Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Hư Không Dựng

 

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT HƯ KHÔNG DỰNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
 

PHẦN HAI
 

Lúc bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Vị thiện nam tử này vì ý nghĩ gì mà đầu đội ứng châu?

Sáng rực như vậy?

Uy lực như vậy?

Giỏi có thể thị hiện?

Mà các vị Bồ Tát khác không có việc này?

Đức Phật bảo Đại Bồ Tát Di Lặc rằng: Này thiện nam tử! Vị thiện nam tử Hư Không Dựng Bồ Tát Ma Ha Tát này vì các chúng sinh thành tựu đại từ, thường giáo hóa chúng sinh mà không ngưng nghỉ. Thấy các chúng sinh ở tại ách nạn lớn muốn cứu bạt khổ nên thường chẳng ngưng nghỉ.

Nếu có chúng sinh phạm bốn trọng cấm, sắp đọa vào đường ác, bỏ các thiện căn, diệt tan mọi tốt lành, thì vị thiện nam tử này vì chúng sinh đó làm vị thầy thuốc lớn.

Nếu thấy chúng sinh đó rơi vào vô minh, vào lưới tà kiến, ở tại địa ngục nguy ách thì thiện nam tử này vì chúng sinh đó làm giống như ánh mặt trời soi sáng tội đó mà diệt bốn nghiệp nặng, vì chúng sinh đó nhổ cái gai nghi ở trong lòng.

Nếu có chúng sinh phá hoại tâm khí đồ đựng mà thiện nam tử này thấy chúng sinh đó phá diệt pháp hạnh, bị phiền não lấn hiếp, mất đi chánh pháp sắp vào đường ác, không có chỗ quy y, không có người cứu hộ, xả bỏ các trí thì thiện nam tử này vì bọn chúng sinh tội ác đó làm giống như là cây gậy chống đỡ mà thị hiện chánh đạo.

Đối với các tội cấu phiền não uế ác thì tẩy rửa khiến cho thơm sạch, dạy bảo quay lưng lại với ác đạo giống như xe lớn sắp vào Cõi Trời, mau chóng được Niết Bàn.

Nếu có chúng sinh vì dục bức bách lòng mê hoặc nhiệt não, hoặc có chúng sinh sân nhuế bừng bừng cùng nhau đấu tranh, lòng kiêu mạn, ganh ghét không tạm ngưng, sự nhiễu loạn của phiền não làm mất bản tâm.

Nếu có chúng sinh mà vô minh ám chướng không ra khỏi lòng, chẳng nhận thức được nhân, chẳng sợ quả đời sau, hoặc có chúng sinh rộng gom của báu mà lòng không chán đủ.

Hoặc có chúng sinh làm đủ mười điều ác đã từng không ngưng nghỉ thì vị thiện nam tử này vì những chúng sinh đó nên đóng cửa đường ác, mở đường người, Trời giống như chiếc xe vi diệu vận hành, khiến cho họ sinh lên Trời, an trí ở chánh đạo giải thoát Niết Bàn.

Do cái nghĩa này nên vị thiện nam tử này đối với những Trời, người ứng thọ cúng dường chỉ trừ đức Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà.

Lúc bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Đức Phật ở trước đây nói rằng, có bốn trọng tội.

Những gì là bốn?

Mà các chúng sinh phạm bốn trọng tội này rồi thì thoái mất các thiện, đoạn diệt căn lành, rơi vào đường ác, trái với bản thệ nguyện, bị phiền não bó buộc, bị ghét bỏ của các người, Trời…

Thiện nam tử này thấy những chúng sinh ác như vậy v.v… thì cứu bạt khổ não của họ và an trí họ vào chỗ yên vui, làm cho họ được sung túc?

Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: Này thiện nam tử! Phàm là Vua Sát Lợi thì có năm trọng ác. Nếu Quốc Vương đó phạm năm ác thì mất hết căn lành đã tạo thuở xưa, quên bản thệ nguyện, bị phiền não che phủ, xa lìa tất cả niềm vui Trời, người, rơi vào đường ác không có lúc ra.

Này thiện nam tử! Nếu có Vua Sát Lợi quán đảnh cưỡng đoạt đồ vật của Phật, hoặc đoạt đồ vật của tăng, đồ vật của Chiêu đề tăng, hoặc đoạt đồ vật bố thí của người tín tâm, hoặc tự thân đoạt, hoặc dạy người khác đoạt. Đó gọi là trọng tội cực ác thứ nhất.

