Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tự Tại Vương

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TỰ TẠI VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN BA
 

Này Tự Tại Vương! Sao gọi là Như ý túc tự tại của Đại Bồ Tát?

Nếu Bồ Tát với tâm tự tại thì từ thánh tướng sinh như ý túc, dục lực, tấn lực, đoạn hành, tín giải lực. Bồ Tát đạt được tín giải như ý túc này, chẳng phải tạo tác, chẳng phải khởi.

Nếu Bồ Tát muốn đến khắp hằng hà sa Thế Giới, chỉ trong khoảng một niệm, liền đến. Tất cả chúng sinh ấy đều thấy vị Bồ Tát đó đến. Nhưng trước khi đến, Thế Giới ấy không bị lay động, các chúng sinh kia thấy vị Bồ Tát đó nói pháp không dứt.

Này Tự Tại Vương! Đó gọi là Như ý túc của Đại Bồ Tát.

Bồ Tát dùng như ý túc tự tại này: Nếu có chúng sinh đáng dùng Như ý túc để độ thì dùng như ý túc mà độ.

Nếu các hàng Trời, người tham đắm vào tướng thường thì nên chỉ bày cho họ thấy kiếp thiêu, các chúng sinh này sẽ thấy tam thiên đại thiên Thế Giới, đều bị cháy sạch, nhưng Thế Giới này vẫn không bị tổn giảm. Nếu có chúng sinh tâm ngã mạn, tự đại. Bồ Tát liền hiện ra một vị thần, tay cầm chày Kim Cang khai thị, khiến họ sinh tâm kinh sợ, bỏ đi tâm ngã mạn, tự đại. Tự quay về lễ kính.

Nếu có chúng sinh ham thích thân hình của Chuyển Luân Vương thì liền hiện thân Chuyển Luân Vương, vì họ nói pháp. Nếu có chúng sinh thích thân của Thích Đề Hoàn Nhân, liền hiện thân Thích Đề Hoàn Nhân mà vì họ nói pháp. Nếu có chúng sinh thích thân Phạm Thiên Vương thì liền hiện thân Phạm Thiên Vương để vì họ nói pháp.

Nếu có chúng sinh thích thân ma vương, liền hiện thân ma vương mà vì họ nói pháp. Nếu có chúng sinh thích thân Phật, liền hiện thân Phật, vì họ nói pháp. Bồ Tát vì chúng sinh mà ngồi kiết già, trụ giữa hư không, thân phóng ra hào quang sáng chói, rồi vì họ nói pháp.

Hoặc có chúng sinh muốn trang nghiêm Thế Giới thanh tịnh, liền trang nghiêm tam thiên đại thiên Thế Giới, treo các loại cờ, lụa, lọng, dựng các cờ phướn, dùng lưới báu phủ lên trên, đốt các loại danh hương, tấu lên các loại âm nhạc, rồi mới nói pháp.

Hoặc vì chúng sinh mà hiện tam thiên đại thiên Thế Giới thành một biển, có các loại hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng. Mọc đầy trên biển ấy. Trong biển lại hiện ra một Tòa Sư Tử, Bồ Tát ngồi trên tòa này, nói pháp. Hoặc vì chúng sinh mà hiện thân ngồi trên đỉnh núi Tu Di vì họ nói pháp, tiếng vang thấu đến Phạm Thiên.

Hoặc vì chúng sinh không hiện thân. Chỉ dùng âm thanh vì họ nói pháp. Hoặc vì chúng sinh, hiện Càn Thát Bà, dùng các âm nhạc để Thuyết Pháp. Hoặc vì chúng sinh, hiện thân Long Vương, làm nổi lên mây sấm sét, phóng ánh chớp lớn, tuôn trận mưa lớn, vì họ nói pháp.

Hoặc có chúng sinh, bị đói khát bức bách, liền đem thức ăn của Chư Thiên ban cho họ được no đủ, vui thích an lạc, rồi lúc đó, mới nói pháp. Nếu có chúng sinh, ở địa ngục bị khổ não bức bách, Bồ Tát dùng thần lực dập tắt lửa địa ngục, dùng khí trong sạch của Chư Thiên làm cho họ được an lạc. Rồi mới nói pháp.

