Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tự Tại Vương

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TỰ TẠI VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, nơi rừng Kỳ Đà thuộc nước Xá Vệ, cùng với đại chúng Tỳ Kheo hai vạn người. Các Đại Bồ Tát đều là những vị nhất sinh bổ xứ.

Tên của các vị là: Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Đắc Đại Thế, Bồ Tát Sư Tử Ý, Bồ Tát Sư Tử Tướng, Bồ Tát Đại Tướng, những bậc thượng thủ như vậy, gồm một vạn người.

Khi ấy, cả đại chúng vây quanh cung kính, cúng dường Đức Thế Tôn, vì chúng sinh phát tâm đại thừa mà diễn nói Kinh Điển.

Lúc đó, trong chúng có một Bồ Tát tên là Tự Tại Vương từ chỗ ngồi đứng dậy, bày áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có những điều muốn hỏi, nếu Thế Tôn cho phép, con mới dám hỏi.

Phật bảo Tự Tại Vương: Ông có điều muốn hỏi, lẽ nào ta lại không cho. Vậy ông cứ tùy ý hỏi. Ta sẽ vì ông mà giảng thuyết, khiến ông được hiểu rõ.

Được Phật cho phép, Bồ Tát Tự Tại Vương vui mừng không xiết, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát ở trong pháp đại thừa được hạnh tự tại. Có thể vì người diễn nói pháp này. Dùng lực tự tại để chế ngự quân ma, những người tăng thượng mạn, các ngoại đạo tà kiến và những kẻ tham trước.

Để cho họ trụ vào đại thừa đại nguyện được trọn vẹn, thành tựu giới hạnh và mau đạt Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Phật khen Tự Tại Vương: Hay thay, hay thay! Ông có thể hỏi Như Lai điều này, vậy nay ông hãy nhất tâm suy nghĩ và lắng nghe, ta sẽ vì ông mà giảng về việc ông vừa mới hỏi: Các Bồ Tát làm thế nào để khiến chúng sinh trụ vào đại thừa, đại nguyện được trọn vẹn, thành tựu giới hạnh và mau đạt Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Bồ Tát Tự Tại Vương thọ giáo lắng nghe.

Phật bảo Tự Tại Vương: Các Đại Bồ Tát có bốn pháp tự tại, nhờ vào các pháp này, được hạnh tự tại, khiến chúng sinh trụ vào đại thừa.

1. Giới tự tại.

2. Thần thông tự tại.

3. Trí tự tại.

4. Tuệ tự tại.

Giới tự tại nghĩa là Đại Bồ Tát hành giới đầy đủ, không hủy phạm, không thiếu sót, không xuyên lậu, không nhơ, không sở đắc, không hối tiếc, không quở trách, không phiền não. Giới tùy thuận đạo, được người trí khen ngợi.

Giới giáo hóa chúng sinh. Giới hộ trì chánh pháp, giới hoan hỷ, giới không nương vào chỗ của chúng sinh, giới kiên trụ vào định. Giới tùy thuận tuệ, giới tin hiểu pháp sâu xa, giới thần thông không thoái chuyển, giới không, vô tướng, vô tác, giới tịch diệt, giới nắm giữ Pháp Phật.

Giới diễn nói Pháp Phật, giới không rời bỏ tất cả chúng sinh, giới bảo vệ từ, giới lấy đại bi làm gốc, giới niềm tin thanh tịnh, giới oai nghi không bị lay chuyển, giới Đầu Đà tế hạnh, giới tùy thuận phước điền, giới thanh tịnh rốt ráo, giới không đoạn hạt giống Phật, giới hộ trì hạt giống pháp.

Giới khai thị Thánh chúng, giới an trụ tâm bồ đề, giới hỗ trợ sáu pháp Ba la mật, giới tu bốn niệm xứ, giới tu bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy bồ đề phần, tám chánh đạo.

Giới có khả năng phát sinh tất cả pháp hỗ trợ bồ đề.

Này Tự Tại Vương! Nếu Bồ Tát thọ trì giới đầy đủ như vậy thì sở nguyện đều thành tựu. Nếu Bồ Tát trì giới thanh tịnh như vậy lúc tam thiên đại thiên Thế Giới gặp kiếp hỏa tai thiêu sạch, Bồ Tát muốn này dập tắt lửa, liền nói: Lửa hãy tắt thì lửa tắt ngay tức khắc.

Bồ Tát muốn khiến tam thiên đại thiên Thế Giới thành nước, muốn khiến tam thiên đại thiên Thế Giới mưa khắp các loại hoa, muốn khiến tam thiên đại thiên Thế Giới đều là châu báu, muốn các núi Tu Di trong hằng hà sa Thế Giới hợp lại làm một núi.

