Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Hiển, Đời Đông Tấn
PHẨM NĂM
PHẨM TRƯỜNG THỌ
Bấy giờ Thế Tôn bảo khắp chúng hội: Này các thiện nam và các thiện nữ! Ở trong ba pháp và các giới luật, ai còn hoài nghi nay mau thưa hỏi. Đức Phật gặn hỏi ba lần như vậy.
Bấy giờ chúng hội có vị Bồ Tát ở thôn Na La, họ Ca Diếp Thị, dòng Bà La Môn, nương oai thần Phật từ nơi chỗ ngồi đứng dậy chỉnh y trịch bên vai hữu, lễ Phật sát chân, nhiễu trăm ngàn vòng, gối phải chấm đất, dùng hương hoa Trời cúng dường Đức Phật, xong bạch Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Con nay muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn từ bi thương xót giảng bày rộng cho.
Phật bảo Ca Diếp, bậc Đại Bồ Tát: Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cho phép ông hỏi, và giải đáp cho.
Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Những lời con hỏi đều nhờ oai lực của Đức Như Lai, cũng nhờ thiện căn của mọi chúng sinh. Ngày nay Như Lai lấy bốn chúng lớn toàn là Hiền Thánh dùng làm quyến thuộc, các Đại Sư tử dùng làm quyến thuộc, lực sĩ Kim Cang dùng làm quyến thuộc, diệu trí đại hải dùng làm quyến thuộc, chư vị Bồ Tát trong chúng hội này đều đã thành tựu vô lượng công đức… những chúng như vậy dùng làm quyến thuộc.
Còn chúng con đây phàm phu thấp kém, nếu có nghi ngờ mà không nương nhờ thần lực Như Lai gia trì giúp đỡ thì không thể nào đủ sức thưa hỏi.
Vì vậy hôm nay con giám thưa hỏi là phải biết rằng đều nhờ thần lực của Đức Như Lai, liền ở trước Phật dùng kệ hỏi rằng:
Làm sao được trường thọ
Thân Kim Cang bất hoại?
Khế Kinh nghĩa thậm thâm
Làm sao để thọ trì?
Bồ Tát độ chúng sinh
Thuyết pháp có căn cơ
Người nào kham nhận được
Làm chỗ tựa chân thật?
Dù chưa đạt La Hán
Cũng mong được ngang bằng.
Ma hay Phật nói pháp
Làm sao phân biệt được?
Làm sao biết bình đẳng
Nghĩa của bốn Thánh đế
Và bốn tướng điên đảo
Hành khổ, không, vô ngã
Bồ Tát làm sao thấy
Tánh khó thấy của Phật?
Làm sao được đầy đủ
Hiểu nghĩa của bán tự?
Làm sao khéo hóa hiện
Như nhạn, hạc, Xá Lợi?
Làm sao có trí tuệ
Sáng tựa mặt trời, trăng?
Sao làm bậc Bồ Tát?
Nguyện thương con nói rõ
Các pháp môn như vậy
Vô lượng nghĩa thậm thâm
Chúng con đều muốn biết
Nên mới hỏi lời này
Dám xin hỏi Như Lai
Cảnh giới của Chư Phật?
Phật bảo Ca Diếp: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Ông đã dần đến Nhất thiết chủng trí của Đức Như Lai mới có khả năng hỏi về nghĩa lý thâm sâu Kinh này. Số Chư Phật nhiều như cát ở trong A tăng kỳ Sông Hằng, bất cứ phương nào, từ xưa đến nay, tại Thế Giới này đều ngồi nơi Đạo Tràng dưới gốc cây Bồ Đề mà thành Đẳng Chánh Giác.
Và họ vốn là Bồ Tát đắc đạo bồ đề và đã lần lượt khai ngộ đều nhờ thưa hỏi Pháp Tạng thâm sâu của Đức Như Lai. Ngày nay các ông cũng lại như vậy, hay đem cảnh giới Nhất thiết chủng trí mà thưa hỏi ta, nhờ đó an lạc tất cả chúng sinh.
Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Con không kham nhận hỏi về cảnh giới nhất thiết chủng trí của Đức Thế Tôn. Thí như con muỗi, con ve không thể vượt qua biển lớn đến bờ bên kia, và không thể bay cùng khắp hư không, cũng không thể nào uống hết nước biển.
