Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tự Tại Vương

PHẬT THUYẾT

Kinh BỒ TÁT TỰ TẠI VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN HAI
 

Khi ấy, Tỳ Kheo Kim Cang Tề cùng Ma Tử và tám vạn bốn ngàn chúng ma đều đến chỗ Phật Tịnh Minh Quang Vương. Đến rồi, cùng nhau đảnh lễ sát chân Phật, chắp tay, cung kính, đứng sang một bên.

Đức Phật Tịnh Minh Quang Vương nhân nơi sự trì giới thanh tịnh và thực hành Thánh pháp của Tỳ Kheo ấy, nói pháp như vậy, làm cho tất cả đều được bất thoái đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Tự Tại Vương! Tỳ Kheo Kim Cang Tề lúc đó đâu phải người nào lạ, mà chính là ông đó, còn Ma Tử làm chướng ngại chính là Bồ Tát Trì Địa.

Này Tự Tại Vương! Đó gọi là giới tự tại của Bồ Tát Ma Ha Tát. Được giới tự tại như vậy, mới có thể chỉ bày nguyện lực không thể bàn cho chúng sinh, giáo hóa vô lượng chúng sinh đạt Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cũng có khả năng tự hàng phục các ma oán, mau chóng thành quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Phật bảo Tự Tại Vương: Sao gọi là thần thông tự tại của Đại Bồ Tát?

Đó nghĩa là thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạn trí, như ý túc.

Này Tự Tại Vương! Sao gọi là thiên nhãn tự tại của Bồ Tát?

Nếu nhãn căn của Bồ Tát không bị các thứ: Như tường, vách, rừng, núi Tu Di, Thiết Vi, trong không trung của Thế Giới, tạo các sự chướng ngại, gọi là thiên nhãn tự tại. Bồ Tát dùng nhãn căn không chướng ngại này thấy Cõi Phật trong mười phương vô lượng A tăng kỳ, thành một Cõi Phật.

Vì sao?

Vì là tướng không, không sai khác. Các cõi Phật, tuy có kia, đây khác biệt, nhưng không hợp, không sai khác. Lại thấy đại chúng vây quanh các Đức Phật, cũng như là một Đức Phật. Vì tướng của pháp tánh không hoại.

Do thấy một Đức Phật thanh tịnh, cho nên thấy tất cả Phật cũng thanh tịnh. Vì tất cả Phật thanh tịnh, cho nên thấy tự thân thanh tịnh, vì tự thân thanh tịnh cho nên thấy tất cả pháp đều thanh tịnh, đối với tự thân thanh tịnh thì trong các thanh tịnh ấy, không sinh hai tướng.

Lại thấy đệ tử của Chư Phật, không khác với việc thấy Chư Phật thanh tịnh. Bồ Tát thấy chánh kiến của đệ tử cũng như chánh kiến của Phật, chánh kiến của Phật cũng như chánh kiến của đệ tử.

Lại nữa, Bồ Tát ở nơi mười phương vô lượng A tăng kỳ Thế Giới. Nơi có chúng sinh, hoặc địa ngục, hoặc súc sinh, hoặc ngạ quỷ, hoặc người, hoặc Trời.

Trừ Vô sắc giới ra còn các chỗ khác đều có thể dùng thiên nhãn thấy được sự sinh tử và các nẻo thiện hay ác. Lại biết chúng sinh hành nghiệp và chịu quả báo. Bồ Tát tuy thấy chúng sinh, nhưng không chấp tướng chúng sinh.

Vì sao?

Vì là tin vô ngã, tuy là thấy hành nghiệp và quả báo, nhưng cũng biết, tất cả pháp là không nghiệp, không quả. Bồ Tát dùng thiên nhãn này, thấy tất cả sắc đều vô sắc tướng. Tin rằng tất cả pháp không sở hữu, biết các hình sắc đều là hư vọng, xưa nay không sinh. Đó gọi là thiên nhãn của Bồ Tát.

