Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Vô Hành

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHÁP VÔ HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN NĂM
 

Văn Thù Sư Lợi! Tăng là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi tăng là tướng bất động?

Văn Thù Sư Lợi! Thánh chúng an trụ trong pháp tánh, thật tế, định loạn, bình đẳng, an trụ trong tất cả pháp trí tuệ, ngu si, giải thoát, phiền não, bình đẳng. Tâm không có chỗ để trụ, nếu trụ thì không thể được. Thế nên, tăng là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp hành xứ là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi tất cả pháp hành xứ là tướng bất động?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả hư không hành xứ, không thể nghĩ bàn hành xứ, đoạn hành xứ là không nguồn gốc, không khác biệt, không thể được. Thế nên, tất cả pháp hành xứ gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp vô duyên, là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi tất cả pháp vô duyên, là tướng bất động?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp là không chỗ nương tựa, không nơi trụ, không duyên, không thuận, lìa các duyên. Thế nên, tất cả pháp không duyên là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả tướng của pháp không nắm giữ, không xả bỏ, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi tất cả tướng của pháp không nắm, không bỏ, gọi là tướng bất động?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp đều quy về sự bình đẳng, quy về pháp tánh. Pháp này không thể nắm bắt, không thể buông bỏ, không cầu, không mong, các hy vọng đều dứt trừ. Xưa nay, nó thường vắng lặng, tương đồng với hư không. Thế nên, không nắm, không buông, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp không xấu gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi tất cả pháp không xấu là tướng bất động?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp là không bợn nhơ, không chỗ có, trong sạch, tỏa sáng rực rỡ như hư không, không bị che phủ, các tội định tướng không thể đạt được. Thế nên, tất cả pháp không xấu gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp không có chỗ quay về, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Vì sao tất cả pháp không có chỗ quay về, gọi là tướng bất động?

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp là trống rỗng, không nguồn gốc, do đó, không có chỗ để quay về. Thế nên, không có chỗ quay về gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp không học gọi là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi tất cả pháp không học là tướng bất động?

Văn Thù Sư Lợi! Tánh của tất cả pháp là không học, không nên học, không nên tu, không nên nghĩ, không nên nhớ, không nên ở, không nên phát, không nên hành, không nên dứt, không nên chứng, không nên có lời, không nên nói, không nên cầu, không nên giữ, không nên bỏ, không nên lìa, không nên trừ.

Vì sao?

Này VănThù Sư Lợi! Tất cả pháp, tướng rốt ráo, xa lìa. Xưa nay, nó không có chỗ để nắm bắt, thường là tướng buông bỏ. Các pháp này, là nơi mà có trí tuệ cũng không thể đạt đến được, là chỗ mà hàng ngu si không cách gì đạt đến được. Thế nên, không học là tướng bất động.

Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con cũng thích nói tướng bất động.

Phật nói: Ông hãy trình bày những gì, ông muốn nói.

Văn Thù Sư Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều đạt được bồ đề, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tại sao đấy gọi là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp không hướng, không đắc. Tất cả chúng sinh đều nhập vào trong tánh bồ đề. Thế nên nói tất cả chúng sinh đều đạt được bồ đề. Lại nữa, bồ đề này chẳng phải là tướng đạt được.

Tại sao?

Bởi, tánh chúng sinh tức là bồ đề. Thế nên, tất cả chúng sinh đều đạt được bồ đề, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều thành tựu tất cả trí tuệ, nên gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tại sao gọi việc này là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh là không tánh. Do không tánh, nên nhập vào được trong sự bình đẳng của Như Lai. Xưa nay, tánh của tất cả trí tuệ này là tánh giống nhau, nên gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều là Đạo Tràng, là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tại sao đấy gọi là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Đạo Tràng có nghĩa gì vậy?

Văn Thù Sư Lợi! Tướng của tất cả pháp là vắng lặng, là không sinh, là không có gì, là không thể nắm bắt. Đó là nghĩa của Đạo Tràng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh, không nhập vào Đạo Tràng này sao?

Phật đáp: Đúng vậy.

Bởi thế, bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều là Đạo Tràng, là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều đắc Vô sinh pháp nhẫn, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tại sao đấy gọi là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh không tận, không sinh, không có tánh diệt, lìa tánh không, nhập vào nhẫn bình đẳng. Thế nên, tất cả chúng sinh đều đắc Vô sinh pháp nhẫn, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều đắc vô ngại biện tài, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì sao gọi đấy là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh, đối với điều ưa nói trong mười phương, đều không thể nắm bắt.

