Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM HAI MƯƠI TÁM

TU HÀNH CỦA BA BẬC ĐỆ TỬ
 

Phật đức cao vời vợi

Oai thần chẳng thể lường

Tùy thời dạy đạo pháp

Độ thoát khắp mười phương.

Thấy sinh tử nhơ bẩn

Bắt nhịp cầu chánh pháp

Chê trách khổ luân hồi

Ngợi ca cảnh Nê Hoàn.

Giảng giải đệ tử thích

Làm theo hạnh Ngài dạy

Từ từ Ngài dẫn dắt

Cho đến đại an ổn.

Nếu có tu hành thì thấy cái họa hoạn tử sinh, cái đau khổ tột bậc của địa ngục, cái não hại của súc sinh, cái đói khổ của ngạ quỷ, cái sầu lo của con người, cái vô thường của Cõi Trời chẳng thể chịu nỗi, lần lượt xoay vần như bánh xe. Sinh, già, bệnh, chết, đói, khát, lạnh, nóng, ân ái, xa lìa, oán thù gặp gỡ, nỗi thống khổ buồn vui đâu thể nói hết.

Từ nhiều kiếp đến nay ngỗ nghịch với cha mẹ, chia lìa anh em, bất hòa với vợ con, khóc lóc lệ trào nhiều hơn bốn biển, bú sữa mẹ nhiều hơn năm nước sông bốn ngòi, hoặc cha mẹ khóc con, con khóc cha mẹ, hoặc anh khóc em, em khóc anh, hoặc chồng khóc vợ, vợ khóc chồng, ngổn ngang trăm bề kể sao cho xiết.

Trồng gốc nhọc khổ, gieo mầm ngu si. Tu hành thấy vậy đều nhơm tởm hết, chỉ muốn thoát khỏi bệnh sinh tử này. Ngày đêm tinh tấn chẳng thể bỏ đạo nghĩa, cầu đạt vô vi tự thấy đời trước từ vô lượng kiếp qua lại tử sinh. Nếu dồn xương cốt hơn núi Tu Di.

Tủy trây trên đất khắp cả thiên hạ, thây chết cùng khắp Thế Giới ba ngàn, máu huyết chảy ra nhiều hơn lượng mưa khắp các cõi xưa nay, tu hành tự quán khổ ách như thế, dù cho ngàn vạn kiếp nói còn không hết. Cho nên xả ly gia đình, cạo bỏ râu tóc, tinh chuyên cầu đạo chẳng ham vinh hiển ở đời giống như kẻ sáng chẳng ưa thây chết.

Bài tụng rằng:

Tu hành thấy sinh tử

Khổ não của địa ngục

Ách ngạ quỷ súc sinh

Ly biệt của thế gian.

Xoay vần của sinh tử

Giống như bánh xe quay

Cha, con, anh, em cách

Vợ con sầu biệt ly.

Khóc lóc, lệ trào tuôn

Nhiều hơn nước bốn biển

Uống dòng sữa của mẹ

Nhiều hơn nước năm sông.

Nên người tu bỏ nhà

Tinh chuyên vì đạo pháp

Chẳng ham vinh thế tục

Như người sáng bỏ độc.

Người tu hành tự nghĩ: Sự mê hoặc của thân ta đến nay chẳng thể kể xiết, chẳng tự hay biết, hội hợp rồi chia ly, thống khổ buồn đau giống như quá say chẳng thể rõ biết, nói bậy cho là nói đúng, tự cho là suy xét kỹ, mê đắm ân ái giống như keo sơn, chẳng thể tự cứu. Thì nên thực hành tinh tấn, xa tục gần đạo.

Ví như có người đi xa đến nước khác mua bán kiếm lời, đến nơi chưa bao lâu thì phát bệnh nặng, người chết rất nhiều, mười người chẳng chừa một thây chết la liệt, mùi hôi thối không tả xiết. Đã không có lương y lại không thuốc hay để có thể chữa khỏi bệnh này.

Người ấy rất sơ sệt hối hận là đã đến nước đó, nếu không đến thì đâu có gặp nạn này, sớm tối bồn chồn buồn rầu khôn xiết: Nếu ta lành bệnh nhất định về nước, không khi nào trở lại.

Người ấy vừa gặp thầy thuốc giỏi cho uống thuốc, châm cứu tật bệnh dần dần thuyên giảm, khí lực cường kiện liền trở về nước gặp gỡ người nhà, kể chuyên nguy khốn không thể nói hết ấy và tự nhủ từ nay về sau chẳng bao giờ dám đến nơi kia nữa. Miếng cơm manh áo, tìm ở nơi nào khác, chỉ muốn an thân, đâu biết người nào. Về sau chỉ nghe đến tên của nước ấy run rẩy, kinh hoàng, chẳng muốn ra khỏi nhà chỉ giữ lấy thân.

