Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh đắc Vô Cấu Thí Nữ
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẮC VÔ CẤU THÍ NỮ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN BA
Tôn Giả Ly Bà Đa hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Sao Nhân giả im lặng không đáp?
Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Cho đến không có một chút pháp nào có thể thuyết giảng, nên im lặng là an lạc. Vương Nữ hỏi như vậy là pháp không hý luận. Các lời nói ra đều không hoàn hảo. Cảnh giới không ngôn thuyết là hạnh A Lan Nhã.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Tôn Giả Ly Bà Đa: Bạch Đại Đức Ly Bà Đa! Đức Phật dạy Đại Đức là vị tọa thiền bậc nhất.
Vậy thưa Đại Đức! Tâm nương dựa nơi thiền định hay tâm không nương dựa nơi thiền định?
Nếu tâm nương dựa nơi thiền định mà tâm lại như huyễn, không thật, phân biệt. Nếu đã không thật như vậy thì phân biệt là không thật, nương dựa nơi thiền tam muội là không thật. Nếu tâm không nương dựa nơi thiền định thì thiền không có tâm niệm nên tất cả người chết cũng được hoan hỷ. Các loài cỏ cây, tường, vách ở thành Ba La Nại đều tương ưng với tam muội.
Vì sao?
Vì các vật đó đều vô tâm.
Tôn Giả Ly Bà Đa im lặng không đáp.
Khi đó Tôn Giả A Nê Lâu đại hỏi Tôn Giả Ly Bà Đa: Sao Nhân giả im lặng không đáp?
Tôn Giả Ly Bà Đa đáp: Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi về cảnh giới của Phật. Cảnh giới đó chẳng phải là khả năng đối đáp của hàng Thanh Văn.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu thưa: Ý thầy thế nào?
Pháp Giới của Như Lai và pháp giới của hàng Thanh Văn có sai khác sao?
Nếu pháp giới có sai biệt thì đó là pháp giới hư hoại. Nếu pháp giới hư hoại thì pháp giới là hai. Pháp giới không hai mới được gọi là chân như. Chân như được nêu bày như vậy là không hai. Chân như, không hai như thế không thể nói cái nào hơn.
Đại Đức vì sao lại nói như thế?
Bấy giờ, Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Tôn Giả A Nê Lâu đại: Bạch Đại Đức A Nê Lâu đại! Đức Phật dạy Đại Đức là vị đạt thiên nhãn đệ nhất.
Vậy thiên nhãn của Đại Đức là có vật để thấy hay không có vật để thấy?
Nếu có vật để thấy thì rơi vào thường kiến. Nếu không có vật để thấy thì rơi vào đoạn kiến.
Tôn Giả A Nê Lâu đại im lặng không đáp.
Khi đó Tôn Giả A Nan Đà hỏi Tôn Giả A Nê Lâu đại: Sao Nhân giả im lặng không đáp?
Tôn Giả A Nê Lâu đại đáp: Cô ta hỏi về trí tuệ cho nên tôi không đáp.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Tôn Giả A Nan Đà: Bạch Đại Đức A Nan Đà! Đức Phật dạy Đại Đức là vị đa văn đệ nhất. Vậy do vật gì được Đại Đức cho là đa văn. Vì có nghĩa để nhận biết hay vì cứu cánh để nhận biết. Nếu có nghĩa để nhận biết thì nghĩa không có ngôn ngữ, không the nêu giảng, chẳng phải tai nghe, hiểu biết. Điều đó là chẳng thể thấy.
Nếu là cứu cánh để nhận biết thì khi Đức Thế Tôn thuyết pháp nên nghe nơi diệu nghĩa, không nghe bằng văn tự, không nghe như vậy thì Đại Đức A Nan sao gọi là Đa văn?
Tôn Giả A Nan im lặng không đáp.
Khi đó, Văn Thù Sư Lợi hỏi Tôn Giả A Nan Đà: Sao Nhân giả im lặng không đáp?
Tôn Giả A Nan Đà nói: Tánh của tất cả văn tự là xa lìa, như tiếng vang. Cô ấy hỏi tôi về văn tự nên tôi không đáp. Cô ấy hỏi về bình đẳng, lìa tâm, vô tâm. Nghĩa này thì chẳng phải là cảnh giới của người hữu học, làm sao nói được. Nhân giả nên hỏi đấng Pháp Vương Như Lai.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Đồng tử Văn Thù Sư Lợi: Bạch Bồ Tát Văn Thù! Đức Phật dạy Nhân giả là vị khéo giảng pháp giải thoát thâm diệu của Như Lai, là bậc đứng đầu trong hàng Đại Bồ Tát.
Pháp nhân duyên kia thâm diệu như thế nào?
Là sâu xa nên gọi là thâm diệu hay vì tự thể vốn thâm diệu. Nếu nhân duyên kia sâu xa nên gọi là thâm diệu thì nhân duyên đó không cùng người hòa hợp.
