Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM HAI MƯƠI CHÍN

DUYÊN GIÁC
 

Người theo Duyên Giác mà chẳng tự biết, đã phát đạo chân chánh vô thượng, chẳng thọ chân pháp với thiện hữu, tự chuyên làm ngược lại. Giả sử phụng trì giáo pháp sáu Độ vô cực mà lại có tưởng, muốn được tôn hiệu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, oai thần đáng tôn trọng, mà chẳng biết dùng quyền xảo khéo léo. Phật hiện sắc thân mà trái lại bảo là có thân, liền rơi vào Duyên Giác.

Như có người muốn thấy biển lớn lại đi đến ao hồ, sông ngòi, ở đó tìm của báu chỉ lượm được thủy tinh, ngọc minh nguyệt nhỏ, tự cho là đã lấy được kim cương sáng chói.

Từ tâm Bồ Tát mà trở lại thối tâm, chẳng hiểu pháp không xuất nhập cua Như Lai, không mà vô hình, đạo không có ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng gọi kiến giả về không là định, mà không hiểu biết vừa hành không, vừa cứu độ ba cõi, chẳng có khả năng tiến bộ. Trên thì không bằng Phật lại vượt hàng đệ tử, dừng ở giữa chừng.

Như có người muốn thấy Thiên Đế nhưng thấy Vua biên cương thì cho là Thiên Đế, muốn học Chánh Giác mà tâm có giới hạn, chẳng hiểu tuệ sâu xa, trở lại rơi vào Duyên Giác, cũng giống như thế. Nếu có tâm này, Phật bèn chỉ bày dẫn dắt pháp Duyên Giác.

Ví như có Trưởng Giả, tuổi đã già nua, con cái lại đông, có ngôi nhà to lớn, cột trụ lâu ngày bị mục, trong nhà lại phát hỏa. Các đứa con buông lung đam mê theo năm dục, chẳng hay biết tai họa này.

Khi ấy người cha nghĩ: Ngôi nhà này quá cũ lại bị lửa đốt, e sợ cột ngã, ngôi nhà sập xuống, nên tính sao đây. Người cha muốn bày phương tiện khuyến dụ các người con thoát ra khỏi nạn lửa. Người cha ở ngoài trong trổi nhạc hay, bảo người kêu các con: Sẽ cho các con voi, ngựa, xe cộ, ngọc ma ni.

Các con từ xa nghe tiếng nhạc lại được lệnh cha đều chạy ra khỏi nhà đi đến chỗ cha. Cha liền cho các con các xe cộ báu tốt… mà không thiên vị.

Các con thưa: Thưa cha tôn kính! Cha kêu chúng con ra hứa cho đồ châu báu, nay đây tại sao chỉ một loại như nhau?

Trưởng Giả đáp: Ngôi nhà chúng ta đã cũ, cột cái mục hư mà trong nhà lại phát hỏa. Cha sợ cột ngã đè chết các con, cho nên trổi nhạc kêu các con ra lòng cha mới an. Các con đều là con của cha, cha thương như nhau nên đều cho xe cộ quý báu.

Phật dạy: Ngôi nhà cũ ấy là ba cõi, cột mục nát muốn ngã là họa hoạn ba độc xoay vần nơi sinh tử, cột bên trong cháy là các niệm tưởng.

Trưởng Giả là Như Lai, các con phóng dật là đam mê dục nơi ba cõi, trổi kỹ nhạc là Phật thuyết giảng về tội phước, kêu các con ra hứa cho đồ vật là hiện bày giáo pháp ba thừa các con đều ra, cha cho của báu như nhau là Đại Thừa, không có ba thừa. Khi sap diệt độ, mới biết rõ.

Bài tụng rằng:

Ví như có Trưởng Giả

Có rất nhiều con cái

Tự mê năm dục lạc

Ở trong ngôi nhà cũ.

Cột mục như muốn ngã

Trong nhà lại phát hỏa

Cha sợ nhà sập đổ

Đè chết các con mình.

Nên trổi các nhạc hay

Con ra cho như nhau

Phật Thế Tôn cũng thế

Do tâm Duyên Giác thành.

Đến khi sắp diệt độ

Đức Phật đến đứng trước

Chỉ bày một giáo pháp

Là Đại Thừa mà thôi.

