Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Chư Phật Yếu Tập Kinh Pháp Cốt Yếu Của Chư Phật

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHẬT YẾU TẬP

KINH PHÁP CỐT YẾU CỦA CHƯ PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN TÁM
 

Lúc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Bồ Tát Khí Chư Ấm Cái: Hãy tác động cho nữ nhân kia ra khỏi tam muội định.

Đáp: Thôi! Thôi! Cảnh giới hư không không có tam muội, cũng chẳng có việc ra khỏi. Lại nữa, hư không ấy chẳng thể lay động.

Đại Sĩ Văn Thù Sư Lợi vừa phát ra lời này: Tác động khiến nữ nhân ấy ra khỏi tam muội định, có thể dùng danh xưng ấy để ra khỏi định chăng?

Hoặc dùng sắc?

Hay là dùng thức?

Nói sắc thì tự nhiên chẳng phải là tam muội, cũng chẳng chánh thọ, cũng chẳng hưng khởi.

Còn thức thì tự nhiên chẳng phải chánh thọ, cũng chẳng hưng khởi. Tất cả các pháp cũng không gốc tịnh, cũng chẳng chánh thọ, không có hưng khởi.

Vậy nay tôi phải khởi pháp nào đây?

Bồ Tát Văn Thùsư lợi! Giả sử tôi phải làm hứng khởi các pháp tam muội, nhưng vĩnh viễn không có chánh thọ thì sẽ hưng khởi cái gì?

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều không hưng, lập, cũng không còn, mất.

Như Lai Thiên Vương bảo Bồ Tát Khí Chư Ấm Cái: Thiện nam! Hãy tác động khiến nữ nhân này ra khỏi tam muội định!

Bạch Phật! Con không thể ở trước Như Lai mà thi thố công phu của mình. Thân con phải nên ẩn tàng. Đức Như Lai Chí Chân nên tác động nữ nhân này xuất định, mới khiến con có thể làm cho cô ấy ra khỏi tam muội định.

Như Lai Chí Chân hiểu khắp các pháp, tuệ không chướng ngại, tùy thời thuyết pháp, chẳng có gì là không thông suốt, nên làm cho nữ nhân này ra khỏi tam muội định, thấy được oai thần nơi đạo lực của Phật, ai cũng vui mừng, đều phát đạo tâm.

Khi ấy, Phật Thiên Vương phát khởi định ý tam muội. Phát khởi định ý này rồi thì ngay khi ấy, những người đang nhập tam muội chánh thọ trong hàng Bồ Tát, người thế gian, Long, Thần, Chư Thiên ở tam thiên đại thiên Thế Giới và nữ nhân kia đều ra khỏi định.

Sự rời khỏi chỗ ngồi này, cùng lúc làm cho mười phương hiện bày chấn động sáu cách, tất cả đều vọt lên trụ trên hư không. Cùng lúc vô số trăm ngàn Chư Thiên đến tụ hội nơi hư không, chỗ nữ nhân kia đang trụ, cùng rải hoa sen xanh, hoa sen hồng, vàng, trắng, cúng dường Như Lai.

Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với nữ nhân Ly Ý: Thật chưa từng có hạnh vắng lặng ấy. Pháp tam muội đã chứng đắc hoàn toàn chẳng thể sánh kịp.

Nữ nhân ấy đáp: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thôi! Thôi! Đừng ôm vọng tưởng. Định tam muội vắng lặng ấy vĩnh viễn không đạt được.

Vì sao?

Vì đạo tuệ mà Chư Phật, Thế Tôn đã tu đều không có sở đắc. Hễ có chỗ đắc thì có chỗ mất. Chư pháp luôn an nhiên, thinh lặng, tịch tĩnh. Cái tịch tĩnh ấy, lại không có đối tượng được tịch tĩnh. Lại nữa, cái tịch tĩnh ấy cũng chẳng có tam muội, không có chánh thọ, cũng chẳng hưng khởi.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng như lời của nữ nhân, định an tịnh của nữ nhân rất là đặc thù. Nếu không có tam muội vi diệu chẳng sánh kịp thì có sở đắc.

Đã phát khởi âm thanh vô cùng to lớn sao không khởi?

Nữ nhân hỏi lại:Lẽ nào pháp giới có tam muội hưng khởi chăng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Không!

Nữ nhân lại hỏi: Cái chẳng phải tam muội ấy có thể khiến hưng khởi chăng?

Lẽ nào có sắc tượng hình loại sao?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Nếu không có sắc tượng, hình loại thì ai hành trì tam muội?

Nữ nhân đáp: Các pháp vốn thanh tịnh là tam muội. Lại không có định ý, cũng không có chỗ hưng khởi. Vì vậy các pháp đều như tiếng vang.