Con cũng như vậy, không thể kham nhận trí tuệ thâm sâu dường như biển cả, rộng lớn bao la trùm cả hư không của Đức Như Lai mà được vô úy.
Kính bạch Thế Tôn! Lại như Đại Vương có viên minh châu ở trong búi tóc, giao người giữ kho cẩn thận gìn giữ như giữ đầu mình. Con cũng như vậy, nay hỏi Như Lai chánh pháp thâm sâu, Như Lai giảng rộng dứt trừ lưới nghi.
Phật bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! Nay ta sẽ nói nghiệp nhân trường thọ bậc Đại Bồ Tát, thực hành nghiệp này là nhân Đẳng Giác, các ông lắng nghe, khéo suy nghĩ kỹ. Nghe bổn hạnh đó rồi vì người khác giảng nói rộng rãi, nhờ đó được sinh trí tuệ Đẳng Giác.
Này thiện nam tử! Ta cũng nhờ sự thực hành nghiệp đó và nói rộng rãi cho người khác nghe mà được chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Thí như Đại Vương có con phạm tội nhốt trong ngục tù, vì để cứu con nên phải ân xá cho mọi tù nhân.
Bồ Tát cũng vậy, tu nghiệp trường thọ nên thương chúng sinh, y như con một, đối với chúng sinh, đại từ đại bi, đại hỷ đại xả, giữ gìn tịnh giới, không hại chúng sinh, an lập tất cả chúng sinh vào nghiệp năm giới, thập thiện, tùy theo sức mình cứu giúp chúng sinh trong đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đoạn từ tất cả nghiệp duyên ác thú.
Giải thoát cho kẻ chưa được giải thoát, độ người chưa độ, chí nguyện kiên cường, thành trí phương tiện. Nhờ hạnh nghiệp này được quả y báo trường thọ vô cùng, thành đại diệu trí, vô úy, tự tại. Bồ Tát như vậy viễn ly sinh tử.
Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Như lời Thế Tôn, bậc Đại Bồ Tát xem khắp chúng sinh y như con một, nghĩa này thế nào?
Nếu nói Bồ Tát xem khắp chúng sinh y như con một chắc là không có.
Vì sao như vậy?
Bởi trong Phật Pháp người nào phạm giới, gây tội ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp, thì những người này có xem họ như con một được không?
Thế Tôn trả lời: Đúng vậy Ca Diếp! Ta xem chúng sinh như La Hầu La.
Ca Diếp bạch Phật: Nếu nói như vậy tại sao lần nọ, vào đêm mười lăm, nhằm kỳ Bố Tát, Chúng Tăng thanh tịnh, thì có Đồng Tử chưa thọ cụ túc lén trộm nghe giới, lúc ấy đại thần lực sĩ Kim Cang vâng thần ý Phật cầm chày Kim Cang đập Đồng Tử ấy nát thành tro bụi, như vậy gọi là thương khắp chúng sinh như con một sao?
Phật bảo Ca Diếp: Chớ nói như vậy! Kẻ Đồng Tử kia chỉ là hóa nhân, vì muốn minh chứng ở trong chánh pháp những kẻ phạm tội sẽ bị tẫn xuất để dạy những kẻ đời sau có tâm trộm giới và bọn nhất xiển đề có ác tâm tiềm phục.
Như Vua, Đại Thần bắt kẻ phạm pháp tùy tội mà trị. Phật cũng như vậy, có người hoại pháp, dùng lý trừng phạt, khiến người phạm tội tự thấy ác báo.
Như Lai thường lấy ánh sáng tự thân an ủi chúng sinh, khiến cho chúng nó không sợ và cũng không bị ám hại. Tuy có chúng sinh không gặp ánh sáng cho đến khi chết, nhưng Đức Như Lai đối với người đó không bỏ đại từ.
Lại nữa Ca Diếp! Các ông phải biết nghĩa lý bí mật của Đức Như Lai. Nay sẽ nói thêm, này ông Ca Diếp, thí như nơi nào có các Tỳ Kheo trì giới thanh tịnh, đạo đức thuần nhất, đầy đủ uy nghi, Như Lai cõi ấy đã Bát Nê Hoàn, có các Tỳ Kheo không chịu giữ giới, vì Chúng Tăng đó không có Đại Sư, có người vô đạo, não hại các vị Tỳ Kheo giữ giới.
