Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Chư Phật Yếu Tập Kinh Pháp Cốt Yếu Của Chư Phật

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHẬT YẾU TẬP

KINH PHÁP CỐT YẾU CỦA CHƯ PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN HAI
 

Bấy giờ, Đức Phật lại bảo A Nan: Ông hãy đi đến thạch thất, trải tọa cụ cho Như Lai, chỉ dùng cỏ sô. Như Lai sẽ thiền tọa trên đó ba tháng.

A Nan bạch Phật: Nên đặt giường nằm, trải nệm mềm mại, dùng cỏ sô làm gì!

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Thôi thôi! Thôi thôi! Chư Phật Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác quá khứ đều dùng cỏ sô để làm chỗ ngồi, đừng dùng đồ mềm mại, sặc sỡ, cao dày mà làm cho đẹp, vừa ý. Tu hành thuận theo đạo pháp mới là điều an lành lớn.

Tôn Giả A Nan vâng lời, liền rời chỗ ngồi, đi khỏi chúng hội, ra ngoài tìm cỏ. Ngay khi ấy, vô số trăm ngàn ức Chư Thiên đều mang loại cỏ tốt mềm mại của Cõi Trời, để trước mặt Tôn Giả A Nan, A Nan liền nhặt lấy mang về thạch thất, trải làm chỗ ngồi bằng cỏ sô cho Phật.

Trải xong, tức thời vô số trăm ngàn ức Chư Thiên đều lấy Thiên y trải lên trên cỏ. Y cụ đã trải, số lượng rất nhiều, dù khắp cả nhân gian dùng để mặc cũng không thể hết, nhưng oai thần của Phật đã biến số y được trải đó, cao chỉ bốn tấc!

Phật từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào thạch thất, vô lượng kỹ nhạc, không đánh mà tự hòa tấu, trời tuôn mưa các thứ hoa, khắp cả đại thiên Thế Giới, ngập tới đầu gối. Phật vừa tọa thiền, chánh định, thạch thất ấy đều như thủy tinh.

Các chúng sinh gốc đức đã thuần thục ở trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều thấy Như Lai an tọa nơi thạch thất, giống như gương sáng thấy rõ mặt mũi hình dáng mình. Phật đưa bàn tay phải phóng ra trăm ngàn ức hào quang. Hào quang này chiếu khắp cả Thế Giới tam thiên đại thiên khiến ánh sáng mặt trời, mặt trăng đều bị lu mờ.

Ngay khi ấy, tất cả chúng sinh đều dứt trừ dâm, nộ, si, chẳng còn tự đại, cao ngạo, ganh ghét, cũng không có nạn tranh tụng khó nhọc, tâm từ cùng hướng đến nhau như cha, như mẹ, như anh, như em, như con, như thân… hành trạng tam muội của Đức Thế Tôn vĩnh viễn an định, không trụ, không tạo tác, tự nhiên như hư không, không có vọng tưởng, cả tam thiên đại thiên Thế Giới hiện đủ sáu cách chấn động.

Lúc này, các Cõi Phật đều thấy rõ thần lực, oai thần biến hóa của Phật, hai vạn hai ngàn Thiên Tử đều phát đạo ý chánh chân vô thượng phát tâm cầu đạt đạo quả bồ đề vô thượng, đều cầm hoa trời rải trên thạch thất để cúng dường Phật và nhiễu quanh thạch thất ba vòng, bỗng nhiên biến mất.

Hoa của Chư Thiên tung rải, phủ đầy khe, núi, hóa thành Chùa Phật. Hương thơm của hoa tỏa khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới. Phật liền biến thân đến chỗ Như Lai Thiên Vương Chí Chân Đẳng Chánh Giác là Thế Giới.