Bồ Tát được trí lực thiên nhãn này, tùy theo chỗ có thể thấy, hoặc thấy hữu có sắc, hoặc thấy vô số sắc. Hoặc không chỗ nào là không thấy. Bồ Tát tuy ở trong trăm ngàn vạn loại chúng sinh, nhưng có thể nhập vào thiền định Tam Muội bối xả, cho đến không thấy có một chúng sinh.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đạt pháp vô ngã, nghĩa là Bồ Tát đối với ở trước thân hình tịnh diệu của Chư Thiên, muốn hiện thân khiến cho Chư Thiên đều thấy, Bồ Tát cũng thấy thân Chư Thiên.

Bồ Tát lại có thể làm cho Chư Thiên, thấy thân ấy. Nhưng Chư Thiên không tự thấy thân. Hoặc khiến Chư Thiên tự thấy thân ấy, nhưng không thấy thân Bồ Tát.

Này Tự Tại Vương! Đây gọi là thiên nhãn tự tại của Bồ Tát.

Này Tự Tại Vương! Sao gọi là thiên nhĩ tự tại của Đại Bồ Tát?

Nếu Bồ Tát đạt thiên nhĩ, ở nơi mười phương vô lượng A tăng kỳ Thế Giới, nơi có các thứ tiếng, như tiếng Trời, tiếng Rồng, tiếng Dạ Xoa, tiếng Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân, tất cả tiếng như vậy, đều nghe được cả.

Ở nơi các tiếng khi nghe, không hề phân biệt. Tin rằng tất cả tiếng là tướng không thể nói. Lại nghe tiếng này, không sinh ngã tướng, chúng sinh tướng và âm thanh tướng. Đạt tất cả tiếng, mà tướng xưa nay không thể nói, tin và biết tiếng này không chỗ trụ.

Nhĩ tánh và nhĩ thức của Bồ Tát không có chướng ngại, mỗi khi nghe tiếng này, luôn hiểu rõ thật nghĩa, tất cả tiếng không thể nói, đó là tiếng tịch diệt, vì thật nghĩa cho nên nương vào nghĩa, không nương vào tiếng, tất cả pháp không có tướng sinh.

Lại nghe mười phương vô lượng A tăng kỳ hiện tại Chư Phật thuyết pháp, không bị chướng ngại, hành trì theo cái nghe của mình, có như thế, không bao giờ quên được.

Vì sao?

Vì Bồ Tát không có một câu nào là không biết mà diệt. Bồ Tát nghe pháp hoặc hữu lậu hoặc vô lậu. Hoặc hữu vi hoặc vô vi. Hoặc pháp thế gian hoặc pháp xuất thế gian. Hoặc thiện hoặc bất thiện. Hoặc có tội hoặc không tội.

Hoặc Thanh Văn thừa hoặc Bích Chi Phật thừa. Hoặc Phật thừa. Bồ Tát có khả năng khiến pháp này nhập vào một vị tánh. Nghĩa là lìa tự tánh, tuy có nghe nhưng không tham đắm vào sáu trần tuy nghe pháp, nhưng lại không trụ vào các tướng. Bồ Tát quý trọng pháp, nương theo pháp, chứ không nương theo phi pháp.

Những gì là pháp?

Pháp là lìa nhiễm, pháp là không tướng, pháp là vô vi, pháp là không có chỗ trở về, pháp là không sinh, không khởi, không đắc, pháp là không so sánh.

Ở trong pháp, dùng tướng phân biệt: Thủ, xả, hý, luận là phi pháp.

Này Tự Tại Vương! Bồ Tát nương vào nghĩa chứ không nương vào lời nói. Không lìa lời nói, mà nhập vào nghĩa tâm, để nghe pháp.

Sao gọi là vào nghĩa tâm?

Không rơi vào trường hợp không nghĩa kiến, vô tướng nghĩa kiến và vô tác nghĩa kiến. Đó gọi là nhập nghĩa tâm. Bồ Tát vì nhập nghĩa tâm nên nghe pháp nương vào nghĩa, đó là nghĩa không thể được, cái không thể được đó, cũng không thể được.

