Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT HÀNH PHƯƠNG TIỆN

CẢNH GIỚI THẦN THÔNG BIẾN HÓA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
 

PHẦN BỐN
 

Này thiện nam! Nay ông phải biết Như Lai phương tiện sinh ra mười hai công đức thành tựu tinh luyện Cõi Phật, thành đạo vô thượng chánh chân rồi.

Thị hiện kiếp trược, kiến trược, chúng sinh trược, phiền não trược, mạng trược, hiện các thừa khác nhau, thị hiện Cõi Phật ô uế, bất định, thị hiện chúng sinh ngu độn, hiện nói pháp khác, hiện chúng sinh khác, thị hiện dị đạo tranh chấp, hiện ma, nghiệp ma, đều không lỗi lầm, phải biết tất cả điều đó là phương tiện của Như Lai.

Đức Phật nói như thế rồi, khi ấy Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn nói về mười hai công đức thành tựu tinh luyện Cõi Phật. Các Đức Phật Thế Tôn đối với công đức tinh luyện Cõi Phật này đã thành đạo vô thượng chánh chân.

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Tinh luyện Cõi Phật là tinh luyện kiếp thành tựu đầy đủ, chẳng bỏ tinh luyện các công đức. Các Đức Phật, Thế Tôn tức đã ở chỗ này thành đạo vô thượng chánh chân, tinh luyện Cõi Phật có tinh luyện thời thành tựu đầy đủ chẳng trái lỗi với lúc hành pháp.

Tinh luyện Cõi Phật này có tinh luyện chúng sinh thành tựu, không ai không biết pháp. Tinh luyện Cõi Phật này có tinh luyen rộng phước đầy đủ, khéo nhiệm mầu thanh tịnh.

Tinh luyện Cõi Phật có tinh luyện dị giải chúng sinh, thành tựu đầy đủ, chẳng đần độn. Tinh luyện Cõi Phật có tinh luyện thừa, thành tựu đầy đủ, phát xuất nhất thừa.

Tinh luyện Cõi Phật có tinh luyện diệu địa thành tựu, không có vật. Tinh luyện Cõi Phật là tinh luyện diệu địa thành tựu, tất cả không ngoài hạnh đạo. Tinh luyện Cõi Phật này có tinh luyện công đức thành tựu, không dối lừa.

Tinh luyện Cõi Phật có tinh luyện có tinh luyện tâm rốt ráo thành tựu, là chúng sinh an trụ tánh bạch tịnh. Tinh luyện Cõi Phật là có tinh luyện Bậc Thánh Nhân thành tựu, ruộng phước bất không. Tinh luyện Cõi Phật này có tinh luyện Đạo Tràng thành tựu, chỗ các Đức Phật quá khứ trước kia an trụ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Đó là mười hai công đức thành tựu tinh luyện Cõi Phật, nơi đây tất cả các Đức Phật Như Lai thành đạo vô thượng chánh chân.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nay ông phải biết, ở đây ta không có chỗ an trụ cho Thanh Văn, Duyên Giác.

Vì sao?

Vì Như Lai lìa bỏ các dị tướng.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Như Lai kia, hoặc có người muốn chúng sinh đại thừa, hoặc có người muốn chúng sinh tiểu thừa thì Như Lai có tâm bất tịnh, có tâm bất bình đẳng, có lỗi chấp trước, có ít phần đại bi, có lỗi dị tưởng, thế thì ta có lỗi bỏn sẻn giáo pháp.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu ta vì chúng sinh có nói pháp thì đều hướng họ về đạo bồ đề, đều hướng họ về đại thừa, vào nhất thiết trí, đạt đến nhất thiết trí. Do ý nghĩa này nên không có chỗ cho các thừa khác an trụ.

Ngài Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu kia không có chỗ cho các thừa khác an trụ thì tại sao Đức Như Lai nói ra ba thừa, nói pháp cho chúng sinh nghe?

Đây là Thanh Văn thừa, đây là Duyên Giác thừa, đây là đại thừa.

Đức Phật dạy: Này Văn Thù Sư Lợi! Thừa là chỗ dừng nghỉ. Như Lai làm ra cõi đất để dừng nghỉ an ổn.