Bấy giờ, hằng hà sa số các Cõi Phật ở mười phương, vì các chúng sinh nơi đời năm trược khó giáo hóa, nên Chư Phật đều đi đến chỗ Phật Thiên Vương, cũng như Đức Như Lai Năng Nhân Chí Chân đã đến. Quốc Độ kia cũng giống như ở đây gồm đủ cả dâm, nộ, si, tự đại, kiêu mạn, ngỗ nghịch, bất hiếu, dua nịnh, tà niệm, ý chí thấp kém.

Vì sao?

Vì chúng sinh ở nơi ấy chẳng đến gặp Phật, chẳng chịu thọ giáo. Nếu có được nghe, thì chẳng nghe kỹ, chẳng tiếp nhận, chẳng suy nghĩ, làm theo. Vì vậy nên Chư Phật dùng phương tiện quyền xảo, nhập thất thiền tọa, lại biến hóa thân hình đến Thế Giới, chỗ Phật Thiên Vương, giảng thuyết, phân biệt những pháp cốt yếu của Chư Phật.

Thế nào gọi là pháp cốt yếu của Chư Phật?

Chư Phật Thế Tôn hội nhập hiện bày các hạnh luôn đầy đủ trọn vẹn, lại đạt đến cứu cánh tối hậu, vì thương xót chúng sinh, nên giảng diệu nghĩa nơi Kinh Điển gọi là pháp cốt yếu của Chư Phật.

Sau khi Như Lai Chí Chân diệt độ, pháp ấy sẽ vì chúng sinh phát khởi sự che chở. Chư Phật Đại Thánh là đấng Pháp chủ, đức hơn Tu Di, trí hơn sông biển, đạo vượt hư không, chẳng thể ví dụ.

Do đâu tất cả kẻ ngu tối lười biếng, buông lung, chẳng thuận theo giáo pháp mà lại được thọ nhận Kinh Điển?

Vì sao họ lại bê trễ, bỏ phế, mê mờ, mãi mãi bị che lấp, chẳng thoát khỏi ba đường?

Chư Phật Thế Tôn thấy được nguyên nhân ấy, cho nên tập hợp những pháp cốt yếu để giảng giải.

Khi ấy, tại Thế Giới kia, vô số Chư Phật, chẳng thể tính đếm mà biết được, đều cùng tụ hội nơi ấy.

Vì sao gọi là ?

Cõi ấy hoàn toàn không có tên hàng Thanh Văn, Duyên Giác mà toàn là bậc Bồ Tát. Bồ Tát ở cõi ấy đều có hào quang sắc vàng ròng, tướng tốt trang nghiêm nơi thân, tỏa sáng soi chiếu khắp, không đâu là không chiếu đến, nên gọi là.

Vì sao gọi là kết tập pháp cốt yếu của Chư Phật?

Tức là tuân thủ, tôn sùng các pháp đúng như chân đế.

Thế nào là các pháp?

Thế nào là tôn sùng?

Thế nào là tuân thủ?

Tất cả các pháp đều là một pháp. Các pháp này cũng không có pháp, cũng không phải là không pháp, cũng chẳng thể nêu bày.

Vì sao?

Vì cái không pháp ấy thì không có nơi sinh, cũng không có chốn khởi mà vì chúng sinh thuyết giảng pháp thì chẳng tồn tại lâu dài, vì chỉ là mượn lời để nói mà thôi.

Bên trong có sáu nhập, bên ngoài cũng có sáu nhập, năm ấm, các chủng và các nhập, đó gọi là tất cả sở hữu, là do mượn lời nói để phân biệt về chương cú mà thôi.

Tất cả các pháp, quán xét đúng với chân đế thì không có năm ấm, bốn chủng, các nhập, không có đoạn diệt, cũng không có thường còn, không có bền chắc, vì vậy nói là các pháp vô ngôn. Tất cả các pháp vốn thanh tịnh, tức không, không có tên gọi. Cái sinh mạng đã nói đó cũng không sở hữu. Tất cả các pháp và tên gọi đều cũng tự nhiên, hoàn toàn không sở hữu, đó là pháp cốt yếu của Chư Phật.

