Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP HOA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI HAI

KHUYẾN THUYẾT
 

Lúc bấy giờ có Bồ Tát tên là Dược Vương, lại có Bồ Tát tên là Đại Biện cùng hai vạn Bồ Tát khác ở trước Đức Thế Tôn thưa: Cúi xin Đấng Đại Thánh hãy an nhiên tuyên giáo, chớ âu lo. Sau khi Thế Tôn diệt độ, chúng con sẽ cùng nhau phân bố, giảng thuyết Kinh này để chỉ bày cho chúng sinh.

Giả sử có người tánh tình ngang ngược tự chuyên không sửa đổi, đức mỏng vô phúc, tâm tánh tự đại, tham của cúng dường, không đủ căn lành xa lìa giải thoát, khó thể thành tựu thì bạch Thế Tôn, chúng con sẽ phát khởi sức nhẫn nhục, tại Thế Giới ấy, thọ trì Kinh Điển này, biên chép, đọc tụng, cúng dường phụng sự, mang theo bên mình.

Ngoài ra, chúng con còn tuyên nói Kinh này để báo ân an trụ.

Bấy giờ có năm trăm vị Tỳ Kheo Hữu học và Vô học trong chúng hội, bước tới bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con xin đảm nhận tuyên bố Kinh này.

Lại nữa, bạch Thế Tôn chư vị Thanh Văn Hữu học, Vô học của chư Như Lai ở Thế Giới khác, Ngài đã thọ ký thành đạo Vô Thượng chánh chân.

Tất cả đều chắp tay đảnh lễ Thế Tôn.

Lại có tám ngàn Tỳ Kheo bạch Phật: Xin Thế Tôn an tâm, chớ lo ngại. Sau khi Ngài diệt độ, chúng con sẽ giảng nói rộng rãi, truyền bá Kinh này, cũng sẽ truyền bá ở Thế Giới khác.

Vì sao?

Vì ở Thế Giới Kham nhẫn này, con người nhiều kiêu mạn, cội đức nông cạn, tâm thường bị loạn động như bị lửa thiêu, mê hoặc trong ba cõi, chẳng thể tự an.

Lúc bấy giờ Tỳ Kheo Ni Đại Kính cùng sáu ngàn Tỳ Kheo Ni quỳ ngước nhìn Thế Tôn, không hề mệt mỏi và thưa với Đức Phật: Đấng Đạo Đức chí tôn, cao vời vô lượng, siêu tuyệt hư không, không ai sánh kịp!

Phật liền bảo: Kiều đàm di và các vị chớ ôm lòng lo âu, buồn rầu mà nhìn Thế Tôn như vậy.

Các vị tưởng rằng Thế Tôn không đề cập đến, và không thấy thọ ký cho thành đạo Chánh Giác chí chân vô thượng ư?

Tất cả chúng hội đều hòa đồng như nhau.

Khi ấy Đức Phật tuyên bố thọ ký cho mọi người sẽ đạt quả vị vô thượng chánh chân, đều giống nhau không sai khác.

Ngài bảo Kiều đàm di: Về sau, người sẽ gặp và cúng dường phụng sự ba vạn tám ngàn ức Đức Phật, sẽ là Bồ Tát thường làm Pháp Sư. Và sáu ngàn Tỳ Kheo Ni hữu học và vô học này vì các loài chúng sinh cũng làm Bồ Tát Pháp Sư.

Tất cả lần lượt đầy đủ hạnh Bồ Tát rồi sẽ thành Phật hiệu là Nhất Thiết Chúng Sinh Hàm Kính Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Sau khi thành Phật, khai hóa nhân dân, tất cả đều lần lượt thọ ký cho nhau sẽ thành Phật, độ thoát vô số người không thể kể xiết.

Khi ấy vị Tỳ Kheo Ni, mẹ của La Vân và Tỳ Kheo Ni Trì Danh Văn tự nghĩ: Nay Phật Thế Tôn không thương xót ta, chỉ riêng ta bị bỏ quên.

Bấy giờ Đức Phật bảo với Tỳ Kheo Ni Danh Văn: Nay ta tuyên bố với chúng hội xa gần rằng, ngươi sẽ tu tập ở chỗ mười vạn ức Đức Phật, thường làm Pháp Sư, phụng trì hạnh Bồ Tát, tuân theo đầy đủ, sẽ đắc quả Phật, hiệu là Cụ Túc Bách Thiên Quang Tràng Phan Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu, Thế Giới của Phật ấy tên là Nhân Hiền.

Bấy giờ hào quang oai thần của Phật ấy vô số trăm ngàn, thọ mạng vô hạn.

