Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bản Duyên

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT BẢN DUYÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô
 

PHẨM SÁU

PHẨM THỎ
 

Bồ Tát Ma Ha Tát

Nếu thọ thân súc sinh

Những pháp thiện đã làm

Ngoại đạo không bì kịp.

Tôi từng nghe: Thời quá khứ, Bồ Tát từng làm thân thỏ, vì nhân duyên của dư nghiệp đời trước. Tuy thân thỏ nhưng nói được tiếng người, lời nói thường chí thành, không dối trá, thành tựu trí tuệ, xa lìa sân hận, đứng đầu trong Trời người, tâm đầy từ bi, hòa nhã dịu dàng, có khả năng tiêu trừ các ma chướng, nói và làm hợp nhau.

Chân thật không tà vạy, hoàn toàn không còn tâm sát hại, an trú không lay động như núi Tu Di, làm đầu đàn cho vô lượng con thỏ, thường chỉ dạy đám thỏ kia: Các ngươi có biết việc bị đọa vào đường ác không?

Thân này thật đau khổ, bệnh hoạn, đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la. Các người hãy chú ý lắng nghe nguyên do bị đọa vào đường ác. Đó là mười điều ác.

Trước đây, ta từng nghe chư tiên phân tích giảng dạy, tâm còn nhớ nghĩ. Nay sẽ lược giảng cho các ngươi nghe. Bốn pháp căn bản có nhiều lỗi lầm là tham dục, sân hận, ngu si, kiêu mạn.

Nhân vì tâm tham dục làm mười điều ác bị đọa làm ngạ quỷ.

Nhân vì tâm sân hận làm mười điều ác nên bị đọa vào loài súc sinh.

Nhân vì tâm ngu si làm mười điều ác nên bị đọa vào địa ngục.

Nhân vì tâm kiêu mạn làm mười điều ác nên bị đọa vào A tu la.

Nhân vì bốn pháp ấy nên dẫn đến cảnh giới thường chịu khổ não.

Các ngươi hãy quan sát trong địa ngục luôn có lửa cháy rực rỡ, dao bén lột cất, thường bị chó dữ ăn thịt, chim mỏ sắt mổ mắt, sông tro làm nát thân như bụi bặm, lại bị các dùi đánh đập, búa đao, kiếm bén chặt đứt tay chân, gió dữ lạnh buốt thổi rách cả thân, hai núi ép lại thân thể ở giữa.

Các ngươi nên biết, giả như ta có sống đến trăm ngàn đời, giải nói về chúng sinh chịu khổ trong địa ngục như vậy cũng không thể hết được. Địa ngục như vậy có nhiều cách khổ. Các ngươi hãy nghe tiếp về các khổ trong hàng ngạ quỷ.

Đó là bị đói khát giày vò làm thân thể luôn khô héo, trong vô lượng năm chưa bao giờ được nghe về danh từ nước, đến nỗi mong được phẩn uế cũng không có.

Tóc dài quấn khắp thân hình nên làm cho các chi phần trên thân luôn cháy rực, từ xa thấy nước đến gần thì thành ra hầm lửa, bị đói khát hành hạ nên chạy theo phẩn uế, lại bị các quỷ thần hung ác cầm dao gậy ngăn chặn.

Nay nói về việc này, càng làm cho tâm ta kinh hoàng sợ hãi. A tu la tuy hưởng năm dục không khác Chư Thiên, nhưng kiêu mạn tự cao, không có tâm khiêm nhường, xa thiện tri thức, không tin Tam Bảo, cũng không được bạn thiện hỗ trợ, có ý tưởng điên đảo với thế gian, tuy gặp chư Phật nhưng tâm không kính tín, thường sinh tâm ác với Chư Thiên ở trên, ý luôn tìm tòi lỗi của Chư Thiên.

Các ngươi nên biết, phiền não kiêu mạn có nhiều lỗi lầm không có lợi ích, vậy nên chúng sinh không thành tựu đạo quả đều do kiêu mạn bùng lên, khen mình chê người hiềm khích trách mắng. Chúng sinh trong thế gian vì kiêu mạn nên tăng trưởng tà kiến, do tà kiến nên phỉ báng Tam Bảo.

