Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Hai - Pháp Hội Vô úy đức Bồ Tát

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
 

PHÁP HỘI THỨ BA MƯƠI HAI

PHÁP HỘI VÔ ÚY ĐỨC BỒ TÁT
 

PHẦN MỘT
 

Như vậy tôi nghe một lúc Đức Bà Già Bà ở thành Vương Xá trong núi Kỳ Xà Quật cùng năm trăm Tỳ Kheo câu hội Chư Đại Bồ Tát vô lượng vô biên có tám Đại Bồ Tát làm thượng thủ, đều được tam muội và Đà La Ni, khéo nhập ba môn giải thoát không vô tướng vô nguyện, thiện xảo các thần thông, được vô sanh pháp nhẫn, danh hiệu các Ngài là:

Di Lâu Bồ Tát, Đại Di Lâu Bồ Tát, Thường Nhập Định Bồ Tát, Thường Tinh Tiến Bồ Tát, Bảo Thủ Bồ Tát, Thường Hỉ Căn Bồ Tát, Bạt Đà Bà La Bồ Tát, Bảo Tướng Bồ Tát, La Hầu Bồ Tát, Thích Thiên Bồ Tát, Thủy Thiên Bồ Tát, Thượng Ý Bồ Tát, Thắng Ý Bố Tát, Tăng Thượng Ý Bồ Tát, có tám ngàn Đại Bồ Tát như vậy làm thượng thủ.

Đức Thế Tôn ở Vương Xá thành được Nhà Vua các Vương Tử, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ tôn trọng tán thán cúng dường. Đức Thế Tôn có đủ vô lượng trăm ngàn vạn chúng cung kính vây quanh mà vì họ thuyết pháp.

Bấy giờ Chư Tôn Giả Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Tu bồ đề, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, Ly Bà Đa, A Thấp Bà, Ưu Ba Ly, La Hầu La, A Nan, vô lượng Chư Đại Thanh Văn như vậy buổi sáng chỉnh y cầm bát vào thành Vương Xá đến từng nhà đúng như pháp mà khất thực không có duyên gì khác, lần lần đi đến trước cung điện của Vua A Xà Thế, đồng đứng yên lặng chẳng nói khất thực hay chẳng khất thực.

Vua A Xà Thế có người con gái tên Vô Úy Đức đoan chánh xinh đẹp vô song thành tựu công đức tối thắng thù diệu mới mười hai tuổi mang guốc vàng bảo đang ngồi trên cung lầu thấy Chư Thanh Văn mà chẳng đứng dậy vẫn yên lặng ngồi tại chỗ.

Vua A Xà Thế thấy vậy mới bảo rằng: Con chẳng thấy chư vị ấy là đệ tử thượng túc của Đức Thích Ca Như Lai đã thành tựu đại pháp làm phước điền cho thế gian vì thương chúng sanh mà các Ngài đi khất thực. Nay con được thấy các Ngài sao con chẳng dậy chẳng nghênh chẳng lễ chẳng hỏi han lại chẳng nhường chỗ ngồi.

Con thấy sự gì mà chẳng đứng dậy tiếp nghênh?

Vô Úy Đức tâu Phụ Vương: Chẳng hay Phụ Vương có thấy có nghe Chuyển Luân Thánh Vương thấy các Tiểu Vương mà đứng dậy tiếp nghênh chăng?

A Xà Thế Vương nói: Không dậy tiếp nghênh.

Vô Úy Đức lại tâu: Phụ Vương có thấy có nghe lúc sư tử chúa muông thú thấy các dã can liền đứng dậy tiếp nghênh chăng?

A Xà Thế Vương nói: Không có sự ấy.

Vô Úy Đức lại tâu: Phụ Vương có thấy có nghe Đế Thích Thiên Vương tiếp nghênh Chư Thiên Tử, đại Phạm Thiên Vương lễ kính Thiên Chúng chăng?

A Xà Thế Vương nói: Không có sự ấy.