Bấy giờ Quốc Vương mến mộ Phật Pháp, trị những kẻ ác, hoặc đuổi khỏi nước. Vì Vua có công trừng trị kẻ ác, an lập chánh pháp, cho nên gặt được bước báo vô lượng.
Bởi vì sao thế?
Vì phạt kẻ ác, an lập đại pháp. Lại nữa có người, trong vườn nhà họ mọc đầy cây độc, họ liền đốn sạch. Trong pháp cũng vậy, những người phạm giới, nhiễu loạn chánh pháp, như hại chủ nô, đều bị tẫn xuất. Nếu không tẫn xuất, phải biết bọn này quay lưng với ta, lìa xa chánh pháp. Nếu bị tẫn xuất là đệ tử ta.
Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Theo như nghĩa này, thì chẳng bình đẳng xem mọi chúng sinh y như con một, thí như bình đẳng xem người ân, oán, lời này trái nhau.
Nếu nói Như Lai phải trị những kẻ phá hoại chánh pháp, nghĩa này thế nào?
Phật bảo Ca Diếp: Như Vua, Đại Thần, Trưởng Giả, Cư Sĩ sinh con đoan chính, thông minh lanh lợi, giữa đời hiếm có, ai cũng mến yêu.
Người cha đem con đến nhà thầy giáo học các kỹ nghệ, nói với thầy rằng: Tôi có đứa con, phước đức đoan chính, chưa học kỹ nghệ, thầy hãy vì tôi dạy nó nên người, nếu không như pháp cần nghiêm khắc trị. Tôi có bốn con, đều học nơi thầy. Giả sử ba đứa bị đòn mà chết, một đứa còn lại cũng phải nghiêm trị để nó nên người, dẫu chết không hối.
Phật bảo Ca Diếp: Ý ông nghĩ sao?
Cha, mẹ, thầy giáo nghiêm khắc dạy dỗ đứa trẻ đến nỗi khiến nó mất mạng, thì cha, mẹ, thầy, phạm tội sát không?
Ca Diếp bạch Phật: Thưa không, Thế Tôn! Vì lòng thương con, muốn nó nên người, tuy có đánh đòn nhưng không ác ý, dạy dỗ như vậy được phước vô lượng, không mang tội sát.
Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, những kẻ phạm giới, phá hoại chánh pháp ta đều thương yêu, y như con ta, từ mẫn dạy dỗ, muốn họ thành tựu. Những ai phạm giới, phá hoại chánh pháp, dù nghiêm khắc trị vẫn không có lỗi.
Vì vậy phải biết, bậc Đại Bồ Tát xem khắp chúng sinh y như con một. Tu tập tam muội bình đẳng như vậy, tâm không sát hại gọi đó chính là trí tuệ tự tại, nghiệp nhân trường thọ của hàng Bồ Tát.
Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Xem khắp chúng sinh y như con một, bậc Đại Bồ Tát tu hành như vậy được trường thọ chăng?
Phật đáp: Đúng vậy! Bồ Tát Ca Diếp lại bạch Phật rằng: Cúi xin Thế Tôn đừng nói nghĩa này, như trẻ nít đùa, nói làm không thật.
Kính bạch Thế Tôn, thí như trẻ con trong khi đóng kịch, dùng lời ca ngợi, đem các phẩm vật cúng dường mẹ cha, nhưng khi về nhà ngỗ nghịch bất hiếu, làm khổ mẹ cha, không báo đáp ân sinh thành dưỡng dục.
Thế Tôn cũng vậy, nói Đại Bồ Tát thương khắp chúng sinh y như con một, nhờ công đức này bèn được trường thọ, trí tuệ tự tại, thường trụ bất tử, vậy mà hôm nay tuổi thọ Thế Tôn chỉ bằng người đời.
Phải chăng Thế Tôn trong vô số kiếp đối với chúng sinh ôm lòng nghĩ tưởng thường dùng đao kiếm?
Kỳ thay, Thế Tôn! Ngài bị đoản thọ là do quả báo sát hại chúng sinh, giống như người đời chỉ có trăm tuổi.
Tuổi thọ Bồ Tát, còn không như vậy, huống là Như Lai?
Phật bảo Ca Diếp: Đứng trước Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Giác, chớ nên buông ra những lời thô tục.
Này thiện nam tử! Phải biết Như Lai trường thọ vô lượng. Phải biết Như Lai là pháp thường trụ. Phải biết Như Lai là pháp không đổi. Phải biết Như Lai là pháp bất hoại.
Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Làm sao biết được Như Lai trường thọ?
Phật bảo Ca Diếp: Như Diêm Phù Đề có tám sông lớn và những dòng suối đều chảy ra biển, không bao giờ dứt. Phải biết biển lớn là nơi dung chứa nước của muôn dòng.
Như Lai cũng vậy, bao nhiêu thọ mạng của hàng Trời, người đều chảy vào biển thọ mạng Như Lai. Do ý nghĩa này mà biết thọ mạng Như Lai vô lượng.
Lại nữa Ca Diếp! Thí như hư không thường trụ bất biến. Như Lai thường trụ cũng y như vậy. Cũng như đề hồ là thuốc tươi mát, hay trừ nhiệt não, Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thường lấy pháp dược thanh lương đề đồ trừ mọi khổ nạn cho khắp chúng sinh. Vì vậy Như Lai thường trụ, thanh lương, không có các thứ hoạn nạn, phiền não.
Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Nếu Đức Như Lai thọ mạng vô lượng, lại muốn an lạc tất cả chúng sinh, ngày nay Thế Tôn nên trụ lại đời hoặc là một kiếp hoặc hơn một kiếp, dùng pháp thanh lương như tuôn mưa xuống cho mọi chúng sinh. Cúi xin Thế Tôn thương xót trụ thế.
Phật bảo Ca Diếp: Chớ nên đối với Đức Phật Như Lai sinh tâm diệt tận. Các hàng Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, hàng Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di, cùng hàng ngoại đạo còn có năm đức, có thể kéo dài tuổi thọ một kiếp hoặc hơn một kiếp, ở giữa hư không kinh hành, nằm ngồi rất là tự tại, hông phải phun lửa, hông trái tuôn nước, thân tỏa ra khói, có thể khiến cho thân lớn vô cùng, có thể khiến cho thân như hạt bụi lọt mọi kẻ hở.
Có năm đức này liền được thần lực tự tại như vậy, huống gì Như Lai thành tựu tất cả công đức vô lượng mà không khả năng trụ lại ở đời hoặc là một kiếp, hoặc hơn một kiếp?
Vì vậy phải biết Như Lai thường trụ, không phải là pháp thay đổi, hư hoại, phải biết thân này không phải là thân thụ dụng thức ăn, ở Thế Giới này là thân ứng hóa, như cây thuốc độc nay phải bỏ đi.
Vì vậy Ca Diếp, phải biết pháp thân Như Lai thường trụ, không phải là thân thay đổi, hư hoại, phải vì người khác rộng nói như thế.
Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Các pháp thế gian và xuất thế gian, có gì khác nhau?
Phật từng dạy rằng: Như Lai thường trụ mà người thế gian cũng nói thường trụ, con là Ca Diếp cũng từng nghe nói tiên sư Phạm Thiên vốn có thần lực thường hay tới lui, chu du khắp chốn. Nếu Đức Như Lai là pháp thường trụ, thì pháp thế gian và xuất thế gian chưa thấy có gì khác nhau hết cả.
Phật bảo Ca Diếp: Như ông trưởng giả có con bò sữa giao cho người giữ, sai nó nuôi dưỡng, thả riêng đồng trống, chỗ không cỏ độc, không thả chung đàn, không cột chung chuồng, thương yêu chăm sóc, vì muốn có được thục tô tốt nhất cung cấp quyến thuộc.
Không bao lâu sau, trưởng giả qua đời, người chăn bò kia cũng chết sau đó. Lúc ấy có người dân quê đi qua trong vùng đầm vắng được con bò ấy liền dắt đem về, lấy sữa nuôi thân, muốn làm sinh tô, nhưng không biết cách, chứa sữa trong bồn không được tinh sạch, lạnh nóng không hợp nên chẳng thành sinh, cũng chẳng thành tô, lại lấy sữa hư cho là lạc, tô.
Đã tưởng lạc, tô nên lấy mà ăn. Chúng sinh ngu si, cũng y như vậy. Chánh pháp trong sạch, diệu nghĩa sâu rộng, Phật đã diệt độ như chủ bò chết, chúng sinh sống trong đầm lầy sinh tử như người dân quê, lấy trí thế tục đối với chánh pháp, luật nghi trong sạch tưởng thành điên đảo, bảo có chúng sinh, ta, người, thọ mạng, cho là giải thoát, cho là thường trụ.
