Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp đại Hội Tập
PHẬT THUYẾT KINH
CHÁNH PHÁP ĐẠI HỘI TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở tại đảnh núi Linh Thứu trong thành Xá Vệ, cùng với chúng đại Bí Sô là một vạn hai ngàn người.
Tôn Giả A Nhã Kiểu Trần Như, Tôn Giả Đại Mục Càn Liên, Tôn Giả Xá Lợi Tử, Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp, Tôn Giả Tư Thắng, Tôn Giả La Hầu La, Tôn Giả Thiện Dung, Tôn Giả Hiền Hộ, Tôn Giả Hiền Kiết Tường, Tôn Giả Mục Kiết Tường, Tôn Giả Đại Thế Chí, Tôn Giả Mãn Từ Tử, Tôn Giả Thiện Kiết, Tôn Giả Lị Phạt Đế, Tôn Giả Chiêu Đàn Quân. Những vị như vậy đều là bậc Đại A La Hán.
Bấy giờ có các Đại Bồ Tát là: Đại Bồ Tát Từ Thị, Đại Bồ Tát Phổ Dũng, Đại Bồ Tát Đồng Tử Kiết Tường, Đại Bồ Tát Đồng Tử Trụ, Đại Bồ Tát Đồng Tử Hiển, Đại Bồ Tát Vô Sở Giảm, Đại Bồ Tát Diệu Kiết Tường, Đại Bồ Tát Phổ Hiền, Đại Bồ Tát Thiện Hiện, Đại Bồ Tát Kim Quang Quân, Đại Bồ Tát Dược Vương Quân. Như vậy cả thảy có đến sáu vạn hai ngàn chúng Đại Bồ Tát.
Lại có Thiên Tử Tối Thắng Thọ Vương, Thiên Tử Hiền, Thiên Tử Thiện Hiền, Thiên Tử Pháp Ái, Thiên Tử Chiên Đàn Tạng, Thiên Tử Hương Trụ, Thiên Tử Chiên Đàn Hương. Như vậy cả thảy một vạn hai ngàn chúng Thiên Tử.
Lại có Thiên Nữ Diệu Thân, Thiên Nữ Cực Tín, Thiên Nữ Tự Tại Chủ, Thiên Nữ Kiết Tường Mục, Thiên Nữ Thế Kiết Tường, Thiên Nữ Đại Thế Chủ, Thiên Nữ Đại Lực, Thiên Nữ Diệu Tý. Như vậy cả thảy tám ngàn Thiên Nữ.
Lại có Long Vương Ưu Bát La, Long Vương Y La Đát Ra, Long Vương Để Dân Nga Lệ, Long Vương Thắng Khí, Long Vương Tối Thượng Khí, Long Vương Diệu Hỷ, Long Vương Diêu Chi, Long Vương Tượng Đầu.
Như vậy cả thảy có tám ngàn Long Vương, đều đến dự hội. Khi đến chỗ Đức Phật, họ đều cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài nhiễu quanh bên hữu ba vòng rồi lui về ngồi xuống một bên.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vẫn đứng im lặng.
Khi ấy, trong hội có một vị Đại Bồ Tát tên là Phổ Dũng, liền từ tòa đứng dậy, trạch áo vai hữu, quỳ gối mặt xuống đất, chắp tay cung kính bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát, Thanh Văn, Chư Thiên và loài người trong hội này, đều vân tập tại đây, muốn được nghe Phật tuyên nói Diệu Pháp.
Các đại chúng này thảy đều chú tâm ngắm nhìn sắc tướng thù thắng của Đức Như Lai, Bậc Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, họ muốn thâm nhập Phật Pháp, vì ưa thích pháp, nên họ quan sát sắc tướng Phật.
Những người đã tu tập lâu thì liền được xa lìa tất cả chướng ngại ô nhiễm. Người mới tu tập liền phát tâm vô thượng, tu thiện pháp không còn khởi lên tư tưởng bất thiện nữa.
Bấy giờ Đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Dũng: Ta có chánh pháp tên là Đại Tập Hội, lưu bố rộng lớn tại Cõi Diêm Phù Đề. Nếu có chúng sanh nào vừa nghe được pháp này thì cho dù họ có bị tội nặng ngũ nghịch cũng đều được tiêu diệt tất cả, không còn thối chuyển với A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Này Phổ Dũng! Ý ngươi thế nào?
Ngươi cho rằng người nghe pháp ấy đã được phước đức bằng phước đức một Đức Phật chăng?
Bồ Tát Phổ Dũng bạch Đức Phật: Đúng vậy, bạch Thế Tôn!
