Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT BẢN HẠNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thiên Tức Tai, Đời Tống
 

PHẦN HAI
 

Nghe như vậy!

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Đệ tử lớn của Phật là Xá Lợi Phất, ngày đêm sáu thời thường dùng đạo nhãn quán sát tất cả chúng sinh, xem căn tánh ai có thể độ được, liền đến hóa độ.

Bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc có một Đại Thần tên là Sư Chất, giàu có tài sản vô lượng, lại có cơ duyên đáng được hóa độ, nên Tôn Giả Xá Lợi Phất sáng sớm hôm sau, đắp y, mang bình bát đi thẳng đến nhà Đại Thần kia để khất thực.

Đại Thần Sư Chất vừa thấy Tôn Giả Xá Lợi Phất liền cung kính lễ bái, mời vào trong nhà ngồi trên tòa, hỏi thăm sức khỏe, rồi Đại Thần dâng đủ các thức ăn.

Sau khi Tôn Giả thọ trai xong, rửa tay súc miệng, rồi vì Đại Thần Sư Chất mà thuyết pháp.

Tôn Giả nói: Phú quý, địa vị, bổng lộc là nguyên nhân của các đau khổ. Nhà cửa, ân ái cũng như ở trong chốn lao ngục. Tất cả mọi sở hữu đều là vô thường. Tất cả sự tôn quý trong ba cõi cũng như sự biến hóa của trò ảo thuật. Thân hình lưu chuyển theo sinh tử trong năm cõi đều không có chủ tể.

Đại Thần Sư Chất nghe Tôn Giả Xá Lợi Phất thuyết pháp như vậy, trong tâm lo sợ không còn ham thích địa vị giàu sang, chẳng màng ân ái. Xem nhà ở như chốn gò mả, nên đem tất cả gia nghiệp vợ con giao lại cho người em ruột mình, rồi cạo bỏ râu tóc, thân mặc áo hoại sắc vào trong thâm sơn, thiền tọa hành đạo.

Lúc ấy, người vợ của Đại Thần Sư Chất cứ ưu sầu áo não, vẫn mơ tưởng Sư Chất, không chịu ân ái với người em chồng.

Người em Sư Chất nói: Nhà cửa, tài sản châu báu rất nhiều, nào có gì thiếu thốn mà lại luôn luôn buồn phiền chẳng vui?

Người vợ của Đại Thần Sư Chất đáp: Ta nhớ đến Đại Thần Sư Chất, là người chồng cũ của ta, do đó ta buồn rầu.

Người em của Đại Thần Sư Chất nói: Nay nàng cùng ta đã tác thành vợ chồng, tại sao ngày đêm vẫn mơ tưởng đến người cũ làm gì?

Người vợ của Đại Thần Sư Chất lại đáp: Người chồng cũ của ta tâm địa tốt đẹp không ai sánh bằng. Do vậy ta luôn mơ tưởng.

Người em của Đại Thần Sư Chất thấy chị dâu luôn luôn mơ tưởng tới người anh mình, nên e rằng người anh nếu không may thoái chí bỏ tu hoàn tục, trở về sẽ đoạt lại gia nghiệp vợ con.

Nghĩ như thế rồi, anh ta bèn tính một kế, liền gọi một tướng cướp đến bảo: Ta thuê ngươi năm trăm tiền vàng, đi chặt đầu Sa Môn Sư Chất đem về đây.

Tướng cướp nhận tiền thuê, rồi đi vào trong núi gặp Sa Môn Sư Chất.

Sa Môn Sư Chất nói: Ta chỉ có một chiếc y cũ xấu này, ngoài ra không có tài sản gì nữa.

Người vì lý do gì mà đến đây?

Tướng cướp đáp: Em ông thuê ta đến đây để giết ông.

Sa Môn Sư Chất nghe qua thì hoảng sợ, nói với tướng cướp.

Ta là người mới xuất gia hành đạo, lại chưa gặp Đức Phật, cũng chưa tỏ ngộ giáo pháp, xin dừng tay giết ta, đợi khi ta gặp Đức Phật, hiểu ít giáo pháp rồi, chừng ấy sẽ giết cũng chẳng muộn.

Tướng cướp một mực nói rằng ta nhứt định giết ông, không thể trì hoãn.

