Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chân Thật

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHẬT CẢNH GIỚI

NHIẾP CHÂN THẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN HAI
 

Bấy giờ, Đức Bạc Già Phạm Đại Tỳ Lô Giá Na Như Lai trụ tâm Phổ Hiền thì mão báu trên đỉnh đầu hiện ra điều khó suy tưởng được.

Trong Mão đó hiện ra hình ảnh của tất cả vị Hóa Phật là Đại Quán Tự Tại của các Như Lai, được Đại Pháp Trí Bát Nhã Ba La Mật Đa, và Tỳ Thủ Yết Ma Bất Không vô ngại của tất cả Như Lai, đều được khéo trong công việc làm, tất cả tâm nguyện không gì không đầy đủ. Y theo đại thần lực đặt ngay trong tâm của tất cả Phật thể để trang nghiêm pháp thân.

Lúc đó, Đức Như Lai nhập vào tam muội Nhất thiết Chư Phật Phổ Hiền Bồ Tát Tam Ma Gia xuất sinh Kim Cương Tát Đóa quảng đại uy đức.

Từ Định khởi xong, ở trong tự tâm sinh ra Chân Ngôn bí mật là: Án, Phộc Nhật La, Tát Đát Bà.

OṂ. VAJRA SATVA.

Bấy giờ, Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai nói về pháp Tâm Địa Bí Mật Du Già chân thật thuộc cảnh giới của Chư Phật này thì vô lượng vô biên Cõi Phật ở mười phương đều chấn động sáu cách.

Lầu gác Đại Ma Ni Bảo Tối Thắng của cung Đế Thích trong cõi Tam Thập Tam Thiên trên đỉnh núi Diệu Cao cũng bị chấn động. Trời tuôn mưa hoa Man Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, hoa Mạn Thù Sa, hoa Ma Ha Mạn Thù Sa rải lên trên Đức Phật với các đại chúng.

Lúc đó, các đại chúng thấy vô lượng vô số hằng hà sa cõi Phật ở mười phương bị chấn động sáu cách và lầu gác Đại Ma Ni Bảo của cung Đế Thích trên đỉnh núi Diệu Cao bị chấn động sáu cách thì khởi niệm rằng: Hiện nay Đức Như Lai hiện đại thần biến.

Do nhân duyên nào mà có điềm này?

Bấy giờ, Đức Như Lai biết tâm niệm của các Đại Hội nên bảo rằng: Các ngươi ở đây đừng sinh nghi hoặc. Nay ta đã nói về pháp thâm diệu đó là tâm trong tâm của Chư Phật ba đời.

Tất cả Pháp Phật nhiếp vào Kinh này, tất cả Pháp Phật từ Kinh này mà ra. Pháp đó gọi là Đối Pháp Vi Diệu Đại Thừa Du Già thuộc cảnh giới chân thật của tất cả Như Lai. Đây là tâm của tất cả Như Lai, bí mật tối thắng của Kim Cương Chân Ngôn.

Khi ấy, từ Tâm của Chư Phật xuất ra pháp đó rồi, liền lúc đó Bạc Già Phạm Phổ Hiền Đà La Ni là pháp bí mật này biến thành vô lượng vô số vành trăng tròn đầy. Vành trăng tròn đầy nay hay khiến cho tâm bồ đề của chúng sinh được thanh tịnh.Vô lượng vô số vành trăng tròn đầy này ở hai bên phải trái của tất cả Như Lai.

Từ vành trăng này hiện ra vô lượng vô số Đại Trí Kim Cương của Như Lai. Đại Trí Kim Cương từ mặt trăng đầy hiện ra lại nhập vào trong tâm của Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai. Y theo sức diệu kiên cố của Kim Cương Tát Đỏa tam muội với sức đại uy đức của tất cả Như Lai, cho nên vô lượng vô số Trí Tuệ Kim Cương hợp thành một tụ ngang bằng với hư không, hiện ra đại quang man.

Quang Man như vậy liền được biến thành Kim Cương Ngũ Cổ chày Kim Cương có năm chấu là Trí Tính bền chắc của diệu thân, ngữ, ý của tất cả Như Lai, từ tâm của Chư Phật xuất ra trụ ở trong hai lòng bàn tay của Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai. Từ Kim Cương này xuất ra mọi thứ sắc quang.

