Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Vô Hành

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHÁP VÔ HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN SÁU
 

Các Thiên Tử hỏi: Này Văn Thù Sư Lợi! Ngài nay tâm bị tham dục che lấp, vậy có phải là phàm phu không?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thật đúng vậy. Tôi là kẻ phàm phu, khởi lên từ tham dục, khởi lên từ sân giận, khởi lên từ ngu si. Tôi là kẻ ngoại đạo, là kẻ tà hạnh.

Các Thiên Tử lại hỏi: Vì sao lại tự nói: Tôi là phàm phu, khởi lên từ tham dục, khởi lên từ sân giận, khởi lên từ ngu si?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Đó là tánh tham dục, sân giận, ngu si, mười phương cầu, không thể được. Do không trụ vào pháp, mà trụ vào trong tánh ấy, nên tôi nói tôi là phàm phu bị ba độc che lấp.

Văn Thù Sư Lợi! Ngài, sao gọi là ngoại đạo?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Tôi hoàn toàn không đến ngoại đạo. Vì tánh các đạo, không thể đạt được, nên đối với tất cả đạo, tôi là kẻ đứng ngoài.

Các Thiên Tử hỏi: Ngài, sao lại gọi là kẻ tà hạnh?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Tôi đã biết, tất cả pháp đều là tà, là giả dối, không thật. Thế nên, tôi là kẻ tà hạnh.

Khi nói pháp này có một vạn Thiên Tử nghe được, đều đắc vô sinh pháp nhẫn và cùng nhau nói: Các chúng sinh này, đều được lợi ích lớn, nhờ được nghe câu nói kim cương chân chánh này.

Vậy, huống gì nghe rồi, tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, giải thích cho người, tu tập theo lời dạy sẽ đạt được vô ngại biện tài, đạt được trí tuệ chân chánh, chiếu tỏ tất cả các pháp, khéo léo giảng nói về một tướng một cửa của các pháp và cũng có khả năng chỉ dạy cho chúng sinh, tất cả các pháp đều là Phật Pháp.

Lúc ấy, Bồ Tát Hoa Hý Tuệ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin hãy nói pháp môn nhập âm thanh tuệ, để cho các Bồ Tát, sau này nghe được pháp đây, không còn sự sợ hãi và biết tánh rốt ráo của tất cả âm thanh, không còn sự nghi ngờ, ăn năn. Không còn sự chướng ngại đối với các âm thanh.

Phật nói: Hãy thôi! Hỏi việc đó để làm chi! Pháp môn nhập âm thanh tuệ này, không nên nói trước hàng Bồ Tát mới phát ý.

Vì sao?

Vì những Bồ Tát mới phát ý, không thể hiểu, không thể biết, không thể suy nghĩ. Còn như các vị Đại Bồ Tát, nhập vào pháp môn âm thanh tuệ, giả sử, có người ác khẩu, mắng chửi, chê bai, hủy nhục trong suốt hằng hà sa kiếp mà người này lại không sinh tức giận.

Nếu có người, đem tất cả nhạc cụ cúng dường mà không sinh tâm luyến tiếc. Ví như A La Hán sạch các lậu. Tất cả những nơi đáng yêu không sinh tâm yêu tất cả những nơi đáng sân không sinh tâm sân trong hằng hà sa kiếp.

Này thiện nam! Vậy là Bồ Tát đã nhập vào pháp môn âm thanh tuệ này.

Đối với tám pháp: Lợi, yếu, bỏ, khen, ca tụng, quở trách, khổ, vui, Bồ Tát đây đã vượt qua, tâm không lay động, vững như núi chúa Tu Di vậy.

Khi đó, Bồ Tát Hoa Hý Tuệ lại thưa: Xin hãy nói pháp môn nhập âm thanh tuệ này, để cho hàng Bồ Tát mai sau, được nghe pháp môn này mà tự biết lỗi lầm của mình. Cũng như để dạy cho người khác.

