Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tự Tại Vương

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TỰ TẠI VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN BỐN
 

Này Tự Tại Vương! Sao gọi là Đế trí của Đại Bồ Tát?

Người cầu Thanh Văn dùng đế pháp để chứng Thanh Văn giải thoát. Bồ Tát tuy được đế này, nhưng không chứng giải thoát, gọi là tự tại. Người cầu Bích Chi Phật là dùng đế pháp, để chứng Bích Chi Phật giải thoát, Bồ Tát tuy được đế này, nhưng không chứng giải thoát, nên gọi là tự tại.

Đế trí tức là tri kiến khổ đế hư vọng.

Sao gọi là tri kiến khổ hư vọng?

Không thật đắc, nên khổ, do điên đảo, nên có. Nếu Bồ Tát biết khổ không sinh, không khởi, là đã thấy khổ đế.

Sao gọi là đoạn tập, các pháp tùy tập đoạn?

Sao gọi là tập?

Tập là bình đẳng, nên đoạn cũng như vậy. Vì tập không từ đâu đến. Cho nên tập cũng không đi về đâu. Vì vậy nên đoạn. Đó gọi là tánh của các pháp, trong đó, không có thật pháp. Sinh rồi sẽ đoạn, vì theo sự sai khiến của ái nên có tập, nếu như đoạn được ái rồi, gọi là đoạn tập.

Sao gọi là khổ diệt đế?

Là diệt khổ tập một cách rốt ráo, nhưng không có pháp để hoại, đó là khổ diệt. Vì tất cả các duyên tướng diệt cho nên tất cả pháp diệt tướng cũng vậy. Trong đó, không sinh, không diệt cho nên gọi là diệt đế.

Sao gọi là đạo đế?

Tùy theo việc đem đạo nào để tìm cầu tất cả pháp bất đắc. Hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc hữu vi, hoặc vô vi. Đây gọi là đạo đế.

Đó là đạo bình đẳng, không phân biệt tất cả pháp, là đạo tịch diệt, lìa hết sự trói buộc của phiền não. Là đạo an lạc lìa mọi ưa não. Là đạo vô lậu, tất cả lậu tận. Là đạo bất năng hành cho tất cả những hữu sở đắc.

Vì chánh hạnh thiền định là rất dễ tu hành. Là đạo Chư Phật đã không rời bỏ. Là đạo dùng vô tướng để đoạn tất cả tướng. Cho nên dùng đạo như vậy thì không rơi vào hai. Đây gọi là đạo đế.

Nếu Bồ Tát dùng phân biệt này, để biết Tứ Đế thì gọi là đế trí. Nếu Bồ Tát trước đem Tứ Đế để nói pháp cho những người cầu Thanh Văn, Bích chiphật, mà đối với thừa này cũng không có chỗ tham đắm, gọi là đế trí tự tại.

Lại nữa, này Tự Tại Vương! Bồ Tát biết Thanh Văn thừa, không trụ trong đó. Biết Bích Chi Phật thừa, không trụ trong đó. Biết Phật thừa, cũng không trụ trong đó. Đây gọi là đế trí tự tại.

Lại nữa, này Tự Tại Vương! Nếu dùng một tâm để biết tất cả tâm chúng sinh. Dùng một tâm tánh để biết tất cả tâm tánh, nhưng đối với tâm trí, Bồ Tát không khởi nhị hành. Đây gọi là trí tự tại.

Lại có Trí tự tại thấy biết đời quá khứ, nhưng không bị chướng ngại, tâm không đến đời quá khứ. Thấy biết đời vị lai không bị chướng ngại, tâm không đến đời vị lai. Thấy biết đời hiện tại không bị chướng ngại, tâm không đến đời hiện tại.

Không ở nơi đời quá khứ, hiện tại, vị lai mà sinh hý luận. Lại có Trí tự tại, biết tất cả pháp hữu vi đều bị diệt sạch, nhưng các căn lành không bị diệt. Bồ Tát biết pháp vô sinh, vẫn dùng nhiếp pháp hóa độ chúng sinh. Đây gọi là Trí tự tại.

