Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Vô Hành

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHÁP VÔ HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN BỐN
 

Này Văn Thù Sư Lợi! Trưởng lão Tu bồ đề, biết pháp như vậy, nên không đến lạy dưới chân Phật. Tu bồ đề còn chưa đạt được thân mình huống gì là đạt được thân Như Lai. Không được thân mình mà đạt được thân Như Lai, thì điều này hoàn toàn không thể xảy ra.

Văn Thù Sư Lợi lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người tu hành, sao lại phải quán bốn niệm xứ?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Đời sau, có một vị Tỳ Kheo, nói như vậy: Quán nội thân xứ như quán bất tịnh là thân niệm xứ. Quán lạc xướng đều khổ là thọ niệm xứ. Quán tánh sinh diệt của tâm là tâm niệm xứ. Quán tướng hòa hợp của hư loại, chỉ được pháp tướng, là pháp niệm xứ.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vậy, thế nào là quán chân chánh bốn Niệm xứ?

Thôi, thôi, Văn Thù Sư Lợi! Chớ nên hỏi điều này! Như Lai tùy nghi thuyết pháp, khó có thể hiểu được.

Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn thương xót chúng sinh, hãy nói ra.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nếu người tu hành nào thấy thân như hư không, thì là thân niệm xứ. Kẻ tu hành, nếu biết các thọ, không ở trong, không ở bên ngoài, cũng không ở giữa, thì là thọ niệm xứ. Nếu kẻ tu hành, biết tâm chỉ là danh tự, thì là tâm niệm xứ. Nếu kẻ tu hành, không đạt pháp tốt, không đạt pháp không tốt, thì là pháp niệm xứ.

Văn Thù Sư Lợi, nên quán bốn niệm xứ như vậy.

Văn Thù Sư Lợi lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao người tu hành, phải quán tám phần Thánh đạo?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nếu người tu hành, thấy tất cả pháp là bình đẳng, không hai, không phân biệt, thì gọi là chánh kiến. Thấy tất cả pháp không suy nghĩ, không phân biệt, do cái thấy đó, nên gọi là chánh suy nghĩ. Thấy tất cả pháp, không có tướng nói năng, khéo giữ gìn tướng bình đẳng của lời nói, thì gọi là chánh ngữ.

Thấy tất cả pháp không có tướng tạo tác, người tạo tác và không thể đạt được, thì gọi là chánh nghiệp. Không phân biệt mạng sống chân chánh hay mạng sống tà vậy, khéo tu tập mạng sống bình đẳng. Thì gọi là chánh mạng. Không phát, không khởi, tất cả pháp, vì không có gì để làm, thì gọi là chánh tinh tấn. Không có sự nhớ nghĩ đến tất cả pháp, xa lìa các tánh nhớ nghĩ.

Thì gọi là chánh niệm. Thấy tánh của tất cả pháp là thường định, không phân tán, không nối kết, không thể được thì gọi là chánh định.

Văn Thù Sư Lợi! Người tu hành, phải nên quán tàm phần Thánh đạo như vậy.

Văn Thù Sư Lợi lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao người tu hành phải quán năm căn?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nếu người tu hành, tin tất cả pháp là rốt ráo, không sinh. Tự nó vốn có từ xưa đến nay. Thì gọi là tín căn. Đối với tất cả pháp, tâm không trụ vào xa gần cách nhau.

Thì gọi là tinh tấn căn. Không còn sự nhớ nghĩ đến tất cả pháp, xa lìa tánh nối kết, không buộc niệm vào duyên, thì gọi là niệm căn. Không có sự suy nghĩ đối với tất cả pháp, hai pháp là không thể được. Thì gọi là định căn. Thấy tất cả pháp là thường không, xa lìa với tướng sinh. Thì gọi là tuệ căn.

Văn Thù Sư Lợi! Người tu hành, phải nên quán năm căn như vậy.

Văn Thù Sư Lợi lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao người tu hành, phải quán bảy phần bồ đề?

Phật dạy Văn Thù Sư Lợi: Nếu người tu hành, thấy tất cả pháp, mà không nhớ nghĩ, thì gọi là niệm bồ đề phần. Nếu tất cả pháp hoặc tốt, hoặc không tốt, hoặc vô ký. Không thể lựa chọn, không thể được, không thể quyết định. Thì gọi là trạch bồ đề phần.

Nếu không nắm giữ tất cả tướng trong ba cõi, khéo phá bỏ tướng trong ba cõi. Thì gọi là tinh tấn bồ đề phần. Nếu không sinh tướng vui mừng, đối với tất cả pháp hữu vi, khéo phá bỏ tướng có vui mừng, thì gọi là hỷ bồ đề phần. Nếu trừ bỏ được tâm có trong tất cả pháp, tướng nối kết không thể được.

Thì gọi là trừ bồ đề phần. Nếu tất cả pháp không thể được, khéo tu tướng hủy hoại. Thì gọi là định bồ đề phần. Nếu không nương tựa, không tham, không dính mắc vào tất cả pháp. Không thấy tất cả pháp mà liền xả được tâm. Thì gọi là xả bồ đề phần.