Muốn các biển cả trong hằng hà sa Thế Giới làm thành một biển thì tất cả đều được như ý, không việc gì mà không thành. Nhờ sức trì giới, nên sở nguyện đều được thành tựu, thần lực đều xứng ý.

Bồ Tát an lập giới như vậy, được lực tự tại như vậy, là do trì giới thanh tịnh, cho nên mọi thâm nguyện đều được thành tựu rốt ráo, cho đến đạt quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Tự Tại Vương! Thuở xưa, hơn vô lượng A tăng kỳ kiếp, có Đức Phật hiệu là Tịnh Minh Quang Vương Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Khi ấy, có Tỳ Kheo Bồ Tát tên Kim Cang Tề đắc lực trì giới, hành giới thanh tịnh, luôn luôn kinh hành trong rừng vắng.

Vì muốn đầy đủ Pháp Phật, cho nên Tỳ Kheo ấy, tu tập chánh hạnh, tu tập chánh hạnh rồi, liền nghĩ như vậy: Không được tất cả pháp mới gọi là giới.

Không tham tất cả pháp mới gọi là giới. Diệt hết tất cả kết mới gọi là giới, quán thân như bóng trong gương mới gọi là giới. Đối với các ngôn từ giống như tiếng vang vọng lại mới gọi là giới. Quán tâm tướng như huyễn mới gọi là giới. Quán pháp thiện, bất thiện không hai, không phân biệt mới gọi là giới.

Vì tham dục cho nên quán thân bất tịnh mới gọi là giới. Vì sân hận cho nên sinh từ tâm mới gọi là giới. Dùng trí tuệ phá lưới ngu si mới gọi là giới. Không được thâm, sân, si mới gọi là giới.

Đối với pháp không quán, không tưởng về phân biệt mới gọi là giới. Không ngã kiến, không chúng sinh kiến, không thọ giả kiến, không nhân kiến, không thường kiến, không diệt kiến mới gọi là giới.

Đối với tất cả pháp không tạo thành, không khởi mới gọi là giới. Tâm không sợ hãi mới gọi là giới. Không nương vào ba cõi mới gọi là giới. Tin vào pháp vô sinh mới gọi là giới. Tin hiểu pháp nhẫn vô sinh mới gọi là giới. Không tham lợi dưỡng mới gọi là giới. Đối với các pháp không, tâm không sợ hãi, xa lìa các tướng, xả trừ các nguyện mới gọi là giới.

Tâm không sở niệm mới gọi là giới. Không tự cao, không khinh người khác mới gọi là giới. Không chấp trước các nhập mới gọi là giới. Không khởi lên năm dục mới gọi là giới. Biết rõ các ấm đồng với pháp ấm mới gọi là giới.

Biết rõ các tánh đồng với pháp tánh mới gọi là giới. Vui với việc không tranh cãi tố tụng mới gọi là giới. Siêng năng thực hành pháp thiện mới gọi là giới. Biết tất cả các pháp tướng rốt ráo tịch diệt mà dùng thân chứng mới gọi là giới.

Này Tự Tại Vương! Tỳ Kheo Kim Cang Tề an trụ vào giới như vậy, tu tập Thánh pháp, chánh niệm không điên đảo.

Lúc đó, có Ma Tử tên là Chướng Ngại, thấy Tỳ Kheo Kim Cang Tề trì giới, tu tập Thánh pháp, chánh niệm, không điên đảo như vậy. Liền cùng tám vạn bốn ngàn các ma và các quyến thuộc, mặc áo giáp, cầm binh khí đến chỗ ấy, bọn chúng ẩn thân, xét xem tâm Tỳ Kheo này hành thế nào.

Theo dõi suốt cả ngàn năm, nhưng bọn ma vẫn không thấy được một niệm tán loạn để xen vào phá hoại. Do vậy, mà Ma Tử và cả quyến thuộc liền hiện nguyên hình, tay cầm đao, mâu đến trước Tỳ Kheo để khủng bố.

Tỳ Kheo thề: Nếu ta trì giới thanh tịnh, tu tập Thánh pháp, chánh hạnh không điên đảo. Nhờ sự tu tập đó khiến cho các thứ binh khí của bọn ma đều biến thành hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, đủ các màu và hoa Tu mạn na, hoa Ba lợi sư, rồi dùng các loại hoa danh tiếng kỳ lạ đặc biệt đó làm thành chuỗi ngọc. Còn lúc ấy, hình sắc và nghi pháp của thân Ma Tử cùng quyến thuộc, đều như thân ta.

