Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU

THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU

THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM BA MƯƠI BA

PHẨM NGƯỜI
 

Khi ấy, trong chúng hội có Bồ Tát tên Pháp Ấn, nghe Như Lai nói sáu đại chúng sanh thọ thân năm ấm, phân biệt trong ngoài hiểu rõ đều là không, hoàn toàn không thật có, trong lòng nghi ngờ rằng thức làm loạn tưởng, chẳng phải pháp chân thật.

Ai là người?

Sao gọi là người?

Người từ đâu sanh?

Phật dạy Bồ Tát Pháp Ấn: Lành thay! Lành thay! Những gì ông hỏi đều là do oai thần của Chư Phật ứng tiếp.

Vì sao?

Vì vô số A tăng kỳ hằng hà sa Chư Phật ở quá khứ và vô số hằng hà sa Chư Phật ở vị lai đều phân biệt nguồn gốc con người với danh hiệu, tên họ không thể nghĩ bàn. Hàng Nhị Thừa, La Hán, Bích Chi Phật không thể nào tính lường được. Nay ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ.

Ta sẽ giảng nói rõ ràng cho ông: Ví như Thế Giới Ta Bà ở Diêm Phù Đề có hạt giống chúng sanh, điều này không đúng.

Vì sao?

Vì chẳng phải tánh chân thật, chẳng phải loài người.

Cõi Đông: Phất Vu Đãi cũng chẳng phải loài người.

Cõi Bắc: Uất Đàn Viết cũng chẳng phải loài người.

Cõi Tây: Câu Da Ni cũng chẳng phải loài người.

Trừ Cõi Vô Lượng Thọ Phật và Cõi A Súc Phật, trừ Cõi Trang Nghiêm, cõi hư không Phật, trừ các Bồ Tát trong hội hôm nay của ta, còn lại chẳng phải người.

Vì sao?

Vì từ xưa đến nay, cho đến lúc thành Phật, trong thời gian ban đầu không tạo ác. Đây gọi là loài người.

Giống như có người tu khẩu nghiệp đối với người không tu, đó gọi là loài người.

Người thọ pháp ba quy đối với người không thọ, đó gọi là loài người.

Người phụng trì năm giới đối với người không phụng trì, đó gọi là loài người.

Người tu hành Thập Thiện đối với người không tu hành, đó gọi là loài người.

Người hướng Tu Đà Hoàn đối với người không hướng, đó gọi là loài người.

Người đắc Tu Đà Hoàn đối với người không đắc, đó gọi là loài người.

Người hướng Tư Đà Hàm đối với người không hướng, đó gọi là loài người.

Người đắc Tư Đà Hàm đối với người không đắc, đó gọi là loài người.

Người hướng A Na Hàm đối với người không hướng, đó gọi là loài người.

Người đắc A Na Hàm đối với người không đắc, đó gọi là loài người.

Người hướng A La Hán đối với người không hướng, đó gọi là loài người.

Người đắc A La Hán đối với người không đắc, đó gọi là loài người.

Người hướng Bích Chi Phật đối với người không hướng, đó gọi là loài người.

Người đắc Bích Chi Phật đối với người không đắc, đó gọi là loài người.

Người hướng Phật Đạo đối với người không hướng, đó gọi là loài người.

Người đắc Phật Đạo đối với người không đắc, đó gọi là loài người.

Cho nên nói Nhân Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn là loài người.

Phật dạy Bồ Tát Pháp Ấn: Hãy lắng nghe cho kỹ. Chư Phật quá khứ đối với vị lai, hiện tại, đó gọi là loài người. Hiện tại đối với vị lai, đó gọi là loài người. Vị lai đối với quá khứ, hiện tại, đó gọi là loài người. Đối với pháp ba đời thì hiện tại đối với quá khứ, vị lai là đệ nhất.

Vì sao?

Vì trong hiện tại, Như Lai có thể hành pháp quá khứ, vị lai.

Vì sao?

Vì quá khứ đã qua, vị lai chưa đến, còn pháp hiện tại thì tự nhiên.

Chẳng phải quá khứ có thể diệt hiện tại, vị lai.

