Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT BẢN HẠNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thiên Tức Tai, Đời Tống
 

PHẦN BA
 

Thuở xưa, khi Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Lúc ấy, có một Hiền Giả tên là Tu Đạt, nhà cửa đơn sơ nghèo khó, không có tài sản, nhưng lại hết lòng sùng kính đạo đức. Ông đi đến Tinh Xá, đầu mặt đảnh lễ sát chân Đức Phật, rồi lui ra ngồi một bên nghe Đức Phật thuyết pháp.

Đức Phật hỏi: Này Tu Đạt, người tại gia nên bố thí hay không nên bố thí?

Tu Đạt bạch Phật: Người tại gia nên bố thí.

Và hỏi: Thế nào là bố thí nhiều?

Thế nào là bố thí ít?

Thế nào là có tâm lành bố thí?

Thế nào là không có tâm lành bố thí?

Đức Phật bảo Tu Đạt: Xét về việc bố thí, có khi bố thí nhiều mà được phước báo ít. Có khi bố thí ít mà được phước báo nhiều.

Tu Đạt hỏi: Tại sao bố thí nhiều mà được phước báo ít?

Đức Phật đáp: Tuy bố thí nhiều mà tâm không chí thành, tâm không cung kính, không sinh tâm đại hoan hỷ, mà tâm đem tâm ngã mạn tự đại để bố thí. Người bố thí như vậy lòng tin không chánh đáng, nhận thức sai lầm, chẳng phải là chánh kiến.

Đó không phải là sự bố thí của Bậc Thượng Sĩ, nên bố thí tuy nhiều mà phước báo rất ít. Ví như canh tác trong một đám ruộng xâu, gieo trồng tuy nhiều, kỳ thật thu hoạch hoa lợi chẳng được bao nhiêu.

Tu Đạt hỏi: Tại sao bố thí ít mà được phước báo nhiều?

Đức Phật đáp: Tuy bố thí ít, nhưng đem tâm hoan hỷ bố thí, đem tâm thanh tịnh bố thí, đem tâm cung kính bố thí, bố thí không có tâm cầu được báo ân. Người bố thí như vậy mới là sự bố thí của bậc Thượng Nhân.

Sự bố thí cho Như Lai, Bích Chi Phật và bốn quả Sa Môn là bậc chánh kiến, nên bố thí tuy ít mà được phước báo nhiều. Ví như đám ruộng phì nhiêu, gieo giống tuy ít mà thật ra thu hoa lợi rất nhiều.

Đức Phật bảo Tu Đạt: Ta nhớ thuở quá khứ, ở tại Cõi Diêm Phù Đề này, có một vị Chuyển Luân Thánh Vương tên là Ba Đà Bạt Ninh, nhà Vua có một ngàn người con, trị vì tám muôn bốn ngàn nước nhỏ trong bốn châu thiên hạ.

Lúc đó, có một vị Bà La Môn tên là Tỳ Lam, thân màu vàng, dung mạo đoan nghiêm, trí tuệ thông minh vượt bậc, có phương pháp trấn áp khi Trời đất chuyển biến, trên thông thiên văn, dưới giỏi địa lý, trong nhân gian lại rành về tâm lý của con người.

Tất cả sách vở Kinh Điển nơi thế gian đều thông đạt. Là người đầy lòng nhân từ, thương xót tất cả mọi người, nên nhà Vua rất kính mến. Tám vạn bốn ngàn Vua chư hầu và tất cả dân chúng đều cung kính tôn thờ là bậc thầy tối thượng.

Đại Sĩ Tỳ Lam được coi như là Đại Vương, chẳng phải Ba Đà Bạt Ninh.

Vì sao vậy?

Vì Chuyển Luân Vương Ba Đà Bạt Ninh trong mọi việc trị nước an dân đều hỏi Tỳ Lam. Đại Sư Tỳ Lam nhân đó mà giáo hóa. Chư hầu, thần dân ai nấy đều hết sức hoan hỷ.

