Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Hiển, Đời Đông Tấn 
 

PHẨM SÁU

PHẨM THÂN KIM CANG
 

Bấy giờ Thế Tôn lại bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! 

Phải quán như vậy: Thân của Như Lai là thân thường trụ, là thân bất hoại, là thân Kim Cang, chính là pháp thân, chẳng phải là thân thụ thực ô uế.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Con không quán chiếu cái tầm thường đó.

Bởi vì sao vậy?

Nếu nay Như Lai Đại Bát Nê Hoàn thì thân của Ngài là thân hư hoại, là thân bụi đất, là thân thụ dụng thức ăn ô uế. Nếu Đức Như Lai mãi không Nê Hoàn thì con tùy thuận tu quán bình đẳng.

Phật bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! Chớ nói thân ta giống thân người đời, chẳng bền dễ hoại. Trải bao số kiếp đêm dài tăm tối xoay vần sinh tử, thân của Như Lai là thân bất hoại, chẳng phải như thân của những người đời, cũng chẳng như thân của hàng Chư Thiên.

Thân không thụ dụng thức ăn ô uế, là thân phi thân, cũng không sinh diệt, không còn tập khởi, không còn lưu chuyển, không có bờ mé, không còn dấu vết, không trí không hành, bổn tính thanh tịnh, không có sở hữu, không có sở thụ, không đến không đi, không dừng không động, không vị không xúc.

Không thức không tư, không bằng không hơn, không chỗ hướng đến, mà cũng chẳng phải không chỗ hướng đến, vĩnh viễn đoạn diệt, mà cũng chẳng phải là pháp đoạn diệt, chẳng sự chẳng thật, chẳng giác chẳng tưởng, chẳng có bắt đầu, chẳng có kết thúc, chẳng phải kiến lập.

Chẳng phải sung túc, không chỗ tựa nương, chẳng có nhà cửa, chẳng có dừng nghỉ, chẳng có tịch tĩnh, rộng rãi thanh tịnh, lìa mọi phiền não, không còn nắm giữ, cũng không nhiễm trước, không còn tranh chấp, lìa mọi tranh chấp, thường trụ chẳng trụ, không còn lên xuống.

Bởi thân không chết, vừa thân phi pháp, vừa cũng chẳng phải là thân phi pháp, chẳng phải phước điền, mà cũng không phải là chẳng phước điền, không thể cùng tận, chẳng phải Tỳ Kheo, mà cũng không phải chẳng là Tỳ Kheo, xa lìa danh tự, lìa sự khen ngợi, lìa cả nói năng, lìa cả tu tập.

Lìa mọi mong cầu, chẳng phải hòa hợp, mà cũng không phải là không hòa hợp, chẳng còn đo lường, mà cũng không phải là chẳng đo lường, chẳng phải đến nơi, mà cũng không phải là chẳng đến nơi, không phải thông suốt, chẳng còn chướng ngại, không còn hình tướng.

Lìa mọi hình tướng, tướng tướng trang nghiêm, chẳng có giữ gìn, không còn hiện hữu, lìa mọi hiện hữu, thân này có thể làm ruộng phước đức, thật không thể thấy, không thể biểu hiện, như như chân thật, độ mọi chúng sinh, nhưng chẳng chúng sinh để mà cứu độ, giải thoát tất cả mọi loài chúng sinh.

Nhưng cũng chẳng có một chúng sinh nào để mà giải thoát, an tịnh tất cả mọi loài chúng sinh mà thật chẳng có một chúng sinh nào để mà an tịnh, che chở tất cả mọi loài chúng sinh mà chẳng chúng sinh nào được che chở, dạy dỗ chúng sinh nhưng chẳng có hai, không người dạy dỗ và người được dạy.