Vô Úy Đức lại tâu: Phụ Vương có thấy có nghe thần biển lớn lễ kính các thần sông thần ao chăng?

A Xà Thế Vương nói: Không có sự ấy.

Vô Úy Đức lại tâu: Phụ Vương có thấy có nghe Tu Di Sơn Vương lễ kính các Sơn Vương khác chăng?

A Xa Thế Vương nói: Không có sự ấy.

Vô Úy Đức lại tâu: Phụ Vương có thấy có nghe thần nhật nguyệt lễ kính trùng đom đóm chăng?

A Xà Thế Vương nói: Không có sự ấy.

Vô Úy Đức tâu: Phụ Vương nên biết Bồ Tát phát tâm xu hướng vô thượng bồ đề dùng đại từ bi sao lại lễ kính hàng Thanh Văn rời lìa tâm đại bi!

Đâu có Sư Tử Vương Bồ Tát cầu đạo vô thượng, Chánh Chân Chánh Giác lại lễ các dã can tiểu thừa!

Đâu có Bồ Tát đã cầu đạo đại phạm thanh tịnh tiến lên vô thượng bồ đề lại nên thân cận hàng Thanh Văn thiện căn kém ít!

Đâu có người muốn đến biển lớn đại trí muốn cầu khéo biết khối đại pháp mà lại còn cầu dấu chân trâu, vì hàng Thanh Văn nghe âm thanh từ nơi người khác vậy.

Đâu có người muốn đến núi Phật Tu Di để cầu sắc thân vô biên của Như Lai mà lại cầu sức không tam muội trong hột cải của hàng Thanh Văn mà đi lễ họ.

Đâu có người đã được nghe công đức trí huệ của Chư Phật như nhật Nguyệt Quang lại lễ kính hàng Thanh Văn để cầu lửa sáng đom đóm, vì hàng Thanh Văn chỉ có thể tự lợi tự soi từ người khác nghe âm thanh mà được hiểu vậy.

Tâu Phụ Vương! Sau khi các Đức Phật nhập Niết Bàn còn chẳng kễ kính hàng Thanh Văn huống là nay Đức Thế Tôn còn tại thế gian.

Tại sao?

Vì nếu người nào thân cận hàng Thanh Văn tất phát tâm Thanh Văn, người nào thân cận hàng Duyên Giác tất phát tâm Duyên Giác, có ai gần gũi Đấng Chánh Chân Chánh Giác tất phát tâm vô thượng bồ đề.

Nói xong, Vô Úy Đức liền dùng kệ báo cáo Phụ Vương A Xà Thế:

Ví như người đến biển

Mà lấy một văn tiền

Tôi thấy Chư Thanh Văn

Tu hành cũng như vậy

Đến biển đại pháp rồi

Bỏ khối báu Đại Thừa

Mà khởi tâm hẹp kém

Tu hành đạo tiểu thừa

Như người thân cận Vua

Xuất nhập không chướng ngaị

Theo Vua xin một tiền

Người này uổng gần Vua

Cung kính gần Luân Vương

Xin của vật trăm ngàn

Giúp vô lượng kẻ nghèo

Đây là khéo gần Vua

Như người xin một tiền

Thanh Văn cũng như vậy

Chẳng cầu chân giải thoát

Mà lấy tiểu Niết Bàn

Nếu khởi tâm hẹp kém

Tự lợi chẳng tự tha

Dường như Tiểu Y Sư

Chì hay trị thân mình

Ví như Đại Y Vương

Trị bệnh rất nhiều người

Khéo sanh lòng từ bi

Được cung kính danh tiếng

Y Sư được thế lợi

Vì được biết y phương

Tự độ chẳng độ tha

Người trí chẳng cung kính

Như Y Vương thiện xảo

Thông đạt các Y Vương

Cứu vô lượng ngàn ức

Các chúng sanh bệnh khổ

Y Vương được thế gian

Cung kính và danh tiếng

Người phát tâm bồ đề

Khắp trị bệnh phiền não

Như rừng Tì Ma kia

Hoa hương bóng chẳng tốt

Thanh Văn như Tì Ma

Chẳng phát tâm cứu thế

Như chỗ Thọ Vương lớn

Nhiều người được lợi ích

Chư Bồ Tát cũng vậy

Hay lợi ích mọi người

Chẳng dùng nắng mùa thu

Hay cạn dòng nước nhỏ

Đến cạn biển cả rồi

Hay chứa vô lượng chúng

Đạo Thanh Văn kém hẹp

Dường như dấu chân trâu

Chẳng dứt được tất cả

Phiền não của chúng sanh

Chẳng phải lên núi nhỏ

Mà hiện kim sắc thân

Chỉ lên núi Tu Di

Đều thấy thân kim sắc

Nên biết Chư Bồ Tát

Cũng như núi Tu Di

Do Bồ Tát trụ thế

Thế gian được giải thoát

Đều là một sắc thân

Đầy đủ nhất thiết trí

Trí Thanh Văn chẳng vậy

Dường như sương buổi sáng

Chẳng lợi được cho đời

Vì họ chẳng chứng pháp

Như mưa lớn tăng trưởng

Lợi ích vô lượng loài

Thanh Văn như sương mai

Bồ Tát như mưa lớn

Thân cận được đại pháp

Như sức biển nhận nhiều

Như hoa héo ném bỏ

Không còn hương thơm đẹp

Mọi người chẳng thích nó

Chỉ ưa hoa Chiêm Bặc

Như cầu thanh Liên Hoa

Đẹp thơm rất kỳ diệu

Hoa bỏ như Thanh Văn

Trì hẹp chẳng lợi người

Như hoa Chiêm Bặc kia

Bồ Tát cũng như vậy

Vì thương mến chúng sanh

Hay hóa độ chúng sanh

Phụ Vương có từng biết

Gì là đại kỳ đặc

Một người tại đồng hoang

Lợi ích nhiều người vậy

Nếu muốn an ổn tốt

Độ vô lượng chúng sanh

Phải phát tâm bồ đề

Chó theo đạo tiểu thừa

Trong thế gian đồng hoang

Hay cứu chúng lạc đường

Như nhà hướng đạo kia

Bồ Tát cũng như vậy

Phụ Vương có từng thấy

Bè nhỏ qua biển lớn

Chỉ ngồi thuyền tơ kia

Hay đưa vô lượng chúng

Thanh Văn là bè nhỏ

Bồ Tát như thuyền to

Tu pháp đạo xong rồi

Khiến vượt biển đói khát

Phụ Vương có từng thấy

Cưỡi lừa hay nhập trận

Chỉ thầy ngồi voi ngựa

Chiến đấu mà đắc thắng

Thanh Văn như xe lừa

Bồ Tát như Long Tượng

Hàng ma ngồi đạo thọ

Độ vô lượng chúng sanh

Như hư không giữa đêm

Chẳng thấy tinh tú hiện

Ví trăng tròn sáng rỡ

Chiếu khắp châu Diêm Phù

Thanh Văn như tinh tú

Bồ Tát như Trăng tròn

Vì thương mến chúng sanh

Thị hiện Đạo Niết Bàn

Lửa sáng đom đóm kia

Không thể dùng làm việc

Nhật nguyệt chiếu Diêm Phù

Làm được mọi sự việc

Thanh Văn như lửa đóm

Chẳng được lợi ích nhiều

Phật có sáng giải thoát

Thương xót các chúng sanh

Tiếng dã can kêu la

Chẳng làm muông thú sợ

Chỉ có sư tử chúa

Gầm lên chim bay rớt

Nên biết hàng Thanh Văn

Chẳng phát tâm bồ đề

Chẳng vì lợi ích chúng sanh

Trừ tất cả phiền não

Vì thấy biết như vậy

Chẳng phát tâm Thanh Văn

Đã đại phát tâm rồi

Sao lại còn phát tiểu

Đã được thân người tốt

Nên phát tâm vô thượng

Cứu độ tất cả chúng

Vứt bỏ đạo tiểu thừa

Được thân thế gian tốt

Lại được lợi thế gian

Khéo đến tại thế gian

Mà phát tâm vô thượng

Mong cầu đạo vô thượng

Cứu độ các chúng sanh

Hay tự lợi lợi tha

Người này đang được khen

Cũng được đời tôn trọng

Và được đạo cứu cánh

Vì thế hôm nay tôi

Chẳng lễ kính Thanh Văn.