Nếu có Vua Sát Lợi quán đảnh bài báng chánh pháp hoặc Thanh Văn thừa, hoặc Duyên Giác thừa, hoặc cả đại thừa nữa, tự mình bài báng chẳng tin, chẳng cho người khác tu hành, dạy họ đem cất giấu. Đó gọi là trọng tội cực ác thứ hai.

Nếu có Vua Sát Lợi quán đảnh đối với những đệ tử vì ta xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo Cà Sa, hoặc trì giới hay không trì giới mà buộc họ cởi áo Cà Sa, ra lệnh phải hoàn tục.

Rồi buộc tội cho họ, hoặc đánh, hoặc trói, hoặc lại mạ nhục, lưu đày các phương, hoặc sai trộm cắp đồ vật, hoặc khiến vào ngục, hoặc giết chết. Đó gọi là trọng tội cực ác thứ ba.

Nếu có Vua Sát Lợi quán đảnh giết cha, hại mẹ, hoặc giết hại đệ tử A La Hán của ta, phá hòa hợp Tăng, làm chảy máu thân Phật. Năm tội ngũ nghịch này nếu phạm một hay mới dấy khởi trong lòng.

Đó gọi là trọng tội cực ác thứ tư. Nếu có Vua Sát Lợi quán đảnh nói chẳng có nhân, chẳng kể quả đời sau, làm mười nghiệp ác. Trong mười ác nghiệp phần nhiều dạy chúng sinh làm mười bất thiện kiến lập mười ác. Đó gọi là trọng tội cực ác thứ năm.

Này thiện nam tử! Nếu có Vua Sát Lợi quán đảnh, trong năm ác này chỉ phạm một thôi thì sự tạo tác căn lành từ thuở xưa của Vua Sát Lợi quán đảnh đó đều mất hết, đều tan diệt hết, trái với bản thệ nguyện, bị phiền não che trùm, mất niềm vui Trời người, sau đọa vào ác đạo đến vô lượng kiếp, không có hẹn kỳ ra khỏi.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát Hư Không Dựng này vì những chúng sinh đó nên sinh ra ở vùng biên địa, hiển bày thân mình, hoặc hiện làm Sa Môn, Bà La Môn v.v… uy nghi tường tự mà quan sát chúng sinh đó, tùy theo họ thân gì thì hóa ra thân đó.

Phương tiện thị hiện tướng thân như vậy tại khắp nơi nơi, ở trước quốc vương như vậy nói pháp. Người từ xưa chưa nghe lời nói về pháp nhất thiết trí, Kinh Điển thậm thâm, trì giới, nhẫn nhục, hành tướng các địa thì vị thiện nam tử này vì họ diễn nói, thị hiện biết Vua Sát Lợi quán đảnh đó ngày xưa tạo các tội làm hạnh bất thiện mà tự hối hận, tự tàm quí, muốn được tạ lỗi, chẳng dám tạo nữa.

Lìa bỏ việc ác, có người hối lỗi, về sau tạo phước đức, làm đại bố thí, kiến lập nghiệp thiện, Vãng Sanh lên cõi trên, liền được giải thoát.

Này thiện nam tử! Tất cả Đại Thần có năm trọng tội. Nếu có Đại Thần đoạt lấy vật của Phật, hoặc đoạt vật của Tăng, vật của chiêu đề tăng thì đó gọi là trọng tội thứ nhất.

Nếu có Đại Thần phá hoại đất nước, thôn ấp, phá hoại tụ lạc, hoặc phá thành quách hào nước, hoặc phá hoại nước khác thì đó là trọng tội thứ hai.

Nếu có Đại Thần bài báng chánh pháp, hoặc Thanh Văn thừa, hoặc Duyên Giác thừa, hoặc Nhất Thiết trí thừa, hoặc tự bài báng hay dạy người khác bài báng, chẳng cho họ tu hành, ẩn giấu chẳng hiển bày thì đó gọi là trọng tội thứ ba.

Nếu có Đại Thần, đối với đệ tử xuất gia của Thế Tôn, phát sinh ý nhiễu loạn mà khủng bố họ. Dù họ, hoặc có trì giới hay chẳng trì giới, hoặc có tinh tấn hay chẳng tinh tấn mà cởi bỏ Cà Sa của họ, bức bách khiến họ hoàn tục.

Hoặc buộc tội cho thân, hoặc đánh đập, hoặc trói buộc, cấm chỉ, nhục mạ, trách cứ, khủng bố, hoặc ra lệnh giam vào ngục, hoặc giết chết… như vậy thì gọi là trọng tội thứ tư.