Ví như bao nhiêu loại nhạc cụ của Cõi Trời và người nơi thế gian, có thể phát ra âm thanh vi diệu chăng?

Đáp: Đúng như vậy!

Lại hỏi: Cảnh giới hư không ấy đâu có ý nghĩ là nhạc cụ đã phát ra bao nhiêu loại âm thanh thương cảm, êm dịu?

Đáp: Không.

Vì vậy, này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp giống như hư không thì ai nghe âm thanh kia?

Hoặc có nhĩ thức thì mới nghe được âm thanh.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Người nữ không có tai ư?

Tại sao không nghe?

Nữ nhân lặng thinh không nói.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi đến ba lần như vậy. Nữ nhân vẫn lặng thinh không đáp.

Rồi sau, nữ nhân mới đáp: Chẳng tác động thì chẳng nghe.

Lại hỏi: Tại sao lặng thinh?

Nữ nhân đáp: Luôn luôn không có sở đắc.

Rồi nữ nhân Ly Ý lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Giống như gió lớn thổi lên, thổi đi khắp nơi, nhập vào cây lớn, không ai có thể thấy hình dáng ra sao. Gió không nghĩ tưởng, cây chẳng suy tư.

Gió không nghĩ là ta đã nhập vào cây lớn và làm lay động nó. Cây cũng chẳng nghĩ là gió đã chạm vào thân ta.

Bồ Tát cũng như thế, luôn luôn phụng hành trí tuệ đại bát nhã Ba la mật, trừ hết các tưởng, chẳng tự nghĩ rằng: Ta vào định tam muội, cũng chẳng nghĩ là ta ra khỏi tam muội định.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều vốn thanh tịnh.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Ly Ý nên rời hư không xuống đứng trước Đức Như Lai mà nói việc này.

Nữ nhân ấy đáp: Tôi đứng đã là đi, chẳng cần phải đi nơi khác.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Thế nào gọi là đã đi?

Nữ nhân đáp: Tất cả chúng sinh đều nương vào hư không.

Vì sao?

Vì các loài chúng sinh đều nương hư không mà qua qua, lại lại. Chúng sinh cư trú, làm việc, ăn, mặc, mọi động tác đều không rời hư không. Vì vậy, chúng sinh tự nhiên du hành ở hư không. Tất cả các pháp đều hiện trong hư không.

Khi ấy, nữ nhân liền rời hư không đi xuống, lại sang một bên, ngồi trên hoa sen, chẳng lạy Như Lai, cũng chẳng chiêm ngưỡng.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Lý Ý nữ nhân quá kiêu mạn, chẳng cung kính, chẳng lễ bái Như Lai, chỉ lặng thinh ngồi xuống sao?

Nữ nhân đáp: Xét kỹ về lời dạy của Như Lai, thật không có cung kính.

Vì sao?

Vì chẳng có tác lễ, cũng chẳng không có chỗ tác lễ.

Theo ý Bồ tát thì sao?

Cái vốn không ấy, có thể lễ bái chăng?

Đáp: Không!

Nữ nhân lại nói: Vì vậy cho nên Phật, chẳng thể lễ.

Vì sao?

Vì đã cho cái vốn không và Đấng Như Lai là không có hai, nên quán bình đẳng.

Lại hỏi tiếp Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đại Sĩ thấy Như Lai chăng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Bình đẳng quán Như Lai.

Lại hỏi: Lấy gì để quán bình đẳng.

Đáp: Dùng gốc không để quán bình đẳng. Vì quán bình đẳng là dùng cái không có hình tượng, cho nên quán bình đẳng là chánh quán của tôi.

Nữ nhân lại bảo: Quán bình đẳng như vậy thì thấy những gì?

Đáp: Quán như vậy thì không có đối tượng gì để được nhận thấy.

Nữ nhân lại hỏi: Vì dùng nhục nhãn nên không thấy ư?

Đáp: Chẳng dùng nhục nhãn, cũng chẳng dùng thiên nhãn.

Vì sao?

Vì mắt không có chỗ sinh, cũng không có nơi dấy khởi, cũng như huyễn hóa, chẳng có, chẳng không, cũng chẳng thể nói về hạnh có, không.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi nữ nhân: Vì sao nay không chuyển thân nữ?

Nữ nhân đáp: Thôi, thôi! Này Bồ Tát Văn Thù! Chớ ôm vọng tưởng, Bồ Tát có tuệ quán, thấu đạt các pháp có nam nữ chăng?

Đáp: Không có!

Lại hỏi: Lãnh hội về sắc có nam nữ chăng?

