Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh đắc Vô Cấu Thí Nữ
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẮC VÔ CẤU THÍ NỮ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN HAI
Tùy sở thích người nghe
Đưa đến vui đệ nhất
Lời chân thật, thẳng thắn
Tất cả đều hoan hỷ.
Mưa pháp tưới cùng khắp
Mưa pháp rất bình đẳng
Như Lai đã tự độ
Cũng độ thoát chúng sinh.
Bậc cứu đời đệ nhất
Nhìn thế gian tương ưng
Công đức Ngài vô lượng
Tôi không thể nói hết.
Các Thiên Tử nghe rồi
Tâm thanh tịnh, tin Phật.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu thuyết kệ đó rồi, nói với Bà La Môn Phạm Thiên: Đại Bà La Môn! Ta sinh bảy ngày liền được nghe công đức của Pháp Phật. Từ đó trở đi, chưa bao giờ có một chút tâm si mê che lấp, không tham đắm các dục, không ganh ghét, không tham lam, không khởi tâm trộm cắp.
Tâm không lượng xét cũng không nhớ nghĩ, không biết ái nhiễm đối với quyến thuộc hoặc cha mẹ, anh em, chị em, không tham đắm đồ trang sức, cho đến cõi nước, thành ấp, thôn xóm, thân mạng và cả sự sống.
Đại Bà La Môn! Tâm ta luôn nghĩ đến tướng khác. Đó chính là tướng Phật.
Đại Bà La Môn! Tâm ta luôn luôn nhớ nghĩ về ba điều.
Những gì là ba?
1. Như Lai dù ở chỗ nào, ta cũng đến để thưa hỏi.
2. Nếu khi Đức Phật thuyết pháp, ta đều ghi nhớ, giữ gìn tất cả, không để mất một chữ, một nghĩa, một lời, bất cứ ở đâu, dù là một đêm hay một ngày.
3. Ta thường thấy Phật chẳng phải là không thấy. Ta thường nghe pháp, thường cúng dường Chúng Tăng.
Đại Bà La Môn! Thấy Phật như vậy, nghe Pháp và cúng dường Chúng Tăng như vậy, ta không nhàm chán.
Bấy giờ, Đại Bà La Môn Phạm Thiên ra lệnh cho tiểu Bà La Môn đồng hành: Này đồng tử! Bây giờ ông hãy quay về tâu lại những gì Vương Nữ Đắc Vô Cấu đã nói, hãy vì Đại Vương và phu nhân nêu rõ các sự việc như vậy.
Đồng tử vâng lời, đi theo chỗ nghe thấy, đều vì Đại Vương và phu nhân tâu rõ các sự việc.
Lúc này, Vương Nữ Đắc Vô Cấu vì mọi người mà nói rõ về công đức của Phật, vì mọi người mà nêu bày công đức của Pháp, vì mọi người mà thuyết giảng công đức của Tăng. Năm trăm Bà La Môn kia nghe rồi đều phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Khi đó, Vương Nữ Đắc Vô Cấu từ xe bước xuống cùng với các Bà La Môn đến chỗ Bồ Tát và Đại Thanh Văn.
Đến rồi, cung kính, lễ bái, đứng trước Tôn Giả Xá Lợi Phất, chắp tay thưa: Kính bạch Đại Đức Xá Lợi Phất! Tất cả nữ nhân, trí tuệ rất ít, dục nhiễm lại nhiều, thường sống phóng dật, tâm ý hẹp hòi, không nhớ pháp thiện, phần nhiều chỉ nhớ nghĩ pháp ác.
Lành thay Đại Đức! Xin từ bi thương xót, nhớ nghĩ đến con mà thuyết pháp, khiến con luôn được lợi ích lớn và được nhiều an lạc.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu thưa chưa xong thì Vua Ba Tư Nặc Quốc Vương nước Kiều Tát La nghe đồng tử Bà La Môn Ma na bà tâu rõ mọi việc, bèn mau chóng đến chỗ chư Bồ Tát và Đại Thanh Văn, Vua thấy Vương Nữ tự mình ngồi như chư vị kia.
Vua nói: Ở vương cung sung sướng, tại sao con lại ngồi nói như vậy?
