Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Bột Sao

PHẬT THUYẾT KINH BỘT SAO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô
 

PHẦN MỘT
 

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá Vệ.

Vị Thái Tử của Vua nước ấy tên là Kỳ, có một khu vườn rộng đến tám mươi khoảnh, cách kinh thành không xa. Đất ở khu vườn này bằng phẳng, lại có nhiều loại cây ăn quả, khắp mọi chốn đều có dòng suối chảy, ao tắm, nước ở các ao đó luôn trong sạch. Cả khu vườn cũng không có các thứ ruồi, muỗi, sâu bọ, ong nhặng…

Cư sĩ Tu Đạt, bản thân dốc tin thờ Phật, thọ trì năm giới, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối trá và không uống rượu.

Cư sĩ hiểu đạo, tôn kính các bậc tu hành, thường hay bố thí, cứu giúp những kẻ bần cùng, vì vậy dân chúng đã gọi ông là vị luôn giúp đỡ chu cấp cho kẻ cô độc, nghèo khổ.

Lúc này cư sĩ Tu Đạt muốn vì Đức Phật mà xây dựng một khu tinh xá, nên đi khắp nơi để tìm mảnh đất thích hợp, thấy khoảnh vườn rộng của Thái Tử Kỳ là vừa ý nhất, nhân đấy đến để xin mua.

Thái Tử Kỳ nói: Ông có thể đem vàng ròng trải lên đất nơi khu vườn ấy khiến không còn một chỗ nào trống cả, thì tôi sẽ bán cho ông.

Cư sĩ Tu Đạt đáp: Xin vâng! Xin theo đúng số lượng ấy để mua.

Thái Tử Kỳ bảo: Tôi chỉ nói đùa thôi mà! Cư sĩ Tu Đạt không chịu, xảy ra tranh cãi và sự việc chưa biết phải giải quyết ra sao.

Vị quốc lão trong triều đứng ra khuyên can, bảo: Đã hứa giá quyết định như thế thì không nên hối. Hãy thuận mà bán đi.

Tu Đạt im lặng, suy nghĩ phải xem lấy vàng từ kho chứa nào cho đủ số.

Thái Tử Kỳ thấy vậy cho là cư sĩ cảm thấy đắt quá nên dừng lại không mua.

Tu Đạt nói: Không đắt đâu! Tôi suy nghĩ là nên xuất vàng từ kho nào để cho đủ số lượng đấy thôi.

Tức thì sai người, voi cùng mang chở vàng đem tới khu vườn chất theo từng đống rồi lần lượt trải ra khắp mặt đất, chẳng mấy chốc đã trải kín được bốn mươi khoảnh. Thái Tử Kỳ cảm động, nghĩ rằng Đức Phật quyết là bậc Đại Sư, đạo ấy là lớn, chân chánh, nên mới khiến cho vị cư sĩ này xem nhẹ của báu đến như thế.

Bèn nói với trưởng giả Tu Đạt: Thôi hãy dừng lại đấy, đừng xuất vàng nữa!

Thế này nhé: Phần đất trong khu vườn này là thuộc của ông, còn tôi thì xin đem phần cây cối còn lại hiến cúng Phật.

Hai bên đều ưng thuận và công việc xây dựng tinh xá được tiến hành, xong thì trình thưa lên Phật. Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Sa Môn đã đến an trụ nơi tinh xá đó. Vì thế mà cả khu tinh xá này được manh tên là khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc.

Vua nước ấy tên là Ty tiên nặc luôn khiến mọi người trong hoàng cung và dân chúng tin kính Phật, phụng sự các Sa Môn, cúng dường đầy đủ các thứ y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh.

Lúc Phật chưa xuất hiện ở đời, các đám ngoại đạo đều hưng thịnh, ví như trong đêm tối thì đèn đuốc được cho là sáng. Đến khi trong thiên hạ đã có Phật rồi thì đám tà thuyết kia bị đẩy lùi, tiêu diệt, cũng như Mặt Trời hiện lên thì ánh lửa coi như không đáng kể.

