Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM HAI MƯƠI HAI

THẦN TÚC
 

Tâm trong sạch như thể dòng suối

Hòa với Tỳ Kheo như ánh sáng

Khỏi khổ, tuệ an như gió mát

Nuôi lớn giống Phật xin cúi đầu.

Ngay khi được tịch định

Như núi chẳng thể động

Quán rõ như cân đo

Trừ tội khiến hết uế.

Dùng nghĩa kinh tịch quán

Chiếu sáng khắp thế gian

Nhiếp tâm xin quy mạng

Đảnh lễ Tam Giới Tôn.

Người tu hành, hoặc trước hết đắc tịch tĩnh, rồi sau mới nhập quán, hoặc trước hết đắc quán, rồi sau mới nhập tịch tĩnh. Thực hành tịch tĩnh vừa đạt đến quán thì được giải thoát. Nếu trước hết nhập quán mà đạt đến tịch tĩnh cũng được giải thoát.

Thế nào gọi là tịch tĩnh?

Tâm đứng vững, chẳng động, chẳng loạn và chẳng buông thả, đó là tướng của tịch tĩnh. Suy tầm nguyen nhân của hành động, tâm quán chánh pháp, tỉnh táo xem xét việc làm để thấy được cội nguồn, dựa vào hình tướng đó gọi là quán.

Ví như việc bán vàng, có người mua vàng sau khi xem vàng không nói là tốt hay xấu, đó gọi là tịch quán. Xem vàng, phân biệt, biết vàng sản xuất từ đâu, có xen lẫn bạc đồng, biết nó là thật hay giả, đá đỏ hay vàng ròng đó gọi là quán. Như người cắt cỏ, tay trái nắm cỏ, tay phải cầm liềm cắt. Chỗ tịch nhiên ấy giống như tay nắm cỏ, pháp quán ấy thì giống như cái liềm cắt cỏ.

Bài tụng rằng:

Tâm không một vết nhơ

Không động gọi là tịch

Nếu người tâm luôn tỉnh

Thế gọi là quán pháp.

Tay nắm cỏ là tịch

Liềm cat cỏ là quán

Vì vậy nên tịch nhiên

Nhiệm mầu để giải thoát.

Người tu hành quán hài cốt con người, ở trước, ở sau như nhau không khác, mở mắt hay nhắm mắt, quán cũng như nhau, đó gọi là tịch.

Tìm tòi suy nghĩ: Đầu cổ khác, tay chân khác, đốt xương tách rời ra, mỗi thứ một nơi, đó goi là quán.

Xương này kết nối thân lại, dựa vào bốn đại mà lớn, nhờ các duyên ăn uống, yêu thương ngủ nghỉ, tội phước mà sống, chung quy đều là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, suy thoái, hoàn toàn không sở hữu, đó gọi là quán. Nói tóm lại thấy mà không quán sát thì gọi là tịch, phân biệt nguồn gốc của nó thì gọi là quán.

Bài tụng rằng:

Thấy xương cốt dính liền chẳng quán

Tâm chẳng dấy động gọi là tịch

Phân biệt đầu, tay, chân, thân thể

Khởi ý muốn xét gọi là quán.

Người tu hành bằng cách nào gọi là tinh chuyên cầu nhập tịch tĩnh?

Có vô số phương tiện để đạt đến tịch tĩnh. Nay đây tóm lược để giải nói thì có hai cách để đạt đến.

1. Quán bất tịnh.

2. Quán sổ tức theo dõi hơi thở ra vào.

Thế nào gọi là quán bất tịnh?

Trước hết phát khởi lòng Từ, nghĩ đến tất cả, đều được an ổn. Phát tâm như vậy rồi, liền đến bãi tha ma, ngồi quán về người chết.

Kể tư một ngày cho đến bảy ngày, hoặc thân thể phình trướng, màu sắc xanh đen, rữa nát hôi thối, côn trùng rúc rỉa, không còn da thịt, máu mủ nhày nhụa. Nhìn các cốt xương, gân buộc với nhau, xương trắng phô bày, thật là nhờm tởm. Hoặc thấy xương cốt qua biết bao năm tháng lâu xa, nát vụn nằm trên đất, màu như ngọc xám.

Chú tâm nghĩ kỹ, bám theo chỗ diệu quán, bước đi, tới dừng, nằm đứng, kinh hành, nhớ mãi không quên. Hoặc đến chỗ thanh vang, không có người ở, tréo chân ngồi thẳng, nghĩ về hình dạng tử thi đã thấy trong bãi tha ma, nhất tâm tư duy.