Đức Phật nói: Này Phổ Dũng! Ngươi chớ có cái thấy như vậy, nếu thấy như vậy, thì không phải là cái thấy chơn thật.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Phải thấy như thế nào mới biết được phước đức chân thật của người ấy?
Đức Phật dạy: Này Phổ Dũng! Phước đức mà người nghe pháp ấy đạt được cùng với phước đức của hằng hà sa số Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, không có sai khác.
Lại nữa, nảy Phổ Dũng! Nếu có ai nghe chánh pháp này, thảy đều trụ nơi địa vị bất thối chuyển, liền được các Đức Như Lai luôn luôn quán sát, tất cả các Đức Như Lai thường hiện trước mặt, hàng phục được ma quân, tròn đầy thiện pháp. Người ấy liền có thể đối với lý sanh diệt thảy đều biết rõ, tất cả đều được thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề …
Bấy giờ các vị Bồ Tát trong hội, từ tòa đứng dậy, đồng bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Phước đức của một Đức Phật, số lượng bao nhiêu?
Đức Phật dạy: Này các thiện nam tử! Các người hãy lắng nghe cho kỹ! Số lượng phước đức của một Đức Phật có được, thí như có người đem hết nước biển cả rưới hết Cõi Diêm Phù Đề. Trong số nước ấy chỉ lấy một giọt, làm thành số lượng một hằng hà sa.
Như vậy cứ giọt nước này đến giọt nước khác, từng giọt nước trong biển cả là một hằng hà sa, cứ mỗi số cát trong một sông Hằng ấy, đều là các Bồ Tát trụ Thập Địa, vậy phước đức của các Bồ Tát ấy có nhiều chăng?
Các Bồ Tát bạch Đức Phật: Rất nhiều, bạch Thế Tôn!
Đức Phật dạy: Này các thiện nam tử! Phước đức của một Đức Phật còn nhiều hơn thế, nhưng có người nghe pháp này thì phước đức lại càng gấp bội số ấy.
Lại nữa, này các thiện nam tử! Nếu có chúng sanh ở đời mạt thế, nghe chánh pháp này mà sanh tâm tín giải, thì phước đức đạt được càng hơn số trên, vô lượng vô biên, không thể tính toán.
Khi ấy Bồ Tát Phổ Dũng lại từ tòa ngồi đứng dậy bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng sanh ưa thích cầu pháp, vậy phải cầu như thế nào?
Đức Phật dạy: Này Phổ Dũng! Những người cầu pháp tóm lại có hai loại.
Đối với tất cả chúng sanh khởi tâm bình đẳng.
Đúng như pháp được nghe, nói cho chúng sanh.
Bồ Tát Phổ Dũng bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Như pháp được nghe, nói cho chúng sanh như thế nào?
Đức Phật dạy: Này Phổ Dũng! Lại có hai loại: Đem pháp được nghe, hồi hướng Bồ Đề.
Đối với pháp đại thừa được nghe, ưa thích mong cầu, rồi luôn luôn giữ tâm không giải đãi. Nếu ai có thể vì chúng sanh mà nói như vậy, gọi là người cầu pháp chơn chánh.
Bấy giờ các chúng Thiên Tử và Thiên Nữ trong hội đều từ tòa đứng dậy, chắp tay hướng về Phật bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Chúng con hầu hết lòng mong cầu chánh pháp. Như lòng đại từ đại bi của Đức Thế Tôn, hay làm cho tất cả chúng sanh đều được mãn nguyện, cúi mong Đức Thế Tôn rộng phân biệt nói cho chúng con nghe.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn liền ở trong hội phóng luồng ánh sáng lớn thanh tịnh, vi diệu, hy hữu, chiếu khắp đại chúng.
Khi ấy, Bồ Tát Phổ Dũng bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Đức Thế Tôn phóng luồng ánh sáng này?
Đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Dũng: Nay ngươi nên biết, hiện tại trong hội này có người phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, đối với Đức Phật Thế Tôn sanh tư tưởng cho là khó gặp nên tôn trọng, cung kính, khuyến thỉnh Ngài thuyết pháp. Do nhân duyên đó nên ta phóng luồng ánh sáng này.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có các chúng sanh phát tâm vô lượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tu tập như thế nào để được thành tựu?
Đức Phật dạy: Lành thay! Lành thay! Ngươi thật dũng mãnh, nên ở trong đại chúng mà có thể dùng nghĩa này để hỏi Đức Phật Thế Tôn, làm lợi ích tất cả. Khiến cho họ mau thành Phật đạo. Nay ngươi cũng có thể dùng thiện căn này để thành tựu quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Như điều ngươi hỏi, ta sẽ giải thích.