Bấy giờ, Đại Vương theo Tỳ Lam thưa học Kinh Điển, lại cũng khuyên bảo tám vạn bốn ngàn Vua tiểu quốc cùng Quần Thần, Thái Tử và tất cả dân chúng, ai ai cũng phải theo Tỳ Lam cầu học Kinh Điển để phát sinh trí tuệ.

Các Vua, thần dân không ai là không vui vẻ theo Tỳ Lam học hỏi Kinh Điển.

Họ đều nói: Đây là vị Phạm Thiên Đến giáo hóa chúng ta làm những việc tốt đẹp, không phải là người thường. Trong lúc đó, tám vạn bốn ngàn tiểu vương thọ học, trí tuệ được khai ngộ, tất cả đều rất đỗi vui mừng.

Tám vạn bốn ngàn tiểu vương ấy đem theo một con voi trắng, một con ngựa hay, một con bò lớn, tất cả đều được trang sức với đây bằng vàng, bằng bạc.

Ngoài ra còn đem theo một ngọc nữ hình dung đoan chánh tuyệt vời, lại dùng chuỗi anh lạc bằng thất bảo trang sức đẹp đẽ lạ thường, một bát bằng vàng đựng đầy lúa bạc, bát bằng bạc đựng đầy lúa vàng, bát lưu ly đựng đầy lúa vàng, bát bằng pha lê đựng đầy lúa vàng, dùng vàng làm xe, dùng bảy báu trang sức…

Mỗi tiểu vương đều như vậy, tổng cộng mỗi thứ gồm tám vạn bốn ngàn cũng đem hiến dâng cho Đạị Sư Tỳ Lam.

Đại Vương Ba Đà Bạt Ninh nghe các tiểu vương hiến cúng cho Tỳ Lam như vậy, thì vui mừng không kể xiết và thầm nghĩ: Ta cũng hiến cúng cho Đại Sư Tỳ Lam tài sản quý báu như vậy. Tức thời đem đồ phục sức bằng thất bảo, châu báu.

Chuỗi Anh Lạc đẹp đẽ lạ thường trang điểm cho tám ngàn ngọc nữ, dùng toàn dây bằng vàng trang sức cho tám vạn bốn ngàn con bạch tượng, cũng dùng dây bằng vàng bạc trang điểm cho tám vạn bốn ngàn con ngựa.

Dùng dây toàn bằng vàng trang điểm cho tám vạn bốn ngàn con bò, tám vạn bốn ngàn bát bằng vàng đựng đầy lúa gạo, tám vạn bốn ngàn bát bằng lưu ly đựng đầy lúa vàng, tám vạn bốn ngàn cổ xe dùng toàn bằng vàng trang điểm… Đại Vương đem tất cả những thứ đó hiến cúng cho Tỳ Lam.

Đại Sư Tỳ Lam nhận lãnh rồi, tự nghĩ rằng tất cả tài sản mình có được như: Châu báu, voi, ngựa, xe cộ… này, tất cả đều là vô thường, không có gì bền chắc.

Rồi tâu với Đại Vương: Tất cả tài sản mà tôi có được đều thuộc pháp vô thường lần lần bị tiêu diệt. Tôi không dùng nó, ý muốn đem giúp đỡ những kẻ nghèo khổ.

Đại Vương nghe lời này trong lòng rất phấn khởi, liền ra lệnh cho quân thần đánh trống truyền khắp Cõi Diêm Phù Đề: Những người nghèo cùng, côi cút, già cả đơn độc, những vị Bà La Môn Phạm chí, tất cả đều hội về.

Đại Sư Tỳ Lam liền lập một đàn chẩn thí lớn, dân chúng nghe lệnh rùng rùng kéo nhau tụ tập. Già trẻ khỏe yếu dìu dắt lẫn nhau tề tựu đông đúc.