Lại nữa, Bồ Tát biết tất cả pháp rốt ráo là diệt tướng, biết đó không từ nơi người khác chỉ bày. Nhờ dùng trí lực, tự mình không diệt để giáo hóa chúng sinh. Đây gọi là trí tự tại.

Này Tự Tại Vương! Bồ Tát ở nơi đó, nếu muốn được sức trí tự tại để tự tại, nên tùy theo trí mà hành, chứ đừng theo ý hành.

Sao gọi là ý hành?

Tất cả ý nghiệp đều là ý hành. Tất cả thức nghiệp đều là ý hành. Tất cả tâm nghiệp đều là ý hành. Tất cả tâm chấp trước mà khởi các thiện căn cũng đều là ý hành. Rơi vào kiến chấp, mà hành bố thí. Rơi vào tướng, mà trì giới. Nương vào ngã để hành nhẫn. Đều là ý hành.

Ta là Bồ Tát là ý hành. Ta phát tâm Bồ Đề cũng là ý hành. Ta không cắt đứt hạt giống Phật, không đoạn hạt giống Pháp, không đoạn mất hạt giống Tăng. Cũng là ý hành. Ta vì lợi ích chúng sinh, cho nên phát tâm cũng là ý hành. Ta sẽ độ cho những ai chưa được độ. Giải thoát cho những ai chưa được giải thoát. An lạc cho những ai chưa được an lạc.

Diệt độ cho những ai chưa được diệt độ. Tất cả đều là ý hành. Ta là thí chủ, ta là người trì giới, ta đã thực hành nhẫn, ta tu tinh tấn, ta hành định, ta trau dồi trí. Tất cả đều là ý hành. Ta tu từ, ta hành bi, hành hỷ, hành xả, đều là ý hành.

Ta là người thiểu dục, tri túc, vĩnh viễn rời xa hành, không có các tạp hạnh, tu hạnh Đầu Đà, A Lan Nhã, hành tế hạnh. Còn phân biệt như vậy, đều là ý hành. Ta hành không, ta hành vô tướng, ta hành vô tác, còn phân biệt như thế, đều là ý hành. Ta nói lời chắc chắn, nói lời chân thật, làm đúng theo lời nói, đều là ý hành.

Ta đã thoát khỏi các nghiệp ma, đã lìa bốn ma, ta cắt đứt mọi kiến chấp và đạt nhẫn nhục. Còn phân biệt như vậy, đều là ý hành. Ta sẽ chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chuyển pháp luân và hóa độ chúng sinh, với Niết Bàn vô dư mà Bát Niết Bàn. Phân biệt như vậy, đều là ý hành.

Này Tự Tại Vương! Sao gọi là trí nghiệp của Bồ Tát?

Tùy theo chỗ hành không tâm ý thức, đó gọi là trí nghiệp. Bồ Tát luôn khởi trí nghiệp, chứ không khởi ý nghiệp.

Sao gọi là trí nghiệp của Bồ Tát?

Trí nghiệp của Bồ Tát có hai thứ:

Một là thành tựu chúng sinh.

Hai là thọ trì chánh pháp.

Thế nào là thành tựu chúng sinh?

Bồ Tát tùy theo sự hiểu biết mà thành tựu chúng sinh.

Thế nào là thọ trì chánh pháp?

Nếu không thọ trì tất cả pháp thì gọi là thọ trì chánh pháp. Nếu thọ trì sắc thì không phải thọ trì chánh pháp. Thọ trì thọ, tưởng, hành, thức thì không phải thọ trì chánh pháp. Nếu thọ trì các nhập, các tánh thì không phải thọ trì chánh pháp. Nếu thọ trì pháp thiện, pháp bất thiện thì không phải thọ trì chánh pháp.

Nếu thọ trì tội, không tội, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, pháp thế gian và pháp xuất thế gian thì không phải thọ trì chánh pháp. Nếu thọ tướng bố thí, không phải thọ trì chánh pháp. Nếu trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ thì không phải thọ trì chánh pháp.