Người tu hành khởi ý muốn cầu Đại đạo, chẳng biết vốn là không, chấp trước ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của sắc thân Phật, Đấng tôn quý trong loài người.

Ví như có người nghe tên Vua Chuyển Luân Vương ở bốn phương, làm chủ bốn châu thiên hạ, có bảy báu, có cả ngàn người con sức khỏe đều dũng mãnh, thành rộng và dài, Đông Tây dài bốn trăm tám mươi dặm, Nam Bắc hai trăm tám mươi dặm, ở giữa có điện lớn vuông vắn bốn mươi dặm, giường tòa bằng bốn báu.

Dân chúng đông đúc, ngũ cốc dồi dào, sung sướng vô cùng. Âm thanh kỹ nhạc có mười hai bộ. Phu nhân, thể nữ có tám vạn bốn ngàn. Các nước Vua cai trị tới tám vạn bốn ngàn. Voi ngựa, xe cộ số lượng cũng vậy.

Vua có bốn đức: Trưởng Giả, Phạm chí, dân thường, dân nơi nước nhỏ đều tôn kính Thánh Đế, như con phụng sự cha. Vua luôn nghĩ thương họ như mẹ thương con, điều Vua dạy bảo đều thọ nhận làm theo, xa gần quy phục, như thờ người kính trời nương đất mà sống được.

Lại có bốn đức không lạnh, không nóng, mới sinh không đói khát, suốt đời chưa từng bệnh, Thần linh hết lòng phù hộ. Người nghe việc ấy muốn đến yết kiến Vua, tín mộ Thánh Giáo, liền khởi hành.

Dọc đường mệt mỏi, thấy một con đường khác, thuận chân rẽ vào thấy một thành lớn, dân chúng đông đúc, rừng cây, sông ngòi, vui không kể xiết cho đó là thành quách, là cảnh giới của Thánh Vương bèn dừng lại nơi ấy. Nhưng nơi này tuy vui vẻ mà lại là chốn của quỷ thần, người ấy chẳng biết.

Khi đó, có Thiên Vương tên là Hưu Tức liền gặp người ấy giải thích cho biết chỗ này chẳng phải là nơi của Thánh Vương mà là của quỷ thần. Chuyển Luân Thánh Vương oai đức cao vời. Bấy giờ, người kia mới vui mừng gần gũi theo phụng sự.

Nếu có người phát tâm học đạo Bồ Tát mà chẳng hiểu rõ nghĩa sâu, chẳng phân biệt không, gặp đời không có Phật, ra vào chốn vắng lặng, ở bên gốc cây, quán sát vạn vật là vô thường, khổ, không, thân chẳng tồn tại dài lâu mà chẳng rõ vốn là không. Mới đắc Duyên Giác tự cho là thành.

Khi sắp Nê hoàn Phật hiện ra trước, chỉ bày đại pháp giáo nghĩa thâm diệu, mười hai nhân duyên vốn không có cội gốc, hiểu rõ gốc ngọn đều không, không có quá khứ, vị lai, hiện tại. Đại từ, đại bi thì không thấy ba cõi, không có tưởng Nê Hoàn, mới thành chánh chân, độ thoát tất cả.

Bài tụng rằng:

Ví như có người cầu Thánh Vương

Lại thấy một thành cho là cõi

Của các tiểu vương nhớ chuyển luân

Trong đó vui chơi cho là sướng.

Thiên Vương Hưu Tức tới gặp gỡ

Cho biết rằng đây là nước quỷ

Chẳng phải là đại đế chuyển luân

Khi ấy mới kinh hoàng tự biết.

Liền khởi hành đến cõi Đại Vương

Thấy oai thần đức độ cao vời

Con từ lâu mê mờ chẳng rõ

Nay thường theo hầu phụng Thánh Vương.

Muốn học đạo cả mà chẳng hiểu

Rơi vào Duyên Giác cũng như vậy

Sau nhận hạnh nhiệm mầu của Phật

Mới đạt được chân đạo vô thượng.

Oai đức Phật sáng rỡ

Đức ấy cứu chúng sinh

Tâm bình đẳng độ hết

Trừ diệt danh ba độc.

Thoát hẳn khổ sinh tử

Đạo do trí tuệ thành

Thanh tịnh như Mặt Trời

Phá bóng tối ba cõi.

***