Đáp: Không có!

Hỏi: Thọ, tưởng, hành, thức có nam nữ chăng?

Đáp: Không có!

Hỏi: Địa, thủy, hỏa, phong có nam nữ chăng?

Đáp: Không có!

Hỏi: Hư Không mênh mông, không có giới hạn, chẳng thấy nơi chốn có nam nữ chăng?

Đáp: Không có!

Lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Văn tự đã nói gốc ngọn, trước sau, có nơi chốn có nam nữ chăng?

Đáp: Không có!

Nữ nhân lại nói: Vừa rồi do đâu phát ra lời này: Vì sao nay không chuyển thân nữ?

Giả sử, tôi đã tự đạt được thân nữ và thấy có nam, nữ thì sẽ bỏ thân nữ thọ thân nam.

Nhưng tôi chẳng chấp giữ thân nữ, chẳng thấy có thân nam thì vì sao lại bỏ thân nữ để thành thân nam?

Tư duy về các pháp không hợp, không tán, không gốc, không ngọn. Hư không vắng lặng không hợp, không tan.

Tất cả các pháp đều như hư không thì vì lý do gì phải chuyển thân nữ là thân nam?

Vì sao?

Vì đó là giáo pháp đệ nhất mà Như Lai ban tuyên.

Lại hỏi nữ nhân: Mắt không có nam nữ. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng có không nam nữ. Giả sử các pháp không có nam nữ thì không hợp, không tan tức không nam không nữ.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi tiếp nữ nhân: Đã phát đạo ý được bao lâu?

Nữ nhân đáp: Như huyễn sư biến hóa thần túc vẫn còn, tôi phát đạo ý xa hay gần cũng vậy.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều như huyễn hóa.

Vừa rồi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi phát ra lời này: Đã phát đạo ý được bao lâu?

Hiểu biết như vậy thì chẳng phải là hỏi lý.

Vì sao?

Vì cái không sinh thì chẳng thể khiến sinh, cũng chẳng biết nơi chốn của tâm. Cái nào không nơi chốn thì cái đó không có chỗ sinh, cũng không có nơi diệt.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Nếu là như vậy thì tuân theo cái gì mới thuận hợp với trí tuệ?

Nữ nhân đáp: Không nghe, không nói là hợp với trí tuệ.

Lại hỏi: Thế nào là thuận hợp?

Nữ nhân đáp: Không có chỗ phát sinh là thuận hợp.

Lại hỏi nữ nhân: Đã đắc pháp nhẫn từ bao lâu rồi?

Đáp: Không có!

Lại hỏi: Có phải đắc pháp nhẫn vô sở tùng sinh chăng?

Đáp: Không!

Lại hỏi: Vì sao?

Đáp: Đã không có chỗ sinh thì không có chỗ đắc. Vì vậy nên chẳng đắc pháp nhẫn, cũng chẳng đạt được pháp nhẫn vô sở tùng sinh.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Đã thấy ý nghĩa gì mà mặc áo giáp thệ nguyện, phát đạo tâm?

Nữ nhân đáp: Vì tất cả chúng sinh nên không diệt độ. Vì vậy, Bồ Tát phát đạo tâm, chỉnh trang áo giáp thệ nguyện sâu xa.

Lại hỏi: Vì sao?

Đáp: Vì tất cả chúng sinh và các pháp diệt độ rốt ráo.

Bồ Tát VănThù Sư Lợi! Vì sao Chư Phật quá khứ Bình Đẳng Chánh Giác mà chẳng độ chúng sinh, vị lai và hiện tại cũng không có chỗ độ?

Vì tất cả chúng sinh từ nơi hư vô xuất hiện.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Do nhân duyên gì mà Phật xuất hiện ở thế gian?

Đáp: Vì muốn khiến chúng sinh không tạo, không chỗ tạo nên xuất hiện ở thế gian.

Vì sao?

Vì tu theo điều này thì không tạo tác, cũng chẳng không tạo tác.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Vì sao xuất gia, thọ Cụ túc giới làm Tỳ Kheo?

Nữ nhân đáp: Vì muốn có được đầy đủ nghiệp ngũ nghịch.

Lại hỏi: Ai sẽ tin lời nói như thế?

Đáp: Người nào mà không sinh, khiến không chỗ phát khởi, không chỗ hoại diệt thì mới tin lời này.

Lại hỏi: Lấy gì để tin vui?

Đáp: Lấy cái không ngôn thuyết để tin vui.

Lại hỏi: Cái không ngôn thuyết có gì ràng buộc, chướng ngại?

Đáp: Cái không ngôn thuyết thì ngôn thuyết là ràng buộc, chướng ngại.

***