Do phỉ báng Tam Bảo nên sinh vào hàng A tu la. Các khổ phải chịu trong A tu la, nếu muốn nói hết cũng không thể hết được. Vì nhân duyên ngu si nên bị đọa vào thân súc sinh chịu nhiều thống khổ, mang nhiều hình dáng, ăn uống với nhiều loại khác nhau, tiếng nói cũng không giống, đi đứng chẳng đồng… không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, đi dưới nước, trên bộ, trên không trung.

Bò, dê, lạc đà, lừa, heo, gà, chó, chim bay thú chạy… những loài này luôn bị ngu si che phủ, sống trong tối tăm không có trí tuệ, đối với nhau luôn có ý tưởng sát hại, sợ hãi nhau như kẻ thù, thường bị thợ săn đồ tể sát hại, lại bị Sư Tử hổ lang, chó sói, vô số thú dữ khác bắt ăn, thường bị rơi xuống hầm bay treo giữ trong lưới, sống thì vác chở nặng.

Chết bị lột xẻ, cày ruộng kéo xe, bị móc sắt quản thúc, yên cương bó buộc, luôn bị đói khát, miệng lưỡi khô héo, có cần việc gì cũng không nói được, còn nhỏ đã lẻ loi lìa xa cha mẹ, cỏ nước vô lượng nhưng ăn không được no.

Quả báo ác của súc sinh thấy rõ trong đời, thế nên ta chỉ nói qua cho các ngươi. Như ta do nhân duyên của nghiệp ác đời trước nên thọ thân thỏ này, tuy ăn nước cỏ nhưng luôn sợ hãi. Vậy nên các ngươi nên thường tu pháp thiện, nhờ đó sinh vào Cõi Trời, người.

Tuy sinh cõi người có nhiều khổ não hơn Cõi Trời, nhưng nên phát nguyện sinh cõi người. Như phép quan vì có người gây tội nên làm hầm đất có ba tầng.

Người tội nặng nhất bị nhốt tầng thấp nhất. Ngươi tội trung bình nhốt ở tầng giữa.

Người tội nhẹ thì nhốt nơi tầng trên cùng. Người gây nghiệp ác cũng vậy.

Người cực ác bị đọa địa ngục. Người ác trung bình bị thân súc sinh.

Người ác nhẹ sinh vào ngạ quỷ. Ai xa lìa ba loại ác này thì sinh vào loài người. Được làm người có làm thiện và bất thiện.

Người hành thiện tối thượng, nhập vào Niết Bàn như nhà của mình.

Bấy giờ, Vua thỏ thường dạy những diệu pháp như vậy cho các thỏ khác. Có một Bà La Môn chán đời, xuất gia tu học theo phép tiên, không hại chúng sinh, ly dục đoạn ái, lời nói hòa nhã, thân không thô bạo, uống nước ăn trái và các rễ thuốc, ít muốn biết đủ, tu hạnh tịch tĩnh, để tóc và móng tay dài, biểu hiện hình tướng phạm hạnh.

Một hôm, bỗng nhiên Tiên Nhân nghe tiếng thỏ chúa thuyết pháp cho các thỏ khác.

Sau khi nghe như vậy, Tiên Nhân tự trách mình: Ta tuy được sinh làm người, nhưng ngu si vô trí không bằng thỏ chúa là súc sinh mà hiểu rõ pháp thiện. Như ánh sáng mặt trời che lấp ánh sáng mặt trăng, ta cũng như vậy, tuy là người mà bị súc sinh che lấp. Thỏ tuy súc sinh mà hoặc là vị tướng chánh pháp, hay là Phạm Vương, Đại Tự Tại Thiên.

Ta nghe lời pháp của vị ấy thuyết nên tâm ý điều hòa. Như người đang nóng bức đi vào chỗ nước mát.

Lạ thay!

Sư Tử gây nhiều nghiệp ác nên thọ thân thú ấy, tại sao lại giết những thỏ như vậy?

Thỏ như thế là bậc thuần thiện, tuy mang hình thỏ nhưng tu tập được pháp của Tiên Thánh, tuy sinh trong loài súc sinh nhưng có thể nói lên được tướng trạng của thiện ác. Từ trước đến nay, ta chưa có nơi để học hỏi, tôn kính. Nay gặp vị này thật hay vô cùng. Tiên Nhân đứng dậy chắp tay đi đến chỗ thỏ.