Con từ trước đến nay không hề bị tối tăm che lấp, không nhiễm đắm nơi hỷ lạc, chưa từng khởi tâm vọng động.
Vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La liền vì Vương Nữ nói kệ:
Đoan chánh như thiên nữ
Tươi đẹp lại trang nghiêm
Vì sao khởi ác kiến
Lời nói đều không chấp.
Cõi nước ta giàu có
Mẹ lại chìu ý con
Con nhớ nghĩ điều gì
Nói không đắm thân này?
Tất cả quý kính con
Thấy con đều thương mến
Trăm công đức trang nghiêm
Vì sao không ham thích?
Con thấy nghe điều gì
Nơi vui sinh buồn rầu
Ta nói với lòng tốt
Con có ước nguyện gì?
Vương Nữ Đắc Vô Cấu vì Vua cha nói kệ:
Cha không hiểu nhà ác
Mong manh trong các ấm
Hữu vi chỗ dừng, trụ
Như con hát diễn tuồng.
Rắn độc ở trong đó
Mạng sống không hề dừng
Không có tâm an lạc
Làm sao ngủ yên được?
Bốn đại như rắn độc
Ba cõi sướng gì nào
Oán tặc tranh chấp luôn
Đến chốn vắng hiểm trở.
Oan gia, phiền não buộc
Làm sao được an lạc?
Người nào là vui sướng
Làm sao lại đắm vui.
Uống độc sao ngủ yên
Sát hại sao vui được?
Bờ hiểm sao được an?
Mạng người cũng như vậy.
Như Lai nói thí dụ
Tụ hợp như Tu Di
Tâm ý lại điên đảo
Ai tin kiếp vô thường?
Cha mẹ, anh chị em
Tất ca cảnh giới giặc
Con hiểu biết chút ít
Thân hữu đều quấy nhiễu.
Giống như bóng trong gương
Tất cả đều vô thường
Có được bao nhiêu người
Tin điều này không thật.
Mới thấy tự nhiên trí
Liền phát tâm bồ đề
Từ phát tâm đến nay
Chưa mất hạnh Bồ Tát.
Hành Bồ Tát làm sao
Tham nhiễm lạc thế gian?
Con thấy Đức Như Lai
Công đức chẳng nghĩ bàn.
Nghe Thiện Thệ thuyết pháp
Thấy chúng đệ tử Phật
Cho nên không nhớ nghĩ
Năm dục lạc ở đời.
Bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La nghe Vương Nữ nói kệ bèn im lặng không đáp.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu biết Phụ Vương im lặng, liền hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất: Bạch Đại Đức Xá Lợi Phất! Con xin hỏi, mong Tôn Giả từ bi thương xót. Đức Phật thường dạy Đại Đức là bậc trí tuệ đệ nhất.
Thưa Đại Đức! Trí tuệ là gì?
Trí tuệ đó là thường hay vô thường?
Nếu là thường thì như lời Phật thuyết giảng các pháp đều vô thường.
Vậy lời Phật thuyết giảng đó là hư dối, là thuyết pháp mê hoặc chăng?
Nếu là vô thường thì pháp kia không sinh. Nếu pháp chẳng sinh thì pháp đó là không, vậy đâu có điều gì để nêu, tức là không nhớ nghĩ khi nói về pháp trí tuệ.
Vậy do ý nghĩa gì Phật dạy Tôn Giả là bậc trí tuệ đệ nhất trong các vị tôn túc?
Tôn Giả Xá Lợi Phất im lặng không đáp.
Bấy giờ, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất: Sao Nhân giả im lặng không đáp?
Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Cô ta không hỏi tôi về pháp vô thường mà hỏi về phần pháp chẳng sinh cho nên tôi không đáp.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên: Bạch Đại Đức Mục liên! Đức Phật dạy Tôn Giả là vị thần thông đệ nhất.
Thưa Đại Đức! Tôn Giả an trú nơi tưởng của chúng sinh mà thị hiện thần thông hay trụ nơi tưởng của pháp mà thị hiện thần thông?
Nếu trú nơi tướng của chúng sinh thị hiện thần thông mà chúng sinh tức là không thì vì sao Đại Đức lại thị hiện thần thông?