Vì sao?
Vì nhân duyên ấy chẳng đến chẳng đi, chẳng phải nhãn thức thấy, cho đến chẳng phải là chỗ nhận biết của ý thức. Không hai, hòa hợp do nhân duyên mà sinh. Còn nếu tự thể vốn thâm diệu thì tự thể thâm diệu kia chẳng thể biểu thị.
Văn Thù Sư Lợi: Nghĩa thâm diệu của thật tế là rất sâu xa.
Đắc Vô Cấu: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do thật tế kia chẳng phải là thât tế. Như vậy thì trí tuệ kia cũng chẳng phải là trí tuệ.
Văn Thù Sư Lợi: Không có ngôn ngữ để chứng đắc thật tế.
Đắc Vô Cấu: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nếu không thể thủ đắc thì không có ngôn ngữ, vượt quá ngôn ngữ cho nên không thể thủ đắc.
Văn Thù Sư Lợi: Nếu như vậy thì làm sao vì người khác giảng nói?
Đắc Vô Cấu: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Đề của Như Lai luôn vượt quá mọi ngôn ngữ, điều đó là không thể nêu bày.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi im lặng không nói.
Bấy giờ, Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Bồ Tát Bất Mê Kiến: Thiện nam!
Như Bồ Tát Bất Mê Kiến nguyện: Tâm ta an trú quán sát đúng như sắc. Nếu vào thành Xá Bà Đề thì những chúng sinh nào gắng thọ nhận Bồ Đề, dù nam hay nữ hễ thấy ta thì đều thấy thân ta như sắc thân Phật.
Điều này là thế nào?
Nhân giả vì nhằm biểu thị sắc thân của Như Lai hay là nhằm biểu thị Pháp thân. Nếu biểu thị về sắc thân thì những chúng sinh kia không thể thấy thân Phật. Nếu thấy thân Phật là trái lời Phật dạy.
Bởi vì Phật thường dạy:
Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người đó hành tà đạo
Không thể thấy Như Lai.
Nếu biểu thị pháp thân mà pháp thân của Phật thì chẳng thể thị hiện.
Vì sao?
Vì Pháp thân của Như Lai vượt quá mọi nhãn thức, chúng sinh kia không thể nhận thấy.
Bồ Tát Bất Mê Kiến im lặng không đáp.
Khi ấy, Bồ Tát Bảo Tràng hỏi Bồ Tát Bất Mê Kiến: Vì sao Bồ Tát im lặng không đáp?
Bồ Tát Bất Mê Kiến nói: Cô ta hỏi tôi về chỗ không vật nên tôi không đáp.
Đắc Vô Cấu thưa: Tôi chẳng hỏi về vô vật. Vô vật thì không thể hỏi. Tôi nói về học pháp nên tương ưng với tri kiến như vậy.
Bồ Tát Bất Mê Kiến im lặng không nói.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Bồ Tát Bảo Tràng: Thiện nam!
Nhân giả nguyện như vậy: Tâm tôi an trú quán sát đúng như sắc. Nếu vào thành Xá Bà Đề thì nguyện cho tất cả các kho báu đều mở bày đầy đủ.
Điều ấy thế nào?
Nhân giả nhớ nghĩ về sự việc như thế nào?
Vì có tâm hy vọng phước đức hay vì không có tâm hy vọng phước đức?
Vì có tâm hy vọng về phước đức thì nhân giả cùng với hàng phàm phu không khác.
Vì sao?
Vì hàng phàm phu đều có tâm hy vọng và ái nhiễm điều đó.
Nếu vô tâm hy vọng về phước đức tức là vô tâm hy vọng được tích tụ?
Bồ Tát Bảo Tràng im lặng không đáp.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Bồ Tát Trừ Ác: Thiện nam!
Nhân giả nguyện như vậy: Tâm tôi an trú quán sát đúng như sắc. Nếu vào thành Xá Bà Đề, nguyện cho các chúng sinh tạo các nghiệp ác phải lãnh thọ quả báo tương ưng đó thấy được chánh pháp thì chỉ chịu tội nhẹ trong đời hiện tại.
Điều này là thế nào?
Theo như lời Phật dạy, nghiệp là không thể nghĩ bàn. Nhân giả thuyết giảng không thể trái với lời Phật dạy.
Nếu Nhân giả không cho nghiệp là không thể nghĩ bàn thì tại sao biết nghiệp nặng ở vị lai và tội nhẹ ở hiện tại?
Tất cả các pháp đều không, không có chủ thể.
Nay Nhân giả làm sao nói đạt được như bậc pháp vương?
Nếu Nhan giả làm cho nghiệp nặng thành nhẹ thì trái lời Phật dạy.