Thân của Như Lai gọi là Vô Đẳng, hay Vô Đẳng Đẳng, bằng với vô lượng, ngang với hư không, bằng với vô xứ, bằng với vô sinh, bằng vô sở hữu. Thân của Như Lai không gì sánh bằng, lìa mọi so sánh, là thân tịch diệt, nhưng không đoạn dứt, luôn luôn vận hành, kỳ thật rốt ráo không hề chuyển vận, nhiếp thọ hết thảy, đoạn mọi vi diệu, hiện giáo bất nhị không bỏ tự tính.

Thân này chẳng thành, không dài không ngắn, không ấm, giới, nhập, chẳng tướng hữu vi, cũng chẳng vô vi, không cần nuôi lớn, không cao không thấp, chẳng có nhóm chứa, cũng không phải là chẳng có nhóm chứa, chẳng phải là đất, mà cũng không phải là chẳng phải đất.

Công đức như vậy vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn là thân Như Lai, không có ai biết, chẳng có ai thấy, không có ai nói, chẳng người luận bàn, là điều thế gian không thể nhiếp thụ, chẳng có nguyên nhân mà cũng không phải là chẳng nguyên nhân.

Hết thảy vọng tưởng, chấp giữ hình tướng, cùng mọi ngôn thuyết và cả Nê Hoàn cũng không thể nào so sánh pháp thân. Thành tựu công đức vô lượng như vậy thì mới gọi là thân của Như Lai. 

Này ông Ca Diếp, thân tướng Như Lai là cảnh sở tri để hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật nhìn vào hiểu được.

Thành tựu được thân Như Lai như thế chính là pháp thân, không phải là thân thụ thực ô uế, thì làm sao có các bệnh các não và bị hư hoại như đồ đất nung?

Tùy thuận hóa thân, hiện già, bệnh, chết, chứ pháp thân Phật Kim Cang khó hoại.

Này ông Ca Diếp, từ nay trở đi ông phải biết vậy, thân của Như Lai không phải là thân thụ thực ô uế, và vì người khác rộng nói điều này, từ nhân vi diệu sinh làm pháp thân, là thân Kim Cang, là thân thuần thục. Nên biết các pháp thường trụ như vậy.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Công Đức Như Lai đầy đủ như vậy, tại sao còn có bị bệnh và chết?

Từ nay trở đi con quán pháp thân của Đức Như Lai là pháp thường trụ, pháp chẳng đổi khác, vắng lặng tột bậc, và vì người khác rộng nói điều này.

Dạ vâng, Thế Tôn! Pháp thân Như Lai giống như Kim Cang không hề hư hoại nhưng nay chưa biết nhân ấy thế nào?

Phật bảo Ca Diếp: Nhân ấy chính là nhờ vào công đức hộ trì chánh pháp.

Ca Diếp bạch Phật: Thế nào gọi là hộ trì chánh pháp?

Phật bảo Ca Diếp: Hộ trì chánh pháp là những con người không giữ năm giới, cũng không thực hành oai nghi Hiền Thánh, ở trong cuộc đời đầy dẫy tội ác, không tiếc thân mạng cầm những binh khí bảo Hộ Pháp Sư và người trì giới. Những người như vậy gọi là hộ pháp.

Ca Diếp bạch Phật: Vị Tỳ Kheo kia cùng đi cùng đứng với những người đời, cầm giữ binh khí, phải chăng họ chẳng phải là Tỳ Kheo?

Phật nói: Không phải như vậy!

Bồ Tát Ca Diếp lại bạch Phật rằng: Đây phải gọi là hạng cư sĩ trọc! 

Phật bảo Ca Diếp: Chớ nói như vậy.

Bởi vì tại sao?

Nếu có người nào ở riêng một mình, tu hành chín pháp khổ hạnh Đầu Đà, khất thực, ít dục, tĩnh mặc, thiền định, quán thân, kinh hành, cũng vì người khác nói về nhân quả công đức tu tập bố thí trì giới, nhưng không thể nào giảng giải rộng rãi sự không sợ hãi, cũng không thể nào hàng phục người ác, giáo hóa người dối.

Phải biết người này không thể tự độ, cũng chẳng độ tha, chỉ biết tu hành phạm hạnh độc cư, hành thiện mà thôi.