Vì sao?

Vì nhập vào trong pháp bình đẳng vô ngại biện tài.

Bạch Thế Tôn! Những điều muốn nói, tự tánh đều xa lìa, không quyết định, không sở hữu. Thế nên, tất cả chúng sinh đều đắc vô ngại biện tài, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều đắc Đà La Ni, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tại sao gọi đấy là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh. Dùng chúng sinh tướng, để nắm bắt sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, dùng giả dối, không thật, nhớ tưởng, phân biệt, để giữ lấy hình tướng. Do đó, tất cả chúng sinh đắc Đà La Ni, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều đắc tâm lành, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì sao gọi đấy là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh, không có tánh chúng sinh. Xưa nay, không giận dữ, không hiền lành, đạt được sự bình đẳng của giận dữ và hiền lành, không còn có sự phân biệt. Thế nên, tất cả chúng sinh đều đắc tâm lành, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều thành tựu lòng thương rộng lớn, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì sao gọi đấy là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh không khởi, không tác tướng, đều nhập trong pháp bình đẳng Như Lai, không ra khỏi tánh của lòng thương rộng lớn, do buồn bực, thương xót, không phân biệt. Thế nên, tất cả chúng sinh đều thành tựu lòng thương rộng lớn, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều đắc tam muội, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì sao gọi đấy là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh tánh thường xa lìa các duyên yên định. Nếu chúng sinh biết từ nơi duyên mà sinh, sự hiểu biết phát sinh từ duyên thì không gọi là sự hiểu biết.

Tại sao?

Các hiểu biết về nhớ nghĩ, đều là nhớ nghĩ vô thường, rốt ráo, trống không. Do đó, tất cả chúng sinh đều thành tựu Tam Muội, gọi là tướng bất động.

Thế Tôn! Tất cả Chư Phật, đều thành tựu tham dục, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì sao gọi đấy là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả Chư Phật, đều nhập vào trong pháp tham dục bình đẳng, lìa xa tranh cải, thông đạt tánh tham dục.

Bạch Thế Tôn! Vả lại, tham dục tức bồ đề.

Vì sao?

Vì biết thật tánh của tham dục, gọi là bồ đề. Thế nên, tất cả Chư Phật, đều thành tựu tham dục, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả Chư Phật, đều thành tựu sân giận, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì sao gọi đấy là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả Chư Phật đều nói các pháp hữu vi là sai lầm tội lỗi, an trụ trong tánh sân giận bình đẳng, thông đạt tánh sân nhuế. Đó gọi là tất cả Chư Phật đều thành tựu sân nhuế, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả Chư Phật, đều thành tựu ngu si, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì sao gọi đấy là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả Chư Phật, có thể vượt thoát tất cả tham đắm, danh tự, chúng sinh, an trụ trong tánh ngu si bình đẳng, thông đạt tánh ngu si. Đó gọi là tất cả Chư Phật thành tựu ngu si, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả Chư Phật đều thành tựu thân kiến, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì sao gọi đấy là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả Chư Phật an trụ trong tánh thân kiến, rốt ráo, an trụ, không thoái, không sợ, không động, trong tất cả pháp. Do không trụ pháp, thông đạt và biết thân kiến là không sinh, không khởi, không tánh. Thế nên, tất cả Chư Phật đều thành tựu thân kiến, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả Chư Phật đều là tà kiến, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì sao đấy, gọi là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp hữu vi, tất cả Chư Phật đều là tà vạy, trống rỗng, dối trá, không thật, thông đạt tánh tà kiến bình đẳng, vì thế, tất cả Chư Phật đều là tà kiến, gọi là tướng bất động.

Bạch Thế Tôn! Tất cả Chư Phật trụ vào bốn điên đảo năm cái, năm dục, ba độc, chứng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, gọi là tướng bất động.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì sao đấy, gọi là tướng bất động?

Bạch Thế Tôn! Tánh trụ xứ, tức chẳng phải trụ xứ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Chẳng phải trụ xứ nghĩa là sao?

Bạch Thế Tôn! Chẳng phải trụ xứ là tướng thoái chuyển, lay động và trở lại. Tức là tất cả các hàng phàm phu, tất cả Chư Phật, an trụ trong sự bình đẳng của tham dục, sân giận, ngu si, bốn điên đảo, năm cái, năm dục. Đó là Chư Phật, an trụ trong tánh tham dục, đạt được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

An trụ trong tánh sân giận, ngu si, bốn điên đảo, năm cái, năm dục đạt được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Thế nên, tất cả Chư Phật trụ vào bốn điên đảo, năm cái, năm dục, ba độc, đạt được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, gọi là tướng bất động.

