Kinh Đại thừa
Bộ Đại Tập
PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT
TỪ THỊ SỞ THUYẾT ĐẠI THỪA
DUYÊN SINH THÍ DỤ CÂY LÚA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bất Không, Đời Đường
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Thế Tôn ở trên đỉnh Linh Thứu, gần thành Vương Xá, cùng với các vị đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người và đại chúng là các vị đại Bồ Tát.
Bấy giờ, Ngài Tuệ mạng Xá Lợi Tử đi đến chỗ kinh hành của Đại Bồ Tát Từ Thị. Bồ Tát Từ Thị và Tôn Giả Xá Lợi Tử cùng ngồi trên tảng đá lớn.
Sau đó, Ngài Tuệ mạng Xá Lợi Tử hỏi Đại Bồ Tát Từ Thị: Hôm nay Đức Thế Tôn nhìn thấy những cây lúa, rồi dạy bảo các thầy Tỳ Kheo lời rằng, các thầy Tỳ Kheo, ai thấy duyên sinh tức là thấy pháp, ai thấy pháp tức là thấy Phật. Đức Thế Tôn nói những lời như vậy xong, im lặng mà an trú.
Những lời Thế Tôn vừa nói có ý nghĩa gì?
Thế nào là duyên sinh?
Thế nào là pháp?
Thế nào là Phật?
Tôn Giả Xá Lợi Tử hỏi xong, Đại Bồ Tát Từ Thị nói với Tôn Giả Xá Lợi Tử: Đức Thế Tôn vì các thầy Tỳ Kheo mà nói nghĩa thế này: Ai thấy duyên sinh tức là thấy pháp, ai thấy pháp tức là thấy Phật.
Duyên sinh, nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử. Đó là duyên sinh mà Đức Thế Tôn thuyết giảng.
Thế nào là pháp?
Đức Thế Tôn lược nói tám chi Thánh đạo đưa đến chứng quả Niết Bàn, đó gọi là pháp.
Thế nào là Phật?
Người giác ngộ tất cả pháp, dùng Thánh tuệ nhãn chứng đắc Niết Bàn, kiến lập bồ đề bằng pháp đã học, đó gọi là Phật.
Thế nào là thấy duyên sinh?
Đức Thế Tôn nói duyên sinh của các pháp là thường trú, không nhân, không ngã, không chúng sinh, không thọ mạng, không điên đảo, không sinh khởi, không tạo tác, vô vi, không đối đãi, không chướng ngại. Thấy tự tánh tịch tĩnh tức là thấy pháp.
Ai thấy các chủng tánh như vậy: Thường trú, không nhân, không ngã, không chúng sinh, không thọ mạng, không điên đảo, không sinh khởi, không tạo tác, vô vi, không đối đãi, không chướng ngại, thì tức là thấy pháp. Từ cái thấy này về sau là có thể thấy pháp thân, thấy được chánh trí hiện chứng của Thế Tôn.
Hỏi: Thế nào là nghĩa của duyên sinh?
Đáp: Duyên sinh là có nhân, có duyên, không phải không nhân, không duyên mà gọi là duyên sinh.
Cho nên, trong lời nói hôm nay, Đức Thế Tôn nói sơ lược sắc thái của duyên sinh: Do nhân tố như vậy nên sinh ra kết quả như vậy. Dù Đức Thế Tôn có xuất hiện ở thế gian hay không xuất hiện ở thế gian, thì thật tướng của các pháp vốn là bản thể an trú, bản thể nguyên vị, thuận với duyên sinh, là chân như, là như vậy không điên đảo, là như vậy không biến dị, là chân thật không khác, chân thật không điên đảo, không lầm lẫn, đó là thật tướng như vậy của các pháp. Lại nữa, duyên sinh do hai thứ nhân tố sinh khởi.
Thế nào là hai?
Một là, hệ thuộc vào nhân, hai là, hệ thuộc vào duyên.
Mỗi pháp duyên sinh ấy, nên biết, có hai loại: Duyên sinh ở ngoài và duyên sinh ở trong.
Duyên sinh ở ngoài là duyên sinh hệ thuộc vào nhân, nghĩa là từ hạt giống nảy mầm, từ mầm sinh ra lá, từ lá sinh ra cành, từ cành sinh ra cuống, từ cuống sinh ra nụ, từ nụ sinh ra hoa, từ hoa sinh ra trái.
