Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Chư Phật Yếu Tập Kinh Pháp Cốt Yếu Của Chư Phật

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHẬT YẾU TẬP

KINH PHÁP CỐT YẾU CỦA CHƯ PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MỘT
 

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa nơi khu rừng cây Nại, nước Ma Kiệt Đà, trú ở núi Nhân Sa Cựu đời Tấn dịch là Đế thọ thạch thất phía Bắc xứ ấy, cùng với đầy đủ chúng Đại Tỳ Kheo năm ngàn vị và hai vạn Bồ Tát.

Đều an trụ nơi quả vị không thoái chuyển, đạt pháp nhẫn bất khởi vô sinh thân, khẩu, ý an định gồm thâu ba đời, một mình đi trong ba cõi, giáo hóa chúng sinh, tùy bệnh cho thuốc, ai cũng được chữa lành, như Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Di Lặc… Lại có tám vạn bốn ngàn Chư Thiên, đều tín ngưỡng nơi Phật Đạo.

Bấy giờ, bốn Bộ chúng đều đến chỗ Phật, tuy muốn nghe Kinh nhưng không thể chuyên tinh, chán pháp đã giảng, ai cũng xao lãng, phần nhiều chạy theo việc riêng, lấy năm trược làm sự nghiệp.

Đức Phật suy nghĩ: Mọi người chán nản đối với giáo pháp đã giảng nói, chẳng chịu đến hỏi để thọ nhận lời pháp, chẳng thấy Như Lai, chẳng nghe chánh kinh, chẳng ghi vào lòng, tâm chẳng tư duy, chẳng thể tu tập!

Đức Phật lại tự nghĩ: Ta muốn thị hiện giống như là ở yên một chỗ, chẳng tự hiện hình, rồi đến Quốc Độ của Phật ở phương khác, cùng với các Đức Như Lai đồng giảng giải pháp cốt yếu của Chư Phật.

Đức Phật lại quán sát: Chư Phật Thế Tôn hiện hội ở phương nào?

Liền thấy ở phương Đông, cách cõi này tám vạn bốn ngàn ức Thế Giới Chư Phật, nước tên là, Phật hiệu là Như Lai Thiên Vương Chí Chân Đẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp. Chư Phật hội ở nơi ấy.

Phật bảo A Nan: Như Lai sẽ vào thất nơi núi Nhân sa cựu thiền tọa ba tháng. Các chúng Thiên, Long, Thần, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân, Phi nhân, nếu có ai đến thì giảng giải ý đó, chớ cho vào thất.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Đại Thánh từ bi, tôn đức cao vời, Chư Thiên thần diệu, oai lực của họ thấu suốt, thân hình vi tế, tâm ý khó có thể nhận biết, đi đến nhiều lượt thì không thể nào giữ nổi.

Con yếu kém, không có sức thần túc, nếu rời khỏi sự che chở của Ngài thì sự thi triển thần túc không bằng Tôn Giả Mục Liên. Như Lai đã khen ngợi Tôn Giả Đại Mục Liên là thần thông đệ nhất, bay đi khắp mười phương không hề bị trở ngại, chỉ có thể ủy thác cho sự hộ vệ sau này.

Phật bảo A Nan: Đừng nói những lời đó. Như Lai Chí Chân chẳng cần người hộ vệ. Nay Phật quán xét nơi Cõi Trời và nhân gian, các Ma, Phạm Thiên, Sa Môn, Phạm Chí, Chư Thiên, Dân Chúng, A Tu Luân, không ai có khả năng vận dụng oai lực làm lay động sự kiến lập của Như Lai Vô Thượng Chí Chân. Ông nên im lặng, Như Lai ở trong chúng có khả năng tự bảo vệ, không cần người hộ vệ.

Lại nữa, A Nan! Nếu có Thiện Nam, Tín Nữ, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Chư Thiên, Long Thần, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân, Phi Nhân đi đến chỗ ấy mà Như Lai Chí Chân còn thiền tọa, thì ông sẽ vì họ giảng nói chỉ giáo như thế này: Phật Pháp khó gặp, hiểu rõ về diệu nghĩa cũng vậy. Thân người khó được, đạo Kinh Pháp là ít có, Như Lai cứu đời, đúng thời kỳ mới xuất hiện.

Có thể tin tưởng nơi Kinh Điển của Như Lai đã giảng dạy, xuất gia hành đạo, gặp được thầy giỏi bạn hiền, luôn theo học hỏi tinh tấn, ưa thích điều ấy, lại cũng khó đạt. Nếu lại mong thấy Kinh sáng tỏ, Tỳ Kheo giảng pháp thanh tịnh thì điều này chẳng thể được. Tâm ưa bố thí, nếu gặp bậc Thế Tôn để cúng dường tạo được sự thanh tịnh hoàn toàn tất cũng khó gặp.

