Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU

THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU

THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI

PHẨM DU BỘ
 

Bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa pháp y, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, thưa Thế Tôn: Lành thay! Lành thay!

Như Lai đã nói pháp bất tư nghì. Nay trong chúng đây có vị thấy đạo, có vị chưa thấy đạo, có vị trụ vào Tín Địa, có vị chưa trụ vào Tín Địa, có Bồ Tát từ Cõi Trời Quang Âm, Trời Hạp, Trời Ba Lợi Đà, Trời A Ba Na Ma, Trời A Hội Đản Tu, Trời Đạo A, Trời Tu Càn, Trời Tu Phất Kỳ Hâu, Trời Kiết Ma, cho đến Trời Nhất Cứu Cánh, Trời Hóa Tự Tại, Trời Tha Hóa Tự Tại.

Hoặc có Bồ Tát ở Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, cho đến Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Xứ.

Các vị ấy làm sao nhập vào thai để giáo hóa?

Thế Tôn dạy: Ông chớ nên hỏi như vậy.

Vì sao?

Vì Như Lai không bao giờ nói nghĩa như thế. Ta hỏi ông, ông hãy trả lời ngay cho ta.

Thế nào, này Di Lặc! Hư không có hình chất hay không có hình chất?

Di Lặc trả lời: Bạch Thế Tôn! Không có hình chất.

Thế Tôn hỏi: Thế nào, này Di Lặc! Nếu hư không không có hình chất thì tại sao chúng sanh có sanh, có già, có bệnh và có chết?

Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Với nhất nghĩa đế thì không có sanh, già, bệnh, chết. Do đó mà hư không không có hình chất.

Phật dạy Di Lặc: Nếu nó không có hình chất thì những chúng sanh này ai trao và ai nhận?

Vì sao Bồ Tát đến dưới gốc cây có lúc kinh hành, có lúc nhập định?

Làm sao Bồ Tát quán thân tướng của mình và quán thân tướng người khác?

Làm sao Bồ Tát hiện đi bảy bước, tự xưng mình thành Phật chiến thắng quân ma?

Và làm sao Bồ Tát tu sửa Đạo Tràng để mời thỉnh chúng sanh trong mười phương?

Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Như vậy, nếu hư không không hình chất thì thân tướng của Như Lai cũng là danh hiệu giả, cho đến nghĩa nhất cứu cánh đều không và không có sở hữu?

Phật hỏi Di Lặc: Nếu Bồ Tát hành về không thì làm sao đi đến mười phương để giáo hóa chúng sanh?

Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành về không vì không thấy Quốc Độ, cũng không thấy có Phật.

Chính Phật không phải Phật thì làm sao có Địa, Thủy, Hỏa, Phong và thức giới?

Vì ngã, người, thọ mạng đều là không tịch. Do đó mà không có thai phần.

Phật dạy Di Lặc: Ông ở Cõi Trời Ba Mươi Ba nói pháp không hành cho các Thiên chúng, trong số đó có ai thấy đạo, và ai chưa thấy đạo?

Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng Trời ấy do tưởng thường, tưởng lạc, tưởng tịnh, tưởng chấp ngã là ngã, cho nên không có sự thấy đạo và cũng không có bậc thấy đạo.

Phật dạy Di Lặc: Chư Thiên kia hữu sắc hành ấm hay vô sắc hành ấm?

Hữu báo ứng ấm hay vô báo ứng ấm?

Có phá hữu ấm hay không phá hữu ấm?

Có thọ nhập ấm hay không thọ nhập ấm?

Thanh hưởng ấm hay không thanh hưởng ấm?

Có trung gian ấm hay không trung gian ấm?

Có bỉ thử ấm hay không bỉ thử ấm?

Có cứu cánh ấm hay không cứu cánh ấm?

Có mặc nhiên ấm hay không mặc nhiên ấm?

Thế nào, này Di Lặc! Ở Cõi Trời nói chân pháp cho chúng Trời, ông có nói danh hiệu của các ấm này hay không?

Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Không.

Thế Tôn dạy: Thế nào, này Di Lặc! Chư Phật mười phương đã thọ ký cho ông thành đạo vô thượng chánh chân, như vậy có đạo chánh chân hay không có đạo chánh chân?

Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Không có đạo chánh chân. Nếu có đạo chánh chân thì đây cũng là danh hiệu giả. Nói về Di Lặc cũng là tên giả. Cũng như bổn tế của tự tánh cũng là danh hiệu giả. Sắc thân của Như Lai, tự thân ấy là không tướng, tự tướng cũng không, gốc ngọn thì gốc ngọn không, bỉ thử thì bỉ thử cũng không.

Vậy làm sao ông biết chắc có biệt hiệu là Di Lặc?

Nói tánh thì tự tánh không, nói hữu thì chính hữu là không. Nói vô thì chính vô là không.

Vô vốn thường trụ, làm sao khiến cho nó bất trụ?

Nói trụ thì chính trụ là không.

Nói tự tướng thì tự tướng không.

Nói ấm thì chính ấm là không.

Nói thai thì chính thai ấy là không, cho đến Đạo Tràng nói hành thì hành ấm không.

Bạch Thế Tôn! Do đó mà không có sự thấy đạo và chưa ai thấy đạo.

Phật lại dạy Di Lặc: Sự thấy đạo và người không thấy đạo thì có quả chứng hay không có quả chứng?

Là tánh hữu vi hay chẳng phải tánh hữu vi?

Là tánh vô vi trong hữu vi hay tánh vô vi trong vô vi?

Là tánh vô lậu trong hữu lậu hay tánh vô lậu trong vô lậu?

Là tánh hữu tận trong Dục Giới hay tánh vô tận trong Dục Giới?

Là tánh hữu tận trong Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc hay là tánh vô tận trong Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc?

Không giới là tánh diệt thức hay không giới chẳng phải tánh diệt thức. Cho đến hữu vi không, vô vi không, tự tánh không. Hữu cho hữu là không, vô cho vô là không, đại không, thủ không, một tướng vô tướng không.

Hữu Dư Niết Bàn Không, Vô Dư Niết Bàn Không, là tánh chứng đắc hay chẳng phải tánh chứng đắc?

Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Pháp chứng đắc chẳng phải pháp, phi pháp không phải pháp chứng đắc.

Phật dạy: Thế nào, này Di Lặc! Nếu pháp hữu vi chẳng phải vô vi, pháp vô vi chẳng phải hữu vi, vậy sao ông nói pháp có chứng đắc là không chứng đắc và pháp không chứng đắc cũng không chứng đắc?

Di Lặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Theo đệ nhất nghĩa thì trong pháp hữu tướng, vô tướng tìm cầu hữu vi chẳng phải vô vi hay tìm cầu vô vi chẳng phải hữu vi?

Phật dạy Di Lặc: Nay ta hỏi ông: Căn luận chân thật, chẳng phải vô căn luận, vậy thì hữu vi vô vi từ đâu sanh?

Nếu có thì tên nó là gì?

Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Hư không là tánh tịch diệt. Chữ nghĩa, tên gọi đều chẳng phải chân thật, đó là vô căn luận, chứ chẳng phải hữu căn luận.

Phật dạy Di Lặc: Vậy làm sao nghĩa căn sanh ra vô căn luận?

Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Đối với nghĩa thế tục thì căn là pháp tánh, vô căn là chứng tịnh, bất động cũng không phải bất động, là một tướng, vô tướng, cho đến pháp hữu vi vô vi, pháp hữu lậu vô lậu, pháp hữu đối vô đối, pháp sắc pháp vô sắc, pháp khả kiến pháp bất khả kiến, bất trụ cũng không phải bất trụ. Đó là nghĩa của vô căn.

Phật dạy: Lành thay! Bồ Tát hành về không đã hiểu rõ về vô căn, bất sanh không phải bất sanh. Vị lai chưa đến, hiện tại không trụ. Quá khứ đã diệt. Không chấp trước, không đoạn. Không trụ, cũng không phải không trụ.

Khi ấy, trong đại hội có Bồ Tát tên Phân Biệt Thân Quán, bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Con nghe Như Lai nói nghĩa vô căn: Nói có thân tướng, nói không có thân tướng. Nói có tự tánh không, nói không có tự tánh không.

Vậy nói về nghĩa vô căn là từ trong như mà sanh hay không phải từ trong như sanh ra?

Nghĩa vô căn có sanh diệt hay không có sanh diệt?

Pháp hữu đối hay chẳng phải pháp vô đối?

Pháp hữu sắc hay pháp vô sắc?