Bài tụng rằng:

Đến bãi tha ma quán bất tịnh

Và đến đó rồi quán tử thi

Ở nơi vắng vẻ, không tiếng người

Tự quán thân mình như thây kia.

Người tu hành, nên hành trì pháp quán này phải đến xem lại, rồi trở về chỗ cũ mà khởi quán vô thường, ra vào, tới, lui không hề lìa bỏ, sớm tối chẳng lười, suốt một tháng, một năm, hay hơn số ấy nữa, tinh chuyên chẳng bỏ, kinh hành, ngồi đứng, ngủ thức, dừng nghỉ, hoặc một mình.

Hoặc với số đông thường chẳng lìa tâm tật bệnh hay khỏe mạnh, phải giữ ý chỉ, chẳng những chỉ dùng cái vô thường, khổ, không, chẳng phải thân này làm đề mục thiền định mà còn dùng đối tượng quán đúng thực tế, chẳng do từ hư vọng.

Bài tụng rằng:

Khi quán nếu quên nhân duyên quán

Đến bãi tha ma để nhìn lại

Chẳng phải chỉ quán vô thường, khổ

Nếu chẳng chuyển tâm quán như thấy.

Đúng như hình trạng của tử thi đã thấy ở bãi tha ma, nhất tâm tưởng nghĩ như lúc đầu chẳng bỏ quên, quán tâm mình cũng vậy. Quán hình trạng người chết và thân thể của ta như nhau, không sai khác.

Nếu thấy tha nhân, hoặc nam, hoặc nữ, lớn nhỏ, đẹp đẽ, xấu xí, trần truồng, mặc y phục, trang sức anh lạc, hoặc không trang sức, nhất tâm quán sát khẳng khác tử thi: Dùng quán bất tịnh, đạt được tịch tĩnh. Bấy giờ người tu hành thường quán các thứ bất tịnh hiển bày giống như các dòng sông đều chảy về biển cả.

Bài tụng rằng:

Thân ta, tử thi, thân lớn nhỏ

Đều là bất tịnh, chẳng khác gì

Tâm luôn tinh chuyên chưa hề bỏ

Ví như các sông vào biển cả.

Người tu hành, tâm tự nghĩ: Đã được tự tại rồi thì tâm chẳng chống trái ta, chẳng còn bị mê hoặc. Tức thời hoan hỷ vì đã có thể hưởng được niềm an lạc kỳ diệu, tâm chí vững chải chẳng còn theo dục.

Nếu như thấy nữ nhân cho là bộ xương, chẳng phải là bóng hình đẹp đẽ, quán biết chắc thật cái dục tạp nhiễm căn bản kia chỉ là ô uế tội lỗi, xa lìa tình sắc, chẳng tạo các ác, đó là bậc thiền thứ nhất.

Vứt bỏ năm cái, đầy đủ năm đức, lìa các suy tưởng, xa các pháp dục bất thiện, tâm chuyên nghĩ tưởng tịch tĩnh một cách kiên quyết để vui vẻ, an ổn thực hành bậc thiền thứ nhất. Đó gọi là pháp tịch nhiên. Cầu mà được như vậy là do quán bất tịnh.

Bài tụng rằng:

Chí tự tại như cung

Tâm niệm dẫn dắt nhau

Quán da xương nữ nhân

Kiềm ý chẳng theo dục.

Lìa tội, tâm thanh tịnh

Thân thoát khỏi các ác

Ở đời được tự tại

Hoan hỷ được thiền định.

Bậc thiền thứ nhất ấy còn tiếp tục vượt qua các lậu, vì lậu chưa hết. Hành giả trụ thiền thứ nhất như thế nên còn là phàm phu. Là đệ tử của Phật nên đứng ngoài loại thiền ấy. Chưa hết lậu thì nên nhập thất. Như Tiên nhân vĩnh viễn xa lìa dục, trước sau không gián đoạn.

Chẳng phải đệ tử Phật còn tu hành như vậy để cầu bậc thiền thứ nhất, cũng rất khó đạt. Còn ba bậc thiền nữa chỉ xê xích chút ít với bậc thiền trước. Ví như học bắn, đứng xa đích lớn, tập lâu mới trúng, tập mãi không dừng nghỉ, thành xạ thủ bắn chẻ sợi lông. Ban đầu học về bậc thiền thứ nhất, tinh cần cho đến đạt được, thì ba bậc thiền còn lại học rất dễ.

Bài tụng rằng:

Học bậc thiền thứ nhất

Tinh cần rất khó đạt

Ba bậc thiền còn lại

Thì đạt cũng dễ thôi.