Đệ tử cũng vậy thấy bệnh dâm, nộ, si khổ và sinh tử không dừng trong năm đường, sớm tối tinh chuyên tọa thiền niệm đạo, thấu đạt giáo pháp Thế Tôn, ca ngợi Nê Hoàn, chê trách sinh tử, đó là lương y. Vị thuốc hay uống vào tật bệnh tiêu trừ đó là Kinh Pháp của Phật trừ khử ba độc. Thây chết nằm la liệt đó là năm ấm, sáu suy. Việc hối hận đến nước ấy đó là tư duy rằng từ nhiều kiếp đến nay xoay vần theo sinh tử.

Việc mê đắm ân lại dụ cho tâm lăn xăn không thấy bốn đế: Khổ, tập, tận, đạo. Đã chứng đắc đạo rồi thì sợ khổ nhàm thân, sớm nhập Nê Hoàn, chẳng thể trở lại giáo hóa, cố bám nơi sự tịch diệt nên sự chỉ bày của Đức Phật Thế Tôn vốn không chỉ một, mà phải tiến tới đắc bất thoái chuyển, lui tới tự tại.

Bài tụng rằng:

Như có người đi xa buôn bán

Đến nước kia mắc phải bệnh tình

Chúng dân chết hết chẳng còn ai

Thây chết la liệt không người chôn.

Tâm tự hối hận đến nước ấy

Nếu không thì đâu gặp nạn này

Rồi gap lương y trị lành bệnh

Liền trở về nước không đi nữa.

Sợ hoạn sinh tử cũng như vậy

Thấy ở năm đường xoay vần khổ

Tự trách lỗi xưa chẳng hiểu đạo

Tử sinh tân khổ rất sầu lo.

Nhất tâm tinh tấn cầu Nê Hoàn

Muốn độ nỗi sợ của thế gian

Ghét sinh tử như chán tử thi

Chuyên chí hướng đến thành vô vi.

Người tu hành lo sợ thân mạng sẽ chết đi mà chẳng được độ thoát, quay trở lại ba đường khó được ra khỏi, chẳng nên lười biếng, chấp có ngã của ta như người phàm tục ở đời chống trái Tam Bảo mờ mờ mịt mịt. Ví như ngày xưa, có đám người buôn bán đi xa kiếm sống, băng qua đồng trống không có người ở.

Vì đi đường mệt nhọc bèn dừng lại nằm ngủ, cung chẳng kể giờ giấc, chẳng chuẩn bị binh trượng. Lũ giặc cướp bỗng ùa đến, chẳng ai hay biết, chẳng chuẩn bị cung tên, bị giặc làm hại, trong số này, có khách buôn nhờ khỏe mạnh liền chạy thoát được, chịu đói khát về nhà.

Lại lập kế tìm những người bạn khỏe mạnh, theo đường cũ đi buôn bán kiếm sống, mỗi đêm ngủ nghỉ luôn đúng giờ, đi ban đêm trang bị cung tên, giặc thấy như thế chẳng dám chận đường vì biết là khó đối đầu nên tự rút lui. Sự mù mịt ấy là lưới si, nhân si dẫn đến hành, rồi sinh thức, tham đắm danh sắc, lục nhập, lại thích thống ưa thọ mới có sinh, lão, bệnh tử, sầu, lo, gào khóc khổ đau những điều chẳng vừa ý.

Việc kiếm sống là sự tu hành. Sự mệt nhọc nằm ngủ là sự chẳng hiểu biết về vô thường, khổ, không, phi thân. Không đi vào ban đêm là chẳng tư duy sâu sắc về nghĩa kinh. Việc không trang bị binh trượng là chẳng tuân theo trí đại Từ, đại Bi chỉ muốn tự cứu chẳng nghĩ đến chúng sinh.

Việc giặc đến bị nguy khốn là ngồi thiền chẳng nhập vào không tịch, trái lại bị năm ấm, sáu suy làm mê hoặc, rơi vào bốn điên đảo, vô thường cho là thường, khổ cho là vui. Chẳng phải thân cho là có thân, không có thật cho là có. Khi mạng chung được sinh Thiên, phước hết thì trở lại cõi đời, chẳng lìa ba đường. Việc người khỏe mạnh chạy thoát về nhà là đắc quả A La Hán.

