Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Chư Phật Yếu Tập Kinh Pháp Cốt Yếu Của Chư Phật

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHẬT YẾU TẬP

KINH PHÁP CỐT YẾU CỦA CHƯ PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN BA
 

Phật dạy: Lại có Bồ Tát phát tâm, ở trong ba cõi, chẳng khởi các tưởng, chẳng khởi vô tưởng. Lại nữa, pháp cốt yếu của Phật là phụng hạnh sáu độ vô cực.

Những gì là sáu?

Có loại bố thí Ba la mật đa thế tục, bị chìm đắm trong thế tục nên chẳng thể độ đời. Cũng có loại bố thí Ba la mật độ đời, chẳng rơi vào thế tục. Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, thiền định, bát nhã Ba la mật, cũng lại như vậy. Hoặc có người hành bát nhã Ba la mật đa thế tục, chẳng thể hóa độ thế gian. Hoặc có người hành bát nhã Ba la mật đa độ đời, chẳng rơi vào thế tục.

Thế nào gọi là bố thí Ba la mật đa thế tục, chẳng thể độ đời?

Khi Bồ Tát có sự bố thí rộng rãi, cung cấp cho các Sa Môn, ngoại đạo Phạm chí, kẻ bần cùng, người ăn xin, kẻ chẳng an thân, người đói thì cho ăn, người khát thì cho uống, xe cộ, voi, ngựa, giường nằm, y phục, vàng bạc, ngọc báu, vợ, con trai, con gái, phố phường, đất nước, ngoài ra, còn bao thứ của cải khác đều không chút nuối tiếc, bố thí tất cả.

Nhưng làm việc bố thí như vậy rồi, chấp vào ngã của ta, ỷ vào của bố thí đó cho là ta đã xuất ra, cung cấp, những người kia là kẻ nhận. Ta là thí chủ không chút nuối tiếc, vì theo Phật dạy, thực hành bố thí Ba la mật Đa.

Nay, chỗ bố thí do trái với tâm bố thí là nguyện đến cho tất cả loài hữu tình, trở lại với sự khuyến trợ: Khiến cho sự bố thí của ta sẽ làm cho chúng sinh vĩnh viễn được an ổn.

Người làm việc bố thí ấy có ba điều vướng mắc:

Một là chấp ngã của ta.

Hai là chấp nơi tha nhân.

Ba là vọng tưởng chấp nơi vật bố thí, đó là bố thí Ba la mật đa thế tục, chẳng thể độ đời.

Sao vậy?

Vì triền miên ở trong thế tục, chẳng được độ thoát.

Thế nào gọi là bố thí Ba la mật đa độ đời, chẳng rơi vào thế tục?

Đó là có thể làm thanh tịnh ba phẩm.

Những gì là ba?

1. Bồ Tát ấy nếu khi bố thí chẳng chấp ngã của ta.

2. Chẳng thấy có người nhận, có sự nhận lấy.

3. Làm việc bố thí nhưng chưa từng vọng tưởng cầu mong, có sự báo đáp.

Có Bồ Tát bố thí vì để khuyến trợ tất cả chúng sinh. Nếu bố thí cho chúng sinh không thấy có người nhận, có sự nhận lấy, thì cốt là khuyến trợ cho đạo chánh chân vô thượng. Vị ấy chẳng quán xét thấy sự nhận lấy để dùng. Đó gọi là bố thí Ba la mật độ đời.

Vì sao?

Vì hóa độ được thế gian đạt đến giải thoát.

Thế nào gọi là ở tại thế tục?

Nghĩa là bị năm ấm che lấp, có khả năng xả bỏ năm ấm này thì gọi là độ đời. Ai không chấp ngã của ta, không có niệm tưởng, cũng không có chỗ dựa, hoàn toàn không tham đắm, chấp trước, thì gọi là độ đời.

Nếu đã thọ giới, cho người khác là hủy giới chẳng xứng pháp hạnh, hoặc tự cho là đã mở bày giáo hóa biết bao đệ tử, nhờ ta mà được độ, ta sẽ thành Phật, cứu giúp chúng sinh, tự cho có thân, chẳng hiểu vốn không, thì đó là trì giới Ba la mật thế tục, chẳng thể độ đời.

Tuy đã trì giới, chẳng chấp ngã của ta, chẳng thấy người khác hủy pháp phá giới, đều bình đẳng cứu giúp họ, chẳng bỏ sinh tử, chẳng nương vô vi, tuy độ chúng sinh, nhưng đều rõ vốn là không. Nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ cũng giống như thế. Người không tham đắm chấp trước tức xứng đáng độ đời. Người có đắm chấp thì rơi vào thế tục.

Lại nữa, đối với các nghề nơi thế gian như trước tác, chú thuật, văn chương, toán pháp, năm kinh, sáu nghề, điển tịch của Vua chúa, hành sự của thần tiên, mà có chỗ mong cầu, học hỏi, phát triển trí tuệ, thì đó là rơi vào bát nhã Ba la mật thế tục.