Pháp hữu vi hay pháp vô vi?

Pháp hữu lậu hay pháp vô lậu?

Pháp hữu tướng hay pháp vô tướng?

Có thân quán hay không thân quán?

Phật dạy Bồ Tát Phân Biệt Thân Quán: Cái gì là thân?

Cái gì là quán?

Thân làm sao để hành quán này?

Bồ Tát Phân Biệt Thân Quán thưa: Bạch Thế Tôn! Địa, thủy, hỏa, phong là thân ấm. Thức phân biệt là quán.

Phật dạy: Nói địa thì tự thể của địa là không, nói thủy thì tự thể của thủy là không, nói hỏa thì tự thể của hỏa là không, nói phong thì tự thể của phong là không, nói thức thì tự thể của thức là không, nói không thì tự thể của không là không… thì cái gì là thân, cái gì là quán?

Bồ Tát Thân Quán thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy.

Theo như lời của Ngài nói: Nếu pháp giới hư không đều không tịch, không có Phật mà nói Phật, không có pháp mà nói pháp, không có Tăng mà nói Tăng, không có đời này, đời sau, không có tội, không có phước thì sẽ khác với Đại Sư dạy không?

Phật dạy Bồ Tát Phân Biệt Thân Quán: Khi nhập vào định diệt tận, ông có thấy nhãn quán sắc, cho đến ý quán pháp không?

Bồ Tát Thân Quán thưa: Bạch Thế Tôn! Không.

Vì sao?

Vì trong định diệt tận không sanh cũng không diệt.

Phật dạy Bồ Tát Thân Quán: Đúng vậy! Đúng vậy!

Đúng như lời ông nói thì: Nhãn quán sắc. Sắc chẳng phải sắc của ngã, ngã chẳng phải sắc của nó. Thức chẳng phải thức của ngã, ngã chẳng phải thức của nó… cho đến thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng đều như vậy. Vì pháp chẳng phải pháp của ngã, ngã cũng chẳng phải pháp của ngã nên đối với nghĩa vô căn nó không tăng không giảm.

Nếu căn thanh tịnh thì đạo cũng thanh tịnh.

Nếu tướng không mà thanh tịnh thì cho đến cứu cánh không cũng đều thanh tịnh.

Nếu một mà thanh tịnh thì không có hai.

Nếu năm ấm tịnh, hành tịnh thì đạo cũng thanh tịnh.

Nếu hữu đối tịnh, vô đối tịnh, sắc tịnh thì đạo cũng thanh tịnh.

Nếu Bồ Tát tịnh, sáu trần tịnh thì đạo cũng thanh tịnh.

Nếu quyến thuộc tịnh, dòng họ tịnh thì đạo cũng thanh tịnh.

Nếu địa tịnh, trụ tịnh thì đạo cũng thanh tịnh.

Đó là nghĩa vô căn của Đại Bồ Tát.

Phật dạy Bồ Tát Thân Quán: Nếu khổ tịnh, không khổ không lạc tịnh thì đạo cũng thanh tịnh.

Nếu môn tịnh, chủng tịnh, sanh tịnh thì đạo cũng thanh tịnh.

Đó là nghĩa vô căn của Đại Bồ Tát.

Phật dạy Bồ Tát Thân Quán: Nếu Đạo Tràng tịnh, Quốc Độ tịnh, chúng sanh tịnh thì đạo cũng thanh tịnh. Đó là nghĩa vô căn của Đại Bồ Tát.

Nếu căn tịnh, lực tịnh, giác ý tịnh, đạo phẩm tịnh thì đạo cũng thanh tịnh.

Thế nào, này Bồ Tát Thân Quán!

Nay ta hỏi ông, ông hãy trả lời cho ta: Như Lai tu sửa Đạo Tràng, ngồi dưới gốc cây Thọ Vương, làm thế nào để phân biệt những loài chúng sanh theo pháp hữu ký hay pháp vô ký?

Nếu Pháp hữu ký thì là dơ cấu của trần lao, còn pháp vô ký cũng là dơ cấu của trần lao.

Vậy chẳng lẽ nên lấy vô ký để thọ ký cho chúng sanh sao?

Bồ Tát Thân Quán thưa: Pháp hữu ký chẳng phải dơ cấu của trần lao, mà pháp vô ký cũng chẳng phải trần lao.