Này Tự Tại Vương! Khi Tỳ Kheo Kim Cang Tề vừa nói xong lời ấy thì binh khí của chúng ma liền biến thành hoa đủ sắc màu vi diệu, hương thơm thanh khiết thù thắng, làm thành chuỗi ngọc. Tất cả quân ma đều tự thấy thân mình cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca sa như vị Tỳ Kheo này.

Ma Tử thấy Tỳ Kheo hiện đại thần lực, ngạc nhiên cho là chưa từng có, phát sinh tâm hy hữu, rồi cùng với tất cả quyến thuộc đảnh lễ dưới chân Tỳ Kheo và nói lên như vậy: Ông được pháp gì mà có thần lực như thế này?

Tỳ Kheo trả lời: Thần lực này không từ đâu sinh, cũng không nương vào thân, khẩu, ý và tất cả pháp mà sinh. Thần lực này không do trụ tướng mà sinh.

Do không có trụ xứ, cho nên ma hỏi Tỳ Kheo: Suốt cả ngàn năm, tôi cố tìm tâm hạnh của Tỳ Kheo, nhưng không biết nó ở nơi đâu?

Tỳ Kheo trả lời: Trong hằng hà sa kiếp, nếu ngươi có cố tìm, cũng không thể được.

Vì sao?

Vì tâm không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở giữa.

Vậy ngươi có thể tìm được chỗ tâm hành của người huyễn hóa được không?

Ma thưa: Tâm của người huyễn hóa còn không có, huống gì là chỗ tâm hành.

Tỳ Kheo nói: Đức Như Lai nói tất cả pháp là không, đều như huyễn hóa, trong đó cũng không có tâm, không có suy nghĩ.

Ma thưa: Nếu nói, không có tâm, không có suy nghĩ.

Tại sao có sự đến, đi, có nói năng?

Tỳ Kheo trả lời: Sự đến, đi, nói năng của người huyễn hóa và sự đến, đi của ta cũng vậy.

Ma hỏi: Ông dùng sự tinh tấn, hành trì và an trụ này mà trì giới, tu tập Thánh pháp, là muốn hướng đến chỗ nào?

Tỳ Kheo trả lời: Hướng đến chỗ không hướng đến.

Ma hỏi: Thế nào là hướng đến chỗ không hướng đến?

Tỳ Kheo trả lời: Trong đây trước đã không đến, nay không đến và cũng sẽ không đến.

Không có chỗ hướng đến tức là không tạo cửa giải thoát.

Vậy nay ngươi hỏi, dùng tinh tấn, hành trì và an trú vào giới, tu tập Thánh pháp là hướng đến chỗ nào?

Ta không hướng đến sắc sinh, không hướng đến sắc diệt, không hướng đến sắc trụ. Không hướng đến thọ, tưởng, hành, thức sinh. Không hướng đến thọ, tưởng, hành, thức diệt. Không hướng đến thọ, tưởng, hành, thức trụ. Đối với tất cả pháp cũng không hướng đến sinh, không hướng đến diệt, không hướng đến trụ. Đây mới gọi là hướng đến chân chánh.

Này Ma Tử! Hướng đến chân chánh nghĩa là không bám lấy sắc, không bám lấy thọ, tưởng, hành, thức. Không còn thấy pháp, đây chính là chỗ mà ta hướng đến. Chỗ hướng đến của ta, là không bám lấy sắc, không bám lấy thọ, tưởng, hành, thức, chỗ ta hướng đến, là chỗ của Bậc Thánh đã hướng đến.

Ma hỏi: Trong pháp ấy tại sao có chỗ hướng đến?

Tỳ Kheo trả lời: Các pháp của phàm phu và pháp của Chư Phật, cùng là một pháp, không hai không khác. Học pháp, A La Hán pháp, Bích Chi Phật Pháp và Pháp Phật. Cùng là một pháp, không hai không khác.

Hoặc pháp quá khứ, pháp hiện tại hay pháp vị lai, cũng chỉ là một pháp, không hai không khác, không xuất, không sinh. Do tướng bình đẳng, cho nên không xả các pháp tướng bình đẳng như vậy. Vì muốn đem pháp này khai thị chúng sinh, cho nên mới nói đến pháp, người hướng đến như vậy, mới gọi là hướng đến chân chánh.

Lại nữa, này Ma Tử! Hướng đến chân chánh là không hướng đến Cõi Dục, không hướng đến cõi Sắc, không hướng đến Cõi Vô Sắc.