Nếu có Đại Thần tạo tác tội ngũ nghịch, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc tạo đủ năm thứ tội nghiệp ác thì như vậy gọi là trọng tội thứ năm.

Này thiện nam tử! Nếu có Đại Thần, trong năm thứ trọng tội này, nếu phạm một thì những Đại Thần đó mất đi hành nghiệp đã qua, những căn lành đã tạo tác đều diệt hết, trái với bản thệ nguyện, mất niềm vui Trời người, rơi vào ác đạo, chịu cực khổ lớn.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát Hư Không Dựng này vì những chúng sinh đó hiện sinh ở vùng biên địa, trụ ở biên địa mà thị hiện thân tướng, hoặc hiện làm thân Sa Môn với uy nghi tường tự vì họ nói pháp, hoặc lại hiện ra thân Bà La Môn với dung nghi tề chỉnh, hoặc hiện làm đồng tử mà vì họ nói pháp.

Tại khắp nơi nơi, thiện nam tử này thị hiện thân tướng sống, biết theo thiện căn vốn có của bọn chúng sinh đó mà vì họ nói pháp.

Người chưa từng nghe sự diễn nói Kinh Điển thâm diệu, các Đà La Ni, nhẫn nhục, các địa… của các Đức Phật thì vị thiện nam tử đó an ủi, dỗ dành mà nói pháp, tạo tác phương tiện.

Khiến cho các Đại Thần hối lỗi phát lồ, lòng sinh tàm quí, sám hối những nghiệp ác đó, lìa bỏ mọi tội lỗi rồi dạy bảo họ tu bố thí, tinh tấn, trì giới, kiến lập nghiệp lành, Vãng Sinh lên phương Trên, được đạo Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Người Thanh Văn có năm thứ việc phạm đại trọng tội.

Những gì là năm?

Một là sát sinh, hai là hành dâm, ba là trộm cướp, bốn là nói dối, năm là phá hoại hình tượng, làm chảy máu thân Phật. Đó gọi là năm thứ phạm đại trọng tội. Nếu các đệ tử Thanh Văn của ta, ở trong năm việc chỉ phạm một… cho đến như việc nói ở trên thì Đại Bồ Tát Hư Không Dựng này vì những chúng sinh đó mà vãng sanh đến chỗ của họ để thị hiện thân tướng.

Hoặc hiện làm Sa Môn và Bà La Môn, vị thiện nam tử này theo uy nghi của chúng sinh đó mà hiện ra thân tướng giống họ, rồi vì họ nói đủ thứ pháp nghĩa vi diệu.

Lời nói về đủ thứ pháp môn, Kinh Điển thậm thâm, các Đà La Ni, tất cả các địa… của bậc Nhất thiết trí đều diễn nói hiển dương, khiến cho những người tội đó nghe đều hối hận sự tạo đủ thứ những ác trước đây, nhớ nghĩ chẳng quên, phát sinh tàm quí sâu sắc, sám hối những tội lỗi đó, chẳng dám làm nữa.

Họ sám hối tội rồi, tu hành bố thí, làm hoàn bị hạnh khổ, tinh tấn dũng mãnh, mạng chung sinh lên cõi trên, về sau được Niết Bàn, liền phát tâm vào với hạnh đại thừa, hạnh Bồ Tát.

Này thiện nam tử! Người đại thừa có tám thứ việc phạm vào đại tội. Tạo tám trọng tội rồi thì khiến cho các Bồ Tát sơ hành đó mất việc gieo trồng căn lành thuở trước của người đó.

Tất cả đều diệt mất, trái với bản thệ nguyện, bị phiền não che trùm, bị sự rẻ rúng của những Trời, người, trái ngược với đại thừa, liền rơi vào ác đạo, ở tại chỗ phiền não trong thời gian lâu dài, lìa khỏi thiện tri thức.

Này thiện nam tử! Những gì là tám?

Nếu có chúng sinh vì thuở xưa tạo nhân duyên ác, sinh vào cõi bất tịnh. Những chúng sinh đó vì chẳng gieo trồng nhân duyên thiện căn mà nhờ thiện tri thức mới có thể được nghe Kinh Điển vi diệu đại thừa thậm thâm.

Những chúng sinh đó tâm ý hẹp hòi hạ liệt, cũng lại chẳng thể gieo trồng nhiều thiện căn. Bồ Tát sơ hành đó tuy lại phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác mà nghe Kinh Điển vô tướng thậm thâm này rồi vì người khác đọc tụng giải nói.