Không phải thừa là chỗ đích dừng lại, chẳng phải pháp tướng tạo ra chỗ an chỉ trụ mà Như Lai vì người tạo ra chỗ dừng nghỉ yên ổn. Nếu chỗ an chỉ kia, thiếu trang nghiêm huy vô lượng trang nghiêm thì đó là thừa không sai, pháp giới không khác.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai giảng nói không có cửa chướng ngại, theo thứ lớp đến với chỗ dừng nghỉ, an ổn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Giống như người thợ mới học việc, theo thầy giỏi khéo. Đạt đến bờ trí tuệ khéo léo, nhiều thứ phương tiện, tùy theo người đệ tử muốn hoc việc nào, khiến cho tuệ khéo léo kia thị hiện đủ các việc tinh tấn siêng năng. Trí tuệ khéo léo này là bậc nhất.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai Thế Tôn cũng vậy, là bậc thầy có pháp lành khéo léo là bậc nhất thiết trí, tạo ra ba thứ để nói.

Này Văn Thù Sư Lợi! Giống như lửa ít, dần dần thêm nhiều, có thể thiêu cháy đến tận kiếp.

Này Văn Thù Sư Lợi! nhất thiết trí, sáng này cũng lại như vậy, dần dần tăng trưởng cho đến đạt được Đại trí Như Lai, ánh sáng trí tuệ thiêu đốt tất cả kết sử của chúng sinh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Núi chúa Tu Di không có phân biệt, nếu có chúng sinh đến chỗ ấy thì tất cả cùng một màu, đó là một màu vàng.

Này Văn Thù Sư Lợi! Là Vô Thượng Như Lai Đại Trí Tu Di cũng vậy, không có phân biệt. Nếu có người quán pháp tánh Như Lai thì đều cùng một màu, đó là màu nhất thiết trí.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như ở tại chỗ của viên ngọc báu Đại ma ni xanh biếc. Bên trong cảnh giới của viên ma ni báu này có ánh sáng dị sắc, đó là các thứ màu sắc, các thứ hình tượng lạ lùng. Do năng lực oai đức của viên báu ma ni này đều là một màu, đó là màu xanh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Viên ngọc báu ma ni xanh biếc Vô Thượng Như Lai cũng vậy. Nếu có chúng sinh tiếp xúc với ánh sáng Như Lai thì tất cả đều một màu, đó là màu nhất thiết trí.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như biển cả tuy có các cửa vào của các dòng nước nhưng khi nước đã vào biển rồi thì chỉ có một vị, đó là vị mặn, vị mặn này thường trụ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Biển cả ấy là Đại Trí Như Lai. Các dòng nước chảy vào là tất cả các pháp Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát vào rồi thì đồng một vị, đó là vị Nhất Thừa không sai biệt.

Này Văn Thù Sư Lợi! Do là phương tiện này mà nên biết Như Lai an trụ nơi đất hư vọng, Như Lai phân biệt dẫn đường, giảng nói tạo nơi an chỉ, vào chỗ Như Lai pháp an trụ. Như Lai thị hiện thứ lớp để vào trong Phật Pháp.

Để khiến cho tiểu trang nghiêm, Đại trang nghiêm được an trụ trong Phật Pháp, Như Lai dùng phương tiện trí biện này, các thứ biến hóa để giảng nói việc ra đời, đó là nghĩa bậc nhất, nhất thừa không hai.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ở Cõi Phật này nếu các ngoại đạo có hạnh xuất gia thì Như Lai ở trong đó thị hiện hạnh phương tiện, Như Lai che chở, tự tại dẫn đường.

Vì sao?

Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai khéo léo hàng phục tất cả các oán thù. Như Lai đối với tất cả thường không oán thù.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như Vua Chuyển Luân thành tựu công đức nhỏ, có đức tụ lại hết, có tham, có sân, có si, có thủ, có kết, có sử. Vua Chuyển Luân này tất cả không có gây thù oán.

Vì sao?

Này Văn Thù Sư Lợi! Vua Chuyển luân này không có tranh chấp, phiền não.

Này Văn Thù Sư Lợi! Huống chi Như Lai xoay bánh xe pháp lớn vô lượng đại trí, công đức trang nghiêm thành tựu đầy đủ, đạt được vô đoạn đại bi, dạo chơi trong hư không pháp vô lậu, thành tựu pháp báu thất trợ bồ đề vì chẳng quên pháp nên quay bánh xe pháp lớn. Mà bên ngoài có các kẻ thù sợ hãi, thì không có việc ấy.