Ngươi hãy lắng nghe cho kỹ. Ta nhớ thuở xưa, cách đây vô số kiếp, có một Đức Phật ra đời, hiệu là Bảo Kiết Tường Như Lai, bậc Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Lúc đó, Ta Bà Ma Hổ Phạ Ca Ý Sanh Thân làm cho chúng sanh được an trú Phật trí. Bỗng nhiên một hôm ta thấy có hai con nai chúa bị các khổ não.
Lúc đó ta thầm nghĩ: Làm sao ta có thể thay thế con nai chúa này gánh hết khổ não cho nó?
Ta lại tự suy nghĩ: Tất cả chúng sanh luân chuyển trong ba cõi, người chưa lìa khỏi khổ, cũng đều như vậy.
Lúc đó ta liền phát nguyện: Mong cho ta trong thời tương lai nếu được thành Phật sẽ khiến cho các chúng sanh, xa lìa các khổ não, sanh vào nước ta, được an trụ nơi Phật trí.
Này Phổ Dũng! Ta nhờ sức đại nguyện thiện căn như vậy, nên liền thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Bấy giờ Bồ Tát Phổ Dũng nghe như vậy xong, lại bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Thời đại của Đức Phật đó, tuổi thọ của chúng sanh được bao nhiêu?
Đức Phật dạy: Dùng số lượng của kiếp là bao nhiêu để tính tuổi của họ.
Đức Phật dạy: Này Phổ Dũng! Số lượng của kiếp đó, thí như có người xây một thành lớn, bể rộng mười hai do tuần, cao ba do tuần, bên trong thành người ta chứa toàn hạt mè. Bỗng có một người cứ một trăm năm, đến đó một lần, lấy một hạt mè dôi ta ngoài thành.
Như vậy cứ mỗi lần người ấy đến và lấy một hạt mè dôi ra bên ngoài, cho đến lúc hạt mè không còn và thành cũng bị hư. Số lượng số kiếp ấy cũng vẫn chưa hết.
Lại nữa, ví như có hòn núi thật lớn, rộng hai mươi lăm do tuần cao mười hai do tuần. Có vị Trời Trường Thọ, cứ một trăm năm đến đó một lần, và ngồi lên hòn núi ấy dùng áo Kiều Thi Ca lau trên núi đá đó. Như vậy cứ một lần đến và một lần lau, cho đến lúc hòn núi đó mòn hết, nhưng số lượng số kiếp vẫn chưa hết.
Này Phổ Dũng! Như vậy gọi là số lượng của một kiếp.
Bấy giờ Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người đem một căn lành, hồi hướng bồ đề mà được phước lớn, thọ đến tám mươi kiếp. Huống chi có người ở trong pháp thâm diệu của Phật, tu tập rộng rãi, thì được phước đức không thể tính toán.
Đức Phật dạy: Này Phổ Dũng! Nếu có chúng sanh được nghe chánh pháp Đại Tập Hội này, sẽ được sống lâu tám vạn bốn ngàn kiếp. Huống chi đối với chánh pháp này mà họ lại có thể biên chép, đọc tụng, thì phước đức họ đạt được gấp bội lần trước, không thể so sánh.
Lại nữa, này Phổ Dũng! Nếu ai được nghe chánh pháp này mà sanh lòng tin thanh tịnh cung kính, tôn trọng, thì người ấy trong chín mươi lăm kiếp, được trí túc mạng, sáu vạn kiếp được làm Vua chuyển luân, được tất cả mọi người tôn trọng, kính mến, không bị đao, gậy, thuốc độc làm hại, lúc sắp lâm chung, có chín mươi lăm câu đê Phật, hiện ra trước mặt để an ủi người đó.
Các Ngài dạy rằng: Chớ có sợ hãi! Trước đây ngươi đã được nghe chánh pháp Đại Tập Hội, nên có phước rất lớn.
Lúc đó, chín mươi lăm câu đê Phật thảy đều thọ ký cho vị ấy, cứ mỗi lần sanh ra đều được sanh vào Cõi Phật. Huống chi vị ấy lại dùng chánh pháp này lưu bố rộng rãi làm cho các cõi hữu tình thảy đều được nghe.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Nay con đối với chánh pháp Đại Tập Hội này, rất thích được nghe và thọ trì, tâm không nhàm chán.
Đức Phật dạy: Lành thay! Lành thay! Đâu phải chỉ có tâm người ưa thích pháp không chán. Chính ta đối với pháp này, thích tuyên truyền rộng rãi cũng không nhàm chán. Huống chi có kẻ phàm phu đối với chánh pháp này mà sanh tâm nhàm chán.