Sa Môn Sư Chất liền dang một cánh tay ra nói với tướng cướp: Người có thể chặt một cánh tay ta, còn thân tàn này để ta gặp Đức Phật được chăng?

Tướng cướp liền chặt một cánh tay của Sa Môn Sư Chất đem về giao cho người em.

Sa Môn Sư Chất sau đó tìm đường đến gặp Đức Phật. Khi gặp Đức Phật rồi, làm lễ, lui về chỗ ngồi.

Đức Phật vì Sa Môn Sư Chất mà thuyết pháp: Ông từ vô số kiếp xa xưa đến nay đã từng giết hại bao nhiêu người. Lượng máu chảy ra do ông chặt lấy tay, chân, đầu người ấy nhiều hơn nước nơi bốn biển. Xương người do ông sát hại chất cao hơn núi Tu Di.

Nước mắt đau khổ của người do ông tạo ra nhiều hơn nước nơi bốn sông to. Sữa mẹ ông bú nhiều hơn nước sông bể. Ngày nay ông bị chặt tay là do quả báo từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng phải nhân quả chỉ trong một đời này.

Tất cả chúng sinh có thọ thân thì đều chịu các quả báo đau khổ. Tất cả các quả đau khổ đều từ nơi nhân tập mà phát sinh. Do tập nhân nơi ân ái mà có các khổ lụy này. Nếu si mê, ân ái dứt sạch thì nghiệp nơi tập nhân không còn. Hành nghiệp theo tập nhân không còn thì không thọ thân căn. Đã không có các thân căn thì các khổ liền tiêu diệt. Ông phải tư duy tu tập bát chánh đạo.

Lúc ấy, Sa Môn Sư Chất nghe lời Đức Phật dạy như vậy, tâm trí bỗng nhiên sáng suốt, liền ở trước Đức Phật chứng quả A La Hán, rồi xả bỏ thân mạng nhập Niết Bàn.

Nói về tướng cướp, đem cánh tay của Sa Môn Sư Chất về giao cho người em.

Người em liền đặt cánh tay của anh mình trước chị dâu, rồi nói: Nàng thường nói mình luôn mơ tưởng đến người chồng cũ. Đây là cánh tay của ông ấy.

Người chị dâu thấy vậy, càng đau đớn nên buồn khóc nức nở, trong lòng rất bất bình, liền đem sự vụ tâu lên nhà Vua. Nhà Vua cho người điều tra, thấy đúng như sự thật nàng đã khai báo. Vua liền ra lệnh xử trảm người em.

Chư Tỳ Kheo nghi ngờ về trường hợp của Sa Môn Sư Chất, nên bạch Đức Phật: Sa Môn này đời trước đã tạo nhiều điều ác gì mà ngày nay phải chịu quả báo bị chặt cánh tay?

Rồi do đã tạo phước đức gì, nên được gặp Phật, lại chứng đạo quả A La Hán?

Xin Đức Phật thương xót chỉ dạy cho.

Đức Phật bảo đại chúng: Vào thời quá khứ lâu xa, tại nước Ba La Nại có vị Vua tên là Bà La Đạt. Lúc ấy, nhà Vua cùng Quần Thần du hành săn bắn, vì Vua mãi mê đuổi theo con thú vào tận rừng sâu nên quên mất đường về.

Lại thêm cây lá um tùm che khuất ánh sáng Mặt Trời, dù nghĩ đủ trăm cách nhưng không tài nào tìm được lối ra, nên càng hoảng hốt lo sợ.

May đâu lúc ấy thấy phía trước đường có một vị Bích Chi Phật, nhà Vua liền tiến đến, thưa: Quả nhân vì mãi đuổi theo con thú nên lạc đường không biết lối ra, hiện giờ không biết Quần Thần, quân lính, xe ngựa ở tại phương nào?

Do hai cánh tay của vị Bích Chi Phật bị ung độc nhức nhối vô cùng, nên không thể cử động để chỉ lối được, bèn dùng chân chỉ lối đi cho nhà Vua.

Nhà Vua tức giận, bắt tội khi quân, nói: Người là dân của ta, gặp ta đã không đứng dậy thủ lễ, còn lại khinh khi lấy chân chỉ lối cho ta.