Lúc ấy, Tỳ Lam muốn rửa tay theo phép Bà La Môn, nhưng nghiêng, bình mà nước chẳng chảy ra nên rất lo buồn, thầm nghĩ: Ta nay thiết lập đại lễ không biết có lỗi lầm gì chăng?

Ý chẳng thanh tịnh, hay vật bố thí chẳng phải đồ tốt?

Do duyên cớ gì mà nước chẳng chảy?

Lúc đó, Chư Thiên ở trên hư không nói với Tỳ Lam: Việc bố thí của ông ngày hôm nay hết sức tốt đẹp không ai sánh bằng! Tâm ông thanh tịnh không chút ô nhiễm, công đức của ông là bậc nhứt, trong thiên hạ không ai vượt lên trên được.

Chỉ có người thọ thí, tất cả đều là những hạng người có tà kiến giả dối điên đảo, chẳng phải là Bậc Thượng Sĩ thanh cao, nên không thể lãnh thọ của cải bố thí với sự rửa tay cung kính của ông. Vì lý do đó, mà nước trong bình không chảy ra.

Tỳ Lam nghe Chư Thiên nói như thế, ý ông khai ngộ, liền phát khởi thệ nguyện: Nguyện đem công đức bố thí ngày hôm nay, cầu thành đạo vô thượng chánh chân. Nếu đúng như lời nguyện này, thì khiến rót nước sẽ chảy vào bàn tay tôi!

Phát lời thệ nguyện rồi, liền nghiêng bình rót nước, tức thời nước chảy ra rơi vào bàn tay Tỳ Lam.

Chư Thiên ở trên Hư Không ca ngợi: Hay thay! Hay thay! Đúng như sở nguyện, chẳng bao lâu ông sẽ thành Phật.

Lúc ấy, Đại Sư Tỳ Lam bố thí áo quần, mùng mền, thực phẩm… theo nhu cầu của tất cả những người nghèo cùng. Trong mười hai năm như vậy, tất cả ngọc nữ, voi, ngựa, châu báu đều dùng vào việc bố thí, không còn cất giữ một vật gì.

Đức Phật bảo Tu Đạt: Bà La Môn Tỳ Lam lúc ấy là thân ta ngày nay. Lúc ấy ta bố thí với tâm lành, vật bố thí cũng tốt đẹp, chỉ có kẻ thọ thí là tâm họ không thanh tịnh, nên tuy vật bố thí nhiều mà thọ phước báo rất ít.

Còn ngày nay đệ tử chân chánh, ở trong giáo pháp chân thật nhiệm mầu thanh tịnh của ta làm việc bố thí, thì vật bố thí tuy ít mà thọ hưởng phước báo rất nhiều.

Đối với công đức bố thí của Tỳ Lam trong mười hai năm như vậy, cùng với mọi công đức bố thí cho tất cả dân chúng trong Cõi Diêm Phù Đề, gồm hai công đức này lại không bằng công đức cúng dường cho một vị Tu Đà Hoàn. Công đức này rất nhiều, vượt hơn phước đức trước.

Dầu cúng dường cho một trăm vị Tu Đà Hoàn, cộng với sự bố thí của Tỳ Lam cho tất cả dân chúng trong Cõi Diêm Phù Đề nói ở trước, thì phước đức có được do sự cúng dường và bố thí đó, không bằng cúng dường cho một vị Tư Đà Hàm. Phước đức này rất nhiều, vượt hơn phước đức trước.

Giả sử như cúng dường cho một trăm vị Tư Đà Hàm, một trăm vị Tu Đà Hoàn, cộng với sự bố thí của Tỳ Lam cho tất cả dân chúng trong Cõi Diêm Phù Đề nói ở trước, thì phước đức có được do sự cúng dường và bố thí đó không bằng cúng dường cho một vị A Na Hàm. Phước đức này nhiều gấp bội phước đức trước.