Như sự nghe ấy, như sự tụng ấy vì đủ thứ bọn chúng sinh ngu si như con dê câm như vậy mà tuyên dương phô diễn pháp nhất thiết trí đã nói ở trước đó, dạy bảo khiến cho đọc tụng.

Bọn phàm phu đó không có công lao và do tâm phàm phu nên chẳng thể lý giải được ý pháp thậm thâm.

Chúng nghe pháp đó rồi thì sinh lòng kinh sợ, tâm phát sinh hối một, liền quay lưng lại Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác mà ở trong hạnh Thanh Văn phát tâm tu học.

Này thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát đầu tiên phạm đến đệ nhất đại tội.

Thiện nam tử này phạm đại tội đó rồi thì mất tất cả những căn lành đã tạo từ trước, trái với vi phạm bản thệ nguyện, bị phiền não hàng phục, chẳng được sinh lên trên, cũng lại chẳng thể được niềm vui Niết Bàn, những điều đó làm hư rỗng hạnh Bồ Tát, quên tâm bồ đề, về sau rơi vào ác đạo.

Này thiện nam tử! Vậy nên Bồ Tát muốn hóa độ chúng sinh thì trước phải biết tâm để ứng với hạnh của họ, rồi theo đúng như hạnh đó của họ mà thứ lớp vì họ nói pháp.

Ví như có người muốn vào biển cả thì nên biết sự sâu, cạn của nước biển đó, rồi nhiên hậu sẽ đi vào… cho đến… lược nói, Đại Bồ Tát Hư Không Dựng này vì những bọn chúng sinh đó, hiện sinh ở nước kia, thị hiện thân tướng, giỏi có thể biết ngần ấy chúng sinh đó đã phạm đến trọng tội, sợ rơi vào ác đạo.

Nếu lại có người kinh sợ tội, hoặc nghe người khác nói mà xưng Danh Hiệu Bồ Tát Hư Không Dựng đó, hoặc lại muốn ưa thấy Bồ Tát đó mà Bồ Tát sơ hành đó vì muốn sám hối tội sâu nặng thì vào lúc sau đêm, tắm gội nước thơm, mặc quần áo sạch.

Đốt hương trầm thủy, hương Đa Già La, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về Đông, phải chí tâm xưng Danh Hiệu Bồ Tát Hư Không Dựng.

Bồ Tát Hư Không Dựng biết người mới phát tâm đạo bồ đề đó làm tội phước nặng nhẹ, rồi tùy theo căn tánh của người ấy mà vì họ hiện thân, hoặc hiện làm thân Bà La Môn… cho đến thân của đồng nam, đồng nữ ở tại trước người ấy.

Hiện ra ở trước rồi, vì muốn thương xót người mới phát tâm nên vị Bồ Tát này quan sát sự vốn khởi trọng nghiệp và nhân duyên tội lỗi của Bồ Tát đó mà dạy bảo cho sám hối, vì người đó thị hiện phương tiện vi diệu khéo léo thậm thâm, diễn nói pháp yếu đại thừa tối thượng.

Dạy cho kiến lập Tam Muội nhẫn môn, các Đà La Ni, các pháp địa v.v… khiến cho người ấy giải thoát tất cả ác đạo, nhân duyên trọng tội, trụ ở bất chuyển địa, hướng về Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, lại còn được lực lớn giống như Kim cương, thành tựu tấm lòng bền chắc ở trong sáu Ba la mật, lại được thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bồ Tát Hư Không Dựng này, hoặc trước chúng sinh thị hiện thân mình, hiện tự thân rồi mà vì người nói pháp.

Nếu Bồ Tát Hư Không Dựng chưa vì người kịp thời hiện thân thì Đại Sĩ Bồ Tát sơ hành lại vào lúc sau đêm, tắm gội nước thơm, mặc áo quần sạch, đốt hương Trầm Thủy cầu Đại Sĩ Hoàng Bạch vàng trắng của phương Đông kia tên là A Lâu Na, mà miệng xướng lên rằng: Thưa Ngài A Lâu Na! Ngài đại từ bi sắp xuất hiện ở cõi Diêm Phù đề này, hãy thương xót tôi!

Dấy khởi lòng từ bi che hộ cho tôi, vì tôi thưa bạch với Bồ Tát Hư Không Dựng, khiến cho Bồ Tát Hư Không Dựng bày cho tôi phương tiện.