Nhà Vua nói xong liền rút gươm chặt đứt một cánh tay của Bích Chi Phật.

Bích Chi Phật tự nghĩ: Nhà Vua nếu không biết sám hối việc làm của mình vừa rồi, thì sẽ thọ quả báo trọng tội không có thời kỳ chấm dứt Lúc ấy Bích Chi Phật ở trước nhà Vua liền dùng thần túc thông bay thẳng lên hư không, biến hóa đủ cách.

Nhà Vua thấy vậy, rồi gieo năm vóc sát đất, lớn tiếng cầu xin sám hối tạ tội: Cúi mong Phật thương xót, giáng hạ xuống mặt đất thọ sự sám hối của con.

Bích Chi Phật liền hạ xuống đất, nhận sự sám hối của nhà Vua.

Nhà Vua gieo năm vóc xuống sát chân Bích Chi Phật, làm lễ sám hôi, tự bày tỏ: Cúi mong Ngài xót thương thọ nhận sự sám hối của con, để con khỏi phải thọ quả khổ lâu dài.

Lúc ấy, Bích Chi Phật xả thân nhập vào Niết Bàn vô dư. Nhà Vua thu hài cốt, xây Tháp để thờ linh cốt của Ngài. Nhà Vua ở trước Bảo Tháp luôn dùng hoa hương cúng dường cầu xin sám hối. Do đó, nay thoát khỏi vòng sinh tử.

Đức Phật bảo đại chúng: Nhà Vua lúc ấy nay là vị Sa Môn Sư Chất này. Do chặt cánh tay của Bích Chi Phật nên bị quả báo trong năm trăm đời bị chặt cánh tay mà chết, cho đến việc thọ báo ngày hôm nay cũng vậy. Do sự sám hối nên không bị đọa Địa Ngục, mà được trí tuệ sáng tỏ, thoát khỏi sinh tử thành bậc A La Hán.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Tất cả những nghiệp nhân, họa hay phước đều không mất đi đâu cả. Tất cả đại chúng nghe lời Đức Phật dạy, không ai là không kinh sợ, đồng gieo năm vóc sát đất lễ Phật.

Thuở xưa, Đức Phật ở tại ao A Nậu Đạt bảo năm trăm vị A La Hán: Mỗi người tự nêu bày việc làm ở thời quá khứ của mình, mà do đó nay được chứng đạo.

Các vị A La Hán theo lời dạy của Đức Phật, mỗi vị đều nói về công đức của các việc làm trong quá khứ của mình.

Lúc đó, có A La Hán tên là Bà Đa Kiệt Lê tự nêu bày: Về thời quá khứ vô số kiếp, có Đức Phật ra đời hiệu là Định Quang Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, giàu lòng đại từ bi, xót thương giúp đỡ tất cả, làm nơi nương tựa che chở cho chúng sinh, xuất hiện ở đời giáo hóa Trời người khiến, họ đắc đạo rồi mới nhập Niết Bàn. Xá lợi được phân chia, xây Tháp an trí cúng dường.

Vào thời kỳ giáo pháp của Đức Phật này sắp diệt tận, tôi là người bần cùng không kế sinh nhai, nên đi đây đó đốn củi độ nhật. Bỗng từ xa trông thấy một ngôi Tháp đồ sộ, nguy nga, nằm cạnh một cái đầm lớn. Khi mắt trông thấy thì tâm rất đỗi vui mừng, không sao kể xiết. Vội vàng rảo bước đến đó chiêm ngưỡng, lễ bái, trong người lâng lâng thoải mái.

Thấy các loài chồn, cáo, chim chóc… nằm ngủ trong đó, chung quanh cây cỏ um tùm, gai góc chằng chịt và đầy dẫy phân chim, thú. Tuyệt nhiên không có người quản thủ và cũng không có một dấu vết của người đi lại chiêm ngưỡng cúng dường.

Tôi thấy cảnh hoang vắng như vậy, trong lòng lấy làm xót xa vô cùng. Không biết pháp công đức nơi thần lực của Như Lai như thế nào, mà đã khiến tâm tôi hớn hở dốc sức chặt phát cỏ cây và quét dọn sạch sẽ những phân của cầm thú, chim chóc, chồn cáo… quét dọn xong, trong tâm càng vui vẻ, chí thành nhiễu quanh Tháp tám vòng, chắp tay đảnh lễ rồi lui về.