Ví dầu cúng dường cho một trăm vị A La Hán, một trăm vị A Na Hàm, một trăm vị Tư Đà Hàm, một trăm vị Tu Đà Hoàn, cộng với sự bô thí của Tỳ Lam cho tất cả dân chúng trong Cõi Diêm Phù Đề nói ở trước, thì phước báo có được do sự cúng dường và bố thí đó không bằng cúng dường cho một vị A La Hán. Phước đức này rất nhiều, vượt hẳn phước đức trước.

Giả sử cúng dường cho một trăm vị A La Hán, một trăm vị A Na Hàm, một trăm vị Tư Đà Hàm, một trăm vị Tu Đà Hoàn cộng với sự bố thí của Tỳ Lam cho tất cả dân chúng trong Cõi Diêm Phù Đề nói ở trước, thì công đức có được do sự cúng dường và bố thí ấy không bằng cúng dường cho một vị Bích Chi Phật. Phước đức này rất nhiều, vượt hơn phước đức trước.

Giả sử cúng dường cho một trăm vị Bích Chi Phật, một trăm vị A La Hán, một trăm vị A Na Hàm, một trăm vị Tư Đà Hàm, một trăm vị Tu Đà Hoàn cộng với sự bố thí của Tỳ Lam cho dân chúng trong Cõi Diêm Phù Đề nói ở trước, thì phước đức có được do sự cúng dường và bố thí đó không bằng xây Tháp, cất nhà cho Chúng Tăng.

Lập Tinh Xá, cúng dường áo, mền, giường nằm, đồ ăn uống. Cung cấp sự cần dùng cho Chư Tăng, Sa Môn, Đạo Sĩ khắp bốn phương, cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Gồm những công đức này thì vượt hẳn những công đức trước.

Tuy xây Tháp, cất nhà cho Chúng Tăng, lập Tinh Xá như trên, cùng với sự cúng dường Bí hì Chi Phật, A La Hán, A Na Hàm, Tư Đà Hàm, Tu Đà Hoàn cộng với sự bố thí của Tỳ Lam cho tất cả dân chúng trong Cõi Diêm Phù Đề nói ở trước, thì phước đức do sự cúng dường và bố thí đó không bằng cúng dường cho một Đức Phật. Công đức của sự cúng dường cho một Đức Phật rất nhiều, không thể kể xiết.

Tuy cúng dường Đức Phật, xây Tháp cất nhà cho Chúng Tăng, lập Tinh Xá, cúng dường Bích Chi Phật, A La Hán, A Na Hàm.

Tư Đà Hàm, Tu Đà Hoàn cộng với sự bố thí của Tỳ Lam cho tất cả dân chúng trong Cõi Diêm Phù Đề nói ở trước, thì bao nhiêu công đức của sự cúng dường và bô thí đó, không bằng có người ở trong một ngày thọ ba pháp tự quy y và bát quan trai giới. Nếu giữ được năm giới sẽ có công đức vượt hơn công đức cúng dường và bố thí vừa kể trên, gấp trăm ngàn lần không thể ví dụ.

Lại đem công đức trì giới này hiệp với tất cả công đức cúng dường Đức Phật, Bích Chi Phật, bốn quả Sa Môn cộng với phước đức bố thí của Tỳ Lam cho tất cả dân chúng trong Cõi Diêm Phù Đề nói ở trước.

Không bằng một người tọa thiền với tâm từ bi nghĩ đến chúng sinh trong chừng một bữa ăn cũng được công đức vượt hơn công đức bố thí của Tỳ Lam đối với tất cả dân chúng trong Cõi Diêm Phù Đề và sự cúng dường bốn quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, xây Tháp, cất nhà cho Chúng Tăng, cho đến cúng dường Đức Phật đã nói ở trước, hơn gấp trăm lần.