Nếu có người mù, Bồ Tát dùng thần lực, ban cho thiên nhãn và làm mắt họ được sáng ra, mới nói pháp. Nếu có người bị điếc, Bồ Tát dùng Như ý thần lực ban cho nhĩ căn, khiến họ nghe được, rồi nói pháp. Nếu có người mang nhiều chứng bệnh, Bồ Tát dùng thần túc, làm cho họ hết bệnh, mới nói pháp.

Nếu có người bị phạm tội đưa đến pháp trường, Bồ Tát dùng như ý thần lực hóa người để thay vào và làm cho người có tội kia, tâm được an lạc, nhân đó mới nói pháp. Nếu có chúng sinh bị chặt tay, chém chân, cắt tai, xẻo mũi, thân thể hôi thối, luôn xấu hổ muốn chết, Bồ Tát liền dùng như ý thần lực làm cho họ được trọn vẹn trở lại, mới nói pháp.

Nếu có chúng sinh ở trong thai, chịu sự bất tịnh của máu, phân, Bồ Tát dùng Như ý thần lực hóa làm đài báu, lầu gác, khiến chúng sinh ấy, ở trong đó, cũng có đầy đủ ý thức, mới nói pháp. Nếu có chúng sinh mới sinh ra các căn chưa thành, Bồ Tát dùng Như ý thần lực, làm cho họ được đầy đủ, có thể lắng nghe nhận lãnh thọ, rồi nói pháp.

Này Tự Tại Vương! Đây gọi là như ý túc tự tại của Bồ Tát. Dùng các thần lực, không thể nghĩ bàn như vậy, nói pháp cho các chúng sinh.

Bồ Tát dùng thần lực Như ý hóa độ chúng sinh phụng thờ mặt trời, mặt trăng, bằng cách đem tam thiên đại thiên Thế Giới để trong lòng bàn tay phải, rồi ném qua vô lượng, vô biên Thế Giới khác, làm cho mọi người đều thấy rõ việc đó, nhưng ngay Thế Giới này vẫn không bị lay động.

Lại đem hằng hà sa Thế Giới, bỏ vào lỗ chân lông, bay đến Phạm Thiên rồi ném qua vô lượng Thế Giới khác, khiến cho các chúng sinh không còn ý tưởng đến đi. Nếu hằng hà sa vô lượng Thế Giới bị lửa đốt sạch, Bồ Tát chỉ thổi lửa liền tắt hết. Hoặc dùng hai tay che mặt trời, mặt trăng, thân phát ra ánh sáng chiếu khắp các Thế Giới, mới nói pháp.

Tự Tại Vương! Bồ Tát này, ngồi trước các Đức Phật, nếu muốn cúng dường Phật thì liền có một đóa hoa cúc lớn như núi Tu Di rải trên thân Phật, hoa rải đó cao đến nửa thân. Lại có thể làm tất cả cỏ cây trong tam thiên đại thiên Thế Giới, thành một cây đuốc, lửa cháy rơi như mưa khắp cả Thế Giới.

Này Tự Tại Vương! Đấy là Bồ Tát tùy theo sự ham thích hình sắc của chúng sinh, mà hiện ra Đế Thích hoặc Phạm Thiên, hoặc thân Thanh Văn hoặc thân Bích Chi Phật.

Đây gọi là thần thông tự tại của Bồ Tát, là thiên nhãn thấy không bị chướng ngại, là thiên nhĩ nghe không bị chướng ngại, là tha tâm trí đạt được tất cả tâm, tâm pháp, chứng túc mạng trí nhớ đến việc thuở quá khứ vô lượng A tăng kỳ kiếp, là đạt như ý túc đối với tất cả hình sắc, tùy theo ý muốn của chúng sinh mà thị hiện.

Này Tự Tại Vương! Thần thông tự tại là có khả năng đem tất cả Phật Sự, chỉ bày cho các chúng sinh và cũng phân biệt một cách rõ ràng, về các căn lanh lẹ hay chậm hụt của chúng sinh.

Hoặc có thể dùng Thanh Văn thừa để hóa độ chúng sinh, dùng Bích Chi Phật để hóa độ chúng sinh, hoặc dùng Đại Thừa để hóa độ chúng sinh. Ở trong sinh tử là tri thức của chúng sinh. Xuất gia hành đạo trong pháp thiện, là tri thức ở trong chúng.