Giả sử, người hiếu thuận luôn có sự báo ân, lại siêng năng học hỏi, tuân trì giới kinh, trọn đời không hủy phạm, việc ấy cũng khó thấy. Hoặc có người thương xót chúng sinh mà phát tâm cầu đạo Chánh chân vô thượng. Vừa phát tâm xong, liền có khả năng hành theo giáo pháp của Phật, rốt ráo đạo Bồ Tát, đó là việc hết sức khó.

Phật bảo A Nan: Khi Như Lai thiền tọa, bốn Bộ chúng, Chư Thiên, Long, Thần, A Tu Luân… nhân phi nhân đi đến chỗ ấy nhằm để nghe pháp, thì nên vì họ mà nêu giảng giáo pháp như thế.

Phật lại bảo A Nan: Ông tiếp nhận giáo pháp Phật, vì họ mà giảng nói thế này: Như Lai Chí Chân có vô số phương tiện, tùy thời mà hóa độ chúng sinh trừ bỏ tà kiến mê hoặc phi pháp, các ông nên thừa mạng tu theo giáo pháp chánh chân.

Này A Nan! Thế nào gọi là tà kiến?

Nghĩa là lễ bái yêu thuật, lừa bịp của kẻ khác, theo Chư Thiên, thờ cúng quỷ thần, như thần xương khô, cây mục, núi, cây, sông, suối, đá. Cúng vái đất trời, nhật nguyệt, các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Bắc đẩu, thổ địa, trăn, rắn, chim, thú, hươu nai, thuồng luồng, rồng, thờ cúng bao nhiêu là yêu tinh kỳ quái khác, đó gọi là tà kiến.

Lại nữa, này A Nan! Chấp chặt nơi ngã và ngã sở, tham đắm thọ mạng của con người. Chấp đoạn diệt, chấp thường còn, đó gọi là tà kiến. Nói tóm lại, ta sẽ vì ông mà giảng nói về tà kiến vi tế. Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ tự dấy khởi vọng tưởng, muốn đắc Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, hay chứng đắc quả Phật, mà bám lấy sự diệt độ, thì gọi đó là tà kiến.

Lại nữa, A Nan! Như Lai Chí Chân đang thiền tọa, thì nên vì họ mà giảng giải pháp yếu này: Các vị là người đang tu học, thường nên tín mộ pháp nghĩa, ưa thích pháp lạc, cho pháp là trên hết, tu niệm thanh tịnh, dốc hết lòng tin, được nhiều điều an vui. Biết hổ thẹn, kính cẩn, khép nép sợ sệt, ở trong ba cõi chắc chắn giải thoát.

Từ, bi, hỷ, hộ xả, thực hành bốn đẳng tâm tâm vô lượng. Những chỗ đi qua luôn luôn tùy thời mà nhẫn nhục, hòa nhã, khiêm tốn, nhún nhường. Chỉ chú trọng nơi pháp nghĩa, không chọn lấy vẻ trang sức. Chỉ quy về trí tuệ, không theo chỗ chấp giữ nơi thức. Chỉ theo chỗ mầu nhiệm nơi Kinh, không chọn lời hoa mỹ.

Chỉ Quy Y chánh pháp, chẳng theo con người, dạy bảo khiến tu theo pháp nhẫn thâm diệu. Gọi là hóa độ giải thoát, đó là ba cửa giải thoát. Siêng năng làm theo hạnh không, chẳng chấp ngã và ngã sở. Tu tập vô tướng, vứt bỏ mong cầu.

Thực hành vô nguyện, loại trừ lời thề chấp. Nên vì chúng sinh giảng nói mười hai nhân duyên, tất cả các pháp do nhân duyên khởi. Nếu không nhân duyên thì không có sự phát khởi, cũng không có sự hoại diệt. Nên quán sát kỹ sự phát khởi của mười hai nhân duyên, xem xét nguồn gốc của nó mà làm theo.

Nếu không quán xét kỹ về mười hai nhân duyên thì sẽ dẫn đến vấn nạn này: Phải nên quán như thế nào?

A Nan nên biết! Mười hai mắc xích ấy không có đầu mối. Đã không có chỗ sinh thì đạt được pháp Nhẫn bất khởi. Nếu chẳng khởi niệm thì đó là quán xét kỹ mười hai nhân duyên. Lại nên phân biệt chánh hạnh của bậc Hiền Thánh, vì chúng sinh mà thuyết pháp.