Lại nữa, này Phổ Dũng! Nếu có thiện nam hay Thiên Nữ nào, đối với chánh pháp này mà hết lòng tin tưởng và ưa thích, thì người đó ở trong ngàn kiếp không hoại chánh tín, trong năm ngàn kiếp thường sanh ở Cõi Trời, trong hai vạn năm ngàn kiếp thường sanh ở Cõi Trời.
Trong hai vạn năm ngàn kiếp thường tu phạm hạnh, trong bốn vạn kiếp xa lìa sự trói buộc ngu si của quyến thuộc, không bị phiền não ngăn che tăm tối, trong năm vạn kiếp thọ trì chánh pháp, trong sáu vạn năm ngàn kiếp, an trụ chánh niệm.
Này Phổ Dũng! Thiện nam và thiện nữ ấy, lại không còn khởi tâm tạo nghiệp ác nữa, tất cả ma oán không thể xâm hại được, bất cứ sanh ở đâu cũng không bị ở trong bào thai.
Nếu lại có người ở trong chánh pháp này mà lắng nghe, thọ trì và đọc tụng, thì người ấy trong tám vạn kiếp được nghe chánh pháp ấy và thọ trì đầy đủ, trong một ngàn kiếp xa lìa nghiệp sát sanh, trong chín vạn chín ngàn kiếp xa lìa nghiệp nói dối, trong một vạn ba ngàn kiếp xa lìa nghiệp nói hai lưỡi.
Này Phổ Dũng! Nên biết rằng, chính vì những việc như vậy, nên đối với đại chánh pháp này khó có thể gặp được thậm chí tên gọi của chánh pháp lớn ấy không thể nghe được.
Bấy giờ Đại Bồ Tát Phổ Dũng càng thêm cung kính, quì gối mặt xuống đất, lạy dưới chân Đức Phật, bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu có người khinh chê và hủy báng chánh pháp này thì họ sẽ bị tội như thế nào?
Đức Phật dạy: Rất nhiều.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Đức Phật: Số lượng tội báo mà người ấy phải lãnh là bao nhiêu?
Đức Phật dạy: Này Phổ Dũng! Nếu ai đối với mười hai hằng sa số Chư Phật mà sanh tâm đại ác thì tội báo ấy vẫn còn nhẹ. Nhưng nếu ai đối với chánh pháp này mà sanh tâm khinh chê, hủy báng thì bị tội báo nhiều hơn người trước.
Vì sao vậy?
Này Phổ Dũng! Nếu ai đối với chánh pháp ấy mà sanh tâm khinh chê, hủy báng, thì liền phát sanh tâm phá hoại đại thừa, tự mình thiêu đốt vì lửa phiền não.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sanh bị nghiệp tập trói buộc, nay luân chuyển trong sanh tử, không thể giải thoát.
Đức Phật bảo: Này Phổ Dũng! Đúng vậy, đúng vậy. Thí như có người tự chặt đầu mình, lúc đó có người đem thuốc hay có tên là Ma Sất Ca, Ngu Ni Ma Phạ, Kiệt Lý Da Phạ, Đới Lê Na Phạ. Những loại thuốc hay như vậy xoa chỗ đầu bị đứt của người đó.
Này Phổ Dũng! Ý ngươi thế nào?
Ngươi cho rằng người ấy sẽ sống lại chăng?
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Đức Phật: Không thế, bạch Thế Tôn! Người ấy tuy có được thoa thuốc hay, nhưng không thể sống lại được.
Đức Phật dạy: Này Phổ Dũng! Sự luân chuyển ấy cũng lại như vậy.
Lại nữa, này Phổ Dũng! Thí như thuở nọ có hai người đàn ông đều cầm dao bén muốn giết lẫn nhau. Họ ra sức đánh nhau nhưng không thể hại nhau được, rồi cả hai đều bị thương đau đớn tột cùng. Lúc ấy bỗng có người đem thuốc hay đến xoa lên trên vết thương họ thì vết thương lành ngay.
Khi hai người đàn ông ấy vết thương đã được lành, nhớ đến sự đau đớn lúc trước nên nói với nhau rằng: Từ nay về sau, chúng ta đừng bao giờ khởi tâm giết hại nhau nữa.
Phật dạy: Này Phổ Dũng! Những người có trí cũng lại như vậy. Tuy có tạo nghiệp liền biết hối hận, nên đối với chánh pháp không sanh tâm chống trái, như vậy dần dần có thể hướng tới tất cả pháp lìa khỏi sanh tử.
***