Dùng phương tiện lực, là tri thức trong chúng, hồi hướng bố thí Ba la mật là tri thức trong chúng. Hồi hướng thi la Ba la mật, sằn đề Ba la mật, Tỳ lê da Ba la mật, thiền Ba la mật, bát nhã Ba la mật là tri thức trong chúng, hàng phục các ma khiến cho ma gieo trồng căn lành. Đây gọi là thần thông tự tại.

Lại nữa, này Tự Tại Vương! Bồ Tát đạt thần thông tự tại này thì sắc thân, danh tiếng, dòng họ, tài vật, quyến thuộc, dân chúng đều thù thắng đều là tri thức trong chúng. Thế nên gọi là thần thông tự tại.

Lại nữa, này Tự Tại Vương! Bồ Tát đạt thần thông tự tại, nên là tri thức trong chúng, nghĩa là tri thức trong hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân, Đế Thích, Phạm Vương và các vị hộ thế. Chư Phật, các bậc chánh biến tri đều là chỗ tri thức. Thế nên gọi là nhiều tri thức.

Tự Tại Vương! Bồ Tát dùng thần thông bất thoái này, mà thị hiện tất cả việc mà mình vốn đã thệ nguyện.

Này Tự Tại Vương! Sao gọi là Trí tự tại của Đại Bồ Tát?

Nghĩa là ấm trí, tánh trí, nhập trí, nhân duyên trí, đế trí.

Tự Tại Vương! Thế nào là ấm trí?

Vì sắc của khoảng trước là không, khoảng sau cũng không, khoảng giữa cũng không. Thọ, tưởng, hành, thức chặng trước không, chặng sau không, chặng giữa cũng không, năm ấm rốt ráo không. Đây gọi là ấm trí.

Tự Tại Vương! Thế nào là tánh trí?

Địa tánh là pháp tánh, thủy tánh là pháp tánh, hỏa tánh là pháp tánh, phong tánh là pháp tánh.

Vì sao?

Vì bốn tánh, nhập vào pháp tánh, làm thành một tánh. Cho nên gọi là không tánh. Không tánh, pháp tánh đồng một vô tánh, trong đó không có địa tánh, không có thủy tánh, không có hỏa tánh, không có phong tánh.

Vì sao?

Vì tánh không hoại là pháp tánh. Tánh không hai là pháp tánh, tánh không sinh là pháp tánh, tánh không nhơ là pháp tánh, tánh không sạch là pháp tánh.

Cũng như pháp tánh thì tánh, chúng sinh tánh, sinh tử tánh, Niết Bàn tánh cũng như vậy. Như Niết Bàn tánh thì tánh, sắc tánh, vô sắc tánh, hữu vi tánh, vô vi tánh cũng đều như vậy. Những tánh trí như thế, không phải từ nơi người khác mà được.

Đây gọi là tánh trí.

Này Tự Tại Vương! Thế nào là nhập trí?

Mắt từ xưa đến nay không sinh không khởi, không có tác giả. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý từ xưa đến nay, không sinh, không khởi, không có tác giả.

Này Tự Tại Vương! Mắt không có chủ tể, trong đó không có người thấy. Tai không có chủ tể trong đó không có người nghe. Mũi không có chủ tể, trong đó không có người ngửi. Lưỡi không có chủ tể, trong đó không có người nếm. Thân không có chủ tể, trong đó không có người giác xúc. ý không có chủ tể trong đó không có người biết.

Này Tự Tại Vương! Tánh của mắt không thể thấy sắc. Tánh của lỗ tai không thể nghe tiếng. Tánh của mũi không thể ngửi. Tánh của lưỡi không thể biết vị. Tánh của thân không thể giác xúc. Tánh của ý không thể biết pháp.

Vì sao?

Vì mắt không có chỗ tạo ra, nên giống với đất đá cây cỏ. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều vô sở tác, cho nên cũng giống với đất đá cỏ cây.

Này Tự Tại Vương! Mắt không nhiễm không lìa. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý không nhiễm không lìa.

Vì sao?

Vì từ xưa đến nay, mắt rời tướng, từ xưa đến nay tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lìa tướng.

Tự Tại Vương! Nếu biết tất cả nhập như vậy, có thể lìa dục, đây gọi là nhập trí.