Tôi nay muốn sám hối trọng tội sẵn có của mình, khiến cho tôi ở trong Đại Thừa Thánh được đại trí nhãn.

Nói lời khuyến thỉnh và lễ bái xong rồi, người ấy trở về chỗ cũ ngủ nghỉ yên ổn. Lúc bấy giờ, khi ở phương Đông, Đại Sĩ hoàng bạch A Lâu Na xuất hiện thì Bồ Tát Hư Không Dựng liền đến hiện thân ở trong giấc ngủ mơ, tại trước Bồ Tát phạm trọng tội đó mà thị hiện thân mình dạy cho Bồ Tát sơ hành phạm trọng tội đó phương tiện đại trí sám hối tội đã phạm.

Hoặc lại thị hiện phương tiện đại trí khiến cho Bồ Tát mới phát đạo tâm đó được tam muội tên là Không Quên Mất Tâm Bồ Đề, dừng an trụ ở trong pháp đại thừa, mau chóng thành tựu đầy đủ sáu Ba la mật.

Lại nữa, này thiện nam tử! Hoặc có Bồ Tát sơ hành thấy người làm hạnh Bồ Tát, đến chỗ người ấy mà bảo họ rằng: Ông chẳng thể hành sáu Ba la mật đa của Bồ Tát, cũng chẳng thể thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác!

Ông hãy phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật!

Ông đối với phiền não liền được giải thoát… cho đến như nói ở trên…

Này thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát phạm đến trọng tội thứ hai.

Lại nữa, này thiện nam tử! Hoặc có Bồ Tát sơ hành thấy chúng sinh khác mà nói lên như vậy: Ông chớ tu hành Ba La ĐMộc Xoa, Tỳ Ni Giới luật.

Ở trong pháp đó ông chớ nên tinh tấn! Ông hãy mau chóng phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác!

Ông mau chóng đọc tụng Kinh Điển đại thừa! Việc làm của ông, ba thứ hành động những phiền não là thân miệng ý.

Nhân những phiền não ác nghiệp này nên liền được thanh tịnh… cho đến… đã nói ở trên.

Này thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát sơ hành phạm đến trọng tội thứ ba.

Lại nữa, này thiện nam tử! Hoặc có Bồ Tát thấy người khác mà nói lên như vậy: Ông, những bọn người, hãy bỏ Thanh Văn thừa, chớ nghe và đọc tụng!

Chớ vì người khác nói, hãy che giấu, chớ bày ra!

Các ông những thiện nam tử, chớ bày ra Thanh Văn thừa!

Nếu ông tu hành Thanh Văn thừa này thì chẳng được đại quả quả báo lớn, chẳng thể đoạn trừ các phiền não kết. Ông chỉ nên nói Kinh Điển đại thừa thanh tịnh, nghe, tụng, thọ trì, vì người khác diễn nói rõ ràng. Do cái nhân duyên này, ông được thoát khỏi tất cả ác đạo, diệt được tất cả các nghiệp ác v.v…, sẽ mau chóng thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Người đó nếu nghe theo lời nói như vậy của Bồ Tát sơ hành mà thuận theo hạnh này thì cả hai người đó đều phạm trọng tội.

Này thiện nam tử! Đó gọi là phạm đến trọng tội thứ tư.

Lại nữa, này thiện nam tử!

Bồ Tát sơ hành thường hành lưỡng thiệc nói hai lưỡi vì lòng và miệng trái nhau. Phàm việc đọc tụng Kinh Điển đại thừa là cầu danh tiếng, vì lợi dưỡng, vì được sự tôn trọng, cầu sự cúng dường.

Tác khởi lòng như vậy đọc tụng Kinh Điển, vì người khác giải nói, thọ trì, tuyên thông, hoặc vì người khác nói phương tiện tùy nghi.

Ở bên người khác nghe lại hướng về người khác nói: Ta nay, bản thân chính là người đại thừa, còn ngoài ra chẳng phải. Phát khởi lòng ganh ghét như vậy vì lợi dưỡng. Hoặc thấy những người hành đại thừa còn lại theo bên người khác được của báu và tứ sự cúng dường.

Do nhân duyên này người đó liền sinh lòng sân hận mà vì các Bồ Tát kia rao truyền tiếng ác, tiếng bỉ lậu hay hủy nhục, mắng chửi, bài báng, khinh rẻ, tự khen ngợi mình.