Văn Thù Sư Lợi! Người tu hành, phải nên quán bảy phần bồ đề như vậy. Nếu người tu hành, có khả năng thấy như vậy, về bốn Thánh Đế, bốn niệm xứ, tám Thánh đạo, năm căn, bảy phần bồ đề. Thì ta gọi, người này là người đã được độ, đã đến bờ giải thoát, đã ra khỏi nơi đất liền vô úy, đã vứt bỏ gánh nặng, đã trừ các bụi trần dơ bẩn.

Người này được gọi là: Người không có gì để có. Là người không có gì để buồn rầu. Là người không có chỗ thọ nhận. Là bậc A La Hán. Là Sa Môn. Là Bà La Môn. Là Tỳ Kheo. Là người tắm rửa sạch sẽ. Là người trí. Là người giải thoát. Là người nghe.

Là Phật tử. Là Thích tử. Là người phá bỏ mọi ràng buộc. Là người mở cửa Niết Bàn. Là người đã nhảy qua hào. Là người không còn sự ham muốn. Là người mở cánh cửa. Là Hiền thánh thắng tướng.

Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Tỳ Kheo nào thành tựu được pháp như vậy, thì được gọi là ruộng phước, đáng được nhận cúng dường theo hàng trời, người ở thế gian.

Văn Thù Sư Lợi! Nếu Tỳ Kheo nào, muốn làm người ban bố cho người nghèo đói ở trong nước, làm người phá hủy lưới ma. Làm người muốn vượt qua bể sinh tử, làm người muốn được Niết Bàn, làm người muốn cởi bỏ mọi khổ não, là người muốn làm ruộng phước cho tất cả hàng Trời, người ở thế gian. Thì cần phải siêng năng, tu tập pháp như vậy.

Khi Đức Thế Tôn nói pháp này xong, có ba vạn hai ngàn các trời chứng đắc thật tướng của của các pháp.

Tất cả cùng đem hoa trời Mạn Đà La, rải lên trên Đức Phật, rồi bạch: Bạch Thế Tôn! Nếu người nào nghe được Kinh Pháp này, thì người ấy được gọi là kẻ xuất gia tốt, cần gì phải tin thọ, đọc tụng và thực hành như lời dạy.

Bạch Thế Tôn! Nếu người nào trong chốc lát, mà nghe được pháp này, thì gọi là không có tăng thượng mạn.

Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn, hãy nói Đà La Ni. Bởi Đà La Ni này, khiến các Bồ Tát đạt được vô ngại biện tài. Không còn sự sợ hãi, đối với các âm thanh. Có khả năng khiến các pháp đều trở thành Phật Pháp. Lại giúp tin hiểu các pháp đều là một tướng.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói pháp môn bất động chủng tánh. Nếu các Bồ Tát nhập vào pháp môn này, thì có khả năng, dùng ánh sáng trí tuệ, chiếu soi tất cả pháp, chóng đạt Vô sinh pháp nhẫn.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là pháp môn bất động xứ chủng tánh?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Tâm của tất cả chúng sinh đều là một, đó gọi là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Tại sao việc đấy lại là chủng tánh?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Tất cả chúng sinh đều không có tâm, tánh kết nối không thể được, gọi là chủng tánh.

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả chúng sinh đều đồng một lượng, gọi là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Tại sao việc đấy gọi là chủng tánh?

Phật nói: Tất cả chúng sinh đều như lượng hư không, hoàn toàn không có sự chướng ngại, đó gọi là chủng tánh. Văn Thù Sư Lợi, tất cả chúng sinh, đều là một chúng sinh, đó gọi là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Việc này sao gọi là chủng tánh?

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả chúng sinh đều là một tướng, rốt ráo, không sinh, lìa các danh tự, tư tưởng nghiêm về một phía, không thễ được. Gọi là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tham dục là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Việc này sao gọi là tướng bất động?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Tham dục là tướng bất động, an trụ trong pháp tánh mà như không trụ, đó là tham dục không thể được, tánh thường xa lìa, thì gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Sân giận là Kim Cang.

Bạch Thế Tôn, sao gọi là Kim Cang?

Này Văn Thù Sư Lợi! Sân giận không thể đứt không thể tan nát. Cũng như Kim Cang không thể đứt, không thể tan nát. Tất cả pháp cũng như vậy, không thể đứt, không thể tan nát. Các pháp vốn không quyết định, gọi là như Kim Cang.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ngu si là tánh trí tuệ.

Bạch Thế Tôn! Tại sao gọi việc đó là tánh trí tuệ?

Văn Thù Sư Lợi, tất cả pháp lìa trí tuệ, cũng lìa ngu si. Ví như hư không không có trí tuệ, cũng không có ngu si. Tất cả pháp, cũng như vậy, không có trí tuệ, cũng như không có ngu si. Trí tuệ, ngu si. Trí có thể biết, pháp từ xưa đến nay, đều vắng lặng, đó gọi là trí tuệ xứ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Sắc ấm là bất động xứ.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi việc đó là bất động xứ?