Đến nơi, Tiên Nhân ngồi qua một bên, chắp tay hướng về thỏ, thưa: Ngài thật là thân chánh pháp, vị lai không còn thọ thân thỏ vì có pháp chắc chắn thuần thiện. Xin Ngài giảng dạy pháp cho tôi. Tôi đã tu học về việc để tóc râu dài, mặc áo cỏ, ăn trái cây, nay thật chán việc ấy. Như nấu nước tìm bơ thật là khó được.

Tôi cũng như thế, trọn đời để tóc dài mặc áo cỏ, ăn trái cây, tuy tu khổ hạnh nhưng khó được chánh pháp. Tôi tuy được sinh làm người nhưng xa thiện tri thức, tu hành pháp ác.

Như hoa thất diệp, nên nhìn từ xa chứ không được lại gần, tôi cũng như vậy, tu hành pháp ác nên người có trí thấy vậy tránh xa chứ không thân cận. Ngài là bậc Phạm Vương, giả thọ thân thỏ.

Thỏ đáp: Đại Bà La Môn, nếu lời tôi nói làm vui lòng người, thật không nên yêu thích.

Vì sao?

Từ lâu, tôi đã xa lìa sự trói buộc của tham tiếc. Ngày xưa tôi phát tâm chứng đắc Niết Bàn, nhưng vì chúng sinh nên cố trú sinh tử.

Bà La Môn nghe lời thỏ nói xong liền sinh hoan hỷ: Ngài là bậc Đại Sĩ, nên vì chúng sinh ở mãi chỗ này. Như vậy, Tiên Nhân liền theo thỏ, trải qua nhiều năm. Uống nước ăn trái như thỏ.

Khi ấy, người đời làm nhiều pháp ác. Vì vậy khiến cho Trời hạn hán, cây cỏ khô héo không mọc hoa trái, ở biển hồ, giếng suối các nguồn nước đều bị khô cạn, mặt đất chỉ có rừng cây lau sậy cỏ hoang. Dân chúng các địa phương thu thập của cải bỏ đi hết.

Vị Bà La Môn bị đói khát khốn khổ, hòa nhã thưa với thỏ: Nay tôi muốn đi, xin Ngài đừng trách.

Thỏ nghe nói, suy nghĩ: Vị Đại Tiên này không thích ở đây nên muốn bỏ đi, nên hỏi: Nơi này có lỗi gì, có gì xúc phạm Ngài không?

Đại Tiên nên xem, thân mặc áo cỏ khô như vậy mà để tâm sầu não thật không thích hợp. Như Bà La Môn đi vào nhà dâm nữ, thật là trái pháp.

Bà La Môn nói: Lời Ngài nói thật hợp với tâm tôi, nơi này thanh tịnh thật không lỗi lầm gì. Các thỏ khác tự tu cũng không xâm phạm tôi, chỉ vì tôi bạc phước, thiếu thốn thức ăn uồng, vậy nên miễn cưỡng rời bỏ đi. Xin Ngài hãy xem tất cả chúng sinh đều nhờ ăn mà sống.

Lời Ngài dạy là pháp yếu hoàn toàn lốt đẹp, tuy tôi đi xa nhưng trọn đời ghi nhớ trong lòng, không bao giờ quên. Xin Ngài biết cho, tâm tôi không nhân từ, chỉ vì thức ăn thiếu kém mà phải chia tay nhau.

Thỏ đáp: Việc của Ngài chỉ là việc nhỏ, tại sao lại muốn bỏ nhau ra đi?

Bà La Môn nói: Đã nhiều ngày, tôi chỉ uống nước, sợ không toàn mạng, cho nên muốn bỏ đi.

Thỏ nghe nói suy nghĩ: Lành thay Bà La Môn!

Có thể vì pháp mà nhiều ngày chỉ uống nước, nên nói: Nếu Ngài bỏ đi, tôi không còn phước điền nào như vậy. Xin nhân giả nhận lời thỉnh của tôi vào ngày mai. Tuy biết Bồ Tát đối với phước điền tâm không phân biệt, nhưng bố thí cho chúng sinh cực khổ đói khát thì phước ấy rất lớn.

Tuy biết hai mắt là nơi phải luôn giữ gìn, nhưng phải ưu tiên cứu chỗ thống khổ. Nay, Ngài là thiện tri thức gần gũi của tôi, là bậc tôi tôn kính, có uy đức lớn. Thế nên, tôi muốn dâng vật mọn.