Nếu trú nơi tưởng của pháp để thị hiện thần thông, mà pháp thì không phân biệt. Đại Đức cũng vậy, không có sự phân biệt tức là không phân biệt.
Vậy vì sao Đại Đức lai thị hiện thần thông?
Tôn Giả Mục liên im lặng không đáp.
Bấy giờ Tôn Giả Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử hỏi Tôn Giả Đại Mục liên: Sao Nhân giả im lặng không đáp?
Tôn Giả Mục liên đáp: Cô ta không hỏi tôi ve sự phân biệt. Tôi vốn không phân biệt, không chấp giữ, không phân biệt nơi đạo Bồ Đề của Như Lai, nên tôi không đáp.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Tôn Giả Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử: Bạch Đại Đức Phú Lâu Na! Đức Phật day Đại Đức là vị thuyết pháp bậc nhất.
Đại Đức vì thọ trì mà thuyết pháp hay không thọ trì mà thuyết pháp?
Nếu thọ trì mà thuyết pháp thì cùng với tất cả phàm phu ngu si không khác?
Vì sao?
Vì tất cả hàng phàm phu ngu si đều thọ trì.
Thưa Đại Đức! Như vậy không xa lìa pháp của tất cả hàng phàm phu ngu si. Nếu không thọ trì mà thuyết pháp thì pháp tức đã không có vật.
Vậy tại sao Đại Đức là vị thuyết pháp đệ nhất trong hàng tôn túc?
Tôn Giả Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử im lặng không đáp.
Tôn Giả Đại Ca Diếp hỏi Tôn Giả Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử: Sao Nhân giả im lặng không trả lời?
Tôn Giả Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử đáp: Cô ta không hỏi tôi về nghĩa của Thế đế, lại hỏi tôi về Chân Đế, cho nên tôi không đáp.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Tôn Giả Đại Ca Diếp: Bạch Đại Đức Ca Diếp! Đại Đức đã nhập vào tám giải thoát, nhập rồi lại xuất ra, vì người thuyết pháp. Ở bên hang người nào, cho đến chỉ nhận lấy một chút ít thực phẩm thì những người cúng dường kia đều được sinh thiên.
Vậy theo Đại Đức! Việc thí đó như thế nào?
Vì thân tịnh thí, vì tâm tịnh thí hay vì cả thân, tâm tịnh thí?
Nếu vì thân tịnh thí mà thân tức là vô tri, vô giác, không động, như cỏ cây, như vách, như đất. Thân kia như vậy thì không thể tịnh thí được. Nếu vì tâm tịnh thí mà tâm là như huyễn, không chút nào dừng thì không thể tịnh thí. Nếu thân tâm kia, trong ngoài đều tịnh, thân tâm như vậy càng không thể tịnh thí.
Thân tâm không vật thì làm sao tịnh thí?
Tôn Giả Đại Ca Diếp im lặng không đáp.
Khi đó, Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi Tôn Giả Đại Ca Diếp: Sao Nhân giả im lặng không đáp?
Tôn Giả Đại Ca Diếp đáp: Cô ta không hỏi tôi về pháp chọn lấy mà hỏi tôi về pháp không chọn lấy, nên tôi không đáp.
Vương Nữ Đắc Vô Cấu hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Bạch Đại Đức Tu Bồ Đề! Đức Phat dạy Đại Đức là vị hành hạnh A Lan Nhã đệ nhất.
Thưa Đại Đức! A Lan Nhã là có vật tu hay có pháp tu. Nếu có vật tu thì là vô thường.
Nếu có pháp tu mà pháp thì không có tướng sinh, không có tướng diệt. Pháp với tướng bất sinh, bất diệt thì pháp đó là bình đẳng. Nếu bình đẳng thì chẳng phải bình đẳng. Nếu chân như thì chẳng phải là chân như, không động, không chuyển.
Nếu không động chuyển thì pháp đó không thể thuyết giảng. Nếu không thể thuyết giảng thì nó là không thể nghĩ bàn. Nếu không thể nghĩ bàn thì nó không thể nêu bày. Nếu không thể nêu bày thì nó không vật. Nếu không vật thì nó không thật. Nếu không thật thì Thánh Nhân không nêu bày.
Tôn Giả Tu Bồ Đề im lặng không đáp.
***