Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM SÁU

TỪ
 

Khách buôn qua đồng vắng

Đói khát nơi đường hiểm

Đạo Sư cứu giúp họ

Dẫn đến chỗ sống được.

Bèn dùng đạo vô vi

Dứt trừ các cấu uế

Tâm được nhiều an lạc

Kính lễ Phật Thế Tôn.

Thuyền ở tại biển lớn

Nhằm đúng miệng cá kình

Thuyền ấy vào bụng cá

Khởi lòng từ cứu giúp.

Trong khoảnh khắc lặn xuống

Cứu người và châu báu

Biết vô số trăm ngàn

Khổ vui tròn chung thủy.

Vướt qua các Thánh trước

Đức Ngài như Thái Sơn

Trí sáng vượt mặt trời

Cúi đều phụng trí tuệ.

Là người tu hành, nên bỏ sân, si thường giữ tâm từ. Có người tu hành, chỉ phát nguyện suông, khiến chúng sinh an, nhưng chẳng biết cách gì cứu độ được an. Tuy có lời êm dịu an ổn, nhưng chẳng thực hiện lòng từ bi bình đẳng.

Người tu hành chớ nói từ bi suông. Hoặc có người tu hành khởi ý nghĩ từ bi, muốn làm an ổn cho tất cả các loài chúng sinh. Có lòng từ như thế cũng là tốt rồi, nhưng chẳng phải là lòng từ đầy đủ đạo đức. Muốn thực hành đại đạo chớ khởi lòng từ suông.

Bài tụng rằng:

Giả sử người học đạo

Tâm nghĩ, miệng nói từ

Tự cho chút an ổn

Cũng được ít phước mỏng.

Ví như thợ làm tên

Rơi mất, lửa đốt cháy

Đâu thể khiến tên ấy

Thành tựu để mà dùng.

Trên con đường tu hành, kiến tạo lòng từ rộng lớn và sẽ thực hiện thế nào?

Nếu người tu hành ở nơi nóng bức thì mong cầu chỗ mát mẻ mới được an ổn. Ở nơi lạnh lẽo thì mong cầu đến chỗ ấm áp, mới được an ổn. Như đói được ăn, như khát được uống. Như đi đường xa mệt mỏi khốn đốn mà được xe chở, mới được an ổn, như đang đứng mà được ngồi.

Như người quá mệt mà được nằm nghỉ. Như người trần trụi mà được y phục che hình. Như thân dơ bẩn ma được tắm rửa, lòng rất vui mừng ổn định thanh thản, bao nhiêu nỗi khổ đều được qua khỏi, thân tâm phấn khích, được sự an lạc, giữ tâm chẳng loạn, được người thương kính.

Gần gũi, thương yêu cha mẹ, anh em, vợ con, thân thuộc, bạn bè, tri thức, đều khiến họ được an ổn. Tất cả chúng sinh có các nỗi khổ, cũng như thân ta, đều được an ổn, dân chúng khắp mười phương đều khiến độ thoát, thân tâm an ổn, mong cho hai họ nội ngoại, trong ngoài đều được an ổn.

Kế đến nghĩ tới những kẻ phàm tục, trang trải thêm lòng từ đến oan gia, không có tâm sai khác, đều khiến được độ thoát như sự an ổn của thân ta.

Giả sử niệm trước nghĩ về dân chúng trong mười phương, niệm kế nghĩ về oan gia, nhưng nếu bị loạn động mà tâm lúc ban đầu không thể chế ngự sự phân biệt giữa người oán và bạn thân, thì nên quán thế này: Sự kết chặc oán ghét của ta đối với oan gia, tâm ý này đã trôi qua, nay đã xả bỏ, rồi lại khởi niệm thương yêu như cha mẹ, vợ con, cũng kính trọng như họ hàng.