Bao nhiêu công đức trì giới, tọa thiền với tâm từ bi nghĩ đến chúng sinh, không bằng công đức nghe pháp, ghi nhớ trong tâm, tư duy về bốn đế lý, biết các pháp vô thường, khổ không, vô ngã, để chứng cảnh giới Niết Bàn tịch diệt. Đem công đức này so với tất cả công đức của những việc làm ở trước, thì công đức này là to lớn bậc nhất, không có một công đức nào vượt hơn được.

Lúc ấy, Tu Đạt nghe pháp, hết sức vui mừng, thân tâm thanh tịnh, chứng quả A Na Hàm, trong mình chỉ còn có năm đồng tiền vàng, mỗi ngày đem một đồng cúng cho Đức Phật, một đồng cúng cho Pháp, một đồng cúng cho Chúng Tăng, một đồng tự ăn còn một đồng làm vốn. Ngày nào cũng như vậy, rốt cuộc trong mình lúc nào cũng còn lại một đồng không bao giờ hết.

Tu Đạt thọ năm giới cấm, quỳ mọp bạch Đức Phật: Ngày nay tâm ái dục của con đã dứt hẳn, sống tại gia con nên làm những việc gì?

Đức Phật bảo: Này Tu Đạt, như ông ngày nay tâm ý đã được thanh tịnh, ái dục lại không phát sinh, ông trở về nhà bảo các người vợ của ông: Ta nay tâm ái dục đã diệt, các người tùy theo chỗ nào mình ưa thích, ai cần có chồng tùy ý theo nơi nào mình muốn. Nếu còn ở lại đây, ta sẽ cung câp cơm ăn áo mặc.

Tu Đạt vâng lời Phật dạy, lễ Phật rồi lui về nhà bảo các người vợ: Ta nay tâm ái dục đã diệt sạch, vĩnh viễn không còn tái sinh, không còn làm việc dâm dục. Các người nếu muốn tạo lập cuộc đời mới, thì mỗi người tùy ý chọn nơi nào mình ưa thích, còn ai muốn ở lại đây, ta sẽ cung cấp áo cơm đầy đủ.

Các người vợ Tu Đạt đều tùy theo ý nơi mình ưa thích để lập gia đình. Lúc ấy, có một người vợ đang sấy gạo xay bột, bỗng có đàn dê húc nhai ùa vào mang đồ gạo sây, nàng ta tức giận không biết tính sao, liền cầm cây củi đang cháy đánh bầy dê kia.

Đầu cây củi có lửa chạm nhằm lông nơi cổ con dê, lông dê gặp lửa bốc cháy và cháy luôn cả voi nhà Vua, thân voi da bị cháy rụi, nên phải giết khỉ, vượn lấy da đắp vào thân voi.

Khi đó, Chư Thiên ở trên hư không nói kệ:

Sân hận gốc tranh giành

Chẳng nên cùng nó sống

Bầy dê húc lộn nhau

Trong đó mòng muỗi chết.

Tỳ nữ ngăn dê húc

Vượn khỉ chết vô cớ

Người trí lìa hiềm nghi

Chớ cùng người ngu sống.

Vua Ba Tư Nặc vì vậy bảo Quần Thần ra lệnh hạn chế việc đốt lửa.

Lệnh rằng: Từ nay trỡ đi, ban đêm dân chúng không được đốt lửa và thắp đèn đuốc, kẻ nào vi phạm phạt một ngàn lượng vàng.

Bấy giờ Tu Đạt tu tập đạo pháp ở tại nhà ngày đêm tọa thiền. Đầu hôm khi nhập định thì thắp đèn thiền tọa, nửa đêm dừng nghĩ, đến gà gáy lại thắp đèn thiền tọa. Quân canh tuần bắt gặp, thâu lấy đèn và giải ông ta về triều, tâu lên chúa thượng, bắt phải phạt.

Tu Đạt tâu với Đại Vương: Nhà tôi nghèo khó, ngày nay tài sản không được một trăm tiền, biết lấy gì nộp phạt cho Đại Vương.

Nhà Vua nghe nói, thì tức giận, nên sai lính đem nhốt trong ngục kín. Tức thời quân lính giải Tu Đạt giao cho quản ngục giam giữ.