Bấy giờ, Phật bảo Bồ Tát Hoa Hý Tuệ: Này thiện nam! Nay ông hãy lắng nghe, suy nghĩ cho thật khéo, ta sẽ vì ông mà nói.

Vâng, bạch Thế Tôn! Chúng con ưa muốn nghe.

Phật nói với Bồ Tát Hoa Hý Tuệ: Nếu Bồ Tát nào, nghe âm thanh tham dục, sinh ý tưởng tội lỗi. Nghe âm thanh ly tham dục, sinh ý tưởng lợi ích, tức không phải là học Phật Pháp. Nếu nghe âm thanh sân tức, sinh ý tưởng tội lỗi. Nghe âm thanh lìa sân tức, sinh ý tưởng lợi ích, tức không phải là học Phật Pháp.

Nếu nghe âm thanh ngu si, sinh ý tưởng tội lỗi. Nghe âm thanh lìa ngu si, sinh ý tưởng lợi ích. Tức không phải là học Phật Pháp. Nếu đối với âm thanh thiểu dục, sinh ý tưởng vui. Đối với âm thanh đa dục, sinh ý tưởng ngại. Tức là không thực hành pháp môn âm thanh. Đối với âm thanh biết đủ, sinh ý tưởng vui, đối với âm thanh không biết đủ, sinh ý tưởng ngại. Tức là không thực hành pháp môn âm thanh.

Nếu sinh ý tưởng vui đối với âm thanh tế hạnh, sinh ý tưởng ngại đối với âm thanh thô hạnh. Tức là không hành pháp môn âm thanh. Nếu vui đối với âm thanh lạc tịnh, ngại đối với âm thanh ồn ào, tức là không phải là học Phật Pháp.

Nếu sinh ý tưởng lợi đối với âm thanh nhẫn nhục, sinh ý tưởng ngại đối với âm thanh sân giận. Tức không phải là học Phật Pháp. Nếu sinh ý tưởng lợi đối với âm thanh tinh tấn, sinh ý tưởng ngại đối với âm thanh lười biếng. Tức không phải là học Phật Pháp.

Nếu sinh ý tưởng lợi đối với âm thanh thiền định, sinh ý tưởng ngại đối với âm thanh tán loạn. Tức không phải là học Phật Pháp. Nếu sinh ý tưởng lợi đối với âm thanh trí tuệ, sinh ý tưởng ngại đối với âm thanh ngu si. Tức không phải là học Phật Pháp.

Nếu vui thích đối với âm thanh cận đạo, trở ngại đối với âm thanh viễn đạo. Tức là không học pháp môn âm thanh. Đối với sinh tử thấy lỗi lầm, đối với Niết Bàn thấy lợi ích. Tức không nhập vào pháp môn âm thanh. Nếu vui thích đối với giải thoát, trở ngại đối với sinh tử. Tức không học pháp môn âm thanh. Nếu sinh ý tưởng ngại đối với âm thanh làng xóm, sinh ý tưởng vui, đối với âm thanh trống vắng. Tức là không học pháp môn âm thanh.

Nếu sinh tưởng hỷ, đối với âm thanh độc hành, sinh tưởng ngại đối với âm thanh chúng hành. Tức không học pháp môn âm thanh. Nếu sinh tưởng vui, đối với âm thanh về những việc làm của Tỳ Kheo, sinh tưởng ngại đối với những việc làm của hàng bạch y. Tức không học pháp môn âm thanh. Nếu vui thích đối với việc có oai nghi, trở ngại đối với việc không có oai nghi. Tức không phải là học Phật Pháp.

Nếu vui thích đối với hạnh trong sạch, trở ngại đối với hạnh không trong sạch. Tức là không học Phật Pháp. Nếu vui thích đối với hạnh thuần nhất, trở ngại đối với hạnh lộn xộn. Tức là không học Phật Pháp. Nếu vui thích đối với hạnh lìa dục, trở ngại đối với hạnh dâm dục. Tức không học Phật Pháp. Nếu vui thích đối với tướng lìa sân giận, trở ngại đối với tướng sân giận. Tức không học Phật Pháp.