Như vậy thì chẳng còn ôm hận nữa, quán xét về căn nguyên của sinh tử trong năm đường, hoặc đã từng làm cha mẹ, vợ con, anh em, bằng hữu trong nhà, chỉ vì lâu xa chẳng nhớ biết. Vì vậy nên chẳng ôm lòng oán hận.

Bài tụng rằng:

Nên phát hạnh tâm từ

Nghĩ oán như bạn lành

Xoay vần trong sinh tử

Chắc từng làm bà con.

Ví như cây sinh hoa

Chuyển thành quả không khác

Cha mẹ, vợ con, bạn

Họ hàng cũng như vậy.

Người tu hành tâm tự nghĩ: Giả sử sân giận với người khác thì tự hại mình thôi. Như cây phát ra lửa trở lại tự đốt mình, như cây chuối sinh quả roi tự khô, như con la mang thai trở lại nguy thân. Ta cũng như vậy, nếu ôm lòng sân giận, lại tự làm hại mình.

Người khởi lòng sân giận đối với người khác, thì, hoặc là do tội này mà đọa làm mãng xà, hay là đọa vào đường ác. Quán xét kỹ như vậy nên không ôm lòng ác. Nếu ghét người nào thì nên phát khởi thương yêu.

Bài tụng rằng:

Có ai do sân giận

Mà oán hại người khác

Đời sau đọa làm rắn

Hoặc đọa làm thú dữ.

Ví như cây tre chẻ

Cây chuối, la mang thai

Trở lại hại cũng vậy

Nên phải khởi lòng Từ.

Người tu hành phải thực hiện lòng từ bình đẳng: Đối với cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè và oan gia không gần không xa, bình đẳng không yêu không ghét. Và đối với vô lượng Thế Giới trong mười phương, trang trải lòng từ cùng khắp, chưa từng tăng giảm.

Bài tụng rằng:

Người thực hành lòng từ

Bình đẳng không ghét thương

Chẳng nệ gần hay xa

Mới thực hiện lòng từ.

Tâm bình đẳng hành từ

Cho đến ba cõi người…

Người hành từ như thế

Đức ấy hơn Phạm Thiên.

Người tu hành thành tựu đầy đủ lòng từ thì lửa chẳng thiêu được, dao chẳng đâm được, độc chẳng hại được, các tà chẳng hoành hành được.

Bài tụng rằng:

Đao nhân chẳng thể hại

Quan quyền và giặc oán

Tà quỷ, các La sát

Mãng xà và sấm chớ,.

Sư tử cùng voi cọp

Và các thú dữ khác

Tất cả chẳng dám gần

Không thể làm thương tổn.

Người tu tập hạnh từ phải nên như vậy thì đêm ngủ an ổn, thức day vui tươi.

Đêm ngủ người Trời bảo vệ, chưa từng có mộng ác, sắc diện vui vẻ, y thực chẳng thiếu, sinh vào chỗ Phạm Thiên, đoan nghiêm đẹp đẽ, mắt thì tròng trắng ,tròng đen phân minh, thân thể điều hòa, ít tật bệnh, được sống lâu, Chư Thiên cung kính, nhắm đến việc đắc đạo, được Phật khen ngợi, sạch hết trần lao, không còn thoái chuyển. Để được an ổn, đến cảnh giới Vô dư, chứng đắc tịch diệt đều do lòng Từ.

Bài tụng rằng:

Người hành trì lòng từ

Đẹp đẽ, y thực nhiều

Mọi người đều kíng ngưỡng

Sống lâu, sáng như trăng.

Ngủ, thức, đi, đứng yên

Thiên thần đều ủng hộ

Sinh phạm, Chư Thiên kính

Được Thế Tôn khen ngợi.

Vì vậy người tu đạo

Phải thực hành lòng từ.

Bài tụng rằng:

Hành lòng từ hướng đến tất cả

Trừ các sân hại gọi là từ

Nay ta chỉ rõ các oán đức

Như trong Kinh Phật đã nêu giảng.

***