Ví như học cách bắn

Mới đầu rất khó trúng

Đã trúng được đích lớn

Nhắm ắt bắn chẻ lông.

Nếu đạt tịch nhiên đệ nhất thiền

Chỉ là phàm phu, nên răn trách

Ngoài cảnh, chẳng phải đệ tử Phật

Đã lìa ái dục, giống Tiên nhân.

Người tu hành đã đạt được tự tại, thành tựu bốn Thiền rồi, muốn chứng đắc thần túc thì quán xét tất cả là không, xét từng bộ phận, mắt, tai, mũi, lưỡi, miệng, đầu, cổ, hông, xương sống, tay, chân, ngực, bụng và các lỗ chân lông giống như hư không.

Khởi quán như vậy rồi tự thấy thân mình, từng bộ phận liên kết như gốc hoa sen, giống các lỗ của củ, quán như hư không. Sau đó, thấy thân giống như cái đẫy da. Dần dần quán sát như thế, liền xa lìa tướng về hình thể, chỉ còn tưởng không. Đã đắc tưởng không rồi, lại không còn tưởng về sắc, hoặc tu tập tưởng không liên tục thì thấy thân thể không phải là đối tượng để tham đắm.

Muốn thấy thân thì tự thấy, muốn chẳng thấy thì cũng chẳng thấy. Muốn thấy hư không thì thấy, muốn chẳng thấy thì cũng chẳng thấy. Thân tâm như nhau, ý ở bên trong như sữa hòa với nước, tâm chẳng lìa thân, thân chẳng lìa tâm.

Giữ vững ý chí dùng tâm cử thân, khiến rời khỏi chỗ ngồi, chuyên tâm nơi không, như người cầm cân để cân sắt… cân đúng phân lạng. Sau khi cân ngang bằng rồi, tay giơ lên treo cân. Tu hành cũng thế, tự nâng thân lên, chuyên tâm niệm không.

Bài tụng rằng:

Có người tu hành đắc

Thần túc bay lên trời

Quán xương đốt của thân

Lỗ chân lông đều không.

Lìa bỏ chẳng nghĩ ta

Chuyên ưa niệm tưởng không

Như cân lớn cân vật

Cử thân cũng như vậy.

Người tu hành tập làm như vậy sẽ được thành tựu. Lúc đầu mới cử thân cách đất bằng con rận con, rồi chuyển tăng như hạt mè. Dần dần bằng hạt đậu lớn, rồi lại bằng cây táo.

Tập cử thân như thế cho đến Phạm Thiên, rồi đến cung của Chư Thiên Cõi Tịnh Cư, xuyên suốt núi Tu Di, không có gì ngăn cản. Vào đất không nứt, ra khỏi đất không có lỗ, dạo chơi trong hư không, ngồi nằm, đi đứng, phần trên thân phóng lửa, phần dưới thân phun nước. Phần trên thân phun nước, phần dưới thân phun lửa.

Từ các lỗ chân lông phóng ra biết bao nhiêu luồng ánh sáng, tỏa chiếu năm màu như Mặt Trời chiếu sáng. Có thể biến một thân thành vô số, biến làm trâu, ngựa, rồng, voi, lừa, la, lạc đà, hổ lang, sư tử… không có loại nào mà chẳng hiện được.

Trong khoảng khởi ý dạo khắp Cõi Phật và trở về. Cảnh giới thần túc ấy biến hóa thông đạt, thần túc ấy do bốn loại thiền đạt được, mà bốn loại thiền đó do quán bất tịnh, sổ tức đạt được. Vì vậy người tu hành nên quán niệm Bất tịnh và Sổ tức.

Bài tụng rằng:

Do học tập cử nhẹ

Như gió không vướng mắc

Thân vọt lên Phạm Thiên

Xem khắp cung Chư Thiên.

Phi hành trong hư không

Như mây không bị cản

Vào đất như vào nước

Trên không như dưới đất.

Từ thân tự phát lửa

Giống như ánh Mặt Trời

Dưới thân phun ra nước

Như đêm tỏa sương mù.

Tinh chuyên đắc thần túc

Tự tại không trở ngại

Muốn tiếp xúc Phạm Thiên

Tự do, huống gì khác.

Muốn đến phương cõi khác

Khinh thân liền đến được

Vứt ném Kim Cang nhanh

Đến về cũng như vậy.

Tự tại như biến hóa

Hiện được vô số hình

Như ưa thích trò huyễn

Ưa thần túc cũng vậy.

Dạo khắp ao cam lồ Kinh Phật

Cũng như voi lớn và suối hoa

Tóm nói ý nghĩa đúng lời dạy

Nên ca ngợi thần túc như vậy.

***