Tỳ Kheo Ni Đại Kính Quỳ và Tỳ Kheo Ni mẹ La Vân được điều chưa từng có, lo mừng lẫn lộn, liền nói kệ khen ngợi Phật:

Thế Tôn đã khai thị

Đấng Đạo Sư muôn loài

Khai hóa ở thế gian

Gồm cả Trời và người

Được trời, người cung phụng

Nay đây được an ủi

Bởi vì Đại Đạo Sư

Làm chúng con thỏa chí.

Tỳ Kheo Ni nói kệ xong, bạch với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con vui tin theo pháp huấn của Phật, nhận lãnh đọc tụng và truyền cho người khác và đến Thế Giới khác.

Khi ấy Đức Thế Tôn xoay nhìn tám mươi ức vạn trăm ngàn vị Tổng Trì Khai Sĩ Bồ Tát, những bậc chuyển pháp luân bất thoái.

Chư Bồ Tát thấy Phật nhìn đến, liền chắp tay bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn giao phó Kinh Điển ấy cho chúng con để chúng con được giảng thuyết, lưu bố và để hiểu biết rõ ân đức của Phật.

Các Thiện Nam ấy hân hoan ngước nhìn Thế Tôn và cũng xét lại mình, đời trước đã thực hành hạnh nguyện bình đẳng, nên ở trước Đức Phật, lớn tiếng thưa: Sau khi Như Lai diệt độ, nếu Kinh Pháp này ở khắp mười phương, chúng con sẽ biên chép, thọ trì, phúng tụng, tư duy nghĩa lý, phân biệt truyền bá, và chỉ bày khai hóa người khác cũng làm như vậy và bằng hữu chúng con ở các cõi khác cũng làm theo lời Phật dạy.

Xin Đại Thánh gia ân, dẫn dắt chúng con khiến được thành tựu.

Lúc bấy giờ các vị Đại Sĩ Bồ Tát đồng lòng hiệp ý, ở trước Phật, nói bài tụng:

Cúi xin Thế Tôn

An nhiên lặng lẽ

Sau Phật diệt độ

Xiển dương lời Phật.

Mạt thế về sau

Sợ có hoạn nạn

Nên ban tuyên khắp

Phân biệt Kinh này.

Nên bị người đánh, mắng

Dùng đá để ném, quăng

Đại Thánh trong đời sau

Gặp họa ác sẽ nhẫn

Giảng giải khó lãnh hội

Dua nịnh, si kiêu mạn

Về sau ở núi rừng

Không được nói có được.

Kẻ vô trí ở núi

Phải lấy gì giải đáp

Một mình buông thả tâm

Ôm lòng ác, không nhẫn

Ưa ở chỗ tiếng ác

Sẽ vì nói Kinh pháp

Lời giảng ra quyết trừ

Giống như sáu thần thông

Hung bạo ôm tâm độc

Chỗ vắng hành ý này

Một mình vào chỗ vắng

Chẳng ưa sự mắng chửi

Cho chúng con không nhẫn

Đắm trước việc lợi dưỡng

Gọi là người ngoại đạo

Nói bố thí vì mình

Đối với Kinh tinh tấn

Bới do của cúng dường

Ở trong chúng giảng thuyết

Là vì danh dự thôi

Hoặc đến cung của vua

Đại thần và quan thuộc

Phạm chí cùng Trưởng Giả

Hoặc chỗ Tỳ Kheo khác

Hủy báng chúng con ác

Việc làm như tà đạo

Chúng con đều nhẫn được

Luôn phụng hầu Đại Thánh

Khi ấy lìa lo âu

Nếu đã nhẫn nhục được

Thì đem lời Phật dạy

Khuyên răn giáo huấn họ

Kiếp loạn, Tỳ Kheo tranh

Hung bạo rất kinh sợ

Mắng chửi hết chúng con

Các Tỳ Kheo như quỷ

Ở đời hành cung kính

Đều nhẫn được khổ nạn

Lấy thuận hòa mềm mỏng

Vì để nói Kinh này.

Chúng con không ham thân

Cũng chẳng tiếc thọ mạng

Sẽ phụng trì Kinh này

Chí nguyện thành Phật Đạo.

Thế Tôn biết đầy đủ

 Tỳ Kheo hung ác ấy

Về sau đời mạt thế

Sẽ phân biệt hiểu rõ,

Nhan sắc thường không vui

Luôn luôn phạm lầm lỗi

Du hành không đúng thời

Y phục không tề chỉnh.

Giả sử Phật diệt độ

Sau, vào thời mạt thế

Chúng con giữa chúng hội

Dũng mãnh nói Kinh này

Nếu người cầu tịch diệt

Hoặc có điều mong cầu

Sẽ ban cho tại chỗ

Không xa rời Phật trí

Vì yêu thương cuộc đời

Nên tu tâm từ bi

Thiểu dục, hành tri túc

Đạt diệt độ vắng lặng

Tất cả ánh sáng trần

Mười phương đều tụ hội

Lời chí thành chúng con

Biểu hiện tâm chân thật.

***