Chẳng phải vị lai có thể diệt quá khứ, hiện tại.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ:

Quá khứ Đẳng Chánh Giác

Dạy cứu độ chúng sanh

Phân biệt nguồn gốc người

Thượng, trung, hạ vi diệu

Hiện tại Phật tối thắng

Rõ khứ, biết vị lai

Diệt trừ kiết trước sau

Chiếu sáng như mặt trời

Những chúng sanh khổ hạnh

Hai chân và bốn chân

Giảng nghe pháp cam lồ

Đầy đủ trừ các tưởng

Chư Thiên hành thập thiện

Từ một, hai mươi hai

Trên Trời, dưới chẳng phải

Tạo công đức khác nhau

Như Lai đủ các tướng

Hành thiện không vết dơ

Tích đức như ánh sáng

Hạnh thanh tịnh không dơ

Nếu ai sanh phỉ báng

Nói Phật Đạo không thật

Chết đọa ngục A Tỳ

Chư Phật không cứu được

Hơi miệng hôi tanh dơ

Thân bị phiền não đốt

Niệm ác theo bùng dậy

Đều do tội phỉ báng

Hành thiện tu công đức

Thần thức đến cõi lành

Như người vào ao tắm

Sạch sẽ hết bụi dơ

La Hán, Bích Chi Phật

Đoạn diệt không còn sanh

Không còn nghĩ thân ta

Xa lìa năm đường khổ

Những pháp xưa Phật hành

Được Chư Phật ấn khả

Được mọi người tôn quý

Nên hiệu Tôn Trung Tôn.

Nói Kệ xong, Thế Tôn nói với Bồ Tát Pháp Ấn: Đó gọi là loài người. 

Bấy giờ, Bồ Tát Pháp Ấn liền đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, chấp tay thưa trước Phật: Lành thay, bạch Thế Tôn! Ngài nói nghĩa ấy rất hay. Đối với Như Lai thì chúng con trong hội này chẳng là loài người.

Vậy làm thế nào để thị hiện được làm loài người?

Phật dạy Bồ Tát Pháp Ấn: Hiểu biết các pháp là không, không có sở hữu, không có đây, không có kia, không thấy có đây kia. Đó gọi là loài người.

Quán sát pháp tánh không có quá khứ, hiện tại và vị lai. Hiểu biết pháp tánh là không tịch, không hai. Đó gọi là loài người.

Đối với bốn đạo quả, có người thành tựu, có người không thành tựu, không thấy có một, không thấy có hai. Đó gọi là loài người.

Đối với tướng của các pháp, không thấy trang nghiêm, không thấy có trang nghiêm, hiểu rõ đều là không tịch, chẳng phải một, chẳng phải hai. Đó gọi là loài người.

Cõi Phật thanh tịnh, trừ sạch dục nộ si, cũng không thấy tịnh, không thấy bất tịnh. Hai việc đều như hư không. Đó gọi là loài người.

Phân biệt ba mươi bảy phẩm đạo tánh có thành có bại, không thấy trong cõi tục có người, không có người. Đó gọi là loài người.

Phát tâm rộng lớn không vì riêng mình, làm an ổn cho chúng sanh, ở đâu đều không sợ, không thấy hữu trụ, không thấy vô trụ, hai việc đều bình đẳng. Đó gọi là loài người.

Phân biệt tâm không đắm nhiễm, giữ tâm giống như hư không, không bị lay chuyển. Không thấy định, cũng không thấy không định. Đó gọi là loài người.

Hướng dẫn chỉ chỗ lành cho những chúng sanh tà kiến, lấy tám pháp chân chánh để rửa sạch tâm dơ. Không thấy chánh, cũng không thấy không chánh. Đó gọi là loài người.

Đối với bốn bộ chúng: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di có đạo tâm kiên cố, không bị tham đắm, không thấy giới hạnh có phạm hay không phạm. Đó gọi là loài người.

Như vậy, đối với Pháp Như Lai thì Pháp Ấn càng làm lợi ích cho chúng sanh. Đối với Phật được trở lại tu các công đức, không luống qua một cách uổng phí. Bấy giờ trong chúng hội có bảy mươi ức chúng sanh đều phát đạo tâm vô thượng chánh chân, đối với loài người tu hành bất thối chuyển.

***