Này Tự Tại Vương! Bồ Tát biết tánh các ấm, là nhập không sinh không khởi như vậy, là vì rốt ráo diệt, diệt rồi mà thọ sinh thoái mất. Tuy thọ ấm tánh nhập, nhưng không xả trí của ấm tánh nhập.

Đây gọi là trí tự tại. Nghĩa là biết ấm tánh nhập, biết tướng ấm tánh nhập mà không xả, vẫn hiện hữu trong Ba Cõi, không trụ vào các kết sử, dù thị hiện sinh diệt, nhưng không sinh diệt. Đây gọi là trí tự tại.

Này Tự Tại Vương! Thế nào là duyên trí?

Vô minh duyên hành, vô minh không nghĩ rằng, ta dấy khởi hành. Hành duyên thức, hành không nghĩ rằng ta khởi thức. Thức duyên danh sắc, thức không nghĩ rằng, ta khởi danh sắc.

Danh sắc duyên sáu nhập, danh sắc không nghĩ rằng, ta khởi sáu nhập. Sáu nhập duyên xúc, sáu nhập không nghĩ rằng, ta khởi xúc.

Xúc duyên thọ, xúc không nghĩ rằng, ta khởi thọ. Thọ duyên ái, thọ không nghĩ rằng ta khởi ái. Ái duyên thủ, ái không nghĩ rằng, ta khởi thủ. Thủ duyên hữu, thủ không nghĩ rằng ta khởi hữu.

Hữu duyên sinh, hữu không nghĩ rằng ta khởi sinh. Sinh duyên lão tử, sinh không nghĩ rằng, ta khởi lão tử. Lão tử duyên ưu bi khổ não, lão tử không nghĩ rằng, ta khởi ưu bi khổ não.

Này Tự Tại Vương! Nếu Bồ Tát quán mười hai nhân duyên như vậy thì không rơi vào các kiến chấp, là đoạn kiến, hoặc thường kiến, Bồ Tát khởi lên ý nghĩ này: Pháp là thuộc về các duyên, suy tìm về các duyên, không thể được. Như vậy ở nơi mười hai nhân duyên, sẽ được chân trí.

Sao gọi là Chân trí?

Là biết được mười hai nhân duyên sinh pháp đồng với vô sinh, vô sinh đồng với không, vô tướng, vô tác. Không, vô tướng, vô tác đồng với các pháp duyên sinh, dụng bình đẳng của Như Lai thì đạt được tất cả pháp.

Pháp này đồng với mười hai pháp duyên sinh. Mười hai pháp duyên sinh không có pháp sinh. Thế nên nói cần thấy mười hai duyên sinh không có sinh. Trí mười hai duyên không có sinh, tức là trí mười hai duyên sinh.

Này Tự Tại Vương! Minh và vô minh không hai, người biết như vậy tức là biết pháp duyên sinh. Hành và chẳng phải hành thì không hai, người biết như vậy là biết pháp duyên sinh. Thức và chẳng phải thức thì không hai, người biết như vậy tức là biết pháp duyên sinh.

Danh sắc và không phải danh sắc thì không hai, người biết như vậy, là biết pháp duyên sinh. Sáu nhập và không phải sáu nhập thì không hai, người biết như vậy tức là biết pháp duyên sinh. Xúc và chẳng phải xúc thì không hai, người biết như vậy, là biết pháp duyên sinh.

Thọ chẳng phải thọ không hai, người biết như vậy là biết pháp duyên sinh. Ái và chẳng phải ái thì không hai, người biết như vậy là biết pháp duyên sinh. Thủ và chẳng phải thủ thì không hai, người biết như vậy là biết pháp duyên sinh.

Hữu và chẳng phải hữu thì không hai, người biết như vậy là biết pháp duyên sinh. Sinh và chẳng phải sinh thì không hai, người biết như vậy là biết pháp duyên sinh. Lão tử và chẳng phải lão tử thì không hai, người biết như vậy là biết pháp duyên sinh.

Đã từ duyên sinh thì không có nơi chốn, từ duyên sinh tức là vô ngã, là không, từ duyên sinh thì không đến, không đi, từ duyên sinh thì không phải chân thật, từ duyên sinh thì không có một tướng, từ duyên sinh thì không sở hành.

