Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn ​​​​​​​ - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Kiên Cố

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

HỘI THỨ BỐN
 

PHẨM HAI MƯƠI BẢY

PHẨM KIÊN CỐ
 

PHẦN HAI 
 

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát nào có thể trụ bát nhã Ba la mật đa sâu xa như vậy thì được các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới trong mười phương với các chúng Bí Sô vây quanh trước sau đang tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa và ở giữa đại chúng tự nhiên hoan hỷ khen ngợi, tán thán danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức của Đại Bồ Tát này. Đó là công đức chơn tịnh của sự an trụ bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Thiện Hiện nên biết! Như Ta ngày nay ngự giữa đại chúng tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho mọi người, tự nhiên hoan hỷ khen ngợi, tán thán các Đại Bồ Tát, như Đại Bồ Tát Bảo Tràng v.v… và các Đại Bồ Tát với danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức đang trụ vào bát nhã Ba la mật đa sâu xa tịnh tu phạm hạnh, ở Cõi Phật Bất Động. Đó là công đức chơn tịnh của sự an trú bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Tất cả các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới hiện tại trong mười phương tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho đại chúng, ở đó cũng có các Đại Bồ Tát tịnh tu phạm hạnh, không lìa bát nhã Ba la mật đa.

Các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác kia đều ở giữa đại chúng tự nhiên hoan hỷ khen ngợi, tán thán danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức của Đại Bồ Tát kia. Đó gọi là công đức chơn tịnh không lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Bấy giờ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Khi tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho đại chúng, đều ở giữa đại chúng tự nhiên hoan hỷ khen ngợi, tán thán danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức của tất cả chúng Đại Bồ Tát. 

Vì sao?

Phật dạy: Chẳng phải vậy, chẳng phải khi các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho đại chúng, đều ở giữa đại chúng tự nhiên hoan hỷ khen, tán thán danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức của tất cả chúng Đại Bồ Tát.

Thiện Hiện nên biết! Có Đại Bồ Tát đã được Bất Thối Chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thực hành phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa sâu xa, Đại Bồ Tát này được các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khi tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho đại chúng, ở giữa đại chúng tự nhiên hoan hỷ khen ngợi, tán thán danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức của vị đó.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có chúng Đại Bồ Tát nào chưa được Bất Thối Chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề mà được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khi tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho đại chúng mà tự nhiên ở giữa chúng hoan hỷ khen ngợi, tán thán danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức của đại chúng không?

Phật dạy: Cũng có. Nghĩa là có chúng Đại Bồ Tát tuy chưa được bất thối chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nhưng tu học phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa thì Đại Bồ Tát này cũng được Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khi tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho đại chúng, tự nhiên hoan hỷ khen ngợi, tán thán danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức của vị ấy giữa đại chúng.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người được nói đến đó là Đại Bồ Tát nào?

Phật Bảo Thiện Hiện: Có các chúng Đại Bồ Tát khi theo Phật Bất Ðộng làm Bồ Tát để học theo sự tu và sự thực hành, tu hành phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa.

Đại Bồ Tát này tuy chưa được Bất Thối Chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nhưng được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khi tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho đại chúng, tự nhiên hoan hỷ khen ngợi, tán thán danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức của vị ấy giữa chúng.

Lại có chúng Đại Bồ Tát theo Đại Bồ Tát Bảo Tràng v.v… để học theo sự tu, sự thực hành, tu hành phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa.

Các Đại Bồ Tát này tuy chưa được Bất Thối Chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nhưng được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khi tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho đại chúng, tự nhiên hoan hỷ khen ngợi, tán thán danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức của vị ấy giữa đại chúng.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, ngay nơi tánh vô sanh của tất cả pháp tuy rất tin hiểu nhưng chưa chứng đắc vô sanh pháp nhẫn. Tuy rất tin hiểu tánh của tất cả pháp hoàn toàn vắng lặng nhưng chưa được nhập vào địa vị bất thối chuyển.

