Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Chư Phật Yếu Tập Kinh Pháp Cốt Yếu Của Chư Phật

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHẬT YẾU TẬP

KINH PHÁP CỐT YẾU CỦA CHƯ PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN CHÍN
 

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Thật chưa từng có! Khó bì kịp! Biện tài diễn đạt không hề bị trở ngại.

Nữ nhân đáp: Thôi, thôi, thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Chớ nói điều trái ngược ấy.

Nay đang ở trước các chúng mê mờ chướng ngại thì tại sao lại ca ngợi ý nghĩa vô ngại?

Lại hỏi: Sao là không nói?

Đáp: Do không nói, cho nên nói là thân tôi không chướng ngại.

Lại hỏi: Hư không mênh mông an nhiên thì có biện tài ư?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi tiếp: Chỗ gọi là biện tài là ý nghĩa gì?

Nữ nhân đáp: Không chỗ sinh mới gọi là biện tài.

Lại hỏi: Thế nào gọi là không chỗ sinh?

Đáp: Không chỗ sinh là tuân theo sự tu hành, thuận phụng pháp giới. Bản tế không gốc, gọi là tu hành. Cái không tu hành là tuân theo sự tu hành.

Lại hỏi: Thế nào là không chấp sự tu hành?

Đáp: Ở trong ba cõi, tu hành mà không có chỗ hành. Còn ở trong ba cõi mà không chấp về chỗ ở. Điều tu hành ấy đều không vướng mắc.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Còn bao lâu nữa mới thành tựu Tối Chánh Giác?

Nữ nhân đáp: Như Phật Thiên Vương thành tựu bậc Tối Chánh Giác, tôi cũng như thế.

Theo ý của Nhân giả thì chỗ nhắm đến là gì?

Đạo có thể thành tựu chăng?

Đạt đến chốn nào?

Lúc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lặng thinh.

Nữ nhân lại nói với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đã đúng lúc cần nêu bày, chẳng nên làm thinh.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Đạo thì không ngôn thuyết.

Vì vậy nên chẳng thể nhận biết!

Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật Thiên Vương: Thật chưa từng có!

Trời ở trong trời. Trí tuệ của nữ nhân này là chẳng thể nghĩ bàn, đức độ khác lạ không lấy gì nêu ví dụ được, nên nay đã tuyên thuyết thông suốt những điều cao xa như vậy!

Từ lúc phát tâm bồ đề đến nay lâu xa như thế nào?

Sau sẽ thành bậc Tối Chánh Giác, Quốc Độ ra sao, Phật hiệu là gì?

Phật nói: Trước Nhân giả chín mươi sáu ức trăm ngàn vạn vô số kiếp, đã tu tập đạo hạnh trải qua bao nhiêu kiếp, sau đó, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi mới phát tâm bồ đề.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Nữ nhân này đã phát đạo ý tâm bồ đề từ Đức Phật nào?

Phật nói: Từ Đức Như Lai Bảo Thành hưng phát đạo ý. Quốc Độ của Như Lai Bảo Thành nghiêm tịnh không thể tả xiết. Giả sử xưng tán trong hằng hà sa kiếp cũng chẳng thể nói hết được sự an lạc nơi công đức tốt đẹp ở cõi ấy. Do từ Đức Phật đó mà phát tâm bồ đề.

Lại hỏi: Nữ nhân ấy vào lúc thành tựu đạo quả ở Thế Giới kia cũng là người nữ chăng?

Đáp: Chẳng phải vậy. Bấy giờ, nữ nhân này làm Chuyển Luân Vương tên là Vô Số.

Văn Thù Sư Lợi nên biết! Vị này chẳng phải là nữ nhân, cũng chẳng phải là nam tử.

Vì sao?

Vì đã thấu đạt tam muội Như huyễn. Tùy theo ý muốn của chúng sinh, có thể theo lời mà ứng hiện, hóa độ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nữ nhân này đã trải qua hàng trăm ngàn vô số kiếp như hoa trái trên đất của tam thiên đại thiên Thế Giới, sẽ đắc đạo vô thượng chánh chân, thành Tối Chánh Giác, hiệu là Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, ở trong Cõi Phật với công đức to lớn, như công đức nghiêm tịnh có được nơi cõi của Như Lai Chí Chân Bảo Thành, nữ nhân này cũng vậy.