Người biết như vậy thì gọi là trí duyên sinh, thấy pháp duyên sinh thì không thấy vô minh, không thấy hành, không thấy thức, không thấy danh sắc, không thấy sáu nhập, không thấy xúc, không thấy thọ, không thấy ái, không thấy thủ, không thấy hữu, không thấy sinh, không thấy lão tử. Nếu người không thấy pháp như vậy thì gọi là thấy pháp duyên sinh. Nếu thấy pháp duyên sinh thì gọi là thấy pháp.

Thế nào là thấy pháp, thấy lìa nhiễm pháp?

Thế nào là lìa nhiễm hành?

Vì ở nơi tất cả pháp mà thấy lìa nhiễm thì gọi là lìa nhiễm, nên nói là thấy lìa nhiễm pháp.

Thế nào là thấy không bị tăng, không bị giảm?

Thấy như vậy thì như không bị động không tham đắm, thấy như vậy thì như không hoại pháp tánh, cũng không thấy hợp. Như cùng với pháp tánh, không hoại, không hợp. Người thấy như vậy, là không hoại thật tế. Người thấy như vậy, cũng không thấy. Không phải dùng nhục nhãn mà thấy, không phải dùng thiên nhãn mà thấy, không phải dùng tuệ nhãn mà thấy.

Vì sao?

Vì nhục nhãn là vô tác cho nên không thấy. Thiên nhãn tác khởi tướng, nên không thấy pháp vô vi. Tuệ nhãn với tướng vô phân biệt, mà không phân biệt, cho nên không thấy.

Này Tự Tại Vương! Nếu Bồ Tát thấy tất cả pháp như vậy, có thể thấy Phật.

Không vì sắc cho nên thấy, không vì thọ, tưởng, hành, thức cho nên thấy, không vì các tướng cho nên thấy, không vì pháp, nên thấy, không vì giới, nên thấy, không vì định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, nên thấy, không vì quá khứ, nên thấy, không vì vị lai hay hiện tại cho nên thấy. Người thấy như vậy mới gọi là thấy Phật.

Bồ Tát Tự Tại Vương bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có sở duyên, Bồ Tát thấy các pháp như vậy, có thể thấy được Phật chăng?

Phật đáp: Có.

Vì sao?

Vì sắc là tướng tận, tánh không có sinh, cho nên thấy sắc như vậy, đây gọi là thấy Như Lai. Thọ, tưởng, hành, thức là tướng tận, tánh không có sinh, nên thấy thọ, tưởng, hành, thức như vậy, đây gọi là thấy Như Lai.

Vì giới là tướng vô vi, vô tác, vô khởi, cho nên đã có thể thấy giới như vậy, đây gọi là thấy Như Lai. Định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến… cũng như vậy, đây gọi là thấy Như Lai.

Này Tự Tại Vương! Vào quá khứ thời Phật Nhiên Đăng, ta được thấy Phật thanh tịnh. Khi ấy, ta nhờ thấy được pháp duyên sinh, cho nên thấy pháp. Do thấy pháp, nên thấy Như Lai.

Tự Tại Vương thưa: Trước thời Phật Nhiên Đăng, sao gọi là thấy Chư Phật?

Phật đáp: Vì là đem tướng sắc thân để thấy, nên thấy. Không dùng pháp thân bất nhị để thấy, nên thấy.

Nay vì ông mà nói: Ta từ lúc mới phát tâm, chưa bao giờ thấy Phật.

Vì sao?

Vì không đem sắc tướng để thấy, nên gọi là thấy Phật.

Thế nên, này Tự Tại Vương! Nếu Bồ Tát muốn được thấy Phật thì cũng như ta thấy Phật Nhiên Đăng. Vì các pháp là một tướng.

Sao gọi là một tướng?

Vì thân ta, thân Phật Nhiên Đăng đều cũng vậy, thân Phật Nhiên Đăng, thân ta cũng như vậy. Vì là một thân cho nên không hai, không phân biệt, nhập vào một pháp tướng. Đây gọi là thấy pháp duyên sinh.

Vì thấy pháp duyên sinh, nên gọi thấy pháp. Do thấy pháp, nên thấy Phật. Nếu Bồ Tát ở trong hết thảy niệm chứng diệt mà không thật diệt thì sinh tử không thể được, mà phải dùng trí phương tiện để chỉ bày. Đây gọi là trí tự tại của Bồ Tát.

***