Lại nữa, này Tự Tại Vương! Bồ Tát nếu nghe các Pháp Phật như vậy, chỉ nương vào Kinh liễu nghĩa, chứ không nương vào Kinh bất liễu nghĩa.

Kinh liễu nghĩa là tất cả các Kinh, đều là nghĩa thấu triệt. Vì nương vào nghĩa, cho nên tất cả pháp không thể nói. Bồ Tát được như vậy, gọi là nương vào Kinh liễu nghĩa. Nếu người đối với tất cả Kinh không khả năng nương vào nghĩa như vậy thì gọi là không liễu nghĩa.

Sao gọi là bất liễu?

Vì người ấy không liễu nghĩa, cho nên thường bị dẫn dắt theo con đường trần cấu.

Bị ai dắt dẫn?

Bị thanh dắt dẫn. Người liễu nghĩa không bị cuốn theo thanh.

Vì sao?

Vì nghĩa ấy không thể nói. Bồ Tát biết tất cả các pháp, lìa các biên tế, chẳng phải là liễu tướng.

Tự Tại Vương! Người nương vào nghĩa như vậy, là hướng đến pháp, tất cả các Kinh đều là liễu nghĩa. Người không nương như vậy, đối với tất cả các Kinh đều không liễu nghĩa.

Lại nữa, này Tự Tại Vương! Bồ Tát khi nghe nhận pháp từ nơi Chư Phật, là nương vào trí, chứ không nương vào thức.

Vì sao?

Vì Bồ Tát biết thức là hư vọng, như huyễn hóa, lìa tướng, không tánh, không sắc, không hình, không đối, không thể biết. Tướng rõ biết như vậy thì gọi là trí, chứ không phải là thức. Vì Bồ Tát nương vào trí, cho nên không bị cuốn theo thức, biết thức của người khác, cũng không phải là thức, vì thế không chấp vào thức như, cho nên nói là trí như.

Lại nữa, này Tự Tại Vương! Bồ Tát nương vào trí, không trụ vào thức. Cho nên có khả năng biết được thức của người khác, từ đó nói pháp.

Lại nữa, này Tự Tại Vương! Lúc Bồ Tát nói pháp, tuy có nói đến tên của chúng sinh, nhưng chỉ nương vào pháp mà không nương vào chúng sinh.

Vì sao?

Nếu trong pháp của ta, mà thật có chúng sinh, trọn không thanh tịnh, không giải thoát.

Thế nên Tự Tại Vương! Tất cả pháp rốt ráo là không có ngã, không có chúng sinh. Như Lai dùng thế pháp, nói có chúng sinh, các pháp thật không có chúng sinh.

Cho nên Bồ Tát chỉ nương vào pháp, chứ không nương vào chúng sinh.

Pháp tức là nghĩa pháp tánh. Pháp tánh là nghĩa không sinh tánh. Không sinh là nghĩa rốt ráo, không khởi, không tạo tác.

Nghĩa là nghĩa không thể nói.

Vì sao?

Vì dùng lời nói để thuyết pháp, pháp không ở trong lời nói, thế nên dùng lời nói chỉ để chỉ bày nghĩa. Hễ có biểu thị lời nói, chẳng phải ngữ, chẳng phải thuyết, hễ có phân biệt, có nói ra thì không phải Pháp Phật.

Không phân biệt, không nói ra mới là Pháp Phật. Nên nói mà không nói, mới là Pháp Phật. Nếu người muốn nhập vào Pháp Phật thì nên nhập như vậy.

Dùng ngôn ngữ để nói về chúng sinh. Nếu nói pháp, không nên sinh kiến. Còn như có hai thì không phải là lời Phật. Không hai, không phân biệt, tức là lời Phật. Nếu có âm thanh thì chẳng phải là Pháp Phật. Nếu còn có luận thuyết thì không phải là Pháp Phật.

Thế nên Tự Tại Vương! Nếu Bồ Tát nhập vào Pháp Phật, được thiên nhĩ như vậy, nhờ vào tất cả tiếng mà hành trì theo thật tướng của các pháp, có thể đạt các sự Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Tự Tại Vương! Đây gọi là thiên nhĩ tự tại của Bồ Tát.