Bồ Tát Trừ Ác: Tôi chỉ dùng nguyện lực làm cho nghiệp nặng thành nghiệp nhẹ.
Đắc Vô Cấu: Không có người nào có thể làm hồi chuyển nguyện lực. Nếu có thể hồi chuyển thì mỗi mỗi Như Lai vốn đều có nguyện rằng khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt được đại Niết bàn, chẳng cần nguyện lực mà thành. Nên biết nguyện lực như vậy là không thể hồi chuyển được.
Bồ Tát Trừ Ác im lặng không nói.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Bồ Tát Chướng Nhất Thiết Tội: Thiện nam!
Nhân giả nguyện như vậy: Tâm tôi an trú quán sát đúng như sắc. Nếu vào thành Xá Bà Đề thì nguyện cho tất cả dân chúng không bị năm thứ ngăn che làm chướng ngại.
Điều này là thế nào?
Nếu Nhân giả hành thiền định có thể khiến cho chúng sinh không bị năm thứ ấy làm chướng ngại. Tất cả các pháp đều là không, không có chủ tể. Như vậy Nhân giả khong là Nhân giả.
Tôi cũng chẳng phải là tôi, tại sao lại có thể ban ân cho người khác?
Bồ Tát Chướng Nhất Thiết Tội: Tôi trước hết là tu tập từ tâm.
Đắc Vô cấu: Tất cả Chư Phật đều hành tâm đại từ, trong Cõi Phật có các chúng sinh bị các thứ trói buộc, ngăn che làm não loạn sao?
Bồ Tát Chướng Nhất Thiết Tội im lặng không nói.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Bồ Tát Quán Thế Tự Tại: Thiện nam!
Nhân giả nguyện như vậy: Tâm tôi an trú quán sát đúng như sắc. Nếu vào thành Xá Bà Đề thì nguyện cho các chúng sinh nào bị trói buộc, bị người sắp giết hại liền được giải thoát, không còn sợ hãi, được sự an lạc.
Điều này là thế nào?
Nhân giả vì chấp thủ để tu hành hay vì không chấp thủ để tu hành. Nếu chấp thủ để tu hành thì không thể được, vì người ngu si hay chấp thủ. Nếu không chấp thủ để tu hành thì chẳng phải là vô thường. Nếu chẳng phải là vô thường thì không thể chấp giữ.
Bồ Tát Quán Thế Tự Tại im lặng không đáp.
Khi ấy, Bồ Tát Biện Tụ hỏi Bồ Tát Quán Thế Tự Tại: Vì sao Bồ Tát im lặng không đáp?
Bồ Tát Quán Thế Tự Tại: Cô ta không hỏi tôi về pháp sinh, không hỏi về pháp diệt, lại hỏi tôi về pháp bất sinh, bất diệt nên tôi không đáp.
Đắc Vô Cấu: Thưa Bồ Tát Quán Thế Tự Tại, sao nhân giả không hỏi về pháp bất sinh bất diệt ở cho nào?
Bồ Tát Quán Thế Tự Tại: Đắc Vô Cấu!
Nơi nào bất sinh, bất diệt thì không có một chút văn tự được nêu ra.
Đắc Vô Cấu: Nếu không nêu ra thì tất cả các pháp không có một chút văn tự, chẳng phải vì người trí tuệ mà nêu ra văn tự. Không tham đắm nơi văn tự, thì pháp giới không bị chướng ngại. Cho nên tâm kia không nhiễm chấp.
Bồ Tát Quán Thế Tự Tại im lặng không nói.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Bồ Tát Biện Tụ: Thiện nam!
Nhân giả nguyện như vậy: Tâm tôi an trú quán sát đúng như sắc. Nếu vào thành Xá Bà Đề thì nguyện cho những chúng sinh nào có tâm ác độc sẽ thay đổi và hướng đến tâm từ bi, cùng khen ngợi, âm thanh, ngôn ngữ đều được biện tài.
Điều này là thế nào?
Nhân giả khởi biện tài ấy vì có nhân duyên khởi hay không có nhân duyên khởi?
Nếu có nhân duyên khởi thì tất cả vô thường, đều do nhân duyên khởi. Người như vậy không chứng đắc tịch tĩnh. Nếu không nhân duyên khởi thì không đúng, nên không được nói là có biện tài phát khởi.
Bồ Tát Biện Tụ: Từ lúc tôi mới phát tâm bồ đề đến nay thường nguyện như vậy: Nếu các chúng sinh được thấy tôi đều đạt được biện tài.
Đắc Vô Cấu: Thiện nam! Nhân giả vì có tâm nên biện tài hay vì không có tâm nên biện tài. Nếu có tâm nên biện tài thì rơi vào chỗ thường kiến. Nếu không có tâm nên biện tài thì những ngôn ngữ kia làm sao nói là nhân giả không nói thật.
Bồ Tát Biện Tụ im lặng không nói.
***