Vì sao?

Vì dơ cấu trần lao là pháp thấp hèn mà pháp hữu ký vô ký là pháp cao thượng. Vậy không thể lấy vô ký mà đối trị với trần lao.

Vì sao?

Vì pháp trần lao là hạt giống Như Lai.

Phật dạy Bồ Tát Thân Quán: Thôi, thôi! Ông chớ nói như vậy.

Ông nói trần lao là pháp sanh tử, sao bây giờ lại nói là hạt giống của Như Lai?

Bồ Tát Thân Quán thưa: Bạch Thế Tôn! Thân của Như Lai là biến hóa chứ chẳng phải chúng sanh. Nếu là biến hóa thì không có cõi chúng sanh trong trần lao.

Giả sử chúng sanh mà có thân Như Lai thì dơ cấu trần lao chẳng phải là hạt giống Như Lai sao?

Phật dạy Bồ Tát Thân Quán: Đúng vậy! Đúng vậy!

Đúng như lời ông nói. Vì mượn danh hiệu tên chữ để có trần lao nhưng trong đệ nhất nghĩa không có trần lao.

Phật dạy Bồ Tát Thân Quán: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn thường dùng thiên nhãn quán ý thức sanh niệm trong một A tăng kỳ chúng sanh khắp mười phương thế giới.

Có người nhiều tâm dục, có người ít tâm dục.

Có người nhiều tâm sân, có người ít tâm sân.

Có người nhiều tâm si, có người ít tâm si.

Người có tâm giải thoát, người không có tâm giải thoát.

Người có tăng thượng mạn, người không có tăng thượng mạn.

Người dễ cứu cánh, người khó cứu cánh…

Những hạng người này Bồ Tát đều biết, đều quán hết tất cả rồi đến độ họ.

Làm thế nào mà Bồ Tát dùng thiên nhãn quán biết người dục ít, biết người dục nhiều?

Nghĩa là trong số người ấy, Bồ Tát hiện hình dâm nữ nói việc dâm dục với họ, làm cho họ khoái lạc khó quên, nhìn không nhàm chán, khiến cho ý dục của họ càng thêm hỷ lạc.

Sau đó từ từ nói với họ rằng: Thân là ô uế, vô thường, vô ngã, khổ, không, chẳng phải là thân. Dục là hầm lửa thiêu cháy tâm thức… để họ nhàm chán, lo sợ, không còn dâm dục nữa. Những chúng sanh này ở trong thai liền được thọ ký đạo vô thượng.

Này Bồ Tát Thân Quán!

Ông nên biết rằng: Nếu như chúng sanh này không sân giận, ngu si, đoạn dục thì họ được đắc dạo.

Hoặc có Bồ Tát kết bạn cùng với bọn người ấy, nói nghiệp sát sanh để họ khoái lạc khó quên: Ôi, vui thay! Sát sanh là làm giảm tuổi thọ của ông, còn tôi thì tăng tuổi thọ.

Sau đó từ từ nói cho họ nghe rằng: Sát sanh thì mắc tội rất nặng, nói cho họ một trăm lẻ tám tội nặng sát sanh rất là khổ não, đau đớn, rồi dìu dắt họ vào đạo, không còn chút dục si. Những người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ Tát kết bạn cùng với chúng, người kia nói mười đạo bất thiện, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo đều bất thiện, cho chân thật là hư ngụy, vô thường cho là thường, không cho là thật có, không có thân nói rằng có thân, khổ cho là vui, không có thế gian nói rằng có thế gian.

Sau đó, từ từ nói với họ về vô lượng biện tài, trí sâu rộng lớn, thấu triệt hết tất cả pháp, dựng cờ pháp cho họ rồi từ từ dẫn vào rừng trí huệ: Các người nên biết, nếu có ai còn nghi ngờ về ta thì nên lấy lửa trí huệ đốt tâm nghi ngờ của người ấy. Nếu người bố thí tay cầm của cải, có người thọ nhận mà hiểu rõ ba việc ấy là không, không có sở hữu, người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Thấy người giữ giới, giới phẩm thành tựu, không phạm một mảy may nào, hiểu rõ tất cả là không tịch, vắng lặng, không có sở hữu, người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng. 