Đêm đó, Tứ Thiên vương thấy Tu Đạt bị giam giữ trong ngục, nên đầu hôm hiện đến, thưa với Tu Đạt.

Tôi sẽ cúng ông số tiền dùng vào việc nạp phạt cho nhà Vua, để được thả ra.

Tu Đạt đáp: Nhà Vua sẽ tự ý hoan hỷ thả ta ra, chẳng cần phải dùng tiền bạc.

Tu Đạt vì Tứ Thiên vương thuyết pháp. Tứ Thiên vương nghe pháp xong liền lui về. Tới nửa đêm Thiên Đế Thích lại đến. Tu Đạt lại thuyết pháp. Đế Thích nghe xong liền lui về. Cuối nửa đêm, lại có Phạm Thiên Đến yết kiến Tu Đạt. Tu Đạt vì Phạm Thiên mà thuyết pháp, Phạm Thiên nghe xong liền lui về.

Nhà Vua đêm ấy quán sát nhìn thấy ở trên lao ngục có ánh lửa xuất hiện.

Sáng hôm sau nhà Vua sai người nói với Tu Đạt: Ông đốt lửa nên bị giam, không biết hổ xấu lại còn tiếp tục đốt lửa?

Tu Đạt trả lời: Ta không đốt lửa, nếu như ta đốt lửa thì nơi chỗ này sẽ có khói tro.

Người kia lại hỏi Tu Đạt: Đầu hôm có bốn ngọn lửa, đến nửa đêm lại có một ngọn lửa lớn gấp bội phần ngọn lửa trước. Rồi cuối đêm có ngọn lửa lớn gấp bội phần ngọn lửa hồi nửa đêm.

Ông nói không đốt lửa thì những thứ đó là gì?

Tu Đạt đáp: Đó không phải là lửa. Đầu hôm có bốn vị Thiên vương đến yết kiến ta. Nửa đêm thì vị Thiên Đế thứ hai đến thăm ta và cuối đêm là vị Phạm Thiên thứ bảy đến thăm ta. Đó là ánh sáng trên thân của Chư Thiên chiếu ra, chẳng phải là lửa.

Người này nghe nói như vậy, liền về tâu lại Đại Vương.

Nhà Vua nghe qua lòng rất kinh hãi chân lông đều dựng ngược, nói: Người này có phước đức đặc biệt nên mới được như vậy. Ta nay tại sao lại hủy nhục vị ấy!

Liền bảo kẻ hầu cận: Mau mau thả người này ra, không được dần dà.

Lính được lệnh liền đến thả Tu Đạt. Tu Đạt được thả ra bèn đi đến Tinh Xá, đầu mặt lễ sát đất, rồi lui ra ngồi một bên nghe Đức Phật thuyết pháp.

Vua Ba Tư Nặc cũng lập tức ngự giá tới Tinh Xá. Dân chúng trong pháp hội thấy nhà Vua đi đến đều đứng dậy thủ lễ, chỉ còn Tu Đạt vì tâm đang say sưa trong hương vị Phật Pháp nên thấy nhà Vua đến mà không đứng dậy.

Nhà Vua trong tâm hơi ngầm giận, nghĩ rằng người này là dân của ta mà mang tánh khinh mạn, thấy ta không chịu đứng dậy. Nhà Vua càng nghĩ càng tức giận.

Đức Phật biết được ý của Vua Ba Tư Nặc, nên ngừng thuyết pháp.

Đại Vương bạch Phật: Nguyện mong Đức Phật giảng Kinh Pháp.

Đức Phật bảo Đại Vương: Nay không phải thời vì nhà Vua mà thuyết pháp.

Đại Vương hỏi: Vì sao chẳng phải thời?

