Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT HÀNH PHƯƠNG TIỆN

CẢNH GIỚI THẦN THÔNG BIẾN HÓA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
 

PHẦN NĂM
 

Lúc bấy giờ, Vua Chiêu trà bát thọ đề từ xa thấy Tát Già Ni Kiền Tử đến sinh lòng ưa thích, sinh tâm thanh tịnh đối với Tát Già.

Nhà Vua cùng các Đại thần, nội cung quyến thuộc, nhân dân trong cõi nước, vợ con bốn thứ binh, Đại Vương oai đức, Đại Vương thần lực… dùng trăm ngàn vật báu để trang nghiêm, trăm ngàn kỹ nhạc, cầm cờ phướn lọng báu để trang nghiêm. Họ liền kéo đến đón nước Tát Già Ni Kiền Tử.

Lúc bấy giờ, Tát Già Ni Kiền Tử xa thấy Vua Chiên Trà Bát Thọ Đề dùng lời êm ái gọi: Lành thay, Đại Vương! Trong cõi nước của ông không có kẻ thù áp bức nhau. Không có bệnh hoạn, khổ não nóng bức.

Ở nước này bề tôi, thân thuộc, các kỹ tốt, người hư đốn xấu xa, bọn thần giữ quan thuế… tất cả bọn này không làm rối loạn bại hoại đất nước chăng?

Này Đại Vương! Đất nước Đại Vương các bậc Sa Môn, Bà La Môn được an lạc tu hành chăng?

Này Đại Vương! Đại Vương thường dùng an pháp để cai trị đất nước chăng?

Này Đại Vương! Không nên sát hại chúng sinh, như săn bắn, chài lưới bức bách các chúng sinh.

Vì sao?

Này Đại Vương phải biết! Tất cả chúng sinh đều yêu mạng sống của mình.

Cho nên này Đại Vương! Nên thọ giới không sát sinh, không trộm cắp, đối với đất nước của mình nên biết đủ, chẳng nên tà dâm, tự thấy đủ với sắc đẹp của vợ mình.

Không bao giờ nói dối mà nói lời chân thật. Chẳng nên nói hai lưỡi, nói lời khác lạ. Chẳng nên ác khẩu, thường nói êm dịu, chẳng nên nói thêu dệt mà nghĩ sao nói vậy. Đối với của cải của người khác chớ sinh lòng tham.

Này Đại Vương! Nên phải lìa bỏ tức giận, dùng từ bi trang nghiêm thân, miệng, ý.

Này Đại Vương! Chẳng nên sinh khởi tà kiến, nên tu hành theo chánh kiến của Bậc Thánh.

Này Đại Vương! Nay ông chẳng nên buông lung, khéo quán tưởng vô thường.

Này Đại Vương nên biết! Thọ mạng ngắn ngủi chóng sang đời khác.

Này Đại Vương! Nay nên sợ hãi cho đời sau, nên tin nghiệp báo.

Rồi Tát Già lập lại bằng bài thắng kệ như sau:

Vua người thường nên không buông lung

Giữ gìn đất nước chẳng buông lung

Nếu buông lung phải đọa đường ác

Còn không buông lung sinh cõi lành.

Cũng không giết uổng mạng chúng sinh

Tất cả chúng sinh yêu mạng sống

Người tuệ không nên hại chúng sinh

Che chở chúng sinh như thân mình,

Thường nên xa lánh việc trộm cắp

Thường không nên noi lời hư dối

Thường nên giữ gìn lời chân thật

Đời sau Vua sẽ sinh đường lành.

Nói ra lời nói người thích nghe

Không nên nói những lời thô ác

Nên nói lời dịu dàng êm ái

Đại Vương không nên nói hai lưỡi

Vua người không nên nói thêu dệt

Có nói lời gì phải lựa lời

Xa lìa sân si, lỗi lầm sấu

Như voi đầu đàn sinh đường lành.

Vua cũng chẳng nên hành tà dâm

Không ham muốn vợ con của người

Thường biết đủ sắc đẹp vợ mình

Đời sau Vua sinh vào đường lành.

Đại Vương không nên giữ tà kiến

Thường an trụ trong diệu thiện kiến

Phải tu hành chánh pháp như thế

Thì Vua sẽ hưởng thú vui Trời.

Sa Môn, Bà La Môn giữ giới

Và hiếu thuận nuôi nấng mẹ cha

Được lìa xa hẳn đường ác rồi

Sẽ hưởng được vui trên cõi đời.