Nếu đối với thế gian có chỗ mong cầu, chẳng cho là trí tuệ, hiểu rõ về pháp không, vô tướng, vô nguyện, ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại đều bình đẳng, ngang bằng với ba đường, hiểu rõ chỉ là một Pháp Thân, chẳng ở sinh tử, chẳng trụ diệt độ Niết Bàn, mở bày giáo hóa tất cả, chẳng trụ vào chốn nào, đó là bát nhã Ba la mật đa độ đời, là pháp cốt yếu của Phật.

Khi giảng nói lời này, có bảy na thuật na do tha Bồ Tát ở Cõi Phật Thiên Vương, đạt được pháp Nhẫn không từ đâu sinh, tam thiên đại thiên Thế Giới hiện đủ sáu loại chấn động, trời rải hoa, ánh sáng tỏa chiếu khắp mười phương.

Lại nữa, pháp cốt yếu của Phật là nơi chốn Bồ Tát nhập vào.

Thế nào là nơi chốn?

Gọi là nhập vào, tức đối với tất cả pháp đều không có chỗ nhập. Các pháp không đến, cũng không đi, tất cả các pháp cũng không mất, chẳng nghĩ về chốn đạo, cũng không có tưởng, tu sửa quả vị mà chẳng thấy có nơi chốn.

Thế nào là tu sửa quả vị?

Bồ Tát tu học Trụ thứ nhất, có mười pháp.

Những gì là mười?

1. Trong sạch, tánh tình hòa nhã.

2. Thương xót các loài hữu tình.

3. Tâm bình đẳng, nhằm cứu giúp chúng sinh.

4. Ưa thích bố thí, cứu giúp người túng thiếu.

5. Gần gũi bạn lành, học hỏi mãi mãi.

6. Cầu học Kinh Điển, giải bày chỗ nghi ngờ.

7. Luôn nghĩ về xuất gia, chẳng tham chuộng nghề nghiệp.

8. Chí cầu thân Phật, đạt được vô hình.

9. Khai mở pháp thí vì cho là không gì bằng.

10. Dứt bỏ tự đại, thường giữ thành tín.

Đó là mười pháp tu hành của Bồ Tát mới phát tâm.

Bồ Tát tu hành Trụ thứ hai, thường nên ân cần phụng hành tám pháp.

Những gì là tám?

1. Phụng hành giới thanh tịnh, không bị nhiễm ô.

2. Thường tu hiếu thuận, nghĩ báo ân đức.

3. Được có uy lực thì nhẫn nhục làm căn bản.

4. Tuân tu cung kính, thường mãi an vui.

5. Chẳng bỏ tất cả loài chúng sinh.

6. Hiện hành lòng thương bao la chưa từng bỏ quên.

7. Phụng kính Sư Trưởng, xem như Đức Thế Tôn.

8. Tinh tấn chỉ cầu đạt đến giải thoát Ba la mật.

Đó là tám pháp.

Bồ Tát tu hành Trụ thứ ba, có năm pháp?

Những gì là năm?

1. Nghe nhiều, chẳng nhàm chán.

2. Khai mở, chỉ bày pháp xa lìa sự ăn, mặc.

3. Phát huy phước đức gốc, khuyến trợ Cõi Phật.

4. Chán ghét vô lượng hoạn nạn nơi sinh tử.

5. Luôn luôn biết xấu hổ, lòng thương thức tỉnh, biết hổ thẹn. Đó là năm pháp.

Bồ Tát tu hành Trụ thứ tư, lại có mười pháp.

Những gì là mười?

1. Tu tập ở chỗ vắng vẻ, tâm chí thường tịch tĩnh.

2. Biết hạn chế, tâm luôn biết đủ.

3. Dứt bỏ đùa giỡn, giễu cợt.

4. Luôn giữ giới cấm thận trọng, chưa từng hủy phạm.

5. Chán bỏ năm dục, ở chỗ điều hòa.

6. Đã phát tâm điều gì quyết đạt đến thành tựu.

7. Tất cả sở hữu đều đem ban phát, tâm không tham chấp.

8. Tâm thường dũng mãnh, chẳng khiếp nhược.

9. Không mến tiếc tất cả sở hữu.

10. Phước đức có được đem ban cho chúng sinh.

Đó là mười pháp.

Bồ Tát tu học trụ thứ năm, lại có mười pháp.

Những gì là mười?

1. Xả bỏ gia nghiệp.

2. Xa lìa Tỳ Kheo Ni.

3. Dứt bỏ tâm niệm tham lam, ganh ghét sẵn có.

4. Xa lìa bè đảng, nơi chốn đông đảo ồn ào.

5. Giải tỏa mọi gốc rễ tranh tụng sân hận.

6. Chẳng tự khen mình, chẳng chê bai người khác.

7. Trừ bỏ ý tưởng nơi mười ác, kiêu mạn.

8. Thường cắt đứt giáo thuyết bốn điên đảo, chẳng thuận.

9. Dứt trừ tham dâm, sân hận, ngu si.

10. Trừ khử vọng tưởng chấp trước chướng ngại.

Đó là mười pháp.