Các chúng sinh này bị tà hoặc che, không biết giải thoát, chẳng biết thường trụ, học theo dị kiến, chẳng được giải thoát, xa lìa chân đế, bỏ hạnh luật nghi, không biết Như Lai, là pháp thường trụ, như người dân quê ngu si chẳng được năm loại sữa bò, tự nói ăn tô mà thật chẳng được một vị nào cả trong năm vị sữa.
Những kẻ thế tục chấp rằng Phạm Thiên là đấng tạo hóa, nói rằng là thường, rằng là chúng sinh, rằng là giải thoát, nhờ cầu Phạm Thiên, tu chút phạm hạnh, như lìa tà dâm, hiếu dưỡng cha mẹ, được ít phước báo sinh lên Cõi Trời, hưởng phước tự nhiên như người dân quê ăn loại sữa hư.
Này thiện nam tử! Những người thế tục tu chút phạm hạnh, cúng dường cha mẹ, nhưng nếu không chịu quy y Tam Bảo, phải biết người ấy có chút quả báo, không được lâu dài.
Cúng dường cha mẹ, không hành tà dâm…, sẽ được quả báo vợ chồng hòa thuận, nhưng cũng vô thường, là pháp thế gian như Phật đã nói. Chỉ có Như Lai thường trụ bất diệt.
Vì vậy, thiện nam! Hãy tìm phương tiện lìa các hồ nghi, cần phải tư duy Đức Phật Như Lai là pháp thường trụ.
Lại nữa, thiện nam! Lúc người dân quê nuôi bò sữa ấy, chợt gặp Chuyển Luân Thánh Vương ra đời. Vương pháp chuyển luân cảm đến bò sữa, nhờ sức phước đức, người dân quê ấy thả con bò sữa. Bò được thả rồi, tự nhiên đi đến chỗ thần giữ kho của Chuyển Luân Vương.
Chủ giữ kho biết đây là bò sữa ắt sẽ làm ra năm loại sữa tốt, nhất định là do phước Đức Thánh Vương cảm ứng mà đến. Phật là pháp Vương xuất hiện giữa đời cũng giống y vậy.
Như bò sữa kia, âm thanh thường pháp mà người đời nghe chuyển thành âm thanh thường pháp của Phật, như người dân quê thu phục bò sữa, rồi lại phá tán chẳng được sữa ngon, cuối cùng thả bò, bỏ cả âm thanh thường pháp bò sữa, liền đến trước Phật, giống như đệ tử coi giữ kho báu, đứng trước Như Lai, nhờ sức phước báu của các chúng sinh, khiến thường pháp của bò sữa sinh ra sữa luôn thơm ngon.
Vì vậy, thiện nam! Phải biết Như Lai chính là pháp thường, chẳng phải là pháp thay đổi biến dị, phàm ngu thế gian không thể hiểu được, đều nhờ âm thanh Như Lai thường trụ mà được biết vậy.
Người thế gian kia phải nghĩ như vậy: Âm thanh thường pháp tức là âm thanh thường pháp Như Lai. Từ âm thanh này nên biết Như Lai vô lượng vô biên, không thể suy lường.
Này người thiện nam và người thiện nữ, nếu giữ hai chữ thường trụ của Phật, trải qua nhiều kiếp tinh cần tu tập thì chúng sinh này không bao lâu nữa thành đạo Bồ Đề, Chánh Đẳng Chánh Giác, như ta không khác.
Này thiện nam tử! Hãy gắng cẩn thận, chớ có buông lung, tu hai chữ ấy kiên cố thọ trì. Hôm nay Như Lai sẽ Bát Nê Hoàn. Đây là định pháp của tất cả Phật.
Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn!
Thế nào là pháp?
Pháp có nghĩa gì?
Nguyện xin được nghe thế nào là tính của các pháp ấy?
Phật bảo Ca Diếp: Ông nay muốn nghe pháp tính phải không?
Ca Diếp bạch Phật: Xin Phật nói rộng, con muốn được nghe!
Phật bảo Ca Diếp: Pháp tính nghĩa là xả bỏ thân mạng.
Ca Diếp bạch Phật: Xả bỏ thân mạng?
Nghĩa này càng tăng thêm lòng nghi ngờ.
Phật bảo Ca Diếp: Chớ nên nghĩ rằng Như Lai xả thân liền thụ thân khác.