Thế nào gọi là tôn sùng?

Đó là tôn sùng sự tĩnh lặng hoàn toàn không có chỗ sinh khởi, tôn sùng vô dục, tôn sùng chân đế, tôn sùng vô bản, tôn sùng pháp giới, tôn sùng bản tế, các pháp đều không, tôn sùng chân đế ấy, tất cả các pháp đều không chỗ trú, không có chỗ tập hành, không có hành và chẳng hành nơi oai nghi lễ tiết, không chấp giữ vị lai, không có ngã, không có ngã sở, không có nghiệp phải thọ.

Do đó không có chủ tể, cũng không có người phục dịch, chẳng thể thấy được, vì rốt ráo là tận diệt vắng lặng cho nên chẳng thể tận diệt. Nhờ có văn từ thì cái vô tận ấy tức không có chỗ sinh, nó vốn thanh tịnh, nghĩa là tâm ý tĩnh lặng cũng không có chỗ sinh.

Lìa bỏ chỗ sinh và không chỗ sinh thì cái đã tôn sùng ấy cũng không âm thanh, không tịch tĩnh, không thể đọa lạc, cũng không thoái chuyển, trừ bỏ các khuyến trợ, tức không có sự tột cùng, cũng chẳng không có sự tột cùng, chẳng khởi, chẳng sinh. Giảng nói về bình đẳng, cũng không niệm tưởng. Không gần, không xa, cũng không dấu vết, nên gọi là tôn sùng. Chỗ tôn sùng ấy, gọi là hội nhập vào thành pháp.

Tất cả các pháp đều là giả có tên gọi mà thôi, không đến, không đi, không được, không không được, không có dần đi, cũng không có trở về, chẳng chánh, chẳng tà, chẳng nghe, chẳng thấy, chẳng nghĩ, chẳng biết, chẳng kinh, chẳng sợ, không ái, không xứ, không có cái vắng lặng, chẳng vắng lặng.

Chẳng thô, chẳng tế, chẳng dài, chẳng ngắn, chẳng đây, chẳng kia, chẳng đến, chẳng ẩn, chẳng đắc nhân duyên, chẳng an, chẳng nguy, đều chẳng hiểu rõ, cũng không có chỗ hành, không có chỗ hưng phế, cũng không dứt bỏ, chẳng khiến phát khởi, chẳng dưỡng nuôi, chẳng ngủ nghỉ, chẳng xét, chẳng tưởng, chẳng đạt, chẳng niệm, không có hạn lượng.

Chỗ niệm về vô lượng, không lấy, không giữ, không chỗ gọi đến, chẳng qua bờ kia, chẳng có chốn, chẳng không có chốn, chẳng đoạn diệt, chẳng chấp thường, chẳng mất, chẳng được, không quá khứ, vị lai, hiện tại, không có tuệ, chẳng không có tuệ, chẳng nhiều, chẳng ít, không tiếng, không lời, cũng không chỗ nhập. Không sợ không chữ, cũng không nhập nơi văn. Chẳng động, chẳng lay, chẳng xa, chẳng gần. Không lễ bái, chẳng không lễ bái.

Chẳng mong tiếng khen, cũng không có ngã của ta, không có thọ mạng của người, chẳng giới, chẳng phạm, chẳng nhẫn, chẳng tranh, chẳng tiến, chẳng lùi. Không chỗ nào, cũng chẳng không chỗ nào, chẳng phải trong, chẳng phải không trong. Chẳng phải không, chẳng phải không không.

Chẳng thân, cũng không thân. Chẳng giảng giải danh hiệu, ngang bằng hư không. Không hết, chẳng không hết, chẳng giáo hóa, chẳng nguyện, chẳng lìa, không tạo tác, không không tạo tác. Vì không tai ương nên cũng chẳng trừ tội. Không tưởng, không không tưởng. Chẳng động, chẳng xả. Chẳng cho cũng chẳng nhận. Chẳng sơ, chẳng thân.