Thế nào là Thánh Đế?

Là sự vận hành đúng với sự thật. Thánh Đế ấy, nếu dùng tâm lắng nghe suy tính, thì không thành thật, cũng không giả dối. Cái không thành thật, không giả dối ấy, đó chính là Thánh Đế. Ý nghĩa của chân đế là thành thật, nhưng không do đâu sinh.

Cái chân đế ấy là sự thật, là chân chánh, là đế lìa dục, là đế tín ly giải, là đế không ngôn từ, là đế không chỗ hành, là đế không tạo nghiệp, là đế không sở hữu, là chân đế phổ biến, không cao, không thấp. Tức là chân đế duy nhất. Chân đế không lầm lỗi, chân đế không diệt độ, là chân đế vô vi.

Này A Nan! Giả sử hiểu rõ tất cả pháp là chẳng khởi chẳng diệt, hoàn toàn không chỗ trụ, không khác với chúng sinh, thì gọi chân đế Hiền Thánh. Vì vậy Như Lai thuyết giảng pháp như thế. Đệ tử hiền minh tu hành vô vi, nhằm hiểu rõ về tuệ, để khổ chẳng khởi, đạt không chốn sinh, thì gọi là khổ đế.

Nếu bị phiền não họa hoạn ở trong khổ thọ, nhưng chẳng Tập theo các hành, đoạn dứt nhân duyên, nhân duyên đã đoạn, thì đó gọi là trừ bỏ Tập Đế. Nếu có thể diệt hết tất cả khổ, vĩnh viễn không sinh lại, thì gọi đó là Tận Đế Diệt Đế.

Thế nào là Đạo Đế?

Nếu tu tập theo nghĩa đạo, chẳng tạo hai nghiệp, pháp thiện và bất thiện, hội nhập nơi một cửa, cầu đạt con đường như thế, thì gọi là ba cửa giải thoát.

Chư Phật quá khứ và các đệ tử, do con đường ấy mà đạt đến nơi không có chỗ đến, mà chọn lấy sự giải thoát, vì vậy gọi là tám Thánh đạo: Một là chánh kiến, hai là chánh niệm tư duy, ba là chánh ngôn ngữ, bốn là chánh nghiệp, năm là chánh hoạt mạng, sáu là chánh phương tiện tinh tấn, bảy là chánh ý niệm, tám là chánh định.

Lấy đó để giữ gìn tâm ý, nhân đây giảng nói pháp bình đẳng. Tánh đã bình đẳng thì đối với các pháp chẳng còn vọng tưởng. Đây mới gọi là trở về nơi con đường tu tập chính đáng.

Lại nữa, A Nan! Thuyết giảng pháp như thế, các ông siêng năng tinh tấn quay về bốn ý chỉ, vì các chúng hội ban bố giảng giải ba mươi bảy phẩm Đạo hạnh để kiến lập giáo pháp.

Những gì là ba mươi bảy phẩm?

Nếu đứng về mặt thuận nghĩa thì đạt được chỗ như nhiên đều nhờ nơi văn tự. Nếu các loại văn tự mà Như Lai dùng để kiến lập các pháp, thì các văn tự ấy cũng tự nhiên không, bất sinh, bất hoại. Nếu có giảng nói hay không giảng nói cũng như nhau, chẳng tăng, chẳng giảm, cho nên văn tự vì như nhau nên bình đẳng.

Này A Nan! Giả sử Tỳ Kheo cùng nhận biết văn tự là pháp đạo phẩm thì chỗ trụ là thuận nghĩa.

Lại nữa, A Nan!

Khi Như Lai thiền tọa, nếu có Thiên, Long, Quỷ Thần, Kiền Đạp Hòa, Nhân phi nhân đến thì nên vì họ mà thuyết giảng về ba đời bình đẳng: Quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại không dừng, tuy rơi vào điên đảo, nhưng cũng vốn thanh tịnh. Tất cả các pháp cũng đều là không, không có ba đời, cũng không chỗ trụ. Quá khứ đã không, vị lai cũng không, hiện tại cũng không.

Cũng như không không, không có không cũng không. Cũng như ba đời không, người không cũng như thế. Ba đời không gọi là bình đẳng, nhập vào một nghĩa, không có nhiều nghĩa. Nếu vì họ thuyết pháp phải trừ bỏ ba cõi mới được an ổn.

Thế nào gọi là trừ bỏ ba cõi?

Nếu có Tỳ Kheo ngay khi tư duy mà quán xét về Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc, tâm tưởng phát sinh thì tư tưởng ấy cũng không sở hữu.