Văn Thù Sư Lợi! Như cây hoa của Thiên Đế, gốc sâu chắc chắn, không thể lay chuyển được. Tất cả pháp cũng vậy, do pháp không trụ nên an trụ ở trong pháp tánh. Pháp này không nơi đến, không nơi đi, không nắm, không bỏ, an trụ ở nơi không trụ. Thế nên, sắc gọi là tướng bất động.

Văn Thù Sư Lợi! Thọ ấm là diệt tánh.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi việc đó là diệt tánh?

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các thọ tướng. Tánh thường vắng lặng. Các thọ chẳng phải có từ bên trong, cũng chẳng phải có từ bên ngoài, chẳng phải từ hướng Đông, chẳng phải từ hướng Tây, Nam, Bắc, bốn góc, Trên, Dưới.

Vì sao?

Vì nếu cái vui nhận được, có từ bên trong, thì tất cả chúng sinh, thường phải nhận vui. Nếu cái khổ nhận được, có từ bên trong, thì tất cả chúng sinh thường phải nhận khổ. Nếu không khổ, không vui, có từ bên trong thì tất cả chúng sinh thường phải nhận không khổ, không vui.

Văn Thù Sư Lợi này! Nếu muốn cho tất cả các sự thọ nhận, thật sự không có từ bên trong, không có từ bên ngoài, không ở trung gian, không ở hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và bốn góc, Trên, Dưới thì tất cả các sự thọ nhận phải như cỏ cây, ngói đá, rốt ráo không sinh, không diệt không tướng. Thế nên, sự thọ nhận gọi là Niết Bàn tướng.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tưởng ấm là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Tại sao việc đó gọi là chủng tánh?

Này Văn Thù Sư Lợi! Tưởng này đều là những ý tưởng phân biệt, nó phát sinh từ hư vọng. Ví như nắm hư không, như ngựa hoang, bản tánh tự lìa. Thế nên, tưởng ấm gọi là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Hành ấm là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Tại sao việc đó gọi là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi, tất cả các hành, lìa số, vô số nhập vào bình đẳng, ví như vây chuối, rốt ráo không có lõi, bản tánh nó là như vậy. Tất cả pháp cũng như vậy, không danh tự, không tánh. Thế nên, hành ấm gọi là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Thức ấm là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi việc đó là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Thức này như huyễn, không thật, không khởi, không sinh, không, không tướng, không tác. Như năm ngón tay vẽ vào hư không, hư không không hiện ra tướng. Thế nên, thức ấm gọi là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Sắc là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Tại sao gọi là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Ví như những hình ảnh trong gương, tuy mắt có thể thấy, nhưng những hình ảnh ấy, thật ra không có thật. Tất cả sắc cũng như vậy. Tuy thấy không thật, nhưng chỉ vì mắt bị lừa, tâm bị lừa, giả dối, không thật mà thôi. Thế nên sắc gọi là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Thanh là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Tại sao thanh là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp không có tướng khác biệt, rốt ráo, trống không, chẳng khác nào tiếng vang giữa núi. Thế nên, thanh là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Hương là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Tại sao hương là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp không hương, tướng tánh không biết, do đó, nó là không, nó như hư không. Mũi ngửi mùi hương, nhận thức thì không thể được. Thế nên, hương là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vị là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Tại sao vị là chủng tánh?

Này Văn Thù Sư Lợi! Tánh của vị, tức là tánh không thể nghĩ bàn, không thể biết xa lìa với biết, tự tánh thường xa lìa. Thế nên, vị gọi là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Xúc là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Tại sao xúc là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Xúc như hư không, tánh nó tự xa lìa, không đụng chạm, không hợp. Tất cả pháp cũng như vậy. Khéo hoại thân, nên đối với xúc, xa lìa tướng xúc, không thể được. Thế nên, xúc là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Pháp là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi pháp là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp không tướng, không tâm, lìa tâm tánh, lìa danh tự. Không quyết định đều là tướng của pháp tánh. Thế nên, pháp là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Đất là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi địa là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp, không có tướng chắc chắn, không có tướng mền mại, nó do giả dối hòa hợp, nhưng con người lại cho là chắc chắn. Thế nên, đất là chủng tánh.

Văn Thù Sư Lợi! Nước là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi nước là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp không ẩm ướt, không hợp, như bóng nắng, không nước. Thế nên, nước là chủng tánh.

Văn Thù Sư Lợi! Lửa là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi lửa là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp không có nóng, xa lìa tướng nóng giả dối, bản tánh thường vắng lặng. Chỉ do điên đảo, phân biệt, kỳ thật không định, không sinh. Thế nên, lửa gọi là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Gió là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi gió là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp không chướng, không ngại, không tướng, không tánh, không lay động, lìa tướng gió. Thế nên, gió là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Phật là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Thế nào Phật là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp không hiểu, không biết, lìa tướng biết. Thế nên, Phật là chủng tánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Pháp là chủng tánh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi pháp là chủng tánh?

Văn Thù Sư Lợi! Các pháp không thể hoại mất, không thể đoạn đứt, xa lìa sự đoạn diệt tan hoại nên không tướng, không danh, không tánh, ra ngoài con đường ngôn ngữ. Thế nên, pháp là chủng tánh.

***