Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Chư Phật Yếu Tập Kinh Pháp Cốt Yếu Của Chư Phật

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHẬT YẾU TẬP

KINH PHÁP CỐT YẾU CỦA CHƯ PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN SÁU
 

Khi ấy, các Thiên Tử ở trụ pháp không, biểu lộ sự cung kính, liền rải hoa trời để cúng dường Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Do cùng cảm nhận từ sức oai thần của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nên các hoa đều trụ nơi hư không, không ai cầm nắm, giống như cây được sinh ra.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảo Thiên Tử Quang Minh Tràng: Theo ý của Thiên Tử thì thế nào, nay các hoa này nương vào đâu mà trụ?

Thiên Tử đáp: Không nương vào đâu mà trụ.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảo: Vì vậy, này Thiên Tử! Nên biết các pháp trụ ở chỗ không trụ, như hư không trụ. Như hư không không động, chẳng rơi, chẳng lay, không niệm, không tưởng.

Vì sao?

Tất cả các pháp đều bình đẳng như hư không. Vì vậy nên không động, không rơi, không lay.

Thiên Tử Quang Minh Tràng bạch: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thần túc của Bồ Tát cao vời như thế, chẳng thể ca ngợi hết, trong khoảng phát khởi ý, Bồ Tát đã đến vô số ức trăm ngàn Cõi Phật trong mười phương, lại trở về ngay.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Chư Phật chẳng chấp giữ nơi thần túc mà biến hóa nơi oai thần vô lượng, chư Thanh Văn… chẳng thể sánh kịp.

Vì sao?

Vì hàng đạo tuệ vô biên hãy còn chẳng được nghe, thì sao có thể sánh kịp?

Tất cả kẻ phàm phu ngu si luôn đeo đuổi Thần túc. Còn tất cả Chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn thì trải qua vô số A tăng kỳ kiếp đều chẳng chấp giữ, cũng không đeo đuổi và cũng không sẽ chấp giữ. Tất cả kẻ phàm phu ngu si thì luôn riêng chấp giữ.

Họ chấp giữ cái gì?

Chấp giữ ngã, nhân, thọ, mạng, ý, thức. Đoạn diệt chấp là thường còn. Chấp giữ về dâm, nộ, si. Điều mà Chư Phật Thế Tôn chẳng chấp giữ, tức sự chấp giữ ấy trong đạo không phát khởi. Không chỗ sinh lại khiến cho sinh.

Vì vậy, này Thiên Tử! Cái có thể nắm bắt của tất cả kẻ phàm phu ngu si thì Chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác đều chẳng thể đeo đuổi.

Bấy giờ Chư Phật thuyết giảng pháp cốt yếu của Chư Phật rồi, đều trở về trụ xứ cũ.

Khi ấy, Như Lai Thiên Vương tự nghĩ: Ta có thể ứng hiện để Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trở lại nơi đây! Tức thì Đức Phật Thiên Vương liền xả Thần túc, từ nơi tay phải của Ngài phát ra ánh sáng vàng tía. Ánh sáng ấy chiếu quanh chỗ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảy vòng, nhưng chẳng hiện nơi đỉnh đầu của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi suy nghĩ liền biết là Như Lai Thiên Vương muốn tương kiến.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nhân đó bảo Thiên Tử Quang Minh Tràng: Nên cùng đến chỗ Như Lai Thiên Vương để đảnh lễ thăm hỏi, nhận lãnh ý nghĩa thâm diệu đã hỏi về pháp môn hiện giảng nói.

Thiên Tử đáp: Hay thay! Hãy đi! Nên biết đã đúng lúc.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi chỉ trong khoảng phát ý, cùng với Thiên Tử Quang Minh Tràng bỗng nhiên biến khỏi đỉnh núi Thiết vi, đến trước Như Lai Thiên Vương, đảnh lễ nơi chân, nhiễu quanh ba vòng theo phía phải, lui ra đứng một bên, chắp tay cung kính. Chư Thiên Tử trong mười phương Thế Giới cũng đều làm như vậy.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật Thiên Vương: Nếu các thiện nam và thiện nữ đều vun trồng cội phước, tu pháp tâm diệu, chẳng nên hoài nghi, đã thành pháp khí, thì tất cả đều nhờ ân.

Vì sao?

Vì thấy các bậc Đại Thánh đức hơn hàng Long tượng Bồ Tát. Lại, các bậc Đại Thánh đã cùng tụ hội. Con ở bên ngoài chẳng được tham dự, xa cách pháp nghĩa thâm diệu ấy. Nhưng một mình nữ nhân Ly Ý kia vẫn còn, chuyên ngồi nơi đây chẳng thấy dời chuyển, chẳng hề thoái lui mà con lại bị dời đi.