Do lòng ganh ghét như vậy nên hướng về người khác nói Pháp Thượng Nhân rằng, ta được Thượng Nhân, Thượng Pháp như vậy, ta đã được, ta đã biết.

Vì nhân duyên này, người đó trái với bản thệ nguyện, bị phiền não chế phục, quay lưng với Pháp đại thừa. Những chúng sinh đó ở trong đại thừa phạm đại trọng tội… cho đến xả thân, rơi vào ác đạo.

Ví như có người muốn thu nhặt trân bảo, đi đến bên vùng có báu mà chẳng vào biển. Tuy vào biển nhưng ở giữa đường tự phá hoại thuyền bè, kẻ ngu si đó ở trong nước biển mà nhận lấy cái chết.

Này thiện nam tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Những Bồ Tát sơ hành ấy phát tâm muốn vào biển đại thừa mà người ngu si đó vì ganh ghét nên hủy báng, vọng ngữ. Do nhân duyên này, những người ngu si đó đã phá hoại niềm tin đi thuyền. Đã phá niềm tin tu hành thì diệt mất mạng căn trí tuệ.

Này thiện nam tử! Bồ Tát sơ hành ấy ngu si, vô trí, ít học như vậy và do nhân duyên ganh ghét mà vọng ngữ, hủy báng người khác nên liền phạm đại tội.

Này thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát mới phát tâm phạm đại trọng tội thứ năm.

Lại nữa, này thiện nam tử! Đời đương lai, có Bồ Tát sơ hành, hoặc lại là người tục, người xuất gia v.v… đã sở hữu pháp môn không tướng thậm thâm, Kinh Điển vi diệu và cả các Đà La Ni, các địa, các nhẫn… họ dùng đủ thứ hạnh mà trang nghiêm mình.

Họ được các bậc Đại Trí, các Bồ Tát v.v… tác động khuyên cầu cảnh giới khổ hạnh.

Họ đối với đại thừa Kinh Điển, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói tuyên dương, vì người khác phô diễn, phân biệt tuyên truyền rộng rãi mà nói với người khác rằng: Ta tự nhiên lý giải được Kinh Điển như vậy, tự nhiên chứng biết, tự nhiên sáng tỏ. Chỉ có ta, người duy nhất vì các ông nên từ bi diễn nói. Ông theo ta nghe rồi suy nghĩ như vậy, đọc tụng như vậy, tự nhiên hiểu rõ trong pháp thậm thâm như vậy.

Ông nhờ nhân duyên này sẽ được tri kiến thấy biết như ta hôm nay.

Mà chẳng chịu nói rằng: Ta đọc, ta tụng Kinh Điển vi diệu thậm thâm như vậy là do ông nói vậy!

Người như vậy theo bốn bọn ấy cầu lợi dưỡng nên tự bán thân mình. Do nhân duyên này nên ở chỗ tất cả ba đời Đa Đà A Già Độ A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà và Đại Bồ Tát, tất cả các Thánh Phú Già La… những người ngu si đó bị tội Ba La Di.

Phạm vào tội đại trọng đó thì hư vọng cuống hoặc tất cả Trời người.

Người ngu si như vậy cũng lại không có phận đại thừa, huống là vào đại thừa được sao?

Huống là được thắng xứ sao?

Huống lại là sẽ được thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác sao?

Ví như có người muốn đi trên đường xa xôi, đến nơi đồng trống, vì sự bức bách của đói khát, bỗng gặp rừng trái cây, liền vào chỗ rừng đó, tìm nhân duyên ăn, muốn cho mạng sống còn.

Người đó chợt gặp cây lớn hoa trái sung túc, hương vị thơm ngon thành tựu. Gặp rồi được vị, được vị đó rồi, người đó lại leo lên cây độc mà ăn trái độc, ăn rồi thì mạng chung.

Này thiện nam tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Bọn người ngu si nay đã hoạch được thân người, gặp được thiện tri thức, nương cậy thiện tri thức vào đến đại thừa mà những chúng sinh đó cầu lợi dưỡng ưa khoe khoang mình, hủy báng người khác.

Được những điều như vậy là phạm đại trọng tội, phạm trọng tội rồi thì bị sự khinh mạn của những người trí, phải đọa vào ác đạo.

Do nhân duyên này nên tất cả sát lợi, Bà La Môn, tỳ xá, thủ đà chẳng được thân cận. Nếu có những người thân cận họ thì bọn người như vậy liền trái với tất cả Thánh Nhân Đại Trí, thành tựu tội lỗi lớn.