Lại nữa, nếu Tỳ Kheo nào hành pháp đầu đà được sự vô úy, giảng dạy rộng rãi chín Bộ Kinh Điển: Khế Kinh Trường Hàng, Trùng Tụng, Thọ Ký, Thi Kệ, Nhân Duyên, Như Thị Ngữ, Bổn Sinh, Phương Quảng, Vị Tằng Hữu, dùng chín Kinh này giáo hóa chúng sinh, độ mình độ người, lại vì người khác giảng điều cốt yếu từng câu Khế Kinh.

Như nói Kinh kia dạy người xuất gia không được nuôi giữ nô tỳ, trâu, ngựa, các loài súc sinh, không được cất giữ, vật dụng phi pháp. Người nào nuôi giữ thì không đúng pháp của người xuất gia, người ấy phạm giới phải bị trục xuất.

Các người phạm giới nghe nói như vậy, cả bọn nổi giận, hại Pháp Sư kia. Vị Pháp Sư ấy tuy bị mất mạng, nhưng lại có thể độ mình độ người.

Vì vậy, Ca Diếp! Các Ưu Bà Tắc, hoặc Vua, Đại Thần, hộ trì chánh pháp cũng phải hàng phục hạng cư sĩ trọc.

Lại nữa Ca Diếp! Thuở quá khứ xưa, A tăng kỳ kiếp, có Phật ra đời hiệu là Nan Đề Bạc Đàn Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Giác, cũng đã từng ở thành Câu Di này.

Thế Giới lúc ấy rộng lớn trang nghiêm, rất là thanh tịnh, giống như Quốc Độ Cực Lạc phương Tây. Chúng sinh cõi này đều được an lạc, không hề đói khát, thuần chư Bồ Tát. Phật ấy ở đời vô lượng ức kiếp mới nhập Nê Hoàn. Giáo pháp còn trụ ở đời cũng lâu vô lượng ức kiếp. Phật Pháp Ngài giảng hơn bốn mươi năm chưa bị diệt mất.

Bấy giờ có một Tỳ Kheo tên là Phật Độ Đạt Đa xuất hiện ở đời, đại chúng quyến thuộc vây quanh trước sau, thành tựu vô úy, thuyết pháp tự tại, lấy chín Bộ Kinh dạy các Tỳ Kheo: Rằng Khế Kinh nói, không được nuôi dưỡng, nô tỳ, súc sinh, và không cất giữ vật dụng phi pháp. Những người phạm giới liền nổi giận dữ, cùng nhau kết đảng muốn hại Pháp Sư.

Bấy giờ Quốc Vương nước ấy tên là Bà Già Đạt Đa, nghe bọn ác kia muốn hại Pháp Sư, vì muốn hộ pháp liền cầm dao bén, ra sức khổ nhọc đánh trừ bọn ác.

Rồi Vua bị thương, đến chỗ Pháp Sư. Pháp Sư vì Vua nói về công đức của người Hộ Pháp. Vua nghe pháp rồi tức thời mạng chung, sinh về Thế Giới của Phật A Súc.

Bấy giờ quyến thuộc của Vua cùng làm hộ pháp lần lượt mạng chung, đều được vãng sinh về Thế Giới của Đức Phật A Súc. Những người phát tâm tùy hỷ hộ pháp đều được thành tựu đạo quả bồ đề.

Phật Độ Đạt Đa sau đó mạng chung cũng vãng sinh về cõi Phật A Súc và làm đệ tử Thượng Thủ thứ nhất, Quốc Vương Hộ Pháp Bà Già Đạt Đa làm người đệ tử Thượng Thủ thứ hai.

Phật bảo Ca Diếp: Quốc Vương thuở ấy đâu phải ai khác, chính là thân ta. Pháp Sư thuở ấy là Phật Ca Diếp.