Này Tự Tại Vương! Sao gọi là tha tâm trí tự tại của Đại Bồ Tát?

Nếu Bồ Tát đạt tha tâm trí tự tại, dùng tâm mình mà biết tâm của người khác. Khi nói pháp cho chúng sinh, trước hết, là quán các tâm chúng sinh, biết chúng sinh có những thâm tâm gì, hạnh gì, nhân gì và tướng gì, rồi mới tùy theo đó, nói pháp. Vì Bồ Tát tự tâm thanh tịnh, cho nên nhập vào tâm thanh tịnh của tất cả chúng sinh.

Này Tự Tại Vương! Ví như gương sáng soi các hình sắc, tướng mạo dài, ngắn, lớn, nhỏ, thô, tế. Những hình đó như thế nào, nó hiện ra như thế ấy, không thêm, không bớt, gương không có phân biệt, nhờ gương sáng, nên các hình tượng đều hiện rõ.

Bồ Tát cũng như vậy, do tự tâm thanh tịnh, pháp tánh chiếu sáng, nên rõ biết được tâm tâm số pháp của chúng sinh khởi lên, mà không bị ngăn ngại. Nếu chúng sinh có nhiều điều mong muốn, Bồ Tát đều có thể biết được tâm muốn ấy và cũng thấy được tướng lìa dục.

Vì sao?

Vì tướng của tâm không phải nhiễm. Nếu chúng sinh có nhiều sân si thì Bồ Tát cũng biết được tâm đó và thấy rõ tướng lìa sân lìa si.

Vì sao?

Vì tướng của tâm không phải sân, không phải si. Nếu trong chúng có người ưa Thanh Văn thừa thì biết rằng pháp tánh hành đạo của người ấy, không làm nhỏ. Nếu trong chúng có người ưa đạo Bích Chi Phật thì biết rằng, pháp tánh hành đạo của người ấy, không làm ở bậc trung. Nếu trong chúng có người ưa đại thừa, biết rằng pháp tánh hành đạo của người ấy, không làm bậc lớn.

Tùy theo sự biết tâm tánh của chúng sinh, Bồ Tát thuyết pháp, không bám lấy tâm tướng, tuy biết rõ được các thừa, vì họ nói pháp, nhưng không tổn hoại pháp tánh. Do không hoại pháp tánh, cho nên không hoại tất cả tánh mà biết sở hành của chúng sinh.

Bồ Tát đem tâm mình quán tâm người khác, tâm mình và tâm người, không trái, không thuận, cũng biết được tâm tương tục sinh của chúng sinh, lại biết tâm tánh tức là pháp tánh. Tự Tại Vương! Đó gọi là tha tâm trí tự tại của Bồ Tát. Nhờ tự tại này, mà ở trong Cõi Trời, người không một điều gì không rõ biết.

Này Tự Tại Vương! Sao gọi là túc mạng trí tự tại của Đại Bồ Tát?

Bồ Tát đạt được túc mạng trí tự tại, nhờ vào niệm lực kiên cố, định căn lanh lợi, cho nên nhớ được những việc sinh ra ở đời trước, trong hằng hà sa kiếp của chính mình và người khác, để vì họ nói pháp. Bồ Tát lại còn biết mình ở nơi ấy, chủng loại họ tên thọ mạng như vậy, chịu sự khổ vui như vậy.

Lại còn biết được sự gieo trồng căn lành đời trước của chúng sinh. Người có nhân lực, người có duyên lực, là người có nhân Thanh Văn. Là người có nhân Bích Chi Phật, là người có nhân đại thừa và cũng biết rõ nhân đời trước của người ấy. Cứ tùy theo sự thích ứng của họ như vậy, nói pháp.

Bồ Tát đạt túc mạng trí này, tự biết được, việc gieo trồng căn lành đời trước của mình, ở nơi các Đức Phật. Nếu đời trước có căn lành, mà không hồi hướng về Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Thì đời này, phải đem thiện căn đó mà hồi hướng về Bồ Đề.