Này thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát sơ hành phạm đến đại trọng tội thứ sáu vậy.

Lại nữa, này thiện nam tử! Đời đương lai, hoặc có hàng sát lợi, Vua các nước bị các hạnh ác Bà La Môn Quốc Sư, ác hạnh Đại Thần, ác hạnh thầy thuốc v.v... thật là ngu si mà cho mình là bậc Đại Trí có tài năng lớn, thọ nhiều bổng lộc, phong ấp. Những người đó tu các hạnh bố thí, tạo mọi phước duyên.

Bọn những người đó nhân chút ít ý nghĩa tu hành bố thí nên kiêu mạn, phóng dật, cho là mình có đạo, khuyên Vua Sát Lợi cùng với các Sa Môn đệ tử của ta tranh cạnh lẫn nhau, lại phá hoại nhau, hoặc khuyên Sa Môn cùng với Vua Sát Lợi đấu tranh lẫn nhau.

Bọn người ác đó nương vào Vua Sát Lợi buộc tội Tỳ Kheo, hoặc bắt nộp của cải. Những Tỳ Kheo đó vì nhân duyên bức bách của Vua Sát Lợi, các Đại Thần v.v... nên hoặc trộm vật của mình, hoặc trộm vật của Tăng, hoặc trộm vật của Chiêu đề tăng, rồi đem những vật trộm đó cung nạp cho quan, cũng những ác nhân đó.

Người ác đó theo các Tỳ Kheo lấy những vật đó dâng cho Vua Sát Lợi, cả hai hạng người đó đều phạm đến đại trọng tội. Những Sát Lợi và người ác đó cùng các Tỳ Kheo đấu tranh lẫn nhau.

Do nhân duyên này nên đã bỏ chánh pháp đó mà kiến lập phi pháp, chọn lấy phi pháp đó thì xa lìa chánh pháp. Nếu bỏ nương vào lời nói Kinh Điển, Tỳ Ni Giới Luật, Ưu Ba Đề Xá, Ma Ha Ưu Ba Đề Xá của đại thừa thì xa lìa hạnh từ bi, Bát Nhã Ba la mật, phương tiện khéo léo và Kinh Điển giới luật khác.

Lời nói của đức Như Lai không gì chẳng xả bỏ, vì muốn nhiễu loạn các vị Tỳ Kheo. Lòng rỗng, ngang ngược, trái giới luật của Đức Phật, họ tự tạo ra pháp chế.

Tạo ra pháp chế rồi, họ nhiễu loạn Tỳ Kheo khiến cho các Tỳ Kheo đều xa lìa xa ma tha quán, chánh hạnh, chánh niệm… cho đến khiến cho những người thiền định đều sinh lòng nhiễu loạn sân nhuế, phẫn nộ luôn luôn đấu tranh.

Do nhân duyên này mà khiến cho các Tỳ Kheo phát sinh các phiền não, chẳng được tịch định. Lúc bấy giờ, những bọn Tỳ Kheo đó mất pháp chánh tín, mất uy nghi pháp thức của bậc Thiện Tỳ Kheo, khiến cho họ rơi vào các kiến.

Do nhân duyên này nên khiến cho các Tỳ Kheo đều giải đãi, nghĩ nhiều việc đời, chẳng thể trì giới, phá giới, bỏ giới, chẳng thể nương vào phép tắc Sa Môn nữa.

Miệng nói, ta là Tỳ Kheo Sa Môn, tuy lại xướng rằng, ta là phạm hạnh, cử động thanh khí giống như bối thanh tiếng sò ốc, chẳng y vào chánh pháp mà nói pháp.

Những bọn Tỳ Kheo như vậy và các quyến thuộc ở chỗ Vua Sát Lợi cùng các thần dân, dùng vật ăn trộm cúng dường thêm bội phần.

Những bọn Tỳ Kheo ác như vậy v.v... ở trước người thế tục nói những việc chẳng tốt của những Tỳ Kheo có đức sống nơi A Lan Nhã, không nhàn khiến cho Vua Sát Lợi, các đại Thần ác đó cùng với quyến thuộc liền sinh tâm bất thiện, tâm bài báng đối với Tỳ Kheo trì giới tinh tấn và đều đoạt lấy hết của cải sở hữu của Tỳ Kheo tinh tấn. Cướp đoạt rồi, họ chuyển cho Tỳ Kheo tụng Kinh thì bọn chúng cả hai người đều phạm trọng tội.

Vì sao vậy?