Việc tìm bạn khỏe mạnh trở lại kiếm sống là đi đến Nê Hoàn. Biết La Hán giới hạn chẳng đạt được cứu cánh, gặp Phật thọ giáo lại phát ý lớn là Bồtát. Việc dùng số đông là bạn cùng đi là sáu Độ vô cực và các hạnh khác…

Việc trang bị binh trượng, giữ đúng giờ giấc, đi vào ban đêm là đại từ, đại bi, phân biệt hành không, chẳng vướng mắc chẳng dứt bỏ. Việc giặc rút lui là trí tuệ vô quái ngại, là pháp Nhẫn bất khởi, thấy ba cõi là không, chẳng sợ sinh tử, tất cả bốn ma đều bị hàng phục.

Bài tụng rằng:

Tu hành sợ mạng chung

Rơi vào ba đường ác

Chẳng chấp ngã của ta

Quy mạng về Tam bảo.

Như xưa có người ngu

Đi xa cầu tài lợi

Buồn ngủ nên nằm ngủ

Bị ác tặc làm hại.

Trong đó có người khỏe

Hết sức chạy thoát được

Về nhà kể gặp nạn

Nay mới được an ổn.

Đã đắc đạo La Hán

Mới tự biết có hạn

Chẳng thể vào sinh tử

Vì Nê Hoàn làm ngại.

Lại hợp cùng bạn mạnh

Trang bị rồi đi đêm

Giặc thấy chẳng dám chận

Trở về lại sào huyệt.

Ở cảnh giới vô vi

Biết Nê Hoàn có hạn

Nên phát tâm Bồ Đề

Hành đại từ, đại bi.

Phân biệt sâu sắc không

Không vướng không cắt đứt

Lần lượt vượt sinh tử

Không có nạn ba cõi.

Người tu hành phụng trì giáo pháp, nhập bốn tâm bình đẳng tâm nhưng không có đại từ bi. Ví như rồng nhỏ chỉ có khả năng mưa một huyện mà không cùng khắp. Tuy dân chúng được thấm nhuần nhưng chẳng đáng kể.

La Hán hành đạo nơi bốn Đẳng tâm cũng vậy, giống như rồng biến mưa khắp thiên hạ, không chỗ nào là không thấm nhuần, bậc Bồ Tát đại nhân đại Từ, đại Bi cứu độ khắp tất cả chúng sinh. Phật, Đấng Thiên Trung Thiên thấy tâm của Bồ Tát như thế, phương tiện thị hiện có giới hạn, chẳng vượt Ne hoàn dần dần tiến tới đại đạo, biết cội gốc của mê hoặc.

Ví như người kia có ba đứa con, người cha khi trẻ nuôi dưỡng con cho đến khôn lớn, áo cơm, thuốc thang chưa từng thiếu hụt.

Người cha khi tuổi lớn khí lực suy kiệt, gọi các con lại bảo: Các ngươi là lũ bất hiếu, ta sinh đẻ nuôi dưỡng các ngươi nên người.

Nay ta tuổi đã già mà các ngươi chẳng phụng dưỡng báo đáp ân nuôi nấng, trái lại bức ép ta tìm của cải, áo cơm, tại sao như vậy?

Ta sẽ cáo với quan nhà nước trị tội, giết chết các ngươi.

Các người con nghe cha rầy la, ôm lòng sợ sệt liền phủ phục bên cha: Anh em chúng con ngu si đến nỗi chẳng biết nghĩ lý, chẳng đoái hoài đến ân đức nuôi dưỡng của cha mẹ đã từng thương yêu hết mực, kỳ vọng sâu xa, nhưng chúng con chẳng tự xét lỗi mình. Nay nghe cha dạy nên liền vâng lệnh làm theo đạo hiếu, vượt kẻ tầm thường, sớm tối chẳng biếng lười, không thẹn với tổ tiên.

Khi ấy, các người con ai cũng làm ăn sinh sống. Vào biển tìm châu báu được các thứ bảy báu, cung cấp cho cha mẹ. Lòng chí hiếu cao vời, chỉ nghĩ đến cha mẹ, chẳng hề quan tâm tới thân mình. Tìm được viên minh châu sáng lơn, tên là Chiếu minh liền đem về dâng cha. Cha thấy minh châu thì đầu bạc đen lại, răng rụng mọc lại thành đại Trưởng Giả, xa gần đều quy ngưỡng. Đó gọi là phụ từ thì tử hiếu.

Vì sao đệ tử tu hành thì không có đại từ?