Vì sao?

Vì còn bám duyên thí, đều không phải pháp, không phải thiện, không phải thọ trì chánh pháp.

Vì sao?

Vì pháp sở đắc của Như Lai là pháp vô tướng, vô ngại. Nếu còn bám duyên thì chẳng phải thọ trì chánh pháp. Trí trong việc hành dụng của Bồ Tát như vậy, nên gọi là trí nghiệp. Dùng trí này, làm trí nghiệp, trí ấy không bao giờ cùng tận. Nên gọi là trí tự tại.

Này Tự Tại Vương! Thế nào là Tuệ tự tại của Đại Bồ Tát?

Bồ Tát đạt được Tuệ tự tại có khả năng biết các pháp, có thể giải thích chương cú và đạt được bốn trí vô ngại. Đó là trí nghĩa vô ngại, trí pháp vô ngại, trí từ vô ngại và trí nhạo thuyết vô ngại.

Thế nào là trí nghĩa vô ngại?

Đối với lời nói, Bồ Tát chỉ nương vào nghĩa, chứ không nương vào lời. Nghĩa tức là chánh trí ở nơi tất cả pháp.

Sao gọi là Chánh trí?

Nghĩa đó không thể nói. Nghĩa này trong lời nói không có tiếng khác. Từ xưa đến nay, lìa các tướng, nên gọi là nghĩa. Không nên lìa lời nói nương vào nghĩa, vì trong lời nói bình đẳng với tướng chính là nghĩa. Nếu biết như vậy, gọi là trí nghĩa vô ngại. Thông đạt nghĩa của tất cả pháp, cũng gọi là trí nghĩa vô ngại.

Thế nào là Trí pháp vô ngại?

Vì Bồ Tát chỉ nương vào pháp chứ không nương vào phi pháp. Nương vào pháp, không thấy phi pháp.

Vì sao?

Vì biết tất cả pháp là lìa tướng, chỉ có tên gọi mà thôi.

Lại nữa, pháp vô ngại là tuy nói ba thừa, nhưng không hoại pháp tánh.

Vì sao?

Vì pháp tánh là một tánh, nghĩa là vô tướng. Bồ Tát dùng lời nói để thuyết pháp, biết rằng lời nói, đồng với tiếng vang, hễ có nói pháp và có sự tin hiểu, đều đồng với pháp tánh. Ở nơi trí, ở nơi lời nói, không có chướng ngại, gọi là trí pháp vô ngại.

Thế nào là trí từ vô ngại?

Vì biết ngôn từ của Chư Thiên, biết ngôn từ của Dạ Xoa, La Sát, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân.

Biết ngôn từ của Đế Thích, Phạm Thiên Vương, Hộ Thế, biết một tiếng, hai tiếng, nhiều tiếng, lời nói hẹp, nói rộng, tiếng trai, tiếng gái, tiếng phi nam, tiếng phi nữ, tiếng quá khứ, tiếng hiện tại, tiếng vị lai. Tùy theo từng loại, Bồ Tát dùng phương tiện ngôn từ để cho họ hiểu được, tự nói lời nói thanh tịnh vi diệu, không khinh hủy lời nói của người khác.

Vì sao?

Vì biết tất cả pháp không có ngôn từ.

Bồ Tát nghĩ như vậy: Đem ngôn từ để thuyết pháp, làm sao cho chúng sinh hiểu được, là pháp ở trong ngôn từ bất khả đắc, ngôn từ thì ở trong pháp cũng bất khả đắc. Từ xưa đến nay, không có ngôn từ. Nếu có ngôn từ thì không nên đem ngôn từ, thiện, để nói pháp bất thiện. Vì thế nên biết, ngôn từ có biểu thị thiện, ác.

Lại nữa, Từ vô ngại, là đem ngôn từ của chúng sinh, khiến chúng sinh hành pháp.

Vì sao?