Nếu không có hạt giống thì mầm không từ đâu sinh ra, cho đến, không có hoa thì trái không từ đâu sinh ra. Có hạt giống nên sinh mầm, cho đến có hoa nên sinh trái.
Hạt giống ấy không có ý niệm, tôi sinh ra mầm, và mầm cũng không có ý niệm, tôi từ hạt giống sinh ra, cho đến hoa cũng không có ý niệm, tôi sinh ra trái, và trái cũng không có ý niệm, tôi từ hoa sinh ra.
Như vậy, có hạt giống thì có sự sinh ra mầm; cho đến, có hoa thì có sự sinh ra trái. Đó là duyên sinh ở ngoài hệ thuộc vào nhân. Duyên sinh ở ngoài hệ thuộc vào duyên, nghĩa là sáu giới hòa hợp, duyên sinh, hệ thuộc vào duyên.
Thế nào là sáu giới, địa, thủy, hỏa, phong, không, thời, hòa hợp, duyên sinh, hệ thuộc vào duyên?
Thế nào là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới và thời giới?
Địa giới là cái nắm giữ hạt giống, thủy giới là cái thấm ướt hạt giống, hỏa giới là cái thành tựu hạt giống, phong giới là cái làm tăng trưởng hạt giống, không giới là cái làm cho hạt giống không bị chướng ngại, thời giới là cái làm cho hạt giống biến đổi.
Nếu không có các duyên tố như vậy thì hạt giống không nảy mầm. Không thiếu một duyên tố nào, địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới và thời giới, nghĩa là có đủ tất cả các duyên tố hòa hợp để hạt giống nảy mầm.
Địa giới ấy không có ý niệm, tôi có thể nắm giữ hạt giống, thủy giới không có ý niệm, tôi có thể thấm ướt hạt giống; hỏa giới không có ý niệm, tôi có thể thành tựu hạt giống, phong giới không có ý niệm, tôi có thể làm tăng trưởng hạt giống, không giới không có ý niệm, tôi có thể làm cho hạt giống không bị chướng ngại, thời giới không có ý niệm, tôi có thể làm cho hạt giống biến đổi.
Chủng tử ấy cũng không có ý niệm, tôi từ các duyên mà sinh được mầm. Điều chắc chắn là, nhờ các duyên như vậy mà hạt giống nảy mầm.
Mầm ấy không phải từ chính nó sinh khởi, không phải từ cái khác sinh khởi, không phải từ chính nó và cái khác hợp lại sinh khởi, không phải từ Tự Tại Thiên sinh khởi, không phải do thời gian biến đổi mà sinh khởi, không phải từ tự tánh sinh khởi, không phải hệ thuộc vào tác giả, cũng không phải từ một nguyên nhân nào mà sinh khởi. Như vậy, hạt giống lấy sự hòa hợp của địa, thủy, hỏa, phong, không, thời, mà sinh khởi.
Pháp duyên sinh ở ngoài, có năm thứ nên biết: Không thường còn, không đoạn dứt, không chuyển dời, nhân ít quả nhiều và liên tục tương tự không sinh thành vật khác.
Thế nào là không thường còn?
Hạt giống và mầm khác nhau, hạt giống và mầm không phải một. Không phải hạt giống hư hoại rồi mầm mới sinh ra, cũng không hạt giống không hư hoại thì mầm mới nảy sinh. Khi hạt giống hư hoại, mầm nảy sinh, thì gọi là không thường.
Thế nào là không đoạn dứt?
Trước đã nói, không phải hạt giống hư hoại rồi mầm mới sinh, cũng không phải hạt giống không có hư hoại thì mầm mới sinh ra. Như vậy, hạt giống hư hoại hòa hợp với mầm nảy sinh, gọi đó là không đoạn dứt.
Thế nào là không chuyển dời?
Hạt giống và mầm khác nhau.
Thế nào là nhân ít quả nhiều?
Hạt giống thì ít, trái kết thì nhiều.
Thế nào là liên tục tương tự?
Tùy theo sự gieo hạt giống nhiều ít mà kết quả thu hoạch cũng được nhiều ít. Nên biết năm thứ như vậy của pháp duyên sinh ở ngoài.
Thế nào là pháp duyên sinh ở trong?
Pháp duyên sinh ở trong do hai thứ làm cho sinh khởi: Một là hệ thuộc vào nhân, hai là hệ thuộc vào duyên.
Thế nào là pháp duyên sinh ở trong hệ thuộc vào nhân?