Như thế, điều cốt yếu của Kinh Điển thì vi diệu, vô tận mà con lại bị dời đi, đứng trên đỉnh núi Thiết vi. Con tự nhớ nghĩ, trong khoảng một bữa ăn sáng, có thể đi đến khắp hằng hà sa Cõi Phật không thể tính đến ở phương Đông, đảnh lễ Chư Phật, được nghe thuyết pháp, ghi nhớ trong lòng, thưa hỏi Chư Phật giải quyết các nghi ngờ điều chưa từng nghĩ biết, nhưng lại bị dời đi ở Cõi Phật khác.

Chư Phật, Thế Tôn quán sát chí hướng của con, nên đã khuyên nhau ban bố Kinh đạo. Nay bậc Đại Thánh lại dời con đến đỉnh núi Thiết vi, nhân có hưng phát giáo hóa vô tận, khiến nhiều người vui vẻ, đều cùng kính ngưỡng hết sức, khát khao tiếp nhận giáo pháp!

Tâm con nôn nóng muốn được thấy Như Lai, nhưng lại khởi niệm: Vì sao chỉ dời một mình con rời khỏi chúng hội, còn nữ nhân Ly Ý kia thì an nhiên chẳng dời?

Con lại nghĩ rằng, Kinh giáo mà Như Lai Chí Chân đã diễn nói chẳng bị chống trái, tâm chẳng phải là không muốn thọ nhận. Chỉ là do con chẳng sánh kịp.

Giáo pháp Chư Phật đã giảng nói chẳng phải là khí cụ nên dời con đến trụ ở nơi này, riêng nữ nhân kia thì chẳng dời?

Như Lai Thiên Vương đáp Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đạo Kinh mà Chư Phật Thế Tôn đã tuyên nói, Bồ Tát đối với Kinh Điển ấy chẳng phải là không nên thọ trì. Lại nữa, Chư Phật Thế Tôn, đạo tuệ sâu xa thù diệu, chẳng thể nêu đạt, vì vậy nên chẳng thể như thường lệ cùng một lần theo ý mà diễn nói pháp yếu Chư Phật.

Lại nữa, này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi!

Trước kia, khi từ Thế Giới Kham nhẫn phát khởi đến đây, tâm tự nghĩ rằng: Nay ở Thế Giới sẽ giảng nghĩa Kinh Điển cốt yếu của Chư Phật, ta nên đến đó để đảnh lễ Chư Phật, nghe diễn nói giáo pháp, thì ngay khi ấy bị rơi vào chỗ khó khăn lớn, tư tưởng vô cùng điên đảo, chẳng thuận hợp.

Từ cõi nước ấy đến đây muốn được thấy Phật, nghe pháp, thì lại bị ba việc tự làm vướng mắc, chướng ngại, do ôm giữ ý này đến Cõi Phật đây.

Những gì là ba?

1. Chấp giữ về thân mình.

2. Chấp giữ về Chư Phật.

3. Đeo đuổi các pháp.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nên biết! Chẳng thể làm việc điên đảo mà đạt đến tuệ hạnh vô ngại của Bồ Tát.

Theo ý ông thì như thế nào?

Từ xưa đến nay ai có thể thấy Như Lai chăng?

Như Lai lại có thể quán sát được chăng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Theo pháp quán chân đế thì không có Chư Phật và các pháp. Tất cả các pháp đều không có nơi phát sinh. Như Lai không thấy, cũng chẳng thể thấy Phật.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều không có chỗ thấy.

Phật lại hỏi Văn Thù Sư Lợi: Dùng mắt nào xuyên suốt các hành để thấy Như Lai?

Dùng tai nào thấu rõ các nghĩa để nghe Kinh Điển Như Lai giảng nói?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lặng thinh không đáp.

Khi ấy, trong chúng hội, các Bồ Tát khác đều nghĩ: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thật sự không thể trả lời câu hỏi về pháp nghĩa của Như Lai.

Vì sao?

Vì Như Lai vừa rồi có câu nạn vấn mà Bồ Tát chỉ lặng im không đáp.

Như Lai Thiên Vương biết tâm niệm của các Bồ Tát, nên bảo các vị ấy: Thôi thôi! Các thiện nam! Chớ tưởng Văn Thù Sư Lợi chẳng thể nêu bày được.

Vì sao?