Bồ Tát tu học Trụ thứ sáu, phải đầy đủ sáu pháp Ba la mật, chẳng học theo sáu việc.

Những gì là sáu?

1. Tâm vắng lặng, chẳng cầu hàng Thanh Văn.

2. Tâm sáng suốt chẳng chuộng hàng Duyên Giác.

3. Tâm chẳng bỏ tất cả chúng sinh.

4. Thấy người cầu xin, tâm chẳng khiếp nhược.

5. Chưa từng tu hành pháp đem lại lo buồn.

6. Chẳng chuộng tòa ngồi ở chỗ cao có thêu thùa đẹp đẽ. Đó là sáu pháp.

Bồ Tát tu học Trụ thứ bảy, bỏ hai mươi việc.

Những gì là hai mươi?

1. Chẳng chấp thân.

2. Chẳng chấp nơi người.

3. Chẳng chấp về tuổi thọ.

4. Chẳng chấp mạng sống.

5. Chẳng chấp đoạn.

6. Chẳng chấp thường.

7. Chẳng vọng tưởng.

8. Chẳng chấp sự hiểu biết về báo ứng.

9. Chẳng thấy về danh và sắc.

10. Chẳng dựa vào năm ấm.

11. Chẳng tham nơi bốn đại.

12. Chẳng nương vào các trần, nhập.

13. Chẳng đắm nơi ba cõi.

14. Chẳng gần gũi người ác.

15. Vĩnh viễn an ổn, không chấp trước.

16. Không giới hạn việc không làm.

17. Chẳng tham chấp nơi Phật cho đến cứu cánh.

18. Chưa từng thuận theo sáu mươi hai thứ kiến chấp.

19. Hoàn toàn hiểu rõ các pháp, chẳng bài báng không.

20. Biết tất cả vốn là không, chẳng mong cầu nơi đạo.

Để thực hiện những pháp này, phải đầy đủ hai mươi việc.

1. Thấu hiểu hành không.

2. Rõ biết về vô tướng.

3. Phân biệt vô nguyện.

4. Tịnh tu ba đạo tràng.

5. Thường mang tâm từ bi.

6. Thương xót chúng sinh.

7. Chẳng chấp nơi chúng sinh.

8. Quán các pháp bình đẳng.

9. Hiểu rõ pháp môn chỉ.

10. Pháp nhẫn không từ đâu sinh.

11. Không vượt Thánh trí.

12. Nói rõ nghĩa nhất phẩm.

13. Dứt bỏ các niệm.

14. Trừ khử vọng tưởng.

15. Xả bỏ tà kiến.

16. Diệt bỏ trần lao cấu uế.

17. Quán cõi tịch nhiên.

18. Tâm ý điều hòa.

19. Chẳng ôm lòng hại.

20. Chẳng nhiễm kết sử.

Đó là hai mươi việc.

Bồ Tát ở Trụ thứ tám, phải thực hành bốn pháp?

Những gì là bốn?

1. Tâm đến với chúng sinh, dùng trí tuệ thần thông dẫn dắt giáo hóa họ.

2. Thấy Cõi Phật, quán không, khiến cái thấy đạt đến cứu cánh.

3. Kính lễ thân Phật, nhận ra chỗ mình không bằng.

4. Đã thấy thân Phật, nên quán xét kỹ lưỡng.

Đó là bốn pháp.

Lại có bốn pháp:

1. Hiểu biết đầy đủ về nguồn gốc của chúng sinh, tùy theo sự ưa thích của họ mà chỉ bày.

2. Làm nghiêm tịnh Cõi Phật, ân cần siêng học tam muội như huyễn.

3. Theo sự ưa thích của chúng sinh nên dẫn giải và cứu độ họ.

4. Quán xét nơi năm đường chúng sinh thọ sinh để theo đấy mà độ thoát họ.

Đó là bốn pháp.

Bồ Tát ở trụ Thứ chín, nên phân biệt, tu học về gốc của các nguyện lành, theo điều đã thề nguyện liền được thành tựu. Biết rõ phân biệt ngôn từ đã nói của Chư Thiên, Rồng, Quỷ Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân Phi Nhân, rồi dùng biện tài, tùy theo từng loại âm thanh mà thuyết pháp cho họ.

Ngay trong thai mẹ đều đã biết rõ và khi sinh ra trong chủng tánh, quyến thuộc nào, tại gia hay xuất gia, ngồi nơi cội cây giác ngộ bồ đề trang nghiêm đạo tràng, tất cả công đức đầy đủ nơi Phật Pháp, thảy đều trọn vẹn.

Bồ Tát ở Trụ thứ mười, tức được gọi là Như Lai Chí Chân, nếu đã nhập vào trú xứ này. Quả vị ấy chính là cõi đạo của Chư Phật, gọi là pháp cốt yếu của Phật.

***