Đó là, vô minh duyên hành, cho đến, sinh duyên lão tử. Nếu không có vô minh thì không có hành. Như vậy, có vô minh thì có hành, cho đến, có sinh làm duyên nên lão tử mới sinh khởi được.
Vô minh ấy không có ý niệm, tôi có thể sinh ra hành. Hành cũng không có ý niệm, tôi từ vô minh sinh ra. Cho đến, sinh không có ý niệm, tôi có thể sinh ra lão tử.
Như vậy, có vô minh thì có hành sinh khởi, cho đến, có sinh thì có lão tử sinh khởi. Đó là pháp duyên sinh ở trong hệ thuộc vào nhân.
Thế nào là pháp duyên sinh ở trong hệ thuộc vào duyên?
Là sáu giới hòa hợp sinh khởi.
Thế nào là sáu giới hòa hợp?
Nghĩa là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới và thức giới hòa hợp, duyên sinh, hệ thuộc vào duyên.
Thế nào là địa giới?
Tụ hợp những thể cứng trong thân gọi là địa giới.
Thế nào là thủy giới?
Làm được sự nắm giữ trong thân gọi là thủy giới.
Thế nào là hỏa giới?
Làm cho thức ăn uống vào thân được tiêu hóa gọi là hỏa giới.
Thế nào là phong giới?
Làm cho hơi thở vào ra trong thân gọi là phong giới.
Thế nào là không giới?
Tạo thành những lỗ hổng trong thân gọi là không giới.
Thế nào là thức giới?
Có sự chuyển đổi danh sắc, giống như bó cây lau đồng thời nương nhau đứng vững, năm thức tương ứng với ý thức hữu lậu gọi là thức giới. Nếu không có sáu giới thì không thành thân thể.
Không thiếu địa giới ở trong, không thiếu thủy, hỏa, phong, không và thức giới, nghĩa là tất cả hòa hợp hình thành thân thể.
Địa giới không có ý niệm, tôi tụ hợp những thể cứng trong thân, thủy giới không có ý niệm, tôi làm được sự nắm giữ trong thân, hỏa giới không có ý niệm, tôi làm cho thức ăn uống vào thân được tiêu hóa, phong giới không có ý niệm, tôi làm cho hơi thở vào ra trong thân.
Không giới không có ý niệm, tôi tạo thành những lỗ hổng trong thân, thức giới không có ý niệm, tôi làm sự chuyển đổi danh sắc, giống như bó cây lau.
Thân ấy không có ý niệm, tôi được các duyên sinh ra, dù rằng, có các duyên như vậy sinh thành thân ấy. Địa giới ấy là không ngã, không nhân, không thọ mạng, không thọ giả, không ý sinh, không phải trẻ con, không nữ, không nam, không phi nam nữ, không tôi là tác giả, không là cái khác.
Thủy, hỏa, phong, không và thức giới đều là không ngã, không nhân, không sinh mạng, không thọ giả, không ý sinh, không phải trẻ con, không nữ, không nam, không phi nam nữ, không tôi là tác giả, không là cái khác.
Thế nào là vô minh?
Đối với sáu giới mà khởi ý tưởng đồng nhất, ý tưởng cấu hợp, ý tưởng thường còn, ý tưởng bền vững, ý tưởng thường hằng, ý tưởng lạc thú, ý tưởng tĩnh lặng, ý tưởng chúng sinh, ý tưởng sinh mạng, ý tưởng thọ mạng, ý tưởng ý sinh, ý tưởng trẻ con, ý tưởng tôi là tác giả, sinh khởi các thứ tưởng vô tri như vậy gọi là vô minh.
Nơi cảnh giới có sự vô minh như vậy nên sinh khởi tham, sân, si. Từ tham, sân, si ấy sinh khởi hành nghiệp. Sự thi thiết của hành nghiệp gọi là thức.
Thức ấy sinh khởi bốn uẩn. Danh sắc ấy là chỗ dựa của các căn. Sáu xứ ba pháp cùng hòa hợp gọi là xúc. Xúc sinh thọ.
Sự dính mắc nơi thọ sinh ra ái. Ái mà rộng lớn gọi là thủ. Thủ lại sinh hữu. Nghiệp hữu làm nhân sinh ra năm uẩn. Năm uẩn thành thục gọi là lão. Năm uẩn hoại diệt gọi là tử.
Đối với ái dục mà có sự mê hoặc, tham đắm, khổ não gọi là sầu. Tiếc nuối những việc đã qua mà cất lên giọng bi thương gọi là thán. Năm thức thân tương ứng với ý gọi là khổ. Ý không vui thích gọi là ưu. Có những tùy phiền não gọi là não.