Trụ vào pháp bình đẳng, nghĩa là ở nơi pháp thật tướng không bị lay động, không bị thoái chuyển, đó mới gọi là hướng đến chân chánh. Hướng đến như như, hướng đến các pháp cũng như vậy.

Hướng đến như pháp tánh, hướng đến tất cả pháp, cũng như vậy. Hướng đến thật tế, hướng đến tất cả pháp cũng cầu như vậy. Người hướng đến như vậy cũng không niệm, không chấp trước vào chỗ hướng đến, đây gọi là hướng đến chân chánh.

Ma Tử nói với Tỳ Kheo Kim Cang Tề: Ông dùng chánh hạnh này để được pháp gì?

Tỳ Kheo trả lời: Ta hành chánh hạnh này, lìa được sự phân biệt các pháp, do không niệm, không phân biệt đó.

Cho nên được đầy đủ tướng bình đẳng.

Vậy ngươi hỏi được pháp nào?

Trong chánh hạnh không có tướng để được, không có tăng thượng mạn, cho nên chánh hạnh đối với pháp thì không thể nắm bắt được, chánh hạnh tức là nghĩa không hạnh.

Ma Tử lại hỏi: Ông thọ trì giới này để được pháp gì?

Tỳ Kheo trả lời: Ta thọ trì giới này sẽ được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cho đến một pháp nhỏ cũng không thể được.

Ma Tử hỏi: Sao gọi là được bồ đề?

Tỳ Kheo trả lời: Sắc bình đẳng tức là được bồ đề. Thọ, tưởng, hành, thức bình đẳng tức là được bồ đề. Tất cả pháp bình đẳng là được bồ đề.

Ma Tử hỏi: bồ đề như vậy, tìm cầu ở nơi nào?

Tỳ Kheo trả lời: Tìm cầu ngay ở trong sự kiến tánh của ta.

Ma Tử hỏi: Cầu như thế nào?

Tỳ Kheo trả lời: Lúc cầu không khởi lên sự thấy bồ đề.

Ma Tử hỏi: thầy của ông là ai?

Ai dạy cho ông biện tài giỏi như vậy?

Tỳ Kheo trả lời: Không hoại tánh ngã kiến mà được bồ đề, là thầy của ta. Không nhơ, không sạch là thầy của ta. Nếu biết không tại hữu vi, không tại vô vi, là thầy của ta. Không nghe các pháp từ nơi người khác, không trụ không xả, có khả năng vượt qua các dòng chảy, là thầy của ta.

Nếu biết tất cả pháp, chẳng đến tất cả pháp, là thầy của ta. Nếu tất cả âm thanh, ngôn từ được nói ra trong các pháp tướng không thể nói, không bị lay động, là thầy của ta. Nếu tất cả pháp không sinh, không khởi, không xuất, mà có thể chuyển thánh pháp luân, là thầy của ta.

Không trụ bờ bên này, không trụ bờ bên kia, không trụ ở giữa dòng, đó chính là thầy của ta. Nếu tất cả pháp không sinh mà sinh đó là thầy của ta. Nếu tất cả pháp không diệt, mà diệt, là thầy của ta. Ta theo sự dạy dỗ của thầy như vậy, cho nên mới biện tài được như thế.

Ma Tử hỏi: Vì sao mà Đức Như Lai chuyển pháp luân?

Tỳ Kheo trả lời: Như Lai đối với sắc không chuyển không hoàn: Sắc như, sắc pháp, sắc không, sắc vô tướng, sắc vô tác, sắc diệt, sắc ly, sắc vô sinh, sắc tướng, sắc tánh cũng không chuyển không hoàn. Thọ, tưởng, hành, thức không chuyển không hoàn.

Thức như, thức pháp, thức không, thức vô tướng, thức vô tác, thức diệt, thức ly, thức không sinh, thức tướng, thức tánh, cũng không chuyển không hoàn.

Như Lai dùng tất cả pháp không chuyển, mà chuyển pháp luân. Pháp luân như vậy hoặc chuyển, hoặc không chuyển, đối với vô lượng pháp tánh trọn không thể vượt qua. Nếu ai có thể hiểu được việc chuyển pháp luân này thì người ấy có thể chuyển pháp luân.

Lúc đó, Ma Tử cùng tất cả quyến thuộc, đều xin làm đệ tử Tỳ Kheo Kim Cang Tề, cùng nói: Từ ngày hôm nay, chúng con xin quy y ông.

Tỳ Kheo nói: Các ngươi chớ quy y ta, mà nên đến quy y Đức Phật Tịnh Minh Quang Vương, những gì mà ta nói ra đều là lời Đức Phật ấy dạy.

Ma Tử thưa: Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau đến chỗ Phật.

***