Biết được túc mạng, cũng biết được đời trước pháp không có đến, không thấy pháp từ đời trước đến đời này, cũng không thấy pháp từ đời này đến đời sau. Biết tất cả pháp, không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Lại nghĩ rằng, tiên tế không sinh tiên kiến, hậu tế cũng không sinh trung kiến, biên kiến.

Biết tất cả pháp, không ở một bên, cũng không ở khoảng giữa. Bồ Tát nghĩ đến túc mạng của chúng sinh, cũng biết được tiên tế sắc lìa tướng, biết tiên tế thọ, tưởng, hành, thức lìa tướng. Tiên tế đường ranh giới trước của năm ấm lìa tướng. Tức là hậu tế của năm ấm lìa tướng. Hậu tế năm ấm lìa tướng thì hiện tại năm ấm lìa tướng.

Bồ Tát biết được tiên tế tánh của tất cả pháp là không, biết tánh của tất cả pháp hiện tại là không, biết hậu tế tánh của tất cả pháp là không.

Này Tự Tại Vương! Bồ Tát biết được túc mạng như vậy, nên thiện căn càng tăng trưởng, tội nghiệp nhân duyên đời trước đều tiêu sạch.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đã đạt tất cả pháp tướng, không mới không cũ. Thành tựu trí như vậy rồi, tin hiểu tất cả pháp hữu vi đều là không, đều như mộng.

Tự Tại Vương! Ví như đã thấy sinh tử khổ vui ở trong mộng thì sự tin hiểu tất cả pháp hữu vi của Bồ Tát cũng như vậy.

Tin hiểu được như thế, tuy có qua lại trong sinh tử, nhưng tâm không bao giờ mệt mỏi, mà lại còn sinh tâm thương xót, đối với tất cả chúng sinh, đối với pháp đều là giả tạm.

Bồ Tát khởi niệm như vậy: Ta đã qua lại sinh tử ngàn vạn ức kiếp, tất cả đều là hư vọng, không có sở hữu. Tất cả chúng sinh cũng như vậy, qua lại trong sinh tử, hư vọng không thật.

Nếu thật sự mà nói, bốn đại không khởi, bốn đại là pháp hư vọng?

Này Tự Tại Vương! Bồ Tát thấy túc mạng và các pháp hữu vi đều là hư vọng.

Vì sao?

Vì Bồ Tát nghĩ đến sự vui thích của Vua Chuyển Luân Vương ở đời trước đều là tướng vô thường biến đổi. Nghĩ đến thú vui của Đế Thích cũng là tướng vô thường biến đổi.

Cũng thấy Thế Giới của Chư Phật nghiêm tịnh, chúng Thanh Văn nghiêm tịnh, chúng Bồ Tát nghiêm tịnh, các vật dụng cũng đều nghiêm tịnh. Cũng nghĩ đến sắc thân chuyển pháp luân tròn đầy của Chư Phật cũng là tướng vô thường biến đổi. Khi nghĩ đến như vậy, đối với pháp hữu vi không có tham tiếc.

Vì sao?

Vì Bồ Tát sẽ nghĩ như vậy: Sắc thân Chư Phật cõi tịnh, còn bị vô thường diệt sạch, huống gì là sự tham trước của ta! liền được nhập vào vô ngã, vô ngã sở pháp.

Nương vào tướng vô thường biến đổi mà nghĩ như vậy: Các pháp hữu vi đều là vô thường mà chúng sinh ở đó lại luôn sinh tưởng thường còn. Do vậy cho nên sinh tâm thương xót đối với tất cả chúng sinh, đối với tất cả pháp thì sinh tưởng buông bỏ.

Này Tự Tại Vương! Đó là túc mạng trí tự tại của Bồ Tát, Bồ Tát đạt được trí tự tại này nên tin hiểu tất cả pháp đều là vô thường. Vì muốn thành tựu cho chúng sinh, nên Bồ Tát thọ thân, vì không thọ nhưng phải thọ, vì không thủ nhưng phải thủ, chỉ vì muốn giáo hóa cho tất cả chúng sinh.

***