Kinh Đại thừa

Bộ Bát Nhã

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT NỘI TẬP LỤC BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Huyền, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nghiêm Phật Điều, Đời Hậu Hán
 

Phật nói: Người muốn học đạo Bồ Tát phải bắt đầu từ đây.

Đó là:

1. Sổ.

2. Tùy.

3. Chỉ.

4. Quán.

5. Hoàn.

6. Tịnh.

Phật nói: Thứ nhất, sổ là bố thí Ba la mật. Người tu sổ tức, tinh thần hướng lên Cõi Trời. Bố thí tinh thần trong tự thân nên đạt được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Phật.

Đây là bố thí Ba la mật bên trong, nhờ bố thí nên được vượt qua.

Phật nói: Thứ hai, tùy tướng là trì giới Ba la mật. Ý và tâm ra vào đều theo nhau, ý không tà niệm, không trái phạm điều cấm của đạo. Đó là trì giới Ba la mật bên trong, vì không phạm điều cấm giới, nên được vượt qua.

Phật nói: Thứ ba, chỉ là nhẫn nhục Ba la mật. Ý muốn về dâm, nộ, si luôn nhẫn không làm. Miệng muốn ăn vị ngon ngọt, béo bổ, thân muốn được xúc chạm mịn màng, trơn láng, phải tự chế ngự ý, kham nhẫn, không thọ hưởng. Đó là nhẫn nhục Ba la mật bên trong, nhờ nhẫn nhục nên được vượt qua.

Phật nói: Thứ tư, quán là nên rõ về tinh tấn Ba la mật, bên trong quán thể của ba thân, bên ngoài quán vạn vật đều sẽ hư hoại không thường tồn, tâm không còn tham, hướng đến đạo, nghĩ về vô vi, thường nhận thức rõ, không biếng nhác. Đó là bên trong hành tinh tấn Ba la mật, do tinh tấn nên được vượt qua.

Phật nói: Thứ năm, hoàn là Thiền định Ba la mật, đoạn sáu nhập, đi ngược lại năm ấm.

Sao gọi là sáu nhập?

Sắc trần nhập vào mắt làm suy. Thanh trần nhập vào tai làm suy. Hương trần nhập vào mũi làm suy. Vị trần nhập vào miệng làm suy. Xúc chạm mềm mại nhập vào thân làm suy. Nhiều ý niệm khiến tâm hoạt động làm suy. Đó là sáu nhập, cũng là sáu suy, cũng là năm ấm.

Sao gọi là năm ấm?

Sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm. Đó là năm ấm. Quán xét trở lại thân, giữ sự thanh tịnh, đoạn mong cầu, nghĩ đến pháp không. Đó là Thiền Ba la mật bên trong, do giữ gìn nên được vượt qua.

Phật nói: Thứ sáu, tịnh là bát nhã Ba la mật. Biết người và vật đều sẽ tiêu diệt, đoạn trừ ý bất tịnh hướng đến sinh tử ái dục, tâm thanh tịnh thành tựu trí tuệ. Đó là đại bát nhã Ba la mật bên trong, nhờ trí tuệ nên được giải thoát.

Hỏi: Đàn, Thi, Sằn Đề, Duy Đãi, Thiền, Bát Nhã, Ba la mật là gì?

Phật nói: Đàn là bố thí. Thi là trì giới. Sằn Đề là nhẫn nhục. Duy đãi là tinh tấn. Thiền là bỏ ác. Bát Nhã là trí tuệ. Ba La là thoát khỏi sinh tử. Mật là vô cùng. Đó là sáu pháp Ba la mật.

Hỏi: Vì lẽ gì chỉ có sáu pháp Ba la mật?

Phật nói: Do người có dâm, nộ, sân nhuế, ngu si. Làm việc bố thí để trừ tham ác, trì giới trừ dâm nộ, nhẫn nhục trừ sân giận, tinh tấn trừ biếng trễ, nhất tâm trừ loạn ý. trí tuệ trừ ngu si. Do muốn bỏ sáu việc nên thực hiện sáu pháp Ba la mật.