Lúc này, Bồ Tát Khí Chư Ấm Cái bạch Phật Thiên Vương: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi tạo nhiều lợi ích mới luôn nghĩ đến các pháp nơi quá khứ, vị lai.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Đúng như lời Nhân giả nói, việc có thể tạo lợi ích thì không thể cùng tận, vì pháp giới là không thể cùng tận.

Như Lai Thiên Vương bảo Văn Thù Sư Lợi: Nhân giả chớ cùng giảng giải biện tài với Bồ Tát Đại Sĩ Khí Chư Ấm Cái.

Vì sao?

Vì Thiện Nam này đạt được biện tài là chẳng thể nghĩ bàn. Chánh thọ tam muội mà Bồ Tát Khí Chư Ấm Cái đạt được nếu phát khởi thì Nhân giả không bằng.

Tam muội ấy gọi là gì?

Khi ấy, trong chúng hội, các Bồ Tát mới học đều nghĩ: Chẳng thể sánh kịp Bồ Tát Khí Chư Ấm Cái, hoàn toàn không ai ngang hàng vì Bồ Tát đã tu hành đạt trí tuệ của Như Lai.

Như Lai Thiên Vương biết tâm niệm của các Bồ Tát mới học, nên bảo Bồ Tát Thiện Điều: Này Thiện Nam! Hợp muôn dân nơi tam thiên đại thiên Thế Giới tạo thành một sức mạnh.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi như thế nào thì khiến những chúng sinh này cũng như thế, nhưng chẳng thể sánh kịp tam muội của nữ nhân kia, dù là trăm lần ngàn lần, vạn ức lần hơn, trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chẳng sánh kịp định tam muội nơi nữ nhân kia đã đạt được.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi chẳng biết danh hiệu của định ấy.

Giả sử khiến cho chúng sinh ở trong tam thiên đại thiên Thế Giới đạt được định tuệ như nữ nhân Ly Ý, cũng chẳng thể sánh kịp định lực tam muội nơi Thánh tuệ mà Bồ Tát Đại Sĩ Khí Chư Ấm Cái đã chứng đắc, dù cho trăm ngàn ức lần hơn cũng không ví dụ nổi, cũng chẳng thể quán sát biết được sức hưng phát về định lực của Bồ Tát Khí Chư Ấm Cái.

Nhưng dù khiến cho tất cả chúng sinh trong mười phương đều đắc định tuệ như Thánh tuệ của Bồ Tát Khí Chư Ấm Cái thì cũng không bằng sự khai mở giáo hóa bằng những động tác hạ chân, giở chân, cử động tới lui của Đức Như Lai. Thánh tuệ của Như Lai là chẳng thể nghĩ bàn, cao vời như vậy, chẳng thể nêu ví dụ được.

Lúc Đức Phật ca ngợi tuệ đức của Chư Phật thì có bảy vạn hai ngàn người đều phát đạo ý chánh chân vô thượng đồng thanh lên tiếng tán thán: Xin khiến cho thân chúng con cũng sẽ đạt được Thánh tuệ như vậy!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Thiện Điều: Nữ nhân Ly Ý ấy đã khuyến khích, khiến Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi phát tâm bồ đề. Giống như Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, hằng hà sa Thế Giới ở phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn hướng, trên dưới cũng lại như vậy đều được nữ nhân giáo hóa.

Lại nữa, này Thiện Nam! Bồ Tát Đại Sĩ Khí Chư Ấm Cái đã khuyên nữ nhân Ly Ý khiến phát đạo ý tâm bồ đề.

Tám phương trên dưới hằng hà sa Thế Giới, cũng lại như thế, những người được mở bày giáo hóa, đều giống như nữ nhân Ly Ý không khác. Nay ta nơi đây đắc thành Phật Đạo chuyển pháp luân cũng vốn do Thiện Nam ấy khuyến hóa, khiến phát tâm bồ đề.

Cho đến nơi thời quá khứ lâu xa, đời Phật Tu Di phiên cũng ở đời giáo hóa, giống như ta không khác. Hằng hà sa Như Lai hiện tại hay đã diệt độ không thể kể hết nơi mười phương cũng đều được mở bày giáo hóa.