Có chúng sanh lòng nhẫn nhục, không sân giận, nếu có người đến cắt, xẻ, giết nhưng lòng không chút tưởng giận, cho đến đầu, mắt, tủy, não vẫn không chút thương tiếc. Người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có chúng sanh tâm như kim cương, không có gì làm cản trở, hư hoại được, giả sử có người dùng lời dịu ngọt dụ dỗ: Kiếp số khó lường, luân hồi trong sanh tử khó có thể tránh khỏi, sao không tự độ mà lại thay thế chịu khổ nhọc cho chúng sanh kia, nhưng tâm Bồ Tát vẫn tiến lên, không bao giờ thối chuyển để rơi vào sanh tử. Người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có người hành thiền, tâm thức bất động, Ma Ba Tuần ở trên hư không làm sấm sét dữ dội, nhưng tâm Bồ Tát không bị lay động một mảy lông nào cả, huống chi làm cho vị ấy thối bỏ đạo thiền. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng. Nếu có chúng sanh phân biệt các hành, điều này có thể hành, điều kia không thể hành.

Nếu người nào tham đắm, yêu mến thân thì liền nói cho họ về bốn pháp ý chỉ, phân biệt rõ ràng về kho tàng cốt yếu của các pháp, rao bày, giảng nói vô lượng pháp giới. Người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ Tát nhập vào từ tam muội, thấy các loài chúng sanh đầy khắp cả vô lượng vô hạn tăng kỳ Hằng hà sa cõi ở phương Đông, rồi đem lòng từ bi thương xót muốn họ được giải thoát.

Ví như lấy từng hạt cát trong Sông Hằng đi qua Hằng hà sa cõi thả xuống một hạt, như vậy cát Sông Hằng tận nhưng tâm từ không tận.

Bồ Tát phát nguyện kiên cố khó lay động. Giả sử có người đến lấy thân Bồ Tát, tháo cắt xẻ từng miếng để đầy khắp ba ngàn đại thiên quốc độ nhưng Bồ Tát thấy máu biến thành sữa, giống như mẹ yêu con. Đó là Bồ Tát hành từ tam muội, người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ Tát nhập Bi tam muội với lòng từ bi thương xót muốn các loài chúng sanh trong vô lượng vô hạn tăng kỳ Hằng hà sa cõi ở phương Nam được giải thoát, lấy từng hạt cát trong Sông Hằng đi qua Hằng hà sa cõi thả xuống một hạt, như vậy cát Sông Hằng tận nhưng tâm bi không tận. Kham chịu thay thế những chúng sanh bị khổ kia. Tất cả đều là sự thề nguyền kiên cố của Bồ Tát.

Chúng sanh nào thấy với tâm thanh tịnh thì xa lìa các khổ, đoạn hẳn vọng tưởng, vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ Tát nhập vào Hỷ tam muội, với lòng nghĩ nhớ đến hỷ, muốn cho các loài chúng sanh ở vô lượng vô hạn A tăng kỳ Hằng hà sa cõi ở phương Tây được giải thoát, lấy từng hạt cát trong Sông Hằng, cứ qua Hằng hà sa cõi thì thả xuống một hạt, như vậy cát Sông Hằng tận mà tâm hỷ không tận.

Nếu chúng sanh ấy nhập vào hỷ tâm thì tự mình vui thích. Đây đều là Bồ Tát phát tâm kiên cố và ở trong thai thành đạo vô thượng. Có Bồ Tát nhập vào Xả tam muội, sợ vô lượng vô hạn A tăng kỳ Hằng hà sa chúng sanh ở phương Bắc có hạnh sứt mẻ lủng chảy, liền nuôi dưỡng, ủng hộ, không cho họ bị chìm đắm.

Lấy từng hạt cát trong Sông Hằng, cứ đi qua hằng hà sa cõi thả xuống một hạt, như vậy cát Sông Hằng tận nhưng tâm xả không tận.

Đây đều là Bồ Tát thệ nguyện kiên cố, vị này ở trong thai thành đạo vô thượng. Đối với lòng đại từ đại bi, tu pháp chân thật của Bồ Tát thì chẳng phải sở hành của La Hán, Bích Chi Phật. Bồ Tát muốn cho tất cả chúng sanh khắp bốn phương một khi nghe âm thanh liền tìm tiếng mà đến. Đây đều là thệ nguyện kiên cố của Bồ Tát, vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

***