Vô lượng vô số ánh sáng của tướng mạo Kim Cương tràn đầy tất cả Thế Giới, bình đẳng không ngại. Ánh sáng của Kim Cương này lại theo miệng tuôn ra hiện pháp thân vô ngại của Như Lai với lượng ngang bằng số hạt bụi nhỏ của mười giới, tràn đầy biển pháp giới.

Do nhân duyên gì mà tràn đầy pháp giới?

Ấy là các Như Lai được tuệ bình đẳng với đại thần thông, hiện ra năng giác ngộ tất cả chúng sinh khiến cho họ phát tâm vô thượng bồ đề khéo hay thành tựu mọi thứ diệu hạnh khó suy tư của Phổ Hiền, sức nhân chủng tính của tất cả Như Lai khéo hay gần gũi cung kính cúng dường cây Đại Bồ Đề, hay diệt tất cả ác ma Ba Tuần chứng Đại Bồ Đề.

Tự năng giác ngộ hay chuyển pháp luân tối diệu vô thượng cho đến hay giúp đỡ hết tât cả chúng sinh tận giới hư không, hay làm lợi ích an vui. Tất cả Như Lai khéo hay thành tựu Tất Địa tối thắng của đại trí thần biến. Tất cả Như Lai khéo hay thị hiện mọi loại thần biến y theo thể của Phổ Hiền tam muội với lực hòa hợp bền chắc vi diệu của Kim Cương tam muội cho nên xuất hiện thân của Phổ Hiền Đại Bồ Tát.

Bấy giờ Phổ Hiền Bồ Tát đứng ở trong tâm của Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai, nói lời kệ là:

Lành thay! Phổ Hiền, ngã hiếm có

Tính chân thật bền của diệu thể

Do sức bền chắc không hình tướng

Vì lợi sinh nên hiện sinh thân.

Khi ấy, Phổ Hiền Bồ Tát từ trong tâm của Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai đi ra đến trước mặt Chư Phật ngồi trong vành trăng, tay phải cầm chày Kim Cương xoay chuyển trong lòng bàn tay. Lúc đó, Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai nhập vào tam muội Nhất Thiết Như Lai Kim Cương Bất Hoại Trí Đại Tam Ma Gia.

Y theo sức tam muội đó vì Phổ Hiền Bồ Tát khiến cho được Đại Pháp Luân vi diệu của uẩn: Giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của Chư Phật, lợi ích chúng sinh, Đại Tam Ma Gia của trí đại phương tiện cứu độ hết tất cả giới chúng sinh, tất cả tự tại chủ, tất cả đại an lạc thâm tâm ái lạc cho đến trí bình đẳng tính của tất cả Như Lai, thần thông tối thắng, đối pháp của đại thừa. Các quả như thế là Tất Địa của tất cả Như Lai.

Kim Cương vì muốn trao vào tay của Phổ Hiền Đại Bồ Tát, vì muốn trao cho Thể Chuyển Luân Vương của tất cả Như Lai, vì muốn trao cho sự nghiệp Phật chẳng thể tư nghị của tất cả Như Lai, vì muốn trao cho lụa trắng quán đỉnh của mão báu, cho nên Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai dùng hai tay của Ngài trao cho Ấn Kim Cương. Thời tất cả Như Lai cho Danh Tự quán đỉnh, hiệu là Kim Cương Thủ Vajra pāṇi.

Khi ấy, Kim Cương Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát được Kim Cương này rồi, tay phải cầm chày Kim Cương xoay chuyển trong lòng bàn tay rồi đặt ngang trái tim, nói lời Kệ là:

Đây là Đại Tất Địa Kim Cương

Tối Thắng của tất cả Như Lai

Chư Phật dùng hai tay cho ta

Không tướng hiện tướng vì lợi sinh.

Bấy giờ, Kim Cương Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát nương theo uy thần của Đức Phật, quán sát tất cả chúng sinh trong vô lượng vô số vi trần Thế Giới ở mười phương như xem trái A Ma Lặc trong lòng bàn tay.

Vì chúng sinh cho nên sinh tâm đại bi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, bạch Đức Phật rằng: Thế Tôn! Các loại hữu tình trong tất cả thế gian, hoặc tham trước tài bảo, hoặc tham trước ăn uống, hoặc tham trước năm dục ganh ghét tỵ hiềm Tam Bảo, hoặc yêu Thích Ca múa mặc tình phóng túng chơi đùa.