Vừa nói lời này xong, cả tam thiên đại thiên Thế Giới đều chấn động sáu cách. Các thứ nhạc khí không hầu không đánh mà tự kêu vang. Loài chim bay, cầm thú đều hướng về nhau cất tiếng thương yêu, từ vui mừng vì chim thú được gặp Phật Thánh.

Các chúng sinh nơi địa ngục, ngạ quỷ đều được giải thoát, trong lòng vui mừng như tối gặp sáng. Vòng ngọc của phụ nữ chạm vào nhau thành tiếng. Ngay khi ấy, thứ gì cũng hân hoan!

Khi giảng nói pháp ấy, ở Thế Giới , có chín mươi hai ngàn Chư Thiên và người đều đạt được pháp Nhẫn vô sở tùng sinh. Bấy giờ, cả Thế Giới ấy nhờ oai thần của Phật nên lãnh hội hết pháp này, đều cùng được khuyến trợ, luôn được an vui, hân hoan vô cùng.

Bồ Tát Di Lặc cũng thọ nhận pháp này tăng thêm cung kính. Ở Cõi Phật ấy được nghe pháp này là sáu mươi bốn ức Chư Thiên và người đều phát đạo chánh chân vô thượng. Lại có bảy vạn người đều đạt được pháp nhẫn vô sở từng sinh, một vạn bốn ngàn Tỳ Kheo ý mở thông lậu dứt sạch, năm trăm Tỳ Kheo Ni tâm cũng được giải thoát, hai ngàn sáu trăm người nơi thế gian đã xa trần lìa cấu, đạt Pháp nhãn thanh tịnh.

Lúc này, Phật Thích Ca Văn bảo Bồ Tát Di Lặc: Nhân giả nên thọ trì các điều cốt yếu của Kinh Điển này. Vào đời mạt pháp sau này ít có người tin, chỉ nên phó chúc cho nhau, khiến giáo pháp được lưu hành rộng rãi.

Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Con xin thọ trì đúng như lời Phật dạy, chẳng dám trái lệnh.

Phật nói: Kinh này nếu ở đời sau, nơi đã được lưu hành rộng rãi, hoặc có người thọ trì, thì công đức là chẳng thể lường tính. Nếu có Bồ Tát cúng dường Chư Phật diệt độ trong quá khứ, các bậc Thánh vô thượng nơi hiện tại trong mười phương, các vị phát ý lập chí học đạo, người đang học đạo đều khiến trường tồn, tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.

Hoặc có một người, ở đời vị lai, cúng dường chư Như Lai này tất cả các nhu cầu, đối với Chư Phật đời quá khứ, vị lai và hiện tại đều phụng sự như nhau không khác, thì phước ấy nhiều chăng?

Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Con nghe ví dụ này, tâm mờ mịt, chẳng biết chỗ hướng tới. Số lượng ấy quá nhiều, chẳng thể tính đếm, phước đức cũng vô lượng.

Phật nói: Nếu có Bồ Tát thọ trì đọc tụng Kinh này, vì người khác diễn nói, được nghe một lần mà vui vẻ tin theo thì phước nhiều hơn người cúng dường Chư Phật kể trên.

Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Ở đời hiện tại này, sau khi ta diệt độ, giả sử có nữ nhân nghe xưng niệm danh đức của nữ nhân Ly Ý, danh hiệu của Bồ Tát Khí Chư Ấm Cái, Như Lai Thiên Vương và Kinh Điển này thì nhờ nghe danh đức với những biến hóa như thế, chỉ trong một đời được chuyển thân nữ thành thân nam, chóng thành tựu đạo quả chánh chân vô thượng, là Tối Chánh Giác.

Trong khoảng thời gian chưa thành Phật, đời đời sinh ra thường gặp Phật xuất hiện ở thế gian, trừ bỏ tám nạn, các lo sự chẳng ngăn ngại, thường biết về đời trước, đạt được pháp Tổng trì. Ba mươi hai tướng nghiêm trang nơi thân, chỗ ở, chỗ đi không do bào thai, thường được hóa sinh.

Vì sao?

Vì các Đại Chánh Sĩ, oai lực rộng lớn, chẳng thể kể xiết. Nếu có nữ nhân nghe danh hiệu các vị về sau cũng được công đức như thế.

Phật giảng nói như vậy, Bồ Tát Di Lặc, Chư Thiên, dân chúng, A Tu Luân nghe Phật giảng nói rồi, ai cũng vui mừng cúi đầu lạy Phật.

***