Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

BẬC VÔ HỌC
 

Vua nọ thả voi say

Hung hãn, ngà rất bén

Các rồng mang hơi độc

Cảm hóa khiến điều phục.

Cứu hộ các khủng nạn

Luôn luôn được tự tại

Mười lực Phật vô tận

Con và đệ tử lễ.

Chư Thiên, Long,

Thần, phụng Đại Thánh

Muôn dân an ổn đều quy y

Thảy nhờ cung kính được độ thoát

Dòng dõi Thánh chúng, xin cúi đầu.

Người tu hành đã ở học địa, chẳng ưa luân hồi. Đã không ưa thích gì thì chẳng tham đắm ba cõi, vượt qua Cõi Sắc và Vô Sắc, dứt tất cả kiết, ý nghĩ về căn lực và các giác ý, thấy diệt là tịch, như vậy gọi là định vĩnh viễn. Quán thấy như vậy, lìa sắc, vô sắc. Xa hý luận, tự đại.

Bài tụng rằng:

Tâm đã trụ học địa

Hiểu rõ các giác ý

Chế cái sợ sinh tử

Diệt cái lo không vui.

Hết các hoạn chẳng còn

Cái thấy đúng như thật

Trừ hý luận, tự đại

Diệt si cũng như thế.

Người tu hành tự nghĩ: Nên biết, nay đây đã thành A La Hán, đắc vô sở trước, các lậu hằng dứt tận, tu phạm hạnh trong sạch, việc làm đã xong, vứt bỏ gánh nặng, đã được lợi mình, sinh tử đã dứt, đạt tuệ bình đẳng, vượt qua hào bẩn, cày bỏ cỏ dơ, không có rỉ chảy, thành dòng Hiền Thánh, đã qua bỉ, thử.

Bài tụng rằng:

Tu hành trụ học địa

Bất động, thành Thánh đạo

Đã vừa được lợi mình

Qua khổ, thường được an.

Núi nóng hực, nguồn khô

Hết hẳn không nước chảy

Phụng kính lìa hý luận gọi là vô sở trước.

Đã đoạn trừ năm phẩm rồi, là bậc cao trong loài người.

Bài tụng rằng:

Đã đoạn trừ năm phẩm

Thành tựu đủ sáu thông

Dứt bỏ các trần lao

Như nước giặt áo bẩn.

Xa lìa họa sinh tử

Nhờ độ được an ổn

Đó gọi là Chánh sĩ

Cao tột, hết trần si.

Đây là A La Hán đạt Vô sở trước, xứng đáng mặc Thiên y, ở tại cung thần, dạo chơi điện tía, ăn uống tự nhiên, trăm loại âm nhạc, thường để hiện bày diệu dụng, an vui hết mực, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, miệng nói. Nay đây, thân ta là thân mười lực.

Được thân này thì Cõi Trời và nhân gian, tất cả đều trợ giúp. Người kính phụng thì tăng thêm dòng dõi Chư Thiên và làm tổn giảm hàng A Tu Luân.

Bài tụng rằng:

Vòi vọi bốn đức, thành sáu thông

Trí tuệ, nhẫn nhục, cầu cao tột

Thuận theo lời Phật, đạt cứu cánh

Cho nên thuyết giảng bậc Vô học.

***