Nhóm chúng sinh ấy chưa từng thấy nghe diệu pháp chân thật, vào ở trong pháp ngoại đạo tà kiến mà chẳng tu tập phạm hạnh của Chư Phật. Các chúng sinh ấy trong việc làm ác tạo nhân địa ngục cho nên tất cả pháp khác chẳng có thể cứu độ, chỉ có đại pháp vô thượng của Kim Cương Giới Đại Man Đà La mới khéo hay cứu độ được.

Tại sao thế?

Nếu có chúng sinh tạo mọi thứ tội sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và phại chịu tám nạn thì chỉ có pháp này mới có thể cứu bạt được. Nếu có chúng sinh ước mong tất cả sự tối thắng an lạc thì chỉ có bí mật này khéo hay thỏa mãn được.

Lại có chúng sinh yêu thích chính pháp, nguyện cầu tịnh giới, tam muội, trí tuệ, Tất Địa tối thắng của tất cả Như Lai thì pháp bí mật này là hạnh phương tiện như mọi loại hạnh mà nhiều vị Phật đã từng tu tập cầu nơi quả của đẳng thiền định giải thoát.

Chúng sinh như vậy dễ vào Man Đà La này tức liền chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, huống chi Quả Báo Phước Lạc của thế gian. Giờ đây, xin Đức Thế Tôn phát khởi tâm đại bi tối thắng vì những việc ấy, nay nên diễn nói Pháp Đà La Ni.

Bấy giờ, Đức Phật Bạc Già Phạm bảo Kim Cương Thủ Bồ Tát rằng: Lành thay! Lành thay Kim Cương Thủ! Như vậy! Như vậy! Như ông đã nói. Ông khởi đại bi vì tất cả chúng sinh đời vị lai, là Đạo như thật.

Này Thiện Nam Tử! Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy khéo ghi nhớ! Nay Ta vì ông, thứ tự diễn nói pháp Đại Đạo Trường Man Đà La.

Này Thiện Nam Tử! Nếu có tu học cảnh giới của Chư Phật là pháp Đại Man Đà La Du Già Kim Cương Giới này.

Thì đầu tiên cần làm những việc gì?

Người hành Du Già bắt đầu bước vào Đạo Trường, trước hết kết Ấn Diệt Tội, đem hai ngón cái, hai ngón trỏ cùng cài lẫn nhau, dựng thẳng hai ngón giữa rồi co lại sao cho hai đầu ngón dính nhau. Các ngón vô danh, ngón út cũng như ngón cái ngón trỏ cùng cài lẫn nhau.

Liền trì Chân Ngôn có tên là Tam nghiệp Bí Mật Chân Ngôn:

Án, Tát Phộc Bà Phộc, Thâu Đà, Tát Lộ Phộc, Na Lỗ Ma, Tát Phộc Bà Phộc, Thú Độ Hồng.

OṂ. SVĀBHĀVA ŚUDDHA. SARVA DHARMA SVĀBHAVA ŚUDDHO HŪṂ.

Bản khác ghi là:

OṂ. SVABHĀVA ŚUDDHA, SARVA DHARMA SVABHĀVA ŚUDDHA UHĀṂ.

Trì một biến xong, tác tưởng như vậy: Bản tính của các pháp vốn thanh tịnh, ta với chúng sinh cũng có bản tính thanh tịnh.

Tác tưởng đó xong.Lại nữa, người hành Du Già kết Ấn Kim Cương Hợp Chưởng. Trước tiên hợp hai lòng bàn tay lại rồi để mười đầu ngón tay cùng cài lẫn nhau, dùng tay phải đè tay trái. Tức là Kim Cương Hợp Chưởng Ấn. Tất cả Ấn Pháp đều từ đây sinh ra.

Trì Chân Ngôn là:

Án, Phộc Nhật La, Nhạ Lý.

OṂ. VAJRĀṂ JALI.

Trì Chân Ngôn xong, ấn năm chỗ trên thân. Một là trên đỉnh đầu, hai là trên vai phải, ba là trên vai trái, bốn là trên trái tim, năm là trên cổ họng. Lúc ấy, Hành Giả dùng ấn Kim Cương Hợp Chưởng gia trì năm nơi tức thời trên thân được mặc áo giáp Kim Cương. Hành Giả với đệ tử, thân tâm kiên cố thảy được an ổn, tất cả ác quỷ Tỳ Na Dạ Ca chẳng có dịp hãm hại.

Lại nữa, người hành Du già kết Ấn Kim Cương Phộc. Chẳng giải Ấn Kim Cương Hợp Chưởng lúc trước, mười ngón tay cùng trợ nhau nắm lại, dùng năm ngón tay phải nắm chặt tay trái, năm ngón tay trái nắm chặt tay phải như tướng cột trói.