Chẳng động, chẳng tĩnh, chẳng diệt, chẳng bằng, chẳng sử, chẳng tận, chẳng trần, chẳng lìa trần, chẳng đọa, chẳng lạc, chẳng nhiễm, chẳng không nhiễm. Chẳng quên, chẳng nhớ. Chẳng sầu, chẳng lo, không nghĩ, không không nghĩ. Không ứng hợp, không không ứng hợp. Không đôi, không chiếc. Không đi, không ở.

Chẳng bờ này, chẳng bờ kia. Chẳng bỉ, chẳng thử. Chẳng biên giới, chẳng lục địa, không đáy, không giữa, chẳng vượt qua, không có cái có thể vượt qua, chẳng tung tích, chẳng chí nguyện, chẳng thoái chuyển, chẳng hợp hội, chẳng đoạn, chẳng hoại, chẳng hợp lại, chẳng sánh nhau, chẳng đắm chấp, chẳng thoát khỏi, chẳng thủ, chẳng không thủ, chẳng không, chẳng không không, sáng tỏ vô cùng.

Chẳng ái chấp thọ mạng, không người, không giảng dạy. Thường nên giảng thuyết bỏ các xứ sở là vào thành pháp. Kẻ chẳng vào là mê đắm danh tự Bồ Tát. Nói pháp không chấp trước, chẳng thấy trú xứ. Như vậy gọi là tôn sùng, là pháp cốt yếu của Phật.

Thế nào gọi là tuân thủ?

Các pháp thường trụ trú ở pháp giới. Người có khả năng phụng hành pháp như thế thì gọi là tuân thủ.

Thế nào gọi là pháp?

Gọi là pháp tức chẳng nghĩ về pháp, không có chỗ bị phá hủy, chẳng ôm hy vọng, chẳng không hy vọng. Nếu không điều mong cầu thì cũng không nghĩ đến việc báo đáp. Nếu không mong cầu, báo đáp thì diệt trừ tất cả vọng tưởng. Chẳng tạo nhiều, chẳng làm ít.

Chẳng khởi, chẳng đoạn, chẳng nghĩ về quá khứ, chẳng tưởng về vị lai, chẳng trụ nơi hiện tại. Hành giả như thế là bình đẳng nơi ba đời tức không ngôn thuyết, chẳng cần chấp trụ mà đến với chúng sinh, đó gọi là pháp. Vì vậy Như Lai diễn bày ngôn giáo ấy, Phật xuất thế hay không xuất thế, đều cùng an trú như vậy, pháp giới cũng thế. An trú nơi pháp giới là pháp giới vắng lặng.

Vì duyên cớ gì mà gọi là pháp?

Đạt đến tịch nhiên, dùng sự thuần phục, trong lặng làm dụ, do đó nên gọi là các pháp tịch nhiên.

Thế nào gọi là không thuần?

Chấp là ngã sở, tự cho là có thân, nhân duyên nơi các kiến chấp gọi là sắc, tư tưởng, xứ sở, ngôn từ, tri thức, nương tựa, đều là tâm suy lường, cân nhấc, quán xét gốc ngọn, ý tư duy, lãnh nạp năm ấm, bốn đại, các nhập. Ta sẽ khuyến trợ mở bày giáo hóa ba cõi nên bỏ dâm, nộ, si, gọi là phụng tu đạo giáo, chứng ba môn giải thoát, đạt đến các quả vị Đạo Tích Tu Đà Hoàn, Vãng Lai Tư Đà Hàm, Bất hoàn A Na Hàm, đến A La Hán.

Ta sẽ suy niệm, tu hành bốn ý chỉ bốn niệm xứ, bốn ý đoạn bốn chánh cần, bốn thần túc bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý cho đến tám thánh đạo, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, chiếu sáng bốn sự diệt hết phiền não cấu uế, đó là Thanh Văn, gọi là chẳng thuần.