Vua A Xà Thế bảo Vô Ý Đức: Con đại ngã mạn, sao thấy Chư Đại Thanh Văn lại chẳng phụng nghênh?

Vô Úy Đức tâu: Phụ Vương chớ bảo như vậy.

Phụ Vương cũng ngã mạn, sao Phụ Vương chẳng phụng nghinh những người nghèo cùng trong thành Vương Xá này?

Vua nói: Họ chẳng đồng hàng với ta, sao ta lại phụng nghênh?

Vô Úy Đức tâu: Sơ tâm Bồ Tát cũng như vậy, tất cả Thanh Văn và Duyên Giác chẳng đồng hàng.

Vua nói: Con há chẳng thấy Chư Bồ Tát lễ kính tất cả chúng sanh ư?

Vô Úy Đức nói: Bồ Tát vì độ các chúng sanh kiêu mạn sân não khiến họ phát khởi tâm hồi hướng đại đạo nên lễ kính tất cả chúng sanh, vì tăng trưởng gốc thiện căn cho các chúng sanh mà Bồ Tát lễ kính. Nhưng nay Chư Thanh Văn không tâm sân hận lại cũng chẳng tăng trưởng thiện căn được.

Dầu trăm ngàn Chư Phật vì họ mà nói diệu pháp nhưng nơi giới định huệ họ đã được vẫn không tăng thêm. Thanh Văn như khối lưu ly, Bồ Tát như chiếc bình báu lớn. Bình nếu đã đầy lúc Trời mưa không chứa thêm được một giọt.

Cũng vậy, dầu trăm ngàn Chư Phật vì hàng Thanh Văn nói diệu pháp họ cũng chẳng được lợi ích chẳng tăng thêm giói định huệ, họ chẳng thể làm cho chúng sanh phát tâm đến Nhất thiết trí.

Ví như đại hải có thể nhận nước của tất cả sông và mưa mây, tại sao, vì đại hải là cái bình vô lượng vậy. Chư Bồ Tát lúc diễn thuyết pháp tùy chỗ người được nghe được phước lợi lớn tăng trưởng tất cả gốc các thiện căn, tại sao, vì Chư Bồ Tát là chiếc bình ngôn thuyết vô biên vậy. Vua A Xà Thế nghe Vô Úy Đức nói những lời trên thì nín lặng ngồi yên.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất tự nghĩ rằng: Vô Úy Đức này được đại biện tài có thể ngôn thuyết vô tận như vậy, nay ta đến hỏi nàng ít lời xem nàng có đắc nhẫn chăng.

Tôn Giả liền đến hỏi Vô Úy Đức rằng: Nay cô an trụ Thanh Văn thừa ư?

Đáp: Không ạ.

Hỏi: Nay cô an trụ Duyên Giác thừa ư?

Đáp: Không ạ.

Hỏi: Nếu như vậy thì cô an trụ thừa nào mà có thể sư tử hống như vậy?

Đáp: Giả sử nay tôi có thể an trụ thì tất chẳng thể làm sư tử hống, do tôi không chỗ trụ nên tôi có thể làm sư tử hống. Nhưng Xá Lợi Phất nói an trụ thừa nào, như pháp được Ngài chứng đắc, pháp ấy há lại có thừa sai khác ư, là Thanh Văn thừa, là Duyên Giác thừa, là Đại Thừa ư.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Cô nghe tôi nói, pháp tôi được chứng không có tướng thừa chẳng phải thừa sai khác, vì là nhứt tướng, nghĩa là vô tướng vậy.