Tát già Ni Kiền Tử đem pháp không buông lung này khuyên Vua Bát thọ đề xong, lúc bấy giờ, Vua Chiên Trà Bát Già Thọ Đề hướng về Tát Già Ni Kiền Tử nói với giọng êm ái an vui: Ta chẳng làm những việc như vậy.

Này Bà La Môn! Ông nên đến nhà ta.

Vì sao?

Vì nay ta thỉnh ông và các quyến thuộc là muốn thiết đãi một bữa cơm.

Ni Kiền Tử nói: Lành thay, lành thay! Ông nên làm như vậy!

Vì sao?

Này Đại Vương! Ta đi đường xa đến, đói khát cần phải ăn. Như vậy này Đại Vương, ta cần như ông thỉnh.

Lúc bấy giờ, nhà Vua đi theo sau Tát Già Ni Kiền Tử và quyến thuộc, trước vào cung Vua, Tát Già Ni Kiền Tử vào ngồi trên tòa ngự, còn các Ni càn theo thứ lớp mà ngồi. Lúc bấy giờ, nhà Vua tâm lành cung kính tự tay lo liệu, Tát Già Ni Kiền Tử và quyến thuộc của ông ăn uống no nê rồi.

Lúc bấy giờ, nhà Vua nghĩ: Nay ta sẽ hỏi vị Tát Già Ni Kiền Tử này đối với Đức Như Lai có lòng kính tín chăng?

Nghĩ thế, Vua liền lấy cái ghế thấp mà ngồi trước Tát Già nhi càn tử rồi nói: Này Bà La Môn! Ta muốn bàn luận ít vấn đề, nếu ông bằng lòng thì ta sẽ hỏi. Xin ông giảng nói cho ta nghe.

Tát già Ni càn Tử nói với Đại Vương: Đại Vương muốn hỏi điều gì cứ tự nhiên, ta sẽ giải đáp để làm vui lòng ông.

Vua nghe xong liền hỏi: Này Bà La Môn! Trong Thế Giới chúng sinh có thứ chúng sinh trí tuệ sáng suốt, không rối loạn tâm trí, nhưng họ còn có lỗi lầm chăng?

Tát già đáp: Thưa Đại Vương, thật có!

Vua lại hỏi: Bà La Môn, này là ai vậy?

Tát già đáp: Đó là Bà La Môn Bạt sa.

Nhà Vua lại hỏi: Bà La Môn Bạt sa có lỗi lầm gì?

Tát già đáp: Bà La Môn Bạt sa giỏi xem tinh tú niên lịch, giỏi về tiết hội, giỏi học xướng thuyết, giỏi về nguyệt thực, giỏi về động đất, giỏi về năm được mùa, mất mùa, giỏi về thế tục, giỏi học xem tướng, nhưng quả thật ông phạm tà dâm, yêu vợ người khác.

Này Đại Vương! Người trí tuệ không nên làm điều tà dâm.

Vì sao?

Thưa Đại Vương! Vì kẻ làm điều tà dâm thì đời này, đời sau phải chịu khổ dữ dội. Thậm chí còn bị Người, Trời quở trách.

Rồi nói kệ như sau:

Tham dục vợ con người

Chẳng bỏ cảnh giới ác

Không đủ sắc vợ mình

Bị người đời quở trách.

Nhà Vua nói: Này Bà La Môn! Trong các chúng sinh ở thế gian lại có thứ chúng sinh trí tuệ sáng rõ, tâm trí không loạn nhưng họ còn có lỗi lầm chăng?

Tát già đáp: Thưa Đại Vương, thật có!

Nhà Vua nói: Ai đó?

Tát già đáp: Đó là Bà La Môn Phả La Đọa, là người trí tuệ sáng rõ biết lúc nào đúng giờ, lúc nào không đúng giờ mà ông ấy vẫn có lỗi lầm.

Nhà Vua lại hỏi: Ông ấy có lỗi gì vậy?

Đáp: Thưa Đại Vương! Vị Bà La Môn này ngủ nhiều quá.

Thưa Đại Vương! Kẻ trí tuệ không nên ngủ nhiều.

Vì sao?

Thưa Đại Vương! Vì ngủ nhiều làm lui mất các pháp thế gian, xuất thế gian như trí tuệ, như chí quyết đoán.