Vì pháp bất hành pháp, có thể hành tất cả pháp như vậy. Dùng ngôn từ để diễn nói về việc hành này làm cho chúng sinh hiểu được. Đây gọi là trí từ vô ngại.

Thế nào là Trí nhạo thuyết vô ngại?

Nếu Bồ Tát đối với tất cả văn tự đều có thể nhạo thuyết. Đối với tất cả âm thanh cũng nhạo thuyết, tất cả danh tự cũng nhạo thuyết. Đây gọi là nhạo thuyết.

Sao gọi là nhạo?

Bồ Tát lúc nói pháp, phải ưa thích pháp, ưa thích chân thật, ưa thích sự chắc thật. Nếu người nào tin thích kinh thì vị họ mà nói Kinh.

Nếu người tin thích Kỳ Dạ Già Đà, Tế Ca Lan Nại, Âu Đà Na, Ny Đà Na, A Ba Đà Na, Y Đề Úc Đa Già, Xà Đà Già, Bùi Phật Lược, A Phù Đà Đạt Ma thì đều vì họ mà nói pháp. Nếu người tin vui quá khứ thì nói bản sự. Tất cả chúng sinh ham thích các căn cũng tùy theo sở thích đó mà nói pháp.

Nếu người thích tín căn thì nhân nơi tín căn nói pháp. Người thích tấn căn thì nhân nơi tấn căn mà nói pháp. Người thích niệm căn thì nhân nơi niệm căn mà nói pháp. Người thích định căn thì nhân nơi định căn mà nói pháp.

Người thích tuệ căn, nhân nơi tuệ căn mà nói pháp. Các căn như vậy, đều theo đó nói pháp. Người nhiều dâm dục, phân biệt có hai vạn một ngàn, Đức Phật biết có tám vạn bốn ngàn căn, Như Lai nhân các căn này, đều có thể nhạo thuyết. Bồ Tát cũng nhân nơi căn ấy, mà nhạo thuyết. Người nhiều ngu si, phân biệt có hai vạn một ngàn, Phật biết có tám vạn bốn ngàn căn.

Như Lai nhân nơi các căn này, đều có thể nhạo thuyết, Bồ Tát cũng nhân nơi căn ấy mà nhạo thuyết. Người phân biệt nhiều thứ có hai vạn một ngàn, Phật biết có tám vạn bốn ngàn căn, Như Lai nhân căn này mà nói pháp.

Này Tự Tại Vương! Đây gọi là trí nhạo thuyết vô ngại, đối với nghĩa vô ngại, pháp vô ngại, từ vô ngại, nhạo thuyết vô ngại này đều lấy tuệ làm gốc. Bởi vì tuệ là chỗ trụ, tuệ là chỗ thâu giữ, Bồ Tát nhờ tuệ lực này, mà dùng bốn tự tại và các tự tại khác, đều được tự tại.

Thưa Thế Tôn! Tuệ lấy gì làm căn bản?

Trụ vào đâu và nơi nào là chỗ thuộc về?

Này Tự Tại Vương! Tuệ lấy đa văn làm căn bản, trụ vào đa văn và đa văn là chỗ thâu giữ?

Thưa Thế Tôn! Đa văn lấy gì làm gốc?

Trụ vào đâu và đâu là chỗ thâu giữ?

Này Tự Tại Vương! Đa văn lấy thiện tri thức làm căn bản, trụ vào thiện tri thức và thiện tri thức là chỗ thuộc về.

Thưa Thế Tôn! Thiện tri thức lấy gì làm căn bản?

Trụ vào đâu và đâu là chỗ thuộc về?

Này Tự Tại Vương! Thiện tri thức lấy tâm cung kính làm căn bản, trụ vào tâm cung kính và tâm cung kính là chỗ thuộc về.

Thưa Thế Tôn! Tâm cung kính lấy gì làm căn bản?

Trụ vào đâu và nơi nào là chỗ thuộc về?

Này Tự Tại Vương! Tâm cung kính lấy thâm tâm làm căn bản, trụ vào thâm tâm và thâm tâm là chỗ thuộc về.