Vì đã hiểu sâu xa về pháp nhẫn, trí tuệ quyền xảo đầy đủ, không gì là chẳng thông đạt, trí vượt hư không. Làm thinh không nói là để trả lời Như Lai.

Các Bồ Tát hỏi: Bạch Thế Tôn! Vì ý gì mà tuệ nghĩa đã rốt ráo lại đặt ra câu hỏi ấy?

Thế Tôn đáp: Này các Thiện Nam!

Văn Thù Sư Lợi nghĩ rằng: Nếu mình trả lời là có mắt tai này, có sự nghe thấy kia là chấp có thường. Còn như lại bảo là không nhãn. Không nhĩ thì rơi vào đoạn diệt. Nếu cho là đoạn diệt hoặc chấp có thường thì chẳng hiểu rõ pháp.

Cái đúng như pháp là không có đoạn diệt, cũng không chấp thường còn. Chẳng cho là đoạn diệt, chẳng chấp thường còn thì không có chỗ phát sinh. Đã không có chỗ phát sinh thì không ngôn từ. Vì vậy, Văn Thù Sư Lợi gặp nạn vấn này thì lặng thinh không nói tức là đã trả lời rồi đấy.

Khi Phật giảng nói lời này, có sáu trăm Bồ Tát đã đạt được pháp Nhẫn vô sở tùng sinh.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Văn Thù Sư Lợi: Nhân giả do ba việc mà vướng vào chướng ngại, vì vậy đưa đến trụ ở đỉnh núi Thiết Vi.

Lại nữa, Nhân giả nêu hỏi: Vì nhân duyên gì mà nữ nhân Ly Ý còn lại một mình, không dời?

Đó là vì nữ nhân Ly Ý ấy đã hành pháp thiền định Phổ nguyệt ly cấu quang minh chánh thọ, tâm vĩnh viễn vô niệm. Chư Phật đến hoặc không đến, giảng nói Kinh Pháp hay không giảng nói, hoàn toàn không tưởng Phật, cũng chẳng tưởng Pháp, không có tưởng về bỉ, ngã.

Trừ diệt hết tất cả các tưởng nơi vọng niệm. Nữ nhân ấy trụ nơi định này nên nghe khắp các Đức Phật thuyết pháp ở vô số trăm ngàn vạn ức các Cõi Phật hiện tại trong mười phương, mà không đắm chấp. Pháp đã nghe và thọ nhận rồi thì giảng nói lại cho người khác.

Lại nữa, thân nữ ấy chẳng từ Cõi Phật này đến Cõi Phật kia. Ở ngay nơi Quốc Độ mà không có tưởng về Quốc Độ, ở chỗ của Chư Phật mà không có tưởng về Chư Phật. Có nghe thuyết giảng pháp mà không có tưởng Kinh Điển. Không có tưởng về ngã của ta, không có tưởng về người khác, giống như cung điện mặt trăng chưa từng di chuyển xuống nhân gian mà ánh sáng chiếu khắp, không đâu là không thấy.

Ánh trăng chiếu sáng chẳng nghĩ về xa gần, cũng không tưởng niệm là ta nên chiếu chỗ này mà chẳng chiếu chỗ kia. Nữ nhân ấy cũng vậy, trụ nơi định tam muội, hiện ở vô lượng, vô biên Thế Giới, độ thoát, dẫn dắt giáo hóa vô số chúng sinh, có thể hiển hiện ở Quốc Độ của Chư Phật, chẳng tưởng về chúng sinh, bình đẳng giảng nói Kinh Điển.

Trong một kiếp, hay hơn một kiếp, Phật tán thán công đức của nữ nhân Ly Ý này cũng chẳng thể hết được. Công đức hàm chứa của nữ nhân ấy là chẳng thể nghĩ bàn, vời vợi như thế!

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Các chúng Bồ Tát của trăm ngàn ức ở các Cõi Phật ấy, khi Chư Phật tụ hội thì có dời chuyển các vị này đặt ở Thế Giới khác như con bị dời không?

Phật bảo: Hãy nên im lặng! Này Văn Thù Sư Lợi không được so sánh về Thánh tuệ của Như Lai, cũng chớ cân nhắc sự kiến lập, biến hóa của chư Như Lai.

Vì sao?

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì Chư Phật đầy khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới, giống như mía, tre, lau, lúa, mè, rừng cây, vô lượng chư Như Lai tụ hội cũng như thế.

Các chúng Bồ Tát, tám bộ chúng Thiên, Long, Quỷ, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, nhân và phi nhân ở trong cõi này, không thấy một ai, chỉ thấy có một thân Như Lai ta, lại cũng chẳng nghe Chư Phật thuyết pháp, chỉ thấy có thân ta ban tuyên giáo hóa.