Ca Diếp bạch Phật: Không hỏi thụ thân.
Phật bảo Ca Diếp: Chớ nên nói rằng các pháp đoạn diệt.
Lại nữa Ca Diếp! Như Trời Phi Tưởng, Cõi Không Sắc Ấm, chúng sinh cõi ấy làm sao để trụ?
Làm sao mà chết?
Làm sao mà hiện?
Tâm tưởng của họ làm sao hồi chuyển?
Là cảnh giới Phật, ông nên thưa hỏi, cũng phải hỏi ta thụ thân nữa không?
Giả sử có người hỏi ông về việc chúng sinh vô tưởng, thân, tâm, trú xứ, thọ lạc thế nào, ông trả lời sao?
Bởi đây chẳng phải cảnh giới của hàng Thanh Văn, Duyên Giác và hàng Bồ Tát, chỉ là cảnh giới Như Lai hành xử.
Lại nữa thiện nam! Thân của Như Lai so với thân của Chúng Trời vô tưởng càng khó biết được.
Không phải cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác và hàng Bồ Tát, làm sao biết được Như Lai ở đâu, xuất hiện thế nào?
Thân của Như Lai là thân phương tiện chẳng thể nghĩ bàn, chẳng phải cảnh giới của ông tri lường.
Này thiện nam tử! Ông ở nơi ta chỉ niệm như vậy: Như Lai thường trụ, pháp, Tăng cũng vậy. Ba ngôi báu này là pháp không bị vô thường chi phối, thường trụ bất biến, thanh lương, chân thật, lìa mọi phiền não, nếu không như vậy thì người thiện nam và kẻ thiện nữ thanh tịnh quy y ắt không thành tựu. Tu tập như vậy là pháp thường trụ không thể nghĩ bàn.
Này thiện nam tử! Thí như có cây thì ắt có bóng, nếu không có cây thì không có bóng. Nếu không thấy cây mà nói thấy bóng là điều không tưởng. Như vậy đã có pháp thường của Phật làm mọi cây lớn che chở chúng sinh, làm chỗ nương tựa cho mọi chúng sinh.
Giả sử Như Lai là pháp vô thường thì không có tên Ứng Cúng Đẳng Giác, làm chỗ nương tựa tối thượng cho hàng Chư Thiên loài người.
Ca Diếp bạch Phật: Dạ thưa Thế Tôn! Như trong đêm tối bóng cây hiện không?
Phật bảo Ca Diếp: Sao không có bóng?
Có bóng vì đã có thân cây này. Thế nhưng không phải mắt thịt chúng sinh mà có thể thấy. Vì vậy phải biết, đã có Như Lai thì là thường trụ, chẳng phải là pháp thay đổi biến dị, chẳng phải là pháp hủy diệt từ từ.
Như bóng cây kia ở trong đêm tối mắt thịt không thấy, Phật Nê Hoàn rồi, thường trụ bất biến, mắt thịt không thấy cũng y như vậy, nên sinh vọng tưởng, đối với Như Lai nghĩ rằng vô thường.
Này thiện nam tử! Nếu cha mẹ ông, tôn trọng quy y nơi Phật, Pháp, Tăng, mà nghĩ vô thường thì sự quy y ấy không thanh tịnh. Ông nay nên lấy ba pháp thường trụ để mà giáo hóa, khuyến khích cha mẹ, khiến cho cha mẹ thành tựu Tam Quy của hàng Bồ Tát.
Ca Diếp bạch Phật: Dạ vâng, Thế Tôn! Từ nay về sau con sẽ vận dụng ba pháp thường trụ là Phật, Pháp, Tăng để khai ngộ cho cha mẹ hiện tại, nhẫn đến bảy đời, đều khiến phụng trì các pháp thường trụ.
Lành thay Thế Tôn! Con sẽ thụ học, giảng rộng cho người ba pháp thườn trụ, nếu họ không nhận lời chân diệu này, phải biết bọn họ bị vô thường che, nhưng con nguyện sẽ mỗi ngày ba lần vì họ dạy dỗ, khiến họ thân cận.
Phật bảo Ca Diếp: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử, hộ trì chánh pháp phải làm như thế, cũng thường tu tập không mất tâm từ, không hại quả ấy liền được thành tựu trí tuệ tự tại, thọ mạng vô cùng như hàng Bồ Tát.
***