Do công đức này, sau khi mạng chung được sinh lên tầng Trời thứ mười lăm là Cõi Quang Âm, dùng các thứ ngọc quý trang sức nơi cung điện nên hào quang rực rỡ, trang nghiêm tráng lệ, vô cùng tươi đẹp, vượt hẳn các cung điện của Chư Thiên khác. Thọ mạng ở Cõi Trời xong, lại một trăm đời làm Chuyển Luân Thánh Vương trị vì bốn châu thiên hạ, bảy báu tự nhiên tùy theo ý muốn.

Mãn kiếp số làm Chuyển Luân Thánh Vương, lại thường sinh vào nhà Trưởng Giả, dòng họ tôn quý của hoàng tộc, giàu có vô cùng, dung mạo đẹp đẽ, không có người thứ hai sánh bằng, hễ ai trông thấy tôi đều sinh tâm hoan hỷ kính mến. Khi muốn ra đi, đường sá tự nhiên sạch sẽ, Chư Thiên ở trên không rải hoa tỏ lòng cung kính. Bất cứ sống ở chỗ nào cũng được như vậy.

Chín mươi kiếp xoay vần trong một A tăng kỳ, khi thì sinh lên Cõi Trời, khi thì sinh trong nhân gian, lúc nào cũng hưởng cảnh phú quý tự nhiên, không rơi vào ba đường ác.

Tôi nhớ đây là sự việc quan trọng trong các sự việc đặc biệt của đời tôi về quá khứ. Ngày nay, phước báo cuối cùng của tôi đã viên mãn, đã gặp được bậc thầy họ Thích, Bậc Đại Hùng trong ba cõi, được vào trong giáo pháp của Ngài, thành bậc Sa Môn, chứng được sáu phép thần thông, không việc gì làm ngăn ngại, dứt sạch các tham dục, thành bậc A La Hán. Lại không bị các việc lạnh nóng và ấm làm bực dọc, tâm được thanh tịnh, hết sức an vui.

Nếu đối với Tam Bảo, tạo được mảy may điều lợi ích gì, bất cứ ở cảnh giới nào cũng được phước báo vô cùng to lớn.

Tôi nghĩ nhớ đức hạnh đã tạo trong quá khứ như vậy, nên nay được quả báo như thế này.

Bà Đa Kiệt Lê ở trước Phật trình bày việc làm về thời quá khứ của mình, rồi lễ Phật lui ra đứng qua một bên.

Khi Đức Phật mới thành đạo, quán xét căn tánh của chúng sinh do ngu si điên đảo, nên ương bướng khó giáo hóa. Như Lai dầu có thuyết pháp thì ai là người chịu nghe theo, chi bằng Ngài nhập vào Niết Bàn, vả lại cũng không có người đến thỉnh Phật thuyết pháp.

Vua Trời Phạm Thiên biết được Đức Phật có ý muốn nhập Niết Bàn, liền cùng với vô số Chư Thiên cõi Phạm Thiên chỉ trong khoảng khắc như lực sĩ duỗi cánh tay, liền đến trước Đức Phật, đầu mặt lễ sát đất, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, rồi chắp tay quỳ mọp trước Phật.

Bạch: Chúng sinh nơi ba cõi sống trong cảnh mờ tối đã quá lâu, nay mới có Bậc Đại Thánh xuất hiện. Cúi mong Đức Thế Tôn dũ lòng đại từ đại bi vô lượng, thương xót chúng sinh, mong Ngài nhận lời thưa thỉnh này, hết sức mong Ngài nhận lời thưa thỉnh của chúng con, khai diễn kho tàng Phật Pháp để bố thí ánh sáng trí tuệ.

Đức Phật bảo Phạm Thiên: Chúng sinh khó giác ngộ, do mê lầm điên đảo. Dầu ta có nói giáo pháp, ai là người chịu nghe theo, chi bằng Ta sớm nhập vào Niết Bàn.