Ngu lầm gọi là vô minh. Tạo tác gọi là hành. Phân biệt rõ ràng gọi là thức. Nắm giữ lẫn nhau gọi là danh sắc. Nương tựa vào xứ sở gọi là sáu xứ. Tiếp xúc với cảnh gọi là xúc. Lãnh nạp gọi là thọ. Khao khát ái dục gọi là ái.
Nắm bắt, dính mắc gọi là thủ. Do thủ sinh khởi cái có gọi là hữu. Hữu làm cho uẩn sinh gọi là sinh. Các căn thành thục gọi là lão. Các căn hoại diệt gọi là tử.
Buồn khổ gọi là sầu. Buồn bực gọi là thán. Ý không vui thích gọi là ưu. Thân bị bức bách gọi là khổ. Tình không tương xứng gọi là não. Không tu hành chân thật gọi là tà hạnh. Không biết nhận thức gì hết gọi là vô minh.
Có vô minh nên có các thứ tạo tác: Các hành hữu tiếp cận phước, các hành hữu tiếp cận phi phước và các hành hữu tiếp cận bất động. Sinh khởi các hành hữu tiếp cận phước và các hành hữu tiếp cận phi phước gọi là thức, nên gọi là vô minh duyên hành.
Sinh khởi các hành hữu tiếp cận phi phước, và các hành hữu tiếp cận phi phước cũng chính là thức, nên gọi là hành duyên thức.
Sinh khởi các hành hữu tiếp cận bất động, và các hành hữu tiếp cận bất động cũng chính là thức, nên gọi là thức duyên danh sắc. Danh sắc tăng trưởng tạo thành sáu xứ môn, đó là danh sắc duyên sáu xứ.
Sáu xứ nơi thân hoạt động, gọi là sáu xứ duyên xúc. Do tiếp xúc cùng loại mà cảm thọ cùng loại phát sinh, gọi là xúc duyên thọ.
Với những cảm thọ khác nhau mà sinh tham đắm, ưa thích, gọi là thọ duyên ái. Chính sự khao khát, dính mắc, đam mê vào những khoái lạc giác quan nên lưu luyến, không muốn rời xa, tìm cầu lạc thú chỗ này chỗ kia, gọi là ái duyên thủ.
Những mưu cầu như vậy lại sinh ra các hữu và khởi lên các nghiệp nơi thân, miệng và ý, gọi là thủ duyên hữu. Từ nghiệp sinh ra năm uẩn chuyển biến, gọi là hữu duyên sinh. Từ các uẩn sinh khởi, đi đến thành thục, rồi hoại diệt, gọi là sinh duyên lão tử.
Mười hai duyên sinh như vậy làm nhân cho nhau, vốn không thường, không tạo tác, không ý niệm, không duyên sinh, không phải pháp cùng tận, không phải pháp ly dục, không phải pháp diệt mất, không có khởi đầu, lưu chuyển đến nay không có gián đoạn, chuyển động theo nhau như dòng sông trôi chảy.
Nếu duyên sinh không có gián đoạn, chuyển động theo nhau như dòng sông trôi chảy, thì có bốn chi hòa hợp nhau, làm tác nhân chuyển động trong mười hai chi phần duyên sinh.
Thế nào là bốn?
Đó là vô minh, ái, nghiệp và thức. Thức lấy chủng tử làm tự tánh nên làm nhân, nghiệp lấy ruộng làm tự tánh nên làm nhân, vô minh và ái lấy phiền não làm tự tánh nên làm nhân. Nghiệp và phiền não có khả năng làm cho chủng tử của thức sinh khởi.
Như vậy, nghiệp khởi tác dụng làm ruộng đất cho chủng tử của thức, ái khởi tác dụng thấm ướt, màu mỡ cho chủng tử của thức, vô minh làm cho chủng tử của thức nảy nở và sinh trưởng.
Nghiệp ấy không có ý niệm, tôi khởi tác dụng làm ruộng đất cho chủng tử của thức. Ái không có ý niệm, tôi khởi tác dụng thấm ướt, màu mỡ cho chủng tử của thức. Vô minh không có ý niệm, tôi làm cho chủng tử của thức nảy nở và sinh trưởng. Chủng tử của thức cũng không có ý niệm, tôi nhờ các duyên mà được sinh.