Phật nói: Trong mỗi người có sáu tên giặc. Để đoạn trừ các thứ xấu đó, nên tự chủ, chế ngự thân mình, nên bố thí Ba la mật. Tự chủ, chế ngự mắt nên trì giới Ba la mật.

Tự chủ, chế ngự tai nên nhẫn nhục Ba la mật. Tự chủ, chế ngự mũi nên tinh tấn Ba la mật. Tự chủ, chế ngự miệng nên thiền định Ba la mật. Tự chủ, chế ngự ý nên trí tuệ Ba la mật.

Hỏi: Thân bố thí Ba la mật như thế nào?

Phật nói: Người đến xin đầu cho đầu, xin mắt cho mắt, xin thịt cho thịt, gieo mình cho hổ đói ăn… bố thí như vậy là bố thí Ba la mật.

Hỏi: Mắt trì giới Ba la mật như thế nào?

Phật nói: Mắt không chạy theo sắc thì ý không loạn niệm. Trì giới như vậy là trì giới Ba la mật.

Hỏi: Tai nhẫn nhục Ba la mật như thế nào?

Phật nói: Tai nghe tiếng xấu không sân giận. Đó là nhẫn nhục Ba la mật.

Hỏi: Mũi tinh tấn Ba la mật như thế nào?

Phật nói: Mũi biết hơi thở ra vào, luôn theo dõi, tinh tấn như vậy là tinh tấn Ba la mật.

Hỏi: Miệng Thiền Ba la mật như thế nào?

Phật nói: Miệng không mắng nhiếc, không nói hai lưỡi, không nói dối, không nói lời thêu dệt, yên tịnh như vậy là Thiền Ba la mật.

Hỏi: Ý trí tuệ Ba la mật như thế nào?

Phật nói: Này A Nan! Các ông hành đạo thường hiểu rõ, biết dẹp yên các cấu uế, ô trược, thanh tịnh tự nhiên và diệt hết các căn, không cho chúng hoạt động nữa. Đoạn các căn xong, không còn sinh trở lại.

Người hành đạo nên phát tâm bình đẳng rộng độ khắp hết thảy, xây dựng cầu pháp, phải khiến cho tất cả được vào cửa pháp, làm người nêu dẫn hướng đạo cho tất cả, không đầu, không cuối, không hình tướng, không nói năng, không biên giới, bờ mé, không trên, không dưới, xây dựng giáo pháp được như thế, ở trong cái vốn không mới hành trì pháp, mới là sứ giả cầu đạo của Như Lai.

Ngay trong tâm, nếu tâm ý không chánh thì đạo cũng không phát sinh hành động. Nên ở trong cái vốn không trừ bỏ cấu trược. Trong ngoài thanh tịnh, nhờ tịnh nên nhận thức rõ ràng, đạt đến an nhiên, mới thấy được cái tịnh của không.

Tịnh mà lại tịnh, không mà lại không, không cũng chẳng sở hữu, như vậy mới là đạo. Gốc của đạo là không, không chỗ nương tựa. Trên không có chỗ vin, dưới không có chỗ nương, bên trái không bị kéo, bên phải không chỗ giữ, đứng một cách an nhiên ở trên nền móng thanh tịnh.

Không của không không nên gọi là Niết Bàn. Ngay nơi có mà không thật có, nên gọi là có. Ngay nơi không mà chẳng không, nên gọi là không. Ngay nơi chứng đắc mà không chỗ chứng đắc, đó gọi là chứng đắc.

Thứ nhất: Bồ Tát Phát Ý.

Thứ hai: Bồ Tát Trì Địa.

Thứ ba: Bồ Tát Ứng Hạnh.

Thứ tư: Bồ Tát Sinh Quý.

Thứ năm: Bồ Tát Tu Thành.

Thứ sáu: Bồ Tát Hạnh Đăng.

Thứ bảy: Bồ Tát Bất Thoái Chuyển.

Thứ tám: Bồ Tát Đồng Chân.

Thứ chín: Bồ Tát Liễu Sinh.

Thứ mười: Bồ Tát Bổ Xứ.

***