Vì Tỳ Kheo thiền định ấy là ruộng phước chân thật. Quan sát như vậy rồi thì nên khiến cho họ tu sửa nghiệp, chẳng khiến cho bọn họ biết được việc Tăng đó.

Nhưng mà Tỳ Kheo thiền định sẽ được tam muội, các Đà La Ni, các nhẫn, các địa v.v… sẽ làm pháp khí, là ruộng phước chân thật, phước khí chân thật, là mắt của thế gian, vì thế gian đó làm ánh sáng lớn hiển bày đường lành, là đất kiến nghiệp đối với ruộng phiền não, dạy bảo chúng sinh đó đều được độ, độ rồi thì kiến lập đạo Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát sơ hành có tám thứ trọng tội mà chẳng dụng công lìa bỏ hai chỗ thì do nhân duyên lực phạm đại trọng tội của Bồ Tát sơ hành đó mà sở hữu thiện căn đã làm thuở trước của họ đều quên mất. Quên mất rồi thì sau rơi vào ác đạo, trái với bản thệ nguyện, bị phiền não hàng phục, mất niềm vui Trời người, hư vọng mê hoặc mất tâm Bồ Đề.

Này thiện nam tử! Vì những thiện nam tử như vậy nên Bồ Tát Hư Không Dựng này sinh ra trong nước của họ, vì những chúng sinh đó thị hiện thân tướng, hoặc hiện làm thân Tỳ Kheo uy nghi tương tự, hoặc làm thân Bà La Môn hiển hiện uy nghi, thành tựu đầy đủ… cho đến ứng dùng thân súc sinh mà được hóa độ thì liền hiện tướng uy nghi của súc sinh…

Lược nói cho đến như việc nói của Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội thì phải biết chỗ này cũng lại như vậy. Bồ Tát Hư Không Dựng khéo biết căn cơ, đủ thứ tâm khí mà theo ứng hiện thân đối với chúng sinh đó thuận theo nói pháp, giáo hóa đủ thứ chúng sinh chưa từng có pháp đó.

Ở chỗ Nhất Thiết trí thì tuyên nói Kinh Điển vi diệu, các Đà La Ni, các nhẫn, các địa v.v… khắp vì họ mà hiển hiện khiến cho những người ác phạm trọng tội đó, các Bồ Tát sơ hành phát sinh tàm quí, khiến cho lòng họ kinh sợ, hối hận sám hối những trọng tội đó, xa lìa, xả bỏ, vĩnh viễn chẳng dám làm.

Này thiện nam tử! Những chúng sinh đó vì nhân duyên kinh sợ việc phạm trọng tội mà nghe Danh Hiệu Bồ Tát Hư Không Dựng này, muốn tự thấy thân Ngài, sợ đọa vào ác đạo, hối hận những tội lỗi đó… thì các chúng sinh này nên phải đảnh lễ dưới chân Đại Bồ Tát Hư Không Dựng, lại nên chí tâm xưng danh hiệu của Bồ Tát ấy.

Bồ Tát Hư Không Dựng đó tùy theo căn nghiệp của chúng sinh ấy, hoặc thân tướng Bồ Tát hiện ngay ở trước mặt. Người ứng dùng thân Tỳ Kheo được độ thì liền hiện thân tướng Tỳ Kheo.

Người ứng dùng thân Bà La Môn được độ thì liền hiện thân tướng Bà La Môn. Người ứng dùng thân đồng nam, đồng nữ được độ thì liền hiện thân tướng đồng nam, đồng nữ…

Bồ Tát Hư Không Dựng quan sát sự phạm trọng tội của Bồ Tát sơ hành đó như thế nào thì liền hiện ra như vậy. Bằng phương tiện như vậy mà giáo hóa khiến cho người phạm trọng tội đó sám hối.

Rồi ở trong pháp thâm diệu vô thượng thừa, Bồ Tát Hư Không Dựng hiển bày hạnh phương tiện khéo léo, hoặc chánh địa, hoặc chẳng phải chánh địa, hoặc các tam muội, hoặc các Đà La Ni, hoặc trong các nhẫn thị hiện giáo hạnh… cho đến theo thứ lớp giáo hóa khiến cho họ kiến lập chỗ bát chánh đạo.

Do lực của Bồ Tát Hư Không Dựng nên các chúng sinh đó được thoát khỏi tất cả những khổ của đường ác. Thoát khỏi đường ác rồi, kiến lập an trí họ ở bất thoái chuyển địa. Sau khi được kiến lập nhất định họ sẽ được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

***