Thật vậy, chủng tử của thức an lập nơi nghiệp và phiền não, lấy ái làm cho thấm ướt, màu mỡ, lấy đất vô minh phủ che để sinh mầm danh sắc.
Mầm danh sắc ấy không phải từ chính nó sinh khởi, không phải từ cái khác sinh khởi, không phải từ chính nó và cái khác hợp lại sinh khởi, không phải từ Tự Tại Thiên sinh khởi, không phải do thời gian biến đổi mà sinh khởi, không phải từ tự thể sinh khởi, không phải dựa vào một tác nhân mà sinh khởi, không phải không nhân mà sinh khởi.
Như vậy, do sự kết hợp của cha mẹ, sự hòa hợp của thời tiết và sự hội hợp của các duyên tương ứng mà chủng tử của thức có sự sinh trưởng liên tục.
Ở trong bụng của người mẹ, mầm danh sắc được sinh trưởng, tuy nhiên, nó không có chủ thể, không có ngã, là pháp di truyền, là tướng như huyễn, có nhân và các duyên đầy đủ. Có năm thứ duyên sinh ra nhãn thức.
Năm thứ duyên ấy là gì?
Là mắt duyên sắc, ánh sáng, hư không, từ đó khởi tác ý. Mắt làm chỗ dựa cho nhãn thức, sắc làm cảnh sở duyên, ánh sáng làm sự soi chiếu, hư không không làm ngăn ngại, từ đó khởi tác ý để nhận biết. Nếu không có các duyên như vậy thì nhãn thức không sinh khởi được.
Nếu thiếu nhãn nội nhập xứ , hoặc như thiếu hình sắc, ánh sáng, hư không hay tác ý thì nhãn thức không sinh khởi được. Không thiếu năm duyên như vậy, nghĩa là khi tất cả các duyên hòa hợp thì nhãn thức sinh khởi.
Con mắt không có ý niệm, tôi làm chỗ dựa cho nhãn thức. Hình sắc không có ý niệm, tôi làm cảnh sở duyên cho nhãn thức.
Ánh sáng không có ý niệm, tôi làm duyên soi chiếu cho nhãn thức. Hư không không có ý niệm, tôi làm duyên không ngăn ngại cho nhãn thức.
Tác ý từ cảnh sở duyên không có ý niệm, tôi khởi tác dụng nhận biết cho nhãn thức. Nhãn thức cũng không có ý niệm, tôi nhờ các duyên mà được sinh khởi. Như vậy, cần có các duyên thì nhãn thức mới sinh khởi được. Bốn căn còn lại, suy theo trên thì biết.
Thật sự không có pháp nào từ đời này di chuyển đến đời khác, chỉ vì nhân và các duyên không thiếu nên có sự thi thiết của nghiệp báo.
Thí như hình ảnh hiện trên bề mặt tấm gương trong sáng, hình ảnh trên mặt gương không phải tự di chuyển đến vào trong tấm gương, nhưng trong tấm gương ấy lại có hình ảnh, đó là do nhân và các duyên không thiếu.
Như vậy, không có pháp nào từ đời này diệt mất để đi đến đời khác sinh khởi. Có nghiệp quả chiêu cảm là do nhân và các duyên không thiếu.
Thí như mặt Trăng vận hành cách trái đất bốn muôn do tuần, vậy mà trong cái chén có chút nước lại hiện hình ảnh mặt Trăng.
Thật vậy, mặt Trăng không từ vị trí của nó rơi vào trong cái chén có chút nước, nhưng vì có các duyên hòa hợp nên ảnh hiện như vậy.
Tóm lại, không có pháp nào từ đời này diệt mất để đi đến đời khác sinh khởi. Có nghiệp báo tương cảm là do nhân và các duyên không thiếu.
Thí như lửa không thể cháy nếu không có củi. Nếu có củi thì lửa có thể phát sinh. Nghiệp và phiền não làm sinh khởi chủng tử của thức, và từ trong bụng của người mẹ, mầm danh sắc liên tục chuyển biến, sinh trưởng, tuy nhiên, nó không có chủ tể, là pháp vô ngã, là pháp không thể nắm bắt, là tướng như huyễn làm nhân và làm duyên cho nhau, là pháp từ tự tánh sinh khởi, có nhân và các duyên đầy đủ.
Pháp duyên sinh ở trong, có năm thứ nên biết: Không thường còn, không đoạn dứt, không chuyển dời, nhân ít quả nhiều và sinh khởi liên tục tương tự.
Thế nào là không thường còn?