Thưa Thế Tôn! Thâm tâm lấy gì làm căn bản?

Trụ vào đâu và đâu là chỗ thuộc về?

Này Tự Tại Vương! Thâm tâm lấy chất trực làm căn bản, trụ vào chất trực và chất trực là chỗ thâu giữ.

Thưa Thế Tôn! Chất trực lấy gì làm căn bản?

Trụ vào đâu và đâu là chỗ thuộc về?

Này Tự Tại Vương! Chất trực lấy đại bi làm căn bản, trụ vào đại bi và đại bi là chỗ thuộc về?

Thưa Thế Tôn! đại bi lấy gì làm căn bản?

Trụ vào đâu và đâu là chỗ thuộc về?

Này Tự Tại Vương! đại bi lấy chúng sinh làm căn bản, trụ vào chúng sinh và chúng sinh là chỗ thuộc về.

Tại sao?

Vì Bồ Tát muốn độ tất cả chúng sinh, nên sinh tâm đại bi, sinh tất cả trí tâm. Đây gọi là tuệ tự tại của Bồ Tát.

Lại nữa, Bồ Tát có trí tuệ tự tại, do tuệ tự tại nên ở nơi một pháp môn, hoặc một kiếp, hoặc ít hơn một kiếp. Tuy vào các thứ từ ngữ khác nhau mà rộng nói các pháp, ở nơi thật tướng không có chỗ trái mất.

Có lúc Bồ Tát không hiện thân ấy nhưng vì chúng sinh nói pháp, hoặc từ các lỗ chân lông mà diễn xuất pháp âm. Tùy theo sở hành của mỗi chúng sinh mà nói pháp. Hoặc Bồ Tát hiện thân để vì chúng sinh nói pháp, những việc đó, các Luận sư ngoại đạo không sao sánh kịp.

Lại nữa, ngoại đạo tạo ra chú thuật Mạn Đà La, các Kinh Vi Đà, hoặc các luận ngữ, hoặc Bát Truy, hoặc Thần Thông, hoặc các Trí Môn, hoặc Nhật Nguyệt Ngũ Tinh Kinh, hoặc Mộng Kinh, hoặc Địa Động Kinh, hoặc Chú Thuật Đà Ma Đà, hoặc Kinh Ô Ngữ, hoặc Kinh Điểu Thú, hoặc Kinh Rồng, Càn Thát Bà, Dạ Xoa Nhập Thân, hoặc Kinh Vương Tướng, hoặc Kinh Phong Lạc Cơ Cẩn Tướng, hoặc Kinh Chư Tinh Du Hý.

Kinh thư trí tuệ như kỹ thuật, văn chương, toán số, sắc tướng, âm nhạc, ca múa, đàn, đàn tranh, sáo, âm thanh trầm bỗng. Những loại ấy, Bồ Tát chỉ cần chuyển thân thì tự nhiên tại tâm đều thông đạt. Nhờ tuệ lực cho nên có thể biết được, có thể thị hiện và đều có thể thấu đạt. Bồ Tát tuy biết phương thuật như vậy, nhưng không làm não hại chúng sinh và cũng không cho đó là đạo thanh tịnh vi diệu.

Này Tự Tại Vương! Bồ Tát có trí tuệ tự tại, tuy cùng chung với trăm ngàn vạn các Phạm Vương, cùng ở cùng ngồi, tự hiện thân cùng bàn luận với nhau, nhưng không tham đắm vào đức tướng quang minh của Phạm Vương.

Trái lại, còn được các Phạm Vương nghênh đón với tấm lòng tôn trọng cung kính. Tuy ở trong tất cả Thiên cung hiện ra sức tự tại như vậy. Nhưng cũng không tham đắm, mà chỉ sinh tưởng vô thường, khổ, không, vô ngã. Nương vào pháp vô sinh, nương vào việc độ tất cả tâm chúng sinh. Đó gọi là tuệ tự tại của Bồ Tát.

***