da nai, tóc dài, ít ăn nhưng lại nói lời như gai nhọn. Thân thể, y phục như Tiên Nhân, miệng nói ra lời quá hơn Chiên Đà La. Lời nói và thân không phù hợp nhau, vậy nên biết chắc chắn không phải là Bà La Môn, mà chính là Quỷ Thần La Sát xấu ác.

Than ôi kẻ ác!

Ngươi đến đây muốn làm khô cạn sông chánh pháp hay sao?

Như chim cánh vàng muốn ăn Rồng Pháp để chấm dứt mưa pháp hay sao?

Ngươi như gió ác thổi tắt ngọn đuốc pháp. Như voi hung ác muốn nhổ cây pháp. Kẻ ác đáng chết không có đạo lý. Khi miệng nói ra, tại sao lưỡi không thụt lại.

Tại sao mặt đất lại nâng ngươi được?

Sức nóng mặt trời sao không đốt khô thân ngươi.

Tại sao sông lớn không cuốn ngươi trôi đi?

Bà La Môn nói với các vị Đại Thần: Các ngươi ngu si, vì sao mắng nhiếc thậm tệ khác nào chó dữ sủa người đến xin?

Các ngươi nghi ta không phải là Bà La Môn từ xa đến cầu xin phải không?

Chẳng phải là người xuất gia học rộng phải không?

Các ngươi ngu ác nên không thể biết các uy lực của những Bậc Bà La Môn. Ngươi biết không, nhật nguyệt đầy vơi, biển lớn mặn đắng.

Thần dân A Nậu uống nước Sông Hằng làm ngừng chảy trong mười hai năm. Tự tại Thiên Vương mặt có ba mắt. Tiên Nhân Cù Đàm hóa ra ngàn nữ căn trên thân họ Thích. Tiên Bà Tư Thát biến thân Đế Thích thành con dê đen. Đại Tiên Tỳ Cứu ăn núi Tu Di như ăn cháo sữa.

Những việc như vậy đều là năng lực của hàng Bà La Môn chúng ta. Ta đến đây cũng vì Ngài nói lời trống rỗng, thêu dệt. Ai không biết là nhà Vua đã tự nói có thể bố thí tất cả.

Vậy nay ta theo xin thì có gì đáng trách!

Vua Nguyệt Quang bảo Quần Thần: Các Khanh không nên ngăn cản. Ta sẽ làm thỏa mãn ý nguyện của vị Bà La Môn này. Ngươi hãy quán sát, ta trị nước không có tham dâm, sân hận, ngu si, quả báo đạt được nay đã thành tựu. Đến lúc xả thân như rắn lột vỏ. Các ngươi phải biết, ta dùng thân không bền, đổi lấy thân bền vững, dùng tài sản không chắc chắn đổi lấy tài sản chắc chắn, dùng mạng sống vô thường đổi lấy mạng sống kiên cố.

Trước đây, ta thường nói với các ngươi về pháp của Bậc Đại Nhân, nay là đúng lúc. Ta cũng thường khuyên các ngươi hướng đến chánh pháp, lấp kín nẻo ác, mở các cửa thiện, trồng các giống thiện trong vườn giác ngộ, làm mỏng các phiền não, dần dần cởi mở hết các dây gia đình trói buộc.

Những công đức mà ta đã được, các ngươi cũng sẽ có được. Thế nên, ngày nay ta xả bỏ thân mạng, các ngươi nên hoan hỷ chớ nên buồn khổ. Nếu ta tham thân không làm được việc này, các ngươi còn phải trách cứ khuyên bảo ta làm.

Huống chi hôm nay ta tự cắt ra mà các người còn ngăn cản không cho. Ví như có người dùng cỏ đổi len, uống độc trừ bệnh, ta cũng như vậy, bỏ thân không kiên cố để được thân bền chắc.

Các Đại Thần lại tâu: Đại Vương không nên tính việc ấy để được thân bền vững. Ngài không nên tính như vậy.

Vì sao?

Ngài là nơi chúng thần nương tựa. Thân này của Ngài quan hệ với tất cả các việc, quan hệ với pháp, làm sao riêng vì một Bà La Môn mà muốn xả bỏ. Ngài xả bỏ thân này rồi thì việc bố thí tài sản làm sao bày biện nổi. Nếu không tổ chức được, nhiều người sẽ bị khổ. Tuy một thân Vua nhưng gồm cả thiên hạ.

Vì sao hôm nay Ngài muốn tự do cho riêng mình?

Như nhiều người cùng có chung một món quý, một người muốn dùng riêng làm sao được tự ý?

Nay thân của Vua cũng như vậy.

Sắc mặt hòa nhã, nhà Vua bảo các Đại Thần: Trước hết các Khanh nên sinh tâm từ mẫn, quan sát vị Bà La Môn này, sau đó ta mới cắt đầu bố thí cho ông ta.