Cha có ba con dụ cho tâm, ý, thức. Cơm ăn, áo mặc dụ cho trói buộc của năm ấm, sáu suy, mười hai nhân duyên. Con lớn lên tiếp nói tìm cầu cung dưỡng, dụ cho các tình dục chẳng biết chán, chẳng biết đủ.

Cha lo sợ, muốn đi cáo quan dụ cho sự hiểu rõ về vô thường, muốn đoạn sáu nhập. Con nhận lời giáo huấn làm theo lời cha dụ cho sự quy mạng Phật. Ba con lại hiếu thuận dụ cho sự khởi đầu của bố thí, phụng giới, trí tuệ.

Vào biển được bảy báu dụ cho đạt đến bảy giác ý thành tựu đạo A La Hán. Trở thành chí hiếu dụ cho biết được đệ tử bị giới hạn trong cảnh giới Nê Hoàn, lại phát đại tâm làm Đại Bồ Tát. Được châu chiếu minh làm cha trẻ lại dụ cho định ý hiện tại, thấy mười phương Phật không có chướng ngại.

Bài tụng rằng:

Xưa kia có một người

Sinh được ba đứa con

Nuôi nấng đến lớn khôn

Ăn mặc vẫn nhờ cha.

Cha bảo với ba con

Ta nay tuổi đã cao

Các con phải nuôi cha

Sức ta đã tiêu mòn.

Cáo các ngươi đến quan

Năm cực hình đánh đập

Con nghe lời cha dạy

Liền làm theo hiếu đạo.

Vào biển tìm bảy báu

Cung phụng cho cha già

Lại được ngọc chiếu minh

Cha liền trẻ trở lại.

Ba con tâm, ý, thức

Tình dục chẳng biết đủ

Cha trách, lại hiếu thuận

Đó là giới trí tuệ.

Làm theo bảy giác ý

Thành Nê Hoàn, La Hán

Thọ nhận lời Phật dạy

Lại phát tâm Bồ Tát.

Đạo đức rất cao vời

Thấy được mười phương Phật

Thân bốn đại chẳng ngại

Như hư không, không vướng.

Ví như ngày xưa có một con ba ba rời biển bơi vào bờ, có một con chồn lớn đuổi bắt, sắp nguy đến tánh mạng. Ba ba biết chồn đến, thụt đầu vào, bốn chân giấu dưới mai. Chồn đứng đợi nếu thò đầu chân ra liền sẽ bắt ăn thịt. Ba ba chẳng động đậy, chồn mệt mỏi bỏ đi.

Ba ba trở về chỗ Long Vương Đại thần trình bày đầu đuôi và xin làm thân rồng mới không còn sợ hãi, dụ cho có khả năng chế ngự năm ấm chẳng bị ma quấy nhiễu, đắc đạo Nê Hoàn. Được làm rồng dụ cho vào đạo Bồ Tát, chẳng sợ bốn ma, cứu độ chúng sinh.

Bài tụng rằng:

Ba ba thun đầu, chân

Như La Hán bất úy

Làm than rồng bay được

Bồ Tát cũng như vậy.

Ví như có người đi xa cầu tìm của cải, dãi dầu mưa nắng mới kiếm được nhiều lời. Hoặc ở nơi gặp giặc cướp mất hết tài sản. Lại có người thông minh, ở nơi xứ sở mình tự tạo phương tiện làm ăn, tiền vô như nước, cung cấp bốn phương tích lũy công đức nghĩ đến vô thường, khổ, không, phi thân, quán sự thành bại của vạn vật bên ngoài, hoặc đắc thiền định, thành La Hán đạo, lại từ đó phát ý cầu làm Bồ Tát.

Hoặc có người đạt ngộ biết bốn đại là không, không có ở trong ngoài, hành đại từ bi thương xót chúng sinh nơi mười phương, tuy có chỗ hóa độ nhưng xem như không có, đạo không xa gần, trí tuệ là cao tột, chứng đắc bình đẳng giác, không có quá khứ, vị lai, hiện tại giống như hư không.

Bài tụng rằng:

Như người buôn bán xa

Đệ tử cũng như vậy

Chứa công quán bất tịnh

Quán vạn vật vô thường.

Bồ Tát như người trí

Cầu lợi chẳng đi xa

Hết sinh tử, Nê Hoàn

Đắc giác ngộ bình đẳng.

