Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU

THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU

THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM BA

PHẨM THÁNH ĐẾ
 

Phật nói với các Đại Bồ Tát, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, tám bộ chúng Trời, Rồng, Quỷ Thần, Cưu Bàn Trà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Tỳ Xá Già, Phú Đan Na, Ma Niệu Xá, A Ma Niệu Xá…

Nay ta sẽ giảng nói cho các người về Vô Thượng Đế của Đại Bồ Tát. Hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ.

Vì sao?

Vì từ số A tăng kỳ kiếp, ta tu tập đạo quả, chết đây sinh kia, luân hồi trong năm đường nhưng không bao giờ bỏ Vô Thượng Đế của Bồ Tát.

Bồ Tát tu tập Thánh Đế như thế nào?

Nghĩa là có Bồ Tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi ngồi nơi đạo tràng tu hành pháp vô ngại, không chấp vào sự chứng thiền, diệt tận các tưởng về ác.

Hoặc có Bồ Tát nhập vào cảnh giới Sơ Thiền, thấy hạnh thanh tịnh, xấu hổ để rồi nhàm chán, xả bỏ để tiến tới, sắp bước lên lục trụ, siêng năng tinh tấn đạo nghiệp, nhập vào cảnh giới Nhị Thiền, tâm hoát nhiên đại ngộ, giống như trăng sáng xua tan mây.

Tự quán trong thân mình, tâm phát thệ nguyện là kiên cố hay không kiên cố.

Tự đem tâm mình quán tâm chúng sinh, ai dễ độ, khó độ cũng đều biết tất cả.

Lúc này, tâm Bồ Tát rất là vui vẻ: Ta chắc chắn sẽ thành Phật, không có nghi ngờ, Quốc Độ được thanh tịnh, trừ dứt cấu uế cho chúng sinh, chiến thắng quân ma, chuyển pháp luân vô thượng vô thượng.

Ôi, vui thay! Phước báo sở nguyện ta đều được thành tựu!

Bấy giờ, Bồ Tát nhập vào định bất loạn, lấy tâm cân nhắc tâm, đem thân cân nhắc thân, liền được thành tựu Thánh Đạo thần túc.

Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, lễ lạy thờ phụng cúng dường Chư Phật Thế Tôn, nghe thọ pháp thâm diệu không chút trở ngại, không lo sợ, rồi đến nhập vào Tam Thiền, quán các sắc tướng đều là không, không có sở hữu.

Khi trụ vào Tam Thiền, quán các loài chúng sinh đều có thể phân biệt được rõ ràng: Họ chết đây sinh kia, chết kia sinh đây, tự biết đời trước và cũng biết họ từ đâu đến.

Đây là dòng Sát Lợi hay dòng Bà La Môn, dòng Cư Sĩ hay Trưởng Giả. Người tu hành, người không tu hành, đáng thọ quả, không đáng thọ quả. Hơi thở ra vào, chẳng phải hơi thở ra vào. Đây là bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, căn lực, thần túc, giác ý, Tám Thánh Đạo.

Người này nhất định ở nước ấy, chỗ ấy, trong chúng sinh ấy mà thành Phật. Tất cả hạng người trên, Bồ Tát đều biết cả. Đó gọi là Bồ Tát ở cảnh giới Tam Thiền đắc tâm thanh tịnh.

Lại nữa, Đại Bồ Tát ở nơi cảnh giới Tam Thiền mong muốn Bát Trụ, tuy trông mong nhưng không đắc.

Ngày đêm siêng năng tinh tấn cầu cho tâm được thanh tịnh, nhập vào Tứ Thiền, trước mắt tự thấy Chư Phật mười phương nói cho nghe pháp bất thoái chuyển của Tứ Thiền, giải thoát vô ngại, hành bốn thần túc, có thể phân một thân thành vô số thân.

Lấy vô số thân hợp lại thành một thân, nhập vào tam muội hỏa quang, biến khắp ba ngàn đại thiên thế giới, làm cho chúng sinh ấy thấy tam muội hỏa quang nên tâm rất đỗi kinh sợ, tự đến chỗ Bồ Tát mà quy y. Nhờ lực của tam muội mà được giải thoát.

Bấy giờ, trong Tứ Thiền phân biệt chân như, pháp tánh, tâm lui trở lại tu tập hạnh lục trụ.

Bồ Tát tự nghĩ: Nay ta chưa đắc địa bất thoái chuyển thì làm sao đắc Bát Trụ?

Thế rồi ở trong Tứ Thiền siêng năng tu tập, làm thanh tịnh hạnh của chúng sinh, thay thế chịu khổ cho họ.

Mặc dù hành pháp như vậy nhưng không tự khen ngợi, trừ bỏ tâm kiêu mạn, không còn chấp ngã, tu sáu tư niệm.

Mặc dù hành đạo ở chín nẻo chúng sinh nhưng tâm không đắm nhiễm, quyến luyến sinh tử, tâm hoát nhiên đại ngộ, đạt được bất thoái chuyển. Đó là Đại Bồ Tát đối với Thánh Đế mà đắc tâm thanh tịnh.

Thế rồi Bồ Tát nhập vào tam muội Không xứ, quán tâm thức của loài chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới này, tu pháp thanh tịnh, xa lìa những sự trói buộc, không còn thương tiếc gì cả, có thể tự mình sống một kiếp, hai kiếp, cho đến vô số kiếp.

Ở trong vô số kiếp ấy giáo hóa chúng sinh, người sống người chết từ từ hướng dẫn họ đạt đến đạo thanh tịnh. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ Tát nhập vào tam muội Thức xứ, quán cõi đi đến của các thần thức trong ba ngàn đại thiên thế giới này, dù là Cõi Trời, cõi người, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh, cõi địa ngục, người dễ độ, khó độ, vị Bồ Tát này đều biết cả. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ Tát nhập vào tam muội bất dụng xứ, quán các loài chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới là xanh, vàng, đỏ, trắng, nhiều hay ít thì tự nhàm chán không muốn ở lâu. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ Tát nhập vào tam muội Phi tưởng phi phi tưởng xứ, quán cõi đi đến của các thần thức nơi chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới này: Người sống, người chết, xanh vàng đỏ trắng, cao thấp đều làm cho các chúng sinh ấy biết sự chấm dứt của thọ mạng. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Thế rồi Bồ Tát nhập vào tam muội đại hư không, đại tịch tĩnh, quán cõi đi về của các loài chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới này, trên đến vô biên vô tận cõi, tư duy phân biệt tất cả pháp là không có. Đó gọi là Đại Bồ Tát ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Rồi Bồ Tát nhập vào tam muội vô hình giới, quán khắp các loài chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, mọi sự trói buộc của tâm không còn bị trói buộc nữa, thần thức không có hình tướng nên thức được quán cũng không có hình tướng. Với pháp vô hình, ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

***