Văn Thù Sư Lợi nên quán xét, sự kiến lập của Như Lai Chí Chân nơi Thần túc biến hóa là chẳng thể suy lường, thân các Ngài là vi diệu. Chư Phật đầy cả tam thiên đại thiên Thế Giới, đâu đâu cũng có. Các chúng Bồ Tát dùng đạo nhãn cũng chỉ thấy mỗi một Như Lai, huống gì là người khác muốn được thấy hết, là việc chưa từng có.

Các bộ chúng Thiên, Long, Thần, Kiền Đạp Hòa… và nhân, phi nhân, du hành ở tam thiên đại thiên Thế Giới này, xoay vần qua lại, đứng, ngồi, nằm, ngủ, lặng lẽ, thanh thản, oai nghi lễ tiết, đi đứng tề chỉnh, không hề bị chướng ngại. Thân của chư Như Lai cũng không có ngăn ngại che chắn.

Vì vậy, Văn Thù Sư Lợi nên khởi quán như thế này: Chư Như Lai đều là pháp thân, không có hình sắc, thân Phật vô lậu, các lậu đã hết nên cũng không có thân. Quán không chủng loại, không sinh, không khởi, không thấy, không nghe, không ý, không xứ, cũng như hư không, không có các lậu, không gốc nhân duyên, không hình tượng, không thấy, chẳng thể nắm bắt. Muốn thấy hư không mà chẳng thể thấy được. Không có năm nhãn.

Năm nhãn là gì?

Một là thiên nhãn.

Hai là nhục nhãn.

Ba là tuệ nhãn.

Bốn là pháp nhãn.

Năm là Phật nhãn.

Cái tên hư không ấy cũng là giả gọi mà thôi. Thân của Như Lai cũng giống như vậy, không lậu, không sắc, cũng không thấy được, không có cội gốc nên không thấy Như Lai. Phật không có năm nhãn. Như Lai Chí Chân cũng chỉ là giả có tên gọi mà thôi, nên không có sự ứng hiện.

Này Văn Thù Sư Lợi! Chư Như Lai ấy, Thần túc biến hóa, thân như hư không, nhưng lại tùy thời thị hiện sắc thân có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp.

Này Văn Thù Sư Lợi! Trước đây đã thấy thân của chư Như Lai đều là do cảm ứng với oai thần của Chư Phật mà kiến lập.

Vì sao?

Vì Nhân giả nên hiển hiện giáo pháp thâm diệu vô tận.

Khi ấy, các Bồ Tát tụ hội ở Cõi Phật kia, khác miệng cùng lời, lên tiếng khen ngợi: Thật chưa từng có, khiếp sợ mừng vui lẫn lộn! Chư Phật Thế Tôn oai thần biến hóa cao vời như thế! Mười phương Như Lai đều đến tụ hội nơi đây, đầy cả Cõi Phật, nhưng Bồ Tát chúng con chẳng thấy một vị Phật nào, chẳng nhớ hình ảnh, âm vang, ai đến, ai đi, đã giải thuyết phân biệt về Kinh Điển gì, chỉ cùng thấy một Đấng Như Lai này.

Cúi xin Đại Thánh, nay cho thấy Thánh tuệ vô cực của Đại Thừa, vì tất cả mọi người ở đây dù phải trải qua hằng sa số kiếp chịu thiêu nấu ở địa ngục, chỉ vì hành đạo Bồ Tát mà phải chịu họa hoạn ấy, nên chẳng thể bỏ trí tuệ như thế.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật Thiên Vương: Nữ nhân ấy từ khi phát tâm vô thượng chánh chân đạo tâm đến nay đã bao lâu mà chỗ hành hóa tịnh mặc, thệ nguyện cao vời và định ý như thế?

Phật nói: Từ khi phát tâm vô thượng chánh chân đạo ý đến nay là chẳng thể tính đếm. Cần mẫn, siêng năng, dốc lòng tin tưởng, thường không buông thả.

Các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ đều hành trì, đầy đủ theo Phật Đạo, đối tượng được hành hóa hoàn bị, theo pháp chư Như Lai, ở nơi Phật quá khứ vun trồng các cội đức, cúng dường vô số ức trăm ngàn các bậc Đại Thánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Khi nữ nhân này ra khỏi định, nhân giả có thể hỏi trực tiếp là từ khi phát đạo tâm đến nay đã bao lâu, tức sẽ được trả lời.

***