Căn biên uẩn ở đời này mà chết đi thì căn biên uẩn ở đời sau sinh ra, tuy nhiên, căn biên uẩn chết đi ở đời này không phải là căn biên uẩn sinh ra ở đời sau, chỉ là khi chết thì căn biên uẩn hoại diệt, khi sinh thì căn biên uẩn hiện khởi. Đó gọi là không thường còn.
Thế nào là không đoạn dứt?
Không phải căn biên uẩn hoại diệt rồi khi chết, thì sau đó căn biên uẩn mới hiện khởi khi sinh, cũng không phải khi lâm chung căn biên uẩn chưa hoại diệt mà ngay lúc ấy đã sinh khởi trung hữu uẩn, sự thể ấy phải hiểu như là hai đầu của đòn cân, đầu lên đầu xuống cùng thời, gọi là không đoạn dứt.
Thế nào là không chuyển dời?
Là trước khi chuyển biến thành dị loại hữu tình, gọi là không chuyển dời.
Thế nào là nhân ít quả nhiều?
Thân đời này tạo nghiệp nhân thiện ác ít nhưng thân đời sau thọ quả báo thiện ác nhiều.
Thế nào là sinh khởi liên tục tương tự?
Cũng như đời hiện tại thọ thân tác nghiệp thì đời tương lai thọ báo. Phải lấy chánh tuệ nhãn như thật quán sát, tu tập lâu xa các pháp duyên sinh như vậy, vốn là vô nhân, vô ngã, không điên đảo, không sinh, không diệt, không tạo tác, vô vi, không chướng ngại, không cảnh sở duyên, tịch tĩnh, không chiếm đoạt.
Không cùng tận, tự tánh như huyễn, không tịch, không bền vững, như đau nhức, như ung nhọt, tánh chướng ngại sắc chất, tánh vô thường, tánh khổ, tánh không, tánh vô ngã.
Nếu biên tế đời trước không lưu chuyển thì tôi có từng hiện hữu trong quá khứ hay không?
Tôi hiện hữu trong quá khứ là ai?
Vì sao tôi hiện hữu trong quá khứ?
Nếu biên tế đời sau không lưu chuyển thì tôi có sẽ hiện hữu ở tương lai hay không?
Tôi hiện hữu ở tương lai là ai?
Vì sao tôi hiện hữu ở tương lai?
Hay tôi không hiện hữu ở tương lai?
Tôi là ai nếu tôi không hiện hữu ở tương lai?
Vì sao tôi không hiện hữu ở tương lai?
Nếu biên tế đời này không lưu chuyển thì tôi có hiện hữu trong hiện tại hay không?
Tôi hiện hữu trong hiện tại là ai?
Thế nào là tôi hiện hữu trong hiện tại?
Hữu Tình ấy chết ở đây thì sinh ở chốn nào?
Có bao nhiêu kiến chấp của sa môn, bà la môn trong thế gian, cái gọi là ngã kiến trói buộc, chúng sinh kiến trói buộc, thọ giả kiến trói buộc, các kiến chấp trói buộc, hy vọng trói buộc, cát tường trói buộc.
Nếu lấy chánh kiến đối trị các kiến chấp đó thì đoạn được các kết phiền não, chứng được chánh biến tri, như cắt đứt ngọn cây Ta La, biết các pháp là tánh vô sở hữu, nhập vào tánh thắng nghĩa, ở trong các nẻo đường sinh tử lâu xa mà ngộ lý không sinh không diệt, thành tựu được vô sinh pháp nhẫn, rộng làm vô biên công việc lợi lạc hữu tình.
Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, đối với Kinh này chỉ trong một khoảnh khắc suy xét, quán sát nghĩa lý duyên sinh thì người ấy có khả năng đốn diệt nghiệp chướng cực trọng từ vô thỉ đến nay, dồn chứa rộng rãi phước đức và trí tuệ đưa đến địa vị thông đạt, đoạn tuyệt tà kiến, thuyết pháp không sợ hãi.
Này Đại Đức Xá Lợi Tử, Đức Thế Tôn sẽ thọ ký quả bồ đề Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho người thiện nam, người thiện nữ kia.
Ngài tuệ mạng Xá Lợi Tử cùng với Trời, Rồng, Dược Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Dà, Người và Phi Nhân nghe Bồ Tát Từ Thị Thuyết Kinh này rồi, tâm rất vui thích, tùy hỷ sâu xa, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Bồ Tát Từ Thị, hoan hỷ phụng hành.
***