Trì Chân Ngôn là:

Án, phộc nhật la, man đà, đát lạc tra.

OṂ. VAJRA BANDHA TRAṬ.

Ba chữ sau cùng Bandha Traṭ trùng trì ba biến mỗi tập ba chữ một biến.

Hai ngón giữa dựng đứng, búng ngón tay một biến, như vậy đến ba biến, Lúc ấy Hành Giả trì Chân Ngôn xong, tác tưởng: Tất cả phiền não có trong thân ta với thân của các chúng sinh, thảy đều trừ diệt, trong ngoài thanh tịnh giống như hư không, nhận làm nơi trú ngụ của Chư Phật Bồ Tát.

Tất cả Tỳ Na Dạ Ca, các nhóm quỷ thần thảy đều lìa xa. Bốn nhiếp, mười thiện, mười Ba La Mật đều tùy viên mãn giống như con sông chảy vào biển lớn. Tác tưởng đó xong.

Lại nữa, người hành Du Già cùng vào Đạo Trường, quỳ hai đầu gối sát đất, chắp tay lễ bái rồi tác tưởng là: Nay như Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai sắc cho vi trần sa số Chư Phật Bồ Tát với chúng Hiền Thánh ở mười phương Thế Giới khiến ngưng tất cả việc tam muội, nói pháp đi đến Đạo Trường quán sát Hành Giả cùng chung nhiếp thụ lợi ích chúng sinh.

Tác quán này xong, ngữa Ấn hướng ra bên ngoài, trì Chân Ngôn là:

Án, Phộc Nhật Lê, để sắt tra.

OṂ. VAJRE TIṢṬA.

Lại nữa, người hành Du Già kết Ấn Kim Cương Quyền. Trước hết dùng quyền trái an trên trái tim. Tiếp để quyền phải để ra cạnh ngoài, tiếp duỗi ngón trỏ của quyền trái, lại duỗi ngón trỏ của quyền phải, hướng ra bên ngoài.

Trì Chân Ngôn là: Hồng. HŪṂ.

Trì Chân Ngôn này một biến, liền tác tưởng này: Đuổi tất cả Tỳ Na Dạ Ca với tất cả nhóm quỷ thần ác có trong Đạo Trường và trong thân ta ra ngoài. Hành Giả trì Chân Ngôn này thì ngón trỏ của quyền phải hướng ra ngoài dao động, là tướng Khu Trục xua đuổi tức gọi là Khiển Xuất Ma Đẳng xong.

Lại nữa, người Du Già kết Ấn Kim Cương Câu. Trước tiên tác ấn Kim Cương Phộc, tiếp duỗi ngón trỏ của tay phải, hơi co lại, tưởng làm Câu Ấn thỉnh Chư Phật Bồ Tát, tất cả chúng Thánh.

Trì Chân Ngôn là:

Án, Phộc Nhật la, Ngu Già, Nhạ.

OṂ. VAJRA KUŚA JAḤ.

Bản khác ghi là:

OṂ. VAJRA AṂKUŚA JAḤ.

Vừa mới trì Chân Ngôn này, tất cả Chư Phật Bồ Tát Thánh Chúng giáng lâm.

Lại nữa, người hành Du già tác Ấn Tập Hội. Trước tiên, dùng hai tay kết Kim.

Cương Quyền. Tiếp, dùng quyền trái an trên đầu gối phải.

Tiếp, dùng quyền phải giao cánh tay trên ức ngực thúc trái tim liền tác tưởng là: Tất cả Như Lai, Bồ Tát, Thánh Chúng thảy đều tập hội.

Tác tưởng này xong trì Chân Ngôn là:

Án, Phộc Nhật La, Sa Ma Nhạ.

OṂ. VAJRA SAMAJĀ.

Trì Chân Ngôn này xong, liền tác tưởng này: Chư Phật Bồ Tát đã tập hội xong, phát tâm vui vẻ. Chẳng dao động hai cánh tay, chỉ dùng hai ngón cái, hai ngón trỏ búng ngón tay ba biến.

Bấy giờ, Đức Như Lai nói lời kệ rằng: Định, tuệ hai tay Kim Cương Quyền.

Giao tay thúc tim: Lực tinh tiến. Búng tay, tiếng vang khắp pháp giới đế quán, thỉnh khắp các Như Lai.

***