Nếu vui thích đối với tướng lìa si, trở ngại đối với tướng si. Tức không học Phật Pháp.

Nếu đối với không mà vui thích, đối với có lại trở ngại. Tức không học Phật Pháp. Nếu vui thích đối với không tướng, trở ngại đối với có tướng. Tức không học Phật Pháp. Nếu vui thích đối với không tạo ra, trở ngại đối với có tạo ra. Tức không học Phật Pháp.

Nếu vui thích đối với hạnh Bồ Tát, trở ngại đối với hạnh Thanh Văn, Bích Chi Phật. Tức là không học Phật Pháp. Nếu nói lỗi lầm của Bồ Tát, thì cách xa Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chịu tội nghiệp chướng. Nếu nói tội lỗi oai nghi của Bồ Tát, thì sẽ cách xa Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Nếu Bồ Tát nào, sinh ý tưởng thấp hèn đối với Bồ Tát khác, sinh tưởng tốt hơn đối với chính mình, là tự làm tổn thương mình, chịu tội nghiệp chướng. Nếu Bồ Tát, muốn dạy Bồ Tát khác, thì tự mình nên sinh Phật tưởng, rồi sau đó mới dạy. Bồ Tát nếu muốn không lìa xa Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thì không nên sinh tâm xem thường Bồ Tát khác.

Thiện Nam! Công đức sẽ diệt mất và không có nếu như xem thường Bồ Tát khác. Thế nên, Bồ Tát, nếu muốn giữ gìn căn lành công đức, muốn đạt được trí tuệ vô chướng ngại ở trong tất cả pháp, thì phải lễ bái sáu lần trong một ngày đêm, cầu tất cả Phật Đạo Bồ Tát.

Lúc bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Theo như con biết, về ý nghĩa những lời Phật nói. Thì âm thanh tham dục, không có sự khác biệt, đối với âm thanh Phật. Cũng vậy, âm thanh sân giận với âm thanh Phật. Âm thanh ngu si với âm thanh Phật. Âm thanh ngoại đạo với âm thanh Phật.

Âm thanh ít ham muốn, với âm thanh nhiều ham muốn. Âm thanh biết đủ, với âm thanh không biết đủ. Âm thanh rất nhỏ với âm thanh to lớn. Âm thanh ưa một mình, với âm thanh ưa cùng người. Âm thanh sinh tử, với âm thanh giải thoát.

Âm thanh xa, với âm thanh gần. Âm thanh sinh tử, với âm thanh Niết Bàn. Âm thanh xóm làng, với âm thanh vắng lặng. Âm thanh bố thí, với âm thanh keo kiệt. Âm thanh giữ giới, với âm thanh phá giới. Âm thanh nhẫn nhục, với âm thanh sân giận.

âm thanh tinh tấn, với âm thanh lười biếng. Âm thanh thiền định, với âm thanh tán loạn. Âm thanh trí tuệ, với âm thanh ngu si… đều như nhau, hoàn toàn không có sự khác biệt.

Khi ấy, Bồ Tát Hoa Hý Tuệ hỏi Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử: Vì sao lại như nhau?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Ý ngài thế nào, âm thanh tham dục tại sao là như vậy?

Thiên Tử đáp: Mâm thanh tham dục không như pháp của tiếng vang.

Văn Thù Sư Lợi tiếp: Ngài biết âm thanh Phật là như thế nào?

Thiên Tử đáp: Không ra khỏi không, cũng như pháp của tiếng vang.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Vì cớ gì tôi lại nói, cả hai âm thanh đều bình đẳng như nhau?

Lúc đó Phật bảo với Văn Thù Sư Lợi: Ông hãy nói về đời trước, khi trụ ở địa thứ nhất, phát khởi ý, vì chưa nhập vào tướng các pháp như vậy, ông đã khởi lên tội chướng ngại gì, để cho những Bồ Tát giả danh ở đời sau, nghe tội chướng ngại của ông nói mà tự giữ gìn chính mình.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Vâng, bạch Thế Tôn! Con sẽ tự nói về tội chướng ngại của mình. Mong những ai, nghe những điều này, nên có sự lo âu sợ hãi, rồi mới có thể diệt trừ tội nghiệp chướng, để đạt được trí tuệ vô ngại trong tất cả pháp.

