Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU

THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU

THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI MƯƠI NĂM

PHẨM QUANG ẢNH
 

Khi ấy ở trong thai, Đức Thế Tôn giảng rộng về đại thừa bất khả tư nghì. Vì sắp diệt độ nên Ngài thị hiện đức bóng ánh sáng, làm cho chúng hội đều cùng một màu, giống như màu vàng ròng của Phật không khác.

Chư Thiên, Rồng, Thần, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân, Phi Nhân và bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di có người hướng đến quả, có người đã đắc quả cũng đều một màu.

Ai nấy đều muốn nghe Như Lai nói về bóng ánh sáng nên định ý gây dựng công đức, giải thoát vô ngại, có bốn biện tài, ứng đối rất mau lẹ, tưởng tri đều diệt tận, cứu giúp và gánh nặng cho mọi người, đi đứng nằm ngồi không mất oai nghi.

Theo pháp Chư Phật thường giảng nói về khổ tập diệt đạo, dìu dắt chúng sanh vào bốn ý chỉ tứ niệm xứ, thành tựu đoạn ý, giác lực, sư tử vô úy, tám con đường của Bậc Thánh, không vô tướng vô nguyện.

Bấy giờ, trong hội chúng có Bồ Tát tên Hiền Quang, đứng dậy trịch bày vai phải, gối phải sát đất, chấp tay thưa trước Phật: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn phóng ánh sáng này chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới.

Ánh sáng được hóa này, có giống như Phật hóa không?

Công đức của sức Phật chẳng phải một, chẳng phải hai, ánh sáng này tiếp xúc không thể cùng tận.

Hai đức hạnh này có khác nhau không?

Cúi xin Đức Thế Tôn giải thích những mối nghi ngờ để cho người chưa tin dứt hẳn hồ nghi.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Hiền Quang: Những điều ông hỏi đều là do thần lực của Như Lai.

Vì sao?

Vì ánh sáng thần diệu của Như Lai là để cứu độ chúng sanh nên không bị chướng ngại.

Từ cõi Diêm Phù Đề lên đến Trời Quả Thật, ánh sáng chiếu xa, giảng nói sáu độ vô cực: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đúng như thần lực của Phật độ thoát chúng sanh, không còn kia, không còn đây. Vô số A tăng kỳ chúng sanh được cứu độ đều là nhờ ánh sáng mát dịu của Đức Phật che chở.

Khi ấy, ánh sáng tự nhiên vang tiếng nói Kệ:

Quá khứ vô số Phật

Đều phóng ánh sáng này

Mỗi mỗi vầng ánh sáng

Nói sáu Độ vô cực

Giới, nhẫn, giải thoát môn

Thích pháp để tự vui

Trước nói ba không định

Kế tiếp thành tựu đạo

Những người bị ba độc

Không trói, không bị trói

Bốn mươi tám kiết sử

Không cứu, không được cứu

Chẳng thật người hành đạo

Những nơi đã trải qua

Sống an vui ba chỗ

Dấu chân thần rất quý

Đi qua rất cao thượng

Đạt đến bờ vô vi

Lập hạnh không thối chuyển

Vô úy sức oai thần

Được thần quang tiếp độ

Hơn trăm ức vạn lần

Như mỗi ánh sáng kia

Phân làm số bụi trần

Một bụi là các cõi

Vô số không thể lường

Sức Phật không cùng tận

Chẳng có cũng chẳng không

Ánh sáng giảng nói pháp

Độ thoát A tăng kỳ

Pháp thân tự nhiên không

Trong ngoài hạnh thanh tịnh

Tám vạn tư phiền não

Định tâm không tán loạn

Xưa ta chín mươi hai

Kiếp số khó thể lường

Ngồi thẳng dưới gốc cây

Hành đạo không thối lui

Trời, người, tu luân, quỷ

Năn nỉ hỏi nghĩa ta

Ánh sáng lại tiếp độ

Độ thoát vô ương số

Quá khứ Phật Thức Khí

Phóng ánh sáng dạy sau

Ai vào ánh sáng ấy

Tiêu diệt khổ ba độc

Tiếp Phật Duy Vệ Tôn

Thần đức không thể lường

Cũng lại phóng ánh sáng

Cứu vớt người khổ não

Câu Na Hàm Mâu Ni

Đấng ra khỏi ba cõi

Hiện ở núi Tiên Nhân

Ánh sáng luôn rực rỡ

Câu Lưu: Trời trong Trời

Không vướng, không bị nhiễm

Tịch diệt nhập Niết Bàn

Phóng quang sau giáo hóa

Ca Diếp Bổn Vô Tôn

Độ người không thể lường

Cũng lấy đức ánh sáng

Độ người chưa được độ

Ta, Thích Ca Mâu Ni

Nói pháp ở trong thai

Thân đây, ánh sáng kia

Biến khắp các Cõi Phật

Đối với người tiểu tiết

Không thể nào lường nổi

Chỉ Phật lường được Phật

Công đức không khác nhau

Chư Phật ở vị lai

Đều hiện phóng ánh sáng

Hiện để độ chúng sanh

Ánh sáng trước, pháp sau.

Khi Thế Tôn nói kệ này xong, có bảy trăm bảy mươi ức chúng sanh nghe Phật nói thần đức quang minh này, ngay tại chỗ ngồi đều phát tâm vô thượng bình đẳng.

***