Khi ấy, Phật hỏi Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương tử: Nếu có ai hỏi ông: Cắt đứt tất cả pháp ác, thành tựu tất cả pháp lành, gọi là Như Lai, thì ông trả lời ra sao?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Bạch Thế Tôn!

Nếu có ai hỏi con: Cắt đứt tất cả pháp ác, thành tựu tất cả pháp lành, gọi là Như Lai, con sẽ trả lời như sau: Này thiện nam! Trước hết phải nên gần kề bậc thiện tri thức, tu tập con đường lành, đối với pháp không có gì để hợp, không có gì để lìa, chớ nắm, chớ bỏ, chớ ràng buộc, chớ cầu, chớ đưa lên, chớ hạ xuống, chớ tìm, chớ kiếm, chớ mong, chớ phân biệt các pháp là cao, là giữa, là thấp. Rồi sau đó, nên biết nơi hành, nơi không hành, nơi đoạn hành, nơi Phật đã từng hành không thể nghĩ bàn.

Phật hỏi Văn Thù Sư Lợi: Ông trả lời như thế, là có nghĩa gì vậy?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Con trả lời như thế nghĩa là không trả lời gì hết.

Bạch Thế Tôn! Như Phật ngồi ở Đạo Tràng, hỏi thấy pháp có sinh, diệt không?

Phật đáp: Không.

Bạch Thế Tôn! Nếu pháp không sinh, không diệt thì pháp ấy có thể gọi là cắt đứt tất cả pháp ác thành tựu tất cả pháp lành không?

Phật đáp: Không.

Bạch Thế Tôn! Nếu pháp không sinh, không diệt, không cắt đứt tất cả pháp ác, không thành tựu tất cả pháp lành thì pháp ấy thấy như thế nào, cắt đứt như thế nào, chứng như thế nào, tu như thế nào và đắc như thế nào?

Khi nói lời ấy xong, có cả vạn Thiên Tử trong hư không, tung hoa sen trời đủ màu xanh, vàng, đỏ, trắng, lên trên Phật và Văn Thù Sư Lợi, rồi cùng nhau xuống lễ dưới chân Phật và Văn Thù Sư Lợi, rồi nói: Bạch Thế Tôn!

Văn Thù Sư Lợi đúng là vô ngại Thi Lợi. Văn Thù Sư Lợi đúng là bất nhị Thi Lợi, đúng là vô dư Thi Lợi, là vô sở hữu Thi Lợi, là Như Thi Lợi, là pháp tánh Thi Lợi, là thật tế Thi Lợi, là đệ nhất Thi Lợi, là Thượng Thi Lợi, là vô thượng Thi Lợi.

Văn Thù Sư Lợi liền nói với các Thiên Tử: Hãy thôi!

Các vị Thiên Tử! Các vị chớ chấp tướng mà phân biệt. Tôi không thấy các pháp là có cao, có thấp, có giữa như những gì các vị nói.

Văn Thù Sư Lợi tiếp: Tôi, tôi chỉ là tham dục Thi Lợi, sân giận Thi Lợi, ngu si Thi Lợi. Thế nên, tôi là Văn Thù Sư Lợi.

Các vị Thiên Tử! Tôi không ra khỏi tham dục, sân giận, ngu si. Hàng phàm phu vì phân biệt các pháp nên sinh ra cầu, tới, đến và vượt. Đối với các pháp, chư Bồ Tát không vượt, không phát ra, không tới, không đến.

Các Thiên Tử hỏi: Bồ Tát không đến mười địa, không đạt Phật Pháp ư?

Văn Thù Sư Lợi nói: Các vị nghĩ sao, kẻ huyễn ảo, có khả năng đến mười địa, đạt Phật Pháp không?

Các Thiên Tử đáp: Kẻ huyễn còn không có chỗ trụ, huống gì từ trụ địa này, đến trụ địa khác.

Văn Thù Sư Lợi nói: Các Thiên Tử! Các pháp như huyễn, không đi, không lại, không vượt qua, không xuất ra, không đạt, không đến.

Các Thiên Tử hỏi: Ngài sẽ không đạt được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác ư?

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Các Thiên Tử! Ý các vị thế nào! Hàng phàm phu có thể ngồi Đạo Tràng, đạt nhất thiết trí, khi tâm bị tham dục che lấp không?

Các Thiên Tử đáp: Không.

***