Bạch Thế Tôn! Vào thời quá khứ cách, vô lượng, vô biên, không thể nghĩ bàn, a tăng kỳ kiếp khi ấy có một vị Phật, hiệu là Sư Tử Hống Cổ Âm Vương Như Lai là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Thọ mạng của vị Phật ấy, đến mười vạn ức na do tha năm. Đức Phật ấy dùng pháp Tam thừa mà độ thoát chúng sinh. Nước tên là Thiên quang minh.

Những cây cối trong nước ấy đều do bảy báu làm thành.

Và những cây báu đó, đều phát ra những pháp âm như: Âm rỗng, âm không tướng, âm không tạo ra, âm không sinh, âm không có chỗ, âm có tướng không nắm giữ.

Dựa vào âm của các pháp này, khiến cho chúng sinh được đắc đạo. Trong hội thuyết pháp đầu tiên của vị Phật Sư Tử Hống Cổ Âm Vương gồm có chín mươi chín ức đệ tử Thanh Văn đều đắc A La Hán, đã sạch các lậu, đã dứt bỏ các gánh nặng, được lợi ích cho bản thân, sạch mọi ràng buộc của phiền não, dựa vào chánh trí, đắc giải thoát.

Bồ Tát cũng gồm có chín mươi chín ức đều là những vị đã đạt được vô sinh pháp nhẫn, có khả năng, khéo nhập vào mọi pháp môn, thân cận cúng dường cả trăm ngàn vạn ức Chư Phật.

Cũng đã khen ngợi cả trăm ngàn vạn ức, Chư Phật, có khả năng độ cả trăm ngàn vạn ức, vô lượng chúng sinh, có khả năng sinh vô lượng Đà La Ni môn, có khả năng khởi vô lượng trăm ngàn vạn ức Tam Muội môn và cùng với những vị Bồ Tát mới phát ý, số lượng không thể tính hết.

Sự trang nghiêm ở Quốc Độ của vị Phật ấy là vô lượng, nói không thể hết. Việc giáo hóa đã xong, vị Phật ấy, nhập vào Vô dư Niết Bàn. Sau khi diệt độ, giáo pháp của Ngài trụ sáu vạn năm và pháp âm, từ các cây báu đều không phát ra nữa.

Bấy giờ, có vị Tỳ Kheo Bồ Tát, tên là Hỷ Căn, là vị Pháp Sư bản chất ngay thẳng, trang nghiêm, không làm mất oai nghi, không bỏ pháp thế gian. Khi đó, chúng sinh khắp nơi đều lợi căn, ưa nghe lý luận sâu xa. Vị Pháp Sư Hỷ Căn ấy, đứng trước mọi người, không khen ngợi ít ham muốn, biết đủ, giữ kỹ hạnh, ở một mình. Mà chỉ dạy cho mọi người thật tướng của các pháp.

Đó là: Tánh của tất cả pháp, tức là tánh tham dục, tánh tham dục tức tánh của các pháp. Tánh sân giận tức tánh các pháp, tánh ngu si tức tánh các pháp.

Pháp Sư Hỷ Căn dùng mọi phương tiện, giáo hóa chúng sinh. Các việc làm của chúng sinh đều là một tướng, không có tướng đúng sai. Cách thức khi thi hành là tâm không sân si, bởi do sân ngại không có nhân duyên nên chóng đạt được pháp Nhẫn, ở trong giáo pháp của Phật, nhất định không tiêu tan.

Lúc ấy, lại có vị Pháp Sư Tỳ Kheo hành Bồ Tát đạo, tên là Thắng Ý. Vị Tỳ Kheo Thắng Ý này, bảo vệ và thực hành cấm giới, đạt được bốn Thiền, bốn Vô sắc định, hành mười hai hạnh Đầu Đà.