Rồi nói kệ rằng:

Nếu thích ngủ nghỉ nhiều

Bị biếng nhác che lấp

Ngủ nghỉ, buông lung che

Phàm phu mất các lợi.

Nhà Vua lại hỏi: Này Bà La Môn! Trong các chúng sinh ở thế gian có chúng sinh nào thành tựu các pháp như vậy, nhưng còn có lỗi lầm chăng?

Tát già đáp: Thưa Đại Vương, thật có!

Vua nói: Ai vậy?

Đáp: Thưa Đại Vương, chính là Hắc Vương Tử.

Vua lại hỏi: Hắc Vương Tử có lỗi gì?

Đáp: Thưa Đại Vương! Ông ấy thường ganh tỵ.

Thưa Đại Vương! Người trí tuệ chẳng nên thường hay ganh tỵ.

Vì sao?

Thưa Đại Vương! Vì nếu được thành tựu ở một ấp giàu có mà có hành vi ganh tỵ thì ấp giàu có của người này chẳng được vững bền, rồi tay không mà chết, chết rồi phải đọa vào Thế Giới quỷ đói.

Rồi nói kệ rằng:

Ganh tỵ phủ che lòng

Người kia được ấp giàu

Rồi hắn tay không chết

Đọa vào cõi quỷ đói.

Vua lại hỏi: Lại có chúng sinh nào thành tựu công đức bậc thượng như trên mà còn có lỗi lầm chăng?

Tát già đáp: Thưa Đại Vương, thật có!

Nhà Vua nói: Là ai?

Đáp: Thưa Đại Vương! Đó là Vương Tử Cát Quân.

Nhà Vua lại hỏi: Vương Tử Cát Quân có lỗi gì?

Đáp: Thưa Đại Vương! Vương Tử Cát Quân này rất thích sát sinh.

Thưa Đại Vương! Người trí tuệ chẳng nên ưa thích sát sinh.

Vì sao?

Vì sát sinh thì yểu mạng. Khi chết sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Rồi nói kệ rằng:

Vua người mà sát sinh

Yếu đuối và chết yểu

Khi chết đọa địa ngục.

Vậy nên chẳng sát sinh.

Vua lại hỏi: Này Bà La Môn! Lại có chúng sinh trí tuệ sáng rõ tâm trí không loạn động, họ có lỗi lầm, chăng?

Tát già đáp: Thưa Đại Vương, thật có!

Nhà Vua nói: Là ai?

Đáp: Thưa Đại Vương! Đó là Vương Tử Vô úy.

Vua lại hỏi: Vương Tử Vô Úy có lỗi gì?

Đáp: Thưa Đại Vương! Hay thương xót người khác.

Thưa Đại Vương! người trí tuệ chẳng nên thương xót kẻ khác nhiều quá.

Vì sao?

Thưa Đại Vương! Thường thương xót ngưới khác, nếu tự tại quá là nước nhiều giặc khó có thể hàng phục vì có quá nhiều lỗi lầm.

Rồi nói kệ rằng:

Thường thương xót người khác

Nếu người được tự tại

Không thể hàng phục được

Không thể cầm đuốc to.

Vua lại hỏi: Trong chúng sinh lại có chúng sinh trí tuệ được khen ngợi là trí tuệ thì còn có lỗi lầm chăng?

Tát già đáp: Thưa Đại Vương, thật có!

Nhà Vua nói: Là ai?

Đáp: Thưa Đại Vương! Đó là Vương Tử Thiện Lực đó. Người tuệ được khen là tuệ, nhưng thật ra vẫn có lỗi.

Nhà Vua nói: Này Bà La Môn! Vương Tử Thiện Lực có lỗi gì?

Đáp: Thưa Đại Vương! Vương Tử Thiện Lực hay uống rượu buông lung.

Thưa Đại Vương! Người trí tuệ không nên thường uống rượu.

Vì sao?

Thưa Đại Vương! Vì rượu thường làm mất sự nhớ nghĩ, chướng ngại thượng nghĩa. Cũng mất nghĩa thế và xuất thế.

Rồi nói kệ rằng:

Thường hay buông lung

Tất cả việc Vua

Rượu buông lung che

Lùi nghĩa xuất thế.

Vua lại hỏi: Này Bà La Môn! Lại có chúng sinh trí tuệ được khen là trí tuệ còn có lỗi lầm chăng?