Nhưng Đại Bồ Tát này đã trụ phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa nên cũng được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khi tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho đại chúng, tự nhiên hoan hỷ khen ngợi, tán thán danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức của vị ấy giữa đại chúng.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát nào được các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khi tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa cho đại chúng, tự nhiên hoan hỷ khen ngợi, tán thán danh tự, dòng họ, sắc tướng, công đức của vị ấy giữa đại chúng, thì Đại Bồ Tát này vượt qua địa vị của các Thanh Văn, Độc Giác, gần được thọ ký không thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát này tu hành phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa, chắc chắn sẽ an trụ địa vị bất thối chuyển, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát nào nghe thuyết về nghĩa thú của bát nhã Ba la mật đa sâu xa, hết lòng tin hiểu, không nghi ngờ, không hoang mang, chỉ nghĩ: Nghĩa thú sâu xa của bát nhã Ba la mật đa như Phật đã dạy, tất nhiên quyết định không điên đảo.

Đại Bồ Tát này nên nghĩ: Ta đối với nghĩa thú sâu xa của bát nhã Ba la mật đa hết lòng tin hiểu chắc chắn rồi, ngay nơi đây hoặc ở chỗ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác Bất Động và chỗ các Đại Bồ Tát nghe tất cả bát nhã Ba la mật đa, đối với nghĩa thú sâu xa hết lòng tin hiểu. Tin hiểu rồi siêng năng tu phạm hạnh, sẽ được địa vị Bất Thối Chuyển. Trụ địa vị này rồi mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát nào chỉ nghe bát nhã Ba la mật đa sâu xa như vậy còn được vô biên công đức lợi ích thù thắng, huống là hết lòng tin hiểu và tu hành đúng như lời dạy, buộc niệm tư duy về nghĩa thú sâu xa thì Đại Bồ Tát này an trụ chân như, gần trí nhất thiết, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, sẽ tuyên thuyết pháp yếu cho các hữu tình.

Bấy giờ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp nào lìa chân như thì không đắc được.

Vậy thì nói pháp nào an trụ chân như?

Lại nói ai là người có thể gần trí nhất thiết, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?

Người nào sẽ vì người nào và thuyết pháp yếu nào?

Phật Bảo Thiện Hiện: Ông hỏi: Pháp nào lìa chân như không đắc được, thì nói pháp nào an trụ chân như?

Lại nói ai là người gần trí nhất thiết, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?

Người nào sẽ vì người nào và thuyết pháp nào?

Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói. Pháp lìa chân như hoàn toàn không thể đắc, như thế thì làm sao có thể nói pháp trụ chân như.

Thiện Hiện! Chân như còn không thể đắc, huống là có pháp trụ chân như và làm sao lại có người có thể gần trí nhất thiết, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?

Và làm sao lại có người có thể vì người khác thuyết pháp.

Thiện Hiện nên biết! Chân như không thể tự trụ chân như, vì trong đây hoàn toàn không có người trụ, sự trụ, nên chân như không thể gần trí nhất thiết. Vì trong đây hoàn toàn không có người gần và sự gần, nên chân như không thể chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Vì trong đây hoàn toàn không có tánh sai biệt giữa người chứng đắc và sự chứng đắc. Chân như không thể vì người thuyết pháp, vì trong đây hoàn toàn không có người thuyết, sự thuyết vậy.

Vì thuận theo thế tục nên nói có Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, an trụ chân như, gần trí nhất thiết, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề và tuyên thuyết pháp yếu cho các hữu tình.

Khi ấy, Trời Ðế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nghĩa thú bát nhã Ba la mật đa sâu xa, rất khó tin hiểu như vậy. Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa tuy biết các pháp đều bất khả đắc nhưng vẫn cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, muốn tuyên thuyết pháp yếu cho các hữu tình là việc làm rất khó.

Vì sao?

Vì nhất định không có pháp có thể trụ chân như, cũng không có pháp có thể gần trí nhất thiết, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Cũng không có người có thể tuyên thuyết pháp yếu nhưng các Bồ Tát nghe việc như vậy mà tâm không chìm đắm, không nghi, không ngờ, không kinh, không sợ, cũng không hoang mang… thì những việc như vậy thật là hiếm có.