Này ông Ca Diếp, phải biết những người hộ trì chánh pháp công đức vô lượng. Ta vốn đã từng không tiếc thân mạng hộ trì chánh pháp nên được pháp thân Kim Cang bất hoại.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Như Thế Tôn dạy, pháp thân Như Lai chân thật thường trụ, không phải là pháp hủy diệt từ từ, lòng con tin sâu như khắc vào đá.

Phật bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! Vì nhân duyên đó, các hàng Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, hàng Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di cần phải siêng năng hộ trì chánh pháp, cũng phải giảng rộng phước báo của người hộ trì chánh pháp.

Lại nữa Ca Diếp! Những vị Pháp Sư trì giới thanh tịnh thường xuyên cảnh giác tự hộ vệ mình, nếu không đủ sức tự phòng hộ mình chớ có manh động mà phải nương nhờ những Ưu Bà Tắc chưa thọ năm giới mà học đại thừa, vì tâm hộ pháp cầm dao, gậy gộc, kết thành bạn lữ.

Bồ Tát Ca Diếp lại bạch Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Ngài đã dạy rằng, cầm giữ dao gậy là phi luật nghi.

Phật bảo Ca Diếp: Ta Nê Hoàn rồi, trong đời ác trược, vì lúa đắt đỏ, bệnh dịch khắp nơi, những người trá hình, tham cầu lợi dưỡng nhiều vô số kể.

Bấy giờ Pháp Sư trì giới giữ luật, oai nghi đầy đủ bị bọn người kia rượt đuổi đánh đập, hoặc hại hoặc giết. Ngay lúc bấy giờ Pháp Sư trì giới đi qua thành ấp, đồng trống hiểm nạn.

Pháp Sư nghĩ rằng: Ta nghe nước ấy Quốc Vương, Đại Thần, Thường Dân, Cư Sĩ, và Chiên Đà La…, không thụ năm giới, có thể hộ pháp, có thể cùng họ kết làm bạn lữ. Những hạng người ấy, tuy không thụ giới nhưng nhờ hộ pháp mà có phước báo công đức vô lượng hơn người thụ giới.

Còn vị Pháp Sư Phụng trì giới hạnh, oai nghi thanh tịnh, vui vẻ tin sâu giáo pháp đại thừa, giảng giải rộng rãi cho người khác nghe có thể xử dụng các thứ cúng dường, hương, dầu, tràng hoa, cùng với Quốc Vương, Đại Thần, Trưởng Giả thay nhau dâng cúng, không để thiếu xót, nhưng không đánh mất pháp hạnh Sa Môn.

Người này xứng đáng gọi là Pháp Sư. Người trì giới là tự thân giữ gìn các pháp chân thật, giống như biển lớn, oai nghi đầy đủ, đó là trì giới.

Lại nữa, người trì giới là không ham khoái lạc, chẳng thích danh dự, chán ghét lợi dưỡng, thường dạy người khác ít muốn biết đủ.

Còn như những kẻ giữ giới mà bị tổn giảm lợi ích của bản thân mình, quyến thuộc không ưa thì không phải là Pháp Sư. Nếu Pháp Sư nào khởi tâm buồn chán với đồ chúng mình, đó là hành động tự hoại quyến thuộc, cũng gọi phá Tăng. Tăng có ba hạng. Hạng Tăng phạm giới, hạng Tăng trẻ con, hạng Tăng thanh tịnh.

Trong ba hạng này, hạng Tăng phạm giới và Tăng trẻ con không phá hoại được hạng Tăng thanh tịnh. Tăng phạm giới là phàm phu ngu độn, theo kẻ phạm giới, chẳng kiểm soát nhau, tham lam ô trược mà cùng hòa hợp, những hạng người này là Tăng phạm giới.

Giả sử tự thân có thể trì giới nhưng vì lợi danh, thường hay lui tới với người phạm giới thì cũng liệt vào hạng Tăng phạm giới. Những hạng Tăng này thường hay thực hành những điều phi pháp.