Đối với họ, thế nào gọi là tịch nhiên?

Hành Bồ Tát thừa, phát tâm rộng lớn: Ta sẽ thành Phật, dốc cầu trí tuệ, ở nơi sự hành hóa việc này, ta sẽ bố thí, xả bỏ tham keo, ban bố pháp tài, giữ giới thanh tịnh, dứt các thiếu xót, cẩn thận giữ gìn các hành, kiến lập nhẫn nhục, cắt bỏ sân giận, hành hạnh nhu hòa, tu tập tinh tấn, dẹp bỏ cấu bẩn, biếng lười, nỗ lực hành trì.

Ở nơi vắng vẻ, thực hành thiền định. Giáo hóa là chính, lại được nhất tâm. Từ thiền định xuất, suy niệm về bát nhã Ba la mật đa, phụng hành đúng nghĩa, dùng trí độ vô cực Trí Ba la mật, mở bày, hóa độ chúng sinh, để cầu đạt quả Phật. Tất cả Chư Phật đều do bát nhã xuất sinh.

Lại thành tựu quả Phật, hàng phục chúng ma, rồi chuyển pháp luân độ thoát muôn loài, dùng pháp vô vi của Phật khiến được diệt độ, đạt Phật tuệ rốt ráo. Tu học việc của Chư Phật, tuyên dương sự nghiệp của Như Lai mười lực, mười tám pháp bất cộng, các căn, lực gốc, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện tài biện tài vô ngại thảy đều thông suốt.

Những điều đã nói, đã kiến lập của Bồ Tát nên suy nghĩ để xuất nhập, tiến thoái, đó là điều đúng. Tất cả vọng tưởng, các chỗ lãnh nạp và đem thực hiện thì không đúng, đó gọi là chỗ khởi đầu của sự thuần thục, tịch nhiên. Sự tịch nhiên ấy được gọi là pháp. Đó gọi là pháp cốt yếu của Chư Phật.

Phật dạy: Lại nữa, gọi là pháp cốt yếu của Chư Phật, chính là cái tâm Bồ Tát mới phát khởi, gọi là ngôn giáo.

Thế nào là tâm Bồ Tát mới phát khởi?

Đó là không từ đâu sinh.

Vì sao?

Vì trong tất cả tâm nhưng không có tâm. Cái không có tâm ấy là không có chốn sinh ra. Cái không chốn sinh ấy là tâm mới phát, do đạt được pháp nhẫn không từ đâu sinh pháp nhẫn vô sinh. Lại nữa, nếu tâm Bồ Tát mới phát khởi với ý chí vững chắc thì Bồ Tát này phải phát tâm giống như kim cương.

Thế nào là phát tâm như kim cương?

Bồ Tát phát tâm có mười việc làm như kim cương.

Đó là:

1. Du hóa trong vô lượng hoạn nạn sinh tử.

2. Tất cả mọi sở hữu đều đem bố thí không luyến tiếc.

3. Luôn có tâm bình đẳng đối với chúng sinh.

4. Ta sẽ hóa độ tất cả chúng sinh, lấy sự diệt độ của Phật mà diệt độ cho họ.

5. Độ chúng sinh rồi, cũng không thấy có, người đạt đến diệt độ, vì hiểu rõ tất cả các pháp không có chốn sinh.

6. Phân biệt hiểu rõ tất cả các pháp.

7. Thường gia tăng tinh tấn không có sơ hở thiếu sót.

8. Trí tuệ chiếu khắp, chẳng có gì là không thông đạt.

9. Đầy đủ trí nhất thiết, thấu suốt nhất môn.

10. Những điều ái trọng không có tăng giảm, chẳng vì tham tiếc, dứt trừ đắm chấp.

Đó là mười việc phát tâm của Bồ Tát, tâm như kim cương, là phát cốt yếu của Phật.

***