Nhà Vua lại bảo Bà La Môn: Ông hãy đi nơi khác một lúc để ta khuyên nhủ các thần dân, sẽ khiến họ tuân lệnh. Bà La Môn liền tránh đi nơi khác.

Nhà Vua bảo các quan: Các Khanh có biết trước đây ta nguyện thường muốn đem lại lợi ích cho chúng sinh không?

Ta đã làm xong việc cho các người, lại muốn làm mãn nguyện cho vị Bà La Môn này. Vào thời quá khứ, Bà La Môn này với ta có thù oán, dư báo chưa hết nên thường ràng buộc tâm ta, không còn có cách nào để trả lại, nên phải giao cái đầu để không còn nợ.

Từ khi ta làm người thường thi hành chánh pháp, nay vì người này thì cũng là thi hành chánh pháp, các Khanh hãy mau đi gọi Bà La Môn trở lại đây.

Nhà Vua nói: Bà La Môn, ông không lanh trí, không biết chọn lúc thích hợp nên xin đầu ta giữa mọi người. Tại sao không xin ta ở nơi vắng vẻ. Nay ta vì ông nên khuyên can các quan để ông được an ổn bảo toàn tánh mạng.

Nếu không can gián thì thân mạng của ông làm sao an toàn. Ông hãy đi không xa, đến nơi vắng kia, chờ ta giải tán các Đại Thần rồi, ta sẽ đến gặp và giao đầu cho. Bà La Môn nghe Vua nói xong liền đi tới nơi khác.

Sau khi giải tán các Đại Thần, Vua đến gặp ông Bà La Môn, nói: Nếu ông vì kẻ oán đối với ta mà xin đầu, ta cũng không thù hiềm gì cả. Nếu ông tự xin vì lý do gì đi nữa, này Bà La Môn cũng nên niệm tâm từ, nếu niệm tâm từ sẽ sinh vào Thiên giới. Tâm oán thù như lửa hãy mau dập tắt đi. Trong tâm sân hận thì không thấy ý nghĩa của pháp.

Người tu tập nhẫn nhục dốc trừ diệt sân hận. Sân hận làm ô nhiễm tâm, thân hình không ngay thẳng, như mây mù che khuất trăng trong. Người xuất gia không nên sinh khỏi sân hận. Người sân hận không xinh đẹp, như kẻ uống rượu, hơi thở hôi hám.

Bà La Môn nói: Lời Ngài nói tuy thật hay, nhưng ta thô lậu làm sao tin nhận. Hãy cho ta đầu, đừng nên nói nữa. Ta nghe Ngài nói tuy thiện, nhưng nghe xong càng thêm sân hận, như lửa cháy bùng được đổ dầu mỡ vào.

Vua đáp: Ta từ khi sinh ra đến nay chưa bao giờ khuyên bảo người làm điều ác. Nay thân ta tùy ý ngươi chặt, thân này thật xấu như hố phân, thật không đáng yêu, chỉ vì thương ông sẽ bị đọa địa ngục.

Bà La Môn nói: Địa ngục ở nơi nào?

Nhà Vua liền niệm tâm bi, nói: Lạ thay chúng sinh, than ôi thế gian!

Cho đến không có một người tu hành pháp thiện vì lợi cho mình. Ta tuy khuyên can người này bằng nhiều cách, nhưng bản tâm họ vẫn thích làm ác. Như con ruồi xanh ở trong lọ mật, có người vớt ra nhưng tâm nó vẫn đắm, vì tham đắm trước nên đến nỗi bị bỏ mạng.

Bà La Môn này cũng như vậy. Bấy giờ, Bà La Môn cầm một đao bén rút ra từ lớp da nai, nắm tóc Vua cột trên cây, với tâm sân hận muốn chặt đầu Vua. Lưỡi dao bị lệch không trúng Vua, chỉ chặt đứt nhánh cây. Bà La Môn cho rằng đã chặt xong nên sinh vui mừng. Nhờ uy lực của Bồ Tát và các Thiên Thần nên Bà La Môn không hề thấy đầu và thân Vua.

Lúc ấy Thần cây nói với Bà La Môn: Ở đâu lại có người Bà La Môn chứa đao bén sát hại mạng người. Tay ngươi tại sao không rụng xuống đất.

Tại sao đất không nứt ra vùi lấp thân ngươi?

Tại sao ngươi sinh tâm ác với người thanh tịnh như vậy. Ngươi không đọa địa ngục vì nhờ Bồ Tát ấy hộ trì đó. Khi ấy, Bà La Môn tưởng rằng đã chặt được đầu Bồ Tát, tâm oán thù không còn, nên bỏ ra đi. Nhà Vua trở về cung, thân an ổn, không bị tổn hại. Khi Đại Bồ Tát thực hành bố thí Ba La Mật, đã luôn xả bỏ tất cả như vậy.

***