Ai có khả năng giáo hóa những người làm điều phi pháp gọi là Pháp Sư. Tăng trẻ con là những hạng người thường tỏ ra vô sự, các căn đần độn, ngu si tăm tối, nếu được lợi dưỡng thì cho quyến thuộc, tu tập riêng rẽ, không cùng hòa hợp, đến ngày Tự Tứ, hay ngày Bố Tát cũng không tham dự.

Hạng Tăng trẻ con cùng đồng một hạng những kẻ phạm giới. Ai có khả năng giáo hóa những người ngu muội phi pháp gọi là pháp Sư. Tăng sống thanh tịnh như pháp như luật thì hạng Tăng này trăm ngàn chúng ma, cũng không thể nào phá hoại được họ.

Hàng Tăng Bồ Tát, tính thường thanh tịnh là thầy của hai hạng Tăng phá giới. Tăng trì luật là, khéo léo giáo hóa biết đúng phải thời, biết trọng biết khinh, không bỏ những điều không phải luật nghi, cũng không ngăn cản người giữ giới luật đúng như pháp luật.

Thế nào gọi là khéo léo giáo hóa, biết đúng phải thời?

Những người giáo hóa, hoặc là Bồ Tát hoặc là trẻ con. Nếu là Bồ Tát vì tâm hộ pháp không cần quán sát hợp thời hay là không phải hợp thời, dư hay không dư, hoặc mở hoặc chế, tùy từng trường hợp, tự tại đi đứng qua nơi thôn xóm hay nơi gò mả, vì tâm hộ pháp nên không trái phạm.

Nơi mà Thanh Văn không được đi đến, như nhà kỹ nữ, quả phụ, dâm nữ, hoặc là đồng nữ, thì những nơi đó đều là xứ sở Bồ Tát hộ pháp. Bồ Tát hộ pháp tới lui khắp chốn, suốt cả đêm ngày cũng không lỗi lầm.

Đó là Pháp Sư biết thời giáo hóa. Biết điều trọng là, chẳng hạn một kẻ ngay khi Như Lai đầu tiên chế giới họ đã khởi tâm khinh chê, phạm giới, nhẫn đến phạm phải bốn pháp giới trọng, kẻ đó không được gọi là xuất gia, đó là biết trọng.

Thế nào là khinh?

Là biết Tỳ Kheo mỗi một duyên do phạm vào tội nhẹ, tâm giới cũng nhẹ, hoặc tự nhớ nghĩ theo giới Phật chế, việc phạm không nhiều, đó là biết khinh.

Không bỏ những điều giới luật còn lại, như là nuôi giữ súc vật, nô tỳ, và chứa những vật bất tịnh v.v… với những điều này, nằm ngoài giới luật, cũng không nên bỏ, phải thường giữ mình, không muốn tranh chấp với người phá giới.

Dù những điều đó không phải giới luật nhưng không được bỏ, bởi tuy không phải là giới luật nói, nhưng còn trong Kinh nói giống giới luật, cho nên gọi đó chính là giới luật, nên không được bỏ. Hiểu trên ngôn thuyết, là chấp câu văn, không hiểu nghĩa chữ.

Nếu có thể hiểu tất cả những gì Chư Phật ba đời đã nói trong Kinh mà tâm không hề một chút hoảng sợ, lại hay thọ trì diệu nghĩa vô lượng rộng lớn thâm sâu mà Phật đã dạy liền thành Pháp Vương chẳng thể nghĩ bàn của Đức Như Lai.

Bấy giờ Bồ Tát Ca Diếp bạch Phật: Dạ vâng, Thế Tôn! Như Lai là Đấng Pháp Vương Vô Thượng, không thể nghĩ bàn. Như Lai là pháp thường trụ không đổi. Con sẽ phụng trì và giảng giải rộng cho người khác nghe.

Phật bảo Ca Diếp: Lành thay! Lành thay! Ca Diếp phụng trì pháp thân Kim Cang không hề biến hoại. Muốn học bình đẳng quán thân Như Lai phải tu pháp quán Kim Cang bất hoại. Bậc Đại Bồ Tát tu hành như vậy liền được đẳng quán, pháp thân vô thượng.

***