Đức Phật đáp: Vua nay tâm sân hận uất kết chưa nguôi, cũng như khởi tâm ái dục đam mê nữ sắc, tâm kiêu mạn tự thị, tâm tự đại không cung kính. Đem những tâm cấu uế như vậy để nghe diệu pháp thì không thể nào lãnh thọ được. Vì lý do đó, nên nay không phải đúng thời vì nhà Vua thuyết pháp.

Vua Ba Tư Nặc nghe Đức Phật nói như vậy, trong lòng tự nghĩ: Do người đang ngồi này mà nay khiến ta bị hai việc thiệt hại: Một là sinh tâm sân hận, hai là không được nghe Phật Pháp. Nghĩ như thế rồi nhà Vua đảnh lễ Phật lui về.

Nhà Vua ra đến bên ngoài Tinh Xá nói với quan cận thần: Người ngồi đó nếu ra khỏi nơi đây ta sẽ chặt đầu. Ngay khi nhà Vua vừa dứt lời, tức thì bốn phía các loài thú dữ như hổ, sói… ùa ra bao vây. Nhà Vua thấy vậy nên hết sức sợ hãi, bèn quay trở lại giảng đường nơi Đức Phật đang thuyết pháp.

Đức Phật hỏi: Vì cớ gì Đại Vương trở lại đây?

Vua bạch: Con thấy thú dữ ùa ra bao vây như vậy nên trở lại đây.

Đức Phật nói: Nhà Vua có biết người ngồi này là ai không?

Vua thưa: Không biết.

Đức Phật lại bảo: Người này đã chứng đạo quả A Na Hàm. Cớ gì nhà Vua bỗng sinh ác ý với ông ta! Đó là lý do khiến nhà Vua gặp sự khủng bố. Nếu không trở lại, nhà Vua sẽ bị tai họa quyết không thể nào cứu được.

Vua nghe lời Đức Phật dạy lòng rất sợ sệt, liền hướng về Tu Đạt làm lễ sám hối bằng cách trải tấm da dê, ở trước chỗ Tu Đạt.

Nhà Vua khiêm tốn thành thật trình bày: Hiền Giả là thần dân của tôi, mà nay tôi hướng về Hiền Giả khuất phục, nhẫn nhục, đó là điều thật khó làm.

Tu Đạt lại nói rằng: Ta thật nghèo thiếu mà làm việc bố thí, lại cũng là việc rất khó làm.

Trong pháp hội có người tên là Thi La Sư Chất tự nói: Ở trong nước, tôi là người công bình, chánh trực, khi bị giặc bắt dẫn đi, tướng giặc bảo tôi nói thế này: Nói không thấy ta, thì ta sẽ thả ông ra. Không nói lời như vậy, ta sẽ giết ông.

Ta tự nghĩ: Ta nay nói lời không thật tức là làm việc phi pháp, sẽ đọa vào địa ngục, ai là người sẽ cứu vớt ta?

Suy nghĩ như thế rồi, liền trả lời với tướng giặc: Thà ngươi chặt đầu ta, ta không bao giờ phạm tội vọng ngữ. Tướng giặc nghe nói liền thả ra, nên khỏi nguy hại. Không phạm vọng ngữ, thuận theo chánh pháp thật là việc làm rất khó.

Lại trong pháp hội có một vị Thiên tên là Thi Ca Lê tự nói: Khi ta thọ bát quan trai giới, nằm một mình ở trên lầu cao, có một ngọc nữ ở Cõi Trời đến chỗ ta nằm. Ta vì giới cấm mà không thọ sắc dục với nàng, đó là việc rất khó giữ.

Bốn người ở trước Đức Phật đều nói về chỗ khó làm của mình rồi, Đức Phật đọc bài tụng:

Nghèo cùng bố thí khó

Hào quý nhẫn nhục khó

Nguy hiểm giữ giới khó

Tráng niên bỏ dục khó.

Đức Phật nói kệ xong, lại giảng tiếp Kinh Pháp. Nhà Vua, thần dân đều rất hoan hỷ, lễ Phật lui về.

***