Bạch Thế Tôn! Tỳ Kheo Thắng Ý này, có các đệ tử. Các đệ tử đó, tâm họ khinh động, ưa xem lỗi người.

Bạch Thế Tôn! Sau này, có một lần, Bồ Tát Thắng Ý vào xóm làng khất thực, bất ngờ đến nhà đệ tử của hỷ căn, thấy vị cư sĩ chủ nhà, liền vào nhà trải tòa mà ngồi. Rồi vì vị cư sĩ đấy, mà khen ngợi sự ít ham muốn, biết đủ, giữ kỹ hạnh…

Nói những lời nói, không có lợi ích, ca ngợi việc ở xa chúng, ưa thực hành một mình. Lại trước vị cư sĩ ấy, nói lỗi lầm của Pháp Sư Hỷ Căn. Tỳ Kheo này không thực, dùng tà kiến đạo, giáo hóa chúng sinh, đó là kẻ tạp hạnh. Nói dâm dục không chướng ngại, sân giận không chướng ngại, ngu si không chướng ngại, tất cả các pháp đều không chướng ngại.

Vị cư sĩ này, lợi căn đã đạt vô sinh pháp nhẫn, liền nói với Tỳ Kheo Thắng Ý: Thưa Đại Đức! Ngài biết tham dục là pháp gì chăng?

Thắng Ý đáp: Này cư sĩ! Ta biết tham dục là phiền não.

Cư Sĩ hỏi: Thưa Đại Đức! Phiền não này, nó ở trong, hay ở ngoài?

Thắng Ý đáp: Không ở trong, cũng chẳng ở ngoài.

Thưa Đại Đức! Nếu tham dục không ở trong, cũng chẳng ở ngoài, không ở Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc, Trên, Dưới mười phương, tức là không sinh, nếu đã không sinh sao gọi là nhơ là sạch?

Khi ấy, Tỳ Kheo Thắng Ý giận dữ không vui, đứng dậy bỏ đi và nói: Tỳ Kheo Hỷ Căn này đã dùng lời nói dối để mê hoặc mọi người. Người này do không học pháp môn nhập âm thanh, nên nghe âm thanh Phật thì vui, nghe âm thanh ngoại đạo thì sân. Đối với âm thanh phạm hạnh thì vui, đối với âm thanh chẳng phạm hạnh thì sân.

Do không học pháp môn nhập âm thanh, nên đối với âm thanh sạch thì vui, âm thanh nhơ thì sân. Do không học pháp môn nhập âm thanh, nên đối với âm thanh Thánh Đạo thì vui, âm thanh phàm phu thì ngại.

Do không học pháp môn nhập âm thanh, nên đối với âm thanh vui thì mừng, âm thanh khổ thì ngại. Do không học pháp môn nhập âm thanh, nên đối với âm thanh xuất gia thì vui, âm thanh tại gia thì ngại.

Do không học pháp môn nhập âm thanh, nên đối với âm thanh xuất thế gian thì vui, âm thanh thế gian thì ngại. Do không học pháp môn nhập âm thanh, nên đối với việc bố thí thì sinh ý tưởng lợi, đối với sự keo kiệt thì sinh tưởng ngại. Do không học Phật Pháp, nên đối với giữ giới sinh tưởng lợi, đối với phá giới sinh tưởng ngại.

Khi đó, Tỳ Kheo Thắng Ý ra khỏi nhà vị cư sĩ nọ, trở về chỗ ở.

Thấy Bồ Tát Hỷ Căn ở giữa Chúng Tăng liền nói với mọi người: Tỳ Kheo Hỷ Căn này phần nhiều dùng giả dối, tà kiến để giáo hóa chúng sinh, cho dâm dục chẳng phải chướng ngại, sân giận chẳng phải chướng ngại, ngu si chẳng phải chướng ngại, tất cả pháp chẳng phải chướng ngại.

***