Vô Úy Đức nói: Nếu pháp vô tướng thì thế nào cầu được?

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Pháp Chư Phật cùng pháp phàm phu có tướng thắng phụ sai biệt gì?

Vô Úy Đức nói: Không và tịch tĩnh có sai biệt gì?

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Không có sai biệt.

Vô Úy Đức nói: Như không và tịch tĩnh không có tướng sai biệt, pháp Chư Phật cùng pháp phàm phu không có tướng thắng phụ sai biệt. Lại như hư không hay thọ các sắc mà không có sai biệt, pháp Chư Phật cùng pháp phàm phu không có tướng sai biệt cũng không có dị tướng.

Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên nói với Vô Úy Đức rằng: Cô thấy Phật Pháp cùng Thanh Văn pháp có sai khác gì mà nay cô thấy hàng đại Thanh Văn cô chẳng dậy tiếp đón chẳng nhường giường ghế?

Vô Úy Đức nói: Giả sử tinh tú đầy Trời cũng chẳng chiếu sáng thế gian. Hàng Thanh Văn cũng vậy, vì lúc nhập định mới có trí thấy biết, lúc chẳng nhập định thì không hay biết.

Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên nói: Nếu chẳng nhập định thì chẳng biết được tâm chúng sanh.

Vô Úy Đức nói: Đức Phật chẳng nhập định mà có thể ở trong hằng hà sa Thế Giới tùy chỗ nên mà thuyết pháp độ các chúng sanh,vì khéo biết tâm họ vậy. Đây là thắng sự của Chư Phật Như Lai. Hàng Thanh Văn như tinh tú ánh sáng kém yếu làm sao so sánh được.

Lại này Đại Mục Kiền Liên Tất cả Thanh Văn có ai biết được bao nhiêu Thế Giới thành bao nhiêu Thế Giới họa chăng?

Đáp: Chẳng biết được.

Hỏi: Hàng Thanh Văn có ai biết được bao nhiêu Chư Phật đã nhập Niết Bàn, bao nhiêu Chư Phật vị lai sẽ nhập và bao nhiêu Chư Phật hiện tại nay nhập Niết Bàn chăng?

Đáp: Chẳng biết được.

Hỏi: Hàng Thanh Văn có ai biết được có bao nhiêu chúng sanh nhiều tham dục, bao nhiêu chúng sanh nhiều sân hận, bao nhiêu chúng sanh nhiều ngu si và bao nhiêu chúng sanh nhiều đẳng phần chăng?

Đáp: Chẳng biết được.

Hỏi: Hàng Thanh Văn có ai biết được bao nhiêu chúng sanh thọ Thanh Văn thừa, bao nhiêu chúng sanh thọ Duyên Giác thừa và bao nhiêu chúng sanh thọ Phật thừa chăng?

Đáp: Chẳng biết được.

Hỏi: Hàng Thanh Văn thừa có ai biết được bao nhiêu chúng sanh Thanh Văn độ, bao nhiêu chúng sanh Duyên Giác độ và bao nhiêu chúng sanh Chư Phật độ được chăng?

Đáp: Chẳng biết được.

Hỏi: Hàng Thanh Văn có ai biết được bao nhiêu chúng sanh tại chánh định tụ chánh kiến và bao nhiêu chúng sanh tại tà định tụ chăng?

Đáp: Chẳng biết được.

Vô Úy Đức nói: Này Đại Mục Kiền Liên! Duy có Đức Như Lai Chánh Chân Chánh Giác khéo biết như thiệt chúng sanh giới mà vì họ thuyết pháp. Sự việc như vậy chẳng phải cảnh giới Thanh Văn Duyên Giác huống là các chúng sanh khác. Nên biết đây là sự việc thù thắng của Đức Như Lai, vì Đức Như Lai có đủ nhất thiết trí vậy. Tất cả Thanh Văn và Duyên Giác không có được.

***