Khi ấy, Thiện Hiện bảo Trời Ðế Thích: Này Kiều Thi Ca! Như lời ông nói, các chúng Bồ Tát nghe pháp sâu xa, tâm không chìm đắm, không nghi ngờ, không kinh, không sợ, cũng không hoang mang để cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, muốn tuyên thuyết pháp yếu cho các hữu tình là việc làm rất khó, thật hiếm có.

Kiều Thi Ca! Các Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, quán các pháp đều không, hoàn toàn không sở hữu, thì ai chìm, ai đắm, ai nghi, ai ngờ, ai kinh, ai sợ, ai hoang mang?

Thế nên việc này chưa phải là hiếm có, nhưng vì hữu tình ngu si điên đảo, chẳng thể thông đạt được các pháp đều không, nên cầu Bồ Đề, muốn tuyên thuyết phương tiện thiện xảo thì chẳng phải quá khó.

Trời Ðế Thích thưa: Tôn Giả Thiện Hiện! Những điều Tôn Giả nói ra đều y vào không, thế nên những lời nói ra thường không ngăn ngại. Như có người lấy mũi tên, ngữa mặt bắn lên hư không, hoặc xa hoặc gần đều không ngăn ngại. Những lời Tôn Giả nói ra cũng như vậy, hoặc sâu, hoặc cạn, tất cả đều y vào không.

Trong sự việc ấy, ai có thể dám gây trở ngại?

Khi ấy, Trời Ðế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những gì con cùng Tôn Giả Thiện Hiện đã luận bàn là thuận thật ngữ, pháp ngữ của Như Lai.

Ngay nơi pháp tùy pháp là nói đúng, phải không?

Thế Tôn bảo Trời Ðế Thích: Những sự luận bàn của ông và Thiện Hiện đều thuận với thật ngữ, pháp ngữ của Như Lai. Ngay nơi pháp tùy pháp là lời nói không điên đảo.

Vì sao?

Kiều Thi Ca! Vì cụ thọ Thiện Hiện có biện tài y vào không mà trình bày được.

Vì sao?

Vì cụ thọ Thiện Hiện quán sát thấy tất cả pháp đều hoàn toàn không: Bát Nhã Ba la mật đa sâu xa còn chẳng đắc, huống là có người thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật còn chẳng đắc, huống là có người chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Trí nhất thiết còn chẳng đắc, huống là có người chứng đắc trí nhất thiết.

Chân như còn chẳng đắc, huống là có người đắc chân như, thành Như Lai.

Tánh vô sanh còn chẳng đắc, huống là có người chứng đắc tánh vô sanh.

Bồ Đề còn chẳng đắc, huống là có người chứng đắc Bồ Đề của Phật.

Mười lực còn chẳng đắc, huống là có người thành tựu mười lực.

Bốn điều không sợ còn chẳng đắc, huống là có người thành tựu bốn điều không sợ.

Các pháp còn chẳng đắc, huống là có người thuyết pháp.

Vì sao?

Này Kiều Thi Ca! Vì cụ thọ Thiện Hiện đối với tất cả pháp trụ, trụ viễn ly. Đối với tất cả pháp trụ, trụ vô sở đắc. Quán tất cả pháp hoàn toàn không. Sự hành, người hành v.v… đều bất khả đắc vậy.

Kiều Thi Ca! Cụ thọ Thiện Hiện đối với tất cả pháp trụ, trụ viễn ly, trụ vô sở đắc, so với hành trụ vi diệu của các chúng Đại Bồ Tát đã trụ bát nhã Ba la mật đa thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, cho đến vô số cực phần cũng không bằng một.

Vì sao?

Này Kiều Thi Ca! Vì sự an trú vào hạnh vi diệu bát nhã Ba la mật đa của các chúng Đại Bồ Tát này đã trụ, trừ sự an trụ của Như Lai. Đối với các trụ của các Bồ Tát, Độc Giác và Thanh Văn khác là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu là vi diệu, là thượng, là vô thượng.

Vì vậy nên, Kiều Thi Ca! Những Đại Bồ Tát nào muốn đối với tất cả hữu tình là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng trong chúng thì phải trụ hạnh trụ vi diệu của bát nhã Ba la mật đa, không được tạm rời bỏ.

***