Ngài nên biết, người có bốn hạng, thí cũng có bốn, đó là: Bậc thấp, bậc thấp trong thấp, bậc trí, bậc trí trong trí.

Thế nào là bậc thấp?

Là khi bố thí, sinh tâm cầu giàu có. Bậc thấp trong thấp là vì sợ hãi nên bố thí. Bậc trí là khi bố thí với tâm cung kính. Trí trong trí là bố thí với tâm đại bi. Tôi trong bốn loại thí trên chỉ dốc hành một loại thí, xin Ngài vào sáng mai nhận lời thỉnh của tôi.

Sau khi suy nghĩ: Hôm nay, thỏ này thấy gì, hay là thấy xác nai, hay xác thỏ chết?

Bà La Môn hoan hỷ đốt lửa tụng chú.

Đêm ấy, thỏ gom góp nhiều thứ củi khô, bảo với các con thỏ: Quý vị nên biết, Bà La Môn này đang muốn bỏ ta đi xa đến khác. Ta rất sầu não, thân thể run rẩy. Thế pháp là vô thường, biệt ly như vậy, hư dối không thật, như huyễn hóa, hội hợp thì có biệt ly như mưa mùa thu. Pháp hữu vi có vô lượng sự lỗi lầm như thế.

Vô thường như mộng, như hơi lửa khi nóng, mạng sống đi qua hết không thể trở lại. Quý vị biết thế pháp đã như vậy thì sao không từ bỏ. Vậy nên, quý vị cần phải tinh tấn phá trừ sinh tử trong Ba Cõi.

Đêm ấy, Vua thỏ không ngủ, nói pháp như vậy cho các con thỏ khác. Đêm đã qua, vào sáng sớm mai, thỏ chúa đến bên đông củi thổi lửa.

Sau khi lửa cháy rực, Vua thỏ nói với Bà La Môn: Hôm qua, tôi thỉnh Ngài nhận sự cúng dường mọn, nay đã chuẩn bị xong, xin Ngài nhận cho.

Vì sao?

Người trí gom tài sản muốn đem bố thí, người nhận nên xót thương nhận lấy mà sử dụng. Có phàm nhân nào chứa nhiều tài sản quý, đem bố thí cho người, việc này không khó. Tôi sống bần cùng, bố thí thật khó. Xin Ngài thương xót quyết định nhận cho. Nay, thâm tâm tôi thanh tịnh cầu thỉnh, xin nhân giả quyết định nhận cho, chớ hoang mang.

Nói xong, vua thỏ lại an ủi: Tôi vì người khác được hưởng sự an lạc, tự xả bỏ thân mình không luyến tiếc chút nào cả. Với phước báo như vậy, cầu cho chúng sinh chứng đắc trí tuệ cao tột. Sau khi an ủi, Vua thỏ bèn nhảy vào đống lửa.

Bà La Môn thấy sự việc như vậy, tâm kinh hoàng lông tóc dựng ngược, vội kéo thỏ ra khỏi ngọn lửa. Nhưng sinh mạng vô thường của thỏ đã không còn.

Ông ta bồng thỏ để trên đùi nhìn mãi, tâm buồn bã, than thở: Bậc Đại Sĩ mến pháp, Đại Tiên từ mẫn, bậc thầy lái thuyền giỏi vì lợi ích cho chúng sinh nên xả bỏ thân mạng.

Nay Ngài đã đến đâu! Tôi xin đảnh lễ, quy y Ngài. Tôi ở núi này gánh nặng tóc dài, tuy trải qua nhiều năm chẳng có lợi gì. Từ nay, tôi nguyện luôn kính trọng Ngài. Nguyện công đức của Ngài thành tựu đầy đủ, xin cho tôi trong đời vị lai thường được làm đệ tử Ngài.

Nói như vậy xong, Bà La Môn đặt thỏ xuống đất, cung kính lạy, rồi lại ôm thỏ như bồng con, cùng với thây thỏ nhảy vào trong lửa.

Khi ấy, Trời Đế Thích biết việc này rồi, bèn tổ chức cúng dường lớn, thu nhặt Xá Lợi và xây Tháp. Đại Bồ Tát tu tập trì giới Ba La Mật như vậy, không lừa dối thế.

***