Người tu hành sợ hãi sinh tử, ghét nạn ba cõi, sợ khổ chán thân, không hiểu rõ nó vốn là không, chỉ muốn vượt thoát họa hoạn, chẳng nghĩ đến chúng sinh. Ví như đội quân tan rã, những người ốm yếu chỉ muốn tự cứu, chẳng cứu giúp sự nguy khốn cho ai. Người có tâm này, Phật vì họ dạy trừ diệt phiền não ba độc, Nê Hoàn là hạnh phúc, lìa tối đến sáng.

Ví như người dẫn đường dẫn người buôn bán lớn đi đến con đường xa xôi, ở một canh đồng lớn không có nước cỏ, khách buôn kêu than cho là đường sá xa xôi đâu thể đến nơi, vĩnh viễn cùng đường rồi.

Khi ấy người dẫn đường kia là người thông minh hiểu biết rộng, cũng có pháp thuật, biết được ý nghĩ của khách buôn chán nản đường sá xa xôi, liền hóa thành một quốc gia ở giữa đường, có thành ấp, dân chúng, đất đai trù phú, ngũ cốc thừa thải, khách buôn vô cùng mừng rỡ, cùng nhau bàn tán có gì sung sướng bằng, tưởng rằng lâu lắm mới thoát nạn đến được nhân gian.

Vừa có ý nghĩ như vậy liền đến thành này còn sợ gì nữa. Khi ấy, đám khách buôn liền dừng lại nơi này, cùng nhau vui vẻ uống ăn thỏa thích, tự do nghỉ ngơi, đến khi sắp chan thành quách biến mất chẳng thấy đất nước.

Khách buôn lấy làm lạ hỏi vì sao như vậy?

Người dẫn đường đáp: Các ngươi mệt mỏi chán nản, cho là đường sá vời vợi, vĩnh viễn không đi đến, cho nên ta đã hóa hiện thành quách cõi nước, dân chúng để được nghỉ ngơi, thấy các ngươi chán rồi cho nên biến mất.

Phật dạy: Như vậy, đệ tử tu hành sợ khổ sinh tử, gọi là phiền não sinh tử, sợ họa hoạn của ba cõi, sớm muốn diệt độ. Cho nên vì đó chỉ cho quả La Hán để đắc, dụ cho tiến tới trước vượt qua sinh tử, trừ hết ba cấu, đắc đạo vô vi tự cho là thành đạt đầy đủ. Khi sắp diệt độ Đức Phật đứng trước chỉ cho đại đạo. Vì vị ấy chưa tạo sự thông tỏ, phát huy đạo chân chánh vô thượng, đắc pháp nhẫn vô sở tùng sinh, đạt trí Nhất thiết mới là đạt đạo.

Ví như có nước nọ gặp ba ách nạn: Một là giặc cướp, hai là đói khát, ba là tật bệnh. Dân chúng phân tán chạy đến nước khác. Về sau, đất nước yên ổn, hoặc có người trở về, hoặc có người kinh sợ họa hoạn của ba nạn vĩnh viễn chẳng trở lại.

Phật dạy: Đất nước là ba cõi, gặp ba nạn là độc, người bỏ đến nước khác là La Hán, người trở về khi nước an ổn là Bồ Tát đã chứng đắc tất cả trí tuệ sâu xa của pháp nhẫn vô sở tùng sinh, trở lại ba cõi để hóa độ tất cả. Người gặp ba nạn mà không trở về là La Hán đã đắc vô vi, sợ chỗ ba nạn, chẳng có khả năng trở lại độ thoát chúng sinh.

Bài tụng rằng:

Ví như đám khách buôn

Đi qua cánh đồng hoang

Mệt nhọc sợ chẳng đến

Người dẫn hóa thành quách.

Mọi người dừng, nghỉ ngơi

Ở yên một ngày đêm

Biết tâm họ đã chán

Biến mất chẳng hiện lại.

Phật Thế Tôn như thế

Thấy sợ nạn sinh tử

Liền thị hiện vô vi

Để độ khổ ba cõi.

Khi sắp nhập Nê Hoàn

Hóa hiện chỉ đại đạo

Khiến đạt vô sở sinh

Rộng cứu độ tất cả.

Lại ví như nước lớn

Bỗng gặp ba tai nạn

Phân tán đến nước khác

Nước yên rồi chẳng về.

Kinh sợ nạn sinh tử

Đó gọi là đệ tử

Về nước chẳng kinh sợ

Bồ Tát độ mười phương.

Quyền tuệ phương tiện hóa

Đều đạt được kết quả

Ví như lái thuyền giỏi

Qua lại chẳng nghỉ ngơi.

Phật Thế Tôn như vậy

Pháp Thân không qua lại

Khắp cùng ở mọi nơi

Như Mặt Trời chiếu khắp.

***