Hiểu ba cõi là không sở hữu rồi thì không tưởng, không chẳng tưởng, không tinh tấn, không biếng lười, không có kiến lập, cũng chẳng thề nguyện, chẳng xét, chẳng niệm đều rời tâm niệm, đạt ba cửa giải thoát, ân cần tinh chuyên, tu chứng trí tuệ, phụng hành ba môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.

Thế nào gọi là ba môn giải thoát?

Chứng đắc trí tuệ, chẳng bỏ bình đẳng, tự tại đối với các pháp, không có tạo tác và chẳng tạo tác, biết tất cả pháp đều trở về tận diệt, vắng lặng, chẳng nhập thiền, ý chẳng đọa lạc, chẳng chấp có một cũng chẳng có nhiều, đó là ba môn giải thoát, chứng đắc trí tuệ.

Lại nữa, A Nan! Nên vì họ giảng nói giáo pháp, khiến trừ bỏ năm ấm là sắc, thống thọ, tưởng, hành, thức. Nếu thọ những ấm này thì gọi là thạnh ấm, còn không thọ thì là không ấm.

Giả sử người tu hành ở chỗ vắng vẻ, nên khởi quán thế này: Như Lai thường nói: Sắc như bọt nước tụ, thống dương thọ như bong bóng nước, tưởng như dợn nắng, hành như cây chuối, tâm thức như huyễn hóa.

Phật tuệ như Mặt Trời tỏa chiếu khắp hư không, đích thân thuyết giáo bảo người tu hành, nên khởi quán như vậy. Lời giảng của Như Lai, người có thể lãnh hội nghĩa, nhưng ta thì chẳng hiểu nên chẳng tức thời tỏ ngộ. Cõi Dục như bọt nước tụ, cũng là không, Cõi Sắc cũng không, Cõi Vô Sắc cũng không nên chẳng chấp đắm nơi ba cõi.

Người chẳng dựa vào đâu thì không có xứ xở, như bọt nước, không có ngã, không có nhân, không có thọ mạng. Vì vậy cho nên tất cả các pháp đều không có nhân, không có chúng sinh, đều như bọt nước, bong bóng nước, sóng nắng, cây chuối. Thức như huyễn hóa, huyễn ấy cũng không, nên chẳng tham đắm ba cõi.

Nếu tự tại nơi các pháp, chẳng đắm chấp ba cõi, không có xứ sở thì không có chỗ nương. Cái huyễn hóa ấy chẳng lại ở ngay nơi ngã, nhân, thọ mạng. Chỗ hiểu rõ sự thật ấy cũng không có gốc rễ của ngã, nhân, thọ mạng. Người nào quán năm ấm không có xứ sở như thế, thì không còn có năm ấm.

Lại nữa, A Nan! Nên giảng nói pháp phân biệt tiêu trừ sáu nhập ở trong và ở ngoài, phân biệt chúng đầy đủ.

Những gì là sáu nhập ở trong và ở ngoài?

Như Lai thường nói, cái ngã của ta là không.

Vì sao?

Vì tất cả vốn thanh tịnh. Nhãn, nhĩ, tỷ, khẩu thiệt, thân, ý cũng không, vốn thanh tịnh vô ngã. Lo vì vốn thanh tịnh, rỗng lặng, không có các nhập thì không có sắc, thanh hương, vị, tế hoạt xúc, pháp xứ. Nếu không có nhãn, nhỉ, tỷ, khẩu, thân, ý, không duyên vào thức thì không có sáu nhập trong và ngoài.

Những gì là sáu nhập ở ngoài?

Đối với tất cả pháp đều không có chỗ thọ nhận, cũng không có chỗ xả bỏ, từ tư tưởng phát sinh sáu nhập bên ngoài, chẳng tập theo các nhập thì không có xứ sở.

Phật dạy A Nan: Như Lai thiền tọa, nếu có người đến thì nên vì họ mà thuyết giảng pháp nghĩa thế này: Phật thi triển oai thần, hiển thị sự biến hóa. Nếu có căn cơ thích hợp và người nên hóa độ, thì đều được nghe pháp ấy. Còn chúng sinh khác chẳng thấy, chẳng nghe, thì chỉ thấy Phật im lặng, miệng chẳng nói gì.

Khi nêu giảng pháp này, năm ngàn Tỳ Kheo lậu dứt hết các lậu, tâm ý khai mở, bốn vạn hai ngàn Thiên Tử xa lìa trần cấu, đắc Pháp nhãn thanh tịnh, ba trăm Tỳ Kheo Ni đắc A La Hán. Bảy ngàn chúng sinh được lìa ái dục.

***