Này Văn Thù Sư Lợi nên biết! Nếu thấy ngoại đạo trong Cõi Phật này xuất gia, thì thiện nam phải biết tất cả an trụ trong một đạo, đó là Phật Đạo.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như các cầm thú không có khả năng an trụ trước Sư Tử đầu đàn.

Cũng vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Các ngoại đạo xuất gia không thể tự tiện xâm nhập vào cảnh giới Như Lai, cũng chẳng thể tranh luận với Như Lai. Bậc Sư Tử Đại Nhân giữ gìn mười lực, được bốn vô úy ở trước Ngài mà rống lên, việc này không có, chỉ trừ khi đã có sự gia trì của Như Lai.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như cung của Vua mặt trời phát ra màn ánh sáng thì tất cả lửa đom đóm thảy đều bị lấn át, tất cả trân bảo, ánh lửa, các sao thảy không chiếu sáng.

Cũng vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Khi cung mặt trời lớn Như Lai Vô Thượng xuất hiện, phát ra ánh sáng đại trí thì các ngoại đạo xuất gia thảy đều bị che khuất, không còn chiếu sáng.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như chỗ Vua Thắng Thiết xuất hiện thì tại địa phương ấy tất cả các thứ sắt không có ở đó, vì các thứ sắt tụ lại không chung cùng vậy.

Cũng vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Cõi Phật đã có Phật ra đời thì phải biết, tất cả các ngoại đạo… không xuất gia hành đạo.

Vì sao?

Vì chẳng cùng chung với Đức Phật ra đời.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như nơi đã xuất hiện Như Ý Bảo Vương thì không sinh ra tất cả các thứ báu ma ni giả ngụy.

Cũng vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Nơi đã xuất hiện vật báu đại trí Như Lai thì phải biết. Nơi ấy chẳng xuất hiện các ngoại đạo.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như nơi tánh báu có xuất hiện vàng Diêm Phù Đàn thì chỗ ấy chẳng sản sinh những thứ đồng thau giá rẻ.

Cũng vậy này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Thế Giới có Phật ra đời thì nơi ấy chẳng xuất hiện các ngoại đạo.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nên biết phương tiện tùy theo chỗ Phật xuất hiện, chẳng nên xuất hiện các ngoại đạo xuất gia.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nay ông phải biết Như Lai thọ trì cảnh giới phương tiện nhiều không thể suy nghĩ bàn luận. Vì cớ ấy nên ở Cõi Phật này xuất hiện tất cả ngoại đạo xuất gia.

Vì sao?

Vì tất cả bậc thượng thủ ngoại đạo đều an trụ trong giải thoát không thể suy nghĩ bàn luận, từ bát nhã Ba la mật mà ra, dạo chơi trong phương tiện, cũng chẳng lìa bỏ niệm Phật, Pháp, Tăng, giáo hóa chúng sinh đến được bờ kia. Như Lai thọ trì hóa độ chúng sinh.

Khi nói pháp này, tám ngàn Thiên Tử nương thừa Thanh Văn nghe nói nhất thừa, phát tâm đạo vô thượng chánh chân. Năm trăm Tỳ Kheo chứng được tam muội Nhất Thừa đăng. Một ngàn hai trăm vị Bồ Tát chứng được vô sinh pháp nhẫn.

Khắp tam thiên đại thiên Thế Giới này chấn động sáu cách, các vị Trời ở trên hư không mưa xuống các thứ hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, rải bột chiên đàn Cõi Trời. Ở trước Đức Phật trăm ngàn Thiên Tử đứng trong hư không cất tiếng hô xướng.

Áo Trời trong hư không, tự xoay chuyển, các vị Trời tấu nhạc nói: Vốn chưa từng nghe Kinh này ra đời, bạch Thế Tôn! Xin để cho Kinh Điển này lưu hành lâu dài ở Cõi Diêm Phù Đề.

Tám trăm vị Tỳ Kheo ni cởi Ưu Đa La Tăng dâng lên Đức Phật.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nói lại ý nghĩa trên mà nói kệ rằng:

Cảnh giới phương tiện không nghĩ bàn

Văn Thù Sư Lợi phải biết ta

Khi ta tinh luyện giác bồ đề

Ta lại thị hiện như lúc ấy

Lỗi lầm thời tiết ta không có

Phải thường khi có pháp nhiệm mầu

Chúng sinh nghe pháp ta được độ

Chúng sinh có lỗi, ta không lỗi

Kiếp tinh luyện hết vật công đức

Ruộng phước tinh luyện tịnh vô cấu

Khi ta tinh luyện được bồ đề

Cho nên biết ta không có trược

Ta đã từ nhiều ức kiếp qua

Thành tựu vô lượng trí tuệ Phật

Như ta đắc đạo mạng cũng thế

Trong thời gian đó không diệt độ

Ta phương tiện thị hiện diệt độ

Có thường tưởng, nên hiện vô thường

Ta nay thị hiện sự dư tàn

Thọ mạng ta bằng kiếp vị lai

Ta chỉ một thừa một diệt độ

Thừa sai biệt ta không ai được

Nói ba thừa ba thuyết như thế

Phải biết là cảnh giới phương tiện

Kẻ tâm biếng nhác và hẹp hòi

Nghe đến liền sinh lòng sợ hãi

Thị hiện ba thừa vì hạng ấy

Chỉ có một thừa, không có hai

Ta giảng nói tùy người ưa pháp

Vì nhập vào pháp sự Phật Đạo

Cho nên một thừa, mà nói ba

Nhưng đối thừa này, không thương tổn

Như trí khéo độ đến bờ kia

Cho nên trí thị hiện có ba

Thế Tôn cũng vậy biết thắng pháp

Do đó một thừa giảng nói ba

Tâm bình đẳng điều phục chúng sinh

Ta đều không có các dị tưởng

Ý ta vui kính đối hạ thừa

Thì ta có lỗi lầm bỏn sẻn

Ngọc biếc lưu ly trên các báu

Tùy theo chỗ có ngọc báu ấy

Tất cả đều cùng một sắc màu

Đó là màu biếc không khác nhau

Trí báu Thế Tôn cũng như thế

Tất cả Cõi Phật đều phát sáng

Tất cả chúng sinh đều một màu

Màu bồ đề không khác nhau

Như đốm lửa nhỏ đã cháy lên

Dần dần thêm mạnh thành cháy lớn

Lửa trí Thanh Văn cũng như thế

Cũng phát ra ánh công Đức Phật

Núi chúa Tu Di quy hướng đến

Do uy đức nên cùng sắc màu

Quy y Đức Phật cũng như vậy

Người nhu nhẫn được màu bồ đề

Giống như tất cả các miệng ong

Hút lấy tinh anh các loài hoa

Tất cả các chất hòa hợp lại

Trở thành một chất mật mà thôi

Bậc trí dạy đời cũng như thế

Thị hiện tạo ra ba thừa rồi

Tất cả sạch trong hòa hợp lại

Tạo tưởng bồ đề, không tưởng khác

Vua người chuyển luân không lo buồn

Không có kẻ thù các nơi khác

Ta dùng pháp giới bảo ban khắp

Thì sao lại có hàng ngoại đạo

Giống như khi mặt trời mới mọc

Át lửa đom đóm và các sao

Cung trí tuệ hiện ra cũng thế

Át chen ngoại đạo không chiếu sáng.

Hễ chỗ nào có quặng sắt tốt

Thì tất cả sắt khác không có

Nước có Như Lai ra độ đời

Là nơi không có các ngoại đạo.

Hễ nơi nào có mặt vàng ngọc

Thì chỗ ấy chẳng có đồng thau

Nếu nước có người chứng bồ đề

Thì chỗ ấy không các ngoại đạo

Ngọc Như ý, ngọc giả không hòa

Quá khứ, vị lai chẳng lẫn lộn,

Phật bảo, đạo ngoài cũng như vậy

Trong một cõi, thường không lẫn lộn

Thiền định thần thông, tự tại, nhẫn

Tất cả trí môn ngoại đạo này

Người tuệ phương tiện hành trí tuệ

Thị hiện đủ thứ các biến hóa

Sau khi nghe cảnh giới phương tiện

Bấy giờ, Phật Tử rất vui mừng

Phát sinh vui mừng hỷ vô lượng

Rải hoa cúng dường Đấng Điều Ngự

Mặt đất rung chuyển mạnh sáu phương

Trên không kỹ nhạc tấu vang xa

Chư Thiên hàng ức chắp tay kính,

Khen ngợi: Lành thay, lời Phật nói!

Khi Đức Phật nói kệ này rồi thì Tát Già Ni Kiền Tử cùng tám mươi ức Ni càn từ phương Nam tuần tự du hành qua các cõi nước, thẳng đến Đại Thành ưu thiền ni. Hàng trăm ngàn đại chúng vây quanh trang nghiêm tiền hô hậu ủng.

***