Tát già đáp: Thưa Đại Vương, thật có!

Nhà Vua nói: Là ai?

Đáp: Thưa Đại Vương! Đó là Vương Tử Thiên Huân. Được người tuệ khen là trí tuệ song còn có lỗi lầm.

Nhà Vua nói: Này Bà La Môn! Vương Tử Thiên Huân có lỗi lầm gì?

Đáp: Thưa Đại Vương! Vương Tử Thiên Huân thường suy nghĩ.

Thưa Đại Vương! Người trí tuệ chẳng nên suy nghĩ mãi.

Vì sao?

Thưa Đại Vương! Vì người suy nghĩ mãi làm trở ngại lợi ích khiến cho việc quan trọng khởi lên chẳng được vắng lặng.

Cho nên, thưa Đại Vương! Người rất thông minh chẳng nên suy nghĩ mãi.

Rồi nói kệ rằng:

Nếu có suy nghĩ mãi

Việc mất không tốt lành

Dùng đây khéo trang nghiêm

Trở ngại việc phát tâm.

Vua lại hỏi: Này Tát Già! Lại có chúng sinh được người trí tuệ khen ngợi là trí tuệ còn có lỗi lầm chăng?

Tát già đáp: Thưa Đại Vương, thật có!

Vua nói: Là ai?

Đáp: Thưa Đại Vương! Đó là Vương Tử Đại Quân. Được người trí tuệ khen ngợi là trí tuệ, nhưng vẫn có lỗi lầm.

Vua lại hỏi: Vương Tử Đại Quân có lỗi gì?

Đáp: Thưa Đại Vương! Ông có cái lỗi là bị tánh bỏn sẻn che lấp, cướp đoạt của cải của người khác.

Thưa Đại Vương! Người trí tuệ không nên có tánh bỏn sẻn.

Rồi nói bài kệ rằng:

Nếu Vua người bỏn sẻn

Giàu có chẳng biết đủ

Tài sản chứa nhóm này

Đến đời khác lo buồn.

Vua lại hỏi: Này Tát Già! Nếu có người trí tuệ được khen ngợi là trí tuệ nhưng còn có lỗi lầm chăng?

Tát già đáp: Thưa Đại Vương, thật có!

Nhà Vua nói: Là ai?

Đáp: Thưa Đại Vương! Là Vua Ba Tư Nặc được người trí tuệ khen là co trí tuệ nhưng còn có lỗi lầm.

Nhà Vua nói: Này Bà La Môn! Vua Ba Tư Nặc có lỗi lầm gì?

Đáp: Vua Ba Tư Nặc có cái lỗi ăn nhiều.

Thưa Đại Vương! Người có trí tuệ chẳng nên ăn nhiều.

Vì sao?

Thưa Đại Vương! Nếu ăn nhieu thì trở nên lười biếng, thân thể nặng nề, đồ đã ăn khó tiêu.

Rồi nói kệ rằng:

Vua người ăn nhiều

Biếng nhác thân nặng

Lại tổn hiểu biết

Dung nhan chẳng tươi.

Vua lại hỏi: Này Bà La Môn! Trong các chúng sinh ở thế gian có người trí tuệ được khen là trí tuệ nhưng còn có lỗi lầm chăng?

Tát già đáp: Thưa Đại Vương, thật có!

Nhà Vua nói: Là ai?

Đáp: Thưa Đại Vương! Là Đại Vương đó. Người trí tuệ ở thế gian vẫn khen ngợi Đại Vương là trí tuệ nhưng Đại Vương cũng có lỗi.

Nhà Vua nói: Này Bà La Môn!

Ta có lỗi gì?

Đáp: Thưa Đại Vương! Ngài quá bạo ngược, tánh ác, hấp tấp, hung tợn, không có tâm từ bi.

Thưa Đại Vương! Phàm người có trí tuệ chẳng nên hung tợn. Nếu người trí tuệ mà hung tợn thì người thường chẳng nương cậy, thậm chí cha mẹ cũng chẳng vừa ý, huống gì là chúng sinh khác.

Thưa Đại Vương! Nếu là người thông minh thì chẳng nên hung bạo.

Thưa Đại Vương! Người có trí tuệ nên suy nghĩ sâu xa.

Rồi nói kệ rằng:

Nếu có thô bạo

Chẳng biết nghĩ sâu

Ắt bị quở trách

Người không gần gũi.

***