Lúc ấy, Phạm Thiên lập lại lời thỉnh: Chúng sinh trong ba cõi, đã từ lâu sống trong cảnh giới tối tăm, trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp mới gặp Đức Phật ra đời. Như hoa Ưu Đàm Bát rất lâu mới nở, cũng như Chư Phật khó gặp. Cúi xin Đức Như Lai tăng thêm lòng đại bi, nguyện nói giáo pháp để khai ngộ kẻ ngu si.

Phạm Thiên nói tiếp: Đức Thế Tôn từ vô số kiếp đến nay đã từng xả bỏ thân mạng, đầu, mắt, tủy, não, da, thịt, xương, máu, Quốc Gia, vợ con. Bố thí cho tất cả, vì chúng sinh phát nguyện rộng lớn, sẽ vì chúng sinh làm ánh quang minh rực rỡ.

Lại nữa, về thời quá khứ cách đây vô số kiếp, lúc ấy tại Cõi Diêm Phù Đề có vị Vua cai trị một nước lớn, tên là Độ Xà Na Tạ Lê, là người nhân từ, dũng mãnh, đoan chánh tột bực, thống lãnh tám muôn bốn ngàn các chư hầu, nước nhà hưng thạnh, dân chúng an lạc.

Một hôm nọ, Đại Vương ngồi tĩnh tọa tư duy nơi cung điện, suy nghĩ: Xét người ở đời được sự tôn vinh, hưởng cảnh giàu sang phú quý an lạc tự nhiên đều do đời trước đã trồng căn lành, trau dồi trí tuệ. Vì lý do đó nên hôm nay mới được như vậy.

Đã được hưởng cảnh tôn vinh, phú quý, an lạc tự nhiên rồi, trở lại đam mê sắc dục, không nghĩ đến cơn vô thường, lại không biết vun trồng thiện căn để tiếp nối phước báo cho đời sau. Cũng như loài súc sinh, suốt ngày ăn no nê không biết dụng công tu tỉnh. Phàm là người có trí cần phải trau dồi trí tuệ, để chánh pháp ngày được mở mang.

Nhà Vua suy nghĩ như vậy rồi, liền bảo các cận thần: Ta muốn nghe chánh pháp, các khanh truyền lệnh cung thỉnh bậc trí tuệ vì ta mà thuyết pháp.

Quần Thần nhận lệnh, rồi sai đi khắp các nước trong bốn phương tuyên lệnh của Đại Vương, cầu thỉnh các bậc đại trí thông minh.

Bấy giờ, có một người thuộc dòng Bà La Môn, học vấn quảng bác, trí tuệ siêu quần, đến nhận lệnh của nhà Vua.

Quần Thần tâu lên Đại Vương: Nay có một người Bà La Môn là bậc thông minh trí tuệ, học thức uyên bác, đang đứng chờ lệnh ngoài ngõ.

Nhà Vua vừa nghe qua trong lòng hớn hở, bèn đích thân ra tận ngọ môn cung kính đón rước vào nội cung, mời ngồi lên tòa làm bằng ngọc quý, rồi đầu mặt lễ sát đất, dâng lên các món cao lương mỹ vị.

Bà La Môn ăn xong, rửa tay súc miệng, rồi nhà Vua mới thưa thỉnh: Từ lâu đã nghe danh nhân giả là bậc hiền đức, nay từ xa đến đây, cúi xin Đại Tiên vì tôi nói pháp.

Bà La Môn nói: Ta tu học bấy lâu, trải qua nhiều năm cực khổ, mà nay Đại Vương muốn nghe pháp liền đâu được.

Nhà Vua thưa: Nhân giả cần dùng quốc thành, ngọc ngà, châu báu…, tôi sẽ xin cung cấp tất cả theo ý muốn.

Bà La Môn đáp: Ta không cần quốc thành, vợ con, ngọc ngà, châu báu, voi ngựa… Này Đại Vương, nếu có thể khoét thịt trên thân Vua làm thành một ngàn ngọn đèn, nếu được vậy ta sẽ thuyết pháp cho nghe, còn không được như thế thì Kinh Pháp không dễ gì được nghe.

Nhà Vua tự nghĩ: Từ vô số kiếp đến nay, ta bỏ thân mạng không kể xiết, nhưng chưa có lần nào vì pháp mà bỏ thân mạng. Hôm nay vì pháp, đem thân làm đèn là việc làm hết sức vui sướng và tốt đẹp.

Nhà Vua nghĩ như vậy rồi, hoan hỷ thưa với Bà La Môn: Theo như lời nhân giả đã dạy, tôi sẽ tuân hành, không dám trái ý.

Bà La Môn nói: Nếu được vậy thì tốt lắm! Và chừng nào sẽ thực hiện?

Nhà Vua lại đáp: Bảy ngày sau mới thực hiện.

Nhà Vua bảo Quần Thần ra lệnh cho các chư hầu: Bảy ngày nữa, Đại Vương sẽ vì pháp mà dùng thân mình làm một ngàn ngọn đèn. Ai muốn thăm Đại Vương, tất cả tập hợp về Kinh Đô.

Quần Thần nhận lệnh Đại Vương, đều sai sứ đi đến tám muôn bốn ngàn nước chư hầu tuyên lệnh: Đại Vương trong bảy ngày nữa sẽ đem thân khoét thành một ngàn ngọn đèn, chư hầu thần dân ai muốn thăm Đại Vương thì mau mau tập hợp về đại quốc.

Tất cả Vua chư hầu, dân chúng nghe được tin ấy đều hết sức ngạc nhiên, như nghe tin cha mẹ qua đời, nên buồn rầu khóc lóc, cảm động cả Cõi Diêm Phù Đề. Tất cả chư hầu, thần dân đều tập trung về đại quốc.

Đại Vương bảo các quan cận thần: Tìm một chỗ đất bằng phẳng, rộng rãi, thiết lập tòa ngồi.

Quần Thần phụng lệnh, tìm một chỗ đất bằng phẳng rộng rãi và thiết lập một tòa ngồi.

Khi Đại Vương ăn uống xong, cùng chư vị phu nhân, hai ngàn thể nữ, một ngàn Đại Thần thứ lớp đi theo nhau. Đại Vương bước lên ngồi chính giữa tòa.

Các vị phu nhân, thế nữ, các vị chư hầu, Quần Thần, dân chúng, ở trước mặt Đại Vương, ai ai cũng đau lòng, đồng thanh tâu trình: Cúi xin Đại Vương đem lòng đại từ, đại bi vô lượng thương xót thần dân, vì chúng tôi, Đại Vương chớ đem thân đốt thành một ngàn ngọn đèn.

Đại Vương nói với chư hầu, Quần Thần, muôn dân, phu nhân, thế nữ: Ta từ vô số kiếp đến nay, sinh tử trong năm đường bỏ thân vô số, nhưng chưa từng vì pháp mà xả bỏ thân mạng.

Nay vì pháp khoét thân làm đèn, xin đem công đức này hồi hướng về Phật Đạo, vì vô lượng chúng sinh khắp mười phương Thế Giới làm ánh sáng quang minh phá tan bóng tối của ba độc tham, sân, si. Khi ta thành Phật, sẽ vì các ông đem ánh sáng trí tuệ chiếu soi đoạn trừ sinh tử, mở cửa Niết Bàn để vào căn nhà an ổn là Phật Pháp. Các người chớ khuyên ta thoái chuyển tâm Vô thượng đạo.

Khi ấy, tất cả chúng hội đều lặng thinh.

Rồi Đại Vương cầm dao đưa cho quan hầu cận, bảo khoét trên thân một ngàn chỗ để làm một ngàn ngọn đèn, thịt múc trong thân ra mỗi lỗ sâu bằng một đồng tiền lớn, đem dầu rót vào và đặt một ngàn ngọn tim làm thành một ngàn ngọn đèn.

Làm vừa xong, Đại Vương thưa với Bà La Môn: Xin nhân giả thuyết pháp trước, rồi sau đó mới đốt đèn.

Nhưng vị Bà La Môn vì Đại Vương chỉ nói vỏn vẹn một bài kệ:

Đã có thì không

Đã thành thì hoại

Có hiệp có ly

Có sinh có diệt.

Đại Vương nghe kệ rồi thì vui mừng không kể xiết, bảo chư thần, phu nhân, thể nữ đọc tụng ghi nhớ, liền truyền lệnh mọi người viết bài kệ dán nơi các cửa ra vào, ngã tư đường cái và những cổng làng. Lại cùng ra lệnh cho tất cả dân chúng trong đại quốc cũng chư hầu thần dân cả Cõi Diêm Phù Đề đều đọc tụng.

Khi ấy Đại Vương thưa với Bà La Môn: Giờ đây nên châm lửa đốt đèn.

Rồi Vua lập lời thệ nguyện: Ngày nay vì pháp đem thân làm đèn, tôi không cầu ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương, trên cho đến Thiên Đế, Thiên Vương và các thứ lạc thú vinh hiển ở đời, cũng không cầu chứng quả của nhị thừa. Nguyện đem công đức này cầu đạo vô thượng chánh chân. Vì tất cả chúng sinh trong năm đường làm ngọn đèn đại pháp chiếu phá các bóng tối vô minh.

Khi Đại Vương phát nguyện như vậy rồi, tức thì cả cõi tam thiên đại thiên Thế Giới hiện đủ sáu thứ chấn động, trên cho đến Cõi Trời Thủ Đà Hội, tất cả cung điện đều rung rinh.

Khiến Chư Thiên thảy hoảng sợ, không biết lý do gì khiến quả đất biến động dữ dội như vậy, liền dùng thiên nhãn quán sát khấp Cõi Diêm Phù Đề, thấy có một vị Bồ Tát vì cầu pháp nên đem thân đốt thành một ngàn ngọn đèn và phát đại nguyện. Vì lý do đó nên đại địa chấn động dữ dội.

Lúc đó, Chư Thiên đồng giáng hạ xuống Cõi Diêm Phù Đề, thấy rõ một ngàn ngọn đèn đang cháy sáng trên thân Bồ Tát. Vô số Chư Thiên thương khóc, nước mắt như mưa.

Trời Đế Thích đứng trước mặt Đại Vương ca ngợi: Lành thay! Lành thay! Do quyết cầu pháp nên không tiếc thân mạng.

Đại Vương làm như vậy để cầu mong việc gì?

Bồ Tát đáp: Tôi chẳng cầu ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương, Thiên Đế, Ma Vương, Phạm Vương và thú vui theo ngũ trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc… cũng không cầu đạo quả Bích Chi Phật hay A La Hán.

Nguyện đem công đức này cầu quả vô thượng chánh chân, vì vô lượng chúng sinh khắp mười phương Thế Giới làm ngọn đèn trí tuệ để chiếu phá bóng tối của ba độc: Tham, sân, si, khiến lìa các khổ, chứng cảnh an lạc nơi Nê Hoàn.

Trời Đế Thích lại hỏi: Thân đốt thành một ngàn ngọn đèn, Đại Vương có lấy làm đau khổ, sinh tâm hối hận chăng?

Vua đáp: Không lấy làm đau khổ, cũng không sinh tâm hối hận.

Thiên đế lại hỏi: Đại Vương không sinh tâm hối hận, lấy gì làm bằng chứng.

Vua liền lập lời thề: Ta ngày nay vì cầu pháp, đem thân làm thành một ngàn ngọn đèn, nguyện đem công đức này hồi hướng về đạo quả vô thượng chánh chân. Như quả thật thành Phật thì xin những vết khoét của một ngàn ngọn đèn này trong tức khắc được lành, thân liền bình phục không còn vết sẹo.

Đại Vương phát lời thệ nguyện ấy rồi, thì toàn thân liền bình phục như cũ, không còn một vết sẹo nào, lại đoan nghiêm tốt đẹp lạ thường, vượt hơn thân hình lúc trước.

Bấy giờ Trời Đế Thích cùng vô số Chư Thiên, các Vua chư hầu, quần thần, phu nhân, thể nữ, vô lượng thứ dân đồng thanh ca ngợi: Lành thay! Lành thay! Thật chưa từng có! Tất cả đều vô cùng hoan hỷ, cùng vâng lời tu hành mười điều lành.

Đức Phật bảo: Đại Vương lúc ấy là thân ta ngày nay, Bà La Môn lúc ấy nay là Điều Đạt. Bồ Tát cầu pháp tu tập trí tuệ luôn tinh tấn như vậy.

***