Trong nước đó vốn tin thờ năm trăm người dị đạo, lúc này hầu như không còn mấy ai tin theo nữa, nên đám ngoại đạo ấy ganh ghét tức tối, mưu tìm cách hủy báng Phật để mong được nhiều người tôn kính như trước.

Có một đệ tử nữ của nhóm ngoại đạo kia tên là Toan Đà Lợi Tôn Đà Lợi thưa với thầy mình: Thầy chớ nên lo buồn! Con có thể làm cho mọi người chẳng còn kính thờ Phật nữa, mà trở lại tin theo thầy như cũ. Kể từ hôm nay, ngày ngày con sẽ trang điểm, ăn mặc đàng hoàng, lui tới chỗ Phật và các vị Sa Môn. Cho đến khoảng một tháng sau, thì sẽ lén giết con đi, đem chôn nơi khu vườn cây ấy, rồi giả vờ tìm kiếm.

Nhiều người sẽ nói: Thường thấy cô ấy lai vãng nơi tinh xá. Thế là cho người đến tâu Vua, xin cho quan quân đi tìm, tra xét.

Khi lấy được xác chết thì kêu khóc, truyền nhau nói xấu Phật và các Sa Môn: Đạo ấy chẳng ra gì! Dâm loạn, không chút giới hạnh! Dân chúng khắp nước nghe được tất rời bỏ Phật, trở lại tin kính các thầy.

Đám sư ngoại đạo khen: Mưu kế như vậy là hay lắm! Cô gái Toan Đà Lợi theo đúng như lời mình nói, lai vãng tới tinh xá, được một tháng thì đám sư ngoại đạo kia sai bốn người lén giết cô ta, đem chôn nơi khu vườn đó.

Lại cho người tìm khắp, rồi đến cửa Vua tâu là có cô gái mới đây mà bị chết, ai cũng thấy cô ta ngày ngày lui tới chỗ tu hành cửa các vị Sa Môn, xin Vua cho quan đi điều tra. Vua bèn ra lệnh cho quan ngoại bộ cùng với các sư ngoại đạo lo việc tìm kếm.

Lúc này, họ vờ quanh quẩn qua lại nơi chôn xác cô gái tới ba lần, lôi ra được xác rồi bỏ lên xe chở đi cùng khắp, gào khóc inh ỏi: Pháp của các hàng Sa Môn là phải giữ giới hạnh thanh tịnh, vậy mà lại làm chuyện dâm ô với phụ nữ, sợ chuyện đổ bể ra nên giết đi để che giấu.

Có thứ đạo như thế sao! Người trong nước nghe sự việc ấy, phần lớn tin theo, chỉ những người hiểu đạo, đắc đạo thì biết đấy là trò dối trá.

Lúc này, Phật bảo các vị Sa Môn: Chớ nên vào thành. Sau bảy ngày thì sự tình sẽ rõ.

Sáng sớm thứ tám, Phật sai Tôn Giả A Nan đi tới những ngã đường đông người qua lại nói rằng: Những kẻ nói dối, tâu xằng, Trời khiến mồm miệng luôn hôi thối. Dối trá, vu cáo những người lương thiện trong sạch thì khi chết bị đọa vào địa ngục, ngu tối, hung bạo luôn đeo đuổi lấy mình, suốt đời suốt kiếp phải nhận lấy bao nỗi khổ.

Dân chúng khắp thành khắp nước nghe những lời nói của Tôn Giả A Nan, đều cùng nhau cho rằng: Các vị Sa Môn rõ ràng là thanh tịnh, nên Phật mới nêu bày như thế.

Nhà Vua thấy vậy bèn cho người bí mật đi dò xét, thấy nơi nhà kẻ dị đạo cùng nhau tổ chức ăn mừng tưởng thưởng công lao cho bốn người. Kẻ dị đạo ấy theo đúng pháp của họ, ai biết kinh nhiều thì được chia phần nhiều hơn. Có một kẻ trong bốn người đó thuộc loại ngu tối, nên nhận phần chia ít nhất.

Anh ta nổi giận la hét: Tôi sẽ đi tố cáo ông về việc này!

Cùng chung làm công việc giết người để vu oan cho Phật, sao lại chia tôi phần ít?

Người vâng lệnh Vua đi dò xét, biết được sự việc, nên tóm lấy anh ta dẫn tới quan trên xét hỏi, anh ta cứ sự thật khai ra, thế là bắt được kẻ chủ mưu.

Nhà Vua cùng với quần thần đi tới chỗ Đức Phật. Trưởng giả Cấp Cô Độc, các vị Thanh tín sĩ, cũng như vô số dân chúng trong nước, đều đi đến chỗ Phật. Tới nơi, cung kính đảnh lễ bái xong, thảy an tọa qua một bên.

Nhà Vua chắp tay thưa với Phật: Mọi người nghe sự việc phỉ báng ấy, không ai là không nhận thấy một sự vu khống lố bịch, càng làm rõ Phật là bậc Chí chân, thanh tịnh vô lượng. Không biết cớ sự như thế là do từ nhân duyên gì.

Đức Phật nói với nhà Vua: Dấy sinh sự phỉ báng đều do từ tham lam ganh ghét. Mà việc ấy vốn có từ lâu, đâu phải chỉ mới xảy ra hôm nay.

Nhà Vua thưa: Xin được nghe về chuyện đó.

Đức Phật nói: Về thân mạng đời trước của ta trong vô số kiếp, thời gian còn tu tập đạo Bồ Tát, luôn thể hiện tâm từ bi nhằm độ thoát muôn loài. Bấy giờ, nước Bồ Lân Nại, rộng lớn, trang nghiêm, dân chúng đông đúc, giàu có, trong nước này có một Phạm chí thuộc giòng Cù Đàm, thông minh tài ba, thấy xa hiểu rộng vào hàng nhất nước.

Ông ta sinh được ba người con, đứa nhỏ nhất hết mực đoan nghiêm khiến người cha cho là điều kỳ lạ, nên bày ra hội lớn, mời các vị đạo nhân cùng họ hàng trong ngoài đến nhà mình, rồi cho bồng đứa bé để mọi người xem. Các vị đều cho rằng đứa bé có tướng Thánh Nhân, là hạng ưa thích đạo pháp, ắt làm đến bậc quốc sư, nhân đấy đặt đứa bé tên là Bột.

Bột lớn lên tỏ ra là một đứa trẻ ham học, tài nghệ đều hơn người, các kinh thảy đều thông tỏ, cùng chín mươi sáu thứ học thuật tư tưởng trong thiên hạ, cả những lãnh vực diễn biến về sinh tử của con người, các hiện tượng núi lở đất rung, phước họa, tai biến, y thuật, bùa chú… không gì là không thạo.

Lại hay dứt bỏ tâm tham dâm, hàng phục xua trừ bao nẻo độc hại xấu ác, võ nghệ cũng rất tinh thông nhưng tánh tình nhân từ hiền hậu. Sau khi ông Cù Đàm qua đời, hai người anh của Bột tỏ ra ganh ghét đối với em, nhiều lần đề nghị chia gia tài, ăn riêng, bảo rằng Bột lúc trẻ ham học, tổn phí về tiền thầy rất nhiều, nên phần chia phải nhận ít hơn hai anh.

Bà mẹ thương đứa con nhỏ nên thường khuyên hai người anh, nhưng họ không nghe. Bột thấy ý anh ngày một lấn lướt, tự suy nghĩ về đời sống con người đều vì tham mà khổ, nếu mình không bỏ đi thì hai anh chắc không nương tay. Nhân đấy thưa với mẹ là mình muốn lên đường cầu học đạo, mẹ thuận theo ý con.

Thế là Bột dứt bỏ mọi ràng buộc với gia đình, tìm đến minh sư, làm Sa Môn, ở nơi núi sâu dốc tu tập tự đạt được pháp bốn ý chỉ:

1. Là thương xót đến chúng sinh như mẹ yêu con.

2. Là thương xót cả mọi loài trong thế gian nhằm khiến họ được giải thoát.

3. Là thông tỏ ý đạo, tâm thường hoan hỷ.

4. Là có thể giúp đỡ, che chở tất cả không hề sai phạm.

Lại đạt được bốn ý, là chỗ được Chư Phật khen ngợi:

1. Là chế ngự tham dâm.

2. Là dứt trừ giận dữ.

3. Là xua đoạn những tâm niệm si mê.

4. Là khi gặp vui không mừng, bị khổ không lo.

Lại dứt hẳn năm thứ dục: Mắt không đắm sắc, tai không chuộng tiếng, mũi chẳng vướng mùi, lưỡi không tham vị, thân không ham sự êm dịu mịn màng. Từ đấy có thể sử dụng các phương tiện của trí tuệ đạo pháp, tùy thuận giáo hóa khắp thiên hạ, khiến họ thực hiện mười điều thiện, hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng các bậc Sư Trưởng.

Đối với những người còn nghi hoặc thì khiến họ tin tưởng vào đạo đức, biết rõ sự vật có chết là do có sinh, làm thiện được phước, làm ác mang họa, hành đạo thì đạt đạo. Thấy những kẻ sầu khổ, nguy khốn thì giải cứu cho họ thoát khỏi hoàn cảnh ấy.

Còn những người tật bệnh thì giúp đỡ thuốc men. Những ai tin phục theo lời dạy của Bột, khi mạng chung đều được sinh lên Cõi Trời. Nếu ở các vùng quận huyện trong nước gặp phải tai biến, hoặc nắng hạn, lụt lội, Bột đến là được bình yên, mọi thứ độc hại thảy đều dứt trừ.

Bấy giờ, có một nước lớn, dân chúng đông đúc, an lạc. Vua tên là Lam đạt. Bốn vị quan lớn giữa trọng trách trong triều chuyên làm việc tà nịnh, tham dâm, gian dối, xâm chiếm cướp đọat không chút nương tay, dân chúng phải gánh chịu bao nỗi khổ độc, nhưng nhà Vua không hề hay biết.

Bột thương xót hoàn cảnh ấy nên thân đến ngoài thành theo đạo nhân Sa Đà, ở nhờ tại đấy bảy ngày rồi mới vào thành khất thực. Nhà Vua ở trên lầu cao, trông thấy Bột tuổi còn trẻ mà dung mạo, uy nghi hết mực, dáng đi đứng khác lạ, nên lòng Vua rất yêu thích, kính mộ, liền ra gặp Bột, thăm hỏi.

Vua nói: Mong đạo nhân lưu tâm đến lời ta nói. Ta có tinh xá ở gần phía ngoài thành, đạo sĩ có thể ngụ ở đấy để tu tập, ta sẽ xin chu cấp mọi thứ cần thiết.

Bột thưa: Xin vâng.

Vua vui mừng nói: Ý ta muốn, xin đạo sĩ hãy nhận lời, sáng ngày mai mới đến hoàng cung, hàng ngày ở đấy mà thọ trai.

Bột đáp: Tốt lắm.

Vua trở về cung, nói với phu nhân: Bột không phải là người thường, sáng mai khanh sẽ thấy rõ điều ấy.

Phu nhân nghe Vua nói thế, lòng rất vui. Dưới giường nằm có một con chó, tên là Tân Kỳ, nghe chuyện Vua kể cũng tỏ ra mừng rỡ.

Sáng hôm sau, Bột đến cung Vua, nhà Vua cùng phu nhân ra đón, thi lễ, mời Bột ngồi lên giường vàng trải chiếu lộng sạch sẽ quý giá, Bột vừa ngồi lên thì con chó chạy tới liếm chân mình.

Nhà Vua thân hành bưng nước rửa tay, hết sức cung kính trong việc cúng dường trai phạm cho Bột. Xong xuôi, cả hai cùng ra khỏi cung, đi đến Tinh xá ngoài thành, ở đấy Bột vì nhà Vua mà nói về pháp trị nước. Vua nghe, vô cùng hoan hỷ, nhân đó thỉnh Bột ở lại cùng với bốn vị đại thần bàn về công việc trị nước.

Bốn vị đại thần ấy ngu si, khiếp nhược, không am hiểu về chiến trận, tự biết mình vốn tham lam ô trọc, nên luôn sợ Vua hay được sự tình. Một ông thì cho rằng con người chết rồi, thần thức diệt, không còn việc sinh trở lại. Một ông khác cho là trong đời sống mọi sự giàu nghèo khổ vui thảy đều do Trời sắp đặt.

Một ông khác thì bảo làm thiện không được phước gì, làm ác chẳng mang họa. Một ông nữa thì hay cậy mình biết xem thiên văn, thông rõ mọi sự vận hành của tinh tú, nhưng tất cả đều gian nịnh, không trung chính. Bột tánh vốn thông minh, tài cao, ý chí dũng mãnh, ham chuộng nhân nghĩa, lời nói luôn thận trọng, thể hiện sự tin, thuận, lúc nói hay mỉm cười, không hề làm Phật ý người nghe.

Tâm ý Bột luôn thanh tịnh dứt mọi ham muốn, kiềm chế về thanh sắc, các pháp nêu ra không gây phiền hà, biết trước những trường hợp tai biến, có thể sai khiến quỷ thần, làm cho người chết sống dậy, yêu thương dân như con, đem đạo pháp để giáo hóa, khiến họ lìa bỏ nẻo hung ác xấu xa.

Các công việc như săn bắt, đánh cá, bắn giết chim muông, sát sinh, trộm cắp, dâm dật, lừa dối, tâu bậy, chửi mắng, nịnh hót, ganh ghét, tranh tụng, giận dữ, yêu mị, nghi hoặc… Bột đều giáo hóa họ trở nên hiền lành, tốt đẹp. Chính vì thế mà sau khi Bột tham dự việc nước, cả cõi đều được an ninh, mưa gió thuận hợp, năm thứ lúa gạo hoa màu đều dồi dào, các quan đều tuân theo phép nước không còn nhiễu hại dân chúng.

Lại rất tôn quý phụng thờ Phật để cầu giải thoát, bốn đạo Sa Môn sớm tối đều đọc tụng, tu tập. Cả đến đám chị em con cháu cũng dốc lòng cầu hiền chuộng, phải luôn kính ngưỡng thờ Bột làm thầy, các bậc hiếu học trong nước, hầu hết đều nhờ cậy Bột. Nhà Vua chẳng còn lo lắng gì, tất cả thảy đều ủy thác cho Bột.

Bốn vị đại thần sợ sệt, ganh ghét Bột, vì không còn được thao túng như trước nên dấy ý đố kỵ, mưu tìm cách để hại Bột, mới cùng nhau chung góp của báu, mỗi người hàng vạn hàng ức châu báu như thế, chờ dịp nhà Vua đi ra ngoài, liền đem số châu báu ấy dâng lên phu nhân, thưa rõ: Chúng thần tâm ý chí thành, xin đem hết mọi thứ hiện có trong gia đình, cả đến thân mạng của đám vợ con, sẽ xin làm nô tỳ, để tâu với phu nhân một việc, cúi mong phu nhân chấp thuận.

Phu nhân động lòng tham vì được nhận số lượng châu báu quý giá như vậy nên cảm tạ bốn vị đại thần, hứa là sẽ sẵn sàng nghe theo lời tâu.

Bốn đại thần thưa: Nhà Vua chỉ lo kính phụng Bột, vốn là kẻ ăn mặc thô lậu khác nào gã hành khất mà thấy chỗ đứng của mình quá lớn lao, nên không còn nhớ nghĩ đến ơn nước, hàng ngày chỉ toàn nói xấu phu nhân, khiến nhà Vua rời xa hậu cung chẳng còn ngó ngàng đến phu nhân nữa.

Chúng thần trộm nghĩ, phu nhân đang lúc trẻ trung xuân sắc, cần phải có hoàng tử nối giòng, nghĩ lại nếu thời ấy mất đi thì đất nước lấy ai kế vị. Vậy xin phu nhân hãy suy nghĩ kỹ